Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Người mẹ mù chữ và 5 người con vào đại học

TCCV Online - Đối với những bản làng xa xôi nơi người Vân Kiều sinh sống, cho đến tận bây giờ, chỉ cần một người con trai được đi học đại học đã là niềm tự hào cho nóc nhà, bản làng nơi người đó sinh ra và lớn lên. Vậy mà Pỉ Chịu (53 tuổi), thôn Làng Cát, xã Đakrông, huyện Đakrông có cho riêng mình tới 5... niềm tự hào. Điều đặc biệt hơn khi bà là người không biết chữ.

Niềm tự hào ở Làng Cát

Ai đã từng một lần lên với huyện Đakrông, miền tây Quảng Trị mới thấm thía cái cực, cái khổ nơi đây. Con chữ vì vậy cũng ít ỏi và thiếu thốn như dòng Đakrông những ngày hè cạn nước. Người ta thường nói, trẻ con vùng cao, có nơi, có chỗ, khát chữ hơn khát...sữa mẹ. Nhưng cũng vì cái ăn, cái mặc trước mắt, cơn khát ấy dễ dàng bị khỏa lấp bởi những tháng ngày quăng quật trên nương rẫy...

Nói dông dài vậy để biết, câu chuyện về sự học của một gia đình người Vân Kiều mà tôi sắp kể ra đây ở chốn rẻo cao này thực sự...quý và hiếm. Ngay đến chính bản thân tôi khi chưa tận gặp, tận thấy cũng có đôi chút hoài nghi...

Vui vẻ dẫn đường cho tôi từ UBND xã Đakrông về nhà mình, Hồ Văn Tân (28 tuổi), hiện là cán bộ Hội Nông dân xã Đakrông, con thứ 2 của Pỉ Chịu, đã làm tôi hết sức bất ngờ với câu nói dí dỏm: “Đi học ở miền xuôi, tôi có nghe lỏm được câu “tam nam bất phú, tứ nữ bất bần”, vậy còn nhà tôi 5 anh em trai tức là “ngũ nam” thì chưa biết thế nào?”.

Căn nhà Pỉ Chịu lọt thỏm giữa thung lũng Làng Cát. Nó càng bé mọn hơn nếu như đem so với ngọn Pra Côi và Pu án ngữ 2 hướng bắc nam và khe Cu Dăng mát rượi vây quanh làng. Dù vậy, đó là một gian nhà mà trước nay dân bản thường phải lui tới. “Dòng dõi của tôi sống ở đây từ rất lâu. Ông nội tôi lúc còn sống là già làng nên mọi việc lớn nhỏ gì của từng gia đình hay của cả bản, ông đều đứng ra lo liệu. Cha tôi, khác ông nội nhưng cũng được dân bản nể trọng vì ông theo nghề y, từng làm Trạm trưởng trạm xá xã, cứu người cho đến lúc qua đời vào năm 1996...”, Tân nói giọng đầy vẻ tự hào. 

Trong gian nhà sàn đó, đảo mắt một vòng, dường như đâu cũng có sách, chúng được xếp ngăn nắp trên kệ, trên bàn hoặc thậm chí ngay trên đầu nằm. Chưa hết, ngay bên hông nhà còn treo cả một tấm bảng to, trên đó còn nguệch ngoạc những công thức và hình vẽ toán học... Tiếp chuyện tôi ở gian chính lúc này, ngoài Tân còn có anh cả tên Hồ Văn Toàn (30 tuổi), hiện đang theo học năm cuối Đại học Y dược Huế. Bên ly nước chè đặc quánh, Toàn tỉ mẫn lấy sổ hộ khẩu, liệt kê “thành tích học tập” của các anh em bằng cái giọng đều đều: “Ngoài Tân và tôi, còn có em thứ 3 là Hồ Kana Vily (27 tuổi), đã tốt nghiệp Đại học Kiến trúc Hà Nội, hiện làm cán bộ tại xã Pa Nang. Hai em út là Hồ Văn Tú (24 tuổi) và Hồ Văn Phú (21 tuổi) đều đang học tại Đại học Vinh”.

“Bảng vàng” này, đến những gia đình khá giả, học thức ở miền xuôi còn mơ ước huống hồ ở nơi chốn này, chỉ việc nuôi một lúc 5 người con cho sống khỏe mạnh, không bị “Giàng bắt đi” đã khó.

 Đổi bò dê lấy cái chữ cho con

Pỉ Chịu, mẹ của 5 người con giỏi giang ấy có tên khai sinh là Hồ Thị Hai. Bà không biết chữ vì lúc còn nhỏ những bậc sinh thành đã có quan niệm rằng: “Học để làm gì...Lo mà lên rẫy trồng sắn, xuống suối tát cá mà còn có ăn”.

Bà nên duyên với ông Hồ An và lần lượt cho ra đời những người con. “Hồi nớ ông làm cán bộ, ông đi hoài, ít khi về nhà lắm. Lúc về chỉ đưa cho vài cân gạo nuôi con rồi lại đi, có biết gì việc trong nhà đâu”, bà Hai kể.

Có thời nhà tôi rách nát đến độ hễ trời mưa là mẹ và mấy anh em không có chỗ ráo để nằm. Chưa hết, vì được dựng dưới thung lũng nên những hôm mưa to, cả nhà còn phải lóp ngóp chạy lụt rất cơ khổ. Đến giờ nghĩ lại không biết có phải vì thương mẹ hay vì lí do gì khác mà mấy anh em tôi vẫn quyết đến trường”, con trai cả Toàn chêm vào.

Góa chồng gần chục năm, thương đàn con bé dại không đủ cái ăn, cái mặc, bà đã từng một mình khai hoang cả nửa ngọn đồi để lấy đất trồng sắn, trồng chuối, trồng đu đủ... Để khi cây cho củ, cho quả, cũng một mình bà gùi ra chợ huyện đổi gạo muối và dăm tập vở trắng mang về trong niềm vui khôn tả của đàn con. Bà đã từng “kinh doanh” khi mua 1 cái ti vi cũ, tối tối lại sáng đèn rồi bán vé (người lớn: 1.000 đồng, trẻ em: 500 đồng) cho những ai muốn vào xem. Thậm chí, bà cũng đã từng có trong tay dăm con bò, một đàn dê sau suốt một đời làm lụng, tích cóp.

“Nhưng gia sản của mẹ bây giờ chỉ còn 2 con heo nái và 2 con heo con. Còn bò, dê mẹ phải bán hết để lấy tiền cho chúng nó đi học. Mẹ ăn sắn ăn khoai cũng được chứ chúng nó đi ra khỏi nhà, không có tiền là không được mô”, nói chuyện tiền nong, giọng Pỉ Chịu như chùng xuống. Khóe mắt đầy dấu chân chim của bà như đang “tố cáo” rằng người mẹ ấy đã có không ít đêm mất ngủ vì những lo toan cơm áo cho con nơi đất khách.

Không lo sao được, khi vào thời gian “cao điểm”, mỗi tháng bà phải xoay xở gần 10 triệu bạc, chia cho mỗi đứa mỗi ít. Để có tiền, ngoài làm việc tận lực rồi ki cóp từng đồng, bà mượn tất cả những nơi có thể mượn, bán tất cả những gì có thể bán. Đến bây giờ khi chỉ còn...3 người con đang đi học thì bà lo cái “gia sản” còn lại cũng khó giữ và khoản nợ ngân hàng đã ngót nghét 30 triệu đồng.

“Mẹ vui đó rồi lo đó. Con cái đi học ai chả mừng nhưng nhiều lúc mẹ rất chật vật về tiền bạc, cũng tủi vì cứ lủi thủi một mình. Là mẹ, ai chẳng muốn có con cái ở bên mình lúc ốm đau, già cả nhưng nếu chúng ở với mẹ mà không lo học hành chắc mẹ càng buồn hơn...”, Pỉ Chịu trải lòng.

Cực vậy, lo vậy nhưng bà cấm đứa nào bỏ ngang giữa chừng. “Có lúc thấy mẹ cực khổ quá tôi định bảo lưu kết quả về nhà giúp mẹ nuôi em một thời gian nhưng mẹ không chịu. Mẹ còn dọa rằng tôi về là bà...chết.”, Toàn kể lại.

Giống như anh cả, thương mẹ, 4 người em còn lại cũng bảo ban nhau học hành. Dẫu có lúc, có khi, nơi gác trọ xa xứ, các con ứa cả nước mắt khi nghĩ rằng tương lai của mình đang đánh đổi bằng những giọt mồ hôi, sự chịu đựng đến tột cùng trên đôi vai gầy của mẹ.

 Lúc tôi từ biệt ra về, vẫn thấy Pỉ Chịu ngồi bên bậu cửa, lấy tay vuốt những tờ giấy bạc nhàu nhỉ, nhàu như chính những nếp nhăn hằn lại trên khuôn mặt bà suốt một đời vì con. Số tiền ấy chắc là khoản “lộ phí” bà chuẩn bị cho Toàn cuối tháng này vào Huế tiếp tục đèn sách...Bất chợt, người mẹ Vân Kiều mỉm cười nhìn tôi, hỏi một câu tưởng như rất ngô nghê mà làm tôi nhớ mãi: “Bò dê nhà mẹ để lại chắc cũng không nhiều nhất làng nhưng đổi bò dê đi thì giờ nhà mẹ ...nhiều chữ nhất. Rứa chắc cũng có lãi con hè?”. Tôi gật đầu chia sẻ cho sự tự hào dễ hiểu của bà, một người mẹ không biết chữ nhưng có 5 người con vào đại học.

 N.P

(Nguồn Báo Quảng Trị)

Nguyễn Phúc
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 290 tháng 11/2018

Mới nhất

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Hội VHNT tỉnh trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm “Trường Sa - Quảng Trị: Sắc màu biên cương”

23/03/2024 lúc 16:22

TCCVO - Chiều 22/3, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị tổ chức trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm

Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực

18/03/2024 lúc 00:07

TCCVO - Chiều 15/3, tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, UBND tỉnh Quảng Trị và Ủy ban chính quyền tỉnh Savannakhet (Lào) phối hợp tổ chức Hội thảo “Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực”.

Liên hoan dân vũ chủ đề: "Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng"

16/03/2024 lúc 06:02

Chào mừng kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế phụ nữ (08/3/1910 - 08/3/2024), 1984 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng; Hướng đến kỷ niệm những sự kiện lớn của quê hương đất nước; kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7-2024), Sáng ngày 07/3/2024, Công đoàn viên chức tỉnh tổ chức Liên hoan dân vũ trong nữ Công chức, viên chức, người lao động (CCVCLĐ) năm 2024 với chủ đề “Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng”.

Phát huy vai trò “báo chí kiến tạo, báo chí giải pháp”

15/03/2024 lúc 07:05

TCCVO - Sáng ngày 13/3/2024, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hội nghị giao ban công tác báo chí tháng 1 và 2 năm 2024 và định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm tuyên truyền trong thời gian tới. Đồng chí Hồ Đại Nam, UVBTVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/03

25° - 27°

Mưa

31/03

24° - 26°

Mưa

01/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground