Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 30/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Về nghe núi rừng kể chuyện

Chúng tôi vừa đi qua thị trấn sương mù Khe Sanh. Buổi sáng sương và hơi đá như quấn lấy chân người. Trong hơi sương bừng lên những ánh đèn của các phương tiện mò mẫm, chậm rãi cố vượt qua ma trận sương mù vốn là đặc sản của thị trấn ở chót vót Trường Sơn này. Chỉ vài trăm mét nữa thôi là thoát khỏi sương - một ai đó nói vọng ra từ tốp người đi xe máy ngang qua thị trấn. Mùa đông ở Khe Sanh luôn “mịt mù khói tỏa ngàn sương”. Nhưng thi thoảng ông trời trở chứng, có những buổi sáng mùa hè sương mù cũng vây bủa.

Tạt vào quán cóc bên cạnh tượng đài chiến thắng Khe Sanh, một công trình làm điểm nhấn của xứ núi ngay ngã ba đường Chín và đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, được khánh thành vào năm 2008 dịp kỷ niệm 40 năm chiến thắng Khe Sanh giải phóng Hướng Hóa. Những ly cà phê rang xay nguyên chất như còn nguyên hương vị của núi đồi. Cà phê ở đây nảy mầm, kết trái từ những bình địa, hố bom, từ sân bay Tà Cơn lắm đạn pháo. “Uống đi, có khi trong hương thơm cà phê còn có vị khét của thuốc súng được vắt chiết từ đất này”, nhà văn Hoàng Hải Lâm hài hước về cái dư vị của chiến tranh để những người trẻ như chúng tôi cố tưởng tượng!

Theo đường Hồ Chí Minh trực chỉ hướng bắc, mùa này rừng thay lộc. Mùa xuân vừa đi qua nơi này khoác lên muôn cây một bộ cánh mới óng ánh, tinh thơm. Óng ánh bởi lá non dưới nắng hường, tinh thơm vì trong gió dịu kịp cuốn theo chút hương của các loài hoa. Đường nhựa phẳng lỳ, uốn lượn quanh co qua những dãy đồi xanh ngắt. Hai bên đường những hàng trẩu điềm nhiên cùng mưa nắng giờ đang thời khắc khoe hương sắc. Cùng với hoa ban, màu trắng của hoa trẩu đẹp nhu mì điểm tô giữa bạt ngàn rừng xanh. Hoa mua tím ngăn ngắt từ mép đường, có khi khiêm nhường nép trên đồi cao. Sắc màu của rừng Trường Sơn lúc này như một bảng pha màu đa cung sắc đã bị một tay họa sỹ nào đó từ cõi trên lỡ tay đánh rơi xuống chốn trần gian này khi đang lên gam màu cho bức tranh vũ trụ! Cái sắc màu ấy quá tinh khôi, mong manh đến nỗi tiếng hót của loài chim “bắt cô trói cột” từ phía đồi xa vọng lại cũng sợ làm vỡ cái không gian này. Với tiếng hót nhặt thưa, loài chim “bắt cô trói cột” như đang gọi hè về. Đối với đồng bào Vân Kiều ở vùng tây Quảng Trị, sự tích về loài chim “bắt cô trói cột” hay còn gọi là chim “con còn côi cột” còn ám ảnh mãi đến bây giờ. Chuyện kể rằng từ ngàn xưa, khi tập quán du canh du cư vẫn đang ngự trị trong từng nếp nghĩ của đồng bào. Mỗi mùa rẫy mới, từ tháng ba đến tháng năm, những bà mẹ thường địu con sau lưng phát rẫy. Phát từ đồi này qua đồi kia, đợi đến nắng khô thì đốt. Đến tháng năm có những cơn mưa giông đầu mùa là bắt đầu trỉa ngô, lúa. Tàn tro của cây lá là thứ phân bón đặc chủng giúp mùa màng bội thu. Một ngày nọ, người mẹ treo con lên cây như mọi ngày để làm việc. Khi châm lửa đốt rừng. Rừng cháy nghi ngút mới nhớ đến con nhưng người con đã chìm trong biển lửa. Người mẹ bất hạnh kia cứ đi mãi vào rừng sâu tìm con rồi chết hóa thành con chim. Cứ đến khi chớm hè, bắt đầu mùa rẫy là cất tiếng hót “Con còn côi cột, con còn côi cột”. Ngày nay, tập quán phát, đốt, cốt, trỉa của đồng bào đã không còn mà thay vào đó là định canh định cư để mưu sinh.

Trạm dừng chân đầu tiên trên chặng đường là thị tứ Hướng Phùng, thủ phủ của cây cà phê Arabica. Hướng Phùng là xã trung tâm của vùng bắc Hướng Hóa, đang trên đà phát triển hứa hẹn một ngày không xa sẽ trở thành thị trấn. Thầy Mai Trọng, hiệu trưởng trường Tiểu học Hướng Phùng tiếp chúng tôi trong căn phòng ấm cúng. Từ căn phòng làm việc ngó ra là khu vườn đầy hoa lan và những tiểu công trình đã làm nên tên tuổi của ngôi trường nằm trên đỉnh Trường Sơn này. Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh trường, thầy Trọng giới thiệu từng công trình một, cái nào cũng được làm từ tấm lòng, từ sự tâm huyết của người thầy không ngừng sáng tạo. Nhà sàn truyền thống là nơi lưu giữ những kỷ vật của đồng bào Vân Kiều từ thời mới biết làm lúa nước. “Khi mới nảy lên ý tưởng làm nhà truyền thống ở trong trường, chúng tôi cứ sợ đủ thứ. Sợ không đủ tài lực, không có hiện vật. Tuy nhiên khi bắt tay làm thì người dân, các mạnh thường quân, các thầy cô chung lưng đấu cật cùng san sẻ khó khăn. Khi nghe tin ngôi nhà hoàn thiện, nhiều đồng bào lặn lội từ rừng sâu đích thân đưa những hiện vật bấy lâu cất giữ tới tặng trường. Có nhiều hiện vật được xem như báu vật được các thương lái ra vào trả giá nhưng đồng bào nhất quyết không bán. Như chiếc tẩu hút thuốc làm bằng đất nung có tuổi đời… lớn hơn tôi!”, thầy Trọng cho biết.

Đi trong khu vườn đầy sắc hoa lan đang trong mùa nở rộ chúng tôi cứ tưởng đang đi lạc nơi công viên. Mô hình địa đạo Vịnh Mốc nhắc nhở học sinh về bài học lịch sử, sự khắc nghiệt của cuộc chiến tranh ở vùng giới tuyến Bến Hải. Đặc biệt, mô hình trận chiến đảo Gạc Ma gồm một hồ nước nhỏ, ở giữa là khối đá tượng trưng cho đảo Gạc Ma, trên đảo có hình ảnh các chiến sĩ Hải quân Việt Nam giữ chặt lá cờ Tổ quốc trên tay, thể hiện ý chí kiên cường, chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Trên bức tường đầy rêu phong cạnh hòn đảo mô hình, những câu thơ của nhà báo Lê Đức Dục đề tặng như một lời vĩ thanh: “Trên rẻo cao Trường Sơn heo hút/ Một vuông hồ nước nhỏ giữa trường em/ Tảng đá nổi với hình người lính thủy/ Thành Gạc Ma nhắc nhở chuyện chủ quyền”. Gần đây nhất là ngày 14 - 3 - 2018, kỷ niệm 30 năm ngày 64 chiến sĩ Hải quân Việt Nam đã chiến đấu ngoan cường và hi sinh ở Gạc Ma, thầy trò trường Hướng Phùng đã tổ chức lễ tưởng niệm ngay tại “hòn đảo tý hon” này. Những con bồ câu đang say sưa nhặt thóc bên bức tượng Thánh Gióng được xếp từ những hòn đá cuội, các học sinh đang say mê với bài học ngoại khóa từ các trò chơi giản đơn được bố trí quanh sân trường. Giờ ra chơi các em có thể ngắm hoa, cho bồ câu, cá, rùa ăn hay có thể đọc sách từ vườn treo, chơi cờ vua… Tất cả gợi lên cái không gian thân thiện, gần gũi như đang ở nhà. Học sinh ở đây đa phần là con em đồng bào thiểu số nhưng lại có không gian học tập và vui chơi hiếm ngôi trường nào ở vùng sâu vùng xa và thậm chí ở thành thị có được. Nói về dự định trong “tiến trình sáng tạo”, thầy Trọng chỉ tay về khối gỗ nặng khoảng hai tấn nói rằng sắp tới nhà trường sẽ phát động tạc tượng Trần Hưng Đạo bằng gỗ. Giờ gỗ đã có rồi, việc còn lại là kinh phí để trả nhân công và làm đế tượng.

Gần trưa, thầy Trọng mời đoàn chúng tôi đi đưa cơm cho mẹ Việt Nam anh hùng Hồ Thị Miết cùng giáo viên. Thầy Trọng tâm sự: “Nhằm giáo dục truyền thống cách mạng cho học sinh và tri ân những người đã hi sinh cho cuộc sống thanh bình hôm nay, nhà trường nhận phụng dưỡng mẹ Miết, bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống duy nhất tại huyện Hướng Hóa”. Chúng tôi theo thầy Trọng nhằm hướng đường quốc phòng Hướng Phùng đi Lao Bảo. Con đường 7 cây số từ trường tiểu học Hướng Phùng đến nhà mẹ Miết sỏi đá lởm chởm, gập ghềnh dưới cái nắng vàng hươm. Căn nhà của mẹ đơn sơ bên con đường cái quan ở thôn Ma Lai được Trung đoàn 52, Đoàn Kinh tế quốc phòng 337 xây tặng vào năm 2017 nhân kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh liệt sỹ. Mẹ Hồ Thị Miết có người con duy nhất là liệt sỹ Hồ Miê A hi sinh năm 1971 tại đồi Tà Púc thuộc biên giới Việt - Lào. Mỗi tuần ba lần (vào các ngày thứ 2, 4, 6) các thầy cô thay phiên nhau đưa cơm cho mẹ. Hàng tháng đúng ngày 24, các giáo viên, học sinh đến thăm và tặng quà cho mẹ. Kinh phí đưa cơm và tiền hỗ trợ 300 nghìn đồng/tháng do giáo viên, học sinh trong trường và các mạnh thường quân đóng góp.

Chia tay các thầy cô ở ngôi trường vùng cửa gió Hướng Phùng, chúng tôi trở lại đường Hồ Chí Minh để đi tiếp cuộc hành trình. Đi ngang qua thôn Doa Củ, hai bên đường cây dã quỳ đang trong kỳ nảy lộc. Hàng năm vào chớm đông, đây là con đường đẹp nhất huyện Hướng Hóa khi hai bên ngập tràn sắc vàng hoa dã quỳ. Cũng chính thầy Trọng là người đã đưa ra ý tưởng kéo con đường hoa dã quỳ này dài hơn, đẹp hơn để khách đến Hướng Phùng có nơi thưởng lãm.

Từ giã thị tứ Hướng Phùng trong gió nhẹ mùi xác vỏ cà phê hai bên đường ngai ngái. Trước mặt là đèo Sa Mù dài non hai chục cây số, ranh giới giữa hai xã Hướng Phùng và Hướng Việt. Mùa này mây quang, nhìn lên đỉnh đèo chỉ một cụm mây trắng, trông như chiếc mũ của con chim chào mào bạch tạng (loài chim chào mào đột biến có lông ở mũ màu trắng thay vì đỏ). Người ta ví cung đèo Sa Mù là điểm giao giữa đất và trời. Thời chống Mỹ, đèo Sa Mù là con đèo hiểm trở trên tuyến đường Trường Sơn. Bộ đội ta hành quân, gùi lương thực đến thôn Ta Rùng dưới chân đèo phía Bắc buộc phải đi vòng qua phía Lào khoảng 30 cây số rồi quay ngược lại mới đến chân đèo phía Nam bởi những dốc cao không thể nào vượt qua được. Nhắc đến đường Hồ Chí Minh trên đất Lào phải kể đến đoạn đi qua bản Tam Loang, huyện Mường Nòng dài khoảng 500m hiện nay được chính quyền sở tại bảo tồn gần như nguyên vẹn. Đó là con đường sỏi gồ ghề, lưu dấu hàng triệu bước chân của quân dân Việt Nam trên con đường đi tìm độc lập, và trở thành biểu tượng của tình hữu nghị đặc biệt, liên minh chiến đấu của quân đội và nhân dân hai nước Việt - Lào.

Lưng chừng đèo, mây ùn ùn kéo đến rồi vội vàng kéo đi để lộ những tia nắng yếu ớt, nhiệt độ giảm dần, hiu hiu rét nhẹ. Đường vắng. Tiếng xe máy dội vào vách núi vọng lại như một sự phản hồi “rất kiệm lời” của núi rừng. Không có một ngôi nhà nào của người dân nép mình bên núi để chốn này bớt hoang liêu. Nhưng đôi lúc chính nó lại có sức hút ghê gớm đối với những tay mê phượt. Đường khoét núi, một bên đồi cao một bên vực sâu hun hút. Những công nhân của các đơn vị thi công để lại dấu tích chứng minh mình đã qua đây, ăn sương ngủ rừng để mở đường bằng những nét vẽ hay mấy dòng chữ ở mái taluy dương. Những câu chuyện huyền bí về rừng sâu, chút oai nghi chốn cao sơn đã làm không ít người qua đây phải “ớn lạnh”. Rằng những năm sau giải phóng, lúc công ty xây dựng Lũng Lô mở đường băng qua đèo Sa Mù gặp một mô đất trên đường phóng tuyến. Xe múc mới bóc tem điều từ Hà Nội vào nhưng cứ trờ đến mô đất đó thì tắt máy. Đến lần thứ ba xe vẫn tắt máy. Sau nhiều lần kiểm tra kỹ thuật xe vẫn ổn, bằng linh cảm, chỉ huy công trường chạy vào trại lấy hương thắp khấn. Sau một hồi khấn thì chiếc xe thao tác êm ru. Sau khi công nhân đào được một chặng thì phát hiện những di vật có thông tin đầy đủ về những người lính đã hi sinh tại đất này.

Ở đỉnh đèo, trụ sở của Trung tâm bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa nằm đơn độc giữa mây ngàn. Anh Hà Văn Hoan, Phó Giám đốc Trung tâm chào đón chúng tôi bằng cái bắt tay chặt đến nỗi tôi biết anh đang rất “thèm người”. Khu bảo tồn rộng 23.456 hecta nhưng chỉ có 11 người quản lý. Sự rộng lớn, hoang vu của núi rừng luôn làm con người thấy nhỏ bé đơn độc nhưng với trái tim yêu nghề, yêu thiên nhiên đã khiến những con người nơi này gắn bó, sống chết với nghề. Dẫn chúng tôi tham quan khu vườn phía sau trung tâm, anh Hoan chỉ tay về cây đỉnh tùng và cho biết đây là loài thực vật đang bị đe dọa tuyệt chủng nằm trong sách Đỏ Việt Nam và Thế giới đang được trung tâm nhân giống. Khu Bảo tồn Bắc Hướng Hóa hiện có 920 loài thực vật, trong đó có 17 loài có trong sách Đỏ Việt Nam và 23 loài có trong sách Đỏ Thế giới được ghi nhận; có 42 loài thú, trong đó có những loài có nguy cơ đe dọa tuyệt chủng như gà lôi lam mào trắng, vọc chà vá chân nâu, sao la, khỉ mặt đỏ… Đặc biệt, ở núi Voi Mẹp cao 1.793m đã phát hiện lan hài đài cuộn, một loại lan quý hiếm cũng nằm trong sách Đỏ Thế giới. Theo ghi nhận, Quảng Trị là nơi thứ ba phát hiện lan hài đài cuộn (trước đó là Lâm Đồng và Thừa Thiên Huế). Đây là loài lan đẹp, phân bố hạn chế với số lượng cá thể rất ít, không chỉ có giá trị thẩm mỹ, khoa học mà còn có giá trị kinh tế cao.

Nét hoang sơ của núi rừng Sa Mù gợi lên trong tôi hình ảnh cô thôn nữ nơi thâm sơn cùng cốc đang còn mải miết với suối ngàn và thú hoang. Ở đó, không có điện để tiếp cận thế giới hiện đại, không sóng điện thoại và đương nhiên không mưu chước, thiệt hơn. Con người hiền như những chú nai, chỉ giật mình bởi chiếc lá rơi… Chỉ cần qua đây ta có thể gạt bỏ những lo toan đời thường để lắng tai nghe tiếng nảy mầm của hạt giống trên thảm đất ẩm ướt đầy địa y. Cung đường phía đông bắc đèo Sa Mù ngàn năm phơi mình đón gió nên những cây cao không sống nổi, chỉ còn lại giống trúc sặt chiếm ưu thế. Trúc Sa Mù vẫy gọi và cũng là lời thì thầm tạm biệt khi nhìn về dưới kia là thung lũng Hướng Việt. Những trầm mặc, thâm u của núi rừng nhường chỗ cho chốn đô hội bởi các cô gái Vân Kiều trong màu áo tươi nguyên và nụ cười giòn tan.

Đêm bên bếp lửa trong ngôi nhà sàn dưới chân đèo Sa Mù. Trong hơi men lâng lâng, nghiêng tai nằm mơ màng. Tôi nghe trong từng nhịp thở như tiếng rì rầm của ngàn triệu bước chân qua đây từ lúc khai thiên lập địa rồi đến thời chiến tranh vệ quốc. Và nghe rất rõ tiếng của núi rừng đang kể chuyện với gió ngàn.

Y.M.S

 

Yên Mã Sơn
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 286 tháng 07/2018

Mới nhất

Bộ từ điển bỏ lại giữa rừng sâu

9 Giờ trước

Sau hiệp định Pari, 27/1/1973, chiến tranh tạm dừng, đại đội tôi đóng quân giữa bãi cát Lệ Xuyên, huyện

Đi tìm cỏ

9 Giờ trước

Nhiều lúc ngồi thẫn thờ nhìn đàn trâu bò gặm cỏ dọc triền đê chợt giật mình: Cỏ quê

Chị ấy…

9 Giờ trước

Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Huế tổ chức một chuyến đi thực tế dài ngày tại Tổng Công

Pa Ling mùa mưa

9 Giờ trước

Tháng 11, dưới cơn mưa rừng tầm tã, chúng tôi tìm về thôn Pa Ling, xã A Vao, huyện Đakrông,

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

31/03

25° - 27°

Mưa

01/04

24° - 26°

Mưa

02/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground