Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Những ngày ở Lát-xê

Bút ký dự thi

Lát-xê được gọi là Cổng Trời Hai, có cùng độ cao với Cổng Trời Một - Pù Noọc Coọc, 1.150 thước so với mực nước biển. Hai đỉnh nhìn nhau qua thung lũng Táo. Hôm đẹp trời, hửng nắng, mây ít trôi, đứng bên bản Khằm, Cổng Trời Một gọi to có thể bên Lát-xê Cổng Trời Hai nghe thấy. Nhưng phải đi mất 12 cây số. Giữa Cổng Trời Một là Km56+200. Giữa Cổng Trời Hai là Km65. Kết thúc Lát-xê là Km68+600. Như vậy, còn gần 50km chạy dọc biên giới Việt - Lào nữa con đường mới kết thúc ở cửa khẩu Tén Tằn. Tuy có cùng độ cao nhưng khí hậu Lát-xê khác hẳn Pù Noọc Coọc. Lát-xê khô quanh năm. Rất ít mưa. Đồi trọc. Gió lào.

Trong bản đồ, sơ đồ, văn bản đều gọi là Lát-xê. Có người giải thích, tiếng Pháp gọi Pát-xê (paste) có nghĩa dán lên, đoạn này dán chồng lên đoạn kia. Hai hoặc nhiều đoạn đường gấp khúc trên cùng một mái taluy. Không ai trong chúng tôi biết tiếng Pháp nên tin lời giải thích ấy là đúng. Tin đúng nhưng vẫn gọi Lát-xê. Đoạn Lát-xê chạy từ thung lũng Táo lên đến Kéo Hượn có một đoạn đường gấp khúc lại phía trên. Năm 1975, vừa giải phóng miền Nam xong, Chính phủ quyết định mở con đường Hồi Xuân - Tén Tằn nhằm phát triển kinh tế, văn hóa miền Tây của tỉnh Thanh Hoá và Đội Thanh niên tình nguyện (TNTN) mang tên 42 - 12 được thành lập với trọng trách mở đường. Có bốn đại đội TNTN 42-12 thi công ở đoạn Lát-xê. Hai đại đội đóng quân phía tuyến dưới. Đó là Đại đội 6 và Đại đội 8. Hai đại đội thi công phía tuyến trên, đó là Đại đội 7 và một Đại đội nữ dân tộc Thái, có 42 người. Tiếng là thi công nhưng đại đội các cô gái Thái chủ yếu được giao nhiệm vụ khai thác vật liệu xây dựng các khu lán trại mới cho các đại đội tuyến sau chuyển lên tiếp quản. Đại đội 6 và Đại đội 8 đóng quân ở Táo Ngoài. Đại đội 7 và Đại đội nữ dân tộc Thái đóng quân ở Kéo Hượn. Theo đường dốc Năm Ông từ Táo Ngoài lên Kéo Hượn có 500m. Nhưng theo đường Lát-xê từ Táo Ngoài lên Kéo Hượn, tức từ Km62 lên Km68+600m, 6 ki-lô-mét. Táo Trong và Táo Ngoài thuộc địa phận xã Trung Lý Kéo Hượn, Kéo Té thuộc xã Pù Nhi. Các bản Kéo Hượn, Kéo Té là đồng bào dân tộc Mẹo (bây giờ gọi là Mông); bản Táo là dân tộc Thái. Tháng 10 năm 1978, lúc hai giờ sáng, nửa quả đồi Táo Ngoài, từ phía taluy dương bất ngờ trụt xuống. Đất chùm mái lán, đẩy văng một số giường. Chỉ cần thêm một mét nữa là cả hai đại đội bị hàng nghìn mét khối đất đá hất xuống vực. Rất may, không có thiệt hại về người.

 Lán mất, dụng cụ mất nhưng chiến dịch thì không. Chiến dịch vẫn liên tục. Tuần nào cũng chiến dịch. Tháng nào cũng chiến dịch. Chiến dịch mùa hè. Chiến dịch mùa đông. Chiến dịch mùa xuân. Chiến dịch mùa thu. Chiến dịch này chưa dứt lại nối chiến dịch khác. Cứ liên miên thế. Thông tuyến Cổng Trời bên chòm Khằm. Thông tuyến bản Táo. Giờ lại chiến dịch thông tuyến Lát-xê.

Mỗi ngày, ở Lát-xê phải nổ hai trăm phát mìn. Buổi trưa nổ một trăm phát. Buổi chiều tối nổ một trăm phát. Tuyến trên năm mươi, tuyến dưới năm mươi. Đó là định mức. Dù là hai bộ phận khác nhau, Đại đội 7 thi công ở trên, Đại đội 6, Đại đội 8 thi công ở dưới, nhưng bắt buộc ba đại đội phải hợp tác, thống nhất giờ giấc, nổ cùng một lúc. Buổi sáng, mười rưỡi đốt mìn. Buổi chiều, năm giờ đốt mìn. Về lý thuyết, sử dụng thuốc nổ, kỹ thuật đánh mìn, đốt mìn là phải được học rất bài bản, có trường, có lớp hẳn hoi. Nhưng thực tế trên tuyến, một cán bộ kỹ thuật hướng dẫn trực tiếp cho mấy anh nam, mấy anh nam chỉ cho mấy anh nam nữa. Thế là đào hốc mìn, nhồi thuốc mìn, nhồi kíp mìn, cắt dây cháy chậm, cắm dây cháy chậm, đốt. Quá trình tự học, tự dạy ấy, không lính TNTN 42-12 nào lại không biết đốt mìn. Nam cũng như nữ.     

Để có được một trăm hốc mìn tuyến trên, một trăm hốc mìn phía dưới, chỉ huy đơn vị chủ yếu giao cho nam giới. Mà nam giới thì ít ỏi. Cả Tổng đội TNTN 42-12 có trên 20 đại đội, 3.800 người, 2.900 nữ, 3.400 là lính trực tiếp làm đường; 400 cán bộ biên chế Nhà nước ở 11 phòng, ban (phòng Kế hoạch, phòng Tài vụ, phòng Hành chính, phòng Thống kê Tổng hợp, phòng Khảo sát thiết kế, phòng Đời sống, phòng Vật tư, ban Thi đua, ban Chuyên trách...). Bốn trăm cán bộ khung chủ yếu là nam giới, chỉ mươi người nữ. Như vậy toàn công trường không đến 500 lính là nam giới. Đại đội nào nhiều được 15 nam. Đại đội nào ít có tám, chín, mười. Vài chục nam giới chịu trách nhiệm đào năm mươi hốc mìn buổi sáng, năm mươi hốc mìn buổi chiều. Rất khó. Bàn mãi, tính mãi, số hốc mìn được chia đều cho các A (Tiểu đội). A có nam giới. A không có nam giới. Thế là nữ cũng treo mình trên vách taluy hai ba chục thước. Việc đào mỗi hốc mìn sâu bảy, tám mươi xăng-ti-mét không khó. Nhưng treo mình trên vách taluy cao hai ba chục thước cầm xà beng đào không phải dễ. Kết cấu đất đá ở Lát-xê rất yếu. Nó gần như đá gởi, đá lớp, đá cát kết, đất gởi. Đạp chân lên rất dễ lở, buộc dây vào gốc cây thả mình xuống càng dễ lở. Chuyện đang đào đất, xả đất, trượt chân, mất trụ, mất chỗ bám cứ beng leng, chới với đu từ phía này bay sang phía bên kia, từ phía bên kia lăng sang phía bên này như con lắc, như đu tiên là chuyện bình thường. Không ít trường hợp, đang đào đất, xả đất trên cao, bất chợt dây an toàn bị đứt, dây an toàn bị tuột, cây buộc dây an toàn bị bật rễ. Từ hai ba chục mét người lao xuống mặt đường, rồi lao xuống vực. Gãy tay, xoạc bụng, xoạc mặt thì đi viện. Đi viện chữa lành về lại treo mình lên vách taluy. Lại đào đất, bẩy đất, lại đào hốc mìn, lại cười nói ha hả. Nữ cũng đào mỗi buổi sáng hai, ba hốc mìn. Buổi chiều cũng đào hai, ba hốc mìn. Mỗi hốc mìn được nhồi một lượng thuốc từ hai đến ba lạng, trường hợp cần thiết thì được nhồi năm lạng.

Đứng trên Lát-xê nhìn xuống, suối Táo lấp lánh dưới vực như một rãnh nước nhỏ hiên nhà. Nhiều lính lái xe Trường Sơn lừng lẫy một thời, khi lái xe qua đây cũng sởn tóc gáy. Lòng thung quá sâu nên gió thốc từ đáy vực lên rất mạnh. Mỗi lần mìn hất hàng trăm khối đất đá xuống vực là mỗi lần bụi thốc ngược lên mù mịt, hệt đốt một đống rơm rạ, khói cuồn cuộn bay lên. Bụi trùm lấy người, bọc lấy người. Chân, tay, mặt, mũi, quần áo vàng khè một màu đất. Lông mi, lông mày vàng một màu đất. Môi rộp cong vì đất. Mỗi lần xì mũi, đất vọt ra. Cán bộ từ miền xuôi được tăng cường lên biên giới, khi qua đây thường cố đi nép vào taluy dương, không mấy ai dám đi ra phía taluy âm. Rất ít người dám đứng ra mép taluy âm nhìn suối Táo. Phần lớn sợ choáng, sợ chóng mặt lao xuống vực. Cũng có một vài người thử cảm giác mạnh bằng cách tìm một hòn đá to bằng quả cam, quả bưởi, thả hòn đá cho nó lăn xuống rồi tính thời gian xem nó lăn hết mấy phút. Dù không thấy được đích xác điểm rơi của hòn đá dưới đáy thung nhưng có người quả quyết hết một phút, có người quả quyết hết hai phút. Ấy thế mà lính cứ lao xuống taluy âm chạy lên taluy dương như con dê nhảy nhót trên vách đá. Cười đùa như không. Không sợ à? Lính đáp, quen cả thôi các bác ạ. Đói quá, khát quá, giải lao, đứa mô cũng chui vào bụi cây này, bụi cây kia cố tìm lấy cái gì nhai cho đỡ khô lưỡi. Được cái mụt mua hơi non non bẻ ra, tước vỏ, rút tí ruột bên trong bằng cái chân hương, đưa vào miệng nhần, được một tí chua chua là sướng rồi. Có khi chui vào bụi hóp, đồng bào dân tộc gọi là lồ ô, rung được một ngọn măng bằng ngón chân cái gãy xuống, bóc bẹ vứt đi, vặn lấy tí nước đắng ngắt cho khỏi cháy họng, thế là sướng rồi. Taluy dương cao hàng năm sáu chục mét thẳng đứng thế kia không sợ sao được. Đứa mô đứa nấy xanh mắt ra. Mấy thằng con trai còn đỡ. Tập đoàn con gái mới khủng khiếp. Chỉ cần đứng cạnh bờ vực đã bủn rủn hết chân tay. Có đứa nôn hai ba ngày. Cứ đứng cạnh bờ vực là nôn, là chóng mặt, là bủn rủn chân tay. Chưa nói đến chuyện leo lên taluy dương, tìm chỗ buộc dây an tòa cho vững, treo mình trên đó, chân bám hờ vào đất đá, tay cầm xà beng, loại xà beng sáu cạnh, có cái mét hai, có cái mét rưỡi, có cái mét tám, đào đất, bẩy đá hàng mấy tiếng đồng hồ.

Theo quy định, buổi sáng, mười một rưỡi lính mới nghỉ. Buổi chiều, sáu giờ lính mới nghỉ. Nhưng ở Lát-xê, buổi sáng, mười rưỡi lính nghỉ, buổi chiều, năm giờ lính nghỉ. Nghỉ sớm hơn quy định một tiếng không phải tránh nắng, tránh mưa. Nghỉ sớm hơn một tiếng để giải quyết hai việc, những người đang học bổ túc văn hóa có một tiếng để học bù buổi tối không được nghỉ. Những người không học bổ túc văn hóa thì đi lấy củi chuẩn bị cho tối đốt lửa trên tuyến để làm. Đây đang thời điểm chiến dịch. Mỗi A, từ bảy giờ tối đến mười giờ đốt hết chừng ba, bốn tạ củi. Tre khô, nứa khô đốt hết nhiều hơn. A trưởng tự tính toán số củi đốt mà phân cho từng người phải lấy nộp. Còn những ai học bổ túc văn hóa thì cứ đúng giờ nghỉ quy định thì về lên lớp.

Thật khó hình dung một Đội TNTN làm hơn trăm ki-lô-mét đường vùng biên giới từ sông Luồng lên cửa khẩu Tén Tằn qua chín xã: Nam Xuân, Nam Tiến, Nam Động, Thiên Phủ, Hiền Trung, Hiền Kiệt, Trung Lý, Pù Nhi, Tén Tằn; con đường nối đường 217 sang đường Hồi Xuân - Tén Tằn, dài mấy chục km, qua hai xã Trung Hạ, Trung Thượng, từ sông Lò nối sông Luồng chỗ cầu treo Nam Động; chiến dịch ngày, chiến dịch đêm, chiến dịch từ mùa khô sang mùa mưa, nay ở chỗ này, mai chuyển chỗ khác mà vẫn duy trì được phong trào, nền nếp dạy và học bổ túc văn hóa đều đặn, nền nếp, kỷ cương, thực hiện đúng mọi quy định dạy và học của Bộ Giáo dục. Ấy thế mà thực tế đã chứng minh Đội TNTN 42-12 không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao là mở đường biên giới Việt - Lào mà còn hoàn thành xuất sắc việc dạy, học bổ túc văn hóa nâng cao trình độ văn hóa phổ thông cho những người lính chưa học xong phổ thông ở địa phương.

Chiến thắng được vắt, muỗi, ruồi vàng, bọ chó. Chiến thắng được thú dữ, sốt rét. Chiến thắng được nỗi kinh hoàng đất sụt, cầu trôi, nhưng chiến thắng được cái đói quả là khó. Gạo không có. Ngô không có. Mỗi suất cơm được lưng bát với một củ sắn luộc. Rồi sắn tươi cũng hết. Toàn đội phải ăn sắn gạc nai. Người ốm thật mới được ăn cháo. Ăn sắn mãi nhiều người không chịu được phải ốm giả để được ăn một bữa cháo. Buổi trưa hôm ấy, đi từ nhà chỉ huy xuống, mới được vài chục bậc, nghe tiếng từ trong lán vọng ra. Hết tiếng mời này đến tiếng mời khác. Tiếng mời thân tình, tha thiết, xúc động lắm: Chị, chị ăn với bọn em một bát. Ăn vô không to ngang cũng lớn roóc, không nữa cũng căng đa dễ khản. Tiếng vùng Tiến Nông, Đồng Lợi nặng trịch. Dịch rõ là: Chị ăn với bọn em một bát. Ăn vô không to ngang cũng lớn dọc. Không nữa cũng căng da dễ gãi. Tôi tò mò muốn biết xem chị em đãi nhau gì mà nồng nàn thế. Khi bước vào, thật bất ngờ, duy nhất một rổ rau sắn. Gọi rổ cho sang. Thực ra, đó là một cái giành (đồ đựng đan bằng tre nứ, đáy phẳng, thành cao) bốc đá, còn mới. Một giành ngọn sắn luộc nhừ, vắt khô nước để bên cạnh một gốc ngọn dương xỉ. Một bát muối trắng. Một bát mắm chượp. Tất cả chỉ có thế. Mấy chị em có một người bạn A khác, đồng hương, đến chơi. Tha thiết mời ăn. Chẳng bát đũa gì, chỉ tay không cầm nắm rau chấm muối. Ấy thế mà vẫn nài nỉ: Chị, chị ăn với bọn em một bát! Cái khó ló cái khôn. Các đại đội tự vận động để tìm kiếm lương thực, thực phẩm. Cứ một cái chảo gang đường kính một mét, một mét hai đổi được một tạ hai, tạ rưỡi gạo. Một cục pin cối cũng đổi được chừng ấy. Mỗi cục xà phòng, mỗi típ thuốc đánh răng, mỗi cái găm xoắn có thể đổi được vài ba cân gạo nếp. Thế là chảo gang, pin cối, chỉ thêu, xà phòng… thi nhau đi Pá Hộc, Chòm Chiêm, Cò Cài, Cá Tớp, Cá Nọi. Có khi đến cả Pù Ngùa, Pù Nguộc để dẫn lợn về, gạo về.

 Ban Chỉ huy đội quyết định vừa sản xuất, vừa phát rẫy trồng lúa, trồng sắn. Hàng trăm cán bộ về Thiên Phủ, Hiền Trung khai hoang, gieo mạ, đi cấy. Hàng trăm cán bộ lên Km58, Km59 vùng Trung Lý phát rẫy trồng sắn. Lúa không trổ được vì rét quá. Ai cũng gọi là lúa trẻ mãi không già. Còn sắn bị lợn lòi đào ăn không sót gốc nào. Nhưng khẩu hiệu thông tuyến thì liên tục sôi nổi và mạnh mẽ. Hai từ chiến dịch lúc nào cũng thường trực trong cửa miệng. Hết đợt này chiến dịch đến đợt khác chiến dịch. Chiến dịch suốt tháng, suốt năm. Ban đêm trời rét, có khi xuống ba, bốn độ. Lính vẫn đổ ra mặt đường. Cứ cách mươi thước, hai mươi thước lại có một đống lửa. Hàng trăm, hàng nghìn ngọn lửa, đống lửa bùng lên hệt như một dải Ngân Hà. Chúng tôi gọi vui đó là Dải Ngân Hà của lính.

Nhiều lính, sau đợt thi công qua rừng chuối một vài tháng, tự nhiên thấy mũi chảy máu cam ròng ròng. Đau không đau. Nhức không nhức. Nút hốc mũi lại máu vẫn chảy ra. Bệnh xá tiền phương khám không phát hiện bệnh gì. Đến bệnh viện Hồi Xuân, cách Cổng Trời gần 60 km, sau khi soi chiếu, bác sĩ dùng panh lôi ra một con to như con đỉa trâu, dài gần hai mươi xăng-ti-mét, trắng tinh. Đồng bào Thái gọi là con tấc. Con tấc bình thường nhỏ như sợi tóc, bé tí tẹo, vài ba mi-li. Nó có màu trắng lẫn màu nước. Mắt thường khó phát hiện. Nó sống trong nước khe, suối, mó nước. Khi uống nước, nó vào mồm, đến họng, nó chui lên hốc mũi nằm im trong đó hút máu. Sở dĩ nó hút máu không ngứa, không đau buốt như đỉa là vì, khi hút, nó tiết ra một chất có tác dụng gây tê. Chính vì vậy nó ở mãi trong mũi. Dân bản cũng mắc nhiều rồi. Hàng chục lính TNTN 42-12 bị con tấc chui vào mũi. Hầu như các đơn vị đóng quanh khu vực Cổng Trời, đơn vị nào cũng có một vài lính dính. Ngoài con tấc ra, còn có một loại ký sinh nữa, đó là bét nai. Thực ra, lính ta không hề biết nó là con gì. Các bố, các mế Thái bảo đó là bét nai. Nó chủ yếu hút máu hươu nai nên gọi là bét nai. Nó nhỏ hơn hạt dền, lẫn với màu da người. Nó có cái vòi rất nhọn, sắc như kim. Nó chui vào nằm gọn trong chân lông người ta. Khác với con tấc, bét nai hút máu, làm tổ, sinh sản rất nhanh trong lỗ chân lông. Chính vì vậy, chân lông rất ngứa. Đầu tiên ngứa, vài bữa tấy lên, cống mủ. Mủ bưng bòng rồi vỡ. Da lở loét. Kết hợp với ruồi vàng, bọ chó đốt nữa, đầy mình đỏ tím như hoa gấm. Ngày mới từ miền xuôi lên, hầu như ai cũng bị lở loét. Nhiều nhất là con gái. Có đại đội một trăm phần trăm con gái bị lở loét. Tất cả đổ cho ghẻ và bọ chó. Ngứa quá không chịu được, đóng cửa, lột trần, lột truồng ra tắm lá ngứa, tra ASA, DEP... cái gì chữa được ngứa là dùng.

Mấy đại đội chỉ mới có mình Lê Thị Tập có chồng. Dịp về tết tranh thủ cưới. Giờ giải lao, các cô chưa người yêu, chưa mùi đời đòi Tập kể chuyện cho nghe cái mùi đời Tập mới được hưởng vội vàng. Đêm đầu tiên thế nào, cảm giác có sợ không, mùi đàn ông ra sao? Câu hỏi dồn dập, câu nào cũng muốn được thỏa mãn. Giải thích một loạt câu hỏi xong, đến câu hóc búa, Tập thấp giọng xuống: Khi sờ vú tau, lão ấy bảo, sao mềm thế? Tau biểu, cứng có đá. Chơi chán chê mê mỏi, hắn hỏi răng không có máu? Tau điên tiết lên, máu trên biên giới ạ. Muốn thấy máu lên đó mà tìm. Máu đổ hết xuống khe xuống suối Cổng Trời rồi. Đem được xác về đến đây là may mắn lắm rồi. Tí nữa xương cũng chả còn chứ máu. Rồi hắn vạch vú tau ra hắn coi có thâm hay không. Người ta biểu “thâm đông thì mưa, thâm dưa thì khú, thâm vú thì nghén”. Nếu vú đàn bà thâm tức là đang có mang. Nghĩa là mình đã ngủ với đứa mô rồi. Cả đại đội được năm sáu đứa đàn ông đứng không vững, mặt xanh như đít nhái. Quan hệ với ma giữa rừng, quan hệ với vắt muỗi khỉ vượn hay răng mà thâm vú? Tiếng cười khúc khích. Cô ni vạch vú ra xem có thâm không. Cô kia vạch vú ra xem có thâm không. Tự kiểm tra xong, cô ni hỏi, ri có phải thâm không? Cô kia hỏi, ri có phải thâm không? Tập ra bộ trải nghiệm, giọng kẻ cả, bay quan hệ với mai hộc hay răng mà thâm. Mấy cô láu táu, thỉnh thoảng bọn con trai đến ngồi ở giường em. Tập sồn sồn, hắn ngồi mệ giường chứ hắn mằn chi bay mà vú thâm. Mấy cái đầu chụm cả về phía Tập, nghe mấy bà biểu, đàn ông đi qua thành giường cũng chửa mà. Tập bốp chát, thành giường chửa chứ có phải bay chửa mô.

Cảnh tượng thi công dưới ánh đuốc lung linh, huyền ảo, hùng vĩ nhưng không hoành tráng bằng nhìn cảnh tượng con đường thi công trong ánh lửa bùng bùng của những đống lửa đốt bằng củi khô, mai hộc, nứa, vầu khô. Những ngọn tháp hoa cà hoa cải phụt lên như pháo hoa. Mỗi tiếng bụp, đùng là mỗi lần than lửa tung lên. Hàng chục, hàng trăm đống lửa trên tuyến cứ liên tục phát ra những tiếng bụp, đùng. Hàng trăm cột than, cột lửa phụt lên. Con đường như con rồng lửa chục cây số bay lên giữa điệp trùng rừng núi bao la, hùng vĩ, kỳ vĩ, như thành phố ngập tràn ánh sáng. Lính được tăng lực cho những buổi dạ hội đẫm mồ hôi bằng một vài đoạn sắn luộc bồi dưỡng suất ăn đêm. Tiếng hò, tiếng hát vang lên. Lính hát một, rừng núi vọng mười. Có người bảo, cứ vui thế này, ai nghĩ đến chuyện đào ngũ (đảo ngũ) chuồn về xuôi.

Không biết phấn chấn từ ngọn lửa làm đêm, từ tiếng hò, tiếng hát làm đêm, hay do tâm lý bị thôi thúc bởi chất men từ cuộc chuyện trò với Lê Thị Tập phía sau tảng đá, trên tuyến trở về, tắm rửa xong, đèn tắt hết, từ một lán sát bờ suối tiếng cười con gái phát ra. Đầu tiên một cô cười. Cười to. Cười vang. Cười rũ cười rượi. Cười giàn giụa nước mắt. Mọi người thắp đèn chạy đến xem có chuyện gì. Thêm hai ba người nữa cười. Rồi hàng chục cô cười. Cứ thế cười. Cười không cầm được. Cười mệt lử vẫn cười. Cười lũn người ra vẫn cười. A trưởng cũng cười. Gần một nửa số nữ trong đơn vị cười. Cười xong nằm vật ra. Đầu tóc rũ rượi. Bọt mép sùi trắng như ăn phải hạt củ đậu. Môi mấp máy. Mắt lờ đờ. Rên. Run. Cả đơn vị nháo nhác. Đuốc cắm dày các bậc từ lán này qua lán khác. Đại đội trưởng, đại đội phó, cán bộ kỹ thuật chạy ra chạy vào, chạy lên, chạy xuống. Đại đội trưởng cuống lên: Thế nào anh Đoàn? Phải thuốc men thế nào chứ? Là người chịu trách nhiệm đảm bảo sức khỏe cho cán bộ cũng như lính, đảm bảo lực lượng đơn vị liên tục thi công trên tuyến, Y sĩ Nguyễn Văn Đoàn, tỏ ra chẳng mấy lo lắng. Mặc mọi người chạy đôn chạy đáo, nóng như lửa. Nguyễn Văn Đoàn cứ bình tĩnh, không sốt sắng chạy báo tuyến trên hay tìm thuốc chạy chữa. Đại đội trưởng, đại đội phó liên tục giục. Y sĩ Nguyễn Văn Đoàn tủm tỉm cười. Anh bảo, bình tĩnh. Không ghê gớm lắm đâu. Đừng lo. Không việc chi mô. Đây không phải bệnh nguy hiểm đến tính mạng con người. Không chết người đâu. Trong chiến trường bao nhiêu năm, cảnh ni tôi gặp thường xuyên. Có khi nửa đại đội TNTN bị thế này. Hội chứng lây nhiễm tâm lý tình dục ấy mà. Bệnh con gái thiếu đàn ông ấy mà. Các cô nằm nghỉ ngơi một vài tiếng tự tỉnh lại thôi. Muốn nhanh, bây giờ, mấy anh nam, đến từng cô, dùng ngón tay cái day nhẹ nhàng vào huyệt nhân trung. Cái rãnh mũi này này. Trong khi day, khéo léo hạ thấp cùi tay xuống, khẽ chạm vào ngực, chỗ điểm nhạy cảm, tức là chạm vào vú ấy. Tỉnh ngay ấy mà. Đừng thẹn. Nó chồm dậy ôm càng tốt. Nam giới làm đi. Những chàng trai quen xà beng, thuốc lào lóng ngóng tập làm thày thuốc bất đắc dĩ. Đúng là thần dược. Chưa đến tiếng đồng hồ, tất cả đều tỉnh. Thương các cô quá, nhưng không biết làm sao. Càng thương hơn khi thấy sau cơn cười khóc lả người đuối sức, các cô lại hăm hở mở đường, thông tuyến.

*

Ngày chuẩn bị thi công đoạn qua Km74. Khí thế ra quân hừng hực cờ dong trống mở. Đúng lúc tiếng mìn phát lệnh chuẩn bị vang lên thì hàng trăm người đàn ông Mẹo từ các bản Kéo Hượn, Kéo Té, Pá Hộc, Chòm Chiêm dao nắp, dao quắm, súng săn kéo lên chặn ở mỏm đồi. Mặt ai cũng căng thẳng, bừng bừng tức giận, kiên quyết không cho thi công. Trăm người cùng lên tiếng. Không đào mồ mả nhà ta được. Mồ mả gia tộc nhà ta ở đây. Hễ đào mồ mả nhà ta là ta chém. Ta chém thật đấy. Trưởng ban công trường quyết định ra lệnh hoãn. Công văn, bản thiết kế được báo cáo về Sở Giao thông, về Tỉnh, về Bộ. Vài tháng sau, con đường được điều chỉnh cắt qua một thung thuyền, tránh khu mồ mả của các gia tộc Mẹo. Ngày thi công tuyến mới, một cảnh bất ngờ diễn ra. Bà con các bản Mẹo dắt trâu, bò, lợn, gà, gạo nếp ra cảm ơn khao đơn vị không biết bao nhiêu mà kể.

Ô tô được điều lên. Máy ủi được điều lên. Tiếng động cơ của nền công nghiệp tiên tiến, hiện đại đang vang trên độ cao một nghìn một trăm năm mươi thước, một nghìn năm trăm thước. Già trẻ gái trai các bản Mẹo, Dao, cơm đùm, cơm nắm địu nhau, kéo nhau ra xem thi công chật hai phía con đường. Máy ủi lên, tất cả chạy lên. Máy ủi xuống, tất cả chạy xuống. Người Mẹo, người Dao tấm tắc khen: Người Kinh có cái con ô tô hay thật. Cứ thò cái gậy sắt ngoáy vô mũi là hắn cười sằng sặc. Cái con máy ủi có cái lưỡi liềm khỏe quá. Mỗi lần nó liếm hết nửa quả đồi. Nhìn con máy ủi liếm con đường sạch như con gấu liếm mật ong ấy. Chúng tôi hỏi: Mẹo ta có muốn có đường xe về bản không? Mẹo ta muốn lắm chớ. Có cái đường, cái kim nó về bản ta nhanh hơn. Cái muối về bản ta nhanh hơn. Cái chữ về bản ta cũng nhanh hơn mà.

Chỉ một đoạn đối thoại với người Mẹo (người Mông), chúng tôi hiểu con đường chúng tôi đang mở qua độ cao một nghìn năm trăm thước trên đỉnh Trường Sơn trùng điệp là mở về phía hạt muối của vùng cao, mở về cái chữ của vùng cao, mở ra nền văn minh, sự hòa nhập của vùng cao. Chúng tôi đang mở đường về phía những đôi chân khuềnh chai sạn, đang mở về phía những giấc mơ, những khát vọng vươn lên của đồng bào Thái, Mẹo, Cao Lan, Dao… những con người bao nhiêu đời bị dốc đèo đã làm còng dáng đứng.

N.M.K

Nguyễn Minh Khiêm
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 287

Mới nhất

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Hội VHNT tỉnh trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm “Trường Sa - Quảng Trị: Sắc màu biên cương”

23/03/2024 lúc 16:22

TCCVO - Chiều 22/3, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị tổ chức trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm

Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực

18/03/2024 lúc 00:07

TCCVO - Chiều 15/3, tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, UBND tỉnh Quảng Trị và Ủy ban chính quyền tỉnh Savannakhet (Lào) phối hợp tổ chức Hội thảo “Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực”.

Liên hoan dân vũ chủ đề: "Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng"

16/03/2024 lúc 06:02

Chào mừng kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế phụ nữ (08/3/1910 - 08/3/2024), 1984 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng; Hướng đến kỷ niệm những sự kiện lớn của quê hương đất nước; kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7-2024), Sáng ngày 07/3/2024, Công đoàn viên chức tỉnh tổ chức Liên hoan dân vũ trong nữ Công chức, viên chức, người lao động (CCVCLĐ) năm 2024 với chủ đề “Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng”.

Phát huy vai trò “báo chí kiến tạo, báo chí giải pháp”

15/03/2024 lúc 07:05

TCCVO - Sáng ngày 13/3/2024, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hội nghị giao ban công tác báo chí tháng 1 và 2 năm 2024 và định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm tuyên truyền trong thời gian tới. Đồng chí Hồ Đại Nam, UVBTVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/03

25° - 27°

Mưa

31/03

24° - 26°

Mưa

01/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground