Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 26/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Những lần đến Quảng Trị

GHI CHÉP

 

 

Bây chừ mình tính đi mô anh? Y Thi lên tiếng trước bằng một câu hỏi sau khoảng thời gian tĩnh lặng giữa hai chúng tôi. Đi đâu đây. Tôi cũng phân vân tự hỏi. Như một người đang đứng ở giữa ngã ba đường. Mà đường nào cũng muốn đi, muốn đặt chân tới. Kể ra thì, cả miền Nam nói chung, Quảng Trị nói riêng, bất kể nơi nào, địa danh nào, mỗi người dân nước Việt ta cũng nên đến, cần phải đến. Và đâu chỉ đến một lần đã là đủ.

Với riêng tôi, đây không phải là lần đầu tiên đặt chân tới mảnh đất này. Mà sao lần nào cũng vậy, vẫn vẹn nguyên một cảm giác rạo rực xốn xang đến lạ. Cứ như cái tâm trạng của một kẻ si tình. Lần đầu tiên được đi đến điểm hẹn hò. Và cũng chính ngay lúc này đây, cái cảm giác ấy, cái tâm trạng ấy lại trỗi dậy. Bồi hồi với cả một dòng ký ức cuồn cuộn ùa về.

… Nhớ làm sao. Hè năm xưa. Thầy Phước, chủ nhiệm lớp tôi, tổ chức cho đội tuyển văn của trường một chuyến đi dã ngoại.

Đêm hôm ấy, tôi thấp thỏm thao thức đếm từng giây đợi trời sáng. Từ tinh mơ, thầy trò chúng tôi cơm nắm, nước giếng khơi đóng chai, lỉnh kỉnh lên đường.

Đoàn chúng tôi đến xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Linh thì phải dừng lại. Đứng bên bờ Bắc của sông Bến Hải, thầy trò chúng tôi dàn thành một hàng ngang. Thầy đứng giữa, đan tay học trò, cùng dõi mắt về bên bờ Nam. Mắt thầy sâu thẳm, ầng ậc nước.

Thầy Phước quê ở huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.

Sau chuyến đi đó, lũ học trò chúng tôi càng thấm đượm thêm tình cảm của thầy. Hiểu được sâu hơn, kỹ hơn những điều thầy giảng. Trong mỗi lời giảng của thầy, luôn chan chứa nỗi niềm thương nhớ về quê hương. Phải. Chính thầy đã truyền cho chúng tôi một tình yêu quê hương đất nước. Tình yêu ấy được nhen nhóm, hun đúc từ thủa còn cắp sách tới trường. Đất nước thân yêu của chúng tôi đang bị chia cắt. Có một dòng sông đã bị chẻ làm đôi. Và một cây cầu chặt làm hai nửa. Đồng bào miền Nam ruột thịt ở bên kia sông Bến Hải còn đang rên siết dưới gót sắt của quân xâm lược và bè lũ tay sai.

Và rồi sau này, mỗi khi nghe bài hát “Câu hò bên bờ Hiền Lương” của Đằng Giao và Hoàng Hiệp, trong tôi lại trỗi dậy một cảm xúc, cái cảm xúc của một tâm hồn thơ trẻ, lần đầu tiên được đặt chân tới bờ sông của giới tuyến.

Vào đầu năm học mới, tôi không được học thầy Phước nữa. Lũ học trò chúng tôi chỉ được biết một thông tin ngắn. Thầy có lệnh đi nhận nhiệm vụ mới. Cả lớp ngơ ngác. Trong giờ học đã có đứa gục mặt xuống bàn để giấu đi những giọt nước mắt. Và một vài tiếng thút thít đã bật ra. Nhưng nỗi buồn và nước mắt của trẻ thơ cũng qua nhanh như một cơn mưa rào.

Chiến tranh ngày một lan rộng, khốc liệt. Trai tráng làng tôi lớp lớp nối nhau tòng quân. Tôi lớn lên, kế tiếp cha anh lên đường ra trận.

Rồi khát vọng của cả dân tộc thành hiện thực. Đất nước sạch bóng quân thù. Non sông liền một dải.

Tôi ra quân, đi học tiếp rồi về làng dạy học.

Năm tháng trôi. Cuộc sống với biết bao bộn bề, với lo toan cho miếng cơm manh áo hàng ngày. Những là quên nhớ, nhớ quên. Thi thoảng ký ức của tuổi thơ ùa về, hình ảnh của thầy Phước có thấp thoáng trong tôi. Lòng dạ bâng khuâng tự hỏi. Giờ thầy đang ở đâu? Thầy còn sống hay không? Cuộc sống của thầy ra sao? v.v… Những khi gặp bạn bè cũ, truyền tin hỏi thăm về thầy. Xem ai có được tin tức của thầy? Cũng chỉ gặp được những cái lắc đầu.

Đến khi tôi tập tành cầm bút thì, hình ảnh của thầy thường xuyên hiện hữu. Nỗi nhớ cứ đau đáu. Nhớ từng lời ân cần của thầy, mỗi khi thầy sửa cho từng từ, từng câu văn trong những bài tập làm văn của tôi.

Tôi ấp ủ một dự định. Tìm về quê thầy. Hy vọng gặp được thầy.

Tôi cặm cụi viết. Mạnh dạn gửi bài. Và rồi như có được một cơ duyên. May làm sao. Tạp chí Cửa Việt in bài của tôi. Lần một, lần hai… Thế là từ lạ mà nên quen. Và cũng là một cái duyên, cái cớ cho tôi có được những cuộc hành hương về Quảng Trị.

Tôi có chủ tâm tìm thầy Phước. Dẫu chỉ biết quê thầy ở huyện Hải Lăng. Còn ở xã nào, thôn nào cụ thể thì không hay. Cũng thật vu vơ mơ hồ. Tôi chẳng hề nản. Những làng, xã, những con người tôi gặp, lạ nên quen. Những hồi hộp, hy vọng và thất vọng. Chẳng khác nào một kẻ xuống đáy bể mò kim. Tôi lang thang thất thểu, lòng thầm gọi. Thầy Phước ơi! Thầy đang ở nơi nào.

Cũng nhiều lần lòng tôi nhói lên bởi một ý nghĩ. Lẽ nào thầy đã nằm xuống, ngay trên mảnh đất quê hương, hay ở một nơi nào đó trên các chiến trường miền Nam. Có thể là như thế lắm chứ. Trong cuộc chiến dai dẳng và khốc liệt như vậy. Mọi điều đều có thể xảy ra. Và cũng xuất phát từ ý nghĩ đó, tôi dành nhiều thời gian muốn tìm thầy ở tất cả các nghĩa trang liệt sỹ trên các địa bàn tôi đi qua…

Tôi nhìn Y Thi. Bốn mắt giao nhau, lọc tìm ý nguyện của nhau. Để chiều nhau.

- Đi đâu cũng được Y Thi à!

- Vậy ta đi Bắc Phước nhé! Tôi gật đầu lia lịa.

Chúng tôi lên đường đi Bắc Phước, xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong.

Đường về Bắc Phước hôm nay thênh thang gió, thênh thang lòng. Những cánh đồng, những làng xóm nối nhau chạy lùi về phía sau. Nào có ai đã từng biết, những cánh đồng xanh ngát, những làng xóm trù phú kia từng bị đạn bom cày xới, từng tiêu điều xơ xác. Nào có những ai từng thấu hiểu, mỗi thước đất nơi này đều thấm đẫm máu thịt của bao thế hệ đã đổ xuống.

Xe chạy êm ru. Cả tôi và Y Thi đều cùng đưa mắt quan sát cảnh vật hai bên đường. Và có lẽ dường như đang cùng có một tâm trạng mênh mang trước nắng, gió, cảnh sắc đang diễn ra trước mặt.

Đây không phải là lần đầu tôi về Bắc Phước. Cách đây cũng lâu lắm rồi, tôi đã có dịp về Bắc Phước cùng Y Thi. Mà cũng chẳng thể nhớ rõ được một cách cụ thể vào năm nào. Khổ thế đấy, cánh viết lách chúng tôi cứ lơ ngơ nhớ nhớ, quên quên là vậy. Nhưng lại nhớ được, nhớ như in tất cả những gì của chuyến về Bắc Phước năm xưa ấy.

Bắc Phước là một cù lao nằm giữa bốn bề sông nước. Nơi đây là cơ sở cách mạng, nơi che giấu cán bộ cách mạng trong thời kỳ cách mạng miền Nam nói chung, của Quảng Trị nói riêng. Những người dân của cù lao từng dũng cảm kiên cường, đoàn kết chặt chẽ với nhau chống giặc suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mĩ.

Theo Y Thi, Bắc Phước có ba thôn Duy Phiên, Hà La và Dương Xuân. Chỉ riêng ở ba thôn này có tới 18 mẹ Việt Nam anh hùng, 145 liệt sỹ chưa kể đến thương binh. Những con số biết nói. Sự hy sinh mất mát của một cù lao nhỏ, nhưng chẳng hề nhỏ một tý nào.

Trong lần về đó, thật là một vinh dự lớn cho tôi. Tôi được gặp mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Thìn.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ khiêm nhường ở giữa một miền quê còn nghèo, còn bao khó khăn. Vượt lên cái nghèo khó là niềm vui của mẹ. Mẹ đang vui, xởi lởi kể cho chúng tôi nghe về chuyến đi của mẹ vừa rồi. Mẹ vừa được ra thăm Thủ đô, được vào lăng viếng Bác.

Niềm vui của mẹ tràn ngập không gian. Mẹ hồ hởi chuyện trò với chúng tôi. Mẹ nói chuyện mà như bộc bạch, như tâm tình.

Mẹ thủ thỉ. Quê mẹ ở Gio Linh. Vừa lớn lên là đi làm dâu. Nhà hai bên nghèo như nhau. Cũng chỉ những mong có được sự bình yên để mà làm ăn, sinh sống. Nhưng nào có được. Một đời tao loạn dằng dặc, hết Pháp đến Mĩ. Chưa kể những lần sa, mười bận đẻ, mười đứa con vừa trai vừa gái. Được cái chúng nó cứ như cây tre, cây bần dẫu mọc trên mảnh đất phèn, bạc mầu vẫn cứng cáp lớn lên. Bé đã phải nay chạy giặc, mai tản cư. Lớn lên đứa ở nhà, đứa thoát ly theo cha tham gia kháng chiến giữ làng, giữ nước. Nghĩ cũng tội cho chúng. Có đứa nào được học hành. Thèm được một bữa cơm no, có được một manh áo ấm trong mùa đông giá lạnh. Một đời mẹ tần tảo, làm thuê làm mướn nuôi cả một đàn con. Giành cả phần của chồng để chăm con. Ổng còn bận bịu với công việc của kháng chiến.

Nuôi con, những mong chúng nó lớn lên đỡ đần chân tay. Nhưng giặc thù ngay trước mặt. Đứa nào lớn lên là theo cha ngay. Ổng với các con của ổng có công với kháng chiến, chứ còn mẹ có công lao gì đâu. Mẹ nở một nụ cười hiền. Nhưng nụ cười của mẹ bỗng vụt tắt. Niềm vui của mẹ như chùng hẳn xuống.

Ừ thì đành, năm ngón tay còn có ngón dài ngón ngắn. Mẹ cũng có một đứa con. Cái thằng trời đánh thánh vật ấy đã theo giặc. Nó ngang nhiên đi ngược lại truyền thống của gia đình, của quê hương đất nước, dân tộc.

Nó thứ sáu, tên gọi Sáu. Bé cũng hiền lành ngoan ngoãn. Cùng một cái nôi sinh ra, ăn cùng một nồi cơm, tối ngủ chung giường cùng anh, chị, em. Vậy cớ sao nó lại không đi chung đường. Cả nhà khuyên nhủ nó mau quay về với cách mạng, cùng nhau chung sức đánh giặc giải phóng quê hương. Nào ngờ nó lại vênh cái mặt lên, cười hô hố khuyên cha anh hãy theo về với chánh nghĩa quốc gia. Nó hùng hồn hung hăng tin lắm vào sức mạnh của người Mĩ.

Thế đấy! Dẫu biết con hư là tại mẹ. Mẹ cũng vỗ về nó, dạy dỗ nó từ tấm bé. Làm người thì phải biết nghĩ đến cội nguồn. Đến quê hương, đất nước. Cả nước, cả nhà đang chung sức đánh đuổi giặc ngoại xâm. Còn nó lại cầm súng của giặc chống lại cha anh, làng nước.

Thấy khó dùng lời lẽ, cả nhà bàn định sắp đặt kế hoạch bắt trói nó lại. Giao cho chính quyền cách mạng. Nhưng nó quá tinh quái, đều thoát được cả. Được cái nó chưa một lần có âm mưu sát hại anh em. Và hình như cũng chưa hề gây nợ máu với đồng bào. Nó thuộc diện lêu lổng, sợ gian khổ. Ham ăn chơi.

Dẫu sao lòng mẹ cũng rối như tơ vò. Mẹ vẫn thương nó lắm, cái thằng lầm đường lạc lối kia. Nhưng biết làm sao được. Cha mẹ sinh con, trời sinh tính. Đành chờ đến một ngày, nó sẽ sáng mắt ra. Mẹ tin vào ngày đó lắm.

Và rồi ngày đó cũng đã đến. 30/4/1975. Sài Gòn giải phóng. Chính quyền Việt Nam Cộng hòa sụp đổ.

Cũng may, nó biết ôm đầu quay về.

Nhờ có chính sách khoan hồng của chính quyền cách mạng, nó gặp lại được một bến bờ yêu thương. Cả nhà, cả họ, bà con hàng xóm giận nó bao nhiêu, giờ thương nó bấy nhiêu. Lòng mẹ bao la ôm nó vào lòng. Bà con chòm xóm, quê hương rộng lòng vị tha dang tay đón nó. Ơn trời, đã có một cô gái đã vượt qua mọi định kiến, yêu thương nó. Người con gái ấy là Lê Thị Anh. Trước kia dũng cảm trong kháng chiến. Giờ dũng cảm yêu thương một kẻ từng lầm lạc.

Hắn có được một mái ấm gia đình riêng. Mẹ yên lòng.

Giờ, mẹ đã bước qua tuổi 80 rồi. Cũng chẳng còn biết được sống với con cháu, với dân làng được bao lâu nữa. Đàn con của mẹ, những đứa còn sống đều đã trưởng thành. Dẫu mỗi đứa có một phận riêng. Đứa là cán bộ đảng viên. Đứa là nông dân. Nhưng dù ở cương vị nào, chúng nó đều giữ gìn được truyền thống của gia đình, của quê hương. Ngay cả cái thằng đã có những năm tháng lầm lỗi, giờ cũng biết ăn năn hối cải. Biết sống để làm người. Chăm chỉ lao động, biết thương vợ thương con.

Còn mấy đứa con của mẹ… cũng như biết bao người con của làng, xã, của đất nước này đã nằm xuống để có được cuộc sống ngày hôm nay… Mẹ buông một tiếng thở dài nhè nhẹ. Trên gương mặt phúc hậu của mẹ như phảng phất có bóng mây đen. Nào là những khổ ải, những gian nan bám suốt những năm tháng trầm luân đằng đẵng của đời mẹ. Và với những nỗi đau mà không thể có một thứ gì bù đắp nổi.

Tôi và Y Thi cùng ngồi lặng. Cùng như muốn làm được một điều gì đó. Để san sẻ cho vơi bớt nỗi đau lòng mẹ. Ở mỗi cuộc đời con người ta, mọi khổ ải, nhọc nhằn đều có thể qua đi. Nhưng với nỗi đau thì là mãi mãi đọng lại…

Chúng tôi vào trụ sở Ủy ban nhân dân xã Triệu Phước. Trao đổi với lãnh đạo xã xong, chúng tôi muốn về thăm mẹ Trần Thị Thìn. May làm sao, anh Trương Văn Luật, người con của mẹ đang giữ chức phó chủ tịch HĐND xã có mặt ở đấy, đưa chúng tôi về.

Đêm nay, tôi và Y Thi nghỉ lại ở nhà mẹ.

Ban chiều, anh Luật dẫn chúng tôi đi thăm một lượt quanh cù lao Bắc Phước. Một cây cầu đã được bắc vào Bắc Phước, thế cô lập giữa bốn bề sông nước không còn nữa. Điều đáng mừng là Bắc Phước nói riêng, Triệu Phước và cả huyện Triệu Phong hôm nay đã đạt các tiêu chí, để được công nhận nông thôn mới.

Bữa cơm chiều, có đủ các con của mẹ. Một mâm cơm đầm ấm vui. Trời về khuya. Y Thi vì quá vui, lăn ra ngủ từ tối. Ở buồng trong, vợ chồng anh Luật chắc cũng đang ngon giấc. Còn tôi đang ngồi trước đèn. Tôi vừa đọc xong cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Triệu Phước giai đoạn 1930 - 2015.

Gấp cuốn sách lại, lòng dạ tôi mênh mang với biết bao cảm xúc.

Đây mới chỉ là của một xã Triệu Phước. Còn một huyện Triệu Phong. Và còn cả tỉnh Quảng Trị nữa. Một giai đoạn dài đồng hành cùng cách mạng miền Nam, cùng cả dân tộc. Những mất mát đau thương với những con người bình thường giản dị, nhưng rất kiên cường, thủy chung như nhất. Tất cả. Đã góp một phần công sức không hề nhỏ vào với cuộc trường chinh của cả dân tộc. Để làm nên chiến thắng lẫy lừng ngày 30/4/1975.

Tâm can tôi bời bời, biết nói gì hơn ngoài một điều tự nhủ với bản thân. Và cũng còn muốn nói với tất cả mọi người. Không bao giờ được phép lãng quên.

Lần trước về Bắc Phước, tôi còn được gặp mẹ Trần Thị Thìn. Lần này về, mẹ đã đi xa. Tôi thắp lên bàn thờ mẹ nén nhang thơm. Đứng lặng hồi lâu trước linh vị mẹ. Thế là con không còn được gặp mẹ nữa. Con đã chậm mất rồi. Nhớ năm xưa, con đã hứa sẽ đón mẹ về Bắc Ninh. Và mẹ đã gật đầu. Mẹ muốn được nghe một làn điệu dân ca quan họ. Giờ không còn cơ hội để thực hiện lời hứa với mẹ nữa. Đành kính cẩn cáo lỗi cùng mẹ, mong được mẹ tha thứ. Và mong mẹ luôn tin, hình ảnh của mẹ, một cuộc đời lam lũ, chân lấm tay bùn luôn lẫm liệt trong con. Và giờ này đây, con tin lắm, ở nơi cửu tuyền chắc mẹ cũng an lòng về đàn con, cháu… của mẹ. Họ vẫn một lòng kiên trung, thắt chặt tình đoàn kết xóm làng, hăng say lao động sản xuất để xây dựng cuộc sống, xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp. Xứng đáng với lòng mong đợi của những người đã ngã xuống hôm qua. Và chắc mẹ cũng ấm lòng khi biết cuộc sống của bà con dân làng đang ngày một khấm khá lên. Quê hương đang đổi mới từng ngày.

Người tôi run bắn lên. Cánh rèm treo trước bàn thờ mẹ bỗng lay động rung rung. Bên ngoài im lặng như tờ. Tiếng gà gáy gần xa rộn rã vọng về, báo hiệu một ngày mới đang đến.

Đ.C.T

 

ĐỖ CÔNG TIỀM
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 297 tháng 06/2019

Mới nhất

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

27/04

25° - 27°

Mưa

28/04

24° - 26°

Mưa

29/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground