Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 17/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Chuyến hàng cảm tử tết Mậu Thân 1968

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trên địa bàn Vĩnh Linh có một đội thuyền vận tải dân sự nhưng lại mang bí danh quân sự: “Đơn vị B2”.

Đơn vị B2 là Trung đội vận tải bằng thuyền chèo tay duy nhất hoạt động trên tuyến đường sông nội địa khu vực Vĩnh Linh, thuộc Thị đội thị trấn Hồ Xá và thường được gọi với cái tên bình dị: Trung đội Nam Hải, nay thuộc khóm Nam Hải, thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị.

Trung đội vận tải Nam Hải được hình thành từ các thuyền cá nhân của một số bà con sống bằng nghề chài lưới và vận tải đường sông ở xã Triệu Phước huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Năm 1956, khi chính quyền bù nhìn tay sai Mỹ ở Sài Gòn đơn phương khóa giới tuyến quân sự tạm thời, cấm đồng bào hai bờ Nam - Bắc vĩ tuyến 17 giao thương làm ăn, cự tuyệt Tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Hàng chục hộ thuyền không chịu sống trong vòng kìm kẹp của chính quyền Ngô Đình Diệm, đã nhất loạt đưa gia đình lên thuyền bí mật vượt tuyến ra miền Bắc. Đến Vĩnh Linh, bà con được tập hợp lại trong Hợp tác xã đánh cá, vận tải mang tên Nam Hải với ý nghĩa là Hợp tác xã của bà con miền Nam sống bằng nghề trên sông nước.

Từ ngày 7 tháng 2 đến ngày 11 tháng 2 năm 1965, giặc Mỹ leo thang chiến tranh, tiến hành chiến dịch “Mũi Tên Lửa” (Flamming Dart): điều máy bay cường kích của Hải quân tấn công các mục tiêu quân sự và dân sự ở Đồng Hới (Quảng Bình) và Hồ Xá (Vĩnh Linh) mở đầu cho chiến dịch ném bom phá hoại chống nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trước tình hình đó, Thị đội thị trấn Hồ Xá lựa chọn những thuyền viên trẻ khỏe của Hợp tác xã Nam Hải thành lập Trung đội vận tải phục vụ yêu cầu chiến đấu trên địa bàn thị trấn, về sau nhiệm vụ của đội vận tải được mở rộng ra địa bàn toàn khu vực Vĩnh Linh. Khi chiến tranh leo thang lên đỉnh điểm, đơn vị B2 được giao nhiệm vụ chở hàng vào chi viện chiến trường huyện Gio Linh và khi trở ra thì chở thương binh, liệt sĩ về cấp cứu, mai táng tại các trạm phẩu tiền phương, các quân y viện dã chiến trên đất Vĩnh Linh.

Có thể nói từ năm 1965 đến đầu năm 1973, trên địa bàn Vĩnh Linh, Đơn vị B2 hoạt động vận tải đường sông như một đơn vị quân đội thường trực. Những chuyến hàng quân sự nhận từ Bến Quan theo sông Sa Lung về miền Đông Vĩnh Linh, từ Nam tỉnh Quảng Bình theo sông Hồ Xá về Hiền Lương được B2 thực hiện góp phần làm nên thắng lợi của quân dân Vĩnh Linh đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của Mỹ và tiếp tế cho bộ đội chiến đấu trên chiến trường Gio - Cam ở Nam vĩ tuyến 17 trong suốt 8 năm ác liệt với nhiều gian khổ hy sinh.

Để ghi lại đầy đủ thành tích của Trung đội vận tải B2 thuộc Thị đội thị trấn Hồ Xá trên sông nước Vĩnh Linh - Gio Linh trong suốt 8 năm chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ phải cần nhiều thời gian, gặp gỡ nhiều lãnh đạo và cán bộ chiến sỹ B2 thời ấy để thu thập thêm tài liệu. Nhân kỷ niệm nửa thế kỷ cuộc Tổng tiến công nổi dậy tết Mậu Thân năm 1968, tôi kể lại một nhiệm vụ đặc biệt của B2 chi viện cho cuộc chiến đấu ở cánh đông bắc tỉnh Quảng Trị trong Tết Mậu Thân 1968 mà anh Nguyễn Hữu Ky, một chiến sỹ của Trung đội B2, có thời kỳ làm Phó Chủ tịch UBND Thị trấn Hồ Xá, gửi gắm cho tôi từ ba năm trước vào dịp kỷ niệm 60 năm ngày Trung ương ra Quyết định thành lập Khu vực Vĩnh Linh, nhưng vì nhiều lý do tôi chưa thực hiện được. Hôm nay, cầm trang tư liệu viết tay của anh để lại đã ngả màu vàng ố trước khi anh đi vào cõi vĩnh hằng, tôi cảm thấy mình mắc nợ anh, mắc nợ những chiến sĩ B2 đã khuất và những vị cao niên đang vào tuổi hoàng hôn cuộc đời... Trong trang tài liệu ngắn ngủi, anh gọi chuyến hàng đó là “chuyến hàng bất tử” đã nói khá rõ. Tôi chỉ sắp xếp lại nội dung để nếu được in ra, bạn đọc dễ hình dung câu chuyện bi hùng của 50 năm trước.

*

Ngày 10 tháng 2 năm 1968, tức ngày 13 tháng Giêng năm Mậu Thân, cuộc chiến đấu của quân dân Gio Linh ở cánh Đông bắc tỉnh Quảng Trị đã bước sang ngày thứ 13. Lực lượng của ta gồm Sư đoàn 320B, Trung đoàn 270 Khu đội Vĩnh Linh, các đơn vị bảo đảm và các lực lượng địa phương đang quần nhau dữ dội với Lực lượng 3 Thủy bộ của Quân đội Mỹ. Đây là một đại binh đoàn trực thuộc quyền chỉ huy của Bộ Tư lệnh Thủy quân lục chiến Mỹ tại Thái Bình Dương có sở chỉ huy tiền phương đóng ở Đông Hà. Lực lượng này được sự yểm trợ hỏa lực tối đa của phi pháo kể cả máy bay ném bom chiến lược B52. Tham chiến trên địa bàn còn có Trung đoàn 2 thuộc Sư đoàn 1 ngụy và địa phương quân của Chi khu Gio Linh.

Chiến sự diễn ra vô cùng ác liệt vì lúc này quân ta đã làm chủ thành phố Huế, cắt đứt việc tiếp tế bằng đường bộ cho quân địch ở Quảng Trị và đặc biệt là mặt trận Khe Sanh. Chúng chỉ còn đường hàng không và đường biển qua cảng Cửa Việt lên Đông Hà. Quyết tâm của ta là vô hiệu hóa cảng Cửa Việt và khống chế đoạn sông Hiếu từ Cửa Việt lên Đông Hà để triệt tiếp viện bằng đường thủy của Mỹ ngụy, nhưng gặp phải những nỗ lực tối đa nhằm giải tỏa yết hầu bị bóp nghẹt của địch khiến cuộc chiến ở đây trở thành cuộc giành giật sinh tử.

Trời ngả về chiều. Trung đội B2 nhận được lệnh tập hợp khẩn cấp. Từ các lùm cây cừa, dành dành, sung, bần, rậm rạp ven sông Sa Lung phía Đông thôn Đặng Xá xã Vĩnh Lâm nơi B2 làm lán đóng quân và giấu thuyền mấy năm qua, cả đơn vị nhanh chóng có mặt tại hầm lán Trung đội để sẵn sàng nhận nhiệm vụ.

Đã có mấy trăm chuyến thuyền của B2 xuất phát làm nhiệm vụ từ bến sông bí mật này nhưng không khí hôm ấy trang nghiêm khác thường. Trong hầm lán treo lá cờ Tổ quốc còn nếp gấp, ngoài sự có mặt của đồng chí Bí thư Chi bộ - Chính trị viên Trung đội Nguyễn Hữu Vy và Trung đội trưởng Phạm Minh Đơn như mọi khi, lần này có thêm đồng chí Thị đội trưởng Trương Sĩ Nam về dự.

Trung đội có mặt đủ, chính trị viên Nguyễn Hữu Vy giới thiệu đồng chí Trương Sỹ Nam đọc lệnh vận chuyển khẩn cấp vũ khí chi viện cho chiến trường Gio Linh. Lệnh do Chủ nhiệm hậu cần Khu đội Vĩnh Linh Nguyễn Mạnh Thường ký. Trong mệnh lệnh ghi rõ: Phối hợp với Đại đội vận tải 22, Trung đoàn 270 của Khu đội Vĩnh Linh, Đơn vị B2 cử 10 đồng chí sử dụng ba thuyền, gồm 2 thuyền nhỏ, một thuyền lớn, mỗi thuyền nhỏ 2 thuyền viên, thuyền lớn 6 thuyền viên, nhận 5 tấn vũ khí tại bến Châu Thị giao hàng tại 2 địa điểm: Thuyền lớn giao hàng tại thôn Cát Sơn xã Trung Giang, huyện Gio Linh. Hai thuyền nhỏ giao hàng tại bến chợ Kênh thôn Võ Xá xã Trung Hải, cả hai địa điểm đều nằm trên bờ Nam sông Bến Hải.

Thị đội trưởng Trương Sỹ Nam giao nhiệm vụ đồng thời thông báo tình hình mới nhất: Trên tuyến vận tải đường sông mà B2 làm nhiệm vụ đêm nay, địch đã thả thêm thủy lôi và bom từ trường để ngăn chặn ta tiếp tế chi viện bằng đường sông cho mặt trận.

Đồng chí nhấn mạnh: “Chúng ta không còn thời gian để rà phá thủy lôi và bom từ trường, chiến trường đòi hỏi ta không chậm trễ một giây phút nào vì vậy chúng ta phải băng qua hiểm nguy mang hàng đến đích, chấp nhận rủi ro cao khi thực hiện nhiệm vụ! Cán bộ chiến sĩ B2 chúng ta có quyết tâm không?”. Cả B2 vung tay thề quyết tâm 3 lần đáp lời đồng chí Thị đội trưởng.

Trung đội trưởng Phạm Minh Đơn gọi tên 10 đồng chí được Trung đội lựa chọn làm nhiệm vụ: Lương Thị Luận, Nguyễn Văn Cường, Nguyễn Văn Trường, Nguyễn Văn Mãi, Lê Văn Tiến, Lê Thị Vinh, Nguyễn Đình Thi, Phan Thị Vân, Lê Xuân Tao, Nguyễn Thị Thương lên đứng dưới cờ Tổ quốc.

Thị đội trưởng Trương Sỹ Nam xúc động nói: Nhiệm vụ lần này rất quan trọng nhưng khả năng thương vong cũng rất cao, vì vậy trước lúc các đồng chí xuất quân, thay mặt Ban Chỉ huy thị đội tôi đề nghị dành một phút mặc niệm tri ân tấm gương biết hy sinh vẫn chấp hành nhiệm vụ của 10 đồng chí đêm nay!

Một phút mặc niệm vừa dứt, ba phát súng đĩnh đạc cách đều nhau vang lên thay lệnh xuất quân và cũng là lời chào tử biệt.

*

Chuyến hàng đặc biệt đêm ấy hai thuyền nhỏ của B2 do bốn đồng chí Nguyễn Đình Thi, Phạm Thị Vân, Lê Xuân Tao, Nguyễn Thị Thương điều khiển giao hàng ở chợ Kênh.

Chiếc thuyền lớn của B2 do sáu đồng chí: Lương Thị Luận, Nguyễn Văn Cường, Nguyễn Văn Trường, Nguyễn Văn Mãi, Lê Văn Tiến, Lê Thị Vinh điều khiển đi trong đội hình do Đại đội 22 dẫn đầu, giao hàng ở bến Cát Sơn.

Gần đến Nguyên tiêu nên trăng sáng đục mờ trong mưa phùn gió bấc. Đoàn thuyền hối hả bốc xếp hàng rồi lặng lẽ nối nhau rời bến hướng tới chiến trường. Qua ngã ba sông Sa Lung gặp sông Bến Hải đoàn thuyền chia hai hướng theo kế hoạch.

Để đảm bảo an toàn và bí mật, các thuyền về bến Cát Sơn đi cách nhau khá xa và men theo bờ phía Bắc sông Bến Hải xuôi dòng vì đây là đoạn sông địch thả bom từ trường và thủy lôi dày đặc.

Hai mươi giờ mười phút, từ vị trí chỉ huy của Trung đội ở Châu Thị, bỗng nghe một tiếng nổ dữ dội vọng về từ phía cầu Hiền Lương kèm một cột khói đen cao lạ thường, không ai bảo ai, mọi người đều biết chuyện gì đã xảy ra…

Đồng chí Lê Văn Tiến kể: Đến ngã ba sông mé trên thôn Hiền Lương đoàn thuyền vận tải chia thành hai nhóm, nhóm hai thuyền nhỏ rẽ phải lên giao hàng ở chợ Kênh. Chiếc thuyền lớn 6 người của B2 trong đó có tôi, rẽ trái vượt qua cầu Hiền Lương bám sát thuyền của Đại đội 22 vận tải của Khu đội Vĩnh Linh đi trước. Khi cách cầu khoảng 200 mét về phía hạ lưu, tôi bỗng thấy mình bất ngờ bị tung lên không trung, cùng lúc nghe một tiếng nổ khủng khiếp. Khi tỉnh lại mới biết mình đang nằm trong quân y viện…

Cho đến bây giờ vẫn không ai biết đêm đó thuyền 6 người của B2 bị trúng thủy lôi trôi hay bom từ trường do Mỹ thả xuống từ máy bay. Nhưng ngay sau tiếng nổ, thuyền của Đại đội 22 quay lại cấp cứu, hai thuyền nhỏ của B2 trả hàng xong, cách hiện trường khoảng 2km cùng đến phối hợp tìm kiếm suốt đêm nhưng chỉ cứu được hai đồng chí Lê Văn Tiến và Lê Thị Vinh bị thương. Bốn đồng chí Lương Thị Luận, Nguyễn Văn Cường, Nguyễn Văn Trường, Nguyễn Văn Mãi hy sinh cùng thuyền. Chiếc thuyền vỏ gỗ có trọng tải 7 tấn bị hất tung lên, mũi thuyền cắm xuống gần bờ sông, phần nhô lên cao như tượng đài hình cánh cung vươn lên bi tráng và kiêu hãnh giữa trời nước.

Liên tục trong 4 ngày B2 tổ chức lục soát trên sông Bến Hải tìm kiếm thi thể bốn đồng chí hy sinh dưới sự xoi mói của máy bay Trinh sát OV-10A, của máy bay ném bom và pháo bắn vào từ tàu chiến Mỹ ngoài biển. Đến ngày thứ tư đơn vị đã tìm đủ cả bốn đồng chí hy sinh. Nữ đồng chí Lương Thị Luận theo thủy triều lên trôi ngược phía thượng lưu cách nơi thuyền trúng thủy lôi 3km, ba đồng chí nam còn lại theo thủy triều xuống dạt về gần tới bến đò B gần 7km.

Mai táng đồng đội xong, những người còn lại của Trung đội B2 biến căm thù thành hành động, lại tiếp tục nhiệm vụ cầm chèo chở hàng ra phía trước, đón thương binh, liệt sĩ về hậu phương, vì chiến trường vẫn luôn cần sự tiếp viện và tải thương không ngừng nghỉ.

Gần ba ngàn ngày tay chèo tay súng, Đơn vị B2 đã chở ra mặt trận hàng ngàn tấn vũ khí, lương thực, đón về hậu phương hàng ngàn thương binh, liệt sĩ và có hàng chục đồng chí cán bộ chiến sĩ B2 đã hy sinh và bị thương. Thành tích này đã góp phần xứng đáng tạo dựng nên danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân mà Nhà nước vinh danh cho nhân dân và các lực lượng vũ trang Thị trấn Hồ Xá trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Nhưng sự hy sinh của bốn đồng chí và hai đồng chí bị thương trên cùng một con thuyền trong một chuyến công tác được truy điệu trước là mất mát lớn nhất của Trung đội B2 trong suốt cuộc chiến tranh.

Tôi nhìn bức ảnh đen trắng chụp Trung đội B2 Nam Hải năm 1968 phóng to treo trong Nhà văn hóa khóm Nam Hải. Những nam thanh nữ tú thời ấy với gương mặt rạng ngời sẵn sàng nhận nhiệm vụ, sẵn sàng chấp nhận sự hy sinh vì độc lập tự do cho Tổ quốc, bây giờ người trẻ nhất cũng đã ngoài 70 tuổi. Họ có một ước nguyện thật chính đáng: Muốn được lập một tấm bia công tích nho nhỏ bên bờ Bắc sông Bến Hải cách cầu Hiền Lương 200 mét về hạ lưu nơi con thuyền vận tải của B2 bị đánh đắm đêm 13 tháng Giêng năm Mậu Thân với lời ghi danh giản dị: “Nơi đây, một tiểu đội cảm tử của Trung đội B2 Nam Hải đã anh dũng hy sinh và bị thương khi thực hiện nhiệm vụ trong chiến dịch Mậu Thân năm 1968 lịch sử.”

Trên mảnh đất Quảng Trị này, mọi dòng sông bến nước đều xứng đáng được thả hoa!

T.P.T

Tống Phước Trị
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 283 tháng 04/2018

Mới nhất

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Viếng Nghĩa Trủng Đàn đầu năm Giáp Thìn

08/04/2024 lúc 22:34

Mười năm rồi lại trăm nămĐàn Nghĩa Trủng mãi ơn Hoàng Bích KhêTử sĩ Tây Sơn

Giêng hai gieo những ngọt ngào; Ký gửi

08/04/2024 lúc 22:33

Giêng hai gieo những ngọt ngàoGiêng hai lúa đã xanh đồngGiêng hai cải đã trổ

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

18/04

25° - 27°

Mưa

19/04

24° - 26°

Mưa

20/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground