Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Hoa xương rồng trên cát

BÚT KÝ dự thi

N

ăm ngày tôi điện cho bác Nguyễn Xuân Thiết năm lần. Cả năm lần bác đều nói: “Hẹn anh hôm khác, hôm nay tôi bận”. Những lí do bận rất chính đáng: Đi mua thức ăn cho tôm, bơm thuốc phòng bệnh cho tôm, thu hoạch tôm vì đã đúng hẹn với thương lái… Tôi điện lần thứ sáu, bác trả lời: “Nể anh quá, chiều mai gặp nhau.”

Từ Đông Hà về Triệu Lăng, quê hương của bác Thiết, khá xa. Mấy thập niên về trước không có đường. Đi và về Triệu Lăng phải lội qua một vùng cát hoang hóa, bốn bề mênh mông, cát và cát. Đi trên vùng cát lún, thân cứ cong lại, đầu chúi về phía trước, chẳng mấy chốc bàn chân ríu lại, mệt đến đứt hơi. Ngày hè phải vượt qua vùng cát trước khi mặt trời mọc, trở về khi mặt trời đã lặn, nếu không muốn cát nóng làm bàn chân bỏng rộp. Bây giờ vượt qua vùng cát về Triệu Lăng đã có đường bê tông phẳng lì. Vùng cát hoang hóa đã được phủ một màu xanh của những rừng keo, rừng phi lao tươi tốt, mát mắt. Hai bên đường đã mọc lên nhiều cụm nhà dân hoành tráng, nhà xây, đổ bằng, sơn nhiều màu sắc đẹp. Ông anh ruột tôi đã có lần nói: “Hồi trước sống ở nông thôn thấy cực. Bây giờ lại muốn rời thành phố về sống nông thôn. Ở đó khí hậu trong lành, thoáng mát, thiên nhiên hài hòa, sạch, đẹp, đường đi lối lại thuận lợi.” Bây giờ, ai đi trên đường về Triệu Lăng cũng sẽ có cảm giác thú vị như anh tôi.

Đến Km51, tôi nhìn thấy vệ đường bên phải một tấm bảng sơn xanh, chữ trắng: “vùng biên giới biển.” Thêm một ki-lô-mét nữa tôi đến nhà bác. Bác gái nói với tôi: “Ông ấy đợi anh ở ngoài hồ tôm.” Vậy là trong thời gian chờ đón tôi, bác vẫn làm việc.

Ông già này đã giàu nhưng không có hình thể của một người giàu: da màu đất đồng, người rắn chắc nhưng hơi gầy. Ông mặc một bộ đồ lao động bình dân, thứ áo quần người ta gọi là đồ bành. Ông đang dùng vợt vớt bọt bẩn trên mặt nước hồ tôm. Tôi thầm nghĩ, con người này đam mê lao động nên mới là đại biểu đi dự hội nghị những người làm ăn giỏi toàn quốc.

Mời tôi vào rừng phi lao, ngồi lên võng mắc qua hai gốc cây, chỉ tay về phía túp lều, ông nói:

- Ta ngồi đây nói chuyện cho mát. Cái túp lều đó làm ra chủ yếu để chứa thức ăn cho tôm, chứa đồ nghề lao động, chỉ ngủ được về đêm, khi trời mưa mát. Trời nóng như hôm nay, vào trong đó không khác chi vào lò nướng.

Tôi thích ngồi dưới tán rừng phi lao hơn là ngồi trong lều dù là trời mát dịu. Ngồi ở đây có chất thơ hơn. Phía đông, chỉ cách vài chục mét, qua một cồn cát thấp nhỏ là biển. Sóng biển đang rì rào đưa gió mát vào đây. Phía tây, chỉ cách chục mét là hồ tôm của ông già. Những hồ tôm lớn nối nhau. Máy sục khí rào rào tung nước trắng, lấp lánh dưới ánh mặt trời.

Tôi chưa kịp hỏi ông đã nói:

- Anh muốn viết về tôi nhưng phải nhớ đừng đề cao quá. Tôi không phải là người làm ăn giỏi nhất, cũng không phải là bó đũa chọn cột cờ mà chỉ là chiếc đũa trong bó đũa. Quảng Trị mình, bây giờ có nhiều người già làm ăn giỏi lắm. Phấn đấu theo tiêu chí sống có ích mà anh.

Hình như để tiết kiệm thời gian cho công việc, không đợi tôi phải hỏi, ông kể một lèo về những vấn đề tôi muốn biết:

- Cha ông mình có câu: “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh.” Có người hiểu câu đó là chỉ cần làm một nghề cho tinh là được. Tôi lại nghĩ khác, có nghệ là phải tinh, nhưng tinh mà thu nhập thấp phải tìm công việc khác. Có công việc mới lại phải tinh mới vinh được.

Ở đây là làng biển, tôi là ngư dân. Tôi hiểu con cá nước ròng, con tôm nước lớn, hiểu lưới rùng lưới quét, hiểu lưỡi câu, sợi cước, đủ trình độ làm thầy về nghề biển. Cũng chỉ là chiếc thuyền thúng, chiếc thuyền gỗ như mọi người nhưng tối về bao giờ tôi cũng thu được nhiều cá tôm hơn các thuyền khác trong vùng. Một thời gian dài rất lâu trước đó, toàn vùng này chỉ đủ sức đi lộng không đủ sức đi khơi. Con cá con tôm bắt được cũng chỉ là con mới rạy, mới lớn, không mấy khi đánh được cá kình cá vược. Làm mấy rồi cũng chỉ đủ ăn, có dư dật cũng chỉ năm cắc bảy hào, không thể làm giàu được. Cá tôm ngày một hiếm.

Đon trước thời kì xây dựng của làng quê sẽ rộ lên, tôi bỏ nghề biển thành lập tổ thợ nề. Ban đầu xây chuồng heo, nhà ở cấp bốn rồi tiến lên xây được cả nhà lầu, nhà thờ, đình chùa miếu mạo. Chuyển qua nghề mới phải nhanh chóng tinh với nghề. Tôi đọc tài liệu kĩ thuật xây dựng, học kinh nghiệm những thợ lành nghề đi trước, thuê thợ kép giỏi của Huế ra làm thầy. Tôi bám sát họ như cái đuôi. Vừa học kinh nghiệm của họ vừa thực hành. Làm thợ kép không thành công, chấp nhận lỗ, đập bỏ làm lại nhiều lần. Cuối cùng đội xây dựng của tôi có uy tín nhất trong vùng. Các công trình xây dựng lớn nhỏ trong vùng và các vùng lân cận, phần lớn vào tay đội xây dựng của chúng tôi. Anh về đây, đi ngang qua làng có thấy mấy cái nhà thờ họ đẹp và hoành tráng không?

- Có - tôi nói - rất đẹp, tôi phải dừng lại xem. Đường nét rồng phượng rất tinh xảo.

- Tất cả những công trình đó đội tôi làm. Phần thợ kép tinh xảo tự tay tôi làm.

- Đang làm ăn thắng lợi sao ông không bám nghề làm tới.

Ông lắc đầu, nhìn tôi:

- Việc chi cũng một thời. Về sau các vùng mọc lên nhiều nhóm thợ xây. Họ tranh nhận công trình, hạ giá đến mức thảm hại. Nhận được công trình lời lãi không mấy cắc nên phải tìm việc khác. Cuộc sống có trăm vạn nghề mà anh. Nghề này thu nhập cao, sẽ có nghề khác thu nhập cao hơn. Nắm bắt được cơ hội bên nông nghiệp và khuyến nông đưa con tôm thẻ chân trắng Hawaii vào nước ta, tôi quyết đào hồ nuôi tôm thẻ chân trắng. Trước hết phải nói về đất. Trước đây đất vùng này là hoang hóa, bán không ai mua, cho không ai nhận. Thậm chí là có hại. Những đồi cát tôi và anh ngồi cạnh đây, ngày trước, cao lắm. Cát bay, đồi cát lấn vào trong, lấp hết những mảnh ruộng màu nhỏ và quý hiếm của dân trồng khoai lúa. Đồi cát lấp nhà, dân phải di dời ngày càng sâu về phía trong. Mỗi lần ra biển vào kì nam nắng phải mang dép bẹ chuối.

Ông nhìn tôi:

- Chắc anh không biết dép bẹ chuối là dép chi phải không. Hồi trước dân mình nghèo, làm chi có giày dép như bây chừ nên phải đi dép bẹ chuối. Tước bẹ chuối cắt một miếng dài hình chữ nhật, gấp đôi bẹ chuối, một phần bọc mấy đầu ngón chân, úp lên mu bàn chân. Một phần làm đế dép. Lấy dây buộc lại thành dép. Mỗi lần đi qua cát nóng, nước có sẵn trong bẹ chuối tứa ra, mát chân. Mỗi lần ra biển, trở về là hỏng một đôi dép. Bù lại, dép bẹ chuối quá dễ làm, nguyên liệu sẵn nên khi cần là có. Những đôi dép đơn sơ đó giúp người dân biển không bỏng rộp chân mỗi lần ra vô biển.

Kể chuyện dép bẹ chuối, ông cười:

- Bây chừ con cháu nghe kể chuyện một thời đi dép bẹ chuối, chỉ cách đây mấy chục năm mà chúng tưởng kể chuyện cổ tích. Cuộc sống tiến bộ nhanh thật! Bây chừ đất hoang hại xưa đã thành đất vàng. Cũng nhờ sức người cải tạo cả thôi. Tôi san đồi cát trồng rừng phi lao để triệt tiêu nạn cát bay cát lấp. Dùng sức người và thuê máy ngày đêm cần mẫn đào hồ. Lại đọc sách kĩ thuật nuôi tôm, dự tập huấn do huyện và tỉnh tổ chức. Tôi vào Nam, nhận là công nhân không lương cho những chủ nuôi tôm thành công ở trong đó để học kinh nghiệm thực tế của họ. Nghệ phải tinh mà anh. Nhờ đó mà không một vụ nuôi tôm nào tôi thất bại.

Ông nâng tay gạt mồ hôi tứa ra trên má, chảy thành dòng xuống cằm. Những giờ lao động ngoài nắng gắt, cái nóng đã hấp vào người ông, dồn mồ hôi ra mặt. Tôi thấy thương và cảm phục con người lao động không biết mệt mỏi này. Ông đã già, khuôn mặt nhiều nếp nhăn, tóc đã bạc, nhưng tay chân không muốn nhàn rỗi. Hình như hài lòng vì thấy tôi chăm chú nghe chuyện, ông tiếp tục kể:

- Con tôm thẻ chân trắng nguồn gốc ở Hawaii nên nhập vào Việt Nam, khí hậu và mọi điều kiện sống đều khác, khó nuôi, rất dễ bị nhiễm bệnh. Thắng lợi hai ba vụ nhưng thất bại một vụ là trắng tay. Không ít người lâm vào hoàn cảnh như thế. Có người lí giải sự thất bại là do xui, thời chưa đến, thậm chí nghĩ là cố mệ chưa cho, trời đất chưa động lòng phù hộ. Thực ra những ý nghĩ đó là duy tâm, là chưa tinh nghề mà thôi. Bây giờ có rất nhiều nguồn cung con giống. Nếu mua giống trôi nổi không rõ nguồn gốc sẽ mua nhầm loại giống kích thích bằng thuốc tăng trọng. Loại giống này rất yếu, thả xuống hồ là chết hàng loạt. Tôi chỉ lấy giống trực tiếp từ viện giống Nha Trang, thà chưa có giống, chưa xuống vụ, không nóng vội lấy giống trôi nổi. Việc làm vệ sinh hồ; bơm nước mặn, hòa nước ngọt đúng độ; thả con giống bảo đảm mật độ; thức ăn bảo đảm chất lượng, cho ăn đúng giờ, đủ lượng; chống chim chuột truyền bệnh khi có dịch… phải làm nghiêm ngặt theo đúng kĩ thuật. Tôi nói đôi điều để anh rõ cái khó của con nuôi này. Kĩ thuật nuôi con tôm này còn nhiều vấn đề lắm. Mỗi đợt tập huấn cán bộ khuyến nông phải trình bày hai buổi là anh biết thế nào rồi. Không chỉ làm theo hướng dẫn kĩ thuật mà phải hiểu tại sao phải làm thế, nếu không làm như thế sẽ hại như thế nào. Ví như cái chuyện chống chim chuột, không đơn giản là sợ nó ăn mất tôm mà vì nó lội vào những hồ nhiễm bệnh sẽ đưa vi khuẩn vào hồ của mình. Chỉ một bàn chân của con cò nhiễm bệnh sẽ có nguy cơ thất bát một mùa. Khi trong vùng có dịch, chỉ bỏ hồ vài chục phút đi ăn trưa là có thể bị một mùa trắng. Không phải bây giờ mà ngay khi bắt tay vào nuôi, tôi đã túc trí về kĩ thuật nuôi con tôm thẻ chân trắng Hawaii, sẵn sàng trao đổi kinh nghiệm với cả những người nuôi trước mình nhiều vụ. Ngay trận đầu đã đánh thắng và liên tục thắng cho tới bây giờ. Bù lại những khó khăn vất vả, con tôm thẻ chân trắng rất chóng lớn, dễ tiêu thụ, giá khá cao. Thấy tôi làm ăn thắng lợi, nhiều bà con trong vùng làm theo. Tôi giúp đỡ họ kĩ thuật. Làng quê tôi bây giờ đổi mới mạnh, nhờ áp dụng nhiều cách thức làm ăn mới, trong đó việc nuôi con tôm thẻ chân trắng đóng góp lớn.

Tôi mạnh dạn hỏi ông:

- Ông có thể cho biết lãi ròng mỗi năm là bao nhiêu?

- Có chi mà bí mật, mình làm ra đồng tiền bằng mồ hôi nước mắt của mình, đồng tiền là chính đáng. Cũng không nhiều lắm mô chú, mỗi năm lãi ròng trên bốn trăm triệu.

Đúng như ông nói, so với những chủ thầu xây dựng, với nhiều doanh nghiệp lớn, lãi ròng bốn trăm triệu một năm là không lớn. Nhưng đây là kết quả làm ăn của một ông già gần 70 tuổi, trên một vùng đất hoang hóa, một thời đất gây hại cho con người. Một ông già biết cách làm ăn, có ý chí, khởi nghiệp bằng hai bàn tay trắng, biết tinh nghề và chuyển đổi nghề đúng lúc. Có lẽ vì lí do đó, ông được chọn là đại biểu đi dự hội nghị những người cao tuổi làm ăn giỏi toàn quốc lần thứ ba vừa diễn ra tại Hà Nội.

Tôi hỏi câu cuối cùng:

- Bây giờ đã đầy đủ rồi, tiền tiết kiệm sống trọn đời không hết, con cái đã nghề nghiệp vững vàng, bao giờ thì nghỉ ngơi?

Ông nói:

- Nghỉ răng được chú. Hai đứa con tôi là sĩ quan công an, mấy đứa con khác cũng nghề nghiệp vững vàng, ăn nên làm ra cũng khuyên tôi nghỉ ngơi, cần chi chúng cung phụng. Nhưng mà lao động đã thành hứng say mê. Khi cái đầu còn suy nghĩ được, tay chân còn cử động được là còn lao động. Sống có ích mà chú!

Qua tìm hiểu, tôi biết ông đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị tặng bằng khen về thành tích làm ăn giỏi và hoạt động xã hội tích cực; được Trung ương hội Người cao tuổi tặng bằng khen về thành tích lao động tiêu biểu và rất nhiều giấy khen của Ủy ban xã, của các ban ngành về thành tích khuyến học, an ninh trật tự, giúp đỡ người nghèo… Ông cũng như một cây xương rồng “lì đòn” trước mọi gian khó.

Ra về, lại đi trên con đường đã đến. Càng thấu hiểu miền quê biển thay da đổi thịt, từ vùng quê nghèo thành vùng quê giàu có bởi có những con người lao động cần cù, không mệt mỏi như ông già Nguyễn Xuân Thiết.

L.V.T

 

 

 

LÊ VĂN THÊ
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 296 tháng 05/2019

Mới nhất

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Hội VHNT tỉnh trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm “Trường Sa - Quảng Trị: Sắc màu biên cương”

23/03/2024 lúc 16:22

TCCVO - Chiều 22/3, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị tổ chức trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm

Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực

18/03/2024 lúc 00:07

TCCVO - Chiều 15/3, tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, UBND tỉnh Quảng Trị và Ủy ban chính quyền tỉnh Savannakhet (Lào) phối hợp tổ chức Hội thảo “Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực”.

Liên hoan dân vũ chủ đề: "Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng"

16/03/2024 lúc 06:02

Chào mừng kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế phụ nữ (08/3/1910 - 08/3/2024), 1984 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng; Hướng đến kỷ niệm những sự kiện lớn của quê hương đất nước; kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7-2024), Sáng ngày 07/3/2024, Công đoàn viên chức tỉnh tổ chức Liên hoan dân vũ trong nữ Công chức, viên chức, người lao động (CCVCLĐ) năm 2024 với chủ đề “Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng”.

Phát huy vai trò “báo chí kiến tạo, báo chí giải pháp”

15/03/2024 lúc 07:05

TCCVO - Sáng ngày 13/3/2024, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hội nghị giao ban công tác báo chí tháng 1 và 2 năm 2024 và định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm tuyên truyền trong thời gian tới. Đồng chí Hồ Đại Nam, UVBTVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/03

25° - 27°

Mưa

31/03

24° - 26°

Mưa

01/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground