Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Miếu thờ thần người Việt trên vùng đất Quảng Trị - những di sản quý giá cần trân trọng giữ gìn

Miếu thờ thần của người Việt trên vùng đất Quảng Trị là một dạng di sản văn hóa quý giá mà các lớp tiền nhân qua bao thế hệ đã trao truyền cho đến ngày nay. Đây là những công trình kiến trúc được xây cất để làm nơi thờ phụng các vị thần linh - là trú sở chính của các vị thần được cộng đồng nhân dân làng xã tôn vinh và cũng chính là nơi người dân thực hiện những nghi thức tế lễ liên quan đến sinh hoạt tín ngưỡng định kỳ của làng xã. Mỗi ngôi miếu thường thờ một vị thần có thể là nhân thần hoặc nhiên thần, nhưng cũng có những ngôi miếu thờ hai hoặc nhiều vị thần theo cách “hiệp tự” và kèm theo nó là những nghi thức thờ phụng, tế lễ. Vì thế, quy mô kiến trúc của miếu cũng tuỳ thuộc vào tính chất, số lượng vị thần được thờ và cả những nếp sinh hoạt tín ngưỡng của người dân ở các làng xã.

Cũng như đình, chùa làng và nhà thờ các họ tộc, kiến trúc miếu thờ của người Việt ở các làng trên vùng đất Quảng Trị có quá trình hình thành và phát triển gắn bó hữu cơ với điều kiện tự nhiên, hoàn cảnh lịch sử, xã hội, tình hình phát triển kinh tế... của các làng xã thêm vào đó là sự gắn bó mật thiết với lịch sử hình thành, phát triển nội tại trong đời sống tâm linh của dân làng cũng như các bước phát triển về cách thức, kỹ thuật và phong cách kiến trúc cổ truyền trên vùng đất. Các ngôi miếu thờ thần ở Quảng Trị thường tọa lạc ở nơi xa làng, ở các khu đất thiêng và yên tĩnh; đây chính là nơi an vị của các vị thần thánh, tránh mọi sự ồn ào náo nhiệt của cuộc sống trần gian. Trong miếu thường đặt các tượng thần, bài vị, sắc phong của các vị thần linh cùng các đồ thờ tự.

Đối tượng thờ cúng ở miếu cũng rất đa dạng, thường thể hiện ở tên gọi của các ngôi miếu: Miếu Thành hoàng/ Nghè (thờ thần Thành hoàng làng), miếu Cao Sơn (thờ thần núi), miếu Bà Thủy (thờ thần sông nước), miếu Bà Hỏa (thờ thần lửa), miếu Thổ địa (thờ thần đất); miếu Bà Giàng, bà Chúa Ngọc (thờ nữ thần người Chăm - Thiên Y A Na Ngọc Diễn Phi)… và rất nhiều ngôi miếu thờ các vị thần có công với làng với nước như: miếu Khai khẩn (thờ ngài Tiền khai khẩn), miếu tiến sĩ (thờ những người học hành đỗ đạt)... Những ngày tế lễ con cháu dân làng qua bao đời nay vẫn truyền tụng và thường dựa vào ngày sinh hay ngày mất (đối với các vị nhân thần) ngày hiện hóa (các vị nhiên thần) để tổ chức tế lễ tại miếu - nơi trú sở chính của các vị thần; nhưng vào các kỳ đại lễ của làng, dân làng thường nghinh rước thần từ miếu về đình làng, kết thúc lễ tế lại rước thần về yên vị tại miếu.

Kiến trúc miếu thờ ra đời và phát triển xuất phát từ nhu cầu giải tỏa đời sống tâm linh nên nó phải có thời điểm xuất hiện sớm hơn so với đình, chùa, nhà thờ họ tộc. Miếu thường có quy mô kiến trúc nhỏ, trang trí nội thất đơn giản hơn đình, chùa và nhà thờ họ. Người Việt khi đến định cư ở vùng đất mới tạo dựng đã tiếp nhận những tín ngưỡng thờ cúng của người bản địa - người Chăm để tránh sự báo thù của thần thánh và đồng thời họ cũng xây dựng các công trình đền miếu để thờ cúng các vị thần mang tính truyền thống của chính người Việt mang đi từ đất tổ miền Bắc.

Theo chiều hướng phát triển về lịch sử, xã hội, kinh tế và đời sống nên sinh hoạt tín ngưỡng của người dân ngày càng đa dạng và phong phú hơn, từ đó kiến trúc đền miếu cũng thay đổi và đa dạng về số lượng, quy mô, cách thức kỹ thuật, vật liệu xây dựng. Trong mỗi một làng thường có nhiều vị thần được tôn vinh; đối tượng thờ và số lượng các vị thần cũng thay đổi nhiều hay ít tuỳ thuộc vào đời sống tâm linh của mỗi cộng đồng và tuỳ thuộc vào từng thời kỳ nhất định. Vì thế, số lượng, kiến trúc đền miếu trong mỗi làng người Việt trên vùng đất Quảng Trị từ xưa tới nay thường không giống nhau và cũng biến động, thay đổi theo thời gian. Tuy nhiên, thường mỗi làng đều có từ năm đến hàng chục ngôi miếu.

Qua một quá trình nghiên cứu và khảo sát thực địa, dưới góc độ phân loại, có thể nhận diện các công trình kiến trúc miếu thờ của người Việt ở trên vùng đất Quảng Trị theo mấy dạng sau:

1. Dạng kiến trúc đền miếu được xây dựng với một bộ khung gỗ chịu lực theo mô thức nhà rường nhưng quy mô nhỏ bé, quy cách đơn giản, được tạo theo kiểu nhà sàn, bên dưới có 4 cột. Sàn và xung quanh được thưng bằng ván tấm. Đây là loại miếu thờ chỉ dành cho một vị thần, dạng miếu này có phong cách cổ xưa, đậm tính truyền thống mang đặc thù của vùng Trị - Thiên, miếu thờ này có thời điểm xuất hiện sớm nhất (thế kỷ XV - XVI) và trước đây tồn tại phổ biến ở tất cả các làng quê trên vùng đất Quảng Trị.

2. Dạng kiến trúc đền miếu được xây dựng chỉ bằng các vật liệu gạch, đá được liên kết bằng vôi vữa theo mô thức trần vòm cuốn, thường được cấu tạo theo kiểu kiến trúc 2 tầng mái và đắp giả theo kiểu ngói âm dương hay lợp ngói liệt, mái cong như kiểu kiến trúc Bắc nhờ vào các đầu đao bằng giao lá, giao hồi văn... Đây là loại miếu thờ chỉ dành cho từ một đến vài vị thần; có dáng dấp cổ kính nhưng thời gian ra đời muộn hơn (thế kỷ XVII - XIX) và thường ít phổ biến hơn dạng miếu đã nêu trên.

3. Dạng kiến trúc đền miếu được xây dựng giống như một ngôi nhà thờ họ nhưng có phần nhỏ hơn, với một bộ khung gỗ chịu lực mang đầy đủ tất cả các chi tiết, bộ phận kiến trúc như mô thức một ngôi nhà rường 1 gian, 2 chái. Đây là loại miếu thờ dành cho nhiều vị thần; dạng miếu này có tính truyền thống nhưng thời gian ra đời thường rất muộn (thế kỷ XIX - đầu XX) và rất ít gặp trong các làng xã.

Trải qua nhiều cuộc biến động về lịch sử, xã hội, nhất là sự huỷ hoại của hai cuộc chiến tranh và thiên tai, khí hậu khắc nghiệt nên nhìn chung các kiến trúc đền miếu trên vùng đất Quảng Trị phần lớn đã bị hư hại, tan nát. Những ngôi đền miếu hiện có trong các làng xã đều được tu bổ, sửa sang hoặc dựng mới lại trong những thập niên cuối thế kỷ XX và những năm đầu thế kỷ XXI với nhiều dạng kiến trúc khác nhau, tuy vậy số lượng chỉ còn chưa đầy một nửa so với trước đây. Đa số ở các làng người dân chỉ xây lại các ngôi miếu thờ mà họ cho là quan trọng: Thành hoàng, các vị tiền khai khẩn, khai canh và một số miếu hiệp tự để thờ chung cho tất cả các vị thần.

Trên thực tế cho đến nay những ngôi miếu dưới dạng kiến trúc xây dựng với một bộ khung gỗ chịu lực theo mô thức nhà rường, được tạo theo kiểu nhà sàn, bên dưới có 4 cột - vốn là những ngôi miếu thờ nguyên bản cổ xưa hiện còn rất ít ỏi. Hiện nay, dạng miếu trên chỉ còn lại ở một số làng tập trung ở các huyện Hải Lăng, Triệu Phong, Cam Lộ và Gio Linh: miếu Thành hoàng làng Trà Trì (Hải Xuân - Hải Lăng), miếu Thành hoàng làng Vệ Nghĩa, Phù Lưu (Triệu Long - Triệu Phong), miếu Thành hoàng làng Dương Lệ Văn (Triệu Thuận - Triệu Phong), miếu thờ ngài Lê Văn Vạn làng An Lợi (Triệu Độ - Triệu Phong), miếu thờ ngài Tiền khai khẩn làng An Thái (Cam Tuyền - Cam Lộ)… Miếu Thành hoàng và Bà Thủy làng Thanh Liêm (Triệu Độ - Triệu Phong), tuy có cấu trúc với một bộ khung gỗ chịu lực theo mô thức nhà rường, được tạo theo kiểu nhà sàn, bên dưới có 4 cột; nhưng có sự biến đổi một số nơi về cấu trúc do sự kết hợp, liên ghép hai ngôi miếu lại với nhau.

Nhiều năm qua, trong quá trình tôn tạo, xây dựng lại những ngôi miếu dưới dạng truyền thống rất ít được người dân quan tâm, duy chỉ có khu đền miếu làng Lập Thạch được xây dựng lại theo kiểu kiến trúc với bộ khung gỗ chịu lực theo mô thức nhà rường, được tạo theo kiểu nhà sàn, bên dưới có 4 cột khá đẹp. Đó là miếu Tiền khai họ Trần, miếu Hậu khai khẩn họ Nguyễn Khắc và 2 ngôi miếu thờ ngài họ Phạm và họ Nguyễn làm quan dưới thời phong kiến. Bên cạnh đó cũng có một số làng đã cố giữ lại kiểu dáng các ngôi miếu xưa nhưng tất cả đều được sử dụng vật liệu xi măng, bê tông, cốt thép để thay thế bộ khung gỗ chịu lực nên kiến trúc nhìn rất thô và không mềm mại như những ngôi miếu gỗ cổ truyền.

Miếu thờ dưới dạng kiến trúc xây dựng chỉ bằng các vật liệu gạch, đá được liên kết với nhau bằng vôi vữa theo mô thức trần vòm cuốn, mái cong ở một số làng nay vẫn tồn nguyên tuy đã bị xuống cấp nghiêm trọng điển hình ở các làng thuộc huyện Triệu Phong và Gio Linh như: miếu Ngũ hành, miếu thờ Bà Chúa Ngọc ở làng Tân Định (Triệu Long), miếu Tiền khai canh và Thành hoàng làng Trung Yên (Triệu Độ), miếu Đôi làng Duy Phiên (Triệu Phước), miếu Khai khẩn làng Dương Xuân (Triệu Phước), miếu Đôi, miếu Bổn thổ làng Hà Tây (Triệu An), miếu Thành hoàng và miếu Bà Giàng làng Tường Vân (Triệu An) miếu Thành hoàng, miếu Đôi (thờ Bà Thủy, Bà Hỏa) tại làng Tân Xuân (Gio Việt)… Dạng miếu này ngày xưa có mặt ở hầu khắp các làng, qua thời gian và chiến tranh đã hư hại rất nhiều, hiện nay người dân đang sửa chữa theo lối cũ như khu đền miếu của làng Đâu Kênh (Triệu Long) được xây dựng vào năm 2000.

Số đền miếu dưới dạng một ngôi nhà rường 1 gian, 2 chái với một bộ khung gỗ chịu lực có đầy đủ tất cả các chi tiết, bộ phận kiến trúc thì nhiều cái đã bị hư hại, hiện không thể tu tạo lại được, một số còn nguyên trạng nhưng đã có trùng tu và làm thêm một số bộ phận mới như: Miếu Hiệp tự (Tự Nguyên Đường) làng Phương Ngạn (Triệu Long), ngoài hậu điện còn khá nguyên dạng như kiến trúc ban đầu thì người dân còn xây mới phần tiền đường vào năm 1995.

Miếu Thành hoàng và Tiền khai khẩn làng An Lợi (Triệu Độ), là dạng miếu không phổ biến nhiều ở vùng đất Quảng Trị. Đây là ngôi miếu phối thờ chung 2 vị thần của làng, miếu gồm hai nếp nhà song ngang bố trí theo lối chữ nhị, tiền đường là một ngôi nhà xông ngang 3 gian, hậu liêu là một ngôi nhà rường 1 gian 2 chái với quy mô nhỏ. Đây là ngôi miếu còn sót lại qua hai cuộc chiến tranh.

Một dạng đền miếu hiện tồn tại khá phổ biến ở các làng dưới dạng đền miếu trần, được xây dựng các bệ thờ bằng xi măng, theo chúng tôi có lẽ được xuất hiện khá muộn sau này, để thay thế các khu đất thiêng - nơi người dân thường thờ cúng như: đền Âm hồn, đền Thần nông (đàn cầu chẹn) tồn tại khá phổ biến ở nhiều làng.

Đền, miếu dù to hay nhỏ, dù được xây dựng sớm hay muộn và dù có kiến trúc ra sao thì trước sau nó vẫn là những công trình thờ cúng thần linh của những cộng đồng cư dân. Đền miếu chính là nơi tốt nhất để con người có thể giải tỏa những vấn đề tâm linh, tìm kiếm niềm tin, hy vọng và gửi gắm mong muốn của mình về những ước nguyện cho một cuộc sống bình yên, no đủ và hạnh phúc. Kiến trúc đền miếu luôn là một bộ phận không thể thiếu trong thiết chế văn hoá truyền thống; nó chính là di sản văn hoá vật thể đáng được trân trọng, bảo tồn.

C.T.V

Cái Thị Vượng
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 285 tháng 06/2018

Mới nhất

Bộ từ điển bỏ lại giữa rừng sâu

3 Giờ trước

Sau hiệp định Pari, 27/1/1973, chiến tranh tạm dừng, đại đội tôi đóng quân giữa bãi cát Lệ Xuyên, huyện

Đi tìm cỏ

3 Giờ trước

Nhiều lúc ngồi thẫn thờ nhìn đàn trâu bò gặm cỏ dọc triền đê chợt giật mình: Cỏ quê

Chị ấy…

3 Giờ trước

Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Huế tổ chức một chuyến đi thực tế dài ngày tại Tổng Công

Pa Ling mùa mưa

3 Giờ trước

Tháng 11, dưới cơn mưa rừng tầm tã, chúng tôi tìm về thôn Pa Ling, xã A Vao, huyện Đakrông,

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/03

25° - 27°

Mưa

31/03

24° - 26°

Mưa

01/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground