Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Vì sự nghiệp trồng người trên đỉnh Trường Sơn

Tôi không nhớ nổi mình đã bao nhiêu lần đi về trên con đường 9 từ Đông Hà lên Lao Bảo. Những lần đi về ấy cũng chỉ để biết mình đang được đi trên con đường huyền thoại đã in dấu trong lịch sử vẻ vang của dân tộc. Nay thêm lần nữa con đường huyền thoại lại kéo tôi về với câu chuyện của cô giáo Lê Thị Hằng Sâm, một người dành trọn tuổi thanh xuân của mình gắn bó với bậc học mầm non trên rẻo cao biên giới của huyện miền núi Hướng Hóa.

Với nụ cười hiền hậu, cô giáo Sâm kể cho chúng tôi về những ngày đầu đi dạy trên mảnh đất khắc nghiệt nắng, gió Lào rát rạt này. Năm 2000, tốt nghiệp khoa sư phạm mầm non cô giáo Sâm liền khoác ba lô lên đường nhận nhiệm vụ tại Trường mầm non Khe Sanh. Sau ba năm công tác cô được điều động cắm bản gieo chữ tại bản Cát, bản Trỉa, Ba Tầng, nơi những điểm trường vô vàn khó khăn gian khổ. Những bản này hầu như thiếu thốn đủ bề: không điện, không đường, không trường, không trạm và không nước sạch… Cảm giác hụt hẩng, nước mắt lưng tròng khi lần đầu tiên đến bản Cát, bản Trỉa “nhìn ngôi trường tạm bợ tranh tre nứa lá, các cháu đến lớp bằng chân đất, áo quần không đủ ấm trong khi trời thì rét cắt da cắt thịt mà lòng tôi cứ se lại”. Hằng Sâm chia sẻ.

Ngoài những khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất thì bất đồng ngôn ngữ là rào cản lớn nhất trong việc dạy và học ở những vùng bản xa xôi này. Nhưng cách thức “mưa dầm thấm lâu”, cùng ăn cùng ở cùng làm với dân bản, rào cản ngôn ngữ được xóa đi, cô trò ngày càng xích lại gần nhau. Nhưng theo cô giáo Sâm có một khó khăn tưởng chừng như không thể vượt qua đó chính là nỗi sợ khi màn đêm buông xuống. Thân gái đối diện với ngọn đèn dầu leo lét, xung quanh bốn phía là rừng hoang vu gió lạnh, trong đầu thấp thoáng suy nghĩ “bỏ nghề về quê”. Nhưng khi sáng ra đến lớp, nhìn học trò hồn nhiên vui đùa, đến giờ học ngồi vào chỗ ngay ngắn đợi cô tập hát, tập múa, tập đọc chữ ê a thì lòng cô chùng lại. Sau nhiều đêm thức trắng mông lung nghĩ suy, cô quyết định trở về đúng thiên chức cao quý của người giáo viên cắm bản gieo chữ trên những vùng đất khó khăn hẻo lánh này. “May mắn là những năm cắm bản tôi chưa một lần bị sốt rét rừng như bao đồng nghiệp đã từng thập tử nhất sinh với căn bệnh hiểm nghèo này, chắc trời thương” - cô tâm sự.

Sau nhiều năm gắn bó với các bản làng trong hành trình cắm bản, năm 2012 cô giáo Sâm được bổ nhiệm làm hiệu trưởng Trường mầm non Tân Thành.

Trường mầm non Tân Thành (thôn Cổ Thành, xã Tân Thành, huyện Hướng Hóa) được thành lập năm 1996 theo hệ học bán công, đến năm 2011 trường được chuyển sang hệ học công lập. Hiện nay trường có 236 cháu và được chia thành 2 điểm trường (01 ở khu vực trung tâm, 01 ở khu vực bản Hà Lệt). Tất cả các cháu đều được tổ chức ăn và học theo hình thức bán trú. Hiện nay trường đã được UBND tỉnh quyết định công nhận Trường mầm non đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1.

Để xây dựng ngôi trường mầm non Tân Thành đạt chuẩn Quốc gia như hôm nay đối với cô giáo Sâm là một quá trình dài và đối diện với không ít khó khăn bộn bề. Phòng học, phòng chức năng thì xuống cấp, bếp ăn tạm bợ không đảm bảo chuẩn theo nguyên tắc bếp một chiều và nấu ăn hàng ngày bằng than củi. Trẻ ở khu vực lẻ thực hiện bán trú theo mô hình “bán trú dân nuôi”. Đội ngũ cán bộ giáo viên thiếu so với định biên, chuyên môn, nghiệp vụ chưa cao. Đồ dùng đồ chơi phục vụ cho các hoạt động dạy và học thiếu thốn không đồng bộ. Công tác xã hội hóa của nhà trường vẫn còn nhiều hạn chế, chưa huy động được sự tham gia của toàn xã hội trong công tác phát triển trường và nhất là khuôn viên trường lớp nham nhở, hàng rào tạm bợ, sân chơi xuống cấp, mùa mưa nước từ đỉnh đồi tràn vào các phòng học ngập úng sân trường.

Khắc phục những khó khăn trước mắt và đặt điểm tựa nhằm xây dựng ngôi trường đạt chuẩn, ngoài nguồn vốn ngân sách được cấp, trong ba năm trở lại đây cô giáo Sâm đã cùng tập thể giáo viên vận động từ nguồn xã hội hóa, các cộng đồng doanh nghiệp, các mạnh thường quân. Số tiền huy động được tuy ít ỏi để mua sắm thêm trang thiết bị trong việc dạy học và dành một phần cho kiên cố hóa tường rào xung quanh chống ngập úng sân trường cho các em vui chơi.

Cùng với việc tạo dựng cơ sở vật chất thì đội ngũ cán bộ giáo viên cũng được cô giáo Sâm và Ban giám hiệu nhà trường tạo điều kiện trong việc học tập nâng cao trình độ chuyên môn, chuẩn hóa nghề nghiệp. Từ năm học 2016 - 2017, tỉ lệ giáo viên có trình độ đạt chuẩn một trăm phần trăm; tỉ lệ giáo viên dạy giỏi cấp trường, cấp huyện và đạt xuất sắc theo chuẩn nghề giáo dục mầm non đạt năm mươi phần trăm, tỉ lệ trình độ trên chuẩn đạt chín mươi tư phần trăm… Đặc biệt, trong những năm qua trường đã trang bị khá đầy đủ các trang thiết bị y tế và đồ dùng theo dõi chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh cho trẻ đảm bảo chất lượng.

Khi được hỏi vì sao từ một ngôi trường với bao bộn bề khó khăn trong thời gian ngắn mà đã xây dựng thành trường đạt chuẩn cấp Quốc gia? Cô giáo Sâm cười hiền, “cũng xuất phát từ tấm lòng yêu nghề, thương trẻ, xem các cháu như chính những đứa con của mình nên phải nỗ lực phấn đấu… nếu không quyền được chơi, được học, được vỗ về yêu thương, chăm sóc, các cháu sẽ phải thiệt thòi”. Cô giáo Sâm chia sẻ thêm.

Ngồi trò chuyện với cô nhìn ra sân thấy những đứa trẻ nô đùa hồn nhiên, được chơi, được học những gì tùy thích. Nhóm thì cầm phấn trắng say mê viết những chữ đã học, hay tô vẽ những hình thù nguệch ngoạc vui mắt lên mặt sân được lát gạch bóng nhẵn. Nhóm thì vào chòi “thư viện” được thiết kế bằng tranh tre nứa lá được các cô giáo ngăn ô vẽ những hình ảnh về thế giới động vật, sắp đặt những cuốn truyện tranh đầy sắc màu sinh động đẹp mắt. Và để lại ấn tượng nhất trong tôi là nhóm chơi ở chòi lá được thiết kế mô phỏng theo phiên chợ quê. Ở đây các em bày trò mua bán với những mặt hàng quen thuộc như: sữa, trứng, bút, vở, hoa quả từ đồ chơi sẵn có. Tiền để trao đổi bán mua chính là những chiếc lá cây khô nhặt ở sân trường được xếp thành từng xấp thật gọn gàng, khi chơi xong các em cho vào thùng rác. Điều ấn tượng khác nữa là vườn rau xanh mướt phía sau trường với nhiều loại rau quả vừa để cho các em tập làm vườn vừa là nguồn thực phẩm sạch bổ sung trong mỗi bữa ăn.

Sau một hồi ngoằn ngoèo lên đèo xuống dốc, chúng tôi đến điểm trường Hà Lệt. Cô Sâm cho biết bản Hà Lệt chủ yếu là người dân tộc thiểu số Bru Vân Kiều và Pa Cô, cuộc sống chỉ dựa vào nương rẫy nên đời sống của bà con còn rất nhiều khó khăn. Lo cho cái ăn cái mặc còn chưa đủ thì chuyện học hành lại càng khó khăn. Để đảm bảo quyền được học, được chơi, được chăm sóc của các cháu thì chỉ còn cách đi vận động các gia đình có con em trong độ tuổi mầm non phải cho trẻ đến trường. “Việc thay đổi cả một nhận thức trong việc cho trẻ đến trường học tập của người dân vùng bản thì anh biết rồi đó, thật không dễ chút nào. Nhưng dù có khó mấy đi chăng nữa cũng phải làm, phải tìm mọi cách để các em được đến lớp, được học tập vui chơi như bao mầm xanh khác trên quê hương đất nước”. Nghe cô Sâm nói tôi cảm thấy lòng mình ấm lạ.

Điểm trường Hà Lệt hiện nay có khoảng 50 cháu đang theo học và tổ chức theo hình thức bán trú. Trường được xây dựng bán kiên cố, trang thiết bị dụng cụ dạy học khá đầy đủ từ nguồn quyên góp từ các cấp chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và xã hội hóa. Diện tích đất khuôn viên điểm trường Hà Lệt được cô giáo Sâm vận động người dân trong thôn bản hiến tặng.

Với sự nỗ lực, phấn đấu không mệt mỏi trong nhiều năm qua về chuyên môn, cô giáo Sâm luôn đạt giáo viên dạy giỏi các cấp. Nhiều năm liền đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, được Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh tặng giấy khen vì đã có nhiều thành tích đóng góp trong sự nghiệp giáo dục đào tạo.

Chia tay cô Sâm khi trời đã xế trưa, đứng lặng nhìn những đứa trẻ sau những giờ học, giờ chơi được tươm tất sạch sẽ, gọn gàng và sâu giấc ngon lành, tôi thầm cầu chúc cho cô giáo Hằng Sâm chân cứng đá mềm, cống hiến nhiều hơn nữa cho sự nghiệp trồng người trên vùng cao biên giới Hướng Hóa thân yêu.

L.T.T

Lê Trọng Thi
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 284 tháng 05/2018

Mới nhất

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Hội VHNT tỉnh trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm “Trường Sa - Quảng Trị: Sắc màu biên cương”

23/03/2024 lúc 16:22

TCCVO - Chiều 22/3, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị tổ chức trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm

Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực

18/03/2024 lúc 00:07

TCCVO - Chiều 15/3, tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, UBND tỉnh Quảng Trị và Ủy ban chính quyền tỉnh Savannakhet (Lào) phối hợp tổ chức Hội thảo “Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực”.

Liên hoan dân vũ chủ đề: "Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng"

16/03/2024 lúc 06:02

Chào mừng kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế phụ nữ (08/3/1910 - 08/3/2024), 1984 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng; Hướng đến kỷ niệm những sự kiện lớn của quê hương đất nước; kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7-2024), Sáng ngày 07/3/2024, Công đoàn viên chức tỉnh tổ chức Liên hoan dân vũ trong nữ Công chức, viên chức, người lao động (CCVCLĐ) năm 2024 với chủ đề “Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng”.

Phát huy vai trò “báo chí kiến tạo, báo chí giải pháp”

15/03/2024 lúc 07:05

TCCVO - Sáng ngày 13/3/2024, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hội nghị giao ban công tác báo chí tháng 1 và 2 năm 2024 và định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm tuyên truyền trong thời gian tới. Đồng chí Hồ Đại Nam, UVBTVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/03

25° - 27°

Mưa

31/03

24° - 26°

Mưa

01/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground