Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 19/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Trở lại Kon Tum với Charlie và Delta

1.Nắng vàng trên đỉnh Charlie và Delta

 Nắng vàng và thơm mùi mật của đàn ong Tây Nguyên cuối mùa khô. Ai đã từng chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên thì mới thấm hết nỗi yêu mến cái nắng màu vàng nơi này. Nắng Tây Nguyên như sờ thấy được, ngửi thấy được và nếm được vị hanh hanh dìu dịu của cái nắng sắp chuyển sang mùa mưa.

Sau sáu tháng gian nan vận chuyển hàng mấy chục tấn vật liệu xây dựng lên đỉnh cao hơn ngàn mét, những người lính già lính trẻ của Sư đoàn 320 hôm nay làm lễ khánh thành nhà bia tưởng niệm hai trận đánh 1015 Charlie và 1049 Delta. Trước ngày làm lễ khánh thành Ban liên lạc Sư đoàn 320 và huyện Sa Thầy Kon Tum làm lễ cầu siêu cho những người lính ngã xuống trên hai điểm cao này. Trước đó một tuần lễ trung tướng Khuất Duy Tiến người chỉ huy trung đoàn đánh Charlie năm xưa đã vào Sa Thầy để chỉ đạo anh em cựu chiến binh làm công tác chuẩn bị cho ngày lễ. Hệt như bốn mươi sáu năm trước người chỉ huy lại chỉ đạo từng mũi thực hiện công việc, tỉ mỉ quyết liệt cho cuộc gặp gỡ tâm linh này. Ông dặn:

- Các đồng chí nhớ làm cho đầy đủ lễ cúng chúng sinh. Bởi những người nằm lại trên điểm cao này cả phía bên này hay bên kia cũng đều đau đớn xót xa.

Con đường lên cao điểm không dễ dàng gì cho cuộc hành hương hôm nay. Ban tổ chức mà nhất là lãnh đạo tỉnh Kon Tum và huyện Sa Thầy rất chu đáo việc bố trí đoàn xe đưa các cựu chiến binh và thân nhân liệt sĩ lên núi. Một đoàn xe ba mươi chiếc tất cả đều là xe phân khối lớn hai cầu, xếp hàng dọc suối Rờ Cơi. Chỉ huy cuộc hành quân là nguyên Tư lệnh phó Quân đoàn 3 và nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 320. Bốn mươi sáu năm đã trôi qua. Người trẻ ngày ấy nay cũng gần 70 tuổi. Đường lên núi chang chang nắng mà ai cũng giành bằng được phải lên núi. Lên để thắp hương, để bốc nắm đất thấm máu mình và đồng đội mang về quê hương. Trong gió trong nắng tôi nhìn thấy những gương mặt thất thần của thân nhân liệt sĩ, họ chỉ lo họ không có xe lên núi mà đoạn đường lên cao điểm dài 16 cây số leo lên trên một ngàn mét bao nhiêu hiểm nguy… 

Trưa nắng. Gần hai trăm người làm lễ cầu siêu trong gió và nắng vàng trên đỉnh núi cao hơn ngàn mét. Dưới kia là Dăk Tô Tân Cảnh và dòng Pô Cô mờ như sương khói. Cao điểm đã qua nửa thế kỉ mà bom napan và chất độc hóa học hủy diệt khiến đỉnh núi khô khốc không có một bóng cây. Người trung đoàn trưởng năm xưa khấn nghẹn ngào trong khói nhang. Ông gọi đồng đội của mình:

- Các em ơi, hãy về đây hưởng chút lòng thành của đồng chí đồng bào và phù hộ cho quê hương đất nước mình các em ơi… Tiếng ông hòa vào tiếng gió hun hút trên cao điểm 1015.

Tôi đứng nhìn về dãy Chư Mom Ray nhìn về Delta nhìn xuống thị trấn Sa Thầy bừng sáng đổi thay mà lòng rưng rưng.

Có người hỏi tại sao làm hai nhà bia 1015 và 1049 hệt như nhau. Trận 1015 thắng ròn rã còn trận 1049 thì không thắng? Thắng hay thua cũng là sự hi sinh đổ máu của người lính. Làm nhà bia là để tưởng niệm là để nơi cho người sống giao hòa với người đã khuất trong nhang khói trần gian. Sự linh thiêng cốt ở tâm tưởng con người nghĩ về người đã khuất. Những người cựu chiến binh gom góp tiền của mình để xây nhà bia không nghĩ đến thắng hay thua, họ chỉ nghĩ đến nhớ thương đồng đội mà thôi.

Hai nhà bia cho hai trận đánh Charlie 1015 và Delta 1049 chỉ cách nhau 6 cây số đường chim bay trên cùng dãy núi. Ngày xưa hai cao điểm này hỗ trợ cho nhau bằng pháo binh bộ binh và hai trận đánh chỉ cách nhau 12 ngày. Hai Trung đoàn của Sư đoàn 320 hỗ trợ phối hợp với nhau để tấn công hai cứ điểm nổi tiếng kiên cố này. Hai nhà bia tưởng niệm trên hai đỉnh núi nhìn về nhau trong nắng gió.

2. Tiếng gọi trong đêm trên đỉnh núi 

Sau 46 năm nhìn lại, những mỏm A, B, đồi Lau và đồi Không Tên yên ắng lạ thường. Nơi đây chỉ còn lơ thơ những đồi thông và lau sậy. Kẻ địch đã dùng chất khai quang và bom napan đốt trụi cụm cao điểm 1049 và hậu họa còn đến tận bây giờ.

Sử Trung đoàn 52 Tây Tiến ghi lại: “Lần đầu tiên tham gia chiến dịch ở địa bàn mới Tây Nguyên. Trung đoàn Tây Tiến 52 gặp rất nhiều khó khăn. Khu vực tác chiến là điểm cao 1049 nằm trên dãy điểm cao chạy dọc sông Pô Cô. Phía Bắc có các điểm cao 1088, 1015, 938 có các trận địa pháo. Cách phía Đông 10 cây số là sông Pô Cô. Phía Nam có các cao điểm 1029, 966. Sườn núi rất dốc trống trải, bộ đội vận động dễ bị lộ. Dễ bị hỏa lực khống chế chặn lại. Nơi đây là Tiểu đoàn dù 2 Mũ đỏ chưa bị đánh đau nên rất hung hăng hiếu chiến. Chỉ huy gồm toàn những tên anh chị yêng hùng. Bốn mỏm đồi A, B, C và Không Tên được bố trí chặt chẽ như sau:

- Chỉ huy tiểu đoàn và một đại đội bộ binh gồm 200 tên ở đồi A.

- Một đại đội bộ binh chốt đồi B và C gồm 100 tên.

- Một đại đội BB bố trí ở đồi Lau.

- Một đại đội BB bố trí ở 1088.

Địch xây dựng một hệ thống trận địa phòng ngự liên hoàn có vật cản và ba lớp công sự vững chắc. Quá trình chiến đấu chúng được máy bay pháo binh chi viện tối đa kể cả B52 và các cứ điểm khác sẵn sàng ứng cứu.

Bốn ngày chiến đấu ác liệt. Dốc cao. Núi trọi. Phơi người ra dưới pháo dưới bom và cả B52. Những bom bi bom phá bom khoan và bom napan. Đói và khát. Từ sáng 30/3 đến 3/4/1972 các chiến sĩ e52 cảm tử vô song. Người này ngã người kia lao lên. Liên lạc với trung đoàn đứt. Các mũi đều bị mìn định hướng chặn lại nhưng những người lính e52 vẫn kiên gan. Dù các trận địa hỏa lực 12,7 ly bị địch khống chế, các hướng đều bị thương vong, trong lúc máy bay địch vẫn hạ cánh tiếp tế cho bọn ở điểm cao 1049. Lúc này từ các chỉ huy trung đoàn trưởng, chính ủy, tham mưu trưởng và các cán bộ cơ quan chia nhau về các tiểu đoàn vây lấn các trận địa hỏa lực để động viên bộ đội kiên gan chiến đấu đến cùng. 

Hai ngày 30 và 31 tháng 4 năm 1972 hai tiểu đoàn 5 và 6 thương vong nhiều. Dù thế vẫn siết chặt vòng vây. Vòng vây thít lại bao nhiêu cũng là lúc binh lực của ta dần yếu ớt”. 

Trước lúc lên đỉnh núi làm lễ cầu siêu cho các liệt sĩ chúng tôi vào nghĩa trang Sa Thầy. Đứng trước hơn 300 ngôi mộ có tên của Sư đoàn 320, có 180 ngôi mộ có tên của e52, tất cả họ đều là Liệt sỹ đánh trận 1049. Chúng tôi tự hỏi còn ngót một ngàn ngôi mộ vô danh kia đâu là những chiến sĩ của e52 của e64 của e48 - những người đồng đội của tôi.

Một trong cán bộ chỉ huy sáu tháng xây dựng nhà bia trên núi cao là Trung tá Trưởng ban Doanh trại Sư đoàn 320 tên Nguyễn Đức Minh. Sau bao nhiêu ngày đêm trên núi đến sạm da, mắt đỏ ngầu, tóc cứng phơ phơ như rễ tre kể với tôi:

- Những đêm trên 1049 trời mùa khô xanh trong lạ thường. Ai đã từng ở Tây Nguyên thì mới hiểu đêm mùa khô thế nào. Cái đêm cuối cùng sau khi hoàn thành nhà bia 1049 sáng mai tôi cho bộ đội xuống núi. Đêm ấy tôi không ngủ. Nhìn về phía đông nhấp nhóa ánh đèn điện Dăk Tô, trong đêm dòng Pô Cô như pha vào sương mù. Bỗng như trong không gian lặng lẽ không một gợn gió có tiếng hô xung phong, có tiếng súng và rồi im bặt lại có tiếng khóc, tiếng rì rầm an ủi nhau rồi giữa đêm bùng lên tiếng ve. Tôi thấy lạnh ở sống lưng và má mình có nước, đứng trên đỉnh 1049 hứng giọt sương lên khóe mắt.

3.  Đằng sau tấm bia tưởng niệm 1049 Delta

Đã vào mùa mưa. Tây Nguyên cứ sáng nắng chiều mưa rào, cơn mưa ra tiền ra bạc cho đồng bào dân tộc thế mà mấy hôm nay chúng tôi sợ mưa đến thế. Mưa là con đường lên núi đến với nhà bia 1015, 1049 sẽ tắc lại. Lễ cầu siêu cho đồng đội chúng tôi sẽ không thành. Nỗi lo mưa Sa Thầy mấy hôm nay nghèn nghẹn bữa cơm của lính già. 

Chiều tối trước ngày lên đỉnh núi, Trung tướng Khuất Duy Tiến dẫn chúng tôi tới chân núi lập bàn thờ bên bờ suối Rờ Cơi. Nơi này 46 năm trước cũng là điểm bộ đội ta xuất phát tiếp cận cao điểm 1049, dưới tầm bom B52. 8 giờ 30 sáng, Nguyên tư lệnh phó Quân đoàn 3 Khuất Duy Hoan và nguyên Sư đoàn trưởng 320 Nguyễn Thế Tân chỉ huy đoàn xe lên núi. Nắng chan hòa, con đường lên núi vô cùng khó khăn nguy hiểm hệt như những khúc đường Trường Sơn năm xưa. Lau trắng, bướm trắng và lại rộn rã ve kêu. Lại những màu cây và màu rừng như ngày xưa chỉ có đầu xanh chiến sĩ giờ đã bạc. Tôi chợt lại thấy trong hừng hực nắng Sa Thầy đồng đội tôi đứng trên sườn núi.

“... Đúng 6 giờ sáng ngày 30 tháng 3 năm 1972 trung đoàn trưởng Hồ Hải Nam ra lệnh nổ súng thực hành vây lấn địch ở điểm cao 1049. Mặc dù sư đoàn chỉ phê duyệt kế hoạch hỏa lực giai đoạn này chỉ dùng hỏa khí bắn thẳng, bắn phát một, diệt từng hỏa điểm của địch, nhưng Trung đoàn 52 đã cho tất cả súng cối, DKZ, bắn phá dồn dập vào đồi A, B và F các tuyến công sự vành ngoài của địch. Do các trận địa hỏa lực của ta bố trí xa địch, công tác chuẩn bị thiếu chu đáo nên kết quả bắn hạn chế, rất ít đạn trúng mục tiêu. Cách đánh vây lấn xa, trận địa hỏa lực bộc lộ sớm nên kém hiệu quả không phù hợp. Lúc này địch dùng máy bay, pháo lớn đánh phá ác liệt vào trận địa vây lấn của ta, đồng thời quân dù tổ chức 4 đợt phản kích từ 1049 ra phía đông bắc, tây bắc, tây nam và đồi Lau. Nói làm sao cho hết nỗi bi hùng suốt một ngày hôm ấy. Thông tin liên lạc giữa trung đoàn và các tiểu đoàn hầu như tê liệt hoàn toàn. (Chỉ liên lạc được lúc 11 giờ đến 12 giờ). Các trận địa 12,7 ly bị địch khống chế. Các hướng hướng nào cũng có thương vong. Nhưng cũng trong lúc gay cấn thì phân đội cối 120 ở phía bắc bắn 3 viên đạn vào cao điểm 1062 phá hủy hai trực thăng và hàng chục lính địch…

Suốt ngày 30 tháng 3 năm 1972 những người lính e52 kiên cường tả xung hữu đột trong bom pháo và 7 đợt phản kích của d2 lữ dù 2 Việt Nam Cộng hòa. Nắng nóng, khói pháo và khói bom, những ngọn đồi triền núi cháy trơ trọi, bom napan liếm bùng bùng các vị trí vây lấn của ta. Cao điểm 1049 đầy đủ những thứ mùi ghê sợ…”

Con đường lên núi hôm nay bao nhiêu là nước mắt lại cả mồ hôi trong nắng nữa. Chúng tôi lại nghe thấy có mấy cựu chiến binh già người Nghệ An ngồi trên một cái xe máy kéo chuyên chở củ mì hát vang lên “Đường lên Chư Mom Ray gặp mây bay con nhớ tóc Bác. Đường cắt rừng khuya nhìn sao sáng con thấy Bác cười...” Một bài hát gắn liền với những người lính Tây Nguyên chúng tôi thời kì chiến tranh ác liệt nhất.

Nhà bia tưởng niệm 1049 lác đác có những cây thông chừng 20 tuổi. Lúc này đã gần 11 giờ trưa. Nắng lắm. Gần hai trăm con người quỳ xuống sân nhà bia. Lặng im. Tiếng mõ gõ vào thinh không. Bỗng trùng trùng dội lên là tiếng ve. Tôi lạnh toát người. Ngày ấy xa lắm rồi giữa trận địa vừa ngưng tiếng súng cũng là tiếng ve kêu. Bên chúng tôi xác đồng đội còn nóng ấm và mắt các bạn mở trừng trừng nhìn đến tận hôm nay.

“... Ngày 30/3/1972. Theo dõi diễn biến trận đánh Bộ Tư lệnh sư đoàn chỉ thị cho e52 phải cho bộ đội vây sát hàng rào để phát huy được hỏa lực bộ binh. Phải cải tạo thế trận. Đêm hôm ấy các cán bộ trung đoàn đổ xuống các phân đội trên cao điểm sát cánh cùng bộ đội xốc lại đội hình.

Ngày 31/3 ta làm chủ đồi C vòng vây càng siết chặt, dùng pháo cối bắn chặn địch và các trận địa bắn máy bay có hiệu quả. Đêm 31 Thường vụ Trung đoàn 52 họp mở rộng bàn kế hoạch đánh chiếm toàn bộ 1049 và đề nghị sư đoàn cho đánh dứt điểm. Cấp trên chưa chấp thuận. Vậy nên trong hai ngày 1 và 2 tháng 4 các đơn vị tiếp tục vây siết vòng vây đánh lui nhiều mũi ứng cứu của địch.

Rạng sáng 3/4/1972 sau một giờ bắn chuẩn bị, lúc 4 giờ các mũi tiến công thực hành mở cửa rồi lao lên đánh chiếm mục tiêu. Tiểu đoàn 6 xung phong trên hướng chủ yếu đông bắc vào đồi A. Đại đội 8 tiểu đoàn 5 đánh hướng thứ yếu tây bắc. Đại đội 7 tiểu đoàn 5 đánh hướng tây nam. Trận đánh vô cùng dũng cảm của các chiến sĩ đã qua 4 đêm 3 ngày trong lửa đốt và bom pháo đói cơm khát nước vì anh nuôi không thể lên được núi. Người trước ngã xuống người sau xông lên. Người chết, người bị thương tự bò đi tìm nước tự bò xuống núi thật là bi tráng trong cơn nắng lửa trên cao hơn ngàn mét. 

Sau 3 giờ tiến công lúc 7 giờ sáng quân ta gặp nhau trên sở chỉ huy tiểu đoàn dù 2 đỉnh cao 1049. Quân địch còn vài chục tên chạy dạt xuống chân núi. Lúc này sau nhiều ngày chiến đấu bị thương vong nhiều đến đây lại mất liên lạc với trung đoàn, khi chiếm được điểm cao các tiểu đoàn không còn nắm được đại đội vì thế địch cho máy bay hủy trận địa làm quân ta vội lui về vị trí vây ép. Địch tổ chức đánh lại và chiếm lại được trận địa…”

Bốn mươi sáu năm sau tại Sở chỉ huy d6 Lữ dù 2 trên đỉnh Delta, chúng tôi quỳ dâng nhang hương cho các liệt sĩ Trung đoàn Tây Tiến 52. Nhìn về hướng đông, dòng Pô Cô hiền hòa ánh lên trong nắng. Hướng ấy địch bỏ chạy ra phía sông và bị quân ta bắn pháo đuổi theo tiêu diệt chúng. Nơi ấy cũng có cả chiến sĩ của ta bị thương bò xuống tìm nước rồi hi sinh, khắp các hẻm núi đều có người tử thương không bên này thì bên kia. Đau đớn đến bao giờ cho nguôi khi đọc lại những dòng chữ trên cuốn sổ trung đoàn: 84 người mất tích, trong đó có tìm được 34 người nhưng đã phân hủy không thể nào nhận dạng. Cả 84 đồng chí ấy đều nằm trong danh sách báo tử…

Nước mắt những người lính già đầm đìa. Tôi lại nghe thấy tiếng ve ào lên trên đỉnh núi đầy những cỏ lau 1049. Trong hàng trăm người nghẹn ngào thắp nhang trên đỉnh núi có hai người mang quân phục nước mắt chan hòa đó là Đại tá Nguyễn Thế Tân và Đại úy Lê Mạnh Hải. Nguyễn Thế Tân đứng bất động trong nắng trưa còn Lê Mạnh Hải quỳ lạy gục đầu trên đất. Tân nguyên là chiến sĩ e52 còn Hải là người tải thương trên 1049 bốn mươi sáu năm về trước. Hai anh là người lăn lóc suốt mấy tháng trời nơi đây để chỉ đạo xây dựng nhà bia tưởng niệm. Từ một chiến sĩ trung đoàn Tây Tiến năm 1972 Nguyễn Thế Tân đã trở thành Sư đoàn trưởng Sư đoàn 320. Trưa nay trên đỉnh 1049 anh khóc.

Tôi nhìn mái tóc bạc trắng của Sư đoàn trưởng Nguyễn Thế Tân rung lên. Anh đứng lâu lắm trong nắng trưa. Con người nóng tính như “Trương Phi “ ấy hôm nay nức nở và yếu đuối trong khói nhang. Đằng sau sự dũng cảm can trường trận mạc là một tình nghĩa thủy chung đồng chí. Đằng sau một nhà bia tưởng niệm không chỉ là chiến thắng, không chỉ là vinh quang.  Đằng sau một sự ngợi ca là một nỗi đau đớn nhọc nhằn mà những người ngợi ca vô tình hoặc cố tình quên lãng. 

Nắng quá, cả hai cao điểm 1049 và 1015 trơ trọi. Chỉ một màu úa của cỏ lau và dương xỉ. Nơi này chất độc khai quang và bom napan để lại dấu tích tận bây giờ. Đồng đội của chúng tôi về trú ngụ nơi này nắng nóng lắm. Thân xác các anh vùi trong cỏ khô và bazan nửa thế kỉ rồi nay cần lắm một rừng cây.  

Ngày xưa là cánh rừng dày đặc những là lồ ô, dã quỳ và cây búng báng. Một cánh rừng bom cháy pháo khoan đã hủy diệt cây cối trơ trụi đến tận giờ. Mấy hôm nay các cơ quan và tuổi trẻ huyện Sa Thầy đã lên núi trồng cây. Vui lắm, cảm động lắm nhìn các thanh niên của địa phương và chiến sĩ Sư đoàn 320 chở cây lên núi mà lòng vui quá, vui như thắng trận sau mỗi mùa chiến dịch. Rồi chỉ mai đây trên đỉnh cao hoang vắng này sẽ không hoang vắng nữa nơi các anh quây quần sẽ có rợp bóng cây búng báng rợp vàng hoa dã quỳ.

Bốn mươi sáu năm sau trận đánh trên cao điểm Charlie và Delta chúng tôi trở lại nơi này. Nắng tháng năm ở Kon Tum trải nồng nàn trên một vùng đất bazan bên dòng Pô Cô và Sa Thầy. Chúng tôi trở lại nơi đây để tìm lại tuổi trẻ của chính mình, tìm lại niềm tin yêu đồng đội tin yêu vào cuộc sống cho lớp lớp con cháu hôm nay. Nắng vẫn hệt như cái nắng mùa khô năm xưa trên dãy Ngọc Rinh Rua và Chư Mom Ray. Trên đỉnh Charlie và Delta những người lính già Sư đoàn 320 chúng tôi lại hát bài hát mà bốn sáu năm qua chúng tôi vẫn hát: “Đường lên Chư Mom Ray gặp mây bay con nhớ tóc Bác, đường cắt rừng khuya nhìn sao sáng con thấy Bác cười…”

N.T.L 

Nguyễn Trọng Luân
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 290 tháng 11/2018

Mới nhất

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Viếng Nghĩa Trủng Đàn đầu năm Giáp Thìn

08/04/2024 lúc 22:34

Mười năm rồi lại trăm nămĐàn Nghĩa Trủng mãi ơn Hoàng Bích KhêTử sĩ Tây Sơn

Giêng hai gieo những ngọt ngào; Ký gửi

08/04/2024 lúc 22:33

Giêng hai gieo những ngọt ngàoGiêng hai lúa đã xanh đồngGiêng hai cải đã trổ

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

20/04

25° - 27°

Mưa

21/04

24° - 26°

Mưa

22/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground