Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 21/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Chùa Linh Quang: "Viễn sơn tác án, thế xuất hùng tăng"

Phật giáo Quảng Trị dẫu trải qua nhiều thăng trầm, biến binh cùng lịch sử của vùng đất nhưng vẫn luôn là nguồn sống văn hóa tâm linh, tín ngưỡng của người dân nơi đây. Với bề dày lịch sử, là nơi xuất phát nhiều cao tăng thạc đức, đóng góp công sức lớn cho sự hưng thịnh Phật giáo từ thời các vua Nguyễn cho đến nay của các làng xã trên vùng đất Quảng Trị, và làng Trung Kiên là một trong những làng đứng đầu, nổi tiếng nhất.

Lần tìm trên những trang sử còn lưu lại cùng câu nói cửa miệng “Quảng Trị Trung Kiên, Thừa Thiên Giạ Lê”, chúng tôi đến làng Trung Kiên xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị trong những ngày đông mưa lạnh đầu năm 2018. Hun hút qua những rặng tre bên đường cùng những bãi bờ, ruộng lúa uốn quanh theo mạn bắc dòng Thạch Hãn, khung cảnh làng quê yên bình như gạt bỏ những xô bồ của phố thị. Ngôi cổ tự Linh Quang tọa lạc ở trung tâm của làng, bên cạnh đình làng theo thế “Viễn sơn tác án”. Từ bao đời nay, ngôi chùa gắn liền với đời sống bình dị của người dân, trở thành điểm tựa tâm linh của cả dân làng Trung Kiên vốn có một truyền thống đạo pháp, là chốn tổ, nơi sản sinh nhiều cao tăng từ thế kỷ XIX đến nay. Và những dấu ấn đó đã, đang còn hiện hữu, lưu dấu lẫn được trân trọng, gìn giữ của cháu con, đồ chúng trong hơn hai thế kỷ đã qua.

1. Làng Trung Kiên: chốn địa linh - nhân kiệt

Làng Trung Kiên thuộc phủ Triệu Phong ra đời trong bối cảnh gắn liền với quá trình Nam tiến của người Việt, đặc biệt là công cuộc dựng xây của Tiên chúa Nguyễn Hoàng khi đến trấn thủ Thuận Hóa năm 1558. Tại đây, ông đã cùng với lực lượng đông đảo bộ tướng của mình và cư dân sở tại khai hoang, khẩn nghiệp, xây dựng và phát triển vùng đất xung quanh lưu vực sông Thạch Hãn. Một mặt vừa để phát triển kinh tế, tạo tiền đề cho sự ổn định về sau nhưng quan trọng hơn chính là 5 đội quân (Ngũ Kiên: Tiền, Tả, Hữu, Trung) đóng ở mạn bắc sông Thạch Hãn và bờ nam (Hậu Kiên), nhằm bảo vệ các lỵ sở dinh chúa. Từ đây, sự cộng cư giữa binh lính và người dân đã hình thành nên những xóm làng trù phú, mật tập men theo các dòng sông. Qua khảo sát của chúng tôi, ông tổ các họ tộc trong làng Ngũ Kiên đều xuất phát từ những binh lính quân đội chúa Nguyễn khi đóng quân ở đây, và cũng chính họ lấy tên đội quân của mình để lập nên tên làng lưu lại đến nay.

Trải qua những thay đổi về tên gọi hành chính thuộc các phủ, huyện khác nhau trong suốt hơn ba thế kỷ, nhưng tên gọi làng Trung Kiên không thay đổi. Hiện tại, làng Trung Kiên thuộc xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Địa giới của làng nằm bờ bắc sông Thạch Hãn, tiếp giáp phía Bắc và Tây Bắc là làng Ái Tử; phía Đông và Đông Nam giáp sông Thạch Hãn và đối diện là làng Hậu Kiên; phía Tây, Tây Nam giáp làng Xuân Yên. Làng có 21 họ tộc, trong đó họ khai canh khai khẩn được dân làng tín nhận là họ Nguyễn: Tiền khai canh hậu khai khẩn1.

Người dân trong làng vốn hồn hậu, chân chất, đùm bọc thương yêu nhau sau lũy tre soi bóng nước trong veo của dòng sông Hãn. Sự tách biệt của ngôi làng khi ngăn cách là cánh đồng lúa nương bắp, tựa như cảnh xa lánh phồn hoa, phố thị, nhưng “Sớm tối chuông ngân khắp mọi nhà” hay “Buồn vui san sẻ đói no chung”2. Cùng với đó, hệ thống tín ngưỡng, tôn giáo trong làng hiện còn khá nguyên vẹn, đầy đủ với chùa, đình, nhà thờ họ, đàn âm hồn... Người dân trong làng vốn có truyền thống hiếu đạo, chịu thương chịu khó, là nơi xuất phát những danh tăng “Trung Kiên đất tổ...” làm nổi danh xứ Thuận Hóa xưa và cho đến hôm nay.

Làng Trung Kiên được ví von là làng “Làm Tổ”, ý chỉ những người con dân của làng khi xuất gia đều trở thành những bậc cao tăng, tiếp chúng độ sanh, là những bậc lương đống của Phật giáo trên dải đất miền Trung. Cụ thể như, trong dòng họ Nguyễn của làng Trung Kiên, từ đời thứ 3 đến đời thứ 8 đều sản sinh những bậc cao tăng: Tổ Đạo Minh - Phổ Tịnh (đời thứ 3) - Tăng Cang chùa Báo Quốc; Tổ Tánh Thiên - Nhất Định (đời thứ 4) - Khai sơn chùa Từ Hiếu; Tổ Trừng Nhã - Chí Thanh (đời thứ 6) - khai sơn chùa Giác Lâm; Tổ Ngộ Tánh - Hưng Long (đời thứ 7) - khai sơn chùa Hải Đức; Hòa Thượng Trừng Kiết - Như Quang (đời thứ 7) trú trì chùa Từ Nhơn Phổ Tế, chùa Kim Quang; Hòa thượng Tâm Như - Đạo Giám (đời thứ 8) - khai kiến Quảng Hương Già Lam và trụ trì chùa Báo Quốc; Hòa Thượng Tâm Lượng - Diệu Hoằng (đời thứ 8) - trùng kiến Diệu Đế quốc tự… Hay như họ Đinh có Hòa thượng Thanh Tú - Huệ Pháp; họ Đặng có Hòa thượng Thanh Liên - Tâm Truyền; họ Phạm có Hòa thượng Thanh Đức - Tâm Khoan; họ Hồ có Hòa thượng Thanh Ninh - Tâm Tịnh; Họ Đào có Hòa thượng Hưng Dụng;… Ngoài ra còn rất nhiều quý ngài, quý Hòa thượng khác đang hoằng pháp trong nước cũng như ở nước ngoài đều có xuất thân từ làng Trung Kiên, Quảng Trị.

2. Quá trình hình thành và phát triển chùa Linh Quang

Trên cơ sở hình thành và phát triển của một vùng đất, hệ thống tín ngưỡng, tâm linh của người dân luôn luôn được chú trọng, lấy đó làm chiến lược nhân tâm, quy phục lòng người, ổn định dân tình. Điều này, đã được thực hiện xuyên suốt từ thời các chúa Nguyễn đến vua Nguyễn, và cho đến hôm nay, sự ổn định và phát triển đó vẫn luôn hàm chứa các yếu tố trên, dù rằng sự biến đổi và điều chỉnh để phù hợp là một điều tất yếu.

Gắn liền với quá trình tụ cư của làng Trung Kiên cùng với chiến lược nhân tâm ổn định dân tình, quy phục lòng người mà các chúa đã thực hiện, ắt hẳn ở đây đã tồn tại những cơ sở tín ngưỡng ban đầu, phục vụ nhu cầu tất yếu của người dân và chùa làng hay đình làng, miếu âm hồn... gần như được mặc định sẵn. Tuy rằng, dưới thời các chúa Nguyễn chưa thấy rõ quá trình hình thành và phát triển của chùa Linh Quang3 làng Trung Kiên, phải sau khi thống nhất dưới thời vua Gia Long mới thực sự rõ nét.

Năm Gia Long nguyên niên (1802), Tổ Đạo Minh - Phổ Tịnh4 vốn là con cháu họ Nguyễn đời thứ 3 làng Trung Kiên, đã cho xây dựng lại chùa làng, đúc chuông tượng và pháp khí thờ tự tại chùa. Sau này, chùa được ban biển ngạch 敕賜靈光寺(Sắc Tứ Linh Quang tự) nhưng đến nay bức đại tự này cũng không còn.

Trải qua nhiều lần sửa chữa5, phải đến cuối những năm 1930 trở đi chùa mới được trùng tu lại lớn hơn bằng gỗ và đến mùa thu năm 1939 thời vua Bảo Đại lễ khánh thành chùa mới được diễn ra. Điều này được thể hiện rõ trong câu đối được tự chủ Chánh Tín - Từ Nhơn cùng thiện tín phụng cúng ở hậu tổ mang dòng lạc khoản: 保大十五年孟秋靈光寺庆成之由(Bảo Đại thập ngũ niên (1939) mạnh thu Linh Quang tự khánh thành chi do). Từ 1940 trở đi, theo trí nhớ của các lão niên trong làng, chùa còn được tiếp tục sửa sang lại mấy lần bởi do chiến tranh tàn phá, nhưng dần ngày càng xuống cấp trầm trọng, đặc biệt sau binh lửa chiến tranh năm 1972, chùa càng bị hư hại nghiêm trọng, nên việc tái thiết trùng tu lại cần được đặt ra cấp thiết.

Sau năm 1975, Hòa thượng Tâm Lượng - Diệu Hoằng trú trì chùa Diệu Đế đã đứng ra trùng tu lại, nhưng cũng do điều kiện khó khăn, nên chủ yếu sửa sang lại với những gì sót lại sau chiến tranh. Tuy nhiên, phải đến đầu những năm 1980, Hòa thượng Trí Thủ đã đứng ra tái thiết xây dựng lại chùa Linh Quang. Hòa thượng đã mua một bộ khung nhà rường từ Huế mang ra để dựng chùa, gồm một gian hai chái, diện tích khoảng 60m2 lòng căn chính rộng 2,60m. Mái lợp ngói móc, trang trí bờ nóc lưỡng long chầu bách xe pháp luân, bên trong chạm khắc bình thường, các trụ cột được đôn lên bằng xi măng... Trong lần tái thiết này, Hòa thượng Trí Thủ đã thủ bút các bức hoành phi, câu đối6 thỉnh các tượng Phật thờ trong chánh điện và xây dựng tượng Quan Thế Âm Bồ tát lộ thiên đứng giữa hồ bát giác. Đặc biệt hai cặp câu đối trước tiền đường chùa đã cho thấy một cái nhìn, tâm thế và vị thế của một vùng đất, sự rạng danh của ngôi cổ tự Linh Quang từ trong lịch sử đến hôm nay: “Hồn dân tộc mái chùa tô nét đẹp/ Tiếng pháp âm dòng nước họa vần thiêng” “Lưu thủy vô huyền thời khai bát nhã/ Viễn sơn tác án thế xuất hùng tăng”. Chùa làm xong khánh thành vào ngày 22 tháng 6 năm 1983.

Trải qua gần hai mươi năm, với thời tiết khắc nghiệt của miền Trung cùng sự ăn mòn của mối mọt, nên năm 2000, nhân dân trong làng cùng Tăng, Ni, bổn đạo phật tử đồng hương và các Tổ đình, tự viện có gốc tích từ làng Trung Kiên đã cùng nhau phát động đại trùng tu xây dựng lại chùa.

Hệ thống chùa mới được thiết trí như giống nhiều ngôi chùa khuôn hội khác trong vùng với dạng kiến trúc hình chữ (Đinh) đặc trưng. Chùa được xây dựng bằng bê-tông cốt sắt bền vững, cổng tam quan khá bề thế, khang trang. Tượng Quan Thế Âm lộ thiên trước chùa được dịch chuyển đến phía trước hồ sen ngăn cách với cổng tam quan. Đồng thời, cung thỉnh phật tượng, thiết trí thờ tự mới phù hợp với kiến trúc chùa. Chùa được lạc thành trong năm 2002 dưới sự chứng minh của Hòa Thượng Thích Đức Phương. Từ đây, ngôi chùa làng Linh Quang trở thành nơi sinh hoạt tôn giáo và cũng là nơi trở về của toàn thể dân làng trên khắp mọi miền đất nước. Hiện tại chùa Linh Quang làng Trung Kiên được quản lý bởi Ban Hộ tự do, ông Nguyễn Yên làm Hội trưởng với hơn 90 đạo hữu trong làng sinh hoạt phật sự, tiếp nối truyền thống hiếu đạo mà chư Tổ đã dày công tạo dựng.

3. Những pháp khí, pháp bảo và di vật hiện tồn

Với bề dày lịch sử cùng với sự hưng suy của vùng quê Trung Kiên, chùa Linh Quang dầu trải qua những khó khăn nhất định nhưng cho đến nay vẫn còn lưu giữ những pháp khí, pháp tượng và những câu đối liễn sau những lần trùng tu.

Hệ thống Phật tượng vốn được thiết trí thờ ở Phật điện từ khi ngài Phổ Tịnh xây dựng chùa đến nay đã không còn, nhưng trải qua những lần trùng tu, nhất từ khi Hòa Thượng Trí Thủ đại trùng tu trở về sau, hiện vẫn còn lưu lại. Tuy rằng, không đặc trưng nhưng cũng đã thể hiện được sự tiếp nối liên tục của sứ mạng ngôi chùa trong đời sống cộng đồng dân cư làng Trung Kiên.

Đặc biệt, chùa Linh Quang hiện còn lưu giữ hai bảo vật gồm chuông u minh được Tổ Đạo Minh – Phổ Tịnh đúc vào năm Gia Long nguyên niên (1802) khi ngài trú trì chùa Linh Quang và Tiểu hồng chung năm Gia Long thứ 13 (1814) khi ngài trú trì chùa Sắc tứ Thiên Thọ đã chú báo chung do bổn đạo phụng cúng.

Chuông u minh cao 88cm với thân chuông cao 64cm, đường kính miệng 48cm và đường kính trên bồ lao rộng 22cm. Thân chuông, phía trên sát với bồ lao chia thành bốn mặt khắc nổi 4 chữ lớn A Di Đà Phật, kế tiếp là đường viền khắc nổi các biểu tượng bát bửu. Phần chính giữa chuông cũng được phân thành bốn mặt, hai mặt đối diện khắc nổi dòng chữ ghi niên đại 嘉隆元年癸秋月初一日(Gia Long nguyên niên, quý thu nguyệt sơ nhất nhật) và ghi tên chùa, đạo hiệu của vị trú trì cùng nội tự, bổn đạo thiện nam tín nữ (靈光寺,住持道明普浄大師,内寺本道善男信女等 – Linh Quang tự, trú trì Đạo Minh Phổ Tịnh đại sư, nội tự bổn đạo thiện nam tín nữ đẳng). Hai mặt còn lại khắc phương danh của những người phụng cúng. Bên dưới là các đường viền biểu thị các quẻ bát quái, hình rồng và các dải hoa lá sinh động trên miệng chuông; Bồ lao dạng hình rồng bốn chân cao 22cm và đầu rồng ngậm trân châu có độ rộng 36cm.

Tiểu hồng chung cao 59cm. Bồ lao cao 16cm, rộng hai đầu rồng 26cm. Thân chuông cao 43cm, đường kính miệng rộng 30cm và đường kính trên thân chuông sát bồ lao rộng 22cm. Chuông được thiết kế đơn giản vơi các múm chuông và những đường kẻ sọc nhằm phân chia thân chuông thành 4 phần cân đối kéo dài từ trên đỉnh chuông xuống đến gần miệng chuông. Căn cứ vào văn khắc cho thấy chuông được gia đình họ Sài cùng bổn đạo phụng cúng cho chùa Linh Quang, đúc vào ngày mồng 8 tháng 12 năm Gia Long năm thứ 13 (1814 - Giáp Tuất) (嘉隆十三年歲次甲戌十二月初 八日鑄造.奉供靈光寺交供本道柴......柴怒同本道領耴 - Gia Long thập tam niên tuế thứ Giáp Tuất thập nhị nguyệt sơ bát nhật chú tạo. Phụng cúng Linh Quang tự giao cúng bổn đạo Sài... Sài ... Sài Nộ đồng bổn đạo lãnh thính). Chuông có số đo năm tay (vòng tròn quanh chuông), nặng 50 cân được ngài Phổ tịch chú báo chung (勅賜天壽寺住持普浄和尚鑄報鍾,壹口五手重五拾斤 - Sắc tứ Thiên Thọ tự trú trì Phổ Tịnh hòa thượng chú báo chung, nhất khẩu ngũ thủ trọng ngũ thập cân)7. Tuy nhiên, hai quả chuông này về sau không còn được sử dụng vì mất tiếng, nên năm 1988, Hòa thượng Hưng Dụng chùa Kim Tiên đã tiến cúng Đại hồng chung mới mang tên Linh Quang tự, đúc ngày 27 tháng 4 năm 1988, cao 137cm, đường kính đáy 70cm, đặt để trước tiền đường8.

Ở không gian thờ Hậu tổ, sau khi đại trùng tu chùa vào năm 1983, Hòa Thượng Trí Thủ đã thiết trí kỉnh vị (cao 85cm, rộng 60cm) thờ các vị Tổ xuất thân từ làng Trung Kiên và các vị Hòa thượng khác có công trùng hưng, trùng kiến chùa Linh Quang (từ chính giữa sang hai bên tả hữu): Báo Quốc tự húy Đạo Minh hiệu Phổ Tịnh tự Viên Nhất hòa thượng; Khai sơn Từ Hiếu tự húy Tánh Thiên hiệu Nhất Định tổ sư hòa thượng; Báo Quốc tự húy Hải Thuận hiệu Lương Duyên tổ sư hòa thượng; Từ Hiếu tự húy Hải Thiệu hiệu Cương Kỷ tổ sư hòa thượng; Từ Đàm tự húy Thanh Liêm hiệu Tâm Thiền giác linh hòa thượng; Báo Quốc tự húy Thanh Đức hiệu Tâm Khoan giác linh hòa thượng; Trùng hưng Linh Quang tự húy Thanh Ninh hiệu Tâm Tịnh giác linh hòa thượng; Thiên Hưng tự trú trì húy Thanh Tú hiệu Tuệ Pháp hòa thượng; Khai sơn Hải Đức tự húy Ngộ Tánh hiệu Phước Huệ giác linh hòa thượng; Báo Quốc pháp phái trùng hưng Phổ Tế húy Trừng Khiết tự Như Quang hiệu Hưng Nghĩa đại sư. Cùng song song với kỉnh vị thờ tổ sư, còn có sự tích hợp phối thờ kỉnh vị liệt kê 20 chư họ tộc9 làng Trung Kiên thể hiện mối tương duyên, ghi nhớ tiền nhơn, công lao sáng lập và cùng tạo dựng nên ngôi chùa Sắc Tứ Linh Quang.

Ở giữa hai kỉnh vị, thiết trí thờ long vị Hòa thượng Tánh Thiên - Nhất Định đời thứ 39 dòng thiền Lâm Tế Liễu Quán, khai sáng Từ Hiếu tự. Và phía trước hai bên tả hữu bài vị thờ Hòa thượng Hải Thuận - Lương Duyên đời thứ 40 dòng thiền Lâm Tế Liễu Quán, Tăng cang Sắc tứ Báo Quốc và Diệu Đế tự (bài vị bị hỏng chỉ còn lại dòng chữ); bài vị thờ Hòa thượng Thanh Tú - Tuệ Pháp đời thứ 41 dòng thiền Lâm Tế Liễu Quán, Tăng cang Sắc tứ Diệu Đế tự; cùng chung trên bài vị ngài Thanh Tú còn có bài vị Hòa thượng Tâm Lượng – Diệu Hoằng trùng kiến trú trì Kim Quang tự, đời thứ 43 dòng thiền Lâm Tế Liễu Quán.

Ngoài ra, ở Hậu tổ còn thiết trí hai câu đối được Tự chủ Sắc Tứ Linh Quang hiệu Từ Nhơn làm vào năm Bảo Đại thứ 15 nhân lúc khánh thành chùa: 靈跡千秋祖印相乘明妙旨(Linh tích thiên thu tổ ấn tương thừa minh diệu chỉ), 光含萬象師生继美振宗風(Quang hàm vạn tượng sư sanh kế mỹ chấn tông phong), 保大十五年孟秋靈光寺庆成之由(Bảo Đại thập ngũ niên (1939) mạnh thu Linh Quang tự khánh thành chi do), 勅賜靈光寺主號慈仁並門徒善信仝奉供 (Sắc tứ Linh Quang tự chủ hiệu Từ Nhơn tịnh môn đồ thiện tín đồng phụng cúng). Và cặp câu đối được Hòa thượng Trí Thủ thủ bút: 靈地出灵人千秋月朗光天現光佛萬世日新 (Linh địa xuất linh nhân thiên thu nguyệt lãng/ Quang thiên hiện quang Phật vạn thế nhật tân).

Có thể thấy, làng Trung Kiên suốt từ thế kỷ 19 đến nay luôn là một chốn địa linh nhât kiệt, nơi mà các dòng họ trong làng đời nào cũng có những vị xuất gia tu học trở thành những bậc đại tăng rường cột của Phật giáo, đóng góp công sức lớn lao cho sự phát triển Phật giáo Việt Nam.

Bên cạnh đó, chùa Linh Quang với những di vật hiện tồn và cùng với lịch sử hình thành và phát triển đã minh chứng cho sự trường tồn của Phật giáo trong đời sống văn hóa tâm linh của người dân sinh tụ nơi đây. Dù rằng, không thể khái quát hay là một điển hình chung nhất qua nghiên cứu chùa Linh Quang nhưng bước đầu gợi mở, vẽ nên bức tranh toàn cảnh về một vùng đất Trung Kiên thấm nhuần đạo pháp trong hơn hai thế kỷ qua. Từ đó, lần tìm những thông tin quan trọng từ những di vật, tư liệu hay hành trạng của quý Hòa thượng cho quá trình nghiên cứu toàn diện về Phật giáo Quảng Trị sau này.

 

L.T.Q

 

__________________

1 Trên kỉnh vị thờ chư tộc làng Trung Kiên ở Hậu tổ chùa Linh Quang có ghi: 奉爲本村阮大族家前開耕後開墾列位先靈尊神 (Phụng vị bổn thôn Nguyễn đại tộc gia tiền khai canh hậu khai khẩn liệt vị tiên linh tôn thần), cho thấy dòng họ Nguyễn có một vị trí hàng đầu trong các họ tộc hiện diện ở làng.

2 Bài thơ “Nhớ Làng” của Hòa thượng Thích Trí Thủ, được ghi lại trên bia đá đặt trước tiền đường chùa Linh Quang.

3 Trên các làng xã thuộc huyện Triệu Phong, ngoài chùa Linh Quang làng Trung Kiên, hiện nay vẫn còn tồn tại hai ngôi chùa mang tên là Linh Quang:

- Chùa Linh Quang - làng Linh Chiểu, xã Triệu Sơn hình thành dưới thời các chúa Nguyễn, sau đó chuyển dời địa điểm, xây dựng lại và được ban biển ngạch Sắc tứ vào thời vua Gia Long thứ 9.

- Chùa Linh Quang làng Tả Kiên, xã Triệu Giang, chùa hiện nay hoang phế, di vật hiện còn là tấm biển 靈光寺 (Linh Quang tự) niên hiệu thời vua Duy Tân thứ 4 (惟新肆年 - 1916), được dân làng xây một miếu nhỏ để thờ Ngọc Hoàng, Thánh Mẫu và Quan Thánh. Người dân trong làng đều gọi là chùa Linh Quang khi được hỏi.

4 Hòa thượng Đạo Minh – Phổ Tịnh hiệu Viên Nhất thuộc dòng Lâm Tế Liễu Quán đời thứ 38, thế danh Nguyễn Văn Hiếu, ở làng Tây An, tổng Long Phước, huyện Duy Xuyên, phủ Thăng Hoa, Quảng Nam. Ngài có gốc ở làng Trung Kiên, tổng Bích La, huyện Đăng Xương, Quảng Trị bởi ông nội của ngài tòng quân đóng tại đây nên ngài cũng xem đây là quê hương thứ hai của mình. Chính vì nhân duyên đó Ngài đã xây dựng chùa Linh Quang ở làng Trung Kiên lấy làm nơi sinh hoạt tâm linh cho dân làng, đặt nền móng rộng sâu cho sự phiệp tiếp tăng độ chúng về sau. Đến năm 1808, ngài được Hiếu Khương Hoàng thái hậu mời về trú trì chùa Hàm Long Thiên Thọ Báo Quốc.

5 Trên cứ liệu về Tiểu sử Hòa thượng Thích Hưng Dụng chùa Kim Tiên, Ngài có thế danh Đào Ngọc Thố (1915 – 1998), làng Trung Kiên, năm 12 tuổi nhân khi đi xem lễ khánh thành chùa Linh Quang ngài đã cảm uy phong của Hòa thượng Tăng cang chùa Diệu Đế Tâm Khoan nên đã xin thân phụ xuất gia cầu Phật. Như vậy, đến năm 1927, chùa Linh Quang Trung Kiên đã có tổ chức khánh thành chùa sau một đợt trùng tu và lễ khánh thành này được Hòa thượng Tâm Khoan chứng minh.

6 Hòa thượng Thích Trí Thủ húy Tâm Như hiệu Đạo Giám, thế danh Nguyễn Văn Kinh – đời thứ 8 họ Nguyễn Làng Trung Kiên. Khi tái thiết lại chùa Linh Quang, Hòa thượng đã thủ bút viết các bức hoành phi, cấu đối trên gỗ nhưng đến nay đã không còn do bị thất tán và hư hại. Hai bức hoành phi: 奕葉相丞 (Dịch Diệp Tương Thừa); 根深葉茂 (Căn thâm diệp mậu) được treo ở hai chái tả hữu. Hai khung gỗ có lồng kính, treo trên hai câu đối: 三世諸佛依般若波羅密多故得阿耨多羅三藐三菩提 (Tam thế chư Phật y bát nhã ba la mật đa cố đắc a nậu đa la tam miểu tam bồ đề), 諸佛爲一大事因緣扵世欲今眾生開示悟入佛之知見 (Chư Phật vi nhất đại sự nhân duyên ư thế, dục lịnh chúng sanh khai thị ngộ nhập Phật chi tri kiến), 歷二五二七癸亥六月望,尙釋智首錄題 (Phật lịch nhị ngũ nhị thất quý hợi lục nguyệt vọng, Hòa thượng Thích Trí Thủ lục đề). (Lê Đình Hùng, Tư liệu điền dã tại chùa Linh Quang, năm 2001).

7 Căn cứ trên văn khắc chuông, còn cho biết thông tin cúng chùa Linh Quang một chuông gia trì 6 tay, nặng hai mươi cân nhưng hiện tại đã bị thất tán.

Văn khắc trên chuông đã ghi rõ: Đại hồng chung cũ do Hòa thượng hiệu Phổ Tịnh chú tạo năm 1802 nay đã mất âm thanh. Để từ âm được tiếp nối ở chốn Tổ nơi quê nhà chúng tôi phát nguyện cúng hồng chung này làm pháp khí tổ đình. Nguyện cầu quốc thái dân an pháp luân thường chuyển. Phật lịch 2531 ngày 27 tháng 04 năm 1988. Hòa thượng Thích Hưng Dụng (Đào Lương Bật). Phụng cúng.

9 Kỉnh vị ghi các họ tộc gồm: Nguyễn Đại, Nguyễn, Trần Quý, Trần, Đào, Đặng, Lê, Hồ, Bùi, Phạm, Lý, Đinh, Lâm, Đặng, Thái, Võ, Nguyễn Quang.

 

Lê Thọ Quốc
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 285 tháng 06/2018

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

22/04

25° - 27°

Mưa

23/04

24° - 26°

Mưa

24/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground