Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 25/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Kỷ vật của thời chiến

TCCV Online - Có bạn hỏi rằng: Anh còn lưu giữ được những ký ức chiến tranh nào? Xin thưa: Trong bộ nhớ của tôi luôn có cái file thời chiến. Chiến tranh là hầm hào, tăng xê chi chít trên đường phố Hà Nội, mũ rơm nhấp nhô trên con đường làng, áo trắng nhuộm màu, cửa kính dán hình hoa thị chống bom làm cho rạn vỡ. Chiến tranh những quả tên lửa, khẩu pháo cao xạ cũng khoác lá ngụy trang, công viên thưa vắng những cặp tình nhân, các khu tập thể không một bóng người, chủ nhân của nó đã ra trận hoặc đi sơ tán. Trong chiến tranh mọi người bình tĩnh khẩn trương ra hầm trú ẩn khi có tiếng còi báo động. Tôi đã tận mắt chứng kiến những hoang tàn, đổ nát ở phố Khâm Thiên tháng 12-1972. Tiếng khóc nấc nghẹn ngào, vành trắng khăn tang trên mái đầu trẻ thơ, máy ủi, máy xúc tất bật san ủi, đào bới. Từ đống đổ nát những thi thể dập nát, mềm nhũn hoặc còn nguyên vẹn, thoi thóp thở. Bên những tang thương ấy sự sống vẫn bình yên. Tiểu thương bày bán xu hào, bắp cải bên đống đổ nát, tiếng hát vẫn vang vọng từ những căn nhà sập mái, nứt tường. Rời Hà Nội vượt Trường Sơn bằng xe vận tải quân sự tôi đã tận mắt thấy sự khốc liệt trên con đường này. Những chiếc xe tăng Mỹ bẹp nát, dúm dó nằm chỏng gọng dưới hố bom, cây rừng cháy thành than như bàn tay rạch nát bầu trời xanh thẳm. Con đường xưa kia chỉ là một lối mòn nay đã rộng mở thành đường lớn, chợt nhớ câu nói nổi tiếng của văn hào Lỗ Tấn: “Trên mặt đất vốn không có đường do người đi nhiều mà thành đường”. Đường Trường Sơn là con đường của muôn triệu trái tim, ý chí mà tạo thành. “Trường Sơn đông nắng tây mưa. Ai chưa đến đó như chưa rõ mình” (Tố Hữu). Tôi thầm cám ơn bao thế hệ vượt Trường Sơn trước đây để hôm nay mình được ung dung ngồi trên xe vận tải quân sự từ miền Tây Quảng Bình chạy một mạch vào Tây Ninh – căn cứ của Trung ương Cục miền Nam. Những năm tháng dạy học ở chiến trường miền Đông Nam bộ nhận ra cái cùng cực, trĩu nặng của mảnh đất mà trước đây chỉ thấy bay bổng, nhẹ tênh qua vài bài thơ, bản nhạc, câu chuyện. Bom pháo ùng oàng, biệt kích lùng sục, sốt rét quật quã, đói ăn liên miên, vài ba ngày thầy trò lại phải băng rừng lội suối tải gạo về ăn. Ở một nơi chỉ cách Sài Gòn 30 cây số, thần chết luôn rình rập sẵn sàng xóa sổ một sinh mệnh. Nhưng cũng may mắn và hạnh phúc thay ở nơi tận cùng cái sự khổ lại thấy ngời lên tình thương yêu thầy trò, bạn bè, phụ huynh, cán bộ, nhân dân. Cũng ở mái trường ven sông Đồng Nai này tôi đã chứng kiến những thăng hoa của lịch sử khi tăng pháo và những đoàn quân áo xanh với khí thế ngất trời vượt qua sông, tiến thẳng về Sài Gòn, thần tốc đến nỗi một tốp chiến sĩ quân y vừa hạ trại, nổi lửa nấu cơm, chưa kịp chín đã phải nhổ trại vì có lệnh hành quân gấp. Tôi đã thấy mặt người hớn hở, nụ cười rạng rỡ, tiếng hát rộn ràng của những học trò mình. Những em học sinh của tôi đủ mọi lứa tuổi, người Kinh, Chơ Ro, Hoa Nùng quần tụ vui sướng trong ngày hội toàn thắng của toàn dân tộc. Các em náo nức vì sắp được về thành phố. Cả tôi nữa đang bồn chồn hướng về thành phố ở đó bao bạn bè, đồng nghiệp, công việc đang đón chờ.

*

Chiến tranh đã lùi vào dĩ vãng hơn 40 năm nhưng dư âm của nó vẫn còn vang vọng trong tâm hồn những người đã trải qua cuộc chiến. Có những người lính nâng niu, trân quý những kỷ vật thời chiến. Tiền bạc không nhiều nhặn gì, nhà cửa chật chội vẫn dành một góc riêng để trưng bày những vật dụng thời chiến, khẩu súng AK mòn gỉ, đôi dép lốp đứt quai, chiếc bi-đông tróc sơn để lộ ra màu nhôm trắng toát… để cùng đồng đội nhớ về một thời. Có anh cán bộ còn giữ lại được những tấm ảnh đen trắng chụp cùng đồng đội, cây đèn pin buộc dây dù treo lủng lẳng trên tường, con dao găm Liên Xô đã mẻ dùng để chặt cây lợp nhà lá trung quân. Riêng tôi tuy có ý thức giữ gìn nhưng do bản tính đểnh đoảng, lại chuyển nhà vài ba lần nên kỷ vật thời chiến cứ thất thoát dần. Chiếc mũ tai bèo nhấp nhô giữa rừng Trường Sơn không còn, đôi dép lốp ngang dọc miền Đông Nam bộ, cái bòng luôn trìu ấp trên lưng cũng biến đâu mất, khẩu súng Rulô nhặt được của đám tàn quân thì đã giao nộp cho công an. Thành thử trắng tay. Nhưng tôi còn một kỷ vật, không trưng bày ở bên ngoài mà ở trong cơ thể, nhỏ nhoi thôi nhưng cũng ghi lại một thời. Xin kể cùng các bạn.

Hai giờ chiều ngày 10-3-1975, chúng tôi – một đoàn cán bộ lặng lẽ rời Bàu Hàm hành quân theo giao liên. Lúc bấy giờ tôi là người của Ban Tuyên huấn Biên Hòa được biệt phái sang dạy học ở Trường Văn hóa huyện Thống Nhất, trường nằm ở xã Cây Gáo – ven sông Đồng Nai. Mới đi dự Hội nghị Giáo dục toàn miền Nam trên Tây Ninh về tôi mang chương trình và sách giáo khoa mới do Nhà xuất bản Giải phóng ấn hành sang Ban Tuyên huấn Biên Hòa để báo cáo. Ban Tuyên huấn Biên Hòa nằm ở một cánh rừng thuộc huyện Long Thành. Muốn qua đó phải hành quân đêm, nguy hiểm nhất là phải vượt qua lộ 1, nơi địch vẫn ngày đêm tuần tiễu, lùng sục Việt Cộng. Vượt qua những cung đường lổn nhổn đá ong, đi trong khu vườn đu đủ trĩu trịt trái xanh trái vàng ở Bàu Hàm. Nắng chiều dần tắt, những làn gió chiều phe phẩy và màn đêm buông xuống. Dưới ánh trăng mờ chúng tôi men theo hàng rào với những cuộn thép gai tua tủa của ấp chiến lược, nghe rõ cả tiếng trâu thở phì phò, cạ sừng cành cạch vào cây cột buộc dây thừng néo vào mũi trâu. Chúng tôi trổ xuống cánh đồng mạ non lún phún, nước lấp xấp, loang lổ trên mặt ruộng, đi trên con đường nhỏ hẹp, mấp mô, người nọ bám vào bòng người kia. Có người sẩy chân sa xuống ruộng, được đồng đội vực lên lại bước cao bước thấp theo đoàn. Sắp tới vườn chuối xã Hưng Lộc quen thuộc – bởi tôi đã qua lại nơi này nhiều lần nên quá rành. Vườn chuối này giáp lộ 1, chỉ cần đi hết vườn sẽ chạm mép đường quốc lộ, mọi người núp xuống hồi hộp ngóng chờ. Tiếng xe ô tô chở khách, chở hàng chạy vun vút xuôi ngược theo tuyến Đà Lạt, Phương Lâm, Định Quán – Sài Gòn cộng với xe nhà binh rầm rập qua lại. Chỉ cần ngớt tiếng xe giao liên hạ lệnh là chúng tôi chạy ào qua mặt đường, tuông xuống ruộng, đi ngoằn ngoèo trong rừng cao su tối om, muỗi rào rào như trấu. Mờ sáng sẽ tới Long Thành, dừng bên con suối hạ bòng, thở dốc, mồ hôi túa ra như tắm nhưng vui vì đã đến nơi an toàn. Rửa ráy thư giãn xong đi một đoạn nữa là đụng mí rừng, len lỏi đi sâu vào trong sẽ tới cứ.

Lần này tôi chắc mẩm như mọi khi, nghĩa là không có chuyện gì xảy ra, sẽ trót lọt, không vướng vấp gì, thông đường, dùi đường đã có giao liên đảm bảo, cứ yên tâm. Thế mà sự đời ai học được chữ ngờ. Khấp khởi dấn sâu vào vườn chuối chừng mươi mét bỗng nghe tiếng nổ dữ dội. Lửa sáng rựng một khoảng vườn bên phía tay phải, tiếng kêu thất thanh, hoảng hốt. Bị phục kích rồi! Sau này mới biết đường đi này đã bị lộ, địch gài mìn, loại mìn Cleymore, trái mìn gồm những viên bi nhỏ như viên bi xe đạp. Người giao liên đi đầu đã vấp phải dây mìn căng sẵn, mìn phát nổ, viên bi phóng theo hình phễu. Khi về cứ tôi mới nghe thông tin trong đoàn có 3 người hy sinh, 5 người bị thương. Nghe tiếng nổ tôi ngã vật ra, sờ đùi bên phải thấy ươn ướt, máu thấm đỏ bên vạt quần. Thôi chết rồi! Mình bị thương rồi! Chắc phải ráng chịu đau, lết đi càng xa càng tốt, nhỡ địch phục kích xông ra thì khó mà thoát. Lồm cồm nhỏm dậy, nhấc thử chân, ôi còn đi được. Chắc viên bi chỉ sượt qua đùi chứ nếu đã ăn vào xương khó bề mà đi nổi. Tôi đảo mắt xung quanh, bốn bề lặng ngắt, không một bóng người. Những người sống sót, thương tật đã chạy dạt ra các ngả vì lo kẻ thù ập đến. Tôi mở miệng bòng bỏ các cuốn sách giáo khoa cho nhẹ, bòng đang căng phồng bỗng xẹp lép, chỉ còn mấy bộ quần áo, tấm vải dù mỏng tang và một gói mỳ ba con tôm. Nhắm hướng càng xa lộ 1 càng tốt tới 3 giờ sáng thì nghỉ lại, bởi bà con vùng này 4 giờ sáng đã ra đồng. Tôi ngồi lọt vào một khóm chuối, lấy tấm vải dù phủ lên người, vơ lá chuối khô che chắn xung quanh. Đói quá, bóc gói mì tôm nhai rau ráu, lại lên cơn khát đành bẻ bẹ chuối nhai lấy vị nước chát. Cả ngày hôm đó cứ ngồi im re trong khóm chuối, mặc cho nóng nung, ngứa ngáy khắp người. Cũng có lúc nghe tiếng người nói xa xa: “Tụi bây ơi, bọn Việt Cộng mở trường dạy học, chúng có sách giáo khoa nè…”. Kệ! Tôi vẫn án binh bất động. Quyết định ngày nghỉ đêm đi là một quyết định sáng suốt. Đi ban ngày thì dễ bị lộ. Trong tư tưởng tôi đã xác định: một là sống, hai là chết. Nếu địch phát hiện ra “đòm” cho một phát, thì cũng như bao anh hùng liệt sĩ đã hy sinh. Hoặc chúng tóm được lôi ra Côn Đảo, Phú Quốc phải chịu tù đày, khảo tra đau đớn thân xác, chết đi sống lại bao lần. Cho nên tôi không sợ nhưng cẩn thận cho an toàn, để may mắn còn sống thì tốt hơn. Mình còn trẻ, bao hứa hẹn phía trước, còn mong muốn trở về với gia đình, còn có một tình yêu đẹp. Đêm thứ hai, thứ ba tôi lại mò mẫm, may có ánh trăng mờ hỗ trợ nên cũng còn nhìn rõ cảnh vật và con đường. Cứ xuyên qua các mảnh vườn mía, mít, đu đủ nhắm hướng tây bắc mà đi. Đói thì bẻ mía, mít non, đu đủ ăn, khát đã có nước giếng, nước ruộng. Đang xác định phải còn lâu mới về tới cứ thì rạng sáng ngày thứ ba tôi nhận ra có một khoảng trống mờ mờ phía trước mặt. Mừng húm, rảo bước nhanh. Ôi, sao thấy quen thuộc quá, những tảng đá ong lổn nhổn, con đường vằn vèo lên xuống, thấy chuối mọc san sát, cây đậu nành la đà trên mặt đất và những cây đu đủ lúc lỉu trái. Thì ra tôi đã chạm chân tới mảnh đất Bàu Hàm – nơi tôi xuất phát. Bàu Hàm là nơi tôi đã cùng học trò đi tải gạo, đã tá túc trong chòi lợp thiếc rung lên lanh canh trong gió, đã từng ăn cháo muối vào buổi trưa cùng đồng bào Hoa Nùng, đã từng bắt rắn hổ mang cùng ông Tư Đen – người Bắc di cư, nên quá đỗi quen thuộc. Lượn ven rẫy một khúc tôi gặp các anh cán bộ xã. Họ reo lên: “Trời đất ơi, ông thầy giáo còn sống trở về các anh ơi!”. Trong chiến tranh cái chết đã trở nên quen thuộc, người bạn của ta hôm trước mới tiễn ra khỏi cửa rừng hôm sau đã nghe tin hy sinh. Cho nên không gì vui bằng người tưởng đã chết lại sống sót trở về nguyên vẹn. Y tế xã tiêm thuốc kháng sinh, cấp thuốc bổ cho tôi uống và cử người đưa tôi về Trường Văn hóa huyện Thống Nhất ở xã Cây Gáo, ven sông Đồng Nai. Anh em ở cơ quan Ban Tuyên huấn Biên Hòa bên Long Thành thì tới tấp gửi thư quà qua đường giao liên cho tôi, nào đường, sữa, áo len, khăn len: “Mừng quá Tú còn sống anh em bắn được con mễn làm mấy ly rượu chúc mừng”, “Gửi Tú ít đường sữa bồi dưỡng cho khỏe nha, đặng còn tiếp tục dạy học, trời lạnh nhớ mặc áo và quàng khăn len nhé”. Tôi vô cùng cảm động trước nghĩa cử của đồng chí đồng đội, chỉ qua hoạn nạn mới hiểu lòng nhau. Tôi biết lúc chưa về cơ quan anh em Ban Tuyên huấn Biên Hòa đã chịu bao đau thương tang tóc, năm 1972 đang đóng ở Bàu Hàm một trận bom B52 đã đánh trúng, em Đạt Nhân – bảo vệ hy sinh tại chỗ, ông Sáu Khánh – trưởng ban bị bom phạt cụt chân, phải ra Bắc điều trị. Cho nên không ai muốn sự mất mát đau lòng lại xẩy ra thêm lần nữa. Một chuyện nữa mà sau này anh Sáu Khánh – phụ trách nhiếp ảnh nói lại với tôi: “Mấy ngày không thấy mầy về lãnh đạo đã bảo tao lục bòng lấy tấm ảnh trong album phóng to để chuẩn bị làm lễ truy điệu thì hay tin mày về, mừng hết biết đó nghe”.

*

Câu chuyện tôi bị trúng mìn, chết hụt ngày nào bạn bè trong rừng còn nhớ tới, nhắc tới. Nhưng có một chuyện mà tôi không ngờ. Vào khoảng năm 1990, tôi bị té xe, bàn tay phải sưng tấy lên, lo sợ ảnh hưởng đến xương, tôi đi chụp X quang. Bác sĩ trẻ kết luận: “Xương không sao cả, chỉ cần uống thuốc là hết sưng. Nhưng ở ngón giữa bàn tay phải của chú có một… viên bi. Có phải ngày trước chú bị… tai nạn lao động không?”. Tôi sững sờ, lắc đầu: “Không! Chú là nhà giáo chứ có phải công nhân đâu mà bị tai nạn lao động…”. Hoang mang một lúc và tôi chợt hiểu ra. Viên bi của mìn Cleymore đã tìm tới ngón tay giữa của bàn tay phải và bí mật đậu lại ở đó 15 năm nay mà tôi không hề biết. Chỉ đôi lúc sờ ngón tay thấy cộm cộm, không đau không nhức, không đụng vào phần xương làm ngón tay lặc lìa ra. Tôi quả thật may mắn, bom đạn đã né tránh mình nên không hóa thành liệt sĩ có tên trên bia mộ, cũng không thành hài cốt nằm sâu dưới lòng đất trong những cánh rừng hay thành phố, nông thôn. Cũng không là thương binh mà viên đạn mảnh bom còn găm trong bộ óc, nằm trú ẩn trong buồng gan lá phổi mỗi khi trở trời lại đau nhức nhối, hoặc bom đạn kẻ thù phạt mất tay cụt chân, đi lại hoạt động muôn vàn khó khăn.

Tôi chỉ có một viên bi nằm ở ngón tay giữa của bàn tay phải, chẳng ai biết chỉ trong gia đình mới biết, chẳng ảnh hưởng gì đến sức khỏe, nên quyết định không mổ. Không còn giữ được mũ tai bèo, đôi dép lốp, chiếc bòng thì giữ lại viên bi như một kỷ vật của thời chiến vậy. Điều không ngờ là chính viên bi ấy đã làm cảm hứng cho một cậu bé lên 10 tuổi là cháu ngoại tôi. Mỗi khi nó rờ vào ngón tay cộm cộm mà đã có lần tôi kể cho nó nghe xuất phát của sự cố, cháu lại giục:

- Ông ngoại, ông kể chuyện chiến tranh đi!…

Tôi ngạc nhiên vì giữa bộn bề những chuyện trường chuyện lớp chuyện bạn bè, truyện cổ tích, truyện tranh, phim hoạt hình nó vẫn hứng thú nghe ông kể chuyện chiến tranh – dẫu chiến tranh đã trở nên xa vời với cháu.

B.Q.T
Nguồn -Tuần Báo Văn Nghệ TP.HCM số 521

Bùi Quang Tú
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 291 tháng 12/2018

Mới nhất

Giường sắt có tốt không? Địa chỉ mua giường sắt uy tín?

3 Giờ trước

Giường sắt là một trong những đồ dùng nội thất không thể thiếu trong mỗi căn nhà, để đảm bảo cho gia chủ có một nơi nghỉ ngơi sau ngày dài mệt mỏi. Ngày nay, giường sắt đang khá phổ biến trên thị trường. Nếu bạn đang tìm hiểu về loại giường này và muốn tìm cho mình một địa chỉ mua giường sắt uy tín và chất lượng hiện nay thì đừng bỏ qua bài viết dưới đây của Công Ty Cổ Phần Nội Thất Đại Thành.

Chùm thơ Trần Đức Tín

9 Giờ trước

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

26/04

25° - 27°

Mưa

27/04

24° - 26°

Mưa

28/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground