Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Chế Lan Viên và mẹ

TCCV Online - Sinh thời nhà thơ Chế Lan Viên là người vui chuyện. Thời kháng chiến chống Pháp anh còn trẻ, lúc ngồi chơi hay trên đường thả bộ với bạn bè, anh nói về mọi thứ trên trời dưới đất, một số sẽ là đề tài các tiểu phẩm của anh ký bút danh Mũi Nhọn in báo Cứu quốc Liên khu 4 xuất bản hằng ngày mà anh là Thư ký tòa soạn, “chuyện trồng cây, đánh du kích, xây dựng chính quyền ở xã, nuôi gà, ông Nguyễn Trãi, chuyện tiếu lâm, các vụ cải nhau trong gia đình và ở Quốc hội Mỹ...”. Thế nhưng chuyện riêng gia đình, kỷ niệm của anh về hai đấng sinh thành thì ít khi anh tâm sự. Thi thoảng cũng có, dưới dạng mẩu chuyện hay một vài chi tiết không mấy khi có đầu có đuôi, vui buồn đều có, buồn nhiều hơn và thông thường kết thúc bằng một câu dí dỏm pha trò. Vậy thôi, và sẽ không bao giờ trở lại câu chuyện ấy nữa.

Thoạt đầu tôi tò mò muốn hỏi nhưng không dám, vì tôi là lớp em, là học trò anh trong nghề báo; sau này được anh bỏ qua sự thường tình và coi là một người bạn tâm giao gần gũi nhau suốt “bốn mươi năm”, “đã chứng kiến một phần lớn cuộc đời của anh”, tôi càng hiểu không nên đụng vào nỗi sâu tâm tư ấy cho dù lòng vẫn cứ băn khoăn. Cho mãi đến lúc anh Chế Lan Viên ra đi đã một phần tư thế kỷ và tôi vào buổi xế bóng cuộc đời, đọc lại anh và các di cảo của anh, tôi sáng dần.

Cuối tập Gai lửa (di cảo), dưới cái đề Vinh, 18-3, năm kháng chiến, anh Chế Lan Viên ghi: “...Những ngày này ta nhớ cha mẹ, chị, anh và cháu. Nhớ quê hương em gái. Nhớ hai người bạn thân ở Bình Định: Tấn (Quách Tấn) và Lan (Yến Lan). Cha mẹ ta chết hay còn sống? Sự sống khổ cực như thế nào?... Ta không dám nghĩ sâu vào. Và ta cũng không dám nghĩ sâu đến một cái gì nữa khác. Có lẽ vì thế mà ta đâm ra đùa nghịch chăng?... Ảnh hình đất nước giờ này là hình ảnh mẹ cha ta... Đất nước ơi! Ta yêu người hôm nay bằng cái tình ta yêu những người thân thích”. Anh dành đến hai trang bộc bạch sự nhớ mẹ cha, nhớ những người thân xa cách.

Ấy là vào những ngày khởi đầu cuộc chiến gian nan sau Toàn quốc kháng chiến 19-12-1946. Có lẽ đây là lần đầu anh Chế Lan Viên trực tiếp xưng ta và nói khá cụ thể về mẹ anh, cha anh. Trước đó, vào thời gian sau thành công của Điêu tàn, khi nhà thơ tạm chững lại trăn trở tìm đường những bước đi tiếp, nhiều lần anh nói về mẹ, về cha nhưng thường thông qua cảm nghĩ của một người thứ ba có tên Phan Thơ, chàng thi sĩ họ Phan nào đó, và hình ảnh bà cụ thân sinh thi sĩ họ Phan khi ẩn hiện dáng hình và tấm lòng Đức Mẹ Đồng Trinh Cứu Rỗi, khi mờ mờ nhân ảnh sau khói hương và trong tiếng mõ cầu kinh Nam mô Bổn sư Thích ca Mâu ni Phật...

Chàng Phan Thơ ấy, chàng Phan Thơ có thực ngoài đời và chàng Phan Thơ trong tâm tưởng từng xuất hiện nhiều lần trước ngày kháng chiến qua những trang tuỳ bút Chế Lan Viên. Chàng Phan Thơ nhiều lần diết da nhớ đến Mẹ, nghĩ về Mẹ như một nguồn cứu rỗi, một niềm an ủi, một lượng từ bi: “Nhưng rồi một ngày kia... Đột nhiên mà chàng lẻ loi giữa một sự thù nghịch bao vây. Đột nhiên mà hình ảnh mẹ buồn hiện ra trước mắt, uẩn khúc đằng sau một trời thương mến ngọt ngào (...) Và một buổi sáng khác, đang lầm lũi trong gai, trong cỏ, kiếm kiếm tìm tìm, Phan Thơ bỗng ngạc nhiên thấy Mẹ bên mình!... Không hỏi han duyên cớ, Phan Thơ ngả vào lòng Mẹ... Nước thiên đàng đã đến gần...”.

Còn một người mẹ khác nữa, mẹ không viết hoa, mẹ gần gũi với đời thường. Một lần nghe tiếng cầu kinh Phật, Phan Thơ chợt nhận ra: “A a! Thì ra tiếng cầu kinh của mẹ Thơ”. Chàng thi sĩ đã nhận ra đó là tiếng kinh của mẹ, vậy mà vẫn hỏi gặng “Mẹ ta bây giờ ở hướng nào? Ngoài sân? Trước điện thờ? Hay trong buồng ngủ? Sau cùng thì cái hình ảnh này hiện ra trong trí. Ấy là điện thờ vắng vẻ, tờ mờ một ánh đèn dầu lay động gió hè cùng trước đó bóng gầy gò của một tuổi già cầu nguyện”.

Trong trí nhớ và sâu trong trái tim anh Chế Lan Viên, hình ảnh bà mẹ thật ở đời, người đã sinh ra anh, nuôi dưỡng anh cho tới lúc anh trưởng thành luôn hiện diện và nhiều lần thấp thoáng những vần thơ những câu văn anh vào những thời điểm khác nhau lúc anh đang tuổi hai mươi cũng như khi đã trở thành một tác gia lục tuần.

Cùng với mẹ, bên cạnh mẹ là người cha kính yêu. Có một thời hai cụ sùng đạo Phật chiều chiều cùng quỳ xuống cầu kinh trước điện thờ trong nhà - tiếng cửa Phật gọi là “công phu”, tụng kinh hằng ngày. Đôi khi bà cụ đọc sai hay đọc thiếu từ - chao ôi, các bà mẹ Việt Nam ta thời ấy có được mấy người thật rành thông chữ nghĩa - vậy là cụ ông “tính khí gắt gao” không hài lòng, cụ nhận xét, cụ “bắt bẻ” luôn. Phật ý, thân mẫu anh không công phu một lúc với chồng nữa, bà chờ đến đêm khuya khi công việc nhà dọn dẹp xong xuôi, mới một mình lên điện đọc kinh cầu nguyện Nam mô Bổn sư Thích ca Mâu ni Phật... Trong lòng thi sĩ Phan Thơ, “cuộc đời của mẹ không phải một bản thống kê dài đâu, mà chỉ là đôi kỷ niệm buồn bã hoặc vui tươi...”. Người mẹ trong tâm khảm chàng Phan Thơ luôn trở trăn suy ngẫm, khi thì tìm nơi biển Phật khi thì tìm ở nước mắt Đức Mẹ Đồng Trinh, không hẳn người mẹ hư cấu văn chương mà là người mẹ đích thực đã sinh thành, chăm ẵm nhà thơ Chế Lan Viên tên khai sinh Phan Ngọc Hoan.

Những dòng ghi tại thành phố Vinh ngày 18-3 năm kháng chiến và nhiều trang viết trong tập Gai lửa mấy năm trước đó, anh Chế Lan Viên giữ riêng cho mình. Mãi đến gần đây, sau 70 năm, nhà văn Vũ Thị Thường người bạn đời của anh và cũng là người làm Chế Lan Viên toàn tập mới sưu tầm, sắp xếp, chú thích, công bố mọi người cùng rõ. Còn trước đó, nỗi nhớ mẹ cha cũng như tuổi ấu thơ anh nơi quê hương Quảng Trị và tuổi học trò anh “trong thành Bình Định cũ” dồn nén trong lòng, chỉ xuất hiện đó đây qua thơ qua văn.

Hơn 40 năm sau Mẹ sầu bi và Muối tối và Vinh ngày 18-3 năm kháng chiến, chờ đến khi đất nước thống nhất, nghĩ về “Bình Định cũ” nơi anh “viết bài văn đầu tiên, ra tập thơ đầu tiên”, theo yêu cầu của bạn, Chế Lan Viên lần đầu lý giải: “Trong Điêu tàn có yếu tố thần bí vì tuổi trẻ tôi chìm trong tiếng tụng kinh trước bàn thờ Phật của cha tôi, và trường tôi nằm trong tầm ngân vang của chuông nhà thờ đạo Kim Châu gần đấy”. Anh nói thêm, những yếu tố thần bí những đêm tuổi thơ của anh ở Bình Định và hiện hữu trong tập thơ đầu tay, sau này khi anh lớn tuổi hơn và được gặp Đảng, chúng “không biến mất mà hóa ra thứ khác giữa ánh sáng ban ngày”. Đó là cuốn sách đầu tiên trong “Tủ sách Công dân” ở Huế sau tháng Tám 1945, là những câu thơ, những trang văn, những bài báo ký Lai Triều, Sơn Trung, Thạch Hãn, Chàng Văn…  thời đánh Pháp, đánh Mỹ anh in trong nước hay phát biểu tại các diễn đàn quốc tế.

Cách mạng tháng Tám 1945 là cái mốc, là bước ngoặt quyết định vận mệnh ta dân tộc ta trong đó có nhà thơ Chế Lan Viên. Tác giả Điêu tàn và Vàng sao thành tâm mang những thu hoạch, suy ngẫm của mình về đạo Phật, đạo Gia Tô, về triết lý siêu hình cống hiến cách mạng, góp phần xây dựng đại đoàn kết dân tộc. Năm 1946, ba văn nghệ sĩ đang có mặt tại Huế: nhà thơ Chế Lan Viên, nhà văn Trần Thanh Địch và họa sĩ Nguyễn Đức Nùng là đoàn văn nghệ sĩ đầu tiên của nước ta “Nam tiến”, đi thực tế vào Nam Trung Bộ và chiến trường Tây Nguyên. Chế Lan Viên làm báo Quyết thắng cơ quan của Việt Minh Trung Bộ xuất bản hằng ngày, đồng thời là Uỷ viên Ban Chấp hành Đoàn Xây dựng, tổ chức văn hóa Trung Bộ do các nhà lãnh đạo Nguyễn Chí Thanh, Tố Hữu sáng lập theo phương châm “dân tộc, dân chủ”. Đoàn Xây dựng là nơi quy tụ hầu hết các văn nghệ sĩ đang sống và làm việc tại Huế thời bấy giờ. Ban Chấp hành Đoàn gồm Hoài Thanh, Đào Duy Anh, Lưu Trọng Lư, Chế Lan Viên, Lưu Quý Kỳ... nay đều đã nối gót nhau đi vào chốn vãnh hằng.

Đoàn Xây dựng được Ủy ban nhân dân Trung Bộ do Chủ tịch Trần Hữu Dực và Phó Chủ tịch Nguyễn Duy Trinh trực tiếp trao 70.000 đồng, đề nghị lập “Tủ sách Công dân” in sách chính trị, khoa học, văn nghệ... phục vụ nhân dân. Với cái vốn nhận thức về Phật giáo, Thiên chúa giáo tích lũy từ tuổi thiếu niên và những tháng năm trăn trở nhận đường, Chế Lan Viên sớm nộp bản thảo sách Thiên chúa và Tổ quốc. Sách được Việt Minh Trung Bộ đánh giá cao, Tổng bộ Việt Minh thưởng tác giả hai ngàn đồng. Anh Chế Lan Viên ra luôn Quảng Trị đưa mẹ nửa số tiền thưởng hết sức quý báu trong hoàn cảnh bấy giờ cùng mươi gốc cam mua từ Huế, “Mẹ chăm vườn cho con, đánh Tây xong về nhà con có cam ăn”.

Tình hình đất nước căng thẳng. Ngày 19-12-1946, Bác Hồ kêu gọi toàn dân kháng chiến. Tại Huế, quân Pháp sau thời gian bị ta bao vây trong một số chốt ở nội thành, Tết Đinh Hợi 1947 được tăng viện từ đường biển, chúng bung ra đánh chiếm, tàn sát. Mặt trận Huế vỡ. Tình hình những ngày đầu tại Thừa Thiên, Quảng Trị cực kỳ khốc liệt. Câu nói của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh: “Ta mất đất nhưng không mất nước, mất đất nhưng không được để mất dân” bắt nguồn từ bối cảnh đó. Ngày 15-2-1947 cánh quân Pháp từ Huế tràn ra phía Bắc, bị các lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Trị chặn lại tại bờ Nam sông Mỹ Chánh. Cầu Mỹ Chánh ta đã phá sập, chúng tìm đường vòng xuống phía bờ biển, đi đến đâu đốt làng giết dân ở đấy, sau một ngày chỉa đại bác pháo kích thị xã. Rồi phối hợp với cánh quân từ biên giới Lào theo quốc lộ 9 tràn về, chúng chiếm Đông Hà, Cam Lộ, nơi gia đình anh Chế Lan Viên từ Bình Định trở về quê chưa lâu đang bươn chãi sống qua ngày. Quân Pháp lấn dần ra phía Bắc, sau hai tháng chiếm hết phần đồng bằng tỉnh Quảng Trị, đồng thời cho hải quân đổ bộ chiếm thị xã Đồng Hới tỉnh Quảng Bình.

Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Trần Hữu Dực dẫn đầu một bộ phận lớn các cơ quan, tổ chức Trung Bộ tản ra vùng tự do Bắc Liên khu 4. Phó Chủ tịch Nguyễn Duy Trinh đưa bộ phận còn lại vượt đèo Hải Vân vào Liên khu 5... 

Anh Chế Lan Viên cùng nhiều văn nghệ sĩ Huế theo tổ chức ra Nghệ An, Hà Tĩnh. Lúc qua Đông Hà nghe đại bác, moọc chê bắn rầm trời, lòng anh đau như đứt cắt, những dòng anh ghi tại Vinh ngày 17-3 ấy (17-3-1947) là nhớ mẹ cha trong cảnh xóm làng ba tỉnh Bình Trị Thiên ngày đêm cháy ngùn ngụt, dân tình nháo nhác. “Cha mẹ ta chạy về đâu? Nhất là cha ta, mỗi lần lại hốt hoảng. Tội biết mấy, hở trời !... Hình ảnh của mẹ cha ta lẫn vào hình ảnh của dân tộc, đất nước, Bao giờ ngày Độc lập đến cho những cuộc đời tăm tối của bao bà mẹ Việt Nam hửng lên một chút vui mừng mà họ mong đợi xưa nay trong bụi cát rơm rạ…”. Từ vùng tự do Liên khu 4, Chế Lan Viên lại nghĩ tới những ngày chưa xa ở Bình Định. “Mẹ ta là tượng trưng cho lòng nhân từ, cho lòng vị nghĩa,… mỗi khi có lính lên đường ra trận (Tây Nguyên và Cực Nam Trung Bộ) là mẹ lại nước, thuốc tiễn đưa”. Bà cụ vẫn cầu kinh mỗi tối, cầu Phật độ trì cho “nước nhà hoàn toàn độc lập muôn năm”, lời cầu nguyện “ngây ngô từng làm ta khóc ròng ròng”.

Mẹ anh, cha anh Chế Lan Viên là những người như thế.

Có rõ hoàn cảnh gia đình anh mới hiểu hết chiều sâu những câu thơ Chế Lan Viên khác hẳn Điêu tàn, sau khi anh rời sông Lam, sông La, sông Mã trở lại quê hương, trở lại chiến trường địch hậu “Bình Trị Thiên khói lửa”. Mẹ ở dưới thành phố đó/ Lô cốt ngời vôi mái đồn máu đỏ/ Con đi đây trên chót vót đỉnh rừng/ Nghĩ tới mẹ nhiều, nước mắt rưng rưng. Anh nghĩ về mẹ trong chiến tranh, nghĩ về mẹ tuổi ấu thơ: Mẹ con ta trong thành Bình Định cũ…/ Chị em như trái ngọt sây vườn/ Mà mẹ già là gió dịu đưa hương...

Hai chuyến đi chiến trường - địch hậu ba tỉnh miền Trung tạo nên một cái mốc nữa, sau Cách mạng tháng Tám 1945, quyết định quan điểm triết học, văn chương toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp Chế Lan Viên. Trước sau tôi vẫn nghĩ, chuyến đi năm 1949 - 1950 hết sức quan trọng, là cú hích đầu tiên. Dọc chuyến đi này anh có nhiều cảm nhận mới, phác thảo nhiều bài thơ và được kết nạp vào Đảng. Tuy nhiên, để chúng trở thành Gửi các anh, Ánh sáng và phù sa cần thêm xúc tác. Chuyến đi năm 1952, ngắn ngày hơn, gian khổ hơn là giọt nước tràn nguồn thi hứng dạt dào nơi anh.

Lần nhà thơ Chế Lan Viên cùng nhà văn Trần Thanh Địch và họa sĩ Nguyễn Đức Nùng từ Huế vào mặt trận là cuộc đi thực tế của các văn nghệ sĩ quan sát, tìm hiểu chiến trường. Hai chuyến đi của Chế Lan Viên vào Quảng Trị, Thừa Thiên những năm, 1949 - 1952 là sự chuyển dịch của người trong cuộc.

Sự tình cờ may mắn cho phép tôi được theo gót anh Chế Lan Viên rời tòa soạn báo Cứu quốc, tờ báo ra hằng ngày trong suốt thời gian chống Pháp tại Liên khu 4, trở lại mặt trận Bình Thị Thiên, để rồi 37 năm sau, anh ghi nhận “lòng biết ơn cái nghề bạc bẽo mà chúng tôi rất trung thành, cái nghề hèn mọn mà cao cả” là làm báo hằng ngày thời kháng chiến. Sự tình cờ may mắn thứ hai cho tôi có dịp dự lễ kết nạp đảng viên mới Phan Ngọc Hoan tại chiến khu Ba Lòng, Quảng Trị.

Sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công, Chế Lan Viên gần gũi Đảng. Tuy với bao nhiêu là nhiêu khê anh sớm có mối quan hệ thắm thiết với nhiều đảng viên, cán bộ, với các nhà cách mạng Nguyễn Chí Thanh, Tố Hữu. Chủ tịch Ủy ban nhân dân Trung Bộ Trần Hữu Dực, Chủ nhiệm báo Quyết thắng nhà thơ Vĩnh Mai, Bí thư Đoàn Thanh niên cứu quốc Trung Bộ nhà thơ Hồng Chương đều là đồng hương Quảng Trị của anh. Tại Nghệ An, cuối năm 1948 Chế Lan Viên gặp lại đồng chí Nguyễn Chí Thanh vừa được Trung ương điều động từ Bình Trị Thiên ra làm Bí thư Liên khu uỷ 4. Đồng chí Bí thư là người quyết định cho nhà thơ Chế Lan Viên, nhà văn Bùi Hiển, nhạc sĩ Phạm Duy, nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương, nhạc sĩ Văn Ký… lần lượt vào vùng địch hậu Bình Trị Thiên.

Hồi ở Thanh Hóa, Nghệ An, chi bộ báo Cứu quốc nơi tôi tham gia sinh hoạt từ tháng 8 năm 1948, từng gợi ý biên tập viên Chế Lan Viên nên làm đơn xin vào Đảng để chi bộ tiến hành những thủ tục cần thiết. Anh băn khoăn, anh ngần ngại, anh xin suy nghĩ. Trong hoàn cảnh kháng chiến, Đảng chưa ra công khai, ai được làm đảng viên là vinh dự, thái độ của nhà thơ thật là cú sốc đối với nhiều người, không phải ai cũng hiểu hết tâm tư của tác giả vừa cho ra đời những thiên tuỳ bút như Vàng sao và nhất là Con kiến1. Có người giận nhà thơ kiêu ngạo. Có người chê anh kém giác ngộ. Trong khi nhà thơ suy nghĩ, mình đã chẳng góp được chút công lao nào cho Đảng thời Đảng đối mặt với muôn vàn khó khăn thì thôi, nay cách mạng thành công, Đảng cầm quyền, Đảng lãnh đạo toàn dân, Đảng chỉ đường cho văn nghệ sĩ..., một người lắm trăn trở như anh làm đơn xin vào Đảng lúc này là xu thời, là vụ lợi.

Năm 1949 vào chiến khu Ba Lòng, anh Chế Lan Viên gặp người bạn cùng quê Cam Lộ là Trần Trọng Tân (Hai Tân) vừa được bầu làm Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Trị. Hay tin ta chuẩn bị chiến dịch, anh xin được tham dự một vài cuộc họp của đơn vị trước khi vào trận đánh. Anh Trần Trọng Tân dẫn bạn đến chi bộ đại đội chủ công họp bàn kế hoạch diệt đồn Tà Cơn. Chi bộ đứng trước một quyết định khó khăn: cần ba đảng viên tự nguyện ôm bộc phá mở đột phá khẩu, cả mười đảng viên trong chi bộ giơ tay. Chỉ còn cách bốc thăm thôi!

  Sau trận thắng diệt đồn, hai trong số ba đồng chí “may mắn trúng thăm” hy sinh. Chế Lan Viên theo Bí thư Tỉnh uỷ đến viếng mộ các liệt sĩ. Không sao cầm được nước mắt. Sự quên mình vì nghĩa của chiến sĩ, đồng bào làm cho con người thời kháng chiến cao cả hơn, hầu như ai cũng cảm thấy mình làm chưa đủ, mình cần phải cố gắng nhiều hơn nữa, bao đắn đo riêng tư tự chúng biến dần. Chế Lan Viên ngỏ lời xin vào Đảng, làm Bí thư Tỉnh uỷ cũng không khỏi bất ngờ.

Anh Chế Lan Viên và tôi một chiều bỗng dưng gặp nhau trên lối đường mòn ven thượng nguồn sông Thạch Hãn, anh kéo tôi vào cái quán nước bên đường, đãi nhau một chầu thịt bò luộc chấm nước ruốc (mắm tép pha loãng đun sôi) và báo cho biết tối nay chi bộ Văn phòng Tỉnh uỷ làm lễ kết nạp anh. Tôi theo anh về dự họp chi bộ.

Tối hôm ấy nhà thơ vẫn mặc bộ áo cánh nâu - tiếng địa phương gọi là nhuộm đà - như mọi nông dân quê chúng tôi thời đó. Tối hôm ấy tôi được cùng anh nghe lời Bí thư Tỉnh uỷ chúc mừng và giao trách nhiệm cho đảng viên mới. Ôi tiếng đầu tiên gọi ta đồng chí / Là tiếng quê hương ấm lành Quảng Trị. Tôi được nghe giọng Chế Lan Viên nghẹn ngào cảm tưởng, nhìn anh ôm lá cờ đỏ rơi nước mắt. Anh nghĩ tới những đồng chí vừa gặp ở đại đội chủ công chưa kịp làm quen đã hy sinh. Anh nghe tiếng trao đổi của các chiến sĩ ôm bộc phá diệt đồn Tà Cơn. Anh nghe lời của làng quê đất đỏ gió Lào. Những ruộng đói mùa, những đồng đói cỏ/ Những đồi sim không đủ quả nuôi người. Cái gì khiến xui, sắp đặt cho anh ra giã từ mẹ ra đi kháng chiến lại được trở về để trở thành đảng viên nơi quê mẹ. Những đảng viên đầu tiên đứng sát bên tôi/ Là bạn thuở nhi đồng áo vá, cơm khoai. Anh nghe lời người mẹ đã dạy cho con lòng thương ghét, đã hát cho con nghe những khúc hát dân giã sẽ âm thầm thấm vào tim con. Mẹ anh từng lần khóc mỗi lần nhìn thấy những người cách mạng bị Tây đày biệt xứ, mẹ anh đã nhiều lần nắm cơm đưa cán bộ thoát ly đi công tác những ngày đầu kháng chiến... Hai đảng viên chịu trách nhiệm giới thiệu anh Chế Lan Viên vào Đảng tối hôm ấy là Bí thư Trần Trọng Tân và nhà thơ Dương Tường học trò cũ của anh ở Trường Việt Anh Huế, nhưng người đầu tiên dẫn dắt anh vào Đảng chính là mẹ anh: Đảng mến yêu, có phải mẹ giới thiệu con vào?.

Hòa bình lập lại, đất nước tạm thời chia cắt, sống ở miền Bắc hay khi ra nước ngoài, hầu như lúc nào anh Chế Lan Viên cũng trở trăn nhớ mẹ, nhớ quê. Nhìn thấy bóng một bà cụ thấp thoáng đằng xa, anh nghĩ đến mẹ mình: Xa mẹ mười năm đi khắp nước/ Trăm quê chưa dễ thực quê nhà/ Sáng nay mới thực về quê nhỉ/ Bóng mẹ già ai giống mẹ ta? Gặp môt cây nhãn bên đường, anh nhớ tới gốc nhãn vườn nhà: Gốc nhãn vườn xưa cao, khó hái/ Tám mươi nay mẹ hẳn lưng còng/ Chắp đường Nam Bắc con thăm mẹ/ Hái một chum ngon dâng mẹ ăn.

Mẹ cha anh Chế Lan Viên nuôi dạy anh sớm nên người. Mẹ anh, bà mẹ Quảng Trị,  “bà mẹ Gio Linh” đã dạy anh tình thương, lẽ phải, ý chí làm người còn da lông mọc còn chồi nảy cây . Kiên cường Quảng Trị, khí tiết Tây Sơn tạo nên cá tính Phan Ngọc Hoan. Lại thêm chất nghệ sĩ bẩm sinh trong người. Cái gì anh Hoan đã yêu đã quý thì yêu quý đến tận cùng, cái gì anh Hoan không ưa không phục thì anh nói thẳng ra luôn chẳng biết đẩy đưa rào đón, có khi sỗ sàng, phải chăng tấm lòng nhân hậu nơi anh không giữ nổi cảm nhận bức bối trong mình. Vì vậy ai hiểu anh Chế Lan Viên thì mến anh, thương anh, ai không hiểu thì giận hờn, oán trách anh. Cái gì anh đã tin, anh bảo vệ hết mình. Lý lẽ của anh lúc biện luận hay trong báo trong văn sắc sảo trí lự, vững nền kiến thức, người đồng tình với anh đã đành, người chưa chia sẻ vẫn không thể không thầm phục tài năng anh.

Sáng hôm sau lễ kết nạp, anh Chế Lan Viên chia tay tôi. Một cái mốc quyết định nữa vừa cắm vào cuộc đời và sự nghiệp Chế Lan Viên. Anh đi tiếp vô Thừa Thiên Huế, tôi về đồng bằng Triệu Hải với Trung đoàn 95 đang chuẩn bị vào chiến dịch mùa hè 1950.

Anh Chế Lan Viên trước sau vẫn quý nhạc sĩ Phạm Duy người vào Bình Trị Thiên cùng một chuyến với anh tháng 10-1949, Phạm Duy của những ca khúc Bà mẹ Gio Linh, Bên ni bên tê... Anh buồn anh giận lắm chuyện người nhạc sĩ bỏ kháng chiến về thành và thời gian ở miền Nam và nước ngoài có những lời nói việc làm không vui, tuy vậy anh không hề đoạn tuyệt.

Đất nước thống nhất, trở lại miền Trung nhớ người bạn nhạc sĩ tài hoa đã cùng lội suối vượt đèo Trường Sơn bốn mươi năm về trước, Chế Lan Viên tâm sự với bạn bè xứ Huế: “Chúng ta tiếc lắm... nhưng chúng ta làm sao được! Anh bỏ chúng ta chứ chúng ta đâu có bỏ anh”. Anh vẫn tin rồi cuối cùng lá rụng về cội. “Chúng tôi vẫn mong chờ. Một người có tài năng như anh (nhạc sĩ Phạm Duy) không thể không về với cội”.

  Sâu thẳm trong lòng Chế Lan Viên dấu ấn cội nguồn cùng những vùng đất anh từng sống, từng lui tới. Những câu thơ hay Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn về sau mới được viết ra nhưng đã có trong tâm thức anh tự lúc nào. Năm 1947 - 1948, tòa soạn báo Cứu quốc Liên khu 4 đóng lại thôn Lai Triều dưới chân núi Nưa, Thanh Hóa, nơi có đền thờ Bà Triệu, Chế Lan Viên lấy bút danh Lai Triều ký những bài tiểu phẩm, bình luận, bút ký của anh. Lai Triều cũng là tên khai sinh con trai đầu lòng của anh ra đời ở đó. Tòa soạn báo chuyển sang một địa điểm khác là Sơn Trung cho gần hơn cơ sở in đóng trong rừng, anh lại dùng bút hiệu Sơn Trung, sau đó ký Thạch Hãn, tên con sông chảy gần thành cổ Quảng Trị quê hương, về Hà Nội làm báo Văn nghệ mới ký Chàng Văn.

Anh Chế Lan Viên không được gặp lại mẹ. Anh không được nếm những trái cam nảy từ những gốc cam mang từ Huế ra nhờ mẹ chăm bón chờ anh về. Chiến tranh tàn phá hết. Chẳng còn mấy vết tích quê hương thời ấy. Vườn mẹ xe ủi sạch rồi, chỉ còn cách đứng xa nhìn kỷ niệm. Ở xa anh luôn trăn trở, nay tóc mẹ trắng ngần nào. Đến khi được trở về, muốn tìm thăm mộ mẹ thì Người quen mẹ đã mù/ Hỏi đường không thể trỏ.

Mẹ anh đã đi vào cõi từ bi. Mẹ chỉ hiện hữu trong anh cùng thời anh thơ ấu với quê hương - quê hương đang đổi thay buồn vui chen lấn và quê hương trong hoài niệm. Nhớ, chao ôi nhớ!... Anh Nhớ biển miền Trung tiếng sóng đùa. Anh Nhớ nhà cha mẹ, cảnh trường xưa... Anh nhớ người chị gái Em đã lớn rồi, chị vẫn “thằng Hoan”./.

P.Q

Nguồn, Rút từ tập sách Thương nhớ vẫn còn II)

Phan Quang
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 290 tháng 11/2018

Mới nhất

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Hội VHNT tỉnh trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm “Trường Sa - Quảng Trị: Sắc màu biên cương”

23/03/2024 lúc 16:22

TCCVO - Chiều 22/3, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị tổ chức trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm

Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực

18/03/2024 lúc 00:07

TCCVO - Chiều 15/3, tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, UBND tỉnh Quảng Trị và Ủy ban chính quyền tỉnh Savannakhet (Lào) phối hợp tổ chức Hội thảo “Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực”.

Liên hoan dân vũ chủ đề: "Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng"

16/03/2024 lúc 06:02

Chào mừng kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế phụ nữ (08/3/1910 - 08/3/2024), 1984 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng; Hướng đến kỷ niệm những sự kiện lớn của quê hương đất nước; kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7-2024), Sáng ngày 07/3/2024, Công đoàn viên chức tỉnh tổ chức Liên hoan dân vũ trong nữ Công chức, viên chức, người lao động (CCVCLĐ) năm 2024 với chủ đề “Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng”.

Phát huy vai trò “báo chí kiến tạo, báo chí giải pháp”

15/03/2024 lúc 07:05

TCCVO - Sáng ngày 13/3/2024, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hội nghị giao ban công tác báo chí tháng 1 và 2 năm 2024 và định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm tuyên truyền trong thời gian tới. Đồng chí Hồ Đại Nam, UVBTVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/03

25° - 27°

Mưa

31/03

24° - 26°

Mưa

01/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground