Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 19/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Tìm hiểu các địa danh qua một bài ru cổ

Có lẽ ít ai sinh ra và lớn lên từ mảnh đất Quảng Trị, Thừa Thiên lại không thuộc lòng bài ca dao “Ru em”, bởi khi còn nằm đong đưa trong vành nôi đây là bài ru thường được mẹ đưa vào giấc ngủ. Như thấm vào dòng chảy huyết thống, khi được đón nhận thiên chức làm mẹ, đứng trước tao nôi đây là những lời ru ngọt ngào được chọn lựa đầu tiên. Bài ru có bốn câu viết theo thể lục bát, trong đó các địa danh được gói gọn trong hai câu cuối:

Ru em em théc cho muồi

Để mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu,

Mua vôi chợ Quán, chợ Cầu

Mua cau Nam Phổ, mua trầu chợ Dinh.

Chỉ vỏn vẹn bốn tên chợ ấy thôi, nhưng đã tốn biết bao công sức, bút mực và thời gian của rất nhiều tác giả, nhà nghiên cứu đã nỗ lực đi tìm “tông tích” các địa danh, tuy nhiên mọi cố gắng nỗ lực vẫn chưa cho ra một đáp số đúng, một kết quả trọn vẹn.

Đọc bài ca dao trên chúng ta dễ dàng nhận ra ngụ ý của tác giả muốn giới thiệu các đặc sản tại những vùng miền quê hương hơn là mô tả con đường ra chợ của người “ăn trầu”. Vì tự ngàn xưa cho đến bây giờ, bất cứ ngôi chợ nào dù lớn hay nhỏ trên mảnh đất hình chữ S cũng đều cung ứng đủ ba món dân dã này, hơn nữa chỉ qua một giấc ngủ của con thơ chẳng ai có thể đủ thời gian để lặn lội thực hiện một hành trình xa xôi đến thế.

Nói về Nam Phổ. Đây là một địa danh nổi tiếng tại Huế và cau Nam Phổ là đặc sản không ai có thể chối cải tại xứ này, nhiều câu ca dao đã minh chứng cho sự nổi tiếng của cau Nam Phổ từ xưa: “Cam Xã Đoài gửi vô thì cau Nam Phổ đóng bồ gửi lại, hàng lại trao hàng xa ngái quản chi”. Nam Phổ, Vĩ Dạ là những địa điểm với những hàng cau cao vút, “Sao em không về chơi thôn Vĩ / Nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên / Vườn ai mướt quá xanh như ngọc / Lá trúc che ngang mặt chữ điền.” (Hàn Mặc Tử).

Đề cập đến trầu chợ Dinh, chợ Dinh được lập trên đất làng An Quán, nay thuộc phường Phú Hậu, thành phố Huế, nằm bên bờ của một nhánh sông Hương đổ về theo đường Chi Lăng, chợ chỉ đông buổi sáng, từ chợ đi về khoảng 200m có bến đò qua Nam Phổ, Vĩ Dạ bên kia sông Hương, gọi là bến đò Chợ Dinh. Năm 1738, chúa Nguyễn Phúc Khoát lập phủ chính ở Bác Vọng, Phú Xuân. Một năm sau, chúa chính thức dời Dinh phủ vào An Quán. Chợ nằm phía đông phủ, nên gọi là chợ Dinh. Vùng chợ Dinh xưa quanh năm rợp vườn cây trái, nơi trồng trầu ngon nổi tiếng trong vùng.

Việc giải thích hai địa danh đầu trong bài ca dao có vẻ suôn sẻ, tương đối thuyết phục, thế nhưng khi đề cập đến hai địa danh còn lại đa số các tác giả lại đi vào ngõ cụt. Thử điểm qua một vài nhận định của một số tác giả, nhà nghiên cứu:

“Chợ Quán là nói tắt của làng Lương Quán, vùng Nguyệt Biều. Ai cũng biết vùng này của đất Thừa Thiên có đá vôi, thời Pháp thuộc đã khai thác nhà máy vôi Long Thọ, sản xuất vôi dùng vào việc xây cất nhà cửa, cầu cống. Còn chợ Cầu, có nhiều cách nghĩ, có thể là chợ trên cây cầu, chợ cầu làng Thanh Lương... nhưng theo tôi nghĩ đó là chợ Cầu Hai, vì vôi có 2 nguồn, có thể từ núi đá vôi và cũng có thể từ vôi động vật thân mềm như hàu, trai... mà Cầu Hai Phú Lộc thì những loài này rất nhiều. Ngày nay vùng Lăng Cô vẫn còn nung hàu lấy vôi đó.” (Điệu ru con xứ Huế và địa danh liên quan - Trần Trung).

Nguyễn Đình Liễu trong bài viết Điệu hò ru con xứ Huế cho rằng: Chợ Quán là nói tắt của làng Lương Quán, vùng Nguyệt Biều. Còn chợ Cầu làm tôi liên tưởng đến… cầu ngói Thanh Toàn thuộc làng Thanh Thủy, huyện Hương Thủy, đóng bằng gỗ lim, mái lợp ngói âm dương. Từ Vĩ Dạ (Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử) đi về hướng Gia Lệ, Vân Thê đường về đầm Hà Trung (còn gọi là đầm Chuồn), các bạn sẽ băng qua chiếc cầu lợp ngói bắc ngang nhánh sông nhỏ, đã được lưu danh bất tử qua câu hò: “Ai về cầu ngói Thanh Toàn / Cho em về với, một đoàn cho vui...”

Chỉ căn cứ vào một danh từ riêng có âm đơn giống nhau để phỏng đoán tên gọi tắt cho một ngôi chợ là thiếu thuyết phục. Lục tìm trong các tư liệu lịch sử, địa lý về vùng đất Thừa Thiên ta thấy chưa có tài liệu nào nhắc đến tên chợ Quán, ngoài ra theo học giả An Chi thì làng Lương Quán từ xưa đến nay chưa hề tồn tại một ngôi chợ nào.

Về chợ Cầu, có tác giả cho rằng: “Chợ Cầu ở làng Phú Lương, Quảng Thành. Tên gọi này có lẽ xuất phát từ địa thế của chợ, chợ nằm bên cây cầu có tên Đan Điền, cây cầu nổi tiếng bậc nhất ở châu Ô thời bấy giờ”, từ suy diễn này tác giả minh họa bằng trích dẫn chép từ Ô châu cận lục của Dương Văn An: Cầu ở chợ làng Đan Lương, huyện Đan Điền, phía đông chợ có một con ngòi, ngang ngòi có một nhịp cầu, đầu cầu là nhà ở. Nhịp giữa cầu nổi cao như sống lưng cá kình rất tiện lợi cho người qua lại. Sớm hôm không ngớt, đúng là cái cầu số một của châu Ô vậy”.

Trên suốt chiều dài đất nước, do tính đặc thù trong giao thương xưa, chúng ta không lấy làm lạ khi có rất nhiều vùng miền có chợ và cầu cùng chung một tên (do các chợ đều tập trung ở gần cầu và bến đò, rất tiện lợi giao thông thủy - bộ), nhưng việc gán cho một ngôi chợ (Đan Lương) nằm ở gần một chiếc cầu (Đan Điền) có tên hẳn hoi để trở thành địa danh chợ Cầu là điều rất lạ. Việc tác giả trích đoạn nói về cầu Đan Điền trong “Ô châu cận lục” cũng hoàn toàn không đem lại mối liên hệ gì để xác lập địa danh chợ Cầu.

Có hai nguyên nhân dẫn đến việc nhiều học giả, nhà nghiên cứu bị cuốn vào vùng đất Thừa Thiên để lần tìm hai địa danh còn lại mà bỏ quên các địa danh khác:

- Nguyên do thứ nhất: Ngoài sự hiện diện hai đặc sản nổi tiếng (Nam Phổ, chợ Dinh) còn có sự tác động không nhỏ bởi hai câu dị bản được chắp nối thêm: …Chợ Dinh bán áo con trai/ Triều Sơn bán nón Mậu Tài bán kim.

Đây cũng là hai đặc sản thuộc Thừa Thiên Huế. Tuy nhiên xét theo cấu trúc, ngữ điệu của ca dao, dân ca chúng ta dễ dàng nhận ra ngay sự chắp vá khá vụng về của hai câu này, chúng hoàn toàn không có dây mơ rễ má gì với bốn câu trên.

- Nguyên do thứ hai, một nguyên nhân hết sức quan trọng đó là chúng ta quên tìm hiểu bối cảnh lịch sử, sự xác lập địa lý vào thời điểm bài ca dao ra đời.

Vào thời nhà Lê, năm 1466, vua Lê Thánh Tông đặt dải đất của Châu Thuận và Châu Hóa thành hai phủ là: Phủ Tân Bình và Phủ Triệu Phong thuộc xứ Thuận Hóa. Phủ Triệu Phong gồm 6 huyện: Vũ Xương, Đan Điền, Kim Trà, Tư Vang, Điện Bàn và An Nhơn (từ Cửa Việt vào Điện Bàn). Nói về phủ Triệu Phong đến thế kỷ XVIII chỉ còn 5 huyện đó là huyện Hương Trà, Phú Vang, Quảng Điền, Hải Lăng và huyện Đăng Xương (theo Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn). Không dừng ở đó đến năm 1081, vua Gia Long lấy 3 huyện: Đăng Xương, Hải Lăng và huyện Minh Linh lập thành dinh Quảng Trị.

Điểm qua đôi dòng sử liệu trên, ta thấy có sự giao thoa, chồng lấn, thay đổi các địa danh, vùng miền qua từng thời kỳ giữa Thừa Thiên Quảng Trị và Quảng Nam (Phủ Triệu Phong), vậy tại sao trong quá trình tìm kiếm chúng ta cứ mải miết quy hoạch vùng đất Thừa Thiên mà bỏ quên Quảng Trị và Quảng Nam. Việc đi tìm địa danh của một bài ru cổ trên “nền đất” của một địa giới hành chính mới (hiện tại) là không khoa học và thiếu hợp lý, có lẽ đây cũng là lý do khiến các nhà nghiên cứu loay hoay mãi vẫn chưa tìm ra lời giải.

Chỉ cần thoát khỏi sự thu hút theo đơn vị hành chánh cấp tỉnh hiện nay, chúng ta dễ dàng tìm ra những địa danh có tính thuyết phục cao hơn. Xin mạo muội giới thiệu một số địa danh để quý độc giả, nhà nghiên cứu tham khảo:

Cách Thừa Thiên Huế đúng một con sông (Ô Lâu), chợ Quán xưa nằm trên địa phận của xóm Quán thôn Mỵ, làng Trường Sanh, nay thuộc xã Hải Trường, huyện Hải Lăng tỉnh Quảng Trị. Đây là một ngôi chợ cổ nằm trên đường Thiên lý Bắc - Nam, chợ xuất hiện dưới thời chúa Nguyễn Phúc Tần (1620 - 1687) tuy nhiên do vị trí giao thông không thuận lợi nên quy mô phát triển không bằng các chợ khác trong vùng, sau nhiều lần di chuyển chợ cũng trở lại vị trí ban đầu lúc mới thành lập, hiện nay chợ được mang tên là Bến Đá.

Ngược vào phía Nam tại làng Thanh Chiêm, Điện Bàn, Quảng Nam có một ngôi chợ mang tên chợ Quán rất phồn thịnh, địa danh này được ghi lại trong địa bộ của làng, tại đây có các cơ sở nghề truyền thống nổi tiếng như nghề đúc đồng, bánh tráng, mì Quảng… Chợ Quán ban đầu nằm ở giữa làng, sau dời ra bến đò trên sông Thu Bồn gọi là chợ Củi. Vào cuối thế kỷ XIX, cùng với chợ Phong Thử và Đo Đo, chợ Quán được triều Nguyễn xếp hạng thuế thứ 9, khoảng thập niên sáu mươi của thế kỷ trước chợ được đổi tên thành chợ Cầu Mống rồi chợ Tổng:“Bao giờ cầu Mống gãy đôi/ Sông Thu hết nước em thôi thương chàng!”.

Cách ranh giới Thừa Thiên - Quảng Trị khoảng 50km theo quốc lộ 1A, chợ Cầu (huyện Minh Linh cũ), nay thuộc làng Hà Thượng, thị trấn Gio Linh, huyện Gio Linh tỉnh Quảng Trị. Chợ được lập vào năm 1667 nơi có đình làng Hà Thượng được coi là đình làng cổ nhất Quảng Trị và độc đáo nhất khu vực miền Trung. Chợ Cầu đã từng đi vào thơ ca: “Vôi trắng nghìn năm lời ước hẹn / Đỏ au cổ tích chẳng nhòa phai / Chợ Cầu giao cảm cùng sông núi / Viên mãn cho người một sớm mai…” (Võ Văn Hoa). Chợ Cầu hiện nay được xây dựng khang trang trên nền đất cũ, ngay tại thị trấn Gio Linh, sát quốc lộ 1A.

Việc xác định địa danh qua những bài ca dao cổ là điều tương đối khó vì nhiều địa phương trên cả nước hiện cũng đang lưu hành bài hát ru này (chỉ khác nhau về địa danh), tuy nhiên căn cứ các yếu tố về lịch sử, địa lý cũng như tính phổ biến bài ca dao “Ru em”, người viết chỉ mong muốn cung cấp thêm một số dữ liệu để các nhà nghiên cứu, bạn đọc rộng đường trong việc tìm ra những địa danh phù hợp cho một bài ru cổ đã đi vào lòng người Thừa Thiên, Quảng Trị.

K.G

Khê Giang
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 284 tháng 05/2018

Mới nhất

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

23 Phút trước

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Viếng Nghĩa Trủng Đàn đầu năm Giáp Thìn

08/04/2024 lúc 22:34

Mười năm rồi lại trăm nămĐàn Nghĩa Trủng mãi ơn Hoàng Bích KhêTử sĩ Tây Sơn

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

20/04

25° - 27°

Mưa

21/04

24° - 26°

Mưa

22/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground