Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 16/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Sự học ở làng Câu Nhi

Làng Câu Nhi từ ngày có danh xưng trên bản đồ Đại Việt đến nay đã sáu trăm năm. Cũng bình dị như bao ngôi làng thuộc xứ Kẻ Diên văn vật, nhưng Câu Nhi có sông Ô Lâu phân dòng chảy qua tạo một địa thế rất độc đáo. Sông Ô Lâu đoạn uốn lượn mềm mại và đẹp nhất ôm gần trọn làng Câu Nhi vào lòng. Lòng sông ở đây nở rộng được cổ nhân mượn theo góc nhìn phong thủy ví như cái nghiên mực lớn, cồn đất nằm kẹp giữa hai chi lưu là mũi bút chấm vào dòng Ô Lâu cho chí khí Câu Nhi viết lên trời. Như thừa hưởng được phong vận, linh khí của trời đất xứ này, người Câu Nhi xưa nay chuộng tài hoa văn chương, học vấn hết mực.

Ngày chúng tôi về Câu Nhi, nước sông Ô Lâu đầu hạ xanh ngăn ngắt. Thầy giáo Trần Đới, một người làm công tác khuyến học của đất Hải Lăng vốn am hiểu cái nền học của quê nhà đã nhiệt tình dẫn chúng tôi đi thăm thú nết đất, nết người Câu Nhi. Nằm bên tả ngạn sông Ô Lâu thuộc đất Hải Lăng, Câu Nhi với bề dày văn hiến còn lưu giữ vẻ cổ kính với hệ thống đền chùa miếu mạo, bến nước sân đình rêu phong trăm tuổi. Hai chục đời người đã sinh cơ lập nghiệp bên mép nước và từ nguồn Ô Lâu này cũng xuất thế bao nhân tài. Thầy Đới nói rằng, đất này là tâm điểm nhân kiệt của vùng Ô Lâu, đã nuôi dưỡng nhiều con người học hành đỗ đạt, nhiều bậc trung thần lương tướng có nghĩa với làng, có công với nước. Đó là tham tướng Hoàng Bôi, tướng công Phạm Duyến, thượng thư Nguyễn Tăng Doãn, thượng thư Bùi Văn Tú, tiến sĩ Bùi Dục Tài… vang danh trong sử sách, hay nhạc sĩ tài hoa Trần Hoàn sau này, họ đều từ nguồn Ô Lâu này mà ra đi giúp đời.

Năm 1502, tức là sau một trăm năm khi lớp người Việt đầu tiên đến cư ngụ lập làng, làng quê này đã đóng một mốc son chói lọi trên con đường học vấn khoa cử vùng Thuận Hóa với sự kiện nho sinh Bùi Dục Tài đỗ Tiến sĩ đầu tiên xứ Đàng Trong, được sắc tứ vinh quy, được khắc tên ở bia đá Văn Miếu. Tiến sĩ họ Bùi ra đi từ vùng “Ô Châu ác địa” thi thố với bao nhân tài khắp cả nước và thành công là nhờ ý chí khổ học, khổ luyện của cá nhân gắn với những khuyến học của cộng đồng. Khi ông đi ứng thí đã nhận sự giúp đỡ của gia đình, họ hàng, làng mạc; khi ông đỗ đạt được cộng đồng đón rước tưng bừng. Chính quê ông, sau khi ông mất ít lâu đã có bản hương ước với một điều lệ: “Ai cũng phải học, học chữ, học nghề, học lễ nghĩa”. Và hiện nay, tỉnh Quảng Trị lấy tên ông đặt cho giải thưởng khuyến học cao nhất của địa phương.

Trải năm trăm năm từ buổi ngài Bùi Dục Tài “đột phá khai khoa”, đạo học của làng như mạch nguồn Ô Lâu chảy mãi không ngừng nghỉ từ quá khứ đến hiện tại. Câu Nhi hiếu học đã nổi tiếng, biết giữ truyền thống cha ông, những sĩ tử đời sau vẫn tha thiết dùi mài để Câu Nhi được dân gian gọi bằng một cái tên đáng tự hào: làng tiến sĩ. Nếu liệt kê những người con thành đạt từ thời lập làng đến nay, có lẽ chẳng bao giờ kể hết. Tại những thời điểm khó khăn, con em Câu Nhi đỗ đậu nhiều, nhưng các gia đình không đủ điều kiện nuôi con ăn học, làng đã lập quỹ khuyến học bằng “học điền”, vận động các dòng họ góp tiền khuyến học, những người trong xóm trong làng đỗ đạt trước đó lại có trách nhiệm đùm bọc con cháu cho đến tận khi ra trường. Hiện Câu Nhi có hơn 400 tiến sĩ, thạc sĩ, kỹ sư thành danh ở nhiều lĩnh vực, đang sinh sống và làm việc ở trong nước lẫn nước ngoài. Đây cũng là địa phương có tỷ lệ thí sinh đỗ vào đại học cao của tỉnh Quảng Trị, hằng năm có từ 20 đến 30 tân sinh viên đại học. Đỗ cao, đậu nhiều là chuyện thường ở Câu Nhi, ngôi làng có ý thức khuyến học từ lâu đời và cho đến ngày nay vẫn luôn được chú trọng.

Trong buổi chuyện trò với hội chủ làng Nguyễn Văn Cầm, ông cho chúng tôi xem các văn bản có liên quan đến công tác khuyến học của làng, mà như ông nói là một công việc lớn của quê hương. Tôi tìm thấy trong Hương ước làng có điều về khuyến học như sau: “Làng khuyến khích con em học tập tốt, tối thiểu phải tốt nghiệp cấp II. Không để cho con em bỏ học. Làng sẽ có phần thưởng cho con em thi đậu đại học, thủ khoa, học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh. Đối tượng được thưởng là con em hiện cư trú trong làng”. Ông Cầm tự hào nói rằng, người Câu Nhi nuôi chí làm giàu cho mình trước hết bằng học vấn. Coi trọng việc học và giữ việc học như ngọn lửa. Mỗi người dân, cho dù làm bất cứ công việc gì họ đều cố gắng cho con vào đại học. Làng có quỹ khuyến học trao thưởng hằng năm tại đình làng. Mười hai dòng họ đều lập quỹ khuyến học và tổ chức lễ tuyên dương con cháu đỗ đạt tại nhà thờ họ, được các cao niên có uy tín trong làng đích thân trao thưởng. Nhờ vậy, đạo học của làng hiện vẫn đứng đầu bảng thành tích của vùng Ô Lâu.

Để nuôi dưỡng tinh thần hiếu học, trong làng có các cụ Lê Chí Phóng, Lê Chí Chấp, Bùi Hữu Xích từng đi dạy học, làm việc ở thành phố, dù con cái thành đạt khá giả nhưng vẫn một mực quay về làng, mở lớp dạy học miễn phí cho con em trong làng. Cụ Lê Chí Phóng là thân sinh PGS.TS Y khoa Lê Chí Dũng. Trước năm 1975, cụ là giáo viên trường Nguyễn Hoàng. Khi về hưu cụ chọn cuộc sống tiêu dao vui thú điền viên nơi quê nhà. 90 tuổi cụ vẫn làm thơ Đường ca ngợi vẻ đẹp của làng quê, động viên con cháu nỗ lực học tập, tu dưỡng nhân cách, bản thân cụ luôn sống đức độ để con cháu noi theo. Hay gia đình anh Bùi Công Đông, hai vợ chồng cày cấy nông nghiệp, rồi nhờ hạt gạo nuôi năm đứa con ăn học thành tài. Anh chị đã gánh hết nhọc nhằn để các con học hành. Bao nhiêu lúa gạo đong vào bao cũng chỉ đủ đánh đổi cho các con cái chữ. Bởi chỉ có thể đổi được sự no ấm giàu sang của mai sau bằng cách dùi mài học vấn… Cái thẳm sâu vốn có mấy trăm năm ở ngôi làng này là thế, tất cả đều toát lên những giá trị nhân văn trọng chữ nghĩa, hiền tài.

Đạo học của làng đã lừng vang, nhưng Câu Nhi còn thành công về nền tảng đạo đức xã hội chuẩn mực, hiếm nơi đâu có được. Làng Câu Nhi từ thuở hàn vi đã dạy con cháu lấy sự học làm đầu. Học ở đây không chỉ là học chữ, mà còn học đạo đức, lễ nghĩa. Đạo làm người luôn được người dân lấy làm quy chuẩn cho mọi ứng xử trong cuộc sống hằng ngày và giáo dục các thế hệ con dân. Thế nên mới có chuyện dân làng không bao giờ thưa kiện lẫn nhau. Từ xưa đến nay trong làng không hề xảy ra một vụ kiện tụng hay tranh chấp đất đai, tài sản, không có tệ nạn xã hội ở thanh thiếu niên. Người dân Câu Nhi thường bảo ban nhau nhẹ nhàng để sống nghĩa tình, hòa thuận, nhường nhịn không bon chen. Hình thành một cộng đồng xã hội học tập ngay chính quê hương mình. Câu Nhi đẹp không hẳn vì có nhiều đền chùa miếu rũ rêu phong trăm tuổi. Cái đẹp ẩn tàng ở tầng văn hóa thâm sâu riêng biệt, khiêm tốn mà tự tin, đã trở thành nguyên khí, vốn quý của văn vật đất này.

Có một cộng đồng người Câu Nhi sinh sống ở Bình Phước gần bốn mươi năm qua, họ mang theo nếp sống và truyền thống hiếu học của quê nhà đến quê hương mới như một niềm tự hào nguồn cội không có gì sánh được. Thời điểm năm 1981, một nhóm 90 hộ dân Câu Nhi rời làng vào Lộc Ninh tỉnh Bình Phước khai lập vùng đất theo diện kinh tế mới tập trung. Trải qua tháng năm dằng dặc, bà con ly hương vẫn giữ nhiều nếp làng xưa ghi nhớ hồn quê cha đất tổ, vẫn sống nhân hậu và giúp đỡ nhau những lúc tối lửa tắt đèn, các thế hệ đều thành đạt nhờ học vấn. Khoảng năm 1992 - 1994, Hội huynh đệ đồng hương làng Câu Nhi ở Lộc Ninh được thành lập, đây là hội đồng hương đầu tiên ở tỉnh Bình Phước. Hội có quỹ khuyến học riêng từ nguồn đóng góp của hội viên và ủng hộ của con em đồng hương Câu Nhi thành đạt để khuyến khích, giúp đỡ con em phấn đấu trong học tập. Vào đầu năm mới, hội tổ chức gặp mặt truyền thống thắt chặt tình đoàn kết, đồng thời khen thưởng con cháu có thành tích trong học hành đỗ đạt.

Ngày chúng tôi về Câu Nhi, nước sông Ô Lâu đầu hạ xanh ngăn ngắt. Ông Cầm dẫn chúng tôi đi về phía đầu làng, chỗ doi đất nhìn ra bến chợ và ngã ba sông thơ mộng, đó là nơi người làng đã dựng nên ngôi đình Câu Nhi to đẹp nổi danh khắp vùng Hải Lăng. Đình làng nghe nói được lập từ thời Lê sơ, đến năm 1879 triều Tây Sơn thì dời về đây rồi can qua chiến trận phải trùng tu tôn tạo lại nhiều lần. Dân gian lưu truyền câu ví von “thùng thình như đình Câu Nhi” để diễn tả sự bề thế và vai vế của ngôi đình từ ngày xưa và ngày nay là di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Trong khuôn viên ngôi đình, dân làng đã dựng nên Nhà Thánh là nơi thờ Đức Khổng Tử và những bậc danh sĩ của làng ngõ hầu mong con cháu muôn đời nối dõi thánh hiền làm vẻ vang họ tộc, làng mạc. Nằm ngay cạnh đình làng là chùa Quan Khố và ngôi miếu thờ ngài tiến sĩ khai khoa Bùi Dục Tài. Cụm công trình văn hóa này như là biểu tượng trường tồn cho gia phong một vùng đất luôn sống với tinh thần tôn sư trọng đạo. Theo lệ mỗi đầu xuân mới, làng làm lễ khuyến học tại đình làng để vinh danh những người con của đất Câu Nhi học hành đỗ đạt.

C.N

Cẩm Nhung
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 284 tháng 05/2018

Mới nhất

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Viếng Nghĩa Trủng Đàn đầu năm Giáp Thìn

08/04/2024 lúc 22:34

Mười năm rồi lại trăm nămĐàn Nghĩa Trủng mãi ơn Hoàng Bích KhêTử sĩ Tây Sơn

Giêng hai gieo những ngọt ngào; Ký gửi

08/04/2024 lúc 22:33

Giêng hai gieo những ngọt ngàoGiêng hai lúa đã xanh đồngGiêng hai cải đã trổ

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

17/04

25° - 27°

Mưa

18/04

24° - 26°

Mưa

19/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground