Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Món quê chợ làng

Du khách về Quảng Trị luôn lặng người trước những di tích chiến tranh đầy ám ảnh: Thành Cổ Quảng Trị với 81 ngày đêm khốc liệt mùa hè 1972, địa đạo Vịnh Mốc - một làng hầm bên biển, nơi cả một làng quê đã sống và chiến đấu, sinh con đẻ cái ở độ sâu hàng chục mét dưới lòng đất. Vĩ tuyến 17, cầu Hiền Lương, sông Bến Hải đã đi vào lịch sử của hai mươi năm dằng dặc nỗi đau chia cắt non sông… Nhưng còn một Quảng Trị khác, dân dã bình yên với những món ăn quê mùa mộc mạc mà ai đã một lần lang thang bên những phiên chợ nghèo, ngồi thưởng thức món quê trên chõng tre, nghe gió bấc lùa qua liếp quán hẳn khó lòng quên được lúc rời xa.

Như hôm nay, một ngày vào đông, trời hanh hao không mưa không nắng, lên một chiếc xe máy và cùng rong ruổi trên con đường men theo một dòng sông nhỏ để biết thêm những món ngon quê kiểng xứ này.

Từ Thành Cổ Quảng Trị, xuôi chừng ba cây số thì sẽ gặp chợ Sãi, (Sãi là gọi theo tên xưa của vùng đất chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên từng trấn ngự, nay thuộc xã Triệu Thành huyện Triệu Phong, ngay cạnh Nhà lưu niệm cố Tổng Bí thư Lê Duẩn). Chợ Sãi nức tiếng vì món nem, chính xác phải gọi là “nem lụi”, tức nem nướng. Trong bài vè dân gian thống kê các sản vật của Quảng Trị, nem chợ Sãi xếp số 1 theo thứ tự “nem chợ Sãi, vải La Vang, khoai Quán Ngang, dầu tràm Đại Nại…”. Nem lụi chợ Sãi cũng là thịt xay được viên tròn, xâu vào que tre và đem nướng, nhưng đặc sắc bởi cách ướp gia vị vào thịt viên để khi nướng lên, bên ngoài săn giòn mà bên trong mềm tươi rất ngọt. Xâu nem nướng lên, kẹp vào lớp bánh đa mỏng như giấy lụa, cho thêm vào các loại rau sống, trái vả và khế, chuối chát cắt thành lát mỏng. Cuốn cái hỗn hợp nem lụi và rau sống ấy với nhau rồi chấm với nước “lèo” - loại nước chấm được pha chế từ lạc rang xay nhỏ, hòa sền sệt với gia vị, vừa béo ngậy vừa bùi mà thơm đậm đà và đưa lên miệng, cả một trời vị quê, vị thơm ngọt của thịt, vị chua của khế, vị chát của vả, chuối xanh, mùi thơm của rau, vị béo bùi của nước chấm thành một “giao hưởng hương vị đồng quê” khiến ai đã ăn một lần khó mà quên được.

Thưởng thức xong món nem chợ Sãi có thể xuôi về phía làng Bích La Đông, quê hương của danh họa Lê Bá Đảng, thăm ngôi nhà của ông nay đã thành một địa chỉ văn hóa, qua những cánh đồng xanh mướt, rồi băng qua dòng sông Vĩnh Định, một trong tám con sông được đào từ thời nhà Nguyễn từng được khắc lên Cửu Đỉnh Huế, từ đây men theo bờ của con sông đào Vĩnh Định này bạn sẽ đi qua những ngôi chợ làng mà cứ mỗi nơi đều có những món ăn đi vào ca dao tục ngữ miền đất này như “bánh ướt Phương Lang/ cháo bột Kẻ Diên/ canh ám làng Lam/ mắm đam Trà Trì/ cá trằm Trà Lộc/ môn dộc An Đôn/ Kim Long mỹ tửu...”

Phương Lang là tên của một ngôi làng thuộc xã Hải Ba huyện Hải Lăng, bánh ướt ở đây ngon không chỉ vì được làm từ loại gạo ngon của đồng đất xứ này. Ghé chợ Phương Lang sẽ thấy một ngôi quán bình dân có cái biển “bánh ướt dì Si”, dì Si là tên bà chủ quán bánh ướt nổi tiếng vùng này. Dĩa bánh ướt trắng muốt, mềm mà không bở, dĩa thịt heo ba chỉ (ba rọi) là loại thịt được dì Si “thửa” riêng cho quán, thịt heo cung cấp cho quán là loại heo cỏ, thịt thơm, chắc như heo bản, và bí quyết cuối cùng là thứ nước chấm rất đặc biệt làm từ tương ớt được pha với nước mắm nhĩ nguyên chất, ăn kèm theo rau sống, nghe tả có vẻ giản dị thế nhưng đã một lần ăn bánh ướt Phương Lang “đúng điệu” thì khách phương xa khó lòng mà quên được ngôi chợ nhỏ bên dòng Vĩnh Định này.

Nhắc chuyện bánh ướt, tiện thể nhắc thêm một nền “văn hóa bánh ướt” khác ở quê nhà yêu dấu của tôi. Bánh ướt “dì Si” vang danh miền cát Hải Lăng thì vùng Cam Lộ, bên ngôi chợ Phiên cạnh dòng Hiếu Giang có bánh ướt được làm theo cách riêng mà thú thực đã đi hầu khắp hang cùng ngõ hẻm nước Việt nhưng tôi chưa thấy nơi nào có loại bánh ướt có nhân như vùng chợ Phiên Cam Lộ.

Cũng là bánh ướt, nhưng bánh tráng xong được cuốn sẵn, ôm giữa lòng một nhúm nhân màu đỏ gạch đầy quyến rũ. Cái nhân bánh ấy cũng chỉ là bột thôi, ngày xưa thuở chưa có “kinh tế thị trường” nhân bánh chất lượng hơn nhờ tôm xay, chấy lên với bột đậu, bột gạo, giờ chỉ còn bột được ngào với gia vị làm chủ lực, con tôm càng xanh sông quê đã là đặc sản bạc triệu có đâu để xay ra hòa làm nhân bánh. Dĩa bánh có nhân lại được chấm với thứ nước chấm cũng được pha với chất liệu như nhân bánh, sền sệt, hơi cay, cầm tay mà chấm cái bánh vô bát nước chấm, cái bánh cũng được nhuộm một màu đỏ gạch ong óng mỡ trông quyến rũ vô cùng, bánh ấy kẹp thêm thịt heo ba chỉ và rau sống nữa thì “ăn ngậm mà nghe”. Dăm ba bữa đúng ngày phiên chợ, dù không xa xôi gì tôi vẫn hay “nhớ làng” vậy là quày quả chạy xe lên, ghé vô chợ mà kêu một dĩa bánh ướt có nhân ấy, rồi cay rồi hít hà, nước mắt nước mũi túa ra, nhớ thuở ấu thơ đói kém, ra chợ đi ngang qua hàng bánh chỉ mơ sau này có tiền ngày nào cũng làm vài dĩa bánh ấy, không cần ăn cơm. Vậy rồi khi không còn quá lo chuyện áo cơm, dĩa bánh ngày xưa lại thao thức trong miền ký ức, vừa như một dấu yêu, vừa như một nhắc nhở…

Rời Phương Lang, có thể ghé qua trằm Trà Lộc, cái bàu nước mênh mông này giờ đã là khu du lịch sinh thái, những gốc tràm có tuổi thọ chừng 500 năm soi bóng xuống hồ nước trong xanh. Lạ kỳ là giữa vùng cát trắng lại có một hồ nước ngọt mênh mang như vậy, trên căn chòi lá la đà trên nước, với cá tươi từ hồ, gà tươi từ đồi, Trà Lộc đã là điểm hẹn của du khách sau khi hành hương về Thánh địa La Vang, bởi từ La Vang về đây chỉ vài cây số. Nếu không ăn trưa ở Trà Lộc, thì xuôi về Lam Thủy, ngôi làng nhỏ ở xã Hải Vĩnh nhờ người làng nấu cho món canh ngon trứ danh gọi là canh “ám”. Món canh được nấu bởi một loại rau có cái tên khó gọi: rau sôông (hai chữ ô) một loại rau dại có vị chua chỉ mọc nhiều ở làng này. Canh được nấu bởi cả thân, cành, lá, tuy nhiên thân cành được cho vào nồi nấu chắt lấy nước rồi sau đó vớt ra mới cho lá rau vào. Cá lóc sau khi làm xong được um với gia vị rồi cho vào nồi nấu cùng nước rau sôông, nêm nếm vừa ăn, nồi canh có vị chua, béo hơi chát, ăn kèm cùng rau cải tươi cắt nhỏ và thân chuối non thái mỏng. Nghe qua hương vị nồi canh ám thấy có vẻ... nghèo và đạm bạc, nhưng cứ thử ăn một lần bát canh ám làng Lam sẽ thấy cả một trời nhớ thương trong bát canh thoạt nhìn thì trong veo mà ngọt ngon run rẩy đến tận cùng vị giác…

Ngược làng Lam, không thể không qua Kẻ Diên với đặc sản cháo “vạc chờng”, đấy là gọi theo phương ngữ Quảng Trị, còn dịch ra phổ thông thì “vạc chờng” chính là “dát giường”, bởi cháo được nấu từ những thanh bột dài, tượng hình như những thanh “dát giường” nên cứ thế quen tên chứ giản dị hơn thì gọi là cháo bột. Bột gạo được nhồi sú cho trắm lại, cắt thành từng thanh nhỏ, nấu với cá lóc đồng của vùng Kẻ Diên, nếu nói vậy thì cũng chẳng có gì để bảo món cháo này là đặc sản, nhưng có về đây thưởng thức món cháo quê kiểng này mới hay ngó vậy mà không phải vậy. Không thể kể hết cái cách thức nấu loại cháo này trong một bài báo nhỏ, nhưng cứ đọc câu ca này thì biết người dân nơi đây tôn vinh nó đến thế nào: “Nhớ chi như cháo vạc chờng/ Đứng mơ mùi ném ngồi thương mùi hành”. Nhất là vào tiết đông sang hiu hiu rét, ngồi trên chõng tre trên đất cũ Kẻ Diên mà húp tô cháo “vạc chờng” cay thơm điếc mũi sẽ thấy lòng ấm sực, chiêu thêm ngụm rượu làng Kim Long trứ danh “mỹ tửu” thì thật lòng chưa biết việc dự một yến tiệc cao lương mỹ vị và thưởng thức bát cháo nhà quê nơi đây, cái nào sung sướng hơn cái nào!

Lang thang một quãng đường quê vậy thôi, cũng đủ để hay rằng hóa ra hạnh phúc đôi khi cũng giản dị đến vô cùng. Sau mỗi món ẩm thực quê mùa kia còn ẩn tàng một ngụ ngôn về tình yêu quê kiểng, thảo nào nhà văn Vũ Bằng từng thổ lộ: “Tôi yêu đất nước tôi vì mỗi vùng có những con cá lá rau, những hoa thơm trái ngọt nổi tiếng, và tôi yêu người nước tôi đã biết khéo đem các thức ngon lành nổi tiếng đó làm thành tục ngữ ca dao, muôn đời nghìn kiếp không sao quên được...” (Thương nhớ mười hai).

L.Đ.D

Lê Đức Dục
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 291 tháng 12/2018

Mới nhất

Bộ từ điển bỏ lại giữa rừng sâu

3 Giờ trước

Sau hiệp định Pari, 27/1/1973, chiến tranh tạm dừng, đại đội tôi đóng quân giữa bãi cát Lệ Xuyên, huyện

Đi tìm cỏ

3 Giờ trước

Nhiều lúc ngồi thẫn thờ nhìn đàn trâu bò gặm cỏ dọc triền đê chợt giật mình: Cỏ quê

Chị ấy…

3 Giờ trước

Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Huế tổ chức một chuyến đi thực tế dài ngày tại Tổng Công

Pa Ling mùa mưa

3 Giờ trước

Tháng 11, dưới cơn mưa rừng tầm tã, chúng tôi tìm về thôn Pa Ling, xã A Vao, huyện Đakrông,

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/03

25° - 27°

Mưa

31/03

24° - 26°

Mưa

01/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground