Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Vẻ đẹp vĩnh hằng trên cát bụi tuổi tên

TCCV Online - “Những người chết không phải vì để trở thành anh hùng mà chính là để đằng sau họ những người khác được tiếp tục sống trong tự do và hòa bình, họ chết cho nhân loại sống còn và thức tỉnh”. Tôi nhớ lại câu văn ấy của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường khi về Thành Cổ Quảng Trị trong những đêm hội hè dịp kỷ niệm Thống nhất đất nước 30 - 4. Con phố Ngô Quyền dọc bờ sông Thạch Hãn chật nêm người và người. Những hàng quán, những nhóm nhạc đường phố, những nô nức chen vai, những lao xao mời gọi. Thị xã Quảng Trị không còn im vắng cố hữu mà sinh động trong mùa hội hè. Và khi đó, giữa nhang khói của những người dân dâng thắp tại Nhà tưởng niệm, giữa lung linh của hoa đăng trên sông đêm, tôi nhớ ra ngay ở đây, bên bến sông này, dưới đáy sông này hàng ngàn người lính đã nằm xuống.

Và xác thân ra biển, hóa mây trời…

Những người lính đêm đêm vượt sông từ bờ Bắc sang bờ Nam, hàng ngàn người đã không qua tới bờ, không vào được Thành Cổ. Bao nhiêu người đã không còn tăm tích dù là cát bụi, nói gì chuyện tên tuổi trên những nấm mồ… Nước đã theo sông xuôi ra biển, bao người lính xác thân cũng tan với sông trôi miệt mài từ gần nửa thế kỷ qua. Nhịp chân vui hôm nay không chỉ có trong bước đi của ngàn người về đêm hội mà hẳn có từ các anh linh liệt sĩ cũng vui lây, bởi sự hy sinh của các anh chính là để cho quê hương có những ngày hòa bình ấm áp như đêm nay. Các anh chết “không phải vì để trở thành anh hùng mà chính là để đằng sau họ những người khác được tiếp tục sống trong tự do và hòa bình”.

Để có ngày hòa bình ấy, có rất nhiều những người lính không còn tên tuổi và thân xác đã gửi lại tuổi trẻ của mình trên dòng sông này. Có hy sinh nào lớn hơn thế nữa không? Và bao nhiêu nữa những người lính không mộ bia không tên tuổi dọc dài theo đường đất nước? Ở Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn với hơn một vạn mộ liệt sĩ được quy tập từ ngay sau 1975, dù quy tập từ rất sớm như vậy nhưng vẫn có một khu mộ với 69 ngôi là mộ của những liệt sĩ “chưa biết tên”. Gần bốn mươi năm trước, khi quy tập về đây, những bia mộ này ghi hai chữ “vô danh”, rồi sau này, sau những cân nhắc chữ nghĩa, hai chữ “vô danh” ấy được thay bằng “liệt sĩ chưa biết tên”. Khu mộ những liệt sĩ “chưa biết tên” ấy nằm ngay phía phải của đài Tổ quốc ghi công trung tâm nghĩa trang.

 Và cùng với hành trình tìm kiếm hài cốt những liệt sĩ, khu mộ “liệt sĩ chưa biết tên” ấy, không hiểu bằng cách nào đó, dần dần cũng được... có tên, thay vì những tấm bia không tên họ, gia đình những liệt sĩ bằng “ngoại cảm” , bằng tâm linh, bằng…muôn ngàn cách để có một niềm tin rằng dưới bia mộ không tên ấy là thân xác của thân nhân mình. Và không chỉ có thế, từ chỗ “chưa biết tên” có ngôi mộ lại trở thành mang tên của... hai liệt sĩ.

Một lần, khi đưa nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai và nhà văn Mỹ, Bruce Weigl đi viếng Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, cả hai đã vô cùng ngạc nhiên khi đến thắp nhang ở khu mộ liệt sĩ “chưa biết tên” này bỗng thấy có một ngôi mộ mang đến hai cái tên. Phía mặt bia đề “liệt sĩ chưa biết tên” đã được thay bằng một tấm bia làm bằng đá hoa cương đen khắc rõ ràng: “Liệt sĩ Vũ Minh Giám, sinh năm 1942, nhập ngũ 1968, hy sinh 1973, quê quán Hải Dương”. Cứ cho là bằng niềm tin tâm linh đi, thêm một người lính được có tên có tuổi. Nhưng câu chuyện không dừng lại ở đó, sau khi ngôi mộ được gắn bia, có một gia đình liệt sĩ khác quê ở Thanh Hóa cũng bằng cách nào đó đã nhận rằng dưới ngôi mộ này là hài cốt của thân nhân mình, vì thế, không thể gắn bia ở mặt trước, phía lưng bia được viết thêm tên tuổi một liệt sĩ khác: “Nguyễn V. Hợi, Hoằng Anh - Hoằng Hóa - Thanh Hóa” và dường như để mọi người không phải băn khoăn, dưới dòng chữ tên liệt sĩ còn giải thích thêm “ 2 chiến sĩ chung một mộ” (!). Cả Bruce Weigl lẫn nhà thơ Quế Mai đều không thể hiểu được vì sao lại có hai tên liệt sĩ trên một nấm mồ, càng không hiểu vì sao có những điều gọi là “ngoại cảm” “gọi hồn” mà không là AND chính xác? Nhưng đất nước ngày đó vừa ra khỏi chiến tranh, quy tập được về đã là may mắn, chuyện tên tuổi đâu dễ đủ cho những người lính khi ngã xuống đã không có một dấu tích kèm theo. Những nông dân ra trận từ đồng đất và thân xác sau báo đền nợ nước lại hòa vào đất đai, một vòng tròn đời người thiêng liêng mà đạm bạc!

Tôi đã đứng rất lâu trước nấm mồ có hai bia mộ ấy và chợt nhận ra cuộc tìm kiếm tuổi tên cho liệt sĩ là một hành trình đầy khắc khoải, với những niềm tin vô cùng mong manh nhưng ai cũng muốn bấu víu vào đó. Đất nước dằng dặc chiến tranh, cuộc tìm kiếm tên tuổi cho những nấm mồ liệt sĩ chưa biết tên có lẽ là một hành trình bất tận.

 Hành trình bất tận

Nếu công cuộc quy tập hài cốt liệt sĩ trên đất liền bao nhiêu năm qua với hài cốt hàng vạn người lính nằm khắp rừng cao núi thẳm được mang về mồ yên mả đẹp trong những nghĩa trang thì rất ít ai biết đến việc tìm kiếm những hài cốt liệt sĩ từ biển khơi một công việc gần như vô vọng và khó khăn gấp bội lần so với việc cất bốc trên bộ. Thế nhưng cái nghĩa cử còn khó hơn cả “đáy bể mò kim” ấy đã được Bộ Tư lệnh quân chủng Hải quân âm thầm thực hiện từ nhiều năm nay. Nhiều liệt sĩ hàng chục năm nằm dưới lòng biển lạnh đã được về với đất đai quê hương bản quán, sau bao nhiêu chờ đợi tưởng như đã tuyệt vọng của người thân, đồng đội và gia đình. Mấy năm trước, khi về công tác tại Bộ Tư lệnh Hải quân, tôi được biết về một cuộc “đáy bể mò kim” như thế. Một ngày cuối tháng 7/2007, Bộ Tư lệnh Hải quân nhận được bức điện khẩn từ vùng A Hải quân với nội dung: trong lúc lặn tìm phế liệu trên vùng biển Tây nam đèn biển đảo Long Châu, cách đảo Cát Bà chừng 30 hải lý, ngư dân hai tàu Quảng Ngãi số hiệu QNG 96383 và tàu Đại Thắng 01 đã phát hiện trong một xác tàu đắm một chứng minh thư quân nhân số hiệu 200057BD mang tên Vũ Tài Trò và một số vật dụng khác như một vài đoạn xương nghi là hài cốt của chiến sĩ hải quân. Theo mô tả của các ngư dân, chiếc tàu đắm dài khoảng 22 mét, rộng khoảng 5 mét, đã ngập trong bùn. Cạnh con tàu này còn có xác một con tàu khác với kích thước tương tự. 

Thông tin ban đầu ấy, cùng với tấm chứng minh thư quân nhân mang tên Vũ Tài Trò như một sợi chỉ mỏng manh để Bộ Tư lệnh Hải quân chỉ thị các phòng ban liên quan tìm kiếm dấu tích chiếc tàu bị đắm cùng hài cốt các liệt sĩ trong những chiếc tàu kia. Khu vực tàu chìm được khoanh vùng tọa độ. Những trang hồ sơ quân nhân ố vàng từ vài chục năm trước được lật tìm. Và sau bao nhiêu nỗ lực tìm kiếm, cái tên Vũ Tài Trò được các cán bộ Cục chính trị Hải Quân tìm thấy trong danh sách các chiến sĩ tham gia một trận đánh tàu khu trục Mỹ từ gần 40 năm trước.

“Vũ Tài Trò sinh 20/2/1950, quê quán Phong Hải, Yên Hưng, Quảng Ninh, nhập ngũ tháng 8/1971, là chiến sĩ huấn luyện kỹ thuật ngành cơ điện Trường Sĩ quan Hải quân…”. Tuy nhiên theo hồ sơ quân nhân, anh Vũ Tài Trò đã phục vụ trong quân ngũ cho đến tháng 2/1988 và từ trần năm 2005 do mắc bệnh hiểm nghèo. Như vậy, hài cốt trên không phải của chiến sĩ Vũ Tài Trò mà có thể là đồng đội của anh trên một chiếc tàu bị chìm trong trận chiến nào đó. Hồ sơ về những trận đánh trên vùng biển này được lật lại và tọa độ mà ngư dân báo về được xác định là nơi hai con tàu phóng lôi 319 và 349 đã bị đắm trong trận đánh đêm 27/8/1972. Danh sách các chiến sĩ trên hai con tàu ấy được truy xuất, tìm kiếm, những thợ lặn đặc công nước được huy động và rồi may mắn thay, trong số hài cốt tìm được, bằng phương pháp AND đã xác định được tên tuổi của hai liệt sĩ Nguyễn Quốc Quân, chiến sĩ cơ điện của tàu 319 quê ở Hà Tĩnh và Hoàng Minh Tư, chiến sĩ rada của tàu 349 quê ở Ninh Bình…

Câu chuyện đi tìm tên tuổi cho những liệt sĩ theo kiểu “đáy bể mò kim” còn được lặp lại trong vụ xác định danh tính của tám hài cốt liệt sĩ hy sinh trên con tàu HQ604 bị quân xâm lược Trung Quốc bắn chìm tại Gạc Ma vào ngày 14/3/1988 mà nếu tường thuật lại hành trình ấy là cả một câu chuyện quá dài, chỉ có thể nói rằng, cùng với niềm khắc khoải của thân nhân liệt sĩ, những nỗ lực tìm lại tên tuổi cho liệt sĩ ngày càng được quan tâm.

Không chỉ trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, ngay cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, vẫn còn rất nhiều những liệt sĩ đã tìm thấy hài cốt nhưng tên tuổi vẫn mịt mờ. Nhưng may mắn hơn, những hài cốt được tìm thấy gần đây dù chưa tìm được tên tuổi nhưng vẫn được lấy mẫu vật phẩm lưu giữ xét nghiệm ADN để làm cơ sở cho việc chứng minh thân nhân liệt sĩ sau này.

Đất nước binh đao dằng dặc, theo con số của Bộ Quốc phòng vẫn còn gần 200.000 liệt sĩ chưa tìm được hài cốt và trên cả nước vẫn còn 300.000 tấm bia ghi dòng chữ “Liệt sĩ chưa biết tên” (Nguồn từ đề án Ban chỉ đạo quốc gia 1237 về quy tập hài cốt liệt sĩ).

Không một nghĩa trang nào trên đất nước này không có những mộ bia đề dòng chữ “Liệt sĩ chưa biết tên”, nhưng dù chưa biết tên đi nữa, thì chút thân xác kia còn được nằm trên đất đai xứ sở, âu cũng là may mắn. Và khi nghĩ về điều đó, tôi lại nhớ về quê nhà Quảng Trị, cùng với hai nghĩa trang liệt sĩ quốc gia là Trường Sơn và Đường 9, là một nghĩa trang quốc gia khác, một nghĩa trang không nấm mồ, không bia mộ, đấy là lòng sông Thạch Hãn đoạn chảy qua Thành Cổ Quảng Trị. Đó là sự hy sinh lớn lao và kỳ diệu nhất cho quê hương. Không xác thân, không bia mộ, chỉ có dòng sông chảy mãi đến vô cùng, vô cùng như sự hy sinh…

 

 

Lê Đức Dục
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 288 tháng 09/2018

Mới nhất

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Hội VHNT tỉnh trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm “Trường Sa - Quảng Trị: Sắc màu biên cương”

23/03/2024 lúc 16:22

TCCVO - Chiều 22/3, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị tổ chức trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm

Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực

18/03/2024 lúc 00:07

TCCVO - Chiều 15/3, tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, UBND tỉnh Quảng Trị và Ủy ban chính quyền tỉnh Savannakhet (Lào) phối hợp tổ chức Hội thảo “Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực”.

Liên hoan dân vũ chủ đề: "Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng"

16/03/2024 lúc 06:02

Chào mừng kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế phụ nữ (08/3/1910 - 08/3/2024), 1984 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng; Hướng đến kỷ niệm những sự kiện lớn của quê hương đất nước; kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7-2024), Sáng ngày 07/3/2024, Công đoàn viên chức tỉnh tổ chức Liên hoan dân vũ trong nữ Công chức, viên chức, người lao động (CCVCLĐ) năm 2024 với chủ đề “Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng”.

Phát huy vai trò “báo chí kiến tạo, báo chí giải pháp”

15/03/2024 lúc 07:05

TCCVO - Sáng ngày 13/3/2024, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hội nghị giao ban công tác báo chí tháng 1 và 2 năm 2024 và định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm tuyên truyền trong thời gian tới. Đồng chí Hồ Đại Nam, UVBTVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/03

25° - 27°

Mưa

31/03

24° - 26°

Mưa

01/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground