Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 20/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Đôi nét về Đệ Nhất danh, Đệ Tam giáp đồng tiến sĩ khoa Tân Sửu (1841) Lê Đức người làng Sa Trung

C

ho đến khi đứng trước lăng mộ ông Lê Đức, Tiến sĩ xếp thứ 7 khoa thi Hội năm Tân Sửu, niên hiệu Thiệu Trị nguyên niên (1841), vào Điện thí (tức thi Đình) được ban tặng: “Đệ Tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân Đệ Nhất danh” (tức đỗ đầu Tiến sĩ hạng Tam giáp), ông từng làm quan đến chức Tuần vũ và được Triều đình nhà Nguyễn điều động đến nhiều địa phương với nhiều trọng trách khác nhau trong cả nước, tôi nhận ra rằng: Nơi vị Tiến sĩ tài hoa Lê Đức về yên nghỉ 200 năm trước là ngọn đồi cao nhất khu vực ngã ba Cổ Kiềng, sát ranh giới hành chính Quảng Bình - Quảng Trị, bên trái đường Hồ Chí Minh nhánh Đông theo chiều từ Bắc vào Nam, cách làng Sa Trung, tổng Hồ Xá, huyện Minh Linh, phủ Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, (nay là làng Sa Trung, xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị), nơi chôn rau cắt rốn của ông, xa đến gần 30km. Từ vị trí đắc địa này nhìn về phía Tây và Nam bao quát cả phủ Vĩnh Linh và xa hơn là Gio Linh, Cam Lộ. Cơ duyên nào đưa ông đến an nghỉ nơi đây, tạm thời chúng ta chưa được tường tận nhưng điều chắc chắn là phong thủy, kỷ niệm cuộc đời lăn lộn quan trường, kiến thức của một ông quan hàng Nhị phẩm, tham chính từ đời Vua Thiệu Trị sang đời Vua Tự Đức, với một chút lãng tử hào hoa đã đưa ông và vợ yêu Trần Lệnh Nhơn, húy là Đình Chất, mất sau ông chín năm, về miền đất linh khí này.

Từ lăng mộ ông Tuần vũ Lê Đức, nhìn ra hướng Đông bắc khoảng 10 km là lăng mộ của Vĩnh An Hầu Nguyễn Hữu Cảnh (1650 -1700). Ông được xem là vị tướng triều Nguyễn có công lao to lớn mở cõi Nam Bộ với việc xác lập chủ quyền cho người Việt tại vùng đất Đồng Nai, Gia Định vào năm 1698, ông mất đột ngột trên đường công vụ, được mai táng, lập đền thờ ở Đồng Nai và nhiều nơi khác ở Nam Bộ. Về sau linh hài được cải táng tại Thác Ro thuộc xã Trường Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình. Nơi này mới đây được hậu duệ 10 đời đã tìm ra mộ ông và tấm bia đá khắc bằng chữ Hán. Mặt trước bia ghi: “Vĩnh An Hầu Nguyễn Hữu Kính (Cảnh) chi mộ”. Mặt sau ghi: “Bảo Đại năm thứ 5 ngày 16, hậu duệ là Viện trưởng Cơ mật Đại thần Thái tử Thái phó Hiển đại học sĩ Phước Môn Bá Nguyễn Hữu Bài cùng con Hữu Giải và nữ thị Dương cung kính dựng bia...”. Căn cứ vào mặt sau bia thì cụ Nguyễn Hữu Bài và gia quyến lập bia vào năm 1930, tức 230 năm sau ngày Vĩnh An Hầu Nguyễn Hữu Cảnh mất.

Tương truyền, hướng địa lý đặt mộ ông Nguyễn Hữu Cảnh đã được tiền nhân dòng họ Nguyễn Hữu chọn và truyền lại: “Thượng Yên Mã, Hạ Đùng Đùng, Trung trung nhất huyệt”. (Trên là núi Yên Mã, dưới là bàu Đùng Đùng, ở giữa đặt huyệt mai táng được).

Cách lăng ông An Vĩnh Hầu Nguyễn Hữu Cảnh không xa là nơi an táng cụ Ngô Đình Dinh, thân phụ Thượng thư Bộ Công Ngô Đình Khả, ông nội Tổng thống Đệ nhất Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm…

Có một sự trùng hợp ngẫu nhiên, cả ba vị tiền nhân được an táng ở khu vực kể trên đều ở cách nơi sinh quán một cự ly tương đương nhau khoảng 30 - 35km. Thế mới hiểu thêm rằng: người xưa xem phong thủy cho dòng tộc chu đáo từ cõi tạm đến cõi vĩnh hằng.

*

Ở huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị bây giờ có nhiều làng quê đẹp. Sau khi phát động xây dựng nông thôn mới, bên cạnh sự ấm no đủ đầy, nhà xây ngói mới, làng như phố thị, nhiều đường hoa nối dài liên thôn làm cho bộ mặt nông thôn mới rực rỡ hẳn lên, tràn đầy sinh khí. Làng Sa Trung cũng đổi thay theo xu hướng đó, nhưng có lẽ hiện nay vẫn là một trong những làng hiếm hoi còn giữ được nét cổ kính hiền hòa của làng quê Việt. Làng vẫn còn miếu Thành Hoàng, có miếu bà Vương phi họ Lê, có nhà thờ họ, có con đường uốn lượn ven sông với bờ tre, đai rừng tự nhiên, trên bến dưới thuyền, tấp nập, trù phú.

Làng Sa Trung, quê hương của Quan Tuần vũ An Giang, Tiến sĩ Lê Đức có tên cổ là làng Sa Lung, tên làng được những người dân binh ở làng Sa Lung, tổng Sa Lung, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định thuộc Đại Việt thuở gồng gánh mang gươm đi mở cõi về phương Nam mang từ bản quán vào năm 1069 sau chiến dịch quân sự bình Chiêm năm 1065 của Lý Thường Kiệt. Sa Lung là một trong 65 làng cổ của tỉnh Quảng Trị.

Theo gia phả của dòng họ Lê Phước ở làng Sa Trung thì Tiến sĩ Lê Đức là hậu duệ đời thứ 12 của họ Lê Phước, tên ghi trên bia mộ là Lê Quý Công, húy Phước Đức, sinh giờ Thìn ngày Đinh Hợi 18 tháng 11 năm Nhâm Thân (1812), tạ thế giờ Thìn ngày 18 tháng Chạp năm Giáp Tý (1864).

Đọc lại thân thế, sự nghiệp của ông viết trong gia phả, có thể rút ra mấy nhận xét sơ khởi:

1. Tiến sĩ Lê Đức là một người tự học, đỗ đạt thành danh.

Căn cứ vào thời gian ghi trong gia phả, ông đi học năm 17 tuổi tức năm Minh Mạng thứ 10 (1829) ở trường làng rồi lên trường huyện. Thầy giáo của ông là các đồ Nho, những vị đỗ đạt qua các lần thi cử nhưng không ra làm quan và cả các quan lại ở địa phương là người Quảng Bình, Nghệ An. Trong các thầy đồ này có những thầy nổi tiếng như: thầy Châu Duy Vị, người làng Thuận Trạch, huyện Lệ Thủy, đỗ Cử nhân khoa Giáp Ngọ, làm quan đến chức Án sát Hưng Hóa; thầy Lê Khánh Trinh, người làng Thiêm Luật huyện Lệ Thủy, đỗ Cử nhân khoa Tân Mão, làm quan đến chức Tả Tham tri Bộ Binh. Năm 1834, ông đi thi Hương lần đầu nhưng không đỗ. Ba năm liền sau đó vừa đi dạy học vừa “tìm thầy học đạo”, kết bạn tâm giao với những người đỗ đạt để học hỏi thêm. Năm 1837, phúc hạch ở huyện và tỉnh ông đỗ đầu rồi đi thi Hương lần hai đỗ Cử nhân xếp thứ tư danh sách.

Đỗ Cử nhân, ông không ra làm quan ngay mà đi dạy học ở Kinh Thị, An Mỹ, Thủy Khê cùng huyện, đồng thời tiếp tục học thêm với các thầy: Quan tế tửu Phạm Bá Điều, người Kinh Bắc, đỗ Tiến sĩ, làm quan đến chức Thái bộc Tự khanh, kết bạn tâm giao với giám sinh Nguyễn Xuân Thọ, người sau này đỗ Tiến sĩ, làm quan đến chức Hàn lâm Thị độc Đại học sĩ, Tham biện nội các sự vụ và ấm sinh Trần Đình Túc, Cử nhân khoa Nhâm Dần, làm quan đến chức Quản đạo Phú Yên.

Năm Tân Sửu, 1841, niên hiệu Thiệu Trị năm đầu ông đi thi Hội đỗ hàng thứ bảy, vào thi Đình ông được ban tặng Đệ Tam giáp đồng Tiến sĩ đệ nhất danh, năm ấy ông tròn 30 tuổi. Cuộc đời quan trường của ông bắt đầu từ đó.

2. Tiến sỹ Lê Đức là một nhà kinh tế, quân sự và văn hóa dưới triều vua Thiệu Trị.

Căn cứ vào các chức sắc ông đảm nhiệm để rút ra nhận định trên.

Sau khi đỗ Tiến sĩ, tháng 12 năm 1841 ông được bổ dụng chức Hàn lâm viện biên tu và một năm sau thì bổ nhiệm chức Nội các Hành tẩu. Năm Giáp Thìn (1844) được thăng Tri phủ phủ Hoài Đức, năm sau (1845) ông được thăng Hình bộ Nam hiến ty, Viên ngoại lang. Đến tháng 9 đổi làm Giám sát Ngự sử đạo Hà Ninh. Tháng 11 năm Bính Ngọ (1846), ông được thăng Thự công khoa chưởng ấn cấp sự trung. Tháng 10 năm Đinh Mùi (1847) nhận chức Phó Đổng lý Thanh tra Võ khố và nhận hàm Chưởng ấn thực thụ.

Năm Mậu Thân (1848) vua Thiệu Trị băng hà, Hồng Nhậm lên ngôi đặt niên hiệu Tự Đức năm thứ nhất, năm này ông Lê Đức dâng sớ hạch tội Tổng đốc Hà Ninh là Tôn Thất Bật tham tàn, được vua khen là người khí tiết ngay thẳng, ban thưởng lụa quý cho ông để khuyến khích người dân noi theo dâng lời thẳng thắn với triều đình. Kỳ thi Hương năm Mậu Thân ông được sung làm Giám sát trường thi Nam Định.

Năm Kỷ Dậu (1849), được bổ làm Thị giảng học sĩ ở Viện tập hiền, sung làm Kinh Diên khởi cư chú. Tháng 7 năm này, ông được thăng Hàn lâm Thị độc Học sĩ.

Nhân dịp việc nhà Thanh sai sứ là Lao Sùng Quang sang phong vương cho vua Tự Đức. Triều đình nhà Nguyễn đã cử Phan Huy Vịnhlàm Chánh sứ, Trần Mẫn2 và Lê Đức làm giáp, ất phó sứ đi tạ ân đáp lễ. 

Năm Canh Tuất (1850) ông được cử giữ chức Tham biện Nội các sự vụ rồi cử giữ chức Án sát sứ Bắc Ninh. Tháng 10 năm ấy ông được cử làm Giám khảo trường thi Nam Định.

Tháng 7 năm 1852, do liên can tới vụ chủ sự Phạm Thế Trung3 ức hiếp dân bị Triều đình cách chức, ông Lê Đức bị giáng cấp, sung vào Ban Tu thư kiểm tự bộ sách Tăng bố vận hải.

Năm 1853, ông được thăng Viên ngoại lang, nhiệm chức Quốc Tử Giám tư nghiệp, đến tháng Giêng năm 1856 được thăng Tư nghiệp thực thụ. Trước đó, năm 1855 ông được sung Giám khảo trường thi Nghệ An.

Tháng 7 năm 1856, ông cùng Quan tế tửu Quốc Tử Giám Bảnh nhãn Võ Duy Thanh và Tiến sĩ Đỗ Phát dâng biểu điều trần cải cách phương pháp giảng dạy gồm chín điều. Đến tháng 12, ông nhận chức Thái bộc tự Thiếu khanh, Biện lý sự vụ Bộ Công.

Tháng 8 năm 1858, liên quân Hải quân Pháp - Tây Ban Nha nổ súng tiến công Đà Nẵng, mở đầu cuộc xâm lược nước ta. Tiến sĩ Lê Đức lúc này là Thái thường tự thiếu khanh, giữ chức Biện lý sự vụ Bộ Công, lại cùng Quan tế tửu Võ Duy Thanh dâng hai tập mật thư nói về việc phòng bị biên cương, nhưng mật thư không được vua Hiệp Hòa, một ông vua thuộc phái chủ hòa với thực dân Pháp để ý đến.

Tháng 4 năm Kỷ Mùi (1859) ông được cử ra vùng Chấn Sơn Quảng Bình với sứ mệnh xem xét đường sông và đường bộ để xác lập tuyến vận chuyển quân lương từ Bắc vào Kinh đô Huế phục vụ mục đích chống Pháp. Ông tấu trình hai phương án: Về đường thủy, khai thông kênh Hồ Xá (Vĩnh Linh) nối với cảng cũ Thủy Sen (Lệ Thủy). Về đường bộ thì làm đường từ Bảo Đài (Vĩnh Linh) ra An Thổ (Lệ Thủy - Quảng Bình). Bản tấu của ông đã được phê duyệt thực hiện. Khi hai tuyến đường hoàn thành, triều đình cắt đặt hai đội quản lý trông coi thủy bộ, đảm bảo vận chuyển.

Điều thú vị là tuyến đường bộ từ Tây nam Quảng Bình vào Tây bắc Quảng Trị mà ông khảo sát tấu trình năm xưa gần trùng với đường mòn Hồ Chí Minh nhánh Đông hiện nay. Trên địa bàn xã Vĩnh Chấp huyện Vĩnh Linh có những con đường cổ xưa mang tên “đường xe lương” cũng là gợi nhiều suy nghĩ.

Đề xuất khơi thông đường thủy của ông cũng đầy tính khả thi. Sông Hồ Xá chảy về sông Bến Hải có một nhánh bắt nguồn từ Bàu Nhum trên đất Sen Thủy, Lệ Thủy, đoạn này dựa vào sông tự nhiên mà nạo vét thêm thì thuyền dưới mười tấn đi lại dễ dàng. Bàu Nhum cách Bàu Sen khoảng 3km. Nước từ Bàu Sen qua cầu Đập Huyện theo hướng Bắc chảy ra ngã ba Quy Hậu trên sông Kiến Giang rồi ra sông Nhật Lệ. Như vậy chỉ cần đào nối hai bàu với nhau là hoàn tất thủy lộ nối sông Bến Hải với sông Nhật Lệ. Vào thời kỳ ấy, chọn thủy trình này là tối ưu. Có lẽ trở ngại lớn nhất là cát đùn lấp nên đến bây giờ dấu tích còn lại không rõ. (Tôi ngờ ngợ, có thể cái hồ dài như một khúc sông mang tên Hồ Tiềm Vương song song và phía Tây quốc lộ 1A ở xã Sen Thủy là dấu vết con đường thủy ngày xưa…)

Tháng 6 năm 1859, ông được điều động vào làm Phủ sứ đạo Phú Yên cùng với Lãnh binh Phú Yên là Lê Hữu Vị và Quản đạo Lê Xuân Tưởng bàn bạc tổ chức lo việc phòng thủ. Công việc hoàn thành, ông được Vua mời gặp mặt ban khen “hoàn thành công việc mỹ mãn”, cấp 10 lạng bạc.

Tháng 3 năm Tân Dậu (1861), ông được thăng Thự tuyên phủ sứ (trạch Chánh tam phẩm) tháng 6 cải chức Thự hữu thị lang Bộ Binh, lãnh chức Tuần vũ tỉnh An Giang.

Tháng Giêng năm Quý Hợi (1863), ông nhiệm chức Thị lang thực thụ, tháng 2 nhận chức Tổng đốc Quan phòng tỉnh Vĩnh Long đến tháng 4 trở lại chức cũ là Tuần vũ tỉnh An Giang.

Ông mất đột ngột vào giờ Thìn ngày 18 thánh Chạp năm Giáp Tý 1864, hưởng dương 53 tuổi, độ tuổi tài năng và sự nghiệp đang phát triển.

3. Tiến sỹ Lê Đức là một người gắn bó với họ tộc và quê hương.

Dấu ấn công tích ông để lại cho họ tộc và quê hương không nhiều. Đối với họ tộc, ông là người đầu tiên đã tìm về bản quán để xác minh gốc tích viết nên gia phả 12 đời của dòng họ Lê Phước làng Sa Trung cơ sở để đến nay hậu duệ viết đến đời thứ 18.

Tôi may mắn được cụ Lê Phước Thiện, phái nhất của dòng họ Lê Phước có 5 phái ở làng Sa Trung năm nay 78 tuổi tiếp chuyện, cụ cho biết: “Tiến sĩ Lê Đức thuộc phái Ba. Ông nội tôi kể lại, mỗi lần về quê, Tiến sĩ Lê Đức bao giờ cũng mang vải lụa đến biếu ông nội tôi với tư cách con cháu và bàn chuyện xây dựng họ tộc trong các phái đoàn kết vững mạnh. Khuyên răn con cháu chăm chỉ học hành, chịu khó làm ăn… kế thừa và phát huy truyền thống của dòng họ, đặc biệt là tấm gương bà Vương phi họ Lê”.

*

Rời làng Sa Trung, chia tay ông Lê Phước Bài, ông nguyên là Thượng tá Trưởng ban Pháo phòng không Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Trị người đang giữ gia phả dòng họ Lê Phước, là chủ lễ thường niên ở miếu Bà Vương phi họ Lê, tôi biết thêm, hiện nay dòng họ Lê Phước có hàng trăm người học hành đỗ đạt, thành danh, công tác khắp mọi miền đất nước, tiêu biểu là Nhà giáo Nhân dân Lê Phước Long, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục Đào tạo Quảng Trị, Chủ tịch Hội đồng họ Lê Việt Nam tỉnh Quảng Trị. Và chợt nghĩ, ở thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh nên có con đường mang tên Lê Đức.

 

T.P.T

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

___________________

Phan Huy Vịnh (1800 - 1870) là một nhà thơ Việt Nam, con của Phan Huy Thực, cháu nội của Phan Huy Ích, gọi Phan Huy Chú là chú ruột. Quê ông ở làng Thu Hoạch, huyện Thạch Hà, phủ Hà Hoa, trấn Nghệ An nay là xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh nhưng sinh tại làng Thuỵ Khuê, huyện Yên Sơn, trấn Sơn Tây (nay là huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây). Ông thi đỗ cử nhân, làm quan đến chức Thượng thư Bộ Lễ, được cử đi sứ nhà Thanh hai lần.

2 Tức Trần Tiễn Thành (1813 - 1883). Năm 1838, đời vua Minh Mạng, Trần Tiễn Thành thi đỗ Tiến sĩ, làm quan đến Thượng thư Bộ Binh, Phụ chính Đại thần.

Phạm Thế Lịch (1791 - 1872) sau đổi tên là Phạm Thế Trung, tự là Quý Hoà, hiệu là Chỉ Trai. Quê xã Quần Mông, huyện Giao Thuỷ nay là thôn Lạc Quần, xã Xuân Ninh, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Ông đỗ Cử nhân khoa Mậu Tý 1828, đỗ Đệ Tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Kỷ Sửu niên hiệu Minh Mệnh 10 (1829), làm quan đến Tổng đốc Ninh Thái, từng đi sứ nhà Thanh. Năm 1852 bị miễn chức, ông về quê mở trường dạy học. Tác phẩm của ông có Sứ Hoa quyển, Sứ Thanh văn lục…     

 

Tống Phước Trị
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 292 tháng 01/2019

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

13 Giờ trước

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

14 Giờ trước

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

21/04

25° - 27°

Mưa

22/04

24° - 26°

Mưa

23/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground