Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Một giấc mơ dưới chân đồi Động Tri

“Đèn bật sáng, những du khách ngỡ ngàng nhìn căn phòng chiếu phim trong khoang bụng của chiếc máy bay C-130. Trong những thước phim tài liệu họ vừa xem trước đó có hình ảnh của chiếc máy bay này. Và nhiều máy bay khác cũng đang trưng bày trên một thảo nguyên mênh mông trước mắt họ. Hầu như những máy bay của hai phía tham chiến trong chiến tranh Việt Nam đều được trưng bày ở đây. Những chiếc Mic 17, Mic 19, Mic 21… những máy bay Antonov và bên kia là những chiếc khu trục dòng F: F4, F5, F105… rồi A37, những máy bay vận tải C-130, C-119, máy bay trinh sát IL-18, trực thăng HU…”

Chắc chưa ai biết có một bảo tàng chiến tranh với hàng trăm “cổ vật máy bay” như thế đang ở Khe Sanh, Quảng Trị?

Dĩ nhiên không có ai biết là phải, bởi người viết bài này cũng đang kể về một giấc mơ của mình về một bảo tàng như thế khi ngồi trên chiếc ghế lái của chiếc C-130, máy bay vận tải quân sự hạng nặng của Mỹ đã sử dụng trong chiến tranh Việt Nam đang trưng bày ở Tà Cơn. Trên sân bay mênh mông này giờ chỉ có ba chiếc máy bay: một chiếc trực thăng HU-1A, một chiếc vận tải Chinook, một chiếc C-130, nhưng nếu quyết tâm, chắc chắn việc biến miền đất chiến địa này thành Bảo tàng chiến tranh Đông Dương sẽ rất khả thi. Và từ bảo tàng tầm vóc như thế, chúng ta sẽ hy vọng tới những điều xa hơn! Bao nhiêu lần đi về, cứ mỗi lần đứng trước sân bay Tà Cơn, trong tâm trí tôi giấc mơ ấy lại hiện về.

Mấy tháng trước, những ngày chuẩn bị diễn ra hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều, các phương tiện vận chuyển của đoàn Tổng thống Mỹ Donald Trump được báo giới quan tâm, ngoài chiếc máy bay Air Force One còn có đội máy bay vận tải gồm những máy bay C-17 và C-130 liên tục bay đến Nội Bài, không chỉ chở theo trực thăng Marine One của Tổng thống mà còn rất nhiều phương tiện phục vụ cho chuyến công du. Dòng máy bay C-130 được chọn là phương tiện vận tải chiến lược của quân đội Mỹ, từng được sử dụng rất nhiều trong chiến tranh Việt Nam, nhưng ít ai biết ở Quảng Trị, có một chiếc C-130 đang được trưng bày tại sân bay Tà Cơn của chiến trường xưa Khe Sanh.

Chiếc máy bay với sải cánh hơn 40 mét, dài gần 30 mét, cao gần 12 mét, chỉ riêng mình chiếc C-130 đã chiếm một không gian trưng bày hàng ngàn mét vuông trong khu di tích. Cùng với chiếc máy bay UH-1H và chiếc Chinook CH-47 được trưng bày tại đây, một chiếc cường kích A37 khác được trưng bày tại bảo tàng Quảng Trị, một chiếc C-119 đang chuẩn bị nhận về - những chiếc máy bay ấy đang là những hiện vật đang trở thành “cổ vật chiến tranh” mà không nhiều nơi có được.

Anh Lê Quân Miện, cán bộ phụ trách cụm di tích “Nhà bảo tàng chiến thắng Đường 9 - Khe Sanh” ở sân bay Tà Cơn nhớ lại hành trình đưa từng chiếc máy bay về trưng bày ở đây không giấu vẻ tự hào. Bởi với bất cứ di tích nào, hiện vật luôn là bằng chứng sinh động và giàu sức thuyết phục nhất. Sinh sống trên vùng đất chiến tranh Quảng Trị, nơi được thống kê như huyện Vĩnh Linh mỗi người dân chịu tới 7 tấn bom đạn, hay Thành Cổ Quảng Trị, số bom đạn trong 81 ngày đêm được quy đổi sức công phá bằng 7 quả bom nguyên tử mà người Mỹ đã ném xuống Hirosima… Nhưng cho dù số bom đạn nổ mù trời suốt mấy chục năm như thế thì giờ đây việc tìm cho du khách nhìn thấy một cái hố bom của thời chiến tranh đã là chuyện khó với các hướng dẫn viên của tour DMZ. Vì thế, những chiếc máy bay được sử dụng trong chiến tranh Việt Nam được đưa về trưng bày tại đây đã là một nỗ lực quá lớn trên vùng chiến địa xưa.

Chiếc UH-1H và Chinook CH-47 là hai chiếc máy bay đầu tiên được đưa về trưng bày ở Tà Cơn năm 2003, nhân chuẩn bị kỷ niệm 35 năm giải phóng Khe Sanh, UBND tỉnh Quảng Trị đã kiến nghị với Quân chủng Phòng không Không quân để có được hai chiếc máy bay đã hư hỏng nặng (được xếp cấp 5). Thời điểm đó, khi tôi tìm gặp anh Ngô Thanh Bảo - Giám đốc trung tâm di tích danh thắng Quảng Trị để lấy thông tin về những chiếc máy bay đang chuẩn bị trở thành hiện vật trưng bày ở Tà Cơn và bản tin kèm hình ảnh được đăng trên báo Tuổi Trẻ khi máy bay đang được chở từ nhà máy A 42 - Cục Kỹ thuật Quân chủng Phòng không - Không quân ở Biên Hòa (Đồng Nai) về Quảng Trị.

Sau này anh Bảo nói vui: “Nhờ báo Tuổi Trẻ đưa tin ngay khi máy bay vừa được đưa lên xe siêu trường siêu trọng để về Quảng Trị nên trên hành trình chuyển những hiện vật này trên Quốc lộ 1, cứ mỗi khi bị dừng kiểm tra thì ngoài giấy tờ vận chuyển, anh em đưa luôn tờ báo có đăng bản tin bổ sung hiện vật nhân 35 năm giải phóng Khe Sanh vậy là được các lực lượng chức năng tạo điều kiện để về kịp lắp ráp trưng bày.” Thế nhưng với hai chiếc UH-1H và Chinook CH-47 dù sao kích cỡ cũng chưa quá cồng kềnh bởi chiều dài của nó chỉ 15,5m và sải cánh rộng 18,3m. Nhưng đến chiếc C-130 thì hành trình từ nhà máy A41 (Tp. Hồ Chí Minh) về tới Quảng Trị quá cam go. Do kích thước quá khổng lồ, đặc biệt là sải cánh lên đến 40,41m, cao tới 11,6m, máy bay được tách thành từng phần để vận chuyển, tuy nhiên để đi qua các trạm thu phí trên quốc lộ hoàn toàn không dễ dàng. Anh Lê Quân Miện cho biết để đưa chiếc máy bay này từ nhà máy A41 - Cục Kỹ thuật Phòng không - Không quân tại thành phố Hồ Chí Minh về, ngoài phương tiện vận chuyển, nhà máy còn bố trí thêm một xe cẩu hạng nặng để xử lý trong tình huống xe không qua được bởi các cổng chào, các trạm thu phí trên quốc lộ, phần máy bay tháo rời này sẽ được dỡ ra khỏi xe vận tải. Chiếc xe cẩu hộ tống cùng đoàn sẽ cẩu bổng máy bay qua chướng ngại vật rồi tiếp tục cẩu lên xe. Cứ thế, vượt qua từng chặng, hơn cả tháng trời thì chiếc máy bay C-130 đã yên vị ở di tích sân bay Tà Cơn. Và từ khi những hiện vật chiến trường của cuộc chiến tranh Việt Nam được mang về đây, những du khách, nhất là du khách quốc tế đã không phải “huy động trí tưởng tượng” như trước. Bởi ở trong nhà bảo tàng chiến thắng Đường 9 - Khe Sanh có hình ảnh về chiến dịch “trực thăng vận” của lính Mỹ với hàng trăm chiếc UH-1H bay kín bầu trời thì chỉ cần bước ra khỏi nhà bảo tàng, du khách sẽ gặp ngay chiếc UH-1H nằm đó, cho dù ít ỏi nhưng cũng đủ cho khách hình dung.

Cũng như thế, những bức ảnh tư liệu ở chiến trường Khe Sanh năm 1968 chụp những chiếc máy bay Chinook CH-47 đang cẩu lơ lửng giữa trời những chiếc xe, những khẩu pháo bay từ các căn cứ cách đó hàng chục cây số, tuy nhiên phải tận mắt nhìn thấy chiếc máy bay vận tải Chinook ở đây mới hiểu được vai trò của nó trong chiến tranh Việt Nam. Những đỉnh cao bố trí trận địa pháo của lính Mỹ dọc theo tuyến đường 9 xuyên qua vùng Hạ Lào trong giai đoạn này đều nhờ tới sự vận chuyển của dòng máy bay này.

Đặc biệt, chiến dịch Khe Sanh năm 1968, khi quân đồn trú Mỹ tại đây bị vây hãm, đường 9 bị chia cắt, toàn bộ vũ khí đạn dược, thuốc men, lương thực thực phẩm cho hàng vạn quân Mỹ và quân đội Sài Gòn đều nhờ vào đường tiếp tế hàng không mà chủ lực là máy bay vận tải C-130. Trong bản “lý lịch hiện vật” của chiếc C-130 được lưu tại trung tâm bảo tồn di tích có một phần thuyết minh về kỹ thuật “lapes” (bung dù ở tầm thấp) của máy bay C-130. Thời tiết chiến trường Khe Sanh giai đoạn đó nhiều mây mù, máy bay tiếp tế không thể thả dù chính xác. Trong khi đó, Washington gần như đã đặt cược danh dự nước Mỹ vào trận Khe Sanh này - trận chiến sau này được ví như một Điện Biên Phủ của người Mỹ. Vì không thể để mất Khe Sanh nên bằng mọi giá phải chi viện tiếp tế cho lực lượng thủy quân lục chiến đang bị bao vây. Các máy bay vận tải cỡ nhỏ như C-123 Provider hay trực thăng không thể đáp ứng yêu cầu tiếp tế ngày càng lớn, và cho dù với hình dáng khổng lồ rất dễ dính đạn nhưng không còn cách nào khác, người Mỹ đã để phi công của những chiếc C-130 áp dụng kỹ thuật bung dù tầm thấp, máy bay sẽ hạ xuống độ cao dưới 30 mét và bay thẳng, hàng hóa ở khoang sau sẽ được bung dù, khi dù no gió nó sẽ kéo hàng hóa ra khỏi khoang hàng và rơi xuống đất một cách chính xác. Thậm chí nhiều phi công của C-130 đã bay với độ cao 5 mét để thực hiện thả hàng tiếp tế, khi thực hiện cách này, hàng trút khỏi khoang, trọng lượng máy bay được giảm đột ngột và máy bay sẽ tự động bốc lên. Tuy nhiên dù sử dụng đến một cầu hàng không để chi viện, chiến trường Khe Sanh với các căn cứ trải dài từ Lao Bảo về tới tây Cam Lộ đã thất thủ.

Tìm hiểu về chiến tranh Việt Nam chắc khó có nơi nào có thể chuyển tải trọn vẹn thông điệp này như vùng đất Khe Sanh. Bởi từ chiến thắng Khe Sanh năm 1968 đã mở ra cục diện mới, Khe Sanh thất thủ đã khiến hàng rào điện tử McNamara như một phòng tuyến kéo từ biển Cửa Việt lên tận biên giới Việt Lào cáo chung, kế hoạch cắt đứt đường mòn Hồ Chí Minh, uy hiếp sự chi viện từ Bắc vào Nam bị phá sản, mở ra các chiến dịch Hạ Lào, chiến dịch hè 1972 và nối tiếp bằng chiến dịch Mùa xuân 1975. Với một sứ mệnh như thế, Khe Sanh hoàn toàn không chỉ là bảo tàng cho một khu vực mà đủ sức để biến thành một bảo tàng chiến tranh Việt Nam hay xa hơn là chiến trường Đông Dương. Và chính vì thế, những chiếc máy bay được trưng bày ở đây thực sự là những “cổ vật chiến tranh” vô cùng quý giá. Và biết nó thực sự quý giá nên cứ lâu lâu tỉnh Quảng Trị lại “năn nỉ” với Quân chủng Phòng không - Không quân để xin lại những chiếc máy bay “cấp 5” - nghĩa là đã hư hỏng quá nặng, chỉ có thể trùng tu thân vỏ để trưng bày. Vậy mà mất 15 năm cũng chỉ mới xin được 3 chiếc cho cụm di tích Tà Cơn.

Ngồi trò chuyện với tôi, anh Lê Quân Miện mới tâm tư về một chiếc máy bay khác đang được xin về trưng bày tại đây, đó là chiếc C-119 cũng đang được để ở nhà máy A41 - Cục Kỹ thuật Phòng không - Không quân. Cũng là dòng máy bay vận tải chiến lược của quân đội Mỹ, từng được tham chiến trên chiến trường Việt Nam, nhưng C-119 xứng đáng là “cổ vật” hơn vì nó là dòng máy bay ra đời từ năm 1947, tuổi đời tròm trèm 70. Tuy nhiên cho dù Bộ Quốc phòng và Quân chủng Phòng không - Không quân đã đồng ý, nhưng để trùng tu chiếc C-119 này và đưa về tới di tích Tà Cơn, cũng cần ít nhất 2,8 tỷ đồng. Một số tiền không là gì nếu so với những dự án ngàn tỷ “đắp chiếu” được nhắc hàng ngày trên báo nhưng lại quá lớn với một tỉnh nghèo như Quảng Trị. Anh Nguyễn Quang Chức, phụ trách Ban quản lý di tích và danh thắng Quảng Trị khi biết được di tích Tà Cơn sẽ được Bộ Quốc phòng cho thêm một “cổ vật máy bay” để trưng bày vui mừng bao nhiêu thì khi nghe nói số tiền cần có để trùng tu và vận chuyển về đây lại ôm đầu lo lắng bấy nhiêu.

Rất nhiều lần lên với Tà Cơn - Khe Sanh, nhìn mỗi ngày những đoàn khách với đủ quốc tịch háo hức ghé thăm di tích, sung sướng đứng chụp ảnh cùng với hiện vật chiến tranh, nhưng rồi với số hiện vật ít ỏi ấy, cả một tour vòng quanh từ công sự lính Mỹ đến những ba “cổ vật máy bay” cũng chỉ chưa đến hai tiếng đồng hồ, trong khi lẽ ra với quá khứ chiến tranh như thế, với lịch sử bi tráng như thế, Khe Sanh cần phải được tham quan hai ngày chứ không chỉ là hai giờ đồng hồ.

Với một không gian được dành tới 30 hecta, và có thể được mở rộng thêm, cụm di tích này xứng đáng để trở thành một bảo tàng các phương tiện, khí tài tham chiến trên chiến trường Việt Nam, không riêng gì các “cổ vật máy bay” của chiến tranh Việt Nam. Chỉ cần tưởng tượng cả vùng đất bằng phẳng dưới chân đồi Động Tri này trở thành một bảo tàng chiến cụ, với hàng chục chiếc máy bay “cấp 5” được tu sửa và trưng bày đã đủ thu hút du khách tìm về đây bởi sau cuộc chiến tranh, những người lính, những chứng nhân cũng già theo tuổi tác và một ngày kia ai cũng phải từ giã cõi đời, nhưng những chiến cụ, những vật chứng của một thời chinh chiến nếu được tập hợp, trùng tu, bày biện chắc chắn nó sẽ là một quá khứ sinh động đủ sức hấp dẫn tương lai.

Cứ mỗi lần trở lại Tà Cơn, khi mở cửa và trèo lên chui vào khoang chiếc máy bay C-130, tôi lại mơ ước có thêm nhiều nữa những chiếc máy bay được sử dụng trong chiến tranh Việt Nam đem về đây, không chỉ là hiện vật trưng bày mà biến chúng thành phòng chiếu phim, thành quán cà phê, thậm chí có thể trở thành nơi lưu trú, thành phim trường... Chắc chắn Quảng Trị, vùng đất với nhiều di tích thấm máu nhất trên thế giới này sẽ khác đi rất nhiều! Chắc chắn như thế!

L.Đ.D

 

 

 

 

 

 

 

LÊ ĐỨC DỤC
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 302 tháng 11/2019

Mới nhất

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Hội VHNT tỉnh trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm “Trường Sa - Quảng Trị: Sắc màu biên cương”

23/03/2024 lúc 16:22

TCCVO - Chiều 22/3, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị tổ chức trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm

Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực

18/03/2024 lúc 00:07

TCCVO - Chiều 15/3, tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, UBND tỉnh Quảng Trị và Ủy ban chính quyền tỉnh Savannakhet (Lào) phối hợp tổ chức Hội thảo “Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực”.

Liên hoan dân vũ chủ đề: "Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng"

16/03/2024 lúc 06:02

Chào mừng kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế phụ nữ (08/3/1910 - 08/3/2024), 1984 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng; Hướng đến kỷ niệm những sự kiện lớn của quê hương đất nước; kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7-2024), Sáng ngày 07/3/2024, Công đoàn viên chức tỉnh tổ chức Liên hoan dân vũ trong nữ Công chức, viên chức, người lao động (CCVCLĐ) năm 2024 với chủ đề “Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng”.

Phát huy vai trò “báo chí kiến tạo, báo chí giải pháp”

15/03/2024 lúc 07:05

TCCVO - Sáng ngày 13/3/2024, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hội nghị giao ban công tác báo chí tháng 1 và 2 năm 2024 và định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm tuyên truyền trong thời gian tới. Đồng chí Hồ Đại Nam, UVBTVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/03

25° - 27°

Mưa

31/03

24° - 26°

Mưa

01/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground