Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 28/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Cơm cháy; Chiếc nôi tre của ba; Sẹo và hoa hồng

Cơm cháy

T

rong ý niệm của những đứa trẻ thời nay, cơm cháy là một món xa lạ. Có khi nó lại là một món ăn tiêu khiển, cũng như khoai luộc, bắp rang… ăn để mà giải trí.

Đã có một thời cái đói bao quanh từng mái nhà. Cơm cháy là thứ bòn mót dưới đáy nồi khi bụng chưa đầy vì gạo thiếu. Không đến nổi phải như Trạng Nồi nhờ cơm cháy của hàng xóm mà làm nên công danh, sự nghiệp nhưng với gia đình tôi, cơm cháy đã để lại trong ký ức như một vết sẹo. Đó là những miếng cơm cháy chấm nước kho cá ngừ, vừa ăn vừa sợ hết. Ngon lạ!

Ngày xưa nhà nhà nấu cơm bằng nồi đồng. Cái nồi bây giờ đã đưa vào viện bảo tàng cả rồi. Ở nông thôn bây giờ tìm nó cũng hiếm như tìm cây đèn măng xông hay chiếc bi đông đựng nước uống vậy. Tôi nhớ gạo lúc đó “bữa đực, bữa cái” - như cách nói của người Quảng Trị. Thiếu ăn là cái hiển nhiên của cả làng, riêng gì từng nhà đâu. Mỗi lần mẹ bắc cái nồi đồng lên chiếc bếp nhen bằng lửa rơm khói đèn sì là cả mấy anh em bu quanh. Nghe cơm sôi sùng sục mà thèm. Mùi gạo mới thơm như sữa. Lúc cơm bắt đầu khô nước, mẹ tôi thể nào cũng chắt nửa chén nước cơm, thổi nguội mớm cho thằng út. Đó là thứ sữa duy nhất mà đám trẻ cùng lứa như tôi có được để lớn. Thằng út chắp chắp từng thìa “sữa” thơm lừng còn tôi thì ngồi nuốt nước bọt ước chi mình còn nhỏ bằng nó, được mẹ bón sữa non của gạo.

Cơm cháy được nấu bằng nồi đồng mới đúng điệu của nó. Giờ mấy đứa mới lớn bảo đi ăn cơm cháy ở nhà hàng hay lâu lâu thích miếng cơm cháy dưới đáy xoong thì đó là thứ cơm thời cơ chế thị trường hay cơm cháy công nghiệp rồi. Nhưng ai lại ngồi với nhau mà ước một miếng cơm cháy thời bao cấp thì đúng là người hoài cổ.

Nhắc đến cơm cháy lại nhớ đến món cơm tráng. Dân Quảng Trị còn gọi là cơm tra. Món này được mẹ chế biến khi hết thức ăn: bỏ cơm vào cái nồi đã kho cá hay rim thịt, trộn đều rồi ăn. Cơm từ trắng tinh chuyển sang vàng hươm, trông thật bắt mắt. Một thời người ta gọi là món của dân nhà nghèo khi đủ gạo mà không mua nổi thức ăn.

Nước chắt gạo, cơm cháy, cơm tráng nuôi lớn nhiều thế hệ chưa biết đến sữa, chưa biết nhà hàng, chưa biết ăn kiểu giải trí mà chỉ lo cho đầy cái bụng giờ quá hiếm. Đôi lúc muốn chắt nửa chén nước cơm khi cái nồi cơm điện sôi sùng sục, bỏ vào tí muối hoặc đường để uống hoặc bỏ chén cơm trắng vào tráng nồi… nhưng rồi ngại. Tự nhiên thấy mình đi lùi với thời gian vài chục năm, đi lùi với cuộc sống bằng nửa tuổi đời.

Rồi đây muốn tìm lại chính mình trong từng “miếng ăn” cũng khó. Những cái nghèo nàn được bỏ đi hết, thay vào đó là sự văn minh, tân tiến mà ngay cả mình đang sống sờ sờ vẫn không hết kinh ngạc, phủ nhận.

Hôm rồi bà nội mình đi ăn giỗ đem về miếng chả giò cho đứa cháu. Bà gói ghém trong miếng lá chuối tươm tất. Ai cũng ngạc nhiên thời đại này còn dùng đến lá chuối gói thức ăn.

Khi cuộc sống mọi thứ đều nhân tạo, đến lúc nào đó con người văn minh cần quay lại với tự nhiên. Giản dị như bản chất của nó vậy.

 

Chiếc nôi tre của ba

 

Chị tôi sinh con gái đầu lòng cả nhà mừng khôn xiết. Ba mẹ là người vui ra mặt khi trở thành ông bà ngoại.

Trước lúc chị sinh, ba tôi vốn là người của làng nghề đan lát, dù không còn kiếm sống với cái nghề truyền thống ấy vì chứng đau cột sống nhưng ông vẫn tự tay ra vườn chọn những cây tre đẹp nhất, già nhất để đan nôi. Khi tre được chẻ thành từng thân nhỏ, để cho chiếc nôi của đứa cháu ngoại đầu lòng được chắc chắn và lâu dài, ba tôi đưa xuống sông ngâm nước mặn để chống mọt. Ngâm nửa tháng trời mới đưa lên, phơi khô vót thành từng chiếc nan đều đặn rồi hỏi ông hàng xóm vốn thông tuệ chiêm tinh, tướng số chọn giờ đẹp để đan nôi.

Tính đi tính lại, chỉ một chiếc nôi cỏn con mà ba tôi phải mất vài tuần để làm. Đó là tình cảm, trách nhiệm của một người ông đặt niềm tin yêu vào đứa cháu. Mong cho sau này nó nên người, thành đạt.

Chị tôi nghe tin liền tỏ vẻ không ưng ý. Chị bảo thời buổi này chỉ cần ra chợ là có nôi để nằm. Cả chục thứ nôi, đủ kiểu đủ loại. Và chị thích nhất là loại nôi dùng điện năng. Chỉ cần đặt đứa bé lên nằm, nhấn nút là tự ru, còn có những chiếc đèn xanh đỏ bắt mắt, tiếng nhạc được cài sẵn, mặc định theo ý của chủ nhân. Chị bảo ở phố mà dùng cái nôi thời bao cấp ấy thì quê lắm.

Dù chẳng thích, nhưng để vừa lòng ông ngoại, chị tôi cũng đem chiếc nôi ấy về, xem đó là món quà cho đứa con sắp sinh.

Biết tính chị, chắc chắn chị sẽ nhờ người ra chợ tậu cái nôi giải phóng sức người chạy bằng điện. Vốn chị học và lập nghiệp ở thành phố từ lâu nên những thứ ở quê được xem là cổ lỗ sĩ là chị bài xích. Chiếc nôi, lời ru từ ca dao cũng không ngoại lệ. Chị bảo để cất tiếng ầu ơ ru con thấy ngài ngại, khó khăn như ở giữa một bữa tiệc văn nghệ mà ngâm thơ, hò vậy. Chị còn bảo nếu con chị muốn nghe dân ca thì mở điện thoại!

Ngày đầy tháng đứa cháu, cả nhà tôi hí hửng về nhà anh chị mừng. Ba tôi thấy chiếc nôi mình bỏ công hơn nửa tháng để làm treo trong một góc xó xỉnh liền giận ra mặt. Dù ông vẫn giữ được cái phép tắc tối thiểu với ông thông gia nhưng nửa buổi lại hối mẹ tôi về cho bằng được.

Về nhà ba bảo con người ta mới lọt lòng nằm trong chiếc nôi tre. Bởi tre là linh hồn của làng Việt. Và rồi khi chết đi, chiếc néo nơi quan tài cũng làm bằng tre như một lời tiễn biệt. Đó là thứ vốn dĩ đã thuộc về con người của thiên nhiên mà tập tục gắn với nó không thể xóa bỏ.

Tôi chợt nhớ đến một câu hát của Trịnh: “Dưới vòng nôi mọc từng nấm mộ, dưới chân ngày cỏ xót xa đưa”. Đúng là cái ý nghĩa triết học của chiếc nôi nhân loại!

Hiện đại hóa giải phóng sức vóc của con người, nâng năng suất lên gấp bội, gấp mười nhưng cũng xóa bỏ đi nhiều thứ. Nhưng lẽ nào buông nôi ru con, cất một câu dân ca đã có từ ngàn đời lại làm cho mỗi con người lùi đi một bước, cổ hủ? Ba tôi buồn buồn nói khi phiền lòng đứa con gái xa lắc trên thành phố.

 

Sẹo và hoa hồng

 

Bấy giờ trời đang vào xuân, ngọn xoan đầu làng hoa ngan ngát theo gió ùa về làm ngây ngất đám chăn trâu. Chị trầm trồ: “Ôi hoa xoan đẹp quá, thơm kỳ lạ”. Trong đám chăn trâu cả trai lẫn gái, có đứa con trai nhanh nhảu trèo lên cây cao, hái cả khóm hoa xoan tách ra từng nhánh nhỏ rồi trao cho mỗi bạn gái, cả đám cười khúc khích. Năm ấy chị tròn mười bốn tuổi, lần đầu tiên trong đời được người khác tặng hoa. Chị nhớ hôm đó không phải là ngày 8/3.

Ông bạn chăn trâu có hành động ngẫu hứng mà gợi nhiều ấn tượng cho đám con gái quê giờ đã thành người thiên cổ. Chùm hoa xoan tinh thơm đồng quê gió nội của ông bạn là chùm hoa đầu tiên trong đời chị được tặng cho đến bây giờ, dù chị đã con đàn cháu đống. Đã biết bao ngày lễ về phụ nữ, về tình yêu và ngày sinh nhật trôi qua đời chị, chị chẳng nhận được đóa hoa nào, dù ở quê người ta trồng rất nhiều hoa. Có lẽ người nông thôn không thích tặng hoa, cũng có thể họ không có thời giờ để nghĩ đến hoa. Chị bảo thế khi tôi nhắc đến những ngày lễ ở thành thị, người ta đều biểu lộ tình cảm thông qua các loài hoa.

Bốn mươi tuổi, trông chị già hơn cùng lứa. Bố mẹ cho lấy chồng từ cái thuở vừa mới biết e thẹn. Con gái cả làng đều lấy chồng ở cái tuổi đó, có riêng gì chị. Cứ tưởng thời niên thiếu ở cùng bố mẹ cơ cực đã đành. Đến khi về làm dâu nhà người cũng chẳng thoát khỏi cái lũy tre làng nên có đi đâu mà biết đó biết đây. Cuộc đời cơ cực vẫn luẩn quẩn. Vậy nên nghe đến hoa hồng, chị thấy như là một thứ gì gần gũi và cũng rất xa xôi. Gần gũi vốn là có đứa em trồng hoa hồng kinh doanh, hoa bạt ngàn cả đồng nhưng xa xôi khi có người buột miệng hỏi chị: “Hôm này là ngày lễ, chị ôm một khóm về mà chưng cho có không khí”. Nghe vậy chị lại bảo: “Ối chào, ai lại đi bày cái loài hoa gai góc ấy. Để mà bán lên thành phố kiếm tiền”.

Về quê, thấy chị cắt rau cho lợn, cái dao thoăn thoắt trên tay, lưỡi dao mòn đi vì “đời dao” trải qua hàng trăm, ngàn lần mài, giũa. Từng vết sẹo chồng chéo lên đôi tay đen sì vì mủ chuối, mủ môn. Ở nông thôn nhà nào cũng có cây dao như thế, nó như chứng tích thời gian về cuộc đời tảo tần của đàn bà nông thôn. Nghe mưa nặng hạt cũng than, sợ con lũ lại về; nắng nóng như rang cũng sợ đồng cháy vì hạn, lúa chết là đồng nghĩa với cái đói sẽ đến. Buổi sáng tinh mơ đem khoai sắn ra chợ bán kiếm tiền, chưa trưa cứ sợ đàn lợn đói kêu inh ỏi đành về loay hoay bên bếp núc, rồi khi nhìn tro than bay trên tóc mà chẳng biết tóc đã bạc hay vì bụi than. Không còn thời gian để bới lại mái tóc buông xõa thì sao biết đến những đóa hoa hồng. Hầu như thời gian của chị ở bên bếp lửa của gian lều liêu xiêu nhiều hơn ở nhà trên. Phụ nữ cả làng đều là “người của gian bếp” chứ không riêng gì chị.

Về thăm chị trong ngày 8/3. Tặng hoa ư? Cả đời chị biết gì đến hoa. Không khéo lại bị chị nạt cho đấy. Tôi tự hỏi để rồi tự trả lời. Đột nhiên nhớ đến cái tay cầm dao cắt chuối cho lợn thoăn thoắt của chị. Sao hoa hồng và vết sẹo đen sạm vì mủ ở bàn tay ấy cứ ám ảnh tôi đến thế!

Y.M.S

 

 

 

YÊN MÃ SƠN YÊN MÃ SƠN
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 295 tháng 04/2019

Mới nhất

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Hội VHNT tỉnh trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm “Trường Sa - Quảng Trị: Sắc màu biên cương”

23/03/2024 lúc 16:22

TCCVO - Chiều 22/3, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị tổ chức trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm

Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực

18/03/2024 lúc 00:07

TCCVO - Chiều 15/3, tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, UBND tỉnh Quảng Trị và Ủy ban chính quyền tỉnh Savannakhet (Lào) phối hợp tổ chức Hội thảo “Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực”.

Liên hoan dân vũ chủ đề: "Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng"

16/03/2024 lúc 06:02

Chào mừng kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế phụ nữ (08/3/1910 - 08/3/2024), 1984 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng; Hướng đến kỷ niệm những sự kiện lớn của quê hương đất nước; kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7-2024), Sáng ngày 07/3/2024, Công đoàn viên chức tỉnh tổ chức Liên hoan dân vũ trong nữ Công chức, viên chức, người lao động (CCVCLĐ) năm 2024 với chủ đề “Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng”.

Phát huy vai trò “báo chí kiến tạo, báo chí giải pháp”

15/03/2024 lúc 07:05

TCCVO - Sáng ngày 13/3/2024, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hội nghị giao ban công tác báo chí tháng 1 và 2 năm 2024 và định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm tuyên truyền trong thời gian tới. Đồng chí Hồ Đại Nam, UVBTVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

29/03

25° - 27°

Mưa

30/03

24° - 26°

Mưa

31/03

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground