Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 20/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Cồn Cỏ "Đất lành chim đậu"

TCCV Online - Một ngày cuối năm 2017, trời hé nắng sau nhiều ngày rả rích mưa bởi không khí lạnh kéo dài, chúng tôi lên tàu ra Cồn Cỏ. Ngồi trên boong tàu, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện đảo Cồn Cỏ, ông Nguyễn Văn Thành nói với tôi rằng, ngày 26/5/2017, huyện đảo Cồn Cỏ đón thêm 7 hộ gia đình ra đảo định cư, tăng số hộ dân trên đảo lên 19 hộ với 69 nhân khẩu. Những gia đình này được tạo điều kiện thuận lợi nhất để sinh sống ổn định trên đảo. Mảnh đất lành Cồn Cỏ đang đổi thay từng ngày để đón nhận thêm những cư dân mới.

 Lớp người đầu tiên

Ngày 9/3/2002, UBND tỉnh Quảng Trị phối hợp với Trung ương Đoàn đưa 43 thanh niên xung phong ra xây dựng đảo Cồn Cỏ. Trong tốp người ra với đảo tiền tiêu những ngày đầu có chàng trai trẻ Nguyễn Quang Thánh ở thôn Vịnh Mốc, xã Vĩnh Thạch, huyện Vĩnh Linh. Anh hiện là Phó Ban xây dựng Đảng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện, Bí thư Chi bộ khu dân cư huyện đảo. Bằng chất giọng ồm ồm đậm chất miền biển, anh Thánh vẫn còn bồi hồi khi nhớ lại những ngày đầu ra đảo: “Bấy giờ, Ban chỉ huy Tổng đội Thanh niên xung phong ra đảo có tất thảy 43 người, trong đó có 15 nữ. Lúc này, trên đảo còn thiếu thốn đủ bề. Chưa có nhà cửa gì cả nên anh em thanh niên xung phong chia nhau ra xin ở nhờ nhà các anh bộ đội. Nước sinh hoạt không có nhiều, phải tiết kiệm từng giọt, mọi sinh hoạt, ăn uống, tắm rửa đều lấy nước từ các hố bom, ao tù nước đọng trên đảo. Khổ nhất là các chị em cũng chịu cảnh thiếu nước như vậy. Hai tháng sau ngày ra đảo, anh em chúng tôi dựng lán trại bằng mái tôn, phên cót để ở. Lúc này dùng điện bằng máy nổ nên mỗi ngày chỉ được vài tiếng đồng hồ thôi. Khi cuộc sống dần đi vào quy củ, anh em chúng tôi tiến hành xây dựng 15 căn hộ, 1 nhà Ban chỉ huy Tổng đội và 1 nhà chăn nuôi tập trung. Mặc dù việc cung cấp, vận chuyển nguyên vật liệu ra đảo gặp rất nhiều khó khăn nhưng chúng tôi luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ”.

  Trưởng Phòng Kinh tế - Xã hội huyện đảo Cồn Cỏ, ông Võ Văn Đống trước đây là kế toán trưởng của Tổng đội Thanh niên xung phong tại đảo cung cấp thêm một số thông tin: Ngày 1/10/2004, Thủ tướng Chính phủ ban hành nghị định thành lập huyện đảo Cồn Cỏ, hoàn tất tiến trình dân sự hóa đảo. Một năm sau, huyện đảo Cồn Cỏ chính thức đi vào hoạt động. “Lúc này, nhiều thanh niên xung phong trở lại đất liền, số khác ở lại lập nghiệp trên đảo. Có khoảng 25 người tình nguyện ở lại đảo. Họ lập gia đình và sinh sống, bám trụ với đảo tiền tiêu cho đến ngày hôm nay. Đây có thể nói là lớp người đầu tiên sinh sống trên đảo tiền tiêu rộng chừng 230 ha. Nay, đời sống của họ hầu hết đều đã ổn định và tốt hơn trước rất nhiều. Họ mở các hàng quán kinh doanh, buôn bán, số khác được huyện tạo điều kiện làm việc tại ủy ban. Những người có thuyền lưới thì ra khơi đánh bắt thủy sản…”, ông Đống chia sẻ.

 Di dân ra đảo

Năm 2016, UBND tỉnh có chủ trương di dân ra đảo Cồn Cỏ với 10 hộ dân. Để thực hiện chủ trương này, chính quyền các cấp và sở, ngành liên quan tiến hành vận động, tuyên truyền các hộ gia đình từ 4 huyện Hải Lăng, Triệu Phong, Gio Linh, Vĩnh Linh nộp đơn tình nguyện ra đảo lập nghiệp. Có 15 hộ đăng ký ra đảo sinh sống. Sau nhiều lần xét tuyển, sàng lọc, 7 gia đình được chọn ra đảo. Tiêu chuẩn để được ra đảo là những gia đình trẻ có độ tuổi từ 25 - 40, có hộ khẩu thường trú 3 năm trở lên ở các xã ven biển thuộc 4 huyện trên và ưu tiên có ngành nghề, kinh nghiệm và phương tiện đánh bắt thủy sản.

Ngày 26/5/2017, UBND huyện đảo tổ chức di dân 7 hộ với 21 khẩu thuộc các xã Vĩnh Thạch, Vĩnh Thái và thị trấn Cửa Tùng (huyện Vĩnh Linh) ra với Cồn Cỏ. Những gia đình này được tạo mọi điều kiện để yên tâm bám đảo. Anh Hồ Văn Hưng (28 tuổi), nhà ở thôn Vịnh Mốc, xã Vĩnh Thạch cùng vợ ra đảo đợt này. Tiếp chuyện tôi trong căn nhà khang trang, sạch đẹp, anh kể: “Vì là vợ chồng trẻ mới cưới nhau nên chúng tôi quyết định ra đảo lập nghiệp. Khi ra đây sinh sống, mỗi gia đình được cấp khuôn viên đất rộng 200 m2 , bao gồm ngôi nhà rộng 42 m2 và sân vườn tại khu dân cư số 1 của đảo và được ưu tiên một số chính sách khác như được cấp thẻ bảo hiểm y tế…”. Để đảm bảo kế sinh nhai dài lâu, anh Hưng vay mượn được hơn 60 triệu đồng để sắm một con thuyền nan 12 CV và ngư lưới cụ để đánh bắt thủy sản gần bờ. Thuyền của anh tạo việc làm cho thêm 2 lao động khác trên đảo. Còn vợ anh - chị Nguyễn Thị Phương thì mở cơ sở sản xuất nước mắm nguyên chất. Chị Phương vui vẻ nói: “Chúng em được Nhà nước hỗ trợ kinh phí để mua sắm các vật dụng, nguyên vật liệu sản xuất nước mắm. Còn kỹ thuật thì được các cán bộ Sở Nông nghiệp &PTNT hướng dẫn. Vì mới làm từ đầu năm nên nước mắm nhà em chưa xuất bán. Đầu ra của sản phẩm được Sở Nông nghiệp&PTNT hứa sẽ hỗ trợ tìm kiếm nên tụi em cũng yên tâm”.

Trên âu tàu, tôi gặp anh Lê Văn Thượng (37 tuổi) vừa trở về từ chuyến biển trên con thuyền nan 10CV. Anh Thượng cho biết tranh thủ những ngày nắng ráo làm vài chuyến biển để tăng thu nhập cho gia đình sau đợt gió mùa kéo dài. Anh Thượng nằm trong ban điều hành khu dân cư thanh niên. Anh ra đảo cùng vợ và đứa con trai 8 tuổi (hiện đang học lớp 3 Trường Tiểu học Cửa Tùng). Lúc trước, ở đất liền, anh đi biển gần bờ trên chiếc thuyền nhỏ của mình, còn vợ anh ở nhà buôn bán nên cuộc sống khó khăn. Khi nghe thông tin huyện đảo Cồn Cỏ di dân ra đảo, anh mạnh dạn đăng ký với ước mong cuộc sống sẽ khấm khá hơn. Anh nói: “Trong thời gian đầu, chúng tôi được Nhà nước hỗ trợ bằng tiền 12 tháng lương thực tính từ ngày ra đảo, mức hỗ trợ tương đương 30kg gạo/người/tháng. Ngoài chính sách của trung ương, tỉnh hỗ trợ thêm số tiền 6 tháng lương thực để chúng tôi ổn định đời sống, cụ thể là 30kg gạo/người/tháng”. Để sớm ổn định cuộc sống, anh gọi thêm một bạn thuyền nữa là Lê Văn Tuấn (26 tuổi) cũng là một chủ hộ vừa ra đảo theo đợt di dân với anh Thượng. Hàng ngày, hai anh em trên con thuyền nhỏ lênh đênh trên biển đánh bắt cá tôm. Anh Thượng cho biết thêm, hiện nay, nhiều hộ mới ra đảo cũng hành nghề đánh bắt thủy sản gần bờ để trang trải cuộc sống. Một số hộ khác kinh doanh dịch vụ thương mại. Với những người có trình độ, năng lực thì được tạo điều kiện làm việc ở huyện.

Để người dân trên đảo có công ăn việc làm, ổn định cuộc sống, lãnh đạo tỉnh giao cho Sở Nông nghiệp & PTNT tư vấn, hỗ trợ họ xây dựng một số mô hình sản xuất kinh doanh phù hợp với điều kiện đặc thù của huyện đảo Cồn Cỏ; hỗ trợ giống vật nuôi để các hộ này chăn nuôi gia súc, nuôi trồng thủy sản, tăng cường công tác khuyến nông - khuyến ngư, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật (cụ thể là 1 triệu đồng/hộ/lần). Những gia đình ra đảo cũng được vay 50 triệu đồng/hộ mà không cần thế chấp tài sản, được hỗ trợ lãi suất khi vay vốn đóng tàu mới, nâng cấp tàu để khai thác hải sản xa bờ và cung cấp dịch vụ hậu cần khai thác thủy sản. Bên cạnh đó, huyện đảo cũng tăng cường công tác thông tin, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm cho các hộ dân trên đảo.

 Hoàn thiện cơ sở hạ tầng để đón thêm cư dân

Với diện tích hơn 2,3 km2 , việc cấp điện cho huyện đảo Cồn Cỏ được tỉnh thường xuyên quan tâm để cuộc sống người dân và cán bộ chiến sĩ trên đảo được ngày càng tốt hơn. Năm 2009, huyện đảo được đầu tư xây dựng một trạm cấp điện tập trung với 2 máy phát diezen có tổng công suất 122kVA. Sau thời gian dài vận hành, các máy phát thường hay bị sự cố và hư hỏng nên đến năm 2014, tỉnh bổ sung 2 máy phát, mỗi máy có công suất 100kVA để duy trì ổn định nguồn cấp điện cho đảo Cồn Cỏ. Tuy nhiên, thời gian cấp điện trong ngày chỉ từ 17 - 19 giờ đồng hồ. Tháng 8/2017, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tiếp nhận hệ thống điện trên huyện đảo Cồn Cỏ. Sau khi tiếp nhận bàn giao, EVN giao cho Tổng Công ty Điện lực miền Trung, trực tiếp là Công ty Điện lực Quảng Trị quản lý vận hành và triển khai ngay việc đảm bảo cấp điện 24/24 giờ, đáp ứng nhu cầu điện năng, nâng cao chất lượng cuộc sống cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo.

Ngoài ra, năm 2012, được sự quan tâm, hỗ trợ của UBND tỉnh, huyện đảo Cồn Cỏ đã được đầu tư xây dựng hệ thống bể dự trữ nước mưa và nước ngầm. Sau đó, hai hồ chứa nước nhân tạo được đầu tư xây dựng trên đảo phục vụ việc tưới tiêu, kết hợp cấp nước sinh hoạt với dung tích gần 3.000 m3. Tuy nhiên, với số lượng dân cư và khách du lịch ngày càng tăng, lượng nước dự trữ trên đảo chưa đảm bảo. Để cung cấp nguồn nước cho cư dân sống trên đảo và khách tham quan, huyện đảo đang có phương án đề xuất tỉnh hỗ trợ xây dựng thêm hệ thống cấp nước tập trung giai đoạn 2.

Trước lúc rời đảo về với đất liền, ông Nguyễn Văn Thành, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Cồn Cỏ, nói với tôi giọng phấn khởi: “Hiện nay, những hộ gia đình vừa di dân ra đảo đã biết kết hợp lại với nhau để cùng đi biển, chăn nuôi và chế biến một số sản phẩm đặc sản của đảo như nước mắm, cá khô… Huyện đang triển khai mở rộng đối tượng, tiếp tục di dân thêm 3 hộ ra đảo để hoàn thành chỉ tiêu 10 hộ. Thời gian tới, huyện tiếp tục hỗ trợ người dân, đặc biệt là những hộ vừa di dân ra đảo tiếp cận với các nguồn tín dụng ưu đãi để có điều kiện phát triển sản xuất. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng chú trọng tạo sinh kế cho người dân, giới thiệu cho họ một số mô hình kinh tế, tập huấn kiến thức kỹ năng cần thiết, mở một số hội nghị đưa người dân đi tham quan các đảo du lịch như Lý Sơn, Cù Lao Chàm… để họ có kiến thức làm du lịch, phục vụ du khách, qua đó giúp người dân yên tâm bám đảo, ổn định sinh kế, góp phần xây dựng huyện đảo ngày càng phát triển”.

 

T.T

Nguồn Báo Quảng Trị

Trần Tuyền
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 282 tháng 03/2018

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19 Giờ trước

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

20 Giờ trước

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

21/04

25° - 27°

Mưa

22/04

24° - 26°

Mưa

23/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground