Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 25/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Quảng Trị trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968

Cách đây vừa tròn 50 năm, vào thời khắc đón chào năm mới - Xuân Mậu Thân 1968, quân và dân ta đã đồng loạt mở cuộc tổng tiến công và nổi dậy trên toàn chiến trường miền Nam, giáng đòn quyết định vào ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, làm phá sản chiến lược “Chiến tranh cục bộ” - bước leo thang cao nhất của đế quốc Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, tạo bước ngoặt quyết định cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta đi tới thắng lợi. Trị - Thiên Huế là một trong những chiến trường trọng điểm của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy; trong đó, Quảng Trị giữ vai trò là hướng phối hợp quan trọng, là mặt trận đánh chia cắt để hỗ trợ hướng tiến công trọng điểm đánh vào thành phố Huế và toàn miền Nam. Dưới sự lãnh đạo của Khu ủy Trị - Thiên, quân và dân Quảng Trị phối hợp chặt chẽ với bộ đội chủ lực, đồng loạt tấn công và nổi dậy, thu hút, bao vây, chia cắt, tiêu diệt lực lượng chủ lực của địch, hoàn thành xuất sắc vai trò “chia lửa” cho chiến trường miền Nam, góp phần quan trọng vào thắng lợi của quân và dân ta trong mùa Xuân Mậu Thân 1968.

Sau các mùa khô 1965 - 1966, 1966 - 1967, mặc dù đã leo thang chiến tranh đến đỉnh cao (Đến đầu năm 1968, số quân Mỹ có mặt tại miền Nam Việt Nam hơn nửa triệu tên, cùng với gần 60 vạn quân ngụy Sài Gòn, gần 7 vạn quân các nước đồng minh của Mỹ; số phi vụ đánh phá miền Bắc năm 1967 lên đến 800 lần, tăng gấp 5 lần so với năm 1966; Chi phí cuộc chiến tranh Việt Nam của Mỹ năm 1967 là 30 tỷ đôla, gấp 1,5 lần chi phí cuộc chiến tranh Triều Tiên trong ba năm…) nhưng quân Mỹ vẫn liên tiếp nhận thất bại nặng nề. Nội bộ nước Mỹ có những xáo động về chính trị, nhiều cuộc biểu tình của nhân dân đòi nhà cầm quyền chấm dứt chiến tranh, rút quân đội về nước. Ngày 15 - 4 - 1967, tại Oasinhtơn, khoảng 40.000 người biểu tình phản đối cuộc chiến tranh Việt Nam. Tháng 10 - 1967, phong trào phản chiến lan rộng toàn nước Mỹ.

Về phía ta, Hội nghị Bộ Chính trị tháng 12 - 1967 nhận định: Chúng ta đã thắng địch cả về chiến lược và chiến thuật, lực lượng quân sự và chính trị của ta ở miền Nam đã lớn mạnh, ta đang nắm quyền chủ động trên khắp chiến trường.“Diễn biến cơ bản của tình hình là ta đang ở thế thắng, thế chủ động và thuận lợi, địch đang ở thế thua, thế bị động và khó khăn”. Nhận định tình hình địch năm 1968, Bộ Chính trị nhấn mạnh: “Địch khó có khả năng mở cuộc “phản công mùa khô” lần thứ ba. Xu thế của tình hình trong cả năm 1968 là địch sẽ ngày càng chuyển vào phòng ngự một cách bị động hơn trước”. Từ những nhận định biện chứng đó, Bộ Chính trị quyết định: “Chuyển cuộc chiến tranh cách mạng của nhân dân ta ở miền Nam sang một thời kỳ mới, thời kỳ tiến công và nổi dậy giành thắng lợi quyết định”, tạo ra bước ngoặt lớn của cuộc chiến tranh.

Tháng 1 - 1968, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 14 khẳng định: Cùng với đòn tiến công của bộ đội chủ lực ở hướng phối hợp chiến lược đặc biệt quan trọng là Đường 9 - Khe Sanh nhằm thu hút, giam chân lực lượng chiến lược của địch, thực hành một đòn tiến công chiến lược đánh vào thành phố, thị xã trên toàn miền Nam, kết hợp với nổi dậy của quần chúng đô thị và nông thôn, mở đầu cho tổng công kích - tổng khởi nghĩa, lấy chiến trường chính là Sài Gòn - Nam Bộ, Trị Thiên - Huế; trọng điểm là Sài Gòn, Huế và các thành phố lớn.

Tháng 12 - 1967, Thường vụ Khu ủy Trị Thiên1 họp tại Khe Thái (Hương Trà) hạ quyết tâm: “Động viên toàn Đảng bộ, toàn dân, toàn quân trong Khu, tập trung sức lực và trí tuệ, khẩn trương chuẩn bị mọi mặt, bảo đảm chấp hành triệt để chỉ thị và mệnh lệnh của cấp trên”. Thực hiện chủ trương của Thường vụ Khu ủy, các mặt trận ở địa bàn Quảng Trị phát động phong trào vũ trang toàn dân với tinh thần, quyết tâm chính trị cao nhất. Phong trào luyện tập quân sự của các lực lượng vũ trang cách mạng địa phương Quảng Trị như K8, K14, K10, K34, pháo binh, bộ đội địa phương huyện, thị xã và du kích diễn ra khẩn trương, sôi nổi chưa từng có. Toàn mặt trận đã sẵn sàng cho một trận đánh lớn.

Tại chiến trường Quảng Trị, theo đề nghị của Bộ Tổng tham mưu, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch tiến công Đường 9 - Khe Sanh xuân hè 1968, nhằm: thu hút lực lượng chủ lực của địch, chủ yếu là quân Mỹ ra Đường 9 để giam chân chúng lại, trực tiếp phối hợp và tạo thuận lợi cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta tại các đô thị lớn, đặc biệt là Sài Gòn, Huế, đồng thời tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, chủ yếu là quân Mỹ, phá vỡ một phần tuyến phòng ngự Đường 9 của chúng.

Bộ Tổng tư lệnh điều động cho chiến dịch một lực lượng mạnh, gồm 4 sư đoàn (304, 320, 324 và 325), Trung đoàn 270 và 2 tiểu đoàn bộ đội địa phương tỉnh Quảng Trị, 1 tiểu đoàn và 5 đại đội đặc công, 5 trung đoàn pháo binh (45, 84, 164, 204 và 675), 3 trung đoàn pháo phòng không (128, 282, 241), 1 tiểu đoàn xe tăng (4 đại đội), 1 tiểu đoàn thông tin, 1 tiểu đoàn trinh sát, 1 tiểu đoàn phòng hóa, 1 trung đoàn và 2 tiểu đoàn công binh, 1 đại đội súng phun lửa, 6 tiểu đoàn vận tải và lực lượng vũ trang địa phương các huyện Gio Linh, Cam Lộ, Hướng Hóa.

Toàn bộ lực lượng trên được chỉ huy thống nhất của Bộ Tư lệnh Chiến dịch, do Thiếu tướng Trần Quý Hai - Phó Tổng Tham mưu trưởng làm Tư lệnh, Thiếu tướng Lê Quang Đạo - Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị làm Chính ủy.

Thời điểm ta mở chiến dịch, lực lượng địch phòng ngự ở Đường 9 - Khe Sanh có khoảng 45.000 quân, trong đó có 28.000 quân Mỹ (10 tiểu đoàn của Sư đoàn 3 thủy quân lục chiến, 9 tiểu đoàn pháo, 3 tiểu đoàn và 1 đại đội cơ giới; được bố trí thành tuyến trước ở phía đông: từ cứ điểm 31, Dốc Miếu, Cồn Tiên, Quán Ngang đến miếu Bái Sơn; tuyến sau là Đông Hà, Cam Lộ, Ái Tử và thị xã Quảng Trị; tuyến giữa là các cứ điểm Tân Lâm, Cà Lu, 241 (phía Tây thị xã Quảng Trị); khu vực phía Tây gồm các cứ điểm Hướng Hóa, Làng Vây, Huội San và cụm cứ điểm Tà Cơn (gồm các cứ điểm Động Tri, 832, 845…).

Đêm 20 - 1 - 1968, lực lượng vũ trang của ta bất ngờ tấn công Khe Sanh2, làm đòn nghi binh để thu hút quân chủ lực Mỹ, đồng thời uy hiếp dữ dội tuyến phòng thủ đường 9. Đến 5 giờ 30 sáng 21 - 1, pháo của quân đội ta đồng loạt pháo kích vào căn cứ Khe Sanh, kho đạn chính của quân đội Mỹ với sức chứa 1.500 tấn đạn pháo đã bị phá hủy hoàn toàn. Sau 11 ngày đêm chiến đấu ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 1.600 quân địch, giải phóng hơn 8.000 dân huyện Hướng Hóa.

Tổng thống Mỹ Giônxơn chỉ thị lập “Phòng tình hình đặc biệt”, làm sa bàn Khe Sanh tại Nhà Trắng để theo dõi sát sao diễn biến của chiến trường Quảng Trị; yêu cầu tướng Oétmolen - Tư lệnh Bộ Chỉ huy cố vấn quân sự Mỹ tại miền Nam Việt Nam phải ký giấy cam đoan không được để mất Khe Sanh bằng mọi giá vì đó là danh dự của nước Mỹ.

Giữa lúc Khe Sanh trở thành tâm điểm chú ý của cả nước Mỹ, đêm 30 rạng ngày 31 - 1 - 1968 (đêm giao thừa rạng ngày mồng 1 Tết Mậu Thân), lực lượng ta đồng loạt tấn công vào 4/6 thành phố, 37/44 thị xã, hàng trăm thị trấn, quận lỵ, căn cứ, kho tàng, sân bay... giáng cho địch một đòn chí tử, làm chấn động nước Mỹ, đảo lộn thế chiến lược của địch trên chiến trường.

Phối hợp với toàn miền và Mặt trận Huế, 2 giờ 30 phút ngày 31 - 1 - 1968, lực lượng vũ trang cách mạng của các mặt trận, các địa bàn còn lại của Quảng Trị đã đồng loạt nổ súng hiệp đồng tác chiến.

Ở Mặt trận phía Nam (Mặt trận 7), một mũi của K14 (bộ đội địa phương tỉnh) tấn công vào phía Đông - Nam thị xã Quảng Trị, sau khi tiêu diệt tiểu đoàn ngụy ở Trí Bưu gặp phải sự kháng cự quyết liệt của địch nên không đột phá được vào thị xã. Quân ta tổ chức phòng ngự, đánh tiêu diệt nặng 1 tiểu đoàn ngụy đến phản kích. Cùng ngày, Tiểu đoàn 1 (Trung đoàn 2, Sư đoàn 324) bí mật vượt sông Thạch Hãn tấn công vào Ty Cảnh sát, Dinh Tỉnh trưởng Quảng Trị, Nhà máy đèn gây cho chúng nhiều tổn thất. Trong lúc đó, một mũi khác của Trung đoàn 2 tổ chức tiến công vào các mục tiêu ở La Vang Thượng, La Vang Trung, Cầu Lòn, Mộ Ông Chưởng nhưng không dứt điểm được. Đêm 31/1/1968, bộ đội ta rút khỏi thị xã Quảng Trị, để phối hợp, chia lửa với mặt trận Huế, Khu ủy chủ trương cho các đơn vị bộ đội địa phương K8, K10... chuyển sang bao vây quận lỵ Triệu Phong, Hải Lăng, uy hiếp các vị trí: cầu Nhùng, Bến Đá, Đa Nghi (Hải Lăng), Ngô Xá (Triệu Phong). Đồng thời, hỗ trợ nhân dân vùng đồng bằng Triệu Hải nổi dậy phá ách kìm kẹp của địch, giải phóng dứt điểm các xã Triệu Trạch, Triệu Đại, Triệu Hòa, Hải Xuân, Hải Trường, Hải Chánh; cắt đứt đường giao thông địch, làm tê liệt tuyến giao thông trên quốc lộ 1 từ thị xã Quảng Trị vào Phò Trạch trên một tuần lễ.

Mặc dù chưa chiếm được thị xã tỉnh lỵ nhưng cuộc tổng tiến công và nổi dậy ở mặt trận phía Nam Quảng Trị đã thu hút, chia cắt và tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, phá hủy hàng chục xe tăng, xe bọc thép, tàu chiến của địch, đẩy Mỹ - ngụy vào thế bị động, lúng túng trên khắp chiến trường; tạo điều kiện thuận lợi để quân và dân ta chiếm giữ thành phố Huế liên tục 26 ngày đêm, biến Huế trở thành “Pháo đài thép” thu hút sự chú ý của toàn thế giới và là một tâm điểm của Mậu Thân 1968.

Ở Mặt trận Gio Cam, phối hợp chặt chẽ với các mũi tấn công thị xã, rạng sáng ngày 31 - 1 - 1968, bộ đội địa phương Cam Lộ, du kích các xã Cam Thủy, Cam Mỹ cùng lực lượng nòng cốt là tiểu đoàn 27 tổ chức bao vây Chi khu Cam Lộ, tiến công ở Vĩnh An, Cầu Đuồi, giải phóng khu tập trung Cùa. Tại Gio Linh, lực lượng vũ trang của huyện được sự hỗ trợ, phối hợp của bộ đội địa phương khu vực Vĩnh Linh, mở đợt tiến công vào đồn bốt, vị trí của địch từ nam sông Bến Hải đến Cửa Việt. Ngày 2 - 2 - 1968, du kích xã Gio Hà, Gio Mỹ, Gio Hải phối hợp với bộ đội Trung đoàn 270 chặn đánh 4 tiểu đoàn địch, tiêu diệt 80 tên, bắn cháy 2 xe tăng. Cùng khoảng thời gian này, dưới sự chỉ đạo của Liên Huyện ủy Gio - Cam, Ban Chỉ đạo tác chiến trên sông Cửa Việt - Đông Hà cùng với cán bộ chủ chốt của các xã Cam Giang, Gio Hà và nhân dân thực hiện trận phục kích trên tuyến giao thông đường thủy Cửa Việt - Đông Hà (đoạn ngã ba Gia Độ - Hói Sòng), đánh chìm 3 tàu vận tải của địch, tiêu diệt hàng chục tên lính Mỹ, làm tuyến vận tải huyết mạch Cửa Việt - Đông Hà - thị xã Quảng Trị bị tắc nghẽn hoàn toàn trong 4 ngày liền. Trận đánh này được xem là “Bạch Đằng trên sông Hiếu”ở Quảng Trị, tiêu biểu cho sức mạnh đoàn kết hiệp đồng của quân và dân địa phương, thể hiện sự mưu trí, sáng tạo trong chỉ đạo, chỉ huy, có ý nghĩa quan trọng cả về quân sự, chính trị, làm nức lòng cả mặt trận và được Bộ Tư lệnh B5 biểu dương khen ngợi.

Trên mặt trận Đường 9 - Khe Sanh, sau những tổn thất liên tiếp, Mỹ thực hiện chiến dịch Niagara II ném bom rải thảm với hơn 100.000 tấn bom, cày nát 32 km2 chiến trường với mức độ ác liệt và tàn khốc chưa từng có. Đầu tháng 2 - 1968, Mỹ thành lập Bộ Tư lệnh nhẹ ở Đường 9, do tướng Abram - Phó Tư lệnh quân Mỹ ở Nam Việt Nam phụ trách; đồng thời điều Sư đoàn 1 kỵ binh không vận và 3 chiến đoàn quân đội Sài Gòn ra Quảng Trị, tăng quân chiếm đóng các điểm cao 550, 595, 573 nhằm cố thủ Tà Cơn, tập trung hỏa lực đánh phá mãnh liệt trận địa vây ép của ta. Tướng Oétmolen đánh giá: Mỹ có thể dùng căn cứ này làm lá chắn ngăn chặn Việt cộng từ Lào sang và là căn cứ quan trọng trong cuộc hành quân “tìm diệt”, “đánh phá kho tàng”. Đây cũng là mỏ neo vững chắc phía Tây của hệ thống phòng ngự McNamara, là cái bẫy nghiền nát chủ lực miền Bắc.

Mỹ phán đoán ta sẽ biến Khe Sanh thành một “Điện Biên Phủ thứ hai” nên chúng đã tập trung sức lực cho một cuộc “quyết chiến”. Tuy nhiên, trái với phán đoán của địch, quân ta tập trung tổ chức tấn công và tiêu diệt ở quận lỵ Hướng Hóa, cụm cứ điểm Huội San. Ngày 6 - 2 - 1968, lực lượng vũ trang Hướng Hóa phối hợp với bộ đội chủ lực Sư đoàn 324 tổ chức trận tiến công hiệp đồng binh chủng, tấn công tiêu diệt hoàn toàn cứ điểm Làng Vây, làm chủ đoạn đường từ Khe Sanh lên biên giới Việt - Lào, gia tăng sức ép cứ điểm Tà Cơn, từ đó siết chặt vòng vây. Hầu như toàn bộ quân địch ở đây phải sống dưới hầm ngầm. Máy bay vận tải C.130 của chúng hàng ngày phải xuất kích 140 lần để tiếp tế và tải thương nhưng chỉ có khoảng 40 lần/chiếc hạ cánh thành công. Khắc phục tình trạng trên, địch dùng máy bay thả đồ tiếp tế nhưng cũng không hiệu quả.

Ngày 1 - 4 - 1968, địch huy động 1 sư đoàn kỵ binh bay, 1 chiến đoàn dù quân đội Sài Gòn, 17 tiểu đoàn biệt động quân (có 13 tiểu đoàn Mỹ), mở các cuộc hành quân “Ngựa bay”, “Lam Sơn 207” và sang tháng 5, tập trung các Trung đoàn 4, 9 của Sư đoàn 3 thủy quân lục chiến, mở tiếp cuộc hành quân “Scốtlen 2” quyết giải tỏa Khe Sanh. Với quyết tâm “Biến Khe Sanh thành địa ngục trần gian của quân Mỹ”, bộ đội chủ lực phối hợp chặt chẽ với lực lượng vũ trang địa phương tiếp tục tiến công, vây hãm cứ điểm Tà Cơn, chặn đánh quyết liệt các tuyến đường bộ, đường không, các cuộc hành quân chi viện của địch.

Nguy cơ thất thủ Khe Sanh ngày một đến gần; binh sĩ đồn trú trong vòng vây của bộ đội và du kích ta ngày thêm hoang mang, tuyệt vọng, chỉ huy quân địch quyết định rút khỏi Khe Sanh. Ngày 9 - 7 - 1968, quân ta đã làm chủ Tà Cơn, ngày 15 - 7, giải phóng hoàn toàn Khe Sanh, kết thúc thắng lợi Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh xuân hè 1968.

Sau 170 ngày đêm liên tục tiến công, vây hãm, quân ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 17.000 tên địch, bắn rơi và phá hủy 480 máy bay, 120 xe quân sự, 65 đại bác và súng cối cỡ lớn, 55 kho xăng và đạn, thu hàng ngàn súng các loại; giải phóng hoàn toàn huyện Hướng Hóa với hơn 10.000 dân; tuyến chi viện Bắc - Nam được củng cố vững chắc, liên minh chiến đấu Việt - Lào được tăng cường, tạo động lực vật chất và tinh thần quan trọng đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ đến ngày thắng lợi.

Thất bại ở Khe Sanh khiến điều “cam kết” của Hội đồng tham mưu trưởng liên quân với Tổng thống Hoa Kỳ trở thành “trò cười”. Đài BBC, ngày 30 - 6 - 1968 nói: “Việc rút lui Khe Sanh không phải đơn giản bỏ rơi một điểm yếu, mà là bỏ rơi một ảo tưởng và một chính sách. Tất cả nỗ lực của Hoa Kỳ dựng lên đã tan ra tro như những pháo đài xi măng cốt sắt ở Khe Sanh”. Hãng tin Roi-tơ ngày 2 - 7 - 1968 cho rằng: “Khe Sanh đã được ghi vào lịch sử cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam như một nơi phải trả giá đắt nhất bằng máu”.

Chiến thắng Đường 9 - Khe Sanh đã góp phần quan trọng vào thắng lợi to lớn của quân và dân ta trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968, tạo ra bước ngoặt có ý nghĩa quyết định của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Thắng lợi Khe Sanh đã chứng tỏ sự đúng đắn, sáng tạo của Đảng ta trong việc đấu trí, đấu lực với kẻ thù, không chỉ với Bộ chỉ huy quân sự Mỹ mà còn cả với những nhà hoạch định chiến lược “sừng sỏ” ở Nhà Trắng. Rút chạy khỏi Khe Sanh, tuyến phòng ngự chiến lược của địch bị bỏ ngỏ suốt từ Lao Bảo đến Cà Lu; đánh dấu sự đổ vỡ của chiến thuật phòng ngự hòng ngăn chặn sự chi viện của chiến trường miền Bắc với miền Nam, gây ra tâm lý thất bại chán chường cả về quân sự lẫn chính trị trong giới quân sự Mỹ.

Phối hợp nhịp nhàng với mặt trận quân sự, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các chi bộ đảng, các đội tự vệ công tác và sự hỗ trợ đắc lực của lực lượng vũ trang địa phương, đồng bào trong các khu tập trung Tân Tường, Cửa Việt, Quán Ngang và nhân dân các xã Cam Chính, Cam Mỹ, Cam Nghĩa, Gio Hà, Gio Mỹ, Gio Lễ, Gio Hải... đã nổi dậy diệt ác ôn, phá thế kìm kẹp của địch, đấu tranh đòi tự do đi lại, làm ăn, trở về làng cũ..., làm cho hệ thống ngụy quyền tay sai ở thôn, ấp lung lay, tan rã.

Có thể nói, trong khí thế tổng tiến công và nổi dậy của cả dân tộc mùa Xuân Mậu Thân 1968, quân và dân Quảng Trị không chỉ hoàn thành xuất sắc vai trò “chia lửa” với chiến trường miền Nam mà còn giải phóng cả vùng đất chiến lược phía Tây Quảng Trị, phá hủy một tập đoàn cứ điểm mạnh của địch, khai thông hành lang giao thông huyết mạch chi viện của miền Bắc cho chiến trường miền Nam. Những chiến công oanh liệt của quân và dân Quảng Trị, nhất là ở Mặt trận Đường 9 - Khe Sanh đã làm “chấn động nước Mỹ” và nức lòng quân dân cả nước, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của dân tộc trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968. Thất bại này đã đẩy phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam ở Hoa Kỳ diễn ra mạnh mẽ chưa từng có Tổng thống Giônxơn phải tuyên bố đơn phương ngừng đánh phá miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra; chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán với ta tại Paris và không ra tranh cử tổng thống Mỹ nhiệm kỳ 2; Hàng loạt tướng tá cấp cao của quân đội Hoa Kỳ phải từ chức, bị cách chức... làm phá sản hoàn toàn chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ ở miền Nam, mở đường thực hiện phương châm “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

H.Đ.N

_________

Chú thích

1. Từ tháng 4/1966, để phù hợp với tình hình mới, Bộ Chính trị quyết định tách hai tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên ra khỏi Khu V, thành lập Khu ủy Trị - Thiên Huế.

2. Thung lũng Khe Sanh nằm ở vùng rừng núi heo hút phía Tây Quảng Trị, được xác định là một trong những địa bàn chiến lược ở khu vực giáp ranh giới tuyến. Năm 1966, tại khu vực Nam vĩ tuyến 17 đến Đường 9 - Khe Sanh, Mỹ đã cho xây dựng tuyến phòng thủ vô hình, lấy tên là hàng rào điện tử McNamara. Ở vị trí “mỏ neo” khu vực ngã ba biên giới, Khe Sanh được định vị là một trong ba mắt thần của hàng rào điện tử McNamara, nơi Mỹ tập trung xây dựng một tập đoàn cứ điểm mạnh gồm Chi khu quân sự Hướng Hóa, cụm cứ điểm Làng Vây và sân bay Tà Cơn. Với tham vọng ngăn chặn quân ta xâm nhập từ miền Bắc vào hoặc từ Lào sang, Mỹ coi đây là bàn đạp để cắt đứt tuyến đường mòn Hồ Chí Minh của ta.

Hồ Đại Nam
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 282 tháng 03/2018

Mới nhất

Giường sắt có tốt không? Địa chỉ mua giường sắt uy tín?

8 Giờ trước

Giường sắt là một trong những đồ dùng nội thất không thể thiếu trong mỗi căn nhà, để đảm bảo cho gia chủ có một nơi nghỉ ngơi sau ngày dài mệt mỏi. Ngày nay, giường sắt đang khá phổ biến trên thị trường. Nếu bạn đang tìm hiểu về loại giường này và muốn tìm cho mình một địa chỉ mua giường sắt uy tín và chất lượng hiện nay thì đừng bỏ qua bài viết dưới đây của Công Ty Cổ Phần Nội Thất Đại Thành.

Chùm thơ Trần Đức Tín

13 Giờ trước

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

26/04

25° - 27°

Mưa

27/04

24° - 26°

Mưa

28/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground