Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 26/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Thầy

Có một lần, mình đang ngồi uống café ở một quán ven đường, một người bán vé số cất tiếng mời “Thầy ơi, mua dùm tờ vé số đi thầy”.  Lúc đó, mình rất ngạc nhiên và tự hỏi, ủa sao mà người ta biết mình là thầy giáo? Có phải tại mình ăn mặc chỉnh tề, bỏ áo vào quần, lời lẽ chuẩn mực, tác phong từ tốn …?

Nghĩ xong lại thấy buồn cười. Một người bán vé số, tất bật tìm khách để bán nhanh những tờ vé mà chỉ sau hơn 4h rưỡi chiều đã trở thành giấy vụn thì cớ gì họ lại có thời gian để quan sát về trang phục, về tác phong của mình đâu…? Có lẽ chỉ là một tiếng gọi “thầy” bình thường thôi, kiểu xưng hô cũng có giá trị ngang như một đại từ giao tiếp trong dòng chảy cuồn cuộn ồn ã của cuộc sống bây giờ, như “anh ơi, ông ơi, chú ơi, bác ơi, mua dùm tờ vé số…”. Vậy thôi.

Nhưng tiếng “thầy” với mình đặc biệt lắm, nếu không muốn dùng một mỹ từ khác, là thiêng liêng lắm.

Thật ra, tiếng “thầy” mình đã nghe khi còn rất nhỏ, khi ai đó gọi ba mình. Ba (và cả mẹ mình nữa) làm nghề giáo từ khi hai người chưa về cùng một nhà. Lúc đó, ở một ngôi trường quê, thời xưa cũ, khoảng thập niên 60, dân tình gặp ba mình là cúi đầu “chào thầy”, bất kể ba vừa rời khỏi cổng trường tạt qua tiệm tạp hóa mua đồ hoặc được mời có mặt ở một đám giỗ, đám thôi nôi, đầy tháng ở nhà một ai đó trong thị trấn.

Thời đó, người ta trọng thầy ghê lắm, mà thầy lúc ấy cũng oai phong lẫm liệt lắm. Ở trường, học trò răm rắp. Về nhà, đúng điệu công chức lao động trí óc. Lương cao (tương đương với mấy cây vàng), ra ngõ là đóng thùng (ý là bỏ áo vào quần rất tươm tất), tay cầm cái cặp da trông thật đĩnh đạc. Ngoài giờ dạy thì chỉ tập trung lo cho chuyên môn, rãnh rỗi thì xách vợt đi chơi thể thao, thời gian còn lại là tổ chức các hoạt động ngoại khóa, đến thăm nhà học trò v.v… Hè đến, nếu không có lịch tập huấn nghiệp vụ sư phạm thì sắp xếp đưa cả nhà đi du lịch, thăm thú nơi này nơi khác.

Học trò lớn nhỏ đều một chữ cũng thầy, nửa chữ cũng thầy. Phụ huynh, ngoài sự kính trọng, họ còn yêu quý và chăm sóc cho người đã bỏ công sức dạy dỗ cho con em mình. Quân, sư, phụ mà. Thầy còn hơn cả cha mẹ vì có công dạy dỗ, uốn nắn ta nên người. Mà thành nhân còn quan trọng hơn cả công thành danh toại. Với họ, không thầy, đúng là đố mày làm nên. Muốn sang thì bắc cầu kiều, muốn con hay chữ phải yêu kính thầy. Mà phàm bậc làm cha mẹ, mấy ai lại không muốn con mình hay chữ?

Lớn lên trong bầu không khí của một gia đình có truyền thống làm thầy, mình cũng đi vào nghề một cách tự nhiên. Nói là cha mẹ định hướng cũng đúng. Nhưng không loại trừ bản thân mình đã quen hít thở cái không khí tôn sư trọng đạo đó ngay từ nếp nhà. Tuy nhiên, học sư phạm để làm thầy, nhưng mình vẫn chưa ý thức sâu sắc cái chữ “thầy” vận vào người cho đến khi mình bắt đầu đi kiến tập, rồi thực tập.

Khi được những học trò đầu tiên gọi là thầy, cảm giác là rất vui, cái niềm vui vẫn còn hơi trẻ con khi thấy mình được xem là người lớn (khi mình thích được xem là người lớn, hẳn là mình chưa lớn). Nhưng đêm về, ngồi trước trang giáo án đầu đời, mình bắt đầu cảm thấy sợ. Rủi mai vào lớp, đang thao thao bất tuyệt với những kiến thức vừa mới thu lượm được từ mấy năm sư phạm, lỡ như học trò đứng dậy hỏi, thầy ơi, em không hiểu cái này, thầy ơi, em không biết cái nọ, mà mình, lúc đó là thầy, ú ớ ngẩn mặt ra, thì còn cái thể thống gì? Thế là có chút sợ khi được (hay bị) kêu thầy. Nhưng nỗi sợ đó tích cực lắm, hiệu quả lắm khi trở thành động lực để mình cố gắng không làm cho những em học trò ngây thơ vô tư gọi mình là thầy, thất vọng. Sự sợ hãi đeo bám từng ngày rượt đuổi sự cố gắng cũng chạy mải miết từng ngày…Để bản thân mình luôn nỗ lực chăm chút và làm mới chữ tâm, chữ tài trên bục giảng.

Rồi không chỉ khi học trò không hiểu bài, mà cả những lúc các em thất vọng, bế tắc, chán nản vì một điều gì đó, các em cũng tin cậy gọi “thầy ơi”. Những lúc các em mất niềm tin vào một ai đó, nhưng các em vẫn “của tin còn một chút này” mà cất tiếng gọi “thầy”, để được tư vấn, động viên, chia sẻ. Hay đơn giản chỉ là để thỏa mãn nhu cầu chính đáng của học trò là muốn được lắng nghe, được tôn trọng. Tiếng “thầy” bấy giờ còn trở thành cứu cánh, trở thành điểm tựa.

Thương nhất là những lớp học trò mới đứng lên chào và gọi thầy trong những tiết học đầu tiên thầy trò đến với nhau. Thương cả những thế hệ học trò đàn anh, đàn chị đã đủ lông đủ cánh tung bay khắp nẻo đường đời, rồi một ngày tìm về trường cũ, cất tiếng gọi thầy“Thầy ơi, em nhớ trường, nhớ lớp, nhớ thầy, nhớ bạn nhiều lắm, thầy ạ…”. Đúng rồi. Nhớ làm sao cái nơi mà chúng em được nhận và được cho đi không toan tính, nhớ sao không gian trong trẻo nhất trong đời, mà cái hờn giận, ganh đua cũng trong sáng vô cùng (không phải cái tị hiềm, ghen ghét của chốn bụi đời sau này), nhớ lắm môi trường trong lành và bừng sáng những ước vọng, tin yêu. Nơi chốn mà ở đó, nghĩ về mọi thứ, trong đó có “thầy”, chúng em như có thêm động lực để sống mạnh mẽ, sống nhân hậu, sống tử tế.

Vậy mà, cuộc đời nhiều khi cũng có những đảo lộn, đổi thay và những cơn dư chấn của thời cuộc mà màu sắc thực dụng nhuộm đen mọi thứ, tác động không nhỏ vào chốn học đường, nơi lẽ ra chỉ là chốn bình yên chim hót, nơi lẽ ra chỉ có màu áo trắng tinh khôi cùng những cảm xúc như thủy tinh trong vắt. Tiếng “thầy” cũng chao đảo ngã nghiêng. Nhưng tiên trách kỷ hậu trách nhân. Không thể không thừa nhận rằng, có những người thầy tự làm nhem nhuốc tiếng thầy. Có những người đã trục lợi từ bảng đen phấn trắng. Có những người đã bán rẻ chữ thầy trong cái bát nháo của mặt trái kinh tế thị trường. Họ tự biến mình thành những tấm gương lem luốc, vấy bẩn. Đáng buồn là họ cứ khư khư chiếm lấy một chỗ đứng trên bục giảng khi có rất nhiều người đam mê, chăm chút cho nghề, trân trọng nghề nhưng lại không có cơ hội làm thầy. Bao giờ thì mới thôi những nghịch lý đáng buồn như vậy? Bao giờ mới không còn những người tự hạ thấp giá trị nghề nghiệp của mình trước khi người khác hạ thấp mình…?

Tiếng “thầy” có khi cất lên buồn bã từ những đồng nghiệp giàu lòng tự trọng gọi nhau trong chua xót. Những hiện tượng cá biệt có khi bị khái quát thành bản chất để một bộ phận dư luận cơ hội, cực đoan xỉa xói, nhiếc móc và xúc phạm chữ “thầy”. Những vấn nạn học đường mà một số người được gọi là “thầy” trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra đã như đổ dầu thêm lửa; chữ “thầy” chân chính phải quay cuồng trong phán xét, phải co rúm mình trước những lời đấu tố gay gắt, phải ngụp lặn trong đắng chát thị phi.

Thương thay cho phẩm giá của những người thầy chân chính. Và đến khi, điểm tựa để họ neo lại với nghề là chính học trò mình, giờ đây lại là đối tượng xúc phạm đến mình thì e rằng, như giọt nước tràn ly, mối dây liên hệ ràng buộc với nghề nghiệp của họ càng ngày càng mong manh hơn nữa…

Biết là sức người có hạn, nhưng lòng vẫn mong cho “chân cứng đá mềm”. Những người thầy, trong đó có mình, chắc là có lúc sẽ dao động, sẽ mệt mỏi và ngao ngán… Nhưng tôi ơi, và những đồng nghiệp chân chính đầy trân quý, hãy xem lớp học và ngôi trường của mình như một thánh đường, để khi bước vào nơi chốn đó, ta sẽ gột rửa hết mọi lo toan, thị phi ngoài cửa lớp, gác lại hết những cơm áo gạo tiền ghì sát đất, để đĩnh đạc bước vào vị trí trung tâm cùng học trò mình, nhìn sâu vào mắt các em, kể cả những em cá biệt, để thăng hoa cùng những bài giảng tràn đầy cảm hứng. Dù có lúc tuyệt vọng cùng cực, cũng không được buông tay, mà phải vững vàng níu lấy những tâm hồn trong trẻo của học trò mình trước những cám dỗ tiêu cực của cuộc sống thực dụng. Dù là rất gian nan, dù là ranh giới xấu - tốt, thiện - ác như đường tơ kẽ tóc, mình cũng phải kiên trì cố gắng giành lấy chúng, từng em một, về phía ánh sáng của sự tử tế, của lòng nhân hậu. Để giữ cho cuộc sống này được tốt hơn, được đẹp hơn…

Và để cho tiếng “thầy” vẫn thiêng liêng, vẫn gần gũi mà đầy kiêu hãnh với trọng trách đa mang từ xưa cho đến tận bây giờ và mãi mãi về sau…

T.T.C

Nguồn: Trang báo sinh viên Đại học An Giang

http://enews.agu.edu.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=18391:a-tha-ya-a-ta-n-v-n-ca-a-tra-n-ta-ng-chinh&catid=18:tan-man&Itemid=122

TRẦN TÙNG CHINH
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 302 tháng 11/2019

Mới nhất

Giường sắt có tốt không? Địa chỉ mua giường sắt uy tín?

24/04/2024 lúc 23:00

Giường sắt là một trong những đồ dùng nội thất không thể thiếu trong mỗi căn nhà, để đảm bảo cho gia chủ có một nơi nghỉ ngơi sau ngày dài mệt mỏi. Ngày nay, giường sắt đang khá phổ biến trên thị trường. Nếu bạn đang tìm hiểu về loại giường này và muốn tìm cho mình một địa chỉ mua giường sắt uy tín và chất lượng hiện nay thì đừng bỏ qua bài viết dưới đây của Công Ty Cổ Phần Nội Thất Đại Thành.

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

27/04

25° - 27°

Mưa

28/04

24° - 26°

Mưa

29/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground