Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Mùa cá rải đồng bãi Diên Sanh

M

ấy ngày nghỉ lễ, người bạn thân cùng lớp cấp 3 của hơn bốn mươi năm trước rủ tôi về thăm làng Trường Sanh quê bạn cách chợ Diên Sanh hai, ba cây số. Bạn tôi vốn là một doanh nhân thành đạt ở Sài Gòn, từng tham gia đóng góp và tài trợ cho học sinh nghèo vượt khó trong chương trình “Tiếp sức đến trường” của báo Tuổi Trẻ tổ chức tại tỉnh Quảng Trị. Anh vốn là một học sinh rất ham học, xuất thân từ một gia đình nghèo khó ở làng quê Trường Sanh. Ngày đó, muốn thoát nghèo đa số con em ở quê phải chọn con đường học vấn, với bạn, khát vọng được đến trường trở thành niềm đam mê cháy bỏng. Khi phải xa nhà ra thị xã Quảng Trị để trọ học, bạn lại rơi vào hoàn cảnh khó khăn, phải lây lất chịu khó lao động làm thêm để có cơm áo đến trường. Rồi cũng không thể trụ được, học đến lớp đệ nhị (cấp 3 bây giờ) thì phải nghỉ, giấc mơ đèn sách đành phải gác lại bên trời. Phần nữa, gia đình bạn thuộc diện Cộng sản (Cha bạn có hai em ruột và đứa con đầu tập kết ra Bắc). Chế độ Ngô Đình Diệm ép, một, muốn ở lại quê phải tố Cộng và theo đạo Công giáo; hai, gia đình phải vào khu dinh điền heo hút chưa khai phá trong rừng sâu ở Sông Rây, gần với Ngãi Giao. Hai điều phải chọn một. Cha bạn chọn đi khỏi làng, chọn vào rừng rú hoang vu. Vài năm sau thì cả gia đình trở lại làng, riêng bạn tôi trước đó đã lên Sài Gòn.

Ngày đó bạn tôi vẫn tâm đắc một câu nói của Khổng Tử: “Khốn nhi tri”, tạm hiểu là từ khốn cùng, từ khó khăn lao khổ để biết, để vươn lên. Mà muốn biết thì phải học. Bạn không đến trường được nữa thì bạn tìm cách học ở trường đời như Maksim Gorky từng coi trường đời chính là những trường đại học của nhà văn. Rồi thì anh một mình vào Sài Gòn lúc mới vừa mười chín tuổi, lăn lộn làm đủ nghề chỉ để tồn tại. Mấy chục năm sau, anh trở thành một doanh nhân thành đạt. Gặp lại nhau, anh mới thổ lộ: Giá như ngày ấy mà mình được học hành đến nơi đến chốn, mình sẽ có cơ hội để đóng góp cho cộng đồng và quê hương nhiều hơn nữa. Chính cái nỗi niềm gần mười năm trước ấy, cứ mỗi lần về Quảng Trị cũng canh cánh thực hiện ước mơ giúp đỡ những học sinh nghèo của tỉnh và quê hương Hải Lăng. Ngôi nhà ở quê đã không còn, cha mẹ đã mất, anh em đều tha hương. Những lần trở lại Quảng Trị bạn cũng chỉ kịp ghé thăm làng thăm hỏi bà con rồi về Đông Hà ở lại để làm việc, duy chỉ có lần này dư dả thời gian, cơ hội để “đắm mình tắm gội” nơi miền quê tâm tưởng…

Chúng tôi về ở lại trong ngôi nhà của bà thím ở quê. Chồng của thím là chú ruột của bạn, đi tập kết ra Bắc, giải phóng trở về làng được vài năm thì mất. Ngôi nhà trở thành là nơi thân thiết gần gũi nhất với bạn. Suốt một ngày, đêm trước do ảnh hưởng của cơn bão, mưa dữ dội, nước ngập cả một vùng quê quanh thị trấn Diên Sanh. Huyện Hải Lăng về mặt địa lý, địa hình có nhiều vùng trũng thấp, nhiều trằm cát, vùng Càng trũng sâu, bao quanh là bốn con sông, kênh đào như Ô Giang, Ô Lâu, Vĩnh Định và Mai Lĩnh nên chỉ cần mưa lớn một vài ngày là ngập nước. Nói thêm về vùng Càng ở Hải Lăng, đó là một vùng trũng mênh mang ruộng đồng rất dễ ngập lụt như Càng Cây Da, Càng Hội Điền. Chỉ cần một đêm mưa lớn đã thấy nước lụt về ngập tràn đồng bãi. Lúc này, nông dân đã gặt lúa về nhà, khắp cánh đồng trải dài mênh mang tăm tắp nước lụt. Bầu trời âm ẩm một màu xam xám thăm thẳm hồn quê. Nước lũ trên sông suối đổ về mang theo phù sa, người làng gọi là nước sỉa. Đồng thời, nước sỉa cũng mang theo cơ man đủ các loài cá. Cá trên nguồn theo về đẻ trứng, cá nào cũng nưng nức trứng đủ các loại: cá gáy, cá diếc, nhất là cá lúi… Người làng gọi mùa sinh sản của cá là mùa cá rải. Thú thật là người Quảng Trị nhưng tôi mới nghe lần đầu cách gọi này vì ở quê tôi không có cái địa hình nhiều thủy lộ và đất trũng như ở Hải Lăng. Không chỉ cá mà cũng là mùa đánh bắt chim, nào là mỏ nhát (chim dạt), le le, trích… Tôi từng có dịp đi bắt chim mỏ nhát ở vùng quê Nước Ngọt của Huế. Thường khi trước mùa mưa, lúa vừa gặt xong thì chim về ăn lúa sót lại trên đồng và ngủ lại. Ban đêm chỉ cần mang đèn bão, chim bị ướt sũng không bay được, chỉ cần lấy cái vợt như cái rớ nhỏ úp lại và chụp xuống là xong. Làng Trường Sanh của bạn, thôn Đông với hơn nửa chu vi giáp vùng sông nước nên mùa cá rải thì chỉ cần ra đồng bãi là tha hồ, cứ vợt lên là cá đầy oi. Trong những ngày mưa đầu mùa, ở Hải Lăng nếu đừng lũ lụt lớn, nước chỉ xăm xắp đến đầu gối có thể lội thoải mái, mùa cá rải chim muông thật tuyệt vời, bữa cơm ngày mưa lũ cũng thật “hào sảng” cá chim.

Cánh đồng Diên Sanh mùa nước bạc - Ảnh: C.N

Cánh đồng Diên Sanh mùa nước bạc - Ảnh: C.N

Bữa cơm mà thím dọn cho đứa cháu ở xa về, chao ơi là khó nói, một soong cá lúi kho quẹo, cá chỉ bằng ngón tay cái mà trứng thì nưng nức béo ngậy đậm mùi quê kiểng, lại dạt dào tâm cảm. Bạn và tôi xa quê lưu lạc lận đận xứ người mấy chục năm nên khi trở lại dù chỉ là món ăn đơn sơ nhưng hình như chỉ có ở miền gió Lào cát trắng sau những ngày mưa lũ, lòng bỗng dâng lên một mối cảm hoài xa vắng khi nghĩ về mẹ mình đã không còn nữa, và những bữa cơm mẹ nấu ngày mưa gió. Thật ra cái vị giác của mỗi người bao giờ cũng hình thành từ những ngày thơ bé bên mẹ, những món ăn mẹ nêm nấu cho ta ăn đã vấn vương hương vị riêng có của vùng miền rồi, dù cả mấy chục năm vẫn không hề quên được, chỉ cần đụng đến trên đầu lưỡi lại rung lên mối cảm xúc kỳ lạ khó tả, nó mông lung và xa xăm lạ lùng. Bạn rất cảm động, đôi mắt đã rưng rưng. Bà thím thấy thế mới nhắc: - Cay chảy nước mắt quá à con… - Dạ không, thím, bạn tỏ vẻ luống cuống, không nói nên lời. Tôi nhớ đến nhà thơ Chế Lan Viên, thời gian xa cách với mẹ dài đằng đẵng bằng cả cuộc chiến tranh, trong lần quy cố hương gặp lại mẹ không khỏi xúc động đến lặng người: Canh cá tràu mẹ thường hay nấu khế / Khế trong vườn thêm một tí rau thơm / Ừ, thế đó mà một đời xa cách mẹ / Ba mươi năm trở lại nhà, nước mắt xuống mâm cơm!…

Chiều nay, hai anh em tôi tóc đã ngả màu sương lại ngồi nhìn nhau mà nhớ mẹ. Cả hai đều không còn mẹ, không còn anh em nhà cửa ở làng quê, nên bạn không cầm được nước mắt.

Nhà của thím lại nằm ngay bên đường lộ, là con đường thiên lý của hơn mấy chục năm trước, giờ xe cộ đã ít qua lại vì Quốc lộ 1 đã làm đường mới rồi. Vẫn là câu chuyện ngày cũ về bạn bè thuở “áo vá cơm khoai”: - Ông biết không, bạn bè cùng lứa giờ cũng xiêu tán hết, có đứa thì bệnh nặng, có đứa đã mất, đứa đi làm ăn xa, không còn ai ở quê cả. Ngày trước trời mưa, bọn mình đứa nào cũng mặc áo tơi lá co ro cũng trên con đường này, từ nhà ra đến trường ngoài thị trấn Diên Sanh cũng sáu, bảy cây số. Đứa nào cũng chỉ một bộ đồ, lỡ mưa ướt phải về hơ lửa cho khô để mai đi học tiếp. Tuổi thơ khoai sắn nhọc nhằn nhưng đầy kỷ niệm chênh chao đến nặng lòng.

 

 

 

 

HỒ SĨ BÌNH
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 301 tháng 10/2019

Mới nhất

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Hội VHNT tỉnh trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm “Trường Sa - Quảng Trị: Sắc màu biên cương”

23/03/2024 lúc 16:22

TCCVO - Chiều 22/3, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị tổ chức trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm

Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực

18/03/2024 lúc 00:07

TCCVO - Chiều 15/3, tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, UBND tỉnh Quảng Trị và Ủy ban chính quyền tỉnh Savannakhet (Lào) phối hợp tổ chức Hội thảo “Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực”.

Liên hoan dân vũ chủ đề: "Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng"

16/03/2024 lúc 06:02

Chào mừng kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế phụ nữ (08/3/1910 - 08/3/2024), 1984 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng; Hướng đến kỷ niệm những sự kiện lớn của quê hương đất nước; kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7-2024), Sáng ngày 07/3/2024, Công đoàn viên chức tỉnh tổ chức Liên hoan dân vũ trong nữ Công chức, viên chức, người lao động (CCVCLĐ) năm 2024 với chủ đề “Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng”.

Phát huy vai trò “báo chí kiến tạo, báo chí giải pháp”

15/03/2024 lúc 07:05

TCCVO - Sáng ngày 13/3/2024, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hội nghị giao ban công tác báo chí tháng 1 và 2 năm 2024 và định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm tuyên truyền trong thời gian tới. Đồng chí Hồ Đại Nam, UVBTVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/03

25° - 27°

Mưa

31/03

24° - 26°

Mưa

01/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground