Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Một số giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh "Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ Việt Nam" tại Quảng Trị

Nghệ thuật Bài chòi là sản phẩm văn hóa tinh thần độc đáo, là nét đặc trưng văn hóa đặc sắc của vùng đất Trung Bộ nói chung và Quảng Trị nói riêng. Bài chòi là sự sáng tạo, sự thích nghi và trở thành một trong những loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian mang đậm chất sân khấu nhỏ, đầy tính ngẫu hứng, được nhiều người dân ở các làng quê tham gia hưởng ứng. Cách thức và không gian trình diễn nghệ thuật Bài chòi ở mỗi nơi có một lối chơi riêng, mang dấu ấn truyền thống của từng vùng đất nhưng tựu chung vẫn thể hiện đầy đủ các yếu tố giải trí, cầu may và sự cố kết cộng đồng trong cuộc vui. Về thời gian, nghệ thuật Bài chòi dân gian thường diễn ra mỗi khi tết đến xuân về hoặc trong các dịp lễ hội lớn của làng xã.

Nghệ thuật Bài chòi dân gian là một hình thức vui chơi nhẹ nhàng, tao nhã, không nặng về hơn thua giữa những người chơi nên dễ thâm nhập vào đời sống văn hóa cư dân làng xã Quảng Trị. Nét độc đáo của nghệ thuật Bài chòi dân gian chính là những câu vè, điệu hò gần gũi được rút ra từ những câu ca dao, tục ngữ hoặc do người hô thai tự phóng tác. Những câu hò, điệu vè, câu hát ấy đều xoay quanh nội dung ca ngợi tình yêu đôi lứa, tình thương yêu cha mẹ, tình nghĩa thầy trò, tình nghĩa vợ chồng, tình yêu quê hương đất nước. Không chỉ mang tính nhân văn mà nội dung các câu hò, điệu vè, câu hát trong nghệ thuật Bài chòi dân gian còn mang đậm tính giáo dục về đạo đức, về nhân cách, lối sống, hướng con người đến những giá trị, chuẩn mực đạo đức cao đẹp hơn.

Nghệ thuật Bài chòi ra đời từ dân gian, nói tiếng nói của dân gian, chủ yếu phục vụ cho tầng lớp bình dân và cũng chính những người bình dân kế thừa, phát triển không ngừng. Vì thế nó có sức lan tỏa rộng rãi, không chỉ tồn tại và phát triển ở quy mô một tỉnh mà lan tỏa và trở thành một loại hình nghệ thuật đặc sắc của 9 tỉnh ở khu vực miền Trung.

Với những giá trị văn hóa đó, ngày 7 - 12 - 2017, tại phiên họp Uỷ ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 12 của UNESCO diễn ra tại Jeju, Hàn Quốc, Di sản Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ Việt Nam đã chính thức được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Trong các Di sản văn hóa phi vật thể từng được vinh danh tại Việt Nam, Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ là trường hợp rất độc đáo, khi loại hình nghệ thuật đa dạng kết hợp âm nhạc, thơ ca, diễn xướng và văn học này hiện đang tồn tại ở 9 tỉnh miền Trung bao gồm Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và Thành phố Đà Nẵng.

Theo Ủy ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, hồ sơ đề cử di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ Việt Nam đáp ứng những tiêu chí sau: “Hoạt động văn hóa quan trọng trong cộng đồng làng xã, đáp ứng nhu cầu giải trí và thưởng thức nghệ thuật của cộng đồng. Các câu chuyện trong Bài chòi là những bài học đạo đức, thể hiện tình yêu quê hương đất nước, sự gắn kết cộng đồng và những kinh nghiệm trong cuộc sống của người dân. Việc ghi danh Nghệ thuật Bài chòi khuyến khích đối thoại giữa các cộng đồng, các nhóm người và cá nhân, tạo cơ hội trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm giữa những người thực hành, qua đó làm phong phú kiến thức và kỹ năng liên quan đến việc thực hành các hình thức nghệ thuật. Chính phủ và cộng đồng nỗ lực để bảo vệ di sản, sưu tầm và tư liệu hóa di sản”.

Việc UNESCO ghi danh Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ Việt Nam tại danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại khẳng định bản sắc văn hóa phong phú của dân tộc Việt Nam, sự gắn kết cộng đồng, đề cao tôn trọng đa dạng văn hóa, khuyến khích đối thoại giữa các cá nhân, các cộng đồng và các dân tộc khác nhau vì sự khoan dung, tình yêu và lòng bác ái đúng theo tôn chỉ và mục tiêu của Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO.

Nghệ thuật Bài chòi miền Trung trong đó có Quảng Trị tồn tại từ lâu trong lịch sử. Với những giá trị đặc sắc về văn hóa, nghệ thuật, Bài chòi đã được UNESCO vinh danh, trở thành một trong những di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Tại một số làng quê trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, hội Bài chòi đã trở thành nét văn hóa đặc trưng, là trò chơi thu hút đông đảo người dân đến tham gia trong mỗi dịp tết đến xuân về hay trong các dịp lễ hội quan trọng của làng xã như ở xã Triệu Trung (huyện Triệu Phong), xã Vĩnh Hòa, Vĩnh Giang (huyện Vĩnh Linh). Tuy nhiên, trong những năm gần đây, trước xu thế hội nhập và phát triển của đất nước, nền kinh tế thị trường cùng với công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa đã ảnh hưởng sâu sắc tới đời sống văn hóa tinh thần của con người Việt Nam nói chung, Quảng Trị nói riêng, đặc biệt là đối với giới trẻ. Các trò chơi dân gian truyền thống của dân tộc đứng trước nguy cơ mai một, ngày càng ít người quan tâm, theo học. Trong bối cảnh đó, di sản nghệ thuật Bài chòi là một trò chơi cũng bị ảnh hưởng đó là cách thức tổ chức hội Bài chòi tại một số cộng đồng làng xã đã có nhiều thay đổi và dần mất đi tính cổ truyền, các câu hò thai không còn được người hô thai/người chạy bài/ông hiệu ứng khẩu mà chỉ hô trực tiếp tên các con bài được đánh; vật liệu dựng chòi không còn mang tính truyền thống mà được thay vào đó các vật liệu hiện đại, chòi chỉ sử dụng trong hội chơi, sau đó thì tháo bỏ, năm sau làm lại chòi mới, trang phục của Ban tổ chức nhất là người hô thai/người chạy bài/ông hiệu cũng không đồng bộ...

Để góp phần nâng cao công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản Nghệ thuật Bài chòi tại Quảng Trị thiết nghĩ cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Trước hết cần nghiên cứu một cách tổng thể về nghệ thuật chơi Bài chòi của người Việt trên vùng đất Quảng Trị, tiến hành xây dựng kế hoạch điều tra, sưu tầm, nghiên cứu và tổng kiểm kê toàn bộ di sản văn hóa phi vật thể Bài chòi trên địa bàn một cách khoa học để tư liệu hóa các tư liệu, hiện vật, sau đó đề ra các biện pháp tối ưu cho hoạt động khôi phục hội Bài chòi tại một số cộng đồng làng, tạo ra sân chơi lành mạnh cho người dân trong các dịp lễ tết.

Chú trọng công tác bảo tồn, phát huy hiệu quả hoạt động của các câu lạc bộ, nhóm (đội), nghệ nhân dân gian. Khôi phục và kiện toàn các nhóm (đội), câu lạc bộ Bài chòi hiện có của các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Đề xuất cơ chế chính sách hỗ trợ các câu lạc bộ, nhóm (đội), nghệ nhân Bài chòi; tạo sân chơi cho các câu lạc bộ, nhóm (đội), nghệ nhân Bài chòi tham gia trình diễn nghệ thuật Bài chòi thông qua các dịp lễ hội lớn của tỉnh. Vận động và tạo điều kiện để các câu lạc bộ, nghệ nhân Bài chòi mở các lớp truyền dạy thực hành di sản nghệ thuật Bài chòi tại địa phương. Giới thiệu di sản nghệ thuật Bài chòi vào trường học (từ tiểu học đến THPT) theo hình thức ngoại khóa.

Cần nhanh chóng rà soát tôn vinh và đề nghị Nhà nước phong tặng các danh hiệu cao quý “Nghệ nhân ưu tú”, “Nghệ nhân nhân dân” cho những nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên có đóng góp to lớn cho sự nghiệp gìn giữ và phát triển nghệ thuật Bài chòi truyền thống tại địa phương. Đồng thời có chính sách đãi ngộ nhằm khuyến khích những người có công, có tài năng truyền dạy phát huy giá trị của nghệ thuật Bài chòi đến với đông đảo quần chúng nhân dân nhất là thế hệ trẻ.

Tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hành, sáng tạo và truyền dạy nghệ thuật Bài chòi trong các gia đình, các nhà trường, câu lạc bộ và cộng đồng nhằm nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của cộng đồng và nhân dân địa phương.

Tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghệ thuật cho các nghệ nhân, giáo viên thanh nhạc và những người có khả năng tiếp thu, thực hành di sản; chú trọng công tác bảo tồn, phát huy hiệu quả hoạt động của các câu lạc bộ, nhóm đội, nghệ nhân dân gian Bài chòi.

Tổ chức trình diễn nghệ thuật Bài chòi vào dịp tết Nguyên đán tại các trung tâm huyện thị thành phố và các làng xã nơi lưu giữ trò chơi dân gian này.

Tăng cường công tác xã hội hóa trong cộng đồng hỗ trợ cùng với nguồn kinh phí Nhà nước đảm bảo duy trì và phát triển hoạt động trình diễn nghệ thuật Bài chòi tại các địa phương, các câu lạc bộ thông qua các doanh nghiệp, các nhà tài trợ, những người yêu thích bộ môn nghệ thuật Bài chòi.

Xây dựng nghệ thuật Bài chòi trở thành một sản phẩm phục vụ phát triển du lịch bền vững, đẩy mạnh tăng cường xã hội hóa hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Bài chòi phục vụ nhu cầu thưởng thức của du khách trong và ngoài nước.

Các cơ quan thông tin đại chúng, các tổ chức đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền về yêu cầu, ý nghĩa của việc bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật Bài chòi trong các tầng lớp nhân dân, trong lực lượng đoàn viên, hội viên của các tổ chức đoàn thể.

Với sự quan tâm của các cấp các ngành và toàn xã hội cùng với những giải pháp đồng bộ, Nghệ thuật Bài chòi sẽ từng bước phục hồi, phát triển và trở thành sân chơi văn hóa góp phần thu hút du khách gần xa khi đến với Quảng Trị cũng như các tỉnh miền Trung.

 N.T.N

Nguyễn Thị Nương
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 284 tháng 05/2018

Mới nhất

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Hội VHNT tỉnh trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm “Trường Sa - Quảng Trị: Sắc màu biên cương”

23/03/2024 lúc 16:22

TCCVO - Chiều 22/3, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị tổ chức trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm

Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực

18/03/2024 lúc 00:07

TCCVO - Chiều 15/3, tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, UBND tỉnh Quảng Trị và Ủy ban chính quyền tỉnh Savannakhet (Lào) phối hợp tổ chức Hội thảo “Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực”.

Liên hoan dân vũ chủ đề: "Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng"

16/03/2024 lúc 06:02

Chào mừng kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế phụ nữ (08/3/1910 - 08/3/2024), 1984 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng; Hướng đến kỷ niệm những sự kiện lớn của quê hương đất nước; kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7-2024), Sáng ngày 07/3/2024, Công đoàn viên chức tỉnh tổ chức Liên hoan dân vũ trong nữ Công chức, viên chức, người lao động (CCVCLĐ) năm 2024 với chủ đề “Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng”.

Phát huy vai trò “báo chí kiến tạo, báo chí giải pháp”

15/03/2024 lúc 07:05

TCCVO - Sáng ngày 13/3/2024, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hội nghị giao ban công tác báo chí tháng 1 và 2 năm 2024 và định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm tuyên truyền trong thời gian tới. Đồng chí Hồ Đại Nam, UVBTVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/03

25° - 27°

Mưa

31/03

24° - 26°

Mưa

01/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground