Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 19/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Lên Trường Sơn

TCCV Online - Từ ga Phú Bình, Thái Nguyên, đầu tháng 1-1973, chúng tôi hành quân bằng xe tải mới cứng, có hai hàng ghế, phủ bạt bịt bùng. Mỗi xe 30 người cùng với ba lô căng phồng  nên chen chúc đứa ngồi đứa đứng. Xe chạy dọc Quốc lộ 1A mà chậm rì. Đi một ngày ròng mà mới tới Nghệ An. Đêm ấy có chuyện vui làm tôi nhớ mãi. Chiếc xe chở chúng tôi đỗ trước một ngôi nhà có cái giếng nước to ở góc sân. Trung đội trưởng bảo tôi “Anh Khôi có người yêu Nghệ An phải xuống liên hệ với chủ nhà cho mượn bếp nấu cơm”. Tôi vào gõ cửa mấy lần mới có người đàn ông thức dậy. Tôi trình bày yêu cầu của bộ đội cần gia đình giúp đỡ. Thế là ông ta nói  câu gì đó như quát bằng thứ giọng mà tôi không nghe được từ nào. Tôi ra báo cáo lại với trung đội trưởng là gia chủ không đồng ý. Nhưng khi cả trưng đội lên xe định đi nhờ nơi khác, thì ông ta khoát tay ra hiệu dừng lại, rồi kéo chúng tôi vô nhà, xởi lởi mở cửa bếp, lấy cả gạo nhà ra cho bộ đội nấu cơm. Ăn xong lên xe, thằng Thước bảo đó là người Nghi Lộc “cà có cuống, cà có đuôi” họ nói giọng líu lô, bị nuốt lưỡi không quen khó nghe lắm.

Khi có máy bay, xe phải dừng lại để nấp, nên mấy ngày mới đến thị xã Đồng Hới giữa khuya. Được đi xe tải, dù đường Quốc lộ 1 ngày đó chưa làm lại, ổ voi ổ gà lởm chởm, xe xóc nảy liên tục, thế mà lính vẫn phấn chấn lắm. Có mấy đứa hát suốt buổi. Thanh niên quê tôi làm chiếc gậy hành quân/ Đặt cho tên gọi là chiếc Trường Sơn… Tuổi trẻ bao giờ cũng bốc như vậy, nhưng  hướng  tuổi trẻ vào việc lớn của đất nước đòi hỏi người đứng đầu cũng phải biết dấn thân, vô tư, xông xáo như họ. Lãnh đạo mà chỉ biết  lo cho mình và gia đình thì  trăm thì khẩu hiệu cũng không  thu hút được thanh niên.

Phố xá Thị xã Hoa Hồng của tôi bị bom đạn san bằng, chỏng chơ gạch đá. Nhưng đêm nay không nghe thấy tiếng máy bay Mỹ lượn lờ. Gió nồm gào rú trên mặt bằng rộng, trên những đọt dừa ven sông toe tướp còn sót lại,  Nghe rờn rợn. Dọc sông vẳng lên những tiếng gõ chài, nhịp đều như mõ chùa. Đây là một cách đánh cá của dân chài dọc sông Nhật Lệ. Ngư dân  giăng chài rồi gõ mạnh liên tục vào một cái mõ bằng ống tre để cá sợ chạy vào lưới. Cái tiếng gõ chài  ấy thân quen đến nỗi đã đi vào thơ ca một thời . Tiếng  gõ chái như gõ vào trăng…

Chỉ có tháp chuông nhà thờ Tam Toà là còn, dù nham nhở vết đạn bom. Nó cao lớn trong đêm, vươn lên giữa không gian như một nắm tay giơ lên đấm vào trời xanh, có khi lại trông giống như một sự vươn lên níu lên níu Trởi. Nhà thờ này là nơi nhà thơ Hàn Mặc Tử thường rửa tội. Hàn Mặc Tử sinh ở  thôn Lệ Mỹ, cạnh nhà thờ. Hàn có bài thơ Mùa Xuân chín viết về quê hương của mình rất hay: Khách xa gặp lúc mùa xuân chín/ Lòng Trí bâng khuâng sực nhớ làng/ Chị ấy năm nay còn gánh thóc/ Dọc bờ sông trăng nắng chang chang? Tôi nghĩ ra tứ thơ: Nỗi đau chẳng thể phong rêu / Nên chi gió cứ lần theo nỗi niềm…nhưng mãi đến mười mấy năm sau mới đưa được vào bài thơ Đồng Hới gió nồm tặng Hải Kỳ. Cả Sư đoàn trải tăng võng ngủ bên sông, trên nền  phố đổ. Đa phần anh em không ngủ được. Tôi cũng không sao chợp mắt, nằm nhìn ra cửa sông Nhật Lệ lòng cồn cào theo sóng trắng đan vành. Nếu đi đường dọc bờ biển  thì từ đây vào làng Thượng Luật của tôi 50 cây số thôi, gần lắm... Mạ ơi, bây chừ mạ đã ngủ chưa? Đứa con trai được đi đại học duy nhất của mạ đang trên đường vượt Trường Sơn vào chiến trường khói lửa đây. Chỉ con vài ngày nữa là lên Trường Sơn rồi, không biết con có dịp về thăm mạ nữa không?…Vào chiến trường xác suất chế nhiều hơn sống. Tôi là niềm hy vọng thiêng liêng của mạ biết có còn  sống để trở về với mạ không?. Nghĩ đến mạ là tôi không thể ngủ được…

Tôi nhớ Đồng Hới trong thơ Xuân Hoàng mà tôi yêu từ thuở học trò: Em đi phố nhỏ động cành dừa/ Đồng Hới về khuya gió đêm ngả lạnh…/ Em đi nhé, bóng em lồng bóng biển/ Bài thơ lành em đến ngủ bên vai… Hồi tôi học cấp hai ở trường xã, nhà thơ Xuân Hoàng, lúc đó là Hội trưởng Hội Văn nghệ Quảng Bình dẫn nhà thơ Anh Thơ Bức tranh quê về làng tôi, làng Thượng Luật, xã Ngư Thủy có Đại đội nữ pháo binh anh hùng vừa bắn cháy tàu chiến Mỹ. Tôi lúc đó là đứa học trò mê thơ, nên nghe có các nhà thơ là chạy theo “để xem” cho bằng được mặt mũi họ như thế nào mà làm ra được thơ. Đối với tôi, thơ là thứ kỳ lạ nhất. Chỉ một dúm chữ thôi mà tạo ra được những câu thơ có thể làm ta rơi nước mắt! Tại sao vậy? Đó câu hỏi luôn ám ảnh tôi suốt tuổi học trò. Thầy giáo tôi bảo, người cao cao, đeo kính cận ấy là nhà thơ Xuân Hoàng. Nhà thơ vừa đi dọc mép sóng vừa sang sảng đọc cho chị Anh Thơ nghe bài thơ viết về Ngư Thủy, mới được đăng trên tạp chí Văn nghệ Quân Đội:” ...Cha chuyền cho con, chồng chuyền cho vợ/ Khẩu súng trường bóng loáng tiếp tay trao...”. Đọc xong, Xuân Hoàng cười hả hả, rồi đột ngột véo vào tay chị Anh Thơ một cái làm nữ thi sĩ đau điếng, rồi hỏi rất  thơ ngây:” Có mới không? Có xúc động không?...” ..

                                               * * *

Sáng sớm hôm sau chúng tôi đi ca-nô lên Xuân Bồ, xã Xuân Thủy. Cả một đoạn sông Nhật Lệ đông đúc, nhộn nhịp như ngày hội đua thuyền. May mà không có máy bay. Từ Đồng Hới đi theo sông Nhật Lệ đến ngã ba sông Long Đại thì rẽ qua sông Kiến Giang về Lệ Thuỷ. Xuân Bồ (xã Xuân Thuỷ) là nơi có trận đánh thắng quân Pháp của du kích mà nổi  tiếng là anh hùng Lâm Uý. Bắn hết đạn, người chiến sĩ ấy đã xông vào đánh giáp lá cà. Ảnh nhỏ con mà ôm thằng Pháp to lớn nhảy xuống sông cắn vào cổ cho nó chết. Địa danh Xuân Bồ đã vào văn chương Phùng Quán, đã vào bài hát của Hoàng Vân: “Trận Xuân Bồ năm nào như còn vang tiếng súng”. Đây là nơi  chỉ đi chục cây số là đến đường 14, nối đường mòn Hồ Chí Minh lên Trường Sơn. Có ba chục cây số đường sông mà cả sư đoàn phải di chuyển một ngày trời. Vì ca-nô ít, lại nhỏ mà lính  thì cả sư đoàn mấy ngàn người.

Từ đây về nhà tôi ở làng biển 20 cây số thôi, chạy bộ chỉ hơn 3 tiếng đồng hồ, nên tôi ghé tai nói thầm với Võ Văn Đảm, được cử làm tiểu đội trưởng dọc đường Trường Sơn:  Khôi vù về thăm mạ chút. Về đây mà không  gặp mạ , sau này có chuyện gì ân hận lắm! Sáng mai lên sớm. Yên tâm.”. Thế rồi tôi bỏ ăn tối, không xin phép Trung đội, sang đò, cắm cổ chạy Đây là đường tôi đi học mấy năm cấp 3, nên tôi rất thạo. Tôi lên huyện học cấp ba từ niên  khoá 1965 - 1966. Từ nhà tôi lên huyện phải vượt qua động cát 7 cây số, rồi đi dọc Quốc Lộ 1A 10 cây số, đến Cưỡi thì rẽ lên. Mùa nước nổi, đồng Lệ Thuỷ  nước ngập mênh mông. Đứa  nào cũng gói  áo quần, sách vở, gạo, mắm trong ni lon rồi làm phao bơi qua đồng nước ấy. Sáng thứ hai đi từ 2 giờ sáng, đến 6 giờ thì đến lớp học, chiều thứ 7 học xong 4 là vừa đi vừa chạy, về đến nhà chín mười giờ.

Chín giờ đêm tôi về đến làng biển Thượng Luật. Thấy tôi xuất hiện đột ngột, mạ ôm chầm lấy tôi sờ nắn chân tay rồi khóc nức nở:  «Ôi, con ơi, gửi  cái thư về thôi, sao lại trốn ! Lý lịch gia đình mình đã … Nhưng con về  cho mạ gặp là mạ mừng lắm rồi…”. Tôi thấy mạ gầy hơn, tóc bạc nhiều hơn. Năm nay mạ đã sáu mươi ba rồi còn gì, rứa mà vẫn chưa nghỉ chợ. Ngày mô cũng triêng gióng kĩu kịt trên vai đi bốn năm chục cây số.

Quả thực từ ngày gia đình tôi bị mắc nạn trong Cải cách ruộng đất,  mạ luôn bảo chúng tôi phải học giỏi, phải giữ gìn trong nói năng, công việc phải làm gắng hơn người một chút, để làng xóm biết mình là người tốt. Nhất là đọc sách đọc vở nhiều đừng có nói năng văng mạng lung tung, lại mang vạ, khổ thân. Nghe tôi về thăm mạ, anh Nguyễn Hữu Lẫn chồng chị Ngô Thị Vượng cùng các cháu ngoại của bà cũng vào chơi. Mạ giục các anh đi bắt gà  làm thịt, nấu cháo liên hoan. Cả nhà thức trắng đêm. Buồn chia tay nhưng lại vui gặp gỡ. Khi chia tay mạ tôi khóc bảo với tôi rằng, “con hãy cẩn thận, đừng bốc đồng liều lĩnh, nhưng cũng đừng chối từ  nhiệm vụ. Mạ tin con sẽ về. Mạ chờ con ”. 4 giờ sáng, mạ bắt thằng Ngô Văn Quang, lớn tuổi hơn, nhưng gọi tôi bằng chú trong nội thân, lấy xe đạp xe đạp chở tôi lên đơn vị…Đi xe đạp thì nhanh hơn, nên  năm giờ sáng tôi đã có mặt tại Quy Hậu, bên  này sông Kiến Giang. Tôi sốt ruột muốn sang Xuân Bồ sớm, nên  thằng Quang đã nhanh trí  vác xe đạp lên một chiếc đò của dân đêm cột ở gốc cây bên sông, hai chú cháu đạp chân cho đò sang sông, rồi nó lại trở về buộc trả chiếc đò cho họ. Tôi đến Xuân Bồ, nơi đơn vị đóng quân, khi cả đơn vị vừa mới thức dậy. Đảm ôm lấy tôi hỏi:” Mạ có khoẻ không?... Mạ có khoẻ không?”. Rồi gục vào vai tôi khóc. Trời đất ơi, sao quân nhân, lại là tiểu đội trưởng, đang vào trận mà  uỷ mị. mau nước mắt đến vậy?

Từ sáng đó, chúng tôi bắt đầu đi bộ lội suối leo đèo dốc vượt Trường Sơn 100 ngày ròng rã. Từ Xuân Bồ, Lệ Thuỷ đi  vài tiếng là đến đường 15 lên Trường Sơn. Đây là đường hành quân của  rất nhiều sư đoàn, trung đoàn  bộ đội, cũng như các đoàn văn nghệ sĩ, kỹ sư đi Nam từ những năm 1960. Đường đất đá lô nhô, nhưng rộng, ô tô đi được. Chúng tôi lên đường 14 từ lúc trời chưa sáng rõ. Mới đi bộ vài tiếng mà đứa nào mồ hôi cũng vả ra như tắm. Hai vai tê dại. Đi đứng như thế này không biết có đủ sức vượt ngàn cây số núi đèo không đây. Gay thật. Chiếc ba lô căng phồng với trăm thứ đủ cho một người lính ra trận như hai bộ quần áo dài, rồi quần áo cộc, võng bạt, tăng, màn, chăn,  2 ký lương khô, 4 gói muối bột, 1 ký ruốc bông, 8 hộp thịt hộp, hộp thuốc bệnh, những gói bột để lọc nước, bao tượng hơn 5 cân gạo vắt vai… Số gạo ấy đủ ăn trong một tuần. Rồi còn xẻng, cuốc, xè beng để đào hầm cài xung quanh. Ngoài ra mỗi người lính còn phải mang súng AK, một cơ số đạn kèm theo, bốn quả lựu đạn mỏ vịt (trong đó có một quả rút chốt  nà nổ ngay, để không cho địch bắt!); rồi dao găm, bình tong nước, bát đũa, đèn pin.v.v... Tính ra mỗi người phải mang tới 45 kí lô trên vai, trong lúc đó tôi chỉ nặng 39 cân. So sánh với mang vác của lính Mỹ cũng như  binh sĩ Việt Nam Công Hoà thì bộ đội ta  mang nặng hơn nhiều, vất vả hơn nhiều, vì bọn Mỹ có xe cơ giới như GMC hay máy bay trực thăng chở đi. Còn ta thì quanh năm cuốc bộ. Gay go nhất là phải trực nấu cơm trong  những chặng đường hành quân. Ai đến phiên “trực nấu cơm” của tiểu đội còn phải mang thêm chảo, soong, môi, thìa.v.v… rất kềnh càng, nhem nhuốc và nặng  không chịu nổi…

Cả tuần hành quân bằng ô tô không biết nặng. Bây giờ chiếc ba lô như một hòn núi trên vai. Mấy tiếng đầu thì đoàn quan chúng tôi còn đi đứng “oai hùng” lắm, hát hò tếu táo, nói cười rôm rả. Vài tiếng sau là lết từng bước nặng nhọc. Những giờ phút đó, tôi vô cùng bi quan vì không biết mình sẽ đi đứng như thế nào để đến nơi cần đến. Tôi hoang mang vì sức khoẻ  mình ẻo lả thư sinh thế, dường như không kham nổi cuộc hành quân cam go này. Cán bộ trung đội thường lên lớp: “Tinh thần không thông thì vác bi đông không nổi”, những tinh thần cao rồi, thông rồi, mà chân không bước được nữa thì làm sao? Đưá nào cũng im lặng thở ra tai. Thằng Dũng sợ nặng, đêm qua nó đã lén vứt bớt đi nào xè beng, cuốc. Hắn gọi là “làm một cuộc thanh trừng”. Hồi đi xe tải từ Phú Bình vào Đồng Hới, khi đi qua Cầu Đuống, tôi đã thấy rất nhiều đứa ở các xe trước liệng xà beng, cuốc xuống sông. Lúc đó tôi cảm thấy làm như thế như là sự phản ứng chuyện “đi B”. Nhưng đến bây giờ lại thấy mấy đứa vứt xè beng, cuốc xuống sông như thế thật có lý. Thằng Dũng mang tất cả lên đến đấy mới “thanh trừng” cũng là giỏi rồi. Tôi học theo hắn, cũng vứt  béng cái xẻng, cuốc chim bên rừng. Tôi gầy gò nhỏ bé, nên Đảm, thằng Trung thấy thương nên ngày nào cũng mang hộ súng, gạo. Vậy mà tôi cứ đi sau cùng tiểu đội. Cuối mỗi ngày không gọi là đi nữa mà là lết!

Chúng tôi đi tới 8 tiếng đồng hồ mới tới trạm T6, trạm đầu tiên của Binh trạm Trường Sơn trên đất Hướng Hóa, Quảng Trị. Tới nơi đứa nào chân cũng nặng như đổ chì. Có đứa chỉ cần ngả lưng bên đường, lưng tựa vào ba lô là ngáy o o. Giao liên phổ biến đã có rất nhiều người ngủ quên, đơn vị đi mất, thành lính “thu dung”, lạc đơn vị. Có nhiều đứa vì lạc đơn vị bơ vơ, rồi  nhập vào đoàn thương binh ra lại miền Bắc, như là một kiểu “đào ngũ thầm lặng”. Tất nhiên cũng có đứa giả vờ ngủ quên hay đau ốm để được  ra Bắc một cách hợp pháp. Cũng có nhiều đứa trốn thật. Nên thời đó ở miền Bắc thường có lời hát nhại bài Giải phóng Điện Biên để giễu cợt bọn lính đào ngũ rất vui: “Lúc  la lúc lắc/  đoàn quân ra Bắc/ đồng bào thắc mắc/  sao các anh lại về…/ Vì sốt rét chúng ông mới về/ ốm gần chết chúng ông mới về/ đéo tin thì thôi…”. Các địa phương xử rất nghiêm những người đào ngũ. Nhưng tệ đào ngũ vẫn xảy ra. Tất nhiên lính đào ngũ  là số ít, rất ít so với  hàng triệu thanh niên miền Bắc vượt Trường Sơn ra trận. Dù biết là đi vào chốn hiểm nguy họ vẫn lên đường.

Mệt thế mà đến đoạn rừng rẽ vào T6, thằng Dũng còn kéo Đảm, tôi, Thước chỉ vào hai anh chị thanh niên xung phong và bộ đội đang cởi truồng “quần” nhau quay cuồng dưới gốc cây quên cả trời đất. Bao nhiêu bộ đội hành quân qua ngay bên cạnh họ cũng mặc. Cô gái nằm dưới cơ thể trắng phau, rên ậc ậc. Dũng bảo :”Đấy, sống gấp đấy! Hấp dẫn không! Cả một lũ sống gấp. Chúng  nó cứ làm như là cái chết đang chờ chúng ngày mai vậy …”. Tôi bảo:”Dũng ơi, họ cũng là con người cả mà. Tội nghiệp lắm…”. Nói thế, chứ được coi một cảnh khoả thân như nhộng giữa Trường Sơn cũng vui đáo để. Cả trung đội tội bàn tán sôi nổi cả ngày về đoạn “phim con heo” ấy...

Mưa. Mưa như trút. Mưa cứ như sông suối đổ xuống đầu. Đường trơn. Đang mùa mưa mà. Hai bên đường, trong các đám lá tôi thấy sên vắt giơ vòi ngoe ngoe dày đặc. Tôi là dân biển nên rất sợ đỉa. Hồi lên học cấp 3 trên huyện, cả lớp đi làm ruộng thí nghiệm, tôi tình nguyện đứng trên bờ đẩy xe phân, quăng mạ, dù nặng nhọc, chứ không dám lội xuống  ruộng. Hành quân một chặng, đến giờ nghỉ, đứa nào cũng phái hiện ra trên bắp chân của mình năm bảy con vắt căng tròn vì no máu. Có khi mắc võng nằm ngủ rồi mới phát hiện ra con vắt to tròn như hòn bi trên bụng. Giao liên phổ biến là muốn  cho vắt rời chân thì nhổ nước bọt vào chỗ nó đeo bám. Tôi làm theo, quả đúng thật.

Mấy hôm nay Hiệp định Raris về Việt Nam được ký kết, Mỹ không còn ném bom miền Bắc nữa, nên đường Trường Sơn đông như hội. Xe tải chở đạn, chở gạo, chở quân đi từng đoàn nối nhau. Chiếc nào cũng gắn khẩu hiệu:”Một ngày bằng hai mươi năm”. Đến T6, bảng thông tin của Trạm có dán bài thơ mới Việt Nam, Máu và hoa của Tố Hữu:

Ao ước trăm năm mãi đợi chờ

Hôm nay vui đến ngỡ trong mơ

Một trời êm ả xanh không tưởng

Mặt đất bình yên giấc trẻ thơ…

Tôi thấy mấy anh lính mở sổ tay chép bài Việt Nam - Máu và hoa, tôi cũng chép thậtnhanh để còn đi nấu cơm. Mệt. Nhưng tôi và Dũng đến phiên trực thổi cơm. Thổi cơm dọc đường hành quân là một nghệ thuật siêu hạng, ai không hành quân vượt Trường Sơn không thể hình dung nổi. Hai đứa chặt cây làm đòn khiêng, buộc tăng vào, xuống suối lấy nước. Nước cáng về đổ vào một cái hố đào vội, lót tăng để dự trữ. Cáng đủ nước lên dốc đến chỗ trú quân là bở hơi tai.  Lại phải đào bếp Hoàng Cầm để “nấu không khói” ( khẩu hiệu có tính chất  mệnh lệnh của Trường Sơn  mà người lính nào cũng phải nhớ nằm lòng là Ở không nhà, đi không dấu, nấu không  khói, nói không tiếng). Bếp Hoàng Cầm là loại bếp đào xuống đất, có chỗ  cho củi vào, bắc nồi lên là ánh lửa không  lọt ra ngoài, khói được dẫn bằng một đường ngầm phủ lá rừng dài để khói lan trên mặt đất chứ không lên cao. Phải nấu hai chảo cơm. Một chảo để ăn ngay, một chảo để làm cơm nắm mai  mang đi ăn buổi trưa. Rồi phải nấu canh, nấu nước cho anh em đổ đầy bình tông. Tất cả những việc ấy chỉ được làm trong thời gian ngắn theo lệnh tiểu đoàn . Khi một tiếng, có khi chỉ 40 phút, vì sợ máy bay do thám OV10 phát hiện ra. Có bữa cơm vừa chín là được lệnh hành quân, phải  khiêng chảo cơm vừa đi vừa ăn…Loại máy bay OV10 này chỉ có cái buồng lái ở phía đầu, còn toàn thân nó như là rỗng, đạn khó bắn trúng . Nó cứ vè vè ong ong suốt ngày trên đầu mình. Phát hiện ra  dấu hiệu khả nghi là nó bắn tín hiệu gọi máy bay đến ném bom , bắn rocket đến ngay tức khắc, nguy hiểm lắm.

Có ngày chúng tôi hành quân qua những vùng “rừng chết”. Nghĩa là rừng bị Mỹ thả chất độc da cam làm cho không hồi sinh được trong nhưng năm cuối thập kỷ 60 của thế kỷ XX. Cây rừng khô cháy xém chỉa lên trời như những cánh tay kêu cứu. Cây chết cháy đen nhẻm, đất rừng không còn cỏ mọc. Chúng tôi vẫn hành quân vô tư đi qua  những cánh “rừng chết” ấy suốt mấy cung đường liền. Có đứa hết nước trong bi-đông còn  múc nước ở khe suối chảy qua khoảng “rừng chết” ấy. Sau này mới biết đó là những khoảng  rừng bị  máy bay Mỹ  rải hoá chất màu da cam, phát quang rừng để  ngăn chặn bộ đội miền Bắc  vào miền Nam. Sau này  tôi mới biết di hại của chất độc da cam điôxin khủng khiếp như thế nào đến con cái của  những người  hành chân chiến đấu ở chiến trường Miền Nam. Không biết đồng đội tôi có ai “dính” điôxin không?. May mà tôi không việc gì. Cứ nghĩ đến   những vùng “rừng chết” ngày đó là rùng mình.

Dọc đường hành quân, thỉnh thoảng tôi thấy những mộ nấm mộ bên đường heo hút. Mộ thì cỏ đã lên um, mộ thì còn nguyên đất mới. Tuổi trẻ miền Bắc lớn lên  mới học đến lớp 7, lớp 8 , chưa biết cuộc đời  là gì đã nằm lại  giữa âm u Trường Sơn. Có nấm mộ như mới  chôn hôm qua, có mảnh nilon ghi tên tuổi một cô gái, quê quán…Quảng Trạch, Quảng Bình quê tôi! Giao liên bảo đó là mộ cô thanh niên xung phong hy sinh tuần trước. Ôi, em nằm đây bao giờ mới về quê hương Quảng Bình quê ta ơi?...Tôi đứng  thẫn thờ, xúc động bên mộ em một thoáng rồi chạy vội theo đơn vị hành quân. Đường ra trận lúc nào người cũng mệt lữ, chân thì mỏi rời, nhưng không ai có thời gian mô để mà buồn, mà nghĩ ngợi!

Mười ngày ròng rã chúng tôi hành quân ở Hướng Hóa, miền Tây Quảng Trị. Núi cao hiểm trở. Khổ nhất là vượt dốc 1001 trên đường 14. Từ sáng sớm leo lên, đến tối mịt mới sang bên kia chân dốc. Có khi phải bấm ngón chân leo qua các triền núi đá. Đá tai mèo cheo leo mỗi lúc một cao.  Chúng tôi ngày nào cũng phải vượt dốc, có ngày phải vượt tới 10 cái dốc đá dựng đứng, đầu gối đau ê ẩm. Cấp trên giải thích phải đi  trên những con đường khó khăn  như thế bọn thám báo mới không lần ra dấu vết! Lại có cái dốc tên là Dốc Khỉ. Chẳng hiểu sao người ta lại đặt cho  nó cái tên như vậy. Chắc là  rừng nơi đây nhiều khỉ. Có cái dốc gọi là “Dốc ba thang”, vì giao liên phải làm ba cái thang chắc chắn bằng sợi dây rừng chôn vào đá để bộ đội leo lên. Đứa leo sau đội đít đứa leo trước, nhích từng bước lên trời. Cũng có ngày chúng tôi được đi chung đường với ô tô vận tải, gặp chị em thanh niên xung phong đang lấp hố bom, mùi bom còn khét lẹt. Cô nào cũng xắn quần đến bẹn trông ngon mắt đáo để. Họ làm việc vất vả, nguy hiểm thế, nhưng thấy đoàn lính trẻ thư sinh mới từ Bắc vào, các cô lại cất tiếng hò Sông Mã: ”Ơi hò… Miễn là anh có lòng thương. Giữa đất cũng đặng chiếu giường mà chi”, rồi đấm vai nhau cười vang rừng. Võ Văn Đảm bảo, đám nữ thanh niên xung phong này là ghê lắm. Họ ăn sống mình đi đấy. Ở rừng lâu ngày, họ thèm đàn ông như mình thèm rượu, thèm thuốc lào. Rồi Đảm  vừa đi vừa kể rằng, có người anh cùng xóm đi bộ đội vào Trường Sơn, bị lạc đơn vị, bị các o thanh niêm xung phong bắt vào danh trại của họ. Họ nuôi ăn ngon, tắm mát rồi đêm nào cũng phải phục vụ các cô “chuyện ấy”. Chỉ một tuần anh bộ đội gầy rạc thành bộ xương. Chịu không nổi, nhân có trận địch ném bom, các cô nhào ra mặt đường cả, anh ta  liền xô ngã cô gác cửa rồi chạy trốn vào rừng… Không biết Đảm kể chuyện thật hay bịa nhưng đứa nào cũng cười. Thằng Hồng người Nghệ An  cao to khoát tay bảo: ”Giá chi em bị các o bắt như rứa hè…”

Giao liên giục đi nhanh, sợ máy bay địch quay lại, nhưng anh em thì mang nặng nên tốc độ rất chậm. Có khi một ngày chỉ đi được vài chục cây số. Mấy ngày nay mưa liên miên. Mưa Trường Sơn thật kinh khủng. Trời cứ như nghiêng thùng nước đổ vào đầu người vậy. Mùa mưa chỉ có người đi bộ  có thể đi được, dù dép dính bùn bê bết, nặng trịch, phải lê từng bước. Còn vận tải ô tô, hoặc xe thồ rất khó khăn vì sông suối đều dâng ngập, đường lầy lội. Chúng tôi nghe anh em ở Binh trạm kể rằng, từ năm 1968, các nhà khoa học Mỹ đã làm mưa nhân tạo để kéo dài vô hạn mùa mưa trên đường Trường Sơn bằng cách tạo mây để hạn chế vận chuyển của quân ta từ Bắc vô Nam.  Mây được tạo trong không trung bằng các đám khói bạc iodide và sau đó được kích hoạt bằng một mồi nổ bắn ra từ súng bắn pháo sáng. Việc làm mưa nhân tạo được thực hiện cho đến giữa năm 1972, nhưng cũng không ngăn được  người và xe từ miền Bắc vẫn tấp nập lên Trường Sơn . Cả đường ống dẫn xăng dầu cũng chạy dọc Trường Sơn  cho đến Lộc Ninh

Chiều đơn vị chúng tôi dừng chân bên một con sông dâng đầy nước. Ở đây có dấu vết của những ngôi nhà đổ nát và những vạt rau khoai lang, chứng tỏ một bản dân tộc đã dời đi. Mấy đứa thấy rau lang thì mắt sáng lên, không kịp cởi ba lô, tranh nhau hái. Khi nghe giao liên cho biết đây là sông Sê Băng Hiêng, Sêbănghiêng (tiếng Lào: Se nghĩa là sông) là một dòng sông từ đỉnh Trường Sơn chạy ngược về đất  Lào và là một chi lưu của sông Mê Kông. Dòng sông Sêbănghiêng được sinh thành từ nghìn con suối nhỏ giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ. Trước khi sông mang nước ngược sang đất Lào , Sêbănghiêng chảy qua thung lũng Cù Bai, trở thành đầu nguồn sông Hiền Lương, Bến Hải,...Võ Văn Đảm nước mắt dàn giụa, rồi khóc hu hu như trẻ con. Đảm bảo sông Sê Băng Hiêng là đầu nguồn sông Hiền Lương, con sông giới tuyến. Nhà Đảm ở  xã Vĩnh Giang, ngay sát bờ bắc sông. Chỉ mấy chục cây số thôi là đến nhà. Thế mà Đảm chưa một lần qua cầu Hiền Lương . Đến tuổi bộ đội phải vượt sông bằng đường Trường Sơn ! Đảm xúc động cởi quần áo, nhảy ùm xuống sông, rồi ngẩng lên, hướng về phía Đông, gọi to :”Mạ ơi, con vô đến sông Hiền Lương đây rồi! Đánh xong giặc con về với mạ!”. Mấy đứa chúng tôi cũng không cầm được nước mắt. Chao ôi, Đảm phải  đi cả ngàn cây số Trường Sơn, vào tận miền Đông Nam Bộ, đánh giặc xong rồi, nếu còn sống lại đi ra cả ngàn cây số nữa để qua cầu Hiền Lương về với mạ! Giờ đây chỉ  vài chục cây số thôi mà không sao về thăm nhà…

Bữa cơm tối nay có rau lang luộc chấm với nước muối mà ngon miệng như ăn cao lương mỹ vị. Cấp dưỡng nấu một đứa hơn nửa ký gạo mà cơm hết vèo từ khi nồi hãy còn bốc khói. Vì đã nửa tháng rồi không rau tươi, thèm lắm…

N.M

Nguồn TCCV

Ngô Minh
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 283 tháng 04/2018

Mới nhất

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Viếng Nghĩa Trủng Đàn đầu năm Giáp Thìn

08/04/2024 lúc 22:34

Mười năm rồi lại trăm nămĐàn Nghĩa Trủng mãi ơn Hoàng Bích KhêTử sĩ Tây Sơn

Giêng hai gieo những ngọt ngào; Ký gửi

08/04/2024 lúc 22:33

Giêng hai gieo những ngọt ngàoGiêng hai lúa đã xanh đồngGiêng hai cải đã trổ

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

20/04

25° - 27°

Mưa

21/04

24° - 26°

Mưa

22/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground