Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 21/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Trong tiếng đất rì rầm

TCCV Online - Chúng tôi đến với dòng Thạch Hãn một chiều muộn. Dòng sông yên bình lặng lẽ tương phản với ánh mặt trời đỏ như máu ở phía trời xa. Thạch Hãn, con sông mang trong mình bao đau thương của chiến tranh đây ư? Tôi đứng lặng bên dòng sông để mường tượng ra quang cảnh của hơn bốn mươi năm về trước. “Mùa hè đỏ lửa 1972”, “dòng sông máu”, “đồi thịt băm”... những cụm từ chỉ cần nhắc đến đã đủ gợi những đau thương. Dòng Thạch Hãn là con đường tiếp viện cho Thành Cổ Quảng Trị, dòng sông yên bình giữa miền Trung nắng gió đã trở thành nguồn nước bỏng rẫy máu và nước mắt. Nếu nói một con sông mang trong mình nhiều bi thương nhất của chiến tranh thì có lẽ không đâu bằng nơi này. Chiến tranh tàn nhẫn, chiến tranh không chừa một ai. Tôi đã nhìn thấy những giọt máu đỏ như rơi xuống ở tượng đài tưởng niệm trung đội Mai Quốc Ca bên dòng Thạch Hãn. Những giọt máu ấy, không phải biểu tượng mà là sự thật, là nỗi đau xương máu. Nỗi buồn lạnh buốt như người ra đi không biết liệu có ngày trở về. Dòng sông lặng lẽ xuôi đi, Thạch Hãn không lớn, không dữ dội mà mang một khúc bi tráng sâu thẳm. Con sông bây giờ chảy êm đềm nhưng ở đáy sâu, dưới những lớp phù sa mịn màng vẫn còn nhiều liệt sĩ đang nằm lại. Dòng Thạch Hãn không còn sục sôi tiếng bom rơi, đạn réo nữa nhưng trong thẳm sâu lòng mình vẫn còn bao tiếng rì rầm từ quá khứ vọng về. Mỗi tấc đất, cây cỏ ở đây đều có dấu vết của các anh, mỗi bước chân đi qua đều gắng nhẹ nhàng nhưng vẫn không yên lòng, cả vùng đất như đắm chìm vào một không gian tĩnh lặng của hồi tưởng, những kí ức chiến tranh…

Trong ánh hoàng hôn chiều hạ, như một sự tình cờ, chúng tôi thấy hai bóng người đang thẫn thờ nhìn xuống dòng Thạch Hãn. Đó là anh Võ Sĩ Dũng, người thương binh, chiến sĩ Sư 320, giúp người đồng đội của mình xuống bậc đá sát mép dòng sông. Người ngồi trên xe lăn là anh Nguyễn Xuân Tùng, cựu binh của Sư 339, thương binh hạng đặc biệt trở về từ mặt trận Tây Nam bên nước bạn Campuchia. Hai người đang đến thăm những đồng đội không may mắn bên dòng Thạch Hãn. Các anh bị thương ngoài chiến trường còn được trở về nhưng rất nhiều đồng đội khác đã vĩnh viễn nằm lại dưới đáy sông. Người còn sống thắp nén nhang cho người đã mất. Trên khuôn mặt các anh, vẫn thấy nỗi đau ngày chiến còn vảng vất. Lúc thấy rõ, lúc thì lẩn khuất như vô hình.

Anh Võ Sĩ Dũng bị mất cánh tay phải vào ngày 27/4/1975, chỉ ba hôm trước khi giải phóng Sài Gòn. Khi đó anh làm vệ binh cho thủ trưởng tiền trạm trước trận đánh vào sân bay Biên Hòa. Nhóm của anh rơi vào một ổ phục kích, hai bên đấu súng, tay phải của anh dính đạn, cánh tay lủng lẳng rất khó di chuyển. Sợ ảnh hưởng đến nhiệm vụ của cả nhóm, anh đã dùng con dao găm mang bên mình, nhờ đồng đội giữ hộ, nén đau, tự cắt bỏ…

Người bạn đi cùng, anh Nguyễn Xuân Tùng bị thương trong một hoàn cảnh khác. Khi trung đội trinh sát của anh đang truy kích tàn quân Khơ Me đỏ trong một cách rừng Campuchia rậm rạp thì bất ngờ gặp phải ổ phục kích của địch. Cuộc chiến đấu hết sức cam go, năm đồng chí trong trung đội trinh sát bị thương, hai người hi sinh vì vết thương quá nặng. Anh Tùng bị mất cả hai chân và nhiều vết thương khác trên mình, anh được đưa trở về đoàn an dưỡng Bình Trị Thiên cũ. Và như một câu chuyện cổ tích thời hiện đại người ta vẫn kể, anh đã gặp cô Tấm của đời mình. Đó là chị Lê Thị Hoa, người phụ nữ trực tiếp chăm sóc anh ở trại an dưỡng, lo từng giấc ngủ, bữa ăn cho các anh, kể những câu chuyện vui tươi để các anh yên lòng. Tình cảm đã dần dần nảy nở, cô điều dưỡng, bất chấp những thương tật anh đang mang trên mình, thông cảm và yêu thương anh hết lòng. Lúc nắng gió trở trời, những vết thương trong người anh đau nhức, cốc nước ấm, chiếc khăn mát, những lời vỗ về, yêu thương của chị là liều thuốc tiên vô giá. Anh chị đã làm lễ cưới luôn trong trại an dưỡng. Câu chuyện đẹp như cổ tích ấy đã nở hoa kết trái thành những đứa con ngoan, hiếu thảo. Khi kể về người vợ hiền của mình, giọng anh xúc động hẳn, anh bảo chính người vợ đảm đang, yêu thương anh hết mực là nguồn lực chính giúp anh vượt qua những lúc khó khăn nhất của cuộc đời mình...

Với anh Võ Sĩ Dũng, sau khi xuất ngũ, anh lại tiếp tục xây dựng ước mơ từ hồi trước khi vào quân ngũ, anh đi học đại học và trở thành một chuyên gia trong ngành xây dựng. Người thương binh mất một tay nhưng vẫn góp phần xây dựng những ngôi nhà cao tầng làm giàu đẹp cho quê hương. Anh bảo chiến tranh có thể lấy đi một phần thân thể của các anh nhưng những hoài bão, khát vọng thì chiến tranh, bom đạn không bao giờ cướp đi nổi…

Hai người đồng đội thân thiết với nhau trong nhiều năm đang cùng nhau ngắm dòng Thạch Hãn. Mặt trời chói sáng vẫn chưa rút vào màn đêm. Hai anh đi xuống mép bờ sông, trên khuôn mặt các anh vừa có vẻ phấn khởi, mừng vui của một bầu trời mới, vừa có nét khắc khổ suy tư của một quá khứ thương đau. Chiều bên dòng Thạch Hãn đang sẫm dần, chúng tôi nghe đâu đây một tiếng chuông rền vọng đến, trong thanh âm của gió, tôi lắng nghe thật kĩ, một nét trầm buồn mênh mang đang tỏa khắp triền sông…

Lịch sử luôn có những sự lựa chọn của riêng nó, cũng như không ai có thể tự chọn quê hương cho riêng mình. Mảnh đất Quảng Trị nắng gió có hai con sông mang đầy những thăng trầm lịch sử. Sông Bến Hải phân chia giới tuyến Bắc - Nam; và sông Thạch Hãn được biết đến vì khúc ca bi tráng của mình.

Đã nghe kể nhiều về Thành cổ Quảng Trị, nhưng khi bước đi trong khoảng không tĩnh lặng ở đây, tôi vẫn không khỏi bồi hồi về sự ác liệt và tàn khốc của chiến tranh. Một không gian mang vẻ rợn ngợp của quá khứ quá nhiều đau thương. Những đoạn tường thành còn sót lại hoen màu gạch như những vết thương không bao giờ liền sẹo. Nhiều người nói rằng cỏ ở Thành cổ xanh hơn cỏ nơi khác, đất Thành Cổ linh thiêng hơn nơi khác vì dưới màu xanh non tơ của cỏ, màu xám chì của đất là biết bao là máu xương của các anh hùng liệt sĩ. Đứng trước không gian linh thiêng, bi tráng, lòng người từ phương xa như chìm đắm vào một thế giới khác biệt... Từ Bảo tàng Quân khu Bốn cho đến Bảo tàng Thành Cổ Quảng Trị, chúng tôi đã được xem nhiều di vật của các liệt sĩ, nghe những câu chuyện cảm động về các anh. Những chiếc bút máy kim tinh bợt màu, những chiếc lược làm bằng mảnh nhôm máy bay đã ôxi hóa vì thời gian, đôi dép cao su mòn gót, những quyển nhật kí ố vàng và đặc biệt là những bức thư viết vội. Chúng tôi đã gần như không cầm nước mắt khi đọc lá thư của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh gửi về cho gia đình và người vợ mới cưới của mình là chị Đặng Thị Xơ. Anh Huỳnh trước khi nhập ngũ là sinh viên năm thứ tư Trường Đại học Xây dựng Hà Nội. Đã đành hi sinh xương máu cho Tổ quốc thì không tiếc đời, đã đành vì nghĩa lớn thì bỏ qua điều nhỏ nhặt, nhưng khi linh cảm rằng mình khó qua được cuộc chiến này, lòng các anh đã thanh thản thế nào. Đây là đoạn anh viết cho mẹ mình:

“Quảng Trị ngày 11/9/1972

Mẹ kính mến!

Lớn lên trong tay mẹ từ khi còn trứng nước, chưa đền đáp được công ơn to lớn đó của mẹ thì đứa con út của mẹ đã phải đi thăm bố con rồi. Thư này tới tay mẹ chắc mẹ buồn lắm. Lòng mang nặng đẻ đau, giọt máu đào hơn ao nước lã, lá vàng còn ở trên cây - lá xanh rụng xuống trời ơi hỡi trời. Con của mẹ đã đi xa để lại cho mẹ nỗi buồn nhất trên đời. Con rất hiểu đời mẹ đã khổ nhiều, nay bao hi vọng nuôi con khôn lớn, song vì đất nước có chiến tranh, thì mẹ ơi hãy lau nước mắt cho đời trẻ lâu, sống đến ngày đón mừng chiến thắng. Con đi, mẹ ở lại trăm tuổi bạc đầu, coi như con lúc nào cũng nằm bên mẹ, mẹ đừng buồn cho linh hồn con được thoải mái ra đi. Bố con đã đi xa để lại cho mẹ biết bao khó nhọc, nay con đã đến ngày khôn lớn thì… Thôi nhé mẹ đừng buồn, coi như con đã sống trọn đời cho Tổ Quốc mai sau.”

Đoạn anh viết cho người vợ yêu:

“Em yêu thương!

Anh biết em sẽ không đọc nổi lá thư này vì biết bao nỗi buồn đang đè nặng lên tấm thân người con gái trẻ tuổi như em. Chúng ta sống với nhau chưa được bao lâu, thì chiến tranh đã cướp đi của em biết bao yêu thương, trìu mến. Người ta lấy chồng thì được chiều chuộng mọi điều. Em chưa được hưởng diễm phúc ấy đã phải xa anh... Nhưng em ơi hãy bình tĩnh làm theo lời anh căn dặn, còn ngày anh đi xa là ngày anh đề ngoài phong bì mà nhờ bạn anh gửi giúp. Em sẽ đọc thư này cho mọi người trong gia đình nghe trong buổi lễ truy điệu anh. Cho anh gửi lời chúc sức khoẻ tất cả những người quen thuộc trên quê hương trong buổi lễ truy điệu lịch sử này. Thôi nhé em đừng buồn, khi được sống trong hoà bình hãy nhớ tới lòng anh.”

Đó là những liệt sĩ được xác nhận danh tính từ sớm nhưng cũng có những người hành trình về với gia đình còn phải trải qua rất nhiều thời gian, buồn đau và nước mắt. Đó là trường hợp liệt sĩ Lê Binh Chủng quê ở Quỳnh Lưu, Nghệ An, chính trị viên phó Tiểu đoàn 3, tỉnh đội Quảng Trị. Khi làm lại đường ống nước ở phía Tây Thành Cổ, đơn vị thi công đã phát hiện ra một ngôi hầm chữ A bị đánh sập, cả 5 liệt sĩ đang ngồi trong tư thế bó gối tránh bom. Trong năm liệt sĩ trong hầm, chỉ có Lê Binh Chủng là xác định được danh tính vì những giấy tờ để lại, còn bốn liệt sĩ kia vẫn chưa tìm thấy tên. Qua những di vật, mọi người mới biết rằng, khi qua xã Đông Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình, anh Chủng đã làm quen và yêu chị Phạm Thị Biển Khơi. Được đơn vị ủng hộ và làm lễ cưới cho hai người, khi anh Chủng vào chiến trường Quảng Trị thì vợ anh đã mang trong mình giọt máu của anh. Được tin anh hi sinh, chị Khơi đã bế con về quê nội để nhận họ hàng nhưng bị gia đình anh từ chối, vì chiến tranh loạn lạc, gấp gáp, anh Chủng chưa kịp báo tin về nhà, bố mẹ anh không hề biết con trai mình đã cưới vợ và có con… Đến tận ba mươi năm sau, khi đồng đội tìm thấy anh, đọc những lá thư anh chị gửi cho nhau, đứa con trai của anh mới được công nhận là con liệt sĩ và họ hàng khi ấy mới được sum vầy...

Nhưng anh Chủng vẫn còn là trong những người may mắn vì tìm được tên tuổi và hài cốt. Theo một khảo sát chính thức thì chỉ tính riêng Quân khu Bốn vẫn còn khoảng ba ngàn liệt sĩ chưa được tìm thấy. Các anh vẫn còn nằm lại đâu đó trong những khu rừng, dưới những dòng sông hoặc trên những mỏm đồi xa vắng... Trong đêm đầu tiên ngủ lại Quảng Trị, những hình ảnh về sông Thạch Hãn, Thành Cổ Quảng Trị, những người đã gặp, những chuyện đã nghe khiến tôi thao thức. Hình như trong mỗi tấc đất ở nơi khói lửa này luôn chứa chất một điều gì đó vọng tưởng linh thiêng, trong đầu tôi bất chợt vẳng đến những câu thơ của nhà thơ Nguyễn Đình Thi:Nước chúng ta/ Nước của những người chưa bao giờ khuất/ Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất/ Những buổi ngày xưa vọng nói về… Và để sáng mai chúng tôi sẽ đến thăm nơi yên nghỉ của các anh ở nơi vĩnh hằng.

Chúng tôi đến Nghĩa trang Đường 9, Nghĩa trang Trường Sơn trong một chiều xanh vời vợi, con đường xe đi qua những địa danh mà chỉ cần nhắc tên cũng đủ làm xao động bất cứ ai từng biết về chiến tranh: Đường 9, Cồn Tiên - Dốc Miếu, Gio Linh… những cái tên đã găm vào kí ức lịch sử với những quãng  khốc liệt nhất. Đường qua Cồn Tiên, Dốc Miếu bây giờ bạt ngàn những những rừng keo xanh mướt; hình như ở nơi nào càng nhiều đau thương mất mát thì nơi ấy màu xanh và khát vọng vươn lên càng mãnh liệt. Ở Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9 chúng tôi nhìn thấy một đàn bồ câu trắng đang nhẩn nha chơi đùa bên cạnh tượng đài liệt sĩ, những cây hoa đại khẳng khiu nở trắng xóa rơi xuống những nấm mồ liệt sĩ; còn Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn thì ẩn mình trong màu xanh thẫm của rừng, không gian vi vút tiếng chim hòa cùng gió đại ngàn từ vùng thượng nguồn sông Bến Hải thổi đến.

Quảng Trị có bảy hai nghĩa trang lớn nhỏ, nghĩa trang nào cũng mang nặng một nỗi suy tư về chiến tranh. Còn rất nhiều ngôi mộ chưa có tên, những đồng đội còn sống vẫn còn đang đau đáu vì hồn cốt các anh vẫn chưa được đặt tên, nhận mặt. Và việc đi tìm nơi các liệt sĩ đã ngã xuống, tìm ra tên các anh là một câu chuyện đầy gian khó. Đồng đội đánh dấu nơi các anh nằm bằng một hòn đá, tấm bia, cành cây... nhưng qua thời gian và chiến tranh, hòn đá, tấm bia, cành cây đã bị xóa dấu vết. Và có cả những điều không ai nghĩ tới: Một cành tre đánh dấu nơi yên nghỉ của các anh sau bao nhiêu năm, đã thành một cánh rừng tre bát ngát xanh. Câu chuyện này giống như một biểu tượng kì diệu về thời gian và sức trường tồn. Có ai dám nghĩ rằng một cành tre  gầy guộc trải qua bao khắc nghiệt của thời gian, bom đạn cày phá sẽ nảy nở thành khu rừng cành lá sum suê hay chính hồn cốt, máu thịt của các anh dưới lòng đất đã không chịu phong hóa với thời gian phủ bụi. Cánh rừng tre đó mọc lên xanh tốt, được nuôi dưỡng từ đất mẹ, từ sự cồn cào của linh hồn các anh muốn trở lại với đời…

Nghĩa trang Trường Sơn có một không khí thâm u hơn hẳn những nghĩa trang khác, hẳn là vì nơi đây yên nghỉ hơn một vạn liệt sĩ từ các chiến trường Campuchia, Lào và bộ đội Trường Sơn. Trong không gian đầy linh thiêng, tôi đã áp tai lên mặt đất. Có tiếng vọng ở đâu đó dội tới và giữa thâm u của rừng núi, một thanh âm rất lạ vọng lên. Không phải tiếng rỉ ri của giun dế, không phải tiếng xào xạc của lá cây mà là một thứ hoàn toàn khác, nó da diết, âm ỉ và đầy những hoài tưởng của thời gian… Những bức tượng đá đặt ở cửa đài tưởng niệm đã bắt đầu lên dấu mốc thời gian, ngoài vẻ tài hoa của người nghệ sĩ khắc họa chân dung người lính, tôi có cảm giác rằng linh hồn, thân xác các liệt sĩ đã nhập vào đây vì những bức phù điêu rất sống động, có hồn; có lúc thảng thốt, tôi đã nghĩ rằng đó không phải các bức tượng đá mà là những sinh linh đang quan sát chúng tôi... Bác Hồ Đức Ái, Trưởng ban quản lí nghĩa trang, một cựu lính trinh sát đặc công, người đã làm việc ở Nghĩa trang Trường Sơn gần hai mươi năm đã kể cho chúng tôi nghe nhiều câu chuyện cảm động về những linh hồn liệt sĩ trú ngụ và hiển hiện nơi đây. Ví như có lần, một người phụ nữ đứng tuổi đến thăm, khi đến cửa nghĩa trang người đàn bà bỗng thay đổi tâm tính. Chị ta bò vào và xin thuốc lá hút. Rồi người phụ ấy leo tót lên một cây cao và cứ vắt vẻo trên đó giống hệt một anh lính trẻ nghịch ngợm tuổi đôi mươi. Cho đến tận khi được khuyên bảo rằng đã biết đồng đội giỏi leo trèo rồi, hãy xuống để mọi người khỏi lo lắng thì người đàn bà đó mới chịu xuống. Còn những chuyện nghe thấy tiếng nói cười, đàn hát, đi tập thể dục, tiếng bước chân hành quân của các anh thì nhiều lắm. Chị Trần Thị Thê, người đã từng làm trong nghĩa trang hơn hai mươi năm kể rằng, khi các chị mới lên đây làm việc, đêm đêm nghe thấy những tiếng nói cười của các anh, chị cũng rất sợ, nhưng sau rồi quen dần và mọi người tin rằng ở dưới đấy các anh vẫn có những sinh hoạt tập thể và tâm tính như bình thường. Những ngày rằm, mùng một, Ban quản lí nghĩa trang đều cung kính thắp hương, khấn vái trước linh hồn các anh và nhiều lần họ cảm nhận được các anh trở về để nhận những tình cảm, tri ân của đồng đội...

Những chuyện đó không phải là ảo giác hay trí tưởng tượng, nếu sống trong một không gian đặc biệt và trang nghiêm như thế, bất cứ ai cũng sẽ có lúc cảm nhận và có niềm tin như thế. Những liệt sĩ đã quên mình vì Tổ quốc, thân xác các anh, các chị có thể mất đi nhưng linh hồn và khát vọng thì không bao giờ mất; không chỉ ở trong những nghĩa trang đàng hoàng thế này mà ở bất cứ đâu, trong những cánh rừng đại ngàn, dưới những dòng sông hoặc trên những cánh đồng, các anh vẫn tồn tại, được lưu nhớ và biết ơn trong vùng kí ức những người còn sống. Lòng đất lúc nào cũng vang vọng tiếng rì rầm của các anh từ đất mẹ trở về... 

U.T
 Nguồn Tạp chí VNQĐ

Uông Triều
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 279 tháng 12/2017

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

22/04

25° - 27°

Mưa

23/04

24° - 26°

Mưa

24/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground