Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Đông Hà phồn thịnh qua một góc nhìn

Có nhiều duyên cớ mà tôi khao khát tìm về chợ Đông Hà. Nhưng có lẽ sự cuốn hút âm thầm nhất, day dứt nhất bắt nguồn từ bài hát Nhịp chèo sông Hiếu của nhạc sĩ Trần Tích. Bài hát được sáng tác sau những năm Đông Hà giải phóng với những ca từ sâu lắng, lay động tâm tư. Lời ca đi cùng năm tháng, gợi lên một miền quê sông nước hữu tình, trên bến dưới thuyền cùng những dòng người nườm nượp ngược xuôi đến Đông Hà, về với chợ mang theo những sản vật từ vùng lạch Cửa Việt lên, từ miền núi về, từ các miền quê vùng đồng bằng đôi bên bờ sông đến… Lời bài hát cứ ngân nga trong sâu thẳm lòng tôi, sao mà thương mà nhớ, như giọng mời thiết tha: “Em chèo thuyền đi, anh nghe chăng tiếng gọi năm nào. Dòng sông xanh nước biếc, thuyền em xuôi Cửa Việt, thuyền em đến Ba Lòng… Dòng sông Hiếu trong xanh, luồng điện sáng lung linh, cho em qua nhịp cầu Đông Hà…”

Lời ca trải dài theo sông nước, cứ thao thức trong tâm tưởng, khiến cho tôi tìm đến chốn này. Người ta đi chợ với mong muốn được mua may, bán đắt. Tôi đến chợ không có ý định mua sắm, mà muốn khám phá, tìm hiểu sự khác biệt của chợ thành phố so với chợ ở các vùng miền, để ghi nhận về sự đổi thay của vùng đất qua góc nhìn từ chợ. Đi ngắm chợ cũng là một thú vui, tâm hồn thư thái như đi du lịch vậy. Tôi đã từng có những chuyến lang thang cùng bạn bè đến với chợ quê, chợ phố, kể cả chợ cóc ở những vùng nông thôn hẻo lánh. Lần này đến chợ Đông Hà, chứng kiến cảnh đông vui, tấp nập của người dân tứ xứ tụ hội, tôi thực sự choáng ngợp. Nhìn bên ngoài cứ ngỡ chợ cũng giống như bao nơi khác, nhưng khi len lỏi vào các ngóc ngách của chợ mới thấy được sự rộng lớn, sầm uất, người bán người mua nhộn nhịp. Chợ Đông Hà là chợ trung tâm của tỉnh Quảng Trị. Khách từ các vùng trong tỉnh, trong nước cũng tìm đến đây. Đặc biệt, cứ vào mùa hè, có hàng ngàn khách quốc tế đến Quảng Trị tham quan những danh thắng, di tích lịch sử đều không quên dừng chân, ghé vào chợ. Một phần do địa thế thuận lợi, mặt khác, chợ có nhiều hàng hóa từ nước ngoài du nhập, thu hút khách thập phương khi ngang qua đây. Người ta bảo chợ là nơi giao lưu thương mại - văn hóa của một miền quê, quả không sai. Khi đến chợ Đông Hà, tôi hiểu thêm, chợ còn là nơi thể hiện rõ nhất nền kinh tế của một địa phương. Câu nói: “Khó nhà, giàu chợ” có ý nghĩa sâu sắc từ bao đời. Đến chợ Đông Hà, lòng cứ nao nao nghĩ về một thời mảnh đất này sau giải phóng là một vùng trắng, nói chi đến chợ.

Chợ Đông Hà có từ thời Pháp thuộc, nằm ở ngã ba Quốc lộ 1A và Quốc lộ 9, trên trục Hành lang kinh tế Đông - Tây, bên dòng Hiếu giang xuôi về cửa biển. Đây là địa thế do thiên nhiên tạo ra, thuận lợi giao thương thủy bộ, chợ hình thành không thuộc ý chí chủ quan của con người. Trong chiến tranh, Đông Hà bị san bằng, chợ chỉ còn lại dấu tích vụn vỡ. Từ sau khi Quảng Trị giải phóng tháng 5 năm 1972, Chính quyền cách mạng đầu tư xây lại chợ để kịp thời phục vụ nhu cầu mua bán của nhân dân. Lúc mới tái lập, chợ Đông Hà mang dáng vẻ chợ quê của một thị xã nghèo, chân ướt chân ráo bước vào cuộc hồi sinh từ tiêu điều đổ nát. Chợ thời đó chủ yếu bán hàng nông sản từ các vùng quê quy tụ về. Đến cuối tháng 7 năm 1989, tỉnh Quảng Trị được tái lập đã triển khai ngay công trình xây dựng đầu tiên của tỉnh là chợ Đông Hà. Theo ý tưởng của kiến trúc sư, chợ Đông Hà mang dáng những con thuyền hướng ra biển lớn. Trên đường thiên lý Bắc Nam, ngay bên phía nam cầu Đông Hà, nhìn thấy một khu chợ hai tầng bề thế ta sẽ liên tưởng đến đoàn thuyền kết thành một khối đang chuẩn bị vươn khơi. Đó là nét độc đáo riêng có về kiến trúc của chợ Đông Hà.

Đến tháng 12 năm 1995, chợ được đưa vào sử dụng nhưng mới hoàn thành hai công đoạn, còn công đoạn cuối cùng vẫn tiếp tục hoàn thiện. Đến năm 2004, chợ Đông Hà chính thức hoàn thành theo đúng thiết kế. Chợ tọa lạc trên một diện tích 33.000 m2. Khác với các chợ ở miền Trung, chợ Đông Hà còn thông thương với cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, mọi hàng hóa từ Lào, Thái Lan qua cửa khẩu về với chợ, nhất là hàng Thái Lan. Nhiều mặt hàng ngoại hiếm được lưu thông tại đây, không chỉ người Quảng Trị mà người ở các tỉnh cũng đến đây mua sắm ngày càng đông… Thành phố Đông Hà chọn hình ảnh kiến trúc của chợ làm logo biểu trưng của thành phố.

Từ một vùng quê đổ nát sau chiến tranh, Đông Hà hôm nay đã trở thành đô thị loại 3, cuộc sống khởi sắc từng ngày. Chỉ nhìn vào chợ cũng thấy được sự đổi thay bất ngờ của thành phố trẻ. Không còn nét chợ quê của những ngày đầu lập lại tỉnh. Thay vào đó, các loại hàng hóa dù ở quê đến, khi bày bán ở chợ cũng được bố trí theo quy hoạch lô quầy một cách khoa học, văn minh, thu hút sự chú ý của khách hàng. Chợ Đông Hà có 1.726 lô quầy với trên 40 khu vực ngành hàng. Đi qua từng khu vực, mới thấy được sự đầy đủ, đa dạng, sung túc của chợ. Qua tìm hiểu tôi được biết có nhiều gia đình các thế hệ đều gắn liền với chợ từ ngày xưa, cuộc sống đủ đầy nhờ chợ mang lại. Dân gian có câu “Giàu nhà quê không bằng ngồi lê kẻ chợ”. Có nhiều người chỉ chuyên mua sỉ rau, củ, quả, gà, vịt… rồi bán lẻ hàng ngày tại quầy nhỏ ở chợ mà gia đình sung túc, nuôi con cái ăn học nên người. Chợ kéo theo hàng loạt dịch vụ đi kèm, tạo công ăn việc làm tại chỗ quanh năm cho trên 5.000 lao động. Là chợ thành phố, nơi có các cơ quan, doanh nghiệp đóng trên địa bàn nên lượng khách mua rất lớn. Dòng chảy của đồng tiền vào chợ hàng ngày không hề nhỏ. Có thể ví chợ là bức tranh đa sắc màu được thu nhỏ về sự phát triển của thành phố Đông Hà. Nền kinh tế phi nông nghiệp của thành phố phát triển đa dạng có sự đóng góp không nhỏ từ chợ. Từ năm 2005 đến nay, thông qua hoạt động kinh doanh dịch vụ, tận dụng các nguồn thu, chợ đóng góp vào ngân sách địa phương mỗi năm trên 10 tỷ đồng.

Cứ mỗi sáng mai lên, chợ như được khoác lên mình áo mới, hớn hở, tươi vui. Hàng hóa từ khắp các phường và các địa phương lân cận xuôi đến nhộn nhịp, bày bán phong phú, nhiều vô kể. Cuộc sống ngày càng khá hơn, khách mua cũng có nhiều đối tượng đa dạng, nhu cầu tiêu dùng ngày càng lớn. Người đi chợ nói với nhau rằng: “Chợ Đông Hà dễ mua dễ bán, giá cả cũng chẳng khác ở các chợ, hàng nhiều, tha hồ lựa chọn”. Chợ đông đúc nhưng có một trật tự từ bên trong mà ai chú ý sẽ phát hiện được. Đó là, nhộn nhịp nhưng không xô bồ, không có sự tranh giành khách gây ồn ào, tạo ra sự khó chịu cho người mua. Thương mại đi liền với nhận thức văn hóa đã hiện diện tại đây. Vì chợ trung tâm tỉnh nên việc quản lý chất lượng hàng hóa được diễn ra thường xuyên, môi trường chợ được quan tâm chu đáo, ý thức người kinh doanh thực sự thay đổi, mỗi ngành hàng đều có nét đẹp riêng để tạo cơ hội thu hút khách. Riêng về khâu trật tự an ninh chợ rất đảm bảo. Cán bộ Ban quản lý chợ thường xuyên có mặt cả ngày lẫn đêm để chăm lo cho sự an toàn của chợ, nhất là đề phòng chuyện trộm cắp, hỏa hoạn. Các chủ lô, quầy đều cam kết giữ gìn trật tự chung, không để xảy ra các sự cố do bất cẩn hoặc sơ ý gây ra.

Thành phố Đông Hà đang có kế hoạch đưa thành phố đạt đô thị loại 2 trong tương lai gần. Chợ cũng theo đó sẽ nâng cấp phương thức bán hàng cho phù hợp với tầm đổi mới của thành phố. Anh Trương Đức Phụ, Trưởng Ban quản lý chợ Đông Hà đã có gần hai mươi năm gắn bó với chợ cho biết: “Sắp tới và định hướng lâu dài, chợ sẽ thực hiện nhiệm vụ bán buôn, từ chợ trung tâm này lan tỏa hàng hóa về các nơi. Nói nôm na cho dễ hiểu là chợ Đông Hà làm nhiệm vụ bán sỉ là chủ yếu. Đây cũng là cơ hội thuận lợi cho các đại lý, các chủ kinh doanh ở các chợ trong tỉnh cũng như bạn hàng khắp nơi”.

Dạo một vòng chợ Đông Hà, tôi bất ngờ gặp anh bạn quen người Huế bán quầy hàng rau quả. Cả hai vợ chồng bán tại quầy hàng này đã hơn hai mươi năm, cuộc sống gia đình ngày càng khá giả. Bên cạnh quầy của vợ chồng anh là các quầy hàng tươi sống, gia cầm, hải sản…, chủ hàng là dân Vĩnh Linh, Hải Lăng, Triệu Phong, Cam Lộ, Hướng Hóa, Gio Linh… đến vùng đất này sinh sống và gắn bó với chợ từ sau ngày Đông Hà giải phóng. Chợ Đông Hà là nơi người tứ xứ đến kinh doanh lâu dài. Đô thị phát triển, những nhà kinh doanh có tiềm năng tìm đến chợ để buôn bán. Từ hàng tiêu dùng thiết yếu đến các mặt hàng cao cấp đều có mặt tại chợ. Đông Hà đang tạo ra lợi thế phát triển kinh tế chợ ngày càng tốt hơn, quy cũ hơn, để tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương. Đây là hướng đi đúng và hiệu quả trong nền kinh tế thị trường mà thành phố đã định hướng phát triển thương mại nói chung và chợ nói riêng. Đông Hà là thành phố có tiềm năng lớn trong quá trình phát triển dịch vụ thương mại đa dạng.

So với các chợ trong tỉnh thì chợ Đông Hà có nhiều lợi thế hơn hẳn cả về điều kiện và quy mô. Chợ còn là điểm du lịch cho du khách muốn khám phá về vùng đất một thời là chiến địa nay đang đổi mới phát triển từng ngày. Rồi đây, Đông Hà được mở rộng về phía Bắc sẽ làm cho đô thị bề thế hơn, thoáng đãng hơn, đúng như mong ước của nhân dân thành phố. Và chợ Đông Hà ngày càng thêm nhộn nhịp, tấp nập, soi bóng bên dòng Hiếu giang thơ mộng, xanh xanh một dải lụa của đất trời muôn thuở, như lòng người con gái nhắn gửi nỗi niềm theo sóng nước bâng khuâng, man mác trong Nhịp chèo sông Hiếu: “Thuyền em lướt trong đêm, lời ai hát nghe êm. Trong đêm khuya nhịp chèo em đọngKhoan khoan hò khoan…”.

Vùng đất Đông Hà đi qua một thời chiến tranh đổ nát, và lòng người anh dũng kiên cường đã kiến tạo nên thành phố trẻ phồn thịnh, làm cho gương mặt tỉnh Quảng Trị ngày càng tươi đẹp, mới mẻ, để cho tôi tự hào qua những tâm tình trải ra với bè bạn khắp đó đây…

L.N.H

Lê Nguyên Hồng
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 277 tháng 10/2017

Mới nhất

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Hội VHNT tỉnh trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm “Trường Sa - Quảng Trị: Sắc màu biên cương”

23/03/2024 lúc 16:22

TCCVO - Chiều 22/3, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị tổ chức trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm

Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực

18/03/2024 lúc 00:07

TCCVO - Chiều 15/3, tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, UBND tỉnh Quảng Trị và Ủy ban chính quyền tỉnh Savannakhet (Lào) phối hợp tổ chức Hội thảo “Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực”.

Liên hoan dân vũ chủ đề: "Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng"

16/03/2024 lúc 06:02

Chào mừng kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế phụ nữ (08/3/1910 - 08/3/2024), 1984 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng; Hướng đến kỷ niệm những sự kiện lớn của quê hương đất nước; kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7-2024), Sáng ngày 07/3/2024, Công đoàn viên chức tỉnh tổ chức Liên hoan dân vũ trong nữ Công chức, viên chức, người lao động (CCVCLĐ) năm 2024 với chủ đề “Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng”.

Phát huy vai trò “báo chí kiến tạo, báo chí giải pháp”

15/03/2024 lúc 07:05

TCCVO - Sáng ngày 13/3/2024, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hội nghị giao ban công tác báo chí tháng 1 và 2 năm 2024 và định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm tuyên truyền trong thời gian tới. Đồng chí Hồ Đại Nam, UVBTVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/03

25° - 27°

Mưa

31/03

24° - 26°

Mưa

01/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground