Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 19/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Cát làng; Miền Trung sống như không thể mất; Mảnh vườn xưa và bài thuốc của bà

Tôi sinh ra ở cuối một con sông lớn của miền Trung, nơi mỗi cuộc đời của người dân làng tôi đều bắt đầu và kết thúc từ cát. Nhúm rau sơ sinh chôn vào cát và cát đón người trở về sau khi họ đã trút hơi thở cuối cùng trên thế gian. Những hạt cát bé li ti và thô tháp, thế mà khi quần tụ lại là thành cồn, thành bãi, tiếp tiếp nối nối nhau không dứt ở bốn phía làng tôi.

Cát trắng. Cát làng tôi thật trắng! Có lẽ bởi vì thế mà nắng làng tôi chang chang và trăng làng tôi vằng vặc hơn mọi vùng quê khác chăng? Tôi nhớ, mùa hè chân trần băng qua cát chẳng khác gì đi trên than nóng. Nắng hừng hực như giội lửa xuống những cồn cát thưa thớt bóng cây, gần xa chỉ xùm xòa đôi bụi phi lao cằn và mấy khóm hoa tứ quý màu hồng thắm rung rinh trong gió nóng. Những chiếc dép mo cau của vùng cát nghèo khó, thời xa xôi ấy, tôi cũng chưa bao giờ quên. Cái mo cau khô được cắt ra thành từng miếng hình chữ nhật sao cho vừa với cỡ chân mình rồi xỏ dây vào làm quai, thế là thành dép. Những đôi dép mo cau tự tạo rất thô sơ đó vừa nhẹ, vừa tiện lợi khi đi qua cát nóng.

Tôi lại nhớ tới những con đường trên cát. Đó là con đường riêng của mỗi người, nói chính xác hơn dấu chân của họ để lại trên cát thành đường. Những con đường như thế thường có tuổi đời rất ngắn. Nó sẽ không tồn tại sau một trận gió lớn. Gió Lào, gió bấc thậm chí cả gió nồm đều có thể khỏa lấp hết những dấu chân trên cát trắng miên man. Dắt tôi đi qua cát, mạ nói: “Chẳng có nơi mô khoai lang bùi như khoai làng miềng”. Thương sao thương lạ những củ khoai lang dỡ ra từ các luống cát ven sông, luộc lên bẻ đôi ra, bột trắng như nếp và thơm nắc nỏm. Thứ khoai lang luộc ấy phải ăn kèm với canh bầu nấu cá nục mới khỏi bị nghẹn. Dân quê tôi nói trạng: Ăn khoai làng miềng phải ôm cột nhà mà nuốt. Đã có lần tôi vin vào câu mạ hát “khoai lang đất cát vừa ngon lại bùi” để thủ thỉ với em rằng cát không khắc kiệt, cỗi cằn, bạc bẽo như ai từng chê đâu. Giữa lòng cát có những mạch nước rất trong, rất ngọt. Những mạch nước nuôi cây, nuôi người ẩn khuất ở các tầng nông sâu khác nhau, lặng lẽ chảy, âm thầm chảy ở dưới nền làng. Lặng lẽ, âm thầm tồn tại và tỏa lan trong cát.

Tôi trở lại với những cái giếng nông choèn nhưng lúc nào cũng săm sắp nước ngọt bên chân sóng mặn. Chợt nhớ cô bạn tuổi thơ láng giềng của tôi ngày ấy. Bây giờ em đã con bế con bồng. Nuối tiếc gì nữa đây mà tôi thẩn thờ mang theo nỗi buồn dìu dịu về với cái giếng bên chân sóng ngồi với bóng hình cô bé ngày xưa. Cô bé có khuôn mặt trái xoan đôi mắt lá răm lay láy túm tóc đuôi gà hoe hoe miệng ngậm bông hoa tía tô đỏ tím. Một con chuồn chuồn kim gầy mảnh như bay ra từ giấc mơ chiều đậu xuống búi cỏ lông chông đang được nằm yên trên cát khi trời vắng gió. Có lẽ cũng khá lâu rồi hôm nay tôi lại uống ngụm nước lã ở cái giếng này. Nước vẫn ngọt vị ngọt của cát cô bé ạ!

Xa xa là nghĩa trang của làng. Những ngôi mộ cát là là. Chao ôi, những ngôi mộ cát cứ thấp dần đi sau những trận gió bão nom nhỏ bé và mong manh làm sao giữa mang mang cát trắng. Thương nhất là những nấm mộ được đánh dấu bằng những khóm dứa dại đầy gai nhọn, những bụi xương rồng xứ cát. Đó là mộ của kẻ khó, những dòng họ nghèo. Còn những gia đình khá giả, những dòng họ sung túc thì phần mộ của người đã khuất thường được xây dựng vững chãi, chắc chắn hơn. Làng của người sống chia hai dạng giàu nghèo thì làng của người chết cũng có những phần mộ cao thấp, lớn bé khác nhau. Chỉ cát là trắng như nhau. Người sống cũng sống trên cái nền trắng của cát. Người chết cũng nằm trong màu trắng muôn đời ấy của làng. Cát trắng. Trắng vào ngày. Trắng vào đêm. Trắng trong nắng. Trắng trong mưa. Trắng cho những người đang sống và trắng cho cả những ai đã mất. Cát trắng vừa là cát vừa là hồn của xóm, của làng; nó từng chứng kiến muôn vàn thăng trầm bão giông của thế cuộc, những cuộc chiến tranh dài dằng dặc. Cát trắng ấy thấm biết bao mồ hôi, máu, nước mắt của dân làng tôi trong chật vật mưu sinh và kiên cường đánh giặc.

Đi đâu về đâu, trong tôi vẫn thầm thì tiếng cát làng tôi...

Miền Trung sống như không thể mất

 

Lũ chồng lũ bão nối bão. Với dải đất miền Trung chuyện ấy xưa nay vẫn thường xảy ra. Là một đứa con của miền Trung tôi thấm thía nỗi cơ cực truân chuyên của dân xứ tôi khi phải đối mặt với thiên tai và địch họa. Chiến tranh đã đi qua dẫu còn đó những nghĩa trang bạt ngàn bia mộ mây miền Trung trắng như hồn người quần tụ trên cao nhưng hòa bình cuối cùng cũng trở lại với mảnh đất này. Còn bão giông lũ lụt nắng lửa gió Lào thì vẫn là mối hiểm họa thường xuyên. Mở đầu bài thơ “Miền Trung” tôi đã viết: Lũ tràn qua mặt/ Bão giật ngang đầu/ Miền Trung sống như không thể mất.

Dải đất hẹp đến mức không thể hẹp hơn được nữa phải neo bám vào Trường Sơn để khỏi trôi ra biển cũng như chúng tôi dù đi về đâu cũng phải neo bám vào mẹ để còn xứ sở. Xứ sở từng được gọi là Ô châu ác địa như quê tôi chiến tranh chà đi xát lại mấy phen bão lũ vùi dập bao lượt vẫn chẳng mất đi. Không sợ khó không sợ khổ chỉ sợ nhục. Có lẽ vì thế nên không ít người miền Trung tính khí “ngang ngang” thế nào đó. Và chân thành đến mức hồn nhiên đôi khi vụng về. Xứ sở này thường chém to kho mặn nói năng ầm ào đi đứng huỳnh huỵch. Vui buồn ít khi giấu nổi ai, bằng lòng mới bằng mặt đâu phải “nói vậy mà không phải vậy”. Trong cảm nhận của riêng tôi thì miền Bắc mềm mại đắn đo, miền Nam phóng khoáng cởi mở, và miền Trung chân chất bộc trực.

Không phải bây giờ lũ lụt ngập tràn tôi mới thương miền Trung của tôi. Có lẽ từ thời cha sinh mẹ đẻ chất miền Trung đã ngấm vào tôi. Có trong tôi sự khắc khổ chắt chiu của cây xương rồng trên cát, của dây chặc chìu trổ hoa thơm bên nẻo đồi cằn. Có trong tôi chiếc nón mê mẹ đội cả trời mưa gánh gánh gồng gồng đầu sông cuối chợ nuôi tôi khôn lớn. Gánh cực mà đổ lên non/ Đến khi quay xuống cực còn đuổi theo. Mẹ từng ru tôi thế. Dân tôi đã cực rồi chắc sẽ cực hơn sau mỗi trận lũ. Những ngày này Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị... là “miền trắng”. Trắng trời mưa rơi. Trắng đất nước lụt. Ngọn tre xập xòa dính mặt lũ. Nước cuồn cuộn trôi. Người chết. Của trôi. Những đứa trẻ chui vào hang trú lụt. Những bàn tay vẫy vẫy kêu cứu trên mái nhà. Thêm những vành tang trắng. Thêm những ngày trường lớp vắng học trò. Thêm những đêm đèn dầu le lói. Thêm những nếp nhăn trên vầng trán miền Trung. Thêm bao nhiêu điều nữa vào sự cơ cực thiếu thốn của quê nhà.

Thực lòng tôi không muốn thay dân mình kêu khổ. Khổ nhiều rồi khổ rõ rồi còn gì mà kêu. Tôi tin dù gian lao đến mấy dân miền Trung thân thương của tôi vẫn cứ sống như không thể mất. Còn trùng điệp Trường Sơn là vẫn còn miền Trung dằng dặc. Còn mãi với tôi với em với bè bạn muôn nơi: Chang chang dặm cát/ mẹ múc sông lên vằng vặc câu hò/ soi tỏ rừng cay biển mặn (N.H.Q). Còn mãi những tình yêu sau trước mặn nồng của con người miền Trung: Rồi mùa toóc rạ rơm khô/ Bạn về quê bạn biết nơi mô mà tìm. Còn mãi bản lĩnh can trường của vùng đất đòn gánh từng được mặc định trong ca dao xứ cát: Chớ than phận khó ai ơi/ Còn da lông mọc còn chồi nảy cây.

Lũ đến lũ sẽ đi. Bão đến bão sẽ tan. Nước mắt rơi rồi nước mắt sẽ tạnh. Trên lớp phù sa mới ta sẽ gieo cấy lên những mùa màng sum suê. Trên sự hoang tàn những xóm mạc mới sẽ được dựng lại bằng tấm lòng thảo thơm bằng sự sẻ chia một miếng khi đói bằng một đọi khi no. Đọi (chén) đây là đọi nghĩa đọi tình đâu chỉ là đọi cơm đọi cháo.

Còn đó một miền Trung trong xưa cũ vững vàng chung thủy. Và đây một miền Trung đang gồng mình chống bão lũ hôm nay. Xưa - nay vẫn đi suốt dải đất này khí phách của người miền Trung quả cảm. Xưa - nay và mai sau nữa miền Trung thân thương của tôi vẫn sống như không thể mất! Niềm tin ấy chưa bao giờ vơi cạn trong tôi.

Mảnh vườn xưa và bài thuốc của bà

 

Tôi còn nhớ ngôi nhà lợp lá tro có những cột lim đen bóng và mấy ô cửa sổ hình chữ nhật nhìn ra mảnh vườn của bà. Một phần tuổi thơ tôi ở đó cùng với tiếng vi vu của mấy ngọn phi lao giữa xuôi ngược nồm nam, mùi hoa xoan tháng hai thoang thoảng, những bông bí rực vàng trong nắng, trái bầu non treo thong thỏng dưới giàn. Mảnh vườn đất cát pha không mấy rậm rạp nhưng vẫn lảnh lót tiếng chim mỗi sớm, mỗi chiều và trong thế giới riêng ấy lũ trẻ con chúng tôi hồn nhiên trò chuyện với giun dế, chuồn chuồn, bươm bướm, bọ ngựa... bên cạnh cây chanh, cây ổi, cây mít chẳng biết bà nội trồng từ lúc nào.

Còn thấp thoáng trong ký ức tôi câu ca dao thơ bé: Chuồn chuồn có cánh thì bay/ Có thằng con nít giơ tay bắt chuồn. Tôi nhớ thương muôn vàn những con chuồn bầu, chuồn kim ấy bởi nó đã từng bay qua, đậu lên cây lá của bà như các nốt nhạc bé nhỏ bình yên. Đâu dễ tìm lại được không gian êm ả tinh khiết hiền hòa như thế trong cuộc sống nhiều toan tính xô bồ gấp gáp bây giờ. Trẻ con thời nay hình như cũng mất đi nhiều lắm sự hồn nhiên ngây thơ trong trẻo vốn có của nó. Chúng thiếu mảnh vườn cây trái sum suê và cả mảnh vườn cổ tích kỳ ảo.

Bà tôi đã thành người thiên cổ. Mỗi dịp tết đến xuân về, trong ngan ngát trầm hương trên bàn thờ gia tiên, tôi lại rưng rưng nhớ những khóm sả, tía tô, bạc hà, những luống hành, luống ném trong mảnh vườn xa xưa. Bà trồng những thứ ấy, thường ngày để làm gia vị trong bữa ăn, khi con cháu ốm đau thì đó là thuốc chữa bệnh. Thời con nít, anh em tôi thường hay bị ốm đau lặt vặt. Bà tôi thực sự là bác sĩ gia đình, ai ốm đau thông thường đều phải dùng thuốc của bà. Những món thuốc hái từ vườn và cách chữa bệnh dân gian của bà đơn giản và hữu ích. Mỗi lần chúng tôi bị cảm, bà nấu cho một nồi nước xông rõ to, nào lá sả lá chanh, nào lá tre lá bưởi... Đứa nào cũng ngại khi phải chui vào trong chiếc chăn chiên kín mít, tối om, nước bốc lên nghi ngút nóng hổi. Bà ngồi bên, cầm đôi đũa cả, vừa dỗ vừa đe: “Chịu khó một chút con. Muốn được đi chơi thì phải xông. Nếu không thì phải nằm trên giường cả tháng đó”. Với trẻ con chẳng nỗi sợ nào bằng không được đi chơi, thế là chúng tôi phải cởi trần ngồi thu lu trong chăn vừa xông vừa la oai oái: “Nóng, nóng chi lạ mệ (bà) ơi!”. Chưa hết đâu, bà còn nấu cháo tía tô, cháo hành cho chúng tôi ăn để giải cảm. Sau vài lần xông nước lá và xì xụp húp mấy bát cháo tía tô, cháo hành cay xè nóng bỏng chúng tôi lại mát mẻ như thường. Còn nhớ có những lần tôi bị sốt cao, bà lấy hạt ném giã ra rồi đắp lên trán tôi. Đứa nào ngủ hay giật mình bà đem con dao đặt ở dưới gối. Chắc bà nghĩ là để ma quỷ khỏi lẻn vào quấy rối cháu mình hay sao ấy.

Thuốc của bà có sẵn trong vườn và cũng khá hiệu nghiệm. Ai đi đâu về bị lạnh bà tôi bắt uống nước gừng nóng ngay, đau bụng đi ngoài bà ra vườn hái bảy búp ổi (đối với nam), chín búp ổi (với nữ) đem vào cho nhai kỹ rồi nuốt. Ai bị táo bón bà luộc rau hay củ khoai lang cho ăn nhiều vào và món chè bí đỏ là thứ thuốc chữa đau đầu theo lời bà nói. Mùa hè, bà hay nấu nước rau má, râu ngô cho cả nhà dùng. Nước rau má đăng đắng, nước râu ngô ngòn ngọt, những thứ giải khát bình dân rẻ tiền ấy bây giờ vẫn được nhà tôi ưa dùng. Mỗi lần uống là mỗi lần nhấm nháp kỷ niệm xưa khi tôi còn được sum vầy bên cạnh bà nội, ba mẹ và các em. Nay, bà tôi, ba mẹ tôi đã ở cõi vĩnh hằng, anh em tôi mỗi người mỗi nơi, Bắc - Trung - Nam rải khắp, bồi hồi thương nhớ ngày xa.

Không ai sống bằng quá khứ nhưng với tôi hoài niệm bao giờ cũng là phần lắng đọng nhất của tâm hồn. Nó giúp tôi cân bằng và để hướng tới sự trầm tĩnh thanh đạm trong cuộc sống. Tôn giáo tín ngưỡng của tôi là ở đó, không cao xa bí ẩn gì hết, là tổ tiên ông bà cha mẹ, những hương linh ẩn hiện đâu đây, thân thuộc và gần gũi như hồi còn sống. Như điệp khúc mùa xuân, tàn rồi lại nở, đi rồi lại về, xa rồi lại gần, mãi mãi.

Tết là dịp tôi được thanh thản làm cuộc hồi hương trọn vẹn về chốn xa xưa yêu dấu nơi mà một mảnh vườn bé nhỏ và những bài thuốc dân dã của bà cũng mang ý nghĩa nhân sinh tốt đẹp và bình dị vô cùng.

N.H.Q

Nguyễn Hữu Quý
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 278 tháng 11/2017

Mới nhất

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Viếng Nghĩa Trủng Đàn đầu năm Giáp Thìn

08/04/2024 lúc 22:34

Mười năm rồi lại trăm nămĐàn Nghĩa Trủng mãi ơn Hoàng Bích KhêTử sĩ Tây Sơn

Giêng hai gieo những ngọt ngào; Ký gửi

08/04/2024 lúc 22:33

Giêng hai gieo những ngọt ngàoGiêng hai lúa đã xanh đồngGiêng hai cải đã trổ

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

20/04

25° - 27°

Mưa

21/04

24° - 26°

Mưa

22/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground