Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Vầng trăng nghiêng của núi

BÚT KÝ dự thi

 

 

Tháng sáu, nắng vàng rực tan lẫn cùng sắc hoa Piar tong a rát nở khắp núi rừng Cù Bai. Đỉnh núi Cà Tam như muốn nghiêng xuống dòng Sê Băng Hiêng, cố với cánh tay thần núi của mình vục lên một vốc nước để phả lên mặt cho qua cơn nóng bức khi nhiệt độ nhiều ngày cứ dao động từ 39 đến 410C. Nhiều dòng suối cứ nhỏ dần, nhỏ dần con nước rồi cuối cùng chỉ còn sót lại những hòn đá cuội chỏng chơ giữa lòng suối cạn. Rừng âm thầm chịu khát, cây trồng âm thầm chịu khát, vật nuôi tìm xuống dòng Sê Băng Hiêng để đầm ướt thân mình cho vơi bớt đi cái sức nóng của mặt trời, của ngọn gió phơn nồng nộc thổi về.

Cứ thêm một ngày nắng là nỗi lo của Trung tá Nguyễn Quang Tuấn - Đồn trưởng đồn Biên phòng Hướng Lập lại càng thêm nặng trĩu. Liệu những mầm chuối non mới vừa bén rễ có vượt qua được cơn nắng hạn để mô hình sản xuất mới nơi vùng đất biên cương này khỏi phải chịu cảnh “chết yểu”. Tôi không biết đêm đã trôi qua được mấy canh giờ, chỉ nhìn thấy qua cửa sổ mảnh trăng khuyết cuối tháng đã chếch về phía Tây. Thấp thoáng trong ánh trăng, một bóng người ngồi trên bậc tam cấp của cột cờ với vẻ mặt trầm ngâm cứ ngước đôi mắt nhìn lên bầu trời đầy sao như cầu xin một điều gì đó giữa khung cảnh tĩnh mịch của núi rừng. Nhẹ nhàng đến ngồi cạnh Trung tá Nguyễn Quang Tuấn, tôi hỏi anh:

- Sao giờ này mà Đồn trưởng chưa ngủ, lại còn ra sân hóng gió?

- Nằm mãi mà chẳng thể nào chợp mắt được anh ạ.

- Nhớ vợ con à?

- Không anh, 42 tuổi đời, 24 năm mặc áo lính Biên phòng thì chuyện xa gia đình đã quen rồi anh. Em không ngủ được là vì em lo cho rẫy chuối của đơn vị trồng mới bén rễ sợ nắng quá sẽ bị chết.

- Sao lại lo cho rẫy chuối?

Và Tuấn kể cho tôi nghe, anh nhập ngũ vào lực lượng bộ đội Biên phòng tháng 10 năm 1995 với ước mơ nung nấu được trở thành người cán bộ phục vụ lâu dài trong lực lượng nên anh đã cố gắng vừa huấn luyện, công tác, vừa “dùi mài kinh sử” để quyết tâm thi đậu vào Học viện Biên phòng. Kết thúc những tháng ngày dầm mình trong cái nắng Sơn Tây, cái rét Ba Vì, Tuấn cầm trong tay tấm bằng tốt nghiệp về lại với mảnh đất Quảng Trị. Kinh qua nhiều đơn vị, nhiều chức vụ công tác khác nhau, tháng 6 năm 2016, anh được cấp trên điều động giữ chức vụ Đồn trưởng đồn Biên phòng Hướng Lập. Nhận nhiệm vụ là người chỉ huy cao nhất của một đơn vị đã từng hai lần được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” vừa là niềm tự hào song cũng là áp lực lớn. Qua trò chuyện với các già làng, Tuấn biết rằng những năm vĩ tuyến 17 được chọn làm ranh giới chia cắt hai miền đất nước thì Hướng Lập đã được ví như “pháo đài” án ngữ “ngã 3 biên giới” giữa miền Bắc Xã hội chủ nghĩa, miền Nam Cộng hòa và đất nước Lào. Chiến tranh diễn ra vô cùng khốc liệt song người dân tộc Vân Kiều nơi đây vẫn một lòng hướng về cách mạng, sát cánh cùng bộ đội và cán bộ, chiến sĩ đồn Công an vũ trang Cù Bai để đánh trả quân thù, giữ vững huyết mạch tuyến vận tải đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Hướng Lập cũng chính là địa phương miền núi đầu tiên của tỉnh Quảng Trị người dân tộc Vân Kiều biết định canh, định cư, trồng cây lúa nước để trường kỳ kháng chiến và giúp đỡ bộ đội... Sau một thời gian ngắn gắn bó địa bàn, anh biết thêm về hành trình xây dựng mảnh đất Hướng Lập trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Chiến tranh đã lùi xa 44 năm và mặc dù đã được các cấp, các ngành quan tâm đầu tư xây dựng song Hướng Lập vẫn đang là địa phương ở trong diện đặc biệt khó khăn với tỷ lệ hộ nghèo tính đến tháng 12 năm 2018 chiếm 59,48%, mức thu nhập bình quân đầu người mới đạt ở mức 9,8 triệu đồng/người/năm. Diện tích đất canh tác của Hướng Lập không phải là ít, cơ cấu cây trồng khá phong phú, thế nhưng bao lâu nay, Hướng Lập vẫn cứ loay hoay trong việc chọn ra một loại cây trồng để làm chủ lực đảm bảo cho người dân ổn định thu nhập. Thế mạnh của Hướng Lập là đất rừng nên các cấp ủy đã lãnh đạo người dân tích cực trồng cây bời lời, năm 1999 bắt đầu trồng và phát triển đến thời điểm này là 683,6 ha (chiếm 92% diện tích đất cây lâm nghiệp của toàn xã), hàng năm cho thu hoạch khoảng từ 75 đến 80 tấn vỏ khô song giá cả lại bấp bênh. Tiếp đến cây sắn nguyên liệu KM94 bén duyên với diện tích 41 ha, tổng sản lượng đạt 574 tấn nhưng gặp lúc trời gió bão, đường bị sạt lở thì lại rớt giá đến mức thảm hại, một vấn đề nữa là Hướng Lập không thể đổi đất rừng để trồng sắn vì loại cây này rất nhanh làm đất bạc màu... Thế rồi một ý tưởng mới chợt lóe lên trong đầu anh Tuấn khi nhìn thấy thổ nhưỡng, khí hậu của vùng đất Hướng Lập khá giống với nơi mà anh đã có khoảng thời gian công tác gần 5 năm ở đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo. Cả một vùng đất rộng lớn thuộc các xã Tân Long, Tân Thành và thị trấn Lao Bảo người dân dồn sức trồng cây chuối mật mốc, thậm chí họ còn sang Lào thuê đất để canh tác và chính cây chuối mật mốc đã làm nên sự đổi thay căn bản cho vùng đất vốn dĩ trước đây được mệnh danh là “thiên đường buôn lậu”. Liệu cây chuối mật mốc có sống được trên vùng đất Hướng Lập? Câu hỏi đó làm anh suy nghĩ rất nhiều song nếu như không mạnh dạn làm thì sao có câu trả lời thấu đáo.

Trong một lần về dự họp tại Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh, anh tranh thủ ghé thăm nhà và rủ người bạn thân học chuyên ngành nghiên cứu thổ nhưỡng cho cây trồng lên đơn vị chơi rồi đưa bạn đi khắp địa bàn để xem giúp anh liệu đất đai nơi đây có trồng được loại chuối mật mốc. Sau hơn một tuần tìm hiểu, người bạn trả lời thổ nhưỡng vùng này khá phù hợp cho nhiều loại chuối nhưng phải biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào khâu chăm sóc thì mới cho năng suất cao. Nghe thế, anh rất mừng, ngày 10 tháng 3 năm 2017 sau khi chở bạn trở về xuôi, anh đã ghé lên thị trấn Lao Bảo dùng tiền riêng của mình hỏi mua 350 gốc cây chuối con với giá 10.000 đồng/cây đem vào trồng thử ở bản Cù Bai và dọc triền đất dưới chân ngọn núi Cà Tam. Hồi hộp từng ngày dõi theo cây bén rễ, nhú mầm cho đến khi toàn bộ 350 gốc chuối đủ sức để sống, phát triển tốt, lúc ấy anh mới tạm yên tâm. Tiếp đó, Tuấn lại bỏ ra 2,5 triệu đồng mua thêm 250 gốc chở vào trồng xung quanh đơn vị. Thế nhưng không thể Biên phòng trồng xong rồi để đấy làm mẫu, làm cảnh mà phải vận động người dân cùng tham gia. Chặng đường tiếp theo là sự kiên trì bám dân tuyên truyền về lợi ích của việc trồng cây chuối mật mốc. Người dân nghe nhưng chưa thật sự tin, có người còn bảo “Cây chuối lùn quả to mà chẳng có ai mua, trồng ra cũng chỉ để cho lũ trẻ con ăn chứ có bán được mô. Cây chuối mật mốc quả nhỏ, trồng cho tốn công chứ ai mà mua”.

- Nghe dân nói vậy buồn lắm anh ạ, khi lòng dân không đồng thuận thì làm việc gì cũng khó.

- Chẳng lẽ cả bản Cù Bai có gần 200 nhân khẩu mà không ai ủng hộ Biên phòng? Tôi hỏi.

- Có chứ anh, giữa những tiếng xì xào hoài nghi của buổi họp dân đã có một cánh tay giơ lên với lời nói “Tôi sẽ trồng cây chuối mật mốc theo lời tuyên truyền của cán bộ Biên phòng”, cánh tay ấy, câu nói ấy là của bác Lê Văn Hoan, một cư dân của bản Cù Bai.

- Vậy là anh đã trút được gánh nặng rồi còn gì?

- Cũng đỡ bớt đi một phần lo lắng anh ạ.

- Sau đó thì như thế nào? Tôi đặt tiếp câu hỏi.

Tuấn nở nụ cười rồi tiếp tục câu chuyện về cây chuối mật mốc trên đất Cù Bai:

- Tối ấy tan buổi họp, tôi đã trực tiếp cùng anh em ở trạm kiểm soát Cù Bai đến tận nhà bác Hoan để bàn bạc và thống nhất những vấn đề cần thiết. Bác Hoan bảo “Sáng mai các chú cứ đem cây giống vào đây, tôi sẽ huy động cả gia đình ra rẫy cũ đào hố để trồng”. Ngay sáng hôm sau, đơn vị vận chuyển 100 gốc cây chuối con đến tận rẫy nhà bác Hoan để cùng nhau trồng. Cảm động lắm, để kịp trồng 100 gốc chuối trong ngày, bác Hoan đã huy động toàn bộ nhân lực gia đình lên rẫy từ rất sớm đào hố, bỏ phân chờ sẵn, khi cây chuối con đến là tiến hành trồng ngay. Buổi trưa cả gia đình bác và cán bộ đồn Biên phòng ăn cơm ngay tại rẫy, đến cuối giờ chiều thì hoàn thành xong công việc. Sau đó đơn vị mua tiếp 500 gốc nữa để bác Hoan tiếp tục trồng, như vậy tổng cộng đã có gần 1.000 gốc chuối mật mốc được trồng trên vùng đất Hướng Lập với tỷ lệ sống là 100%. Hiện nay 350 gốc chuối đầu tiên đã cho sản phẩm, tuy quả chưa to bằng ở Tân Thành, Lao Bảo, Tân Long nhưng chuối ở vùng đất này lại có vị ngọt và thơm hơn. Nhưng đã gần một tháng nay, trời cứ nắng chang chang, không có lấy một cơn mưa nên em lo quá, nếu thời tiết này kéo dài thì chẳng biết cấy chuối mới vừa bén đất có trụ nổi hay không.

- Chắc cuối tháng năm âm lịch trời sẽ mưa, vì lúc tối xem thời sự, trung tâm dự báo thời tiết và cảnh báo thiên tai đã thông báo như vậy. Tôi động viên Tuấn.

- Thế hả anh? Tuấn mừng rỡ. Sáng mai em sẽ đưa anh sang bản Cù Bai để tham quan vườn chuối của nhà bác Hoan.

Tôi nhận lời. Bóng núi Ba Rai nghiêng theo ánh trăng xuống dòng Sê Băng Hiêng bình yên con nước chảy sang Lào.

Buổi sáng, mới 5 giờ rưỡi mà mặt trời đã vàng lóe báo hiệu thêm một ngày nhiệt độ không dưới 390C. Suốt quãng đường từ đồn Biên phòng vào bản Cù Bai, tôi nhìn thấy một loài hoa dại nở vàng rực, một người dân cho biết tên gọi loài hoa này là Piar tong a rát. Lạ thay, giữa tiết trời nắng gắt, mọi cây cối đều ủ rũ vì hạn hán, chỉ có loài hoa Piar tong a rát là vẫn thẫm xanh sắc lá và nở rộ những bông hoa vàng rực giữa núi rừng biên cương. Tìm hiểu thêm, tôi mới rõ, cái tên Piar tong a rát theo tiếng Vân Kiều nghĩa là “Tình yêu đợi chờ”.

Tôi dừng chân bên con đường nhỏ dẫn vào bản Cù Bai để ngắm kỹ loài hoa tràn đầy sức sống giữa những ngày hè khắc nghiệt. Hoa Piar tong a rát nhìn thoáng qua giống dây khoai lang ở dưới xuôi, lá khá to, thân dây có màu nâu đỏ, hoa bốn cánh màu vàng mọc ra từ nách lá tạo thành từng chùm, mỗi chùm có từ 5 hoặc 7 bông nhỏ, tuyệt nhiên không có chùm nào có 6 hay 8 bông. Mùa đông hoa thu mình trong tán lá của các loài cây lớn, đến mùa xuân những mầm non bật nhú, đợi đến mùa hè ngập nắng là búp hoa đua nhau nở chi chít và ken dày tạo nên những thảm vàng xen lẫn giữa ngàn xanh của núi rừng Trường Sơn. Các cụ cao niên ở bản Cù Bai bảo với tôi hoa Piar tong a rát mang tên của con trai nên nó sống rất mạnh mẽ, chỉ cần lấy một đốt ngắn đem về trồng xuống đất là cây sẽ mọc và nở hoa khi mùa hè đến.

- Thế loài hoa Piar tong a rát có từ bao giờ và ai đặt tên cho nó? Tôi hỏi một vị cao niên.

- Chẳng ai biết hoa mọc ở đây từ khi nào và ai đã đặt tên, chỉ nghe những người già đi trước kể lại cho đời sau câu chuyện của hoa Piar tong a rát thôi. Con muốn nghe thì về nhà bố uống nước rồi bố kể cho.

Tôi theo ông cụ bước chân lên ngôi nhà sàn khá khang trang, đọc qua những bằng khen, giấy khen treo trên các bức vách, tôi biết ông tên là Hồ Văn Xừn, mọi người gọi ông là Pả Xừng theo tên con trai đầu lòng. 95 tuổi nhưng Pả Xừng còn rất minh mẫn, ông kể rằng: Ngày xưa, khi người nhà trời và người dưới trần gian còn nói chuyện được với nhau, thần núi Cà Tam được Ngọc Hoàng giao nhiệm vụ canh giữ dòng suối chảy từ trên đỉnh Động Mang để ngày ngày các tiên nữ xuống tắm. Rồi vào một ngày nọ, khi các tiên nữ đang đùa nghịch trong dòng nước mát thì bỗng nhiên xuất hiện một con quỷ dữ, nó sà xuống và bắt đi nàng tiên út xinh đẹp. Biết tin con gái bị quỷ dữ bắt đi Ngọc Hoàng vô cùng tức giận, ông bảo với thần núi Cà Tam đi khắp hạ giới tìm người tài giỏi để trèo lên đỉnh Ba Rai tiêu diệt quỷ dữ và đem tiên nữ về, ai làm được thì Ngọc Hoàng sẽ chọn người đó là con rể. Tuân lệnh Ngọc Hoàng, thần núi Cà Tam đi rất nhiều nơi để tìm người tài nhưng chẳng một ai có đủ can đảm giao chiến với con quỷ trên đỉnh Ba Rai. Đang trong lúc mệt mỏi thì thần núi Cà Tam nhìn thấy từ xa có một chàng trai dáng vóc lực lưỡng, trên vai khoác một chiếc nỏ lớn, tay cầm một cây búa to đang xăm xăm đi đến chỗ thần núi ngồi nghỉ. Khi chàng trai đến gần, thần núi cất tiếng hỏi “Nhà ngươi là ai, đến tìm ta có việc gì?”. Chàng trai trả lời “Con tên là Piar tong a rát, nhà ở bản bên, con nghe nói thần núi đang đi tìm người trèo lên đỉnh Ba Rai giết quỷ dữ để cứu tiên nữ nên con đến xin đi”. Thần núi nghi ngại hỏi lại chàng trai “Thế nhà ngươi có tài gì mà đòi đi giết quỷ dữ?”. Chàng trai trả lời “Con có tài bắn nỏ, tài chém búa và lòng dũng cảm”. Nghe chàng trai nói vậy, thần núi gật đầu đồng ý và hẹn chàng trai “Ta sẽ ngồi đây chờ nhà ngươi cứu tiên nữ trở về. Ta khen cho một chàng trai dũng cảm”. Tạm biệt thần núi, chàng trai chạy nhanh như gió về phía đỉnh Ba Rai, dù ở rất xa nhưng thần núi Cà Tam vẫn nghe rõ âm thanh giao chiến. Lúc mặt trời dần khuất sau đỉnh núi cao thì chàng trai bế tiên nữ trở về chỗ của thần núi ngồi đợi. Đặt tiên nữ xuống đất, chàng trai cũng kiệt sức, thần núi định đỡ chàng ngồi dậy thì chàng xua tay ngăn cản, giọng chàng thều thào “Thần đừng chạm vào người con bởi con đã bị dính máu độc của quỷ dữ nên rất nguy hiểm, con sẽ chẳng sống được lâu nữa đâu vì máu độc của quỷ đã thấm sâu vào xương, thịt con. Trước lúc ra ngủ ở rừng ma, con cầu xin thần núi một điều có được không? Thân núi về tâu với Ngọc Hoàng, khi con chết cho con được biến thành một loài hoa màu vàng mọc khắp núi rừng để cho những người con gái yêu hoa sẽ hái về giữ ở trong nhà mình”. Nói xong, chàng trai trút hơi thở cuối cùng. Thần núi Cà Tam đem ước nguyện của chàng trai lên tâu với Ngọc Hoàng, không lâu sau mọi người nhìn thấy từ ngôi mộ của chàng trai mọc lên một loài cây leo có sức sống rất mãnh liệt và cứ mỗi khi mùa hè đến nở ra những chùm hoa vàng rực rỡ khắp núi rừng.

Pả Xừng dừng lời kể, tôi tạm biệt ông để lội suối đến thăm rẫy chuối của nhà ông Lê Văn Hoan.

- Sao bác lại dám xung phong trồng cây chuối mật mốc? Tôi mở đầu buổi nói chuyện bằng câu hỏi.

Ông Hoan nhìn tôi mỉm cười, rồi kể rõ ngọn ngành.

- Năm 1978, tôi nhập ngũ vào lực lượng Công an nhân dân vũ trang (nay là bộ đội Biên phòng), 5 năm trời gắn bó với bà con Vân Kiều, Pa Kô ở vùng biên giới nên tôi quá hiểu đời sống bà con dân bản khó khăn, thiếu thốn như thế nào. Năm 1982, tôi ra quân và làm hợp đồng cho công ty vật tư, thế nhưng mỗi khi nghĩ đến bà con dân bản là như có một điều gì đó thôi thúc tôi trở lại. Năm 1995, tôi vào ở hẳn với bản Cù Bai, cùng chiếc xe ba cầu hiệu Hồng Hà cà khổ, tôi xin đồn Biên phòng Cù Bai (nay là đồn Hướng Lập) để làm nơi ăn ở và thu mua sắt vụn, trao đổi hàng hóa phục vụ nhu cầu sinh hoạt cho bà con dân bản. Bắt đầu từ đây, tôi nảy sinh ý định trồng lại rừng trên vùng đất bị bom đạn và chất độc hóa học hủy diệt. Năm 1999, tôi tiên phong trồng cây bời lời trên vùng đất này và đã thành công nhưng giờ đây giá vỏ cây bời lời thấp quá nên phải tìm loại cây khác để phát triển kinh tế. Tôi có người bà con ở xã Tân Thành nhờ trồng cây chuối mật mốc mà kinh tế gia đình khá giả lắm, tôi rất thích nhưng chẳng biết làm như thế nào, may có bộ đội Biên phòng mở lối nên tôi tình nguyện trồng thí điểm. Mới chỉ gần một năm thôi mà cây chuối đã phát triển khá tốt, mong sao trong tương lai vùng đất Hướng Lập sẽ trở thành một vùng chuối nguyên liệu như ở Tân Long, Tân Thành và thị trấn Lao Bảo.

Nhìn rẫy chuối của ông Hoan, giữa tiết trời nắng hạn dài ngày vẫn có những mầm non nhú lên tràn đầy sự sống, bỗng nhiên tôi cảm thấy cái nắng dịu đi phần nào. Tạm biệt gia đình ông Hoan, tôi về nghỉ lại tại trạm kiểm soát Cù Bai, đêm gần cuối tháng nên trăng mọc muộn. Tôi lại đặt câu hỏi với Trung tá Nguyễn Quang Tuấn:

- Hệ thống giao thông từ Khe Sanh vào Cù Bai vừa xa, vừa khó khăn, nhất là vào mùa mưa, vậy nhỡ khi chuối đến kỳ thu hoạch không vận chuyển được thì sao?

Tuấn vững tin trả lời:

- Em đã tìm hiểu kỹ rồi, quả chuối mật mốc rất được Trung Quốc và một số nước trong khối ASEAN ưa chuộng, điều đáng nói là họ thích thu mua quả chuối còn xanh nên việc bảo quản và vận chuyển không quá phức tạp. Em muốn phát triển loài cây này rộng khắp trên đất Hướng Lập để địa phương lấy nó làm sản phẩm chủ lực theo định hướng “Mỗi xã một sản phẩm”.

Tuấn ngước mắt nhìn lên bầu trời rồi reo to: “Mây kéo về rồi, gió về rồi anh ơi, mong sao ngày mai trời sẽ mưa để vườn chuối không còn phải chịu cảnh hạn hán”. Đêm hè cuối tháng năm âm lịch, vầng trăng khuyết neo sắc vàng trên đỉnh Cà Tam, những áng mây mang hơi nước theo từng đợt gió tụ lại trên đỉnh núi chuẩn bị thả xuống vùng đất này giọt nước trời, cho con người, cỏ cây, muông thú giải tỏa cơn khát lâu ngày. Nghe rất khẽ trong cơn gió, tiếng những tàu lá chuối xào xạc, một mô hình sản xuất mới đang manh nha hình thành trên vùng đất biên cương Hướng Lập đầy khát vọng vươn lên trong công cuộc xóa đói giảm nghèo.

N.T.P

 

 

 

NGUYỄN THÀNH PHÚ
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 300 tháng 09/2019

Mới nhất

Bộ từ điển bỏ lại giữa rừng sâu

5 Giờ trước

Sau hiệp định Pari, 27/1/1973, chiến tranh tạm dừng, đại đội tôi đóng quân giữa bãi cát Lệ Xuyên, huyện

Đi tìm cỏ

5 Giờ trước

Nhiều lúc ngồi thẫn thờ nhìn đàn trâu bò gặm cỏ dọc triền đê chợt giật mình: Cỏ quê

Chị ấy…

5 Giờ trước

Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Huế tổ chức một chuyến đi thực tế dài ngày tại Tổng Công

Pa Ling mùa mưa

6 Giờ trước

Tháng 11, dưới cơn mưa rừng tầm tã, chúng tôi tìm về thôn Pa Ling, xã A Vao, huyện Đakrông,

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/03

25° - 27°

Mưa

31/03

24° - 26°

Mưa

01/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground