Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 30/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Nặng tình nặng nghĩa

BÚT KÝ dự thi


 

N

ăm 1967 làng tôi được đón K8 về nuôi dưỡng.

K8 là mật danh của bọn trẻ từ 9 đến 15 tuổi từ đất thép Vĩnh Linh được sơ tán ra Bắc để vừa “học hành, bảo toàn lực lượng”, vừa cho cha mẹ, anh chị rảnh tay đối phó với những chiến dịch ném bom đưa Vĩnh Linh về thời kỳ đồ đá của đế quốc Mỹ.

Làng tôi thuộc vùng bán sơn địa của đất Hà Nam, tiếng là không xa ba trọng điểm ném bom của đế quốc Mỹ là thị xã Phủ Lý, thành phố Nam Định và cầu Đoan Vỹ, lại nằm kẹp giữa hai đường giao thông mạch máu chính dẫn vào miền Nam là Quốc lộ 1 và Quốc lộ 21, song có lẽ là vùng bán sơn địa trống trải nên cả thời kỳ chiến tranh đánh phá ác liệt làng tôi và các làng dọc dải núi đất huyện Thanh Liêm không phải chịu một trái bom Mỹ nào. Yên tĩnh, vắng vẻ, an toàn như vậy nên làng tôi luôn là hậu cứ của tỉnh Nam Hà, hết là nơi tạm trú của thương binh từ miền Nam chuyển ra điều trị đến thành nơi trung tâm huấn luyện tân binh chuẩn bị vào Nam chiến đấu,  đón học sinh K8.

Mấy hôm trước đón K8 cả làng tôi sôi lên, chưa ai biết mặt mũi của K8 thế nào nhưng Vĩnh Linh gồng mình lên hứng bom hứng đạn cho cả nước thì ai cũng biết. Bọn bạn tôi tíu tít cả lên, chị Bình bảo: “Đẻ ở hầm, ăn ở học hành, chơi bời trong hầm chắc bọn nó rớt như cái cây cớm nắng”, cái Luyện phụ họa theo: “Cây cớm nắng ăn thua gì, có khi còn ghẻ lở, hắc lào đầy người ấy chứ!”, thằng Tự cãi lại: “Chúng mày biết gì, chúng nó mình đồng da sắt, mỗi đứa đội trên đầu năm quả bom tấn đấy!”, thằng Hoan thủng thẳng: “Chúng nó xuống nước không trôi vào lửa không cháy mới đáng mặt chơi, chúng mà như cua bấy thì đừng đứa nào hòng nhập cuộc”..., toàn là chuyện đoán rùa đáy vực. Nhưng thâm tâm chúng tôi dù gì thì chúng vẫn là những người anh hùng, vẫn đáng thương đáng mến, bằng tuổi mình rời mẹ ra một ngày đã nước mắt lưng tròng, đội bom đội đạn lặn lội sáu bẩy trăm cây số ra đây có phải chuyện chơi, chúng anh hùng nên mọi nhà mới tranh nhau đón về nuôi dưỡng.

Chưa biết mặt mũi người được nuôi như thế nào, trai hay gái, nhưng những ngày ấy mẹ tôi bồn chồn như chuẩn bị đón đứa con chào đời. Nhà cửa cổng ngõ được dọn dẹp sạch sẽ. Tường vách được ghim giấy báo, họa báo. Cái giường một cũ kỹ được lôi ra rửa sạch, kê ngay ngắn gian góc nhà. Con gà sống chuẩn bị cho ngày giỗ cụ cũng bị nhốt để chờ ngày hóa kiếp... Sốt sắng của mẹ làm tôi tự ái, ghen tị, con mẹ dứt ruột đẻ ra thì khắc ăn khắc lớn, người dưng nước lã thì săm săm sắn sắn, để rồi xem ông giời bà giời mẹ mang về nuôi sẽ yêu quý mẹ như thế nào?

Ngày làng đón K8 nhà tôi không may, em gái tôi bị sưng phổi cấp, bố mẹ phải lên bệnh viện huyện với em để lại một mình tôi ra sân kho với mọi người đón người bạn mới.

Có lẽ chuyện về ở lẫn với dân khiến cánh K8 bất ngờ và không mong muốn. Không muốn cũng phải theo, khi ông phụ trách K8 gọi tên cháu Nguyễn Văn Bình đến làm con ông Đoàn Thanh Dũng thì một thằng bé lớn hơn tôi một chút bước ra. Tôi cũng bước ra nói lý do bố mẹ đi lên bệnh viện huyện chăm em nên bảo tôi ra đón. Ông phụ trách bảo thôi thế cũng được, cháu dẫn anh Bình về nhà đi.

Bình khoác ba lô lên vai đi theo tôi, dọc đường Bình hỏi: “Thế nhà mày ở đâu?”, tôi chỉ về phía cuối làng: “Nhà tao ở cuối làng, chỗ kia kìa.”, Bình bảo: “Tao tên là Bình, Bình đen, thế mày tên gì?”, tôi trả lời: “Tao tên là Nam, Nam đen. Biệt hiệu giống như mày, tao còn mấy thằng bạn nữa, nếu mày không chê thì kết bạn với chúng tao.”, Bình cười phá lên bảo: “Chê gì, tao có gì mà dám chê.”.

Tôi đưa Bình về nhà, nó lẳng lặng mở cóc ba lô lấy ra gói bẹ chuối, thận trọng giở ra, một cây gì đó tựa dây giầu không thòi ra khỏi lớp đất đỏ những cái rễ trắng mềm, nó bảo ba nó bảo đây là cây tiêu, nó phải mang bằng được cây ra trồng trên đất Bắc, coi như có Vĩnh Linh bên cạnh. Tôi dẫn nó ra vườn, thấy cây mít cao bằng đầu mọc ngay cạnh vại nước, mắt nó sáng lên, nó bảo tiêu là loại rất cần có cây choái để cây bám rễ phụ lớn lên, cây mít cỡ này làm cây choái là lý tưởng. Tôi bảo thế thì trồng xuống đi, nó cảm ơn rồi cùng tôi vào bếp lấy cuốc ra bới đất rồi đặt cây “Vĩnh Linh” xuống lấp đất lại.

Xong việc trồng cây, thấy mấy luống su hào củ thau tháu bằng nắm tay mắt Bình sáng lên, tôi hỏi: “Mày thèm à?”, nó thú nhận: “Ừ, thèm lắm, tao ăn nhé.”, tôi bảo: “Để tao nhổ mấy củ về luộc”, nó bảo: “Không cần”, rồi sà vào vườn rau nhổ luôn mấy củ, bóc vỏ ăn ngon lành. Thấy vẻ ngạc nhiên của tôi nó bảo: “Mấy tháng giời trên đường ra Bắc, ăn ngủ tạm bợ, ăn uống thất thường, thiếu rau xanh nên ruột xót như bào, thấy những luống su hào, rau cải xanh mướt khiến cho nước bọt túa ra, được mấy củ su hào thế này là đã đời rồi.”

Sự nhập cuộc thật thà của Bình làm tôi thích thú, chiều hôm sau bố mẹ và em tôi ở trên viện về, cả nhà mổ gà làm cơm đón người, mừng nhà tai qua nạn khỏi. Mẹ tôi bảo Bình hơn tôi một tuổi nên làm anh cả, tôi chấp nhận bởi ngoài hơn tuổi ra Bình già dặn hơn tôi nhiều thứ quá.

Mà Bình xứng đáng là đàn anh thật. Như những học sinh K8 khác Bình có tiêu chuẩn mười ba cân gạo, năm đồng do Nhà nước cấp để cùng no, cùng đói với nhà tôi. Quê tôi định lượng hợp tác mỗi khẩu một tháng hơn mười cân thóc thì số gạo Bình đóng góp là lớn, vậy mà Bình không lười biếng, ỷ thế, luôn tìm cách tỏ ra mình là đàn anh. Mẹ bảo hai đứa sang núi hái chè, Bình đi sớm hơn, về muộn hơn để hái được nhiều chè hơn tôi. Hai đứa đi cắt cỏ bao giờ gánh của Bình cũng đầy hơn. Đi gặt lúa, dỡ khoai, xếp ải cũng vậy, việc gì Bình cũng làm vượt trội hơn tôi, đặc biệt là việc học hành, bao giờ Bình cũng nhất nhì lớp.

Bố mẹ tôi quý Bình như người ruột thịt, tôi cũng vậy. Tôi và Bình hợp nhau ở nhiều nhẽ. Cũng gầy guộc, lòng khòng, dáng đi tất bật, chưa đặt ngón đã nhấc gót. Cũng khuôn mặt vuông chữ điền, đôi lông mày rậm. Cũng nước da đen cháy, mái tóc màu lửa. Đặc biệt là cái tính nghịch nổi, nghịch ngầm. Bình đến ở được chưa đầy tuần nhóm “Tứ quái” gồm tôi, thằng Tự, thằng Hoan, thằng Hòa đã kết nạp anh luôn. Trước đây nhóm chúng tôi, bốn thằng cùng xóm, cùng tuổi, cùng tính hiếu động nên kết nhau lại để vui chơi, nhóm lập ra chủ yếu để nghịch, để đối phó với bọn hay bắt nạt ở làng trên. Bình đến nhà tôi được ba hôm thì bị ba thằng trong nhóm gạ chơi đáo và bị chúng kết bè làm cho nhẵn túi. Điên tiết Bình về lấy hết số tiền phụ cấp mang ra đành lì với chúng nó hết trưa, sang chiều, quên ăn, quên học, đến khi ngày đêm bàn giao cho nhau thì hòn cái trong tay Bình cũng lột đến đồng xu cuối cùng của cả bọn. Nhìn thấy vẻ mặt thiểu não của ba thằng, Bình tính đủ tiền mình bỏ ra rồi quăng trả số tiền thu được: “Từ nay nhớ mặt thằng Bình này nhé”. Ba thằng nem nép nhìn nhau rồi nhất loạt tôn Bình làm đại ca.

Có Bình nhóm “Tứ quái” được đổi tên thành “Ngũ quái”. Hôm Bình nhập bọn, thằng Tự nghĩ ra trò kết nghĩa Lưu, Quan, Trương, tôi tỏ vẻ anh hùng rơm, về nhà định bắt trộm con gà của nhà mang ra bờ sông làm lễ tế không ngờ bị mẹ bắt được dán mấy con lươn vào mông. Bình coi thường cái trò ăn quẩn cối xay của tôi, biết rõ mấy ông đội cá hợp tác xã hay giấu cá trộm ở cái hố đào ở giữa ruộng rồi phủ rạ lên đợi tối ra lấy, Bình liền mang bao xác rắn bò ra tuồn lưng bao cá chuối, cá sộp, vẫy cả bọn ra bờ sông nổi lửa nướng trui làm đồ tế lễ. Rồi anh dạy chúng tôi tập võ. Rồi anh dạy chúng tôi gọt sừng cho trâu húc nhau. Rồi anh cùng cả nhóm thách thức bọn chuyên gây sự ở làng trên, làng dưới.

Khi “ngũ quái” chúng tôi tiếng nổi như cồn Bình bảo: “Ba tau bảo ra Bắc nhớ mà chăm chỉ rèn luyện học hành, cả làng cả Khu chịu đựng gian khổ chết chóc để chúng bây ra đó không phải để chơi đâu, đừng làm mất mặt bọn tau ở lại”, tôi cãi lại: “Thì vẫn học, có ai cấm đâu.”, “Nhưng chúng mày học kém thế bố mẹ buồn, tau cũng mang tiếng lây.”, “Vậy thì phải làm sao?”, “Từ nay tau phải dạy chúng bây, cái gì tau không dạy được thì hỏi thầy giáo.”

Và nữa, Bình là người đa cảm nhưng cương quyết, chất thủ lĩnh, gắn kết toát ra những việc làm hàng ngày. Hình như cánh K8 đứa nào cũng như Bình. Dường như đã thành lệ, hễ có cơ hội là cánh K8 túm tụm lấy nhau. Lúc ấy thì thôi rồi, tiếng Vĩnh Linh, chuyện Vĩnh Linh trào ra như bầy chim liếu điếu, có cảm tưởng như tiếng nói trọ trẹ nhanh như gió ấy thành sợi dây liên kết gắn họ thành một khối. Trong khối gợi thương gợi nhớ ấy họ nhắc nhở, uốn nắn, động viên nhau, bảo vệ nhau, khiến cho nhau cứng rắn hơn. Tôi nhớ có lần một đứa K8 làng trên nghe tin bố mẹ chết vì trúng bom. Thông tin về bố mẹ đứa nọ chết bom lúc sáng, đến tối cánh trẻ ấy đã tập trung ngoài bến sông làm lễ tang. Một lễ tang kỳ lạ, hơn ba chục đứa, đứa lớn nhất mười lăm, đứa bé nhất mười một, tất cả cùng đội khăn tang, cùng quỳ quanh hai thi thể giả mặc quần áo giấy và mâm cỗ cúng. Trên mâm cỗ cúng đó có đầy đủ tiền âm, tiền dương, súng AK, súng B40 đẽo bằng gỗ và những thứ K8 được phân phối như đường, sữa, thịt hộp, thuốc, bàn chải đánh răng... Đặc biệt là hoa. Hoa dâm bụt, hoa mào gà đỏ chói, hoa vông vang vàng ươm, hoa mua tím ngắt, hoa hường đỏ tươi... Những bông hoa được cẩn thận ngắt ra khỏi cuống lá vun lên như những đụn hoa. Sau cúng bái hai thi thể giả cùng mâm lễ được đưa xuống bến, được đặt lên trên cái bè chuối rồi từng đứa, từng đứa thận trọng rắc những cánh hoa xuống mặt nước, hai đứa nhẹ nhàng đẩy bè chuối ra giữa dòng, cái bè ngập ngừng một chút rồi từ từ trôi xuôi…

Có Bình việc học hành tiến bộ rõ rệt kéo theo sự nghịch của bốn chúng tôi cũng giảm đi, chúng tôi cứ ăn, cứ học, cứ khổ, cứ lớn bên nhau. Còn hơn thế nữa, qua Bình, qua bạn bè K8 chúng tôi dần biết Vĩnh Linh là thế nào, chiến tranh làm cho con người gian khổ, chết chóc ra sao. Trong những chiều chăn trâu, thả diều hay những đêm ngắm trăng ngắm sao, Bình thường kể cho chúng tôi nghe chuyện nhà chuyện người, những câu chuyện về đất lửa Vĩnh Linh ly kỳ như cổ tích cứ đầy dần lên trong mỗi đứa. Bình bảo nhà anh cũng có một cây mộc lan trước cửa như cây mộc lan nhà tôi. Kể cũng lạ, bom đạn bề bề, mọi thứ đều bị xới tung lên, riêng cây thiết mộc lan nhà anh vẫn xanh mướt, vẫn lặng lẽ nở hoa. Trong đêm từng cánh hoa nhỏ xíu, trắng muốt như váy áo thiên thần lặng lẽ mở ra, lặng lẽ toả hương, lặng lẽ hấp thụ khí trời, để rồi mùi thơm tinh khiết của nó làm dịu đi không khí nóng bức của ngày hè, làm dịu đi căng thẳng của đạn bom. Bình bảo khi bọn Mỹ ném bom, căn pháo bầy dữ quá nhà anh cũng như nhiều nhà khác trong làng phải dỡ nhà làm hầm. Những ngày mới ở nhà hầm ai cũng tiếc ngôi nhà nhiều năm che mưa che nắng. Nhìn vào cánh cửa hầm là thấy chữ chi chít. Nào là mua lợn ngày nào, bao nhiêu cân. Nào là giỗ cụ, giỗ ông, giỗ bà ngày nào, giỗ nào làm bao nhiêu mâm… Nhìn vào cột nóc nhà là nhớ hôm dỡ nhà xuống làm hầm, bác Thu đang tháo nóc gian giữa gõ nhát búa quá đà, cái dùi đục vuột khỏi tay, nhằm đầu mệ đang lúi húi thu dọn bên dưới bay xuống. Ba Bình đang đứng gần đó kịp bay tới gạt bay cái dùi đục, nếu không có bàn tay của ba thì cái dùi đục đã đập trúng đầu mẹ rồi… Bình bảo anh bé thế thôi nhưng khi nhà đào địa đạo anh đã là một trong bốn lao động chính trong nhà. Ở Vĩnh Linh bom đạn muốn sống được phải chui sâu vào lòng đất nên nhà nào cũng phải đào địa đạo. Địa đạo bắt đầu từ mỗi nhà phải đào một cái giếng, từ giếng phải căn theo trục địa đạo để nối thông giếng của từng nhà. Để làm được việc này ba anh và nhiều người lớn trong làng phải lên tận đồn Biên phòng học cách. Sau bài học chớp nhoáng của ông Đồn trưởng đồng thời là người thiết kế và chỉ huy xây dựng nên địa đạo Vĩnh Mốc, mỗi người dự học được tặng một cuộn dây cước, cuốn sổ, la bàn và cái “mẹo cứt gà”. Sợi dây để xác định mặt phẳng, đo chiều dài, độ cao, chiều ngang của địa đạo. Cuốn sổ vừa là vật kỷ niệm của đồn Biên phòng vừa thay cái thước vuông. Cái la bàn để xác định phương hướng. “Mẹo cứt gà” là giấu đất, là cách xác định đường thẳng đường cong, tầng trên, tầng dưới. Như mọi nhà, cuộc ra quân đào địa đạo của nhà anh không hối hả. Dưới ánh trăng, mệ anh và anh dùng cuốc cuốc đất, cào đất vào mũ sắt, vào chậu nhôm, anh trai và ba bê ra ngoài hố bom đổ. Cả đêm đào đất, sáng ra lại ra sức lấp cát lên đất thải, lấy cành phi lao che kín miệng hố ngụy trang. Khi đào lòng đất còn lặng câm có nghĩa là còn phải điều chỉnh, còn phải tốn nhiều công sức mới gặp được hầm bên kia. Lòng đất có tiếng thình thịch, ùng ục có nghĩa là đúng hướng, là công việc sắp thành... Kết thúc chuyện đào địa đạo anh nói khoác: “Làng cậu tau có nhà đang đào thì nghe thấy có tiếng cuốc bổ, có tiếng nói chuyện xì xào ở trong lòng đất. Thấy lạ mọi người đào cố, khi thủng sang bên kia thì hóa ra các bác công nhân Cu Ba đang đào mỏ than. Hai bên gặp nhau, tay bắt, mặt mừng, những người đào địa đạo Vĩnh Linh lấy bình tông nước chè đặc cắm tăm rót mời các bác Cu Ba, các bác Cu Ba cảm động, móc túi lấy những điếu xì gà mời những người đào địa đạo Vĩnh Linh, cậu tao còn lấy phần cho tao một điếu”. Chuyện anh bịa như vậy mà cánh chúng tôi vẫn mắt tròn mắt dẹt tin anh.

Rồi Bình kể chuyện buồn chuyện vui lúc hành quân ra Bắc. Qua anh chúng tôi biết đoạn đường K8 đi qua ác liệt chẳng kém gì ở Vĩnh Linh. Cũng những hố bom, hố pháo trùm lên nhau, loang lổ như những vết chân quỷ. Cũng những làng mạc tan hoang, những ngôi nhà xiêu vẹo, những căn hầm chữ A, những hố cá nhân, tăng xê, giao thông hào ngang dọc. Cũng những tiếng kẻng báo động tránh máy bay đánh liên hồi. Có lần đoàn hành quân vào một làng thuộc đất Quảng Bình. Làng vừa bị đánh bom, nhà cửa tan hoang, tre pheo, cây cối khói bom nồng nặc, tang tóc trùm lên khắp làng, mùi chết chóc xộc lên nhức nhối. Đoàn đến, dân làng nén đau thương, mất mát để đón tiếp. Bác Xã đội trưởng dẫn bọn anh đến giao cho từng nhà. Cả làng đã vượt qua nỗi đau, quên cả bản thân mình để chăm lo cho K8 được an tâm, có sức khoẻ để đi ra. Có lần cả đoàn lếch thếch chống gậy chui trong mưa. Trượt ngã liên tục. Bắt đầu là các “mít ướt” bắt ếch, sau đến các chú “gà tồ”, rồi đến cả các cô giáo vốn được coi là cột trụ vững nhất cũng bị trời đất cho bắt chuồn chuồn, cuối cùng đoàn cũng vào được một làng bên đường. Tin K8 vào làng loang nhanh trong mưa, chỉ một lúc sau cái nhà kho hợp tác được lấp kín người là người. Bốn đống lửa ở bốn góc nhà đã hút gọn cả bọn anh vào. Nhìn những bó củi đủ cả rào tre, cọc cắm, cây cột, lại có cả mấy cái thành giường, giát giường, bọn anh biết dân làng đã làm tất cả những gì có thể để giúp đỡ đoàn. Rồi chuyện lạc đường. Rồi chuyện một đứa bạn gái bị chết đuối khi đoàn đi thuyền qua sông. Rồi chuyện mấy thằng không chịu được trốn về Vĩnh Linh…, toàn những chuyện không phải người trong cuộc kể thì chẳng ai tin nổi.

Hè năm 1970, Bình được cấp trên chấp thuận vào đội thanh niên trở về Vĩnh Linh chiến đấu. Đúng ra mới ở tuổi mười sáu anh chưa đủ điều kiện nhập đội song thấy anh hăng hái tình nguyện, lại đủ chiều cao, cân nặng nên trên chấp thuận. Ngày các anh về quê khắp làng náo nức chia tay. Người ra đi đi khắp làng, khắp trường chào hỏi. Những nhà có người ra đi lần lượt mổ gà, mổ ngan, vịt để liên hoan, để mong ngày gặp lại. Riêng nhóm “Ngũ quái” tranh nhau tiếp đãi Bình, sau tiếp đãi là hát hò, tỉ thí, là dẫn nhau đến thăm những nơi đã biết hoặc chưa biết... Đêm cuối cùng Bình đi đến tận gà gáy, về đến nhà là lăn vào giường, sáng ra anh chưa kịp ăn gì thì còi xe đã kêu inh ỏi, anh luống cuống chào mọi người rồi khoác ba lô phóng vội ra xe.

Bình đi rồi cả nhà tôi bâng khuâng hẫng hụt như tiễn người ruột thịt một đi không trở lại. Và anh không trở lại thật, mấy tháng sau, sau lá thư nhòe ướt anh thông báo đã về đến Vĩnh Linh, từ đó nhà tôi bặt tin anh.

Giữa năm 1975 tôi đi làm công nhân làm đường trên Tây Bắc, sau đó đi làm cán bộ văn hóa, rồi dấn thân vào con đường viết văn, làm báo, rồi đưa cả gia đình lên Lào Cai sinh sống. Đường xa dặm thẳm, thời gian vùn vụt trôi, song cả nhà tôi vẫn nhớ tới anh, đinh ninh anh nếu còn sống thế nào cũng tìm đường ra Bắc, tìm đến với những người gắn bó với anh. Riêng tôi, tôi luôn hứa với bố mẹ, với lòng mình phải đến bằng được quê anh, nếu không may anh đã hy sinh vì đất nước thì xin thắp mấy nén nhang tưởng nhớ, nếu anh còn sống thì hai người sẽ nối lại tình cảm xưa kia.

Hè năm 2007 tôi may mắn được Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam cho đi dự Trại sáng tác tại Cửa Tùng, trong dịp đó nhà văn đất Quảng Trị Nguyễn Ngọc Chiến đã cùng tôi xới dọc xới ngang khắp Vĩnh Linh mới tìm được nhà Bình. Lúc đó tôi mới được biết anh về Vĩnh Linh được hai năm thì nhập ngũ, bị thương nặng trên chiến trường Campuchia, người vợ của anh chính là người chăm sóc anh, sau thời gian dài điều trị ở trại thương binh nặng anh chị đã xin xuất ngũ về quê dưỡng thương.

Tôi và anh gặp nhau mừng mừng tủi tủi, anh bảo anh nhớ bố nhớ mẹ, nhớ các em lắm, bụng bảo dạ thế nào cũng phải ra Bắc lấy một lần nhưng mấy năm nằm liệt trên giường bệnh, khi bệnh đỡ có thể đi lại được, hỏi thăm mới biết cả nhà tôi đã chuyển khỏi làng không rõ địa chỉ ở đâu. Tôi hỏi cái gì làm anh nhớ bố mẹ nhất, anh vào buồng lấy ra cái áo sơ mi bộ đội cộc tay sau lưng có hai đường măng sông dày tạo thành hình chữ thập trân trọng đưa cho tôi. Tôi không cầm nổi nước mắt. Hè năm 1970 bố tôi đi dân công trên huyện đội Thanh Liêm, ông được phân công việc lau súng. Giẻ lau súng là những bộ quân phục cũ của những anh bộ đội tân binh sau kỳ huấn luyện trả lại trước khi nhận quân phục mới để hành quân vào Nam. Trước khi trao những bộ quân phục cũ đó cho bộ phận lau súng, để đề phòng bị trộm cắp các cán bộ cẩn thận dùng lưỡi lê rạch rách ngang rách dọc từng cái áo cái quần. Có lẽ thương tình bố tôi gầy gò ốm yếu một cán bộ đã lén dúi cho ông hai cái áo sơ mi thải loại. Ông khấp khởi mang về rồi với tài khéo léo của mình ông đã cắt, lót, khâu làm cho hai nhát rạch trên lưng mỗi cái áo thành một cái chữ thập trang trí khá đẹp mắt rồi tặng cho chúng tôi mỗi đứa một cái. Cái áo trên lưng có hình chữ thập của tôi đã đi theo năm tháng từ lâu, còn với Bình, cái áo sờn bạc vẫn là chứng tích tấm lòng của bố tôi với anh, hỏi làm sao tôi không cảm động.

Chuyến gặp gỡ đó của chúng tôi vui như hội, anh dẫn tôi đi thăm khắp họ hàng nội ngoại, thăm lại bạn bè một thủa. Tôi đã gặp lại Trần Văn Thành, người bạn bi bạn đáo với tôi đang làm Giám đốc Sở Y tế; gặp lại Hoa hoa khôi, người tôi mê như điếu đổ nhưng chỉ dám nhìn từ xa hiện đang là giáo viên dạy văn cấp 2; gặp lại Lan, đứa em út của lớp động tí là sụt sùi nước mắt… Chúng tôi đã kéo nhau ra bãi biển Cửa Tùng để dành cả ngày chuyện trên trời dưới biển. Chuyến gặp gỡ ấy Bình hứa thế nào anh cũng ra Lào Cai thăm bố mẹ. Anh chưa kịp thực hiện lời hứa thì mẹ tôi về cõi vĩnh hằng, hôm năm mươi ngày mẹ tôi hai vợ chồng anh bán một con trâu nghé để lấy tiền tàu xe ra Lào Cai, từ đó năm nào anh cũng lặn lội tàu xe gần ngàn cây số ra giỗ người mẹ thương yêu đùm bọc, nuôi nấng anh ngày nào.

Nói chuyện về Bình và học sinh K8 thì nhiều lắm, viết ra bút ký này tôi mong ai đó sẽ cùng tôi viết tiếp những trang văn về những con người sinh ra trên mảnh đất khói lửa Vĩnh Linh ra Bắc học hành rồi trở về chiến đấu, xây dựng quê hương.

Đ.H.N

 

 

 

 

ĐOÀN HỮU NAM
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 299 tháng 08/2019

Mới nhất

Bộ từ điển bỏ lại giữa rừng sâu

12 Giờ trước

Sau hiệp định Pari, 27/1/1973, chiến tranh tạm dừng, đại đội tôi đóng quân giữa bãi cát Lệ Xuyên, huyện

Đi tìm cỏ

12 Giờ trước

Nhiều lúc ngồi thẫn thờ nhìn đàn trâu bò gặm cỏ dọc triền đê chợt giật mình: Cỏ quê

Chị ấy…

12 Giờ trước

Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Huế tổ chức một chuyến đi thực tế dài ngày tại Tổng Công

Pa Ling mùa mưa

12 Giờ trước

Tháng 11, dưới cơn mưa rừng tầm tã, chúng tôi tìm về thôn Pa Ling, xã A Vao, huyện Đakrông,

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

31/03

25° - 27°

Mưa

01/04

24° - 26°

Mưa

02/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground