Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 20/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Chuyện liệt sỹ Hùng Việt và những người canh giữ mộ

Trong cuốn lịch sử Quảng Trị kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954) do Bộ Chỉ huy Quân sự Quảng Trị biên soạn, xuất bản năm 1994, tên và ảnh ông Hùng Việt xuất hiện năm, sáu lần. Ở trang 57 sách viết: “Trong thời gian này (tháng 3 - 1947 T.G) một việc rủi ro đáng tiếc xảy ra. Đồng chí Hùng Việt, Trung đoàn trưởng Trung đoàn Thiện Thuật - người chỉ huy dũng cảm mưu trí, người cán bộ được bộ đội nhân dân tin tưởng, yêu mến và là nỗi khiếp sợ của kẻ thù đã anh dũng hy sinh trong khi đang trực tiếp hướng dẫn ba chiến sỹ Tiểu đoàn 14 làm mìn tự tạo diệt địch. Để kịp thời ổn định tổ chức, cấp trên chỉ định đồng chí Trần Sâm làm trung đoàn trưởng (thay đồng chí Hùng Việt)”.

Ông tên khai sinh là Đinh Huy Phan sinh năm 1909, quê quán Nam Tân, Nam Trực, Nam Định. Trong kháng chiến chống Pháp, sau khi mặt trận Tây Nguyên vỡ, Trung ương điều ông Hùng Việt nguyên Chỉ huy trưởng mặt trận Tây Nguyên về Quảng Trị làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn Thiện Thuật (sau đổi tên thành Trung đoàn 95) và kiêm chỉ huy trưởng mặt trận đường 9. Ông nổi tiếng là vị chỉ huy gan dạ, mưu lược cùng trung đoàn chặn đánh cánh quân 500 lính Pháp do Đại tá Tuốc - cánh chỉ huy từ Lào theo đường 9 đánh về Đông Hà trong năm đầu kháng chiến chống Pháp. Ý chí, quyết tâm diệt địch của ông khiến quân Pháp nhiều lần nhừ đòn ở Khe Sanh, Rào Quán, Kho Muối, Đầu Mầu... Sự hy sinh và chiến công của ông Hùng Việt đã được Đảng, Nhà nước ta tôn vinh danh hiệu liệt sỹ - truy phong Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Là một người lính của Trung đoàn 95 đời thứ 8 (tính theo thứ tự các thủ trưởng lần lượt giữ chức trung đoàn trưởng), chúng tôi nghe khá nhiều giai thoại về ông Hùng Việt - vị chỉ huy tài ba đời thứ hai của trung đoàn mình. Chúng tôi vô cùng ngưỡng mộ và thực sự lấy cuộc đời chiến đấu quên mình của ông làm hành trang cho mình trong những năm đánh Mỹ ở chiến trường miền Nam.

Chuyện về cuộc đời và sự nghiệp ông Hùng Việt có thể phải viết hàng trăm trang sách mới đủ. Hôm nay tôi chỉ xin kể khái quát một vài nét lớn như vậy để dành phần còn lại của bài viết kể về chuyện bảo vệ, cất giữ thi hài ông khi đã hy sinh.

Vào một buổi sáng tháng 12 - 1989 sắp đến ngày kỷ niệm quân đội ta tròn 45 tuổi, tại nghĩa trang liệt sỹ huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị có một vị tướng già, tóc bạc trắng cùng một tốp người đứng trầm ngâm lầm rầm khấn vái trước ngôi mộ liệt sỹ Hùng Việt nghi ngút khói hương. Vị tướng đó là Thượng tướng Trần Sâm, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn Thiện Thuật - 95, bạn chiến đấu cùng trung đoàn với liệt sỹ Hùng Việt. Còn tốp người là bà vợ, các con trai, con dâu, cháu đích tôn liệt sỹ bây giờ mới được thắp hương cúng chồng, cha, ông của mình sau 42 năm xa cách. Sao lại có sự chậm trễ dằng dặc đến thế? Xin thưa rằng, để có được ngôi mộ liệt sỹ Hùng Việt đàng hoàng như hôm nay làm sợi dây kết nối giữa người đang sống và người đã khuất là cả một kỳ công, cũng có thể nói là một chiến công, chiến công thầm lặng của các chiến sỹ dân quân làng Nam Phú, xã Vĩnh Nam, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị.

Ngược dòng thời gian về 70 năm trước, ông Hùng Việt hy sinh ngày 9 - 3 - 1947. Trước đó, ông được “bộ đội và nhân dân tin tưởng, yêu mến” bao nhiêu thì cũng là “nỗi khiếp sợ của kẻ thù” bấy nhiêu. Vì vậy, khi bọn Phòng Nhì quân Pháp ở Trung Bộ biết tin ông Hùng Việt không còn nữa thì chúng hí hửng mừng thầm, vì rồi đây khỏi lo đối phó với “con hổ đường 9” (biệt danh quân Pháp đặt cho ông Hùng Việt). Mừng nhưng cục hận vẫn chẹn ngang cổ họng, thế nên chúng tung gián điệp dò la tung tích nơi mai táng liệt sỹ Hùng Việt. Về phía ta đã tính tới trường hợp xấu nhất, nếu địch tìm ra được nơi chôn cất, có thể chúng sẽ khai quật thi hài. Vì vậy việc chôn cất liệt sỹ được giữ bí mật tuyệt đối. Ông hy sinh tại làng Hà Thượng, xã Gio Châu, huyện Gio Linh nhưng ta không dám mai táng ở đó mà phải bí mật đưa ra một địa điểm thuộc huyện Vĩnh Linh cách xa khoảng 20km.

Ông Nguyễn Hoa Nam - nguyên Bí thư Huyện ủy huyện Vĩnh Linh, nghỉ hưu tại thị trấn Hồ Xá, Vĩnh Linh là con trai trưởng của một trong sáu người trực tiếp chôn cất ông Hùng Việt kể: “Một đêm trời rất tối mưa phùn bay lất phất, trời khá lạnh, bố tôi và năm người nữa được lệnh đem theo xẻng, cuốc đến bến đò Quảng Xá, xã Vĩnh Lâm nhận nhiệm vụ. Nhiệm vụ gì chưa được phổ biến nhưng chắc là quan trọng vì những người được chọn đi, ngoài bố tôi là chính trị viên trung đội dân quân phụ trách chỉ huy, những người khác đều là dân quân trung kiên, có hai người bố là đảng viên”.

Kể lại chuyện này, ông Nam nói rất sôi nổi và chi tiết, tôi xin tóm lược như sau: Sáu người đi làm nhiệm vụ đêm hôm đó gồm các ông Nguyễn Minh Trong (thân sinh ông Nguyễn Hoa Nam), Nguyễn Hữu Bi, Nguyễn Văn Hiếc và Đoàn Cung đều ở làng Nam Phú, xã Vĩnh Nam. Tới bến đò Quảng Xá nhận một chiếc quan tài chỉ được biết đó là thi hài một cán bộ cách mạng cao cấp, không được phép hỏi tên, quê quán, chết ở đâu, vì sao chết; nhiệm vụ là đem về chôn giấu, sau này sẽ có người tới nhận. Bốn người, hai đòn lặng lẽ khiêng quan tài. Hai dân quân Nậy A và Nậy B người cùng làng thận trọng vác mã tấu đi kèm hai bên bảo vệ nghiêm cẩn. Đêm tối mù nhưng đoàn người vẫn lầm lũi bước gấp, nhằm hướng Rú Theo của làng trực chỉ. Tới nơi họ chọn thửa đất của gia đình ông Nguyễn Hữu Bi đào huyệt, hạ quan, không đắp nấm mộ, chỉ trồng lên trên bụi sắn dây làm dấu. Trong kháng chiến chống Pháp, huyện Vĩnh Linh là vùng tạm chiến, quân Pháp đóng đồn ở thị trấn Hồ Xá cách Rú Theo không đầy ngàn mét, mấy lần xua quân đi càn, xộc ra đó lùng bắt Việt Minh, dòm dòm, ngó ngó, tra hỏi người này, hoạnh hoẹ người khác nhưng Việt Minh chẳng thấy đâu, còn mộ ông Hùng Việt vẫn bình an vô sự. Cho mãi đến năm 1954, kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp, hòa bình được lập lại ở miền Bắc, dân làng Nam Phú mới có điều kiện đắp ngôi mộ ông Hùng Việt to, cao đàng hoàng hơn thì lúc ấy mọi người trong làng mới “ồ” lên ngạc nhiên và thán phục.

Chung quanh việc cất giữ ngôi mộ ông Hùng Việt trong chiến tranh chống Mỹ cũng có nhiều chuyện xúc động. Đại tá, cựu chiến binh Hoàng Đức Lộc - nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Phường 1, thành phố Đông Hà là một trong những chiến sỹ đầu tiên Trung đoàn Thiện Thuật có lần kể cho tôi mấy mẩu chuyện nhỏ rằng: Khu vực mộ ông Hùng Việt gần trận địa pháo cao xạ nên bị máy bay đánh phá nhiều lần, theo đó ngôi mộ cũng từng ấy phen hư khuyết. Mỗi lần như vậy ông Bi không quản tuổi già, trằn lưng ra đào đất đắp sửa hì hục cả ngày. Thế nhưng thứ đất đỏ bazan tơi, xốp, dù lèn chặt đến mấy cũng không chịu nổi sức công phá của bom đạn. Đã thế ông tính cách khác, động viên con, cháu cùng với ông đi xa hàng cây số cặm cụi khuân về từng viên đá chèn chắn quanh mộ. Nhìn ngôi mộ lừng lững như hòn non bộ tọa lạc giữa nương ông vuốt râu cười khà khà nói với bà con hàng xóm: “Trừ phi bom tạ, bom tấn “đánh đáo” trúng mộ thì tôi chịu thua, còn không thì...” Ông bỏ lửng, không nói hết câu, cười sảng khoái. Có lần, một lúc hai quả bom bi rơi trúng mộ nhưng sức nổ của nó chỉ làm lệch đi vài hòn đá, ông lại cười: “Mi chỉ gãi ngứa cho ông nớ thôi”. Là nói vui vậy chứ sau đận đó ông tiếp tục khuân thêm đá đắp cho ngôi mộ chắc chắn hơn, bom đạn không phải là chuyện đùa. Ông Hoàng Đức Lộc kể tiếp: Một lần B52 ném bom rải thảm vào làng đúng lúc ông Bi đang gặt lúa ngoài đồng. Từ trong xóm bời bời khói lửa hàng chục người lao ra đồng tránh đợt bom thứ hai, còn ông Bi từ ngoài đồng hớt hải chạy ngược vào làng, đâm bổ ra nương xem ngôi mộ có mệnh hệ chi không. May lần ấy mộ ông Hùng Việt vẫn không hề hấn gì. Lần nữa ông Bi lại cười một tràng dài khoan khoái.

Cứ như thế, những việc làm âm thầm lặng lẽ của bà con, cô bác làng Nam Phú từ việc bảo vệ, canh giữ, đến sửa sang phần mộ ông Hùng Việt luôn được mồ yên mả đẹp suốt 37 năm để rồi đến năm 1984 đưa về mai táng ở nghĩa trang liệt sỹ huyện, và 5 năm sau thì hương hồn người anh hùng mới được gặp lại những người thân yêu và bạn chiến đấu thân thiết của mình. Thật là kỳ diệu!

T.B

Trần Biên
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 279 tháng 12/2017

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

13 Giờ trước

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

14 Giờ trước

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

21/04

25° - 27°

Mưa

22/04

24° - 26°

Mưa

23/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground