Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 30/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Đồn Biên phòng Cù Bai hai lần được tuyên dương đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân

Trên tuyến biên giới quốc gia phía Tây tỉnh Quảng Trị có một đồn biên phòng hai lần được tuyên dương đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Nhắc đến thành tích ai cũng biết ngay, đó là Đồn Biên phòng Cù Bai, bởi vì trong khoảng 400 đơn vị đồn biên phòng cả nước, số đồn được tuyên dương Anh hùng lần thứ hai không nhiều. Tuy nhiên để trở lại gốc tích cội nguồn, trừ những người trong lực lượng Biên phòng, không phải ai cũng biết…

Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, Hiệp định Giơnevơ đình chiến ở Đông Dương được ký kết, nước ta tạm chia làm hai miền và lấy sông Bến Hải, vĩ tuyến 17 làm giới tuyến quân sự tạm thời để cách ly lực lượng vũ trang hai bên về hai phía nhằm tránh một cuộc xung đột trở lại, tạo điều kiện cho Tổng tuyển cử tự do thống nhất đất nước vào hai năm sau.

Với Hiệp định này, tỉnh Quảng Trị bị chia làm hai phần, phần lớn diện tích của tỉnh nằm ở phía Nam vĩ tuyến 17. Hai huyện Vĩnh Linh và Hướng Hóa bị chia cắt theo tỷ lệ đối nhau. Huyện Vĩnh Linh có toàn bộ xã Vĩnh Liêm nằm ở phía Nam sông Bến Hải thuộc quyền kiểm soát của chế độ Sài Gòn do Mỹ dựng nên. Huyện Hướng Hóa có xã Hướng Lập nằm ở phía Bắc giới tuyến quân sự tạm thời được giao cho Khu vực Vĩnh Linh thuộc Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quản lý.

Xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa ở vào mút cực Tây của giới tuyến quân sự tạm thời, địa thế hiểm trở, sông sâu núi cao, đường vào xã là lối mòn nhỏ, độc đạo xuyên rừng núi chênh vênh. Phía tây của xã có biên giới chung với nước Lào, phía bắc giáp xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy tỉnh Quảng Bình, phía nam là dòng sông Sê Băng Hiêng chảy từ đông sang tây về nước bạn Lào. Sông Sê Băng Hiêng đoạn trong lãnh thổ Việt Nam mang sứ mệnh như của sông Bến Hải. Phía đông xã Hướng Lập là xã Vĩnh Ô, huyện Vĩnh Linh. Vào thời điểm đó vị trí của xã Hướng Lập ở vào ngã ba biên giới giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Vương quốc Lào - Việt Nam Cộng hòa.

Tháng 10 năm 1955, chính quyền Ngô Đình Diệm do Mỹ dựng nên ở Sài Gòn tổ chức cuộc trưng cầu dân ý trái phép và gian lận, thành lập Chính phủ, ban hành Hiến pháp… vi phạm trắng trợn Hiệp định hòa bình Giơnevơ năm 1954 về Việt Nam.

Nhận định tình hình, tiếp theo động thái thành lập chính phủ, công bố Hiến pháp, chính quyền Sài Gòn sẽ khước từ Tổng tuyển cử tự do, thống nhất đất nước, ngày 1 tháng 6 năm 1956, Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam chỉ đạo Quân khu IV và Khu đội Vĩnh Linh đưa một Trung đội vũ trang thuộc Đại đội 354 hành quân bộ xuyên Trường Sơn lên đóng chốt dưới chân đỉnh núi Cà Tam thuộc bản Cù Bai xã Hướng Lập, chiếm giữ địa bàn chiến lược quan trọng này.

Nhà văn Xuân Đức, một người lính gắn bó với chiến trường Trị Thiên trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Mỹ kể lại: Đại tá Nguyễn Thanh Hà, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Trị, nhiều lần nói với nhà văn rằng: Ông không nhớ số Quyết định thành lập điểm chốt tại Cù Bai, có lẽ thời kỳ đó là một mệnh lệnh bằng miệng, nhưng lễ trao cờ xuất quân, ra mệnh lệnh hành quân, giao nhiệm vụ lên chiếm lĩnh Cù Bai được Khu ủy và Ban chỉ huy Khu vực Vĩnh Linh tổ chức trang nghiêm tại Hồ Xá thì nhiều người thuộc lớp cán bộ, chiến sĩ đầu tiên công tác ở Khu vực Vĩnh Linh biết rõ. Đại tá Nguyễn Thanh Hà còn cho biết: Trung đội hành quân bộ lên Bãi Hà, ngược Vĩnh Ô, theo thượng nguồn sông Bến Hải, vượt qua đèo 914 mà dân địa phương quen gọi là Dốc Mang, nơi chia nước của sông Bến Hải và sông Sê Băng Hiêng trên đỉnh Trường Sơn rồi xuôi theo dòng sông Sê Băng Hiêng về phía tây đến bản Cù Bai vị trí quy định điểm đến đóng quân, treo Quốc kỳ, khẳng định chủ quyền lãnh thổ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Như vậy có thể nói rằng, Đồn Biên phòng Cù Bai đã thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, chủ quyền biên giới Quốc gia trước ngày Chính phủ chính thức thành lập Lực lượng Biên phòng Việt Nam gần ba năm! Bởi vì đến ngày 3 tháng 3 năm 1959, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới ban hành Quyết định số 100-TTg, về việc thành lập một lực lượng vũ trang chuyên trách công tác Biên phòng và bảo vệ nội địa, lấy tên là Công an nhân dân vũ trang, ngày này là ngày truyền thống, ngày thành lập lực lượng Biên phòng Việt Nam và ngày Biên phòng toàn dân.

*

Tháng 12 năm 1976, đặt chân đến Cù Bai lần đầu tiên. Lần ấy, tôi được cử phụ trách một tổ Trinh sát lên Cù Bai với nhiệm vụ cùng bộ đội biên phòng tham gia khảo sát đơn phương tại thực địa, chuẩn bị hoạch định biên giới Việt - Lào đoạn từ cao điểm 1080 điểm ranh giới cực Tây của tỉnh Quảng Bình - Quảng Trị đến phạm vi quản lý hành chính của đồn Cù Bai giáp đồn Sen Bụt hiện nay. Tổ ba người gồm tôi và hai Binh nhất Trần Ngọc Ân, Nguyễn Ngọc Dung.

Sau đợt khảo sát đầu tiên, tôi trở về Huế rồi chuyển công tác ra Tiểu đoàn 33 Đặc công thuộc Bộ Tham mưu Quân khu IV. Tháng 2 năm 1979 khi Trung Quốc tiến công xâm lược sáu tỉnh biên giới phía Bắc, Tiểu đoàn 33 được tăng phái ra chi viện Mặt trận Cao Bằng, Quân khu I. Tôi xa chiến trường địa phương Trị Thiên quen thuộc của mình cho đến khi giải ngũ.

Bốn mươi ba năm sau, nhân chuyến đi thực tế lấy tư liệu viết bài tuyên truyền cho kỷ niệm 60 năm ngày Truyền thống Bộ độ Biên phòng Việt Nam và 30 năm ngày Biên phòng toàn dân tôi mới đọc được trong cuốn “Biên niên sử của Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo” do Đảng ủy và Ban chỉ huy Đồn dưới sự chỉ đạo của Đảng ủy Biên phòng Quảng Trị trực tiếp là Phòng Chính trị Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh sưu tầm và biên soạn, mới biết Trung sĩ Nguyễn Văn Dung đã hy sinh. Cuốn Biên niên sử có đoạn viết: “Ngày 11 - 8 - 1978, một đội khảo sát 5 đồng chí gồm đại úy Vũ Cán, cán bộ Bộ Tư lệnh, đại úy Nguyễn Xuân Tăng, đồn trưởng Đồn Lao Bảo, đồng chí Lê Doãn Trưởng, cán bộ Cục đo đạc Bản đồ, thượng sĩ Hồ Văn Tường, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sen Bụt, trung sĩ Nguyễn Văn Dung, nhân viên bản đồ Bộ chỉ huy Quân sự Bình Trị Thiên… đi từ Sen Bụt đến động Tà Púc thì cơn bão số 4 ập đến. Mưa to, lũ lớn làm sập một mảng núi, cả 5 đồng chí bị nước cuốn trôi và đất đá vùi lấp. Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Trị Thiên đã điều động một đại đội của Tiểu đoàn 2 đóng ở Khe Sanh, 20 cán bộ chiến sĩ của đồn Sen Bụt đến hiện trường tìm kiếm cứu nạn. Sau một tuần đào bới đất đá tìm kiếm chỉ tìm thấy thi hài ba đồng chí Lê Doãn Trưởng, Hồ Văn Tường, Nguyễn Văn Dung đưa về mai táng tại nghĩa trang Liệt sĩ huyện Hướng Hóa. Hai đồng chí Vũ Cán, Nguyễn Xuân Tăng bị nước lũ cuốn đi mất tích, tìm kiếm suốt một tháng không thấy…” Các anh ấy hy sinh khi chỉ một tuần sau, ngày 17 - 8 - 1978, Lễ kết thúc nhiệm vụ phân giới cắm mốc được tiến hành. Sự hy sinh của các anh vì sự nghiệp hoạch định biên giới Quốc gia đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân đời đời ghi nhớ. Ngày 3 tháng 3 năm 1994, nhân kỷ niệm 35 năm ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng, tỉnh Quảng Trị và cán bộ, chiến sĩ Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Trị đã lập bia tưởng niệm 5 liệt sĩ tại ngã ba đường Hồ Chí Minh - bản Cheng…”

Tôi muốn nói thêm, trung sĩ Nguyễn Văn Dung là chiến sĩ Đại đội 10 Trinh sát thuộc Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Trị Thiên không phải nhân viên bản đồ của Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh. Chiến sĩ trinh sát nào cũng được học khoa mục Binh địa, có kỹ năng sử dụng thành thạo bản đồ địa hình quân sự nên khi khảo sát thực địa đường biên giới các tổ trinh sát của Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh được tăng phái lên phối thuộc công tác với các đồn Biên phòng.

*

Ngày tôi lên công tác ở Đồn Biên phòng Cù Bai cuối năm 1976, đồn Cù Bai mang tên đồn 235, đóng ở bản Cù Bai. Đồn trưởng là đại úy Hồ Ai, sau này anh là đại tá Trưởng Công an huyện Hướng Hóa. Đồn phó là trung úy Hồ Văn Đàn, về sau là trung tá Huyện đội phó Huyện đội Hướng Hóa. Hai anh là hai người con ưu tú của dân tộc Vân Kiều. Chính trị viên phó đồn là Thượng úy Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Đào Xuân Hướng. Khi được tuyên dương Anh hùng, ông mang tên Đào Xuân Phương.

Trong những ngày cùng công tác với các cán bộ, chiến sĩ của đồn Cù Bai 43 năm trước, tôi đã được đại úy Hồ Ai kể về những ngày đầu tiên Đồn đến cắm chốt trên đất Cù Bai: Đặt ba lô xuống giữ rừng là bắt tay dựng tạm lán trại. Chỗ ở tạm ổn bộ đội liền tỏa vào rừng sâu, núi cao tìm kiếm đồng bào dân tộc bị các thế lực phản động tuyên truyền, xuyên tạc về bản chất cách mạng và anh bộ đội Cụ Hồ, chúng dọa dẫm ép dân bỏ bản trốn vào hang núi, đói rét, rách rưới, bệnh tật, khổ cực trăm bề. Đón được dân về bộ đội phải lo cái ăn, cái mặc, ổn định nơi ở, lo bảo đảm y tế, học hành, tổ chức sản xuất cho bà con. Đứng chưa vững chân thì bọn lính Sài Gòn kéo lên phía nam sông Sê Băng Hiêng tuyên bố “Hướng Lập là đất Ngô Tổng thống…”, chúng đòi bộ đội miền Bắc phải rút đi… Mấy chục cán bộ chiến sĩ sát cánh bên nhau, dựa vào sự đùm bọc ủng hộ của nhân dân, vừa đấu tranh bằng tuyên truyền vận động vừa vũ trang chiến đấu đánh đuổi quân ngụy Sài Gòn xâm nhập khu phi quân sự trái phép, buộc chúng rút sâu vào nội địa, bảo vệ vững chắc khu phi quân sự và đường giới tuyến quân sự tạm thời.

Thời kỳ này, việc tiếp tế từ Vĩnh Linh lên đồn Cù Bai chỉ có một cách là dùng sức người gùi thồ qua con đường rừng độc đạo từ Khe Tiên, Bãi Hà, xã Vĩnh Hà lên Bản Thúc, Xà Lời - xã Vĩnh Ô - Dốc Mang - Khe Cuôi, A Xóc, Cù Bai xã Hướng Lập. Tôi biết được lộ trình con đường gùi cõng này cũng hết sức tình cờ. Trong một lần tiếp chuyện chị Thanh Phú vợ nhà văn Xuân Đức, chị cho biết, chị có thời gian trực tiếp đi vận chuyển lương thực lên Cù Bai và con đường gùi thồ này với chị không có gì xa lạ. Năm 1959, quân đội Sài Gòn hô hào “lấp sông Bến Hải, Bắc tiến” chúng đưa lực lượng vũ trang áp sát các bản: Khe Cuôi, Xa Nông, Làng Khúc bên bờ sông Bến Hải thuộc xã Vĩnh Ô chặn mất con đường tiếp tế huyết mạch. Ta phải chuyển hướng tiếp tế cho Cù Bai qua ngã Quảng Bình đi vào đồng thời sử dụng lực lượng Công an vũ trang bảo vệ giới tuyến từ Cây Tăm lên giải tỏa.

Quân đội Sài Gòn vừa rút đi thì quân đội phái hữu Lào từ phía Tây kéo sang ra yêu sách: “Hướng Lập là đất của Vương quốc Lào, của Thủ tướng Phumi - Bun Ùm, bộ đội Việt Nam phải lùi về …”. Vừa tích cực nắm địch bên kia biên giới phía Tây, kiên quyết đấu tranh bảo vệ biên giới Quốc gia, tạo điều kiện để liên quân cách mạng Lào - Việt quét sạch hệ thống đồn bốt của bọn ngụy Lào thân Mỹ dọc biên giới đến tận Bản Na, mở ra vùng giải phóng rộng lớn cho cách mạng Lào ở phía Đông tỉnh Savannakhet giáp Việt Nam mà sau này tuyến đường chiến lược Hồ Chí Minh ở Tây Trường Sơn đi qua, chi viện đắc lực cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ba nước Việt - Lào - Campuchia trong suốt thời kỳ chống Mỹ cứu nước đến thắng lợi.

Trong trận đánh đồn Bản Na, quân dân hai bên biên giới Việt -Lào đến nay còn nhắc câu chuyện Anh hùng Đào Xuân Hướng lấy thân mình che đạn cho đồng chí Văn Thầu Phó Bí thư Tỉnh ủy Đảng nhân dân cách mạng Lào tỉnh Savannakhet. Trận đánh đồn Bản Na nằm trong kế hoạch mở rộng vùng giải phóng Lào đồng thời nới rộng hành lang chiến lược của đường Hồ Chí Minh. Địch chống trả dữ dội hướng cửa mở do anh Văn Thầu chỉ huy, đạn trái phá mịt mù. Thấy vị trí anh Văn Thầu đang nấp bị hỏa lực địch tập trung chế áp dữ dội, khả năng anh Văn Thầu hy sinh rất cao. Nhận thức được trách nhiệm bảo vệ tính mạng của cán bộ bạn, rời chỗ ẩn nấp, anh Đào Xuân Hướng tiếp cận và nằm đè lên che đạn cho anh Văn Thầu vượt qua giây phút hiểm nghèo… Hành động cao cả này để lại trong lòng cán bộ chiến sĩ liên quân Lào - Việt tham gia trận chiến đấu Bản Na như là tấm gương nghĩa tình đồng đội keo sơn.

Chuyện anh Đào Xuân Hướng, trong quá trình xây dựng cơ sở ngoại tuyến đã phát hiện và kiên trì dùng thuốc Nam điều trị khỏi bệnh cho một đồng bào người Lào mắc bệnh hiểm nghèo bị dân bản và người thân xa lánh, đưa cách ly ra lán giữa rừng nằm chờ chết. Tiếng đồn “ông lang bộ đội Việt, cao tay hơn con ma rừng” lan đến những bản Lào xa mấy ngày đường rừng thăm thẳm, tạo được niềm tin bền vững vào bộ đội Việt Nam.

Thời gian công tác ở Đồn, những người lính Biên phòng Cù Bai cũng đã kể cho tôi nghe thêm những giai thoại về người Anh hùng của đồn mình với một niềm kiêu hãnh: “Anh Đào Xuân Hướng là anh hùng của cả hai nước Việt - Lào, người đã kiên trì bám chắc địa bàn, vận động bà con dân tộc Vân Kiều thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp, làm ăn tập thể, phá bỏ tập quán du canh du cư, đốt nương rẫy canh tác quảng canh, chuyển sang cấy lúa nước, thâm canh. Tập quán du canh du cư muôn đời của bà con dân tộc Vân Kiều đã có bước ngoặt sâu sắc khi lần đầu tiên anh Đào Xuân Hướng và những người lính Biên phòng mang kỹ thuật làm ruộng, gieo cấy lúa nước lên mảnh đất Cù Bai vào đông xuân 1956 - 1957.

Bà con Vân Kiều ở hai xã Hướng Lập, Hướng Việt hôm nay đều trân trọng suy tôn Anh hùng Đào Xuân Hướng là “cha đẻ của cây lúa nước” trên vùng đất này. Nhiều người khi ông Hướng đến Cù Bai mới chín mười tuổi nay đã vào độ “cổ lai hy” vẫn còn nhắc kỷ niệm: “Buổi đầu, ông Hướng cùng ông Châu cán bộ Ban chỉ đạo miền núi Khu ủy Vĩnh Linh và hai đảng viên gạo cội người trong bản là Hồ Tơ, Hồ Cưng lặn lội đến từng nhà vận động bà con làm cây lúa nước, mặc dầu là những cán bộ, bộ đội có uy tín, lý lẽ thuyết phục nhưng không phải bà con đồng ý ngay. Phong tục, tập quán còn nặng nề. Biết được tập tính bà con Vân Kiều cái gì cũng “chộ đã mới tin”, ông Hướng cùng những người đi tiên phong tìm đất khai hoang làm trước 1,5 sào ruộng. Bước làm thử thành công mỹ mãn, lúa tốt, năng suất cao. Thấy bộ đội cán bộ làm được bà con tự giác làm theo. Ông Hướng bàn với Ban chỉ đạo và xã cử đồng chí Hồ Thị Oi (con gái của đảng viên Hồ Tơ) vượt Trường Sơn, trèo đèo lội suối về Ban Nông nghiệp Khu vực Vĩnh Linh mang giống lúa có năng suất cao lên cho bà con trồng”. Về sau khi phong trào xây dựng Hợp tác xã nông nghiệp phát triển mạnh ở Hướng Lập chị Hồ Thị Oi được bà con tín nhiệm bầu làm Chủ nhiệm Hợp tác xã Cù Bai. Cụ Hồ Tơ được bà con dân tộc 6 xã miền núi Khu vực Vĩnh Linh đề cử vào danh sách bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa II (nhiệm kỳ 1960 - 1964) cùng danh sách bầu cử với các ứng cử viên: Nguyễn Chí Thanh, Trần Công Tưởng, Lê Châm.

Không chỉ góp công sức cùng đồng đội xây dựng Đồn Biên phòng Cù Bai và xã Hướng Lập thành pháo đài cách mạng “bất khả xâm phạm” trên tiền đồn miền Tây Vĩnh Linh, Anh hùng Đào Xuân Hướng cùng trinh sát, đội công tác cơ sở của đồn xây dựng được mạng lưới cơ sở ngoại biên vững chắc, trực tiếp góp phần giúp đỡ cách mạng Lào ở huyện Sê Pôn, tỉnh Savannakhet phát triển…

Gần nửa thế kỷ xa Cù Bai tôi vẫn nhớ thiếu úy Hồ Ao, đội trưởng Đội Trinh sát vũ trang của Đồn, anh Ao mang họ Hồ nhưng anh quê Thanh Hóa. Anh Ao là người chỉ huy trực tiếp đoàn khảo sát chúng tôi gồm trung sĩ Nguyễn Thanh Bình, trung sĩ Phan Văn Chương người của đồn Cù Bai và ba chiến sĩ của Đại đội Trinh sát tỉnh đội tăng cường. Chúng tôi hành quân bộ từ Cù Bai vào Tà Păng, vào vùng thâm sơn cùng cốc Sa Rìa, Ra Vờn, Ra Vin, lội qua ngầm Ta Lê… Ngầm Ta Lê là một trong bộ ba trọng điểm nổi tiếng ác liệt trên tuyến đường 20 Tây Trường Sơn trong những năm chống Mỹ, được lính ta viết tắt là A.T.P, (tức là cua chữ A, ngầm Ta Lê, đèo Phu La Nhích) miệt mài leo từ sáng đến trưa lên điểm cao 1080, ranh giới giữa Quảng Bình, Quảng Trị (Việt - Nam) và Khăm Muộn - Savannakhet (Lào). Điểm cao 1080 cũng là nơi đặt cột mốc biên giới Việt - Lào đầu tiên khi đường biên giới đi vào địa phận tỉnh Quảng Trị. Từ 1080, chúng tôi đi theo đường phân thủy về hướng đông bắc lên điểm cao 1272, xuống điểm cao 1221, tụt xuống Cổng trời ở độ cao 1016 trên đường 10 rồi quay trở lại ngã ba nơi con suối Cù Bai gặp sông Sê Băng Hiêng. Kể thì nhanh nhưng chúng tôi theo chân các chiến sĩ từng tuần tra biên giới chinh phục quãng đường này gần nửa tháng không ngưng nghỉ. Và lần đầu tiên trong đời tôi biết thế nào là câu “Nhiều như sên vắt Ra Vờn/ Lạnh như nước buốt ở ngầm Tà Lê”.

Anh hùng Đào Xuân Hướng ngày ấy đã giới thiệu vắn tắt với tôi về anh Hồ Ao: “Trong các chiến dịch Khe Sanh năm 1968, đường số 9 - Nam Lào đầu năm 1971, Chiến dịch Quảng Trị năm 1972, Đồn Biên phòng Cù Bai nằm trên cửa ngõ chiến dịch. Vốn đã là trọng điểm ác liệt trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, thời gian diễn ra các chiến dịch địa bàn đồn Cù Bai bị Mỹ ném bom hủy diệt ác liệt hơn. Mặc dù vậy Đồn vẫn hoàn thành nhiệm vụ như là trạm giao liên đưa đón cán bộ của Bộ chỉ huy chiến dịch B5 và mặt trận Trị Thiên ra vào chiến trường tuyệt đối an toàn. Trung tướng Trần Quý Hai, nguyên Tư lệnh Mặt trận Trị Thiên được đồng chí Hồ Ao dẫn đường, bảo vệ khi đi qua địa bàn đồn quản lý rất nhiều lần đã nhận xét: “Đồng chí Hồ Ao tuy cấp bậc mới chỉ là hạ sĩ quan nhưng khả năng nhận định đánh giá tình hình, xử lý tình huống như một cán bộ tham mưu cấp Trung đoàn…”.

Thời gian công tác ngắn ngủi bên anh nhưng tôi cũng kịp nhận ra, anh Ao là mẫu người chỉ huy khi nhận nhiệm vụ là tổ chức thực hiện xuất sắc nhiệm vụ đến cùng! Tôi cũng không bao giờ quên hình ảnh trung sĩ Hồ Dem, y tá của đồn, đêm đêm khi chúng tôi buông màn đi ngủ anh vẫn lặng lẽ kiểm tra dém màn cho từng chiến sĩ. Tác phong tận tụy chu đáo như một người chị.

Có lẽ do vị trí và nhiệm vụ đặc biệt nên suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đồn Cù Bai là linh hồn của vùng đất một thời là ngã ba biên giới. Để đánh giá hết thành tích của đồn Cù Bai chỉ có thể nói một câu: “Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cán bộ chiến sỹ Đồn Biên phòng Cù Bai trong điều kiện đặc biệt khó khăn gian khổ và ác liệt đã hoàn thành đặc biệt xuất sắc nhiệm vụ Quốc phòng - An ninh, cùng địa phương xây dựng cơ sở chính trị, giữ vững an ninh biên giới, xây dựng xã Hướng Lập trở thành lá cờ đầu về bảo vệ trật tự trị an. Đồn Cù Bai đã phối hợp với đơn vị bạn bắn rơi 8 máy bay Mỹ, nâng cao cảnh giác trấn áp bọn phản động, diệt và bắt nhiều toán gián điệp, biệt kích xâm nhập địa bàn. Đồn cũng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giúp địa phương phát triển kinh tế - xã hội, làm tốt công tác ngoại giao nhân dân, xây dựng biên giới Việt - Lào là đường biên giới nghĩa tình, chung thủy và hữu nghị”. Đó cũng là lời giải thích ngắn gọn đầy đủ cho lý do Đồn hai lần được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang.

*

Đất nước thống nhất, từ năm 1975 Đồn Biên phòng Cù Bai không còn giữ vị trí là Đồn tiền tiêu nơi “ngã ba biên giới”, nhưng nhiệm vụ giữ gìn chủ quyền an ninh biên giới Quốc gia của cán bộ chiến sĩ của đồn không thay đổi và chưa bao giờ ngừng nghỉ. Phát huy tinh thần đoàn kết, dũng cảm, mưu trí, trong giai đoạn mới, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cù Bai tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện; thực hiện công tác dân vận, xây dựng cơ sở chính trị địa phương; tham gia giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, phát triển kinh tế - xã hội vùng biên giới.

Đứng trên cầu A Xóc nhìn dòng nước Sê Băng Hiêng trong xanh cuối mùa lũ cuồn cuộn đổ về phía Tây thật hùng vĩ. Tôi nhớ 43 năm trước cũng tại bản A Xóc này chúng tôi phải mất hơn hai tiếng đồng hồ để cho mười người “lội kiểu bơi” dìu nhau qua sông và mất hơn ba giờ đồng hồ để hành quân bộ vào Cù Bai. Còn bây giờ khoảng cách đó tính bằng phút…

Sau hơn bốn mươi năm đến rồi xa Cù Bai tôi vẫn bắt gặp ánh mắt lưu luyến của bản làng, vẫn nhớ những cuộc tả kê hấp dẫn, nhớ những lần săn dúi bằng ống sậy bật khúc nhạc dụ dúi gọi mời, nhớ những cái bẫy lợn rừng làm bằng dây cáp mìn lá do Mỹ thả xuống. Nhớ những địa danh khét lẹt khói lửa chiến tranh: Cửa Tử, Hang Cà Tam, Dốc Cẩm Vân, Ngầm Tà Lê, Cua Tay Áo… Nhớ hàng trăm gương mặt chiến sỹ Biên phòng ai cũng phơi phới, trẻ trung trang nghiêm hát Quốc ca chào lá Quốc kỳ tung bay kiêu hãnh trong gió núi mây ngàn. Nhớ những đồng lúa nước Hướng Việt, Hướng Lập điểm xuyến giữa đại ngàn Trường Sơn và thấp thoáng bóng các chiến sĩ quân hàm xanh như tín hiệu bình yên vĩnh cửu.

Bốn mươi năm ký ức quá khứ và hiện tại Cù Bai cứ quyện vào nhau trong tôi bùi ngùi và xúc động.

T.P.T

 

TỐNG PHƯỚC TRỊ
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 294 tháng 03/2019

Mới nhất

Bộ từ điển bỏ lại giữa rừng sâu

10 Giờ trước

Sau hiệp định Pari, 27/1/1973, chiến tranh tạm dừng, đại đội tôi đóng quân giữa bãi cát Lệ Xuyên, huyện

Đi tìm cỏ

10 Giờ trước

Nhiều lúc ngồi thẫn thờ nhìn đàn trâu bò gặm cỏ dọc triền đê chợt giật mình: Cỏ quê

Chị ấy…

10 Giờ trước

Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Huế tổ chức một chuyến đi thực tế dài ngày tại Tổng Công

Pa Ling mùa mưa

10 Giờ trước

Tháng 11, dưới cơn mưa rừng tầm tã, chúng tôi tìm về thôn Pa Ling, xã A Vao, huyện Đakrông,

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

31/03

25° - 27°

Mưa

01/04

24° - 26°

Mưa

02/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground