Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 28/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Tục thờ bản mệnh của người Bru - Vân Kiều

T

rong đời sống người Bru - Vân Kiều từ xưa đến nay, núi rừng, thiên nhiên là không gian, là mảnh đất gần gũi và nuôi sống họ. Nhưng ở đó, trong quan niệm của đồng bào còn là nơi chứa đựng quá nhiều thế lực siêu nhiên, sẵn sàng giáng xuống cuộc sống trần thế của mình những sự trừng phạt không lường trước được. Nếu biết làm vừa lòng những đấng thần linh sẽ mang lại những điều tốt lành, hạnh phúc. Do vậy, mọi sinh hoạt hàng ngày trong cuộc sống, đồng bào cho rằng đều có con mắt vô hình nào đó dõi theo, giám sát họ. Đất có vị thần đất (Yang kute), sông có vị thần sông (Yang krông), suối có vị thần suối (Yang đạh), núi có thần núi (Yang coor), rừng có vị thần rừng (Yang xự)… Đến như bản thân mỗi con người cũng có vị thần linh giám sát và hộ trì cho mình là thần bản mệnh (Yang cămnơt) và gắn liền với quan niệm này là tập tục thờ cúng được người dân hết sức coi trọng - tục thờ bản mệnh mà theo tiếng của người Bru - Vân Kiều gọi là Chiết.

Trong tín ngưỡng thờ cúng của người Bru - Vân Kiều, tục thờ bản mệnh là một trong những tập tục giữ một vai trò rất quan trọng, gắn liền với cuộc đời của mỗi con người từ lúc sinh ra và kéo dài trong suốt cuộc đời của họ cho đến lúc mất đi.

Xuất phát từ quan niệm vạn vật hữu linhngười Bru - Vân Kiều quan niệm rằng, con người bao giờ cũng có 2 phần: phần hồn và phần xác. Hồn và xác là thế giới riêng biệt nhưng có quan hệ mật thiết với nhau. Con người sống, đi lại, làm việc, hoạt động được là nhờ có linh hồn. Việc đau ốm hay khỏe mạnh của một cá nhân nào đó là do phần hồn quyết định. Khi hồn yên tĩnh, không bị xúc phạm, không bị quấy phá… hồn sẽ làm cho con người khỏe mạnh, không bị đau ốm; còn khi một người nào đó gặp rủi ro, đau ốm, bệnh tật… là do hồn không yên, hồn bỏ đi. Vì vậy, muốn cho mau khỏi bệnh phải nhờ thầy mo cúng gọi hồn về.

Hình thức thờ bản mệnh - thờ cúng linh hồn của người đang sống rất phổ biến ở người Bru - Vân Kiều. Theo hình thức thờ cúng này, linh hồn của mỗi thành viên trong gia đình được tượng trưng bằng một cái bát vì vậy người Bru - Vân Kiều gọi là Bát bản mệnh. Gia đình người Bru - Vân Kiều có bao nhiêu người là có bấy nhiêu cái bát để thờ cúng.

Theo tập tục, sau khi một đứa trẻ ra đời thời gian khoảng từ 1 đến 2 tháng sẽ được bố mẹ đặt tên và trong lễ đặt tên gia đình cũng làm lễ cúng để đưa linh hồn của đứa trẻ vào bát. Lễ cúng thông thường gồm có: 1 con heo, 1 con gà mái, 1 bát xôi và có mời họ hàng đến chứng kiến. Ông nội hoặc bố của đứa trẻ sẽ đứng ra cúng để báo với tổ tiên, họ hàng cũng như với các vị thần linh rằng từ nay gia đình đã có thêm một thành viên mới và cầu mong ông bà tổ tiên cũng như các đấng thần linh phù hộ cho đứa trẻ được khỏe mạnh, không đau ốm bệnh tật, chóng lớn. Linh hồn của thành viên mới này sẽ được tượng trưng bằng một chiếc bát. Trong chiếc bát đặt 1 miếng cau, 2 - 3 miếng vỏ cây Tà rũi (người Việt gọi là cây vỏ) ở giữa, hai lá trầu được cắt thành bốn miếng nhỏ có quệt vôi đặt xung quanh. Sau khi cúng xong, chiếc bát được đặt lên bàn thờ theo thứ tự từ lớn đến bé tính từ phải qua trái. Trong mỗi gia đình có bao nhiêu người thì có bấy nhiêu chiếc bát bản mệnh được thờ và người chủ gia đình luôn ghi nhớ chiếc bát của từng người, để khi người nào đau ốm thì phải cúng đúng chiếc bát của người đó. Đây là một vật thờ hết sức linh thiêng, tuyệt đối không cho vợ hoặc con gái động chạm đến (sợ ô uế thần bản mệnh sẽ bỏ đi), còn người ngoài thì phải được sự cho phép của gia đình mới được chạm vào, nếu không sẽ bị phạt cúng heo, gà, xôi. Nếu tự nhiên mà chiếc bát linh hồn của ai đó bị rơi xuống đất thì người ta cho rằng đó là một điềm xấu, điềm gở, vì vậy, họ phải sắm lễ vật và mời thầy mo đến cúng. Thông thường bát bản mệnh được thắt vào dây và treo lên các hàng cột cái của ngôi nhà. Ngoài ra bát bản mệnh còn được đặt trong các loại đồ thờ hay còn gọi là “vật giữ hồn” khác nhau và mỗi “vật giữ hồn” tương ứng với từng cấp. Có ba cấp trên bàn thờ bản mệnh, cấp thấp nhất là Aruông, cấp thứ hai là Năm nớt và cấp cao nhất là Tam ba/Hình.

Khi một người mắc bệnh thông thường, trong gia đình có thể tự cúng nếu khỏi bệnh thì chỉ cần khấn tạ ơn với thần linh nhưng trong một vài trường hợp bị bệnh nặng hoặc đau ốm thường xuyên thì gia đình sẽ mời thầy mo đến cúng và có thể sẽ phải thay đổi vật giữ hồn cho bát bản mệnh. Điều này sẽ được quyết định bởi thầy mo, gia đình chỉ thực hiện theo.

Ở mỗi cấp Chiết có những lễ vật cúng hồn khác nhau: chiết Aruông lễ vật là gà chiết Năm nớt lễ vật là heo hoặc dê chiết Tam ba/Hình có thể là gà, nhưng trong cuộc đời người đó phải dâng cúng được một con trâu.

Trong trường hợp một đứa trẻ bị đau ốm lần đầu thì ông bố sẽ làm “vật giữ hồn” là Aruông (được đan từ một cành tre nhỏ có dạng hình phểu), sau đó sắm lễ vật (ít, nhiều do thầy mo quy định) rồi mời thầy mo đến cúng gọi hồn của đứa trẻ về đồng thời sẽ chuyển bát linh hồn vào Aruông và xin với tổ tiên đưa dụng cụ này lên bàn thờ. Lời gọi hồn thường có nội dung: “Hồn ơi, về đi! Về nhà sẽ được ấm cúng, no đủ, còn đi lang thang sẽ bị đói khát lạnh lẽo... Hồn ơi, về đi!”. Những trường hợp người trong gia đình bị đau ốm thường xuyên hoặc bị những bệnh nặng thì gia đình sắm lễ rất lớn, thường là dê, heo, gà, xôi để tổ chức cúng hồn. Trong những lần như vậy, thầy mo sẽ yêu cầu gia đình làm lại “vật giữ hồn” là Năm nớt - là một loại đồ thờ được làm từ 4 thanh tre nhỏ (đường kính khoảng 2 cm) kết lại với nhau dạng hình hộp thông qua các chốt mộng ở phần chân, phía trên có gắn các tua rua bằng nan tre vót mỏng. Sau khi cúng gọi hồn của người ốm về, bát linh hồn sẽ được chuyển vào Năm nớt và được đặt cao lên tầng thứ 2 trên bàn thờ. Nếu gia đình nào có điều kiện cúng hồn bằng trâu thì làm “vật giữ hồn” là Tam ba/Hình - một loại đồ thờ được làm bằng gỗ đẽo theo các hình dáng uốn lượn rất đẹp, dạng hình hộp, có 4 chân, phần phía trên được che mái nghiêng để hở một mặt (mái che được đan bằng tre dạng hình mắt cáo), mái hở được chống 2 thanh tre nhỏ. Sau khi cúng trâu xong, thầy mo sẽ đưa bát linh hồn vào Tam ba/Hình và đặt “vật giữ hồn” này lên tầng cao nhất trên bàn thờ. Từ thời khắc này, hồn người đó sẽ trở thành một thế lực siêu nhiên quan trọng đối với cuộc sống của họ sau này. Phong tục làm vật giữ hồn bằng Tam ba/Hình chỉ diễn ra ở những gia đình giàu có và chỉ con trai mới được bố mẹ tổ chức cúng hồn bằng trâu sau khi làm A ruông, còn con gái chỉ có thể thực hiện nghi lễ này khi đã lấy chồng, có con.

Theo các cụ già làng thì việc tách bàn thờ hoặc thay đổi vật thờ (vật giữ hồn) chỉ có thể do thầy mo quy định, còn người trong gia đình không thể làm công việc này. Người Bru - Vân Kiều cho rằng có hai nguyên nhân chính gây ra bệnh tật, đau ốm: ma quỷ làm hại, thần linh trừng phạt và bị đánh thuốc bằng ma thuật. Ngoài cách chữa bệnh bằng lá, củ cây rừng, một phương pháp khác phổ biến là cúng bái, mời thầy mo đến cúng gọi hồn của người đó về. Đây là một hình thức chữa bệnh bằng ma thuật tồn tại rất phổ biến. Trong quan niệm của người Bru - Vân Kiều, thầy mo/cúng là người có khả năng đặc biệt, có thể tiếp xúc với thần linh, ma quỷ v.v… Bởi thế, khi có người đau ốm, chỉ có thầy mo mới gọi được hồn của người đau về. Đối với những trường hợp bị bệnh quá nặng, đồng bào cho rằng lúc này không phải hồn đã bỏ đi mà do người này đã xúc phạm đến thần linh nên đã bị “mũi tên thần” bắn phải. Trong trường hợp này, bên cạnh gọi hồn còn phải chữa bằng bùa phép. Thầy mo sờ khắp thân thể bệnh nhân tìm xem có mũi tên thần ghim vào người không. Nếu nạn nhân may mắn khỏi bệnh đồng bào cho rằng thần linh đã bỏ qua lỗi lầm của nạn nhân. Còn nếu nạn nhân không qua khỏi cơn bệnh hiểm nghèo, có nghĩa nạn nhân đã phạm lỗi quá nặng nên thần linh không giúp thầy mo tìm ra mũi tên độc.

Ngoài bát linh hồn và “vật giữ hồn” thì trên bàn thờ bản mệnh ở một số gia đình còn treo các hình nhân thế mạng đan bằng các nan tre mỏng hoặc các chuỗi hạt kết thành những vòng tròn mà theo người Bru - Vân Kiều thì nó tượng trưng cho trời/Yang là vị thần tối cao trong đời sống của họ.

Những chàng trai khi lấy vợ làm nhà ở riêng có thể không cần mang theo vật giữ hồn của mình mà chỉ làm một lễ cúng báo việc chuyển đi. Còn các cô gái, theo phong tục trước khi rước dâu nhà nam phải cúng một con heo để xin thần linh rước bàn thờ bản mệnh của cô dâu đi và lúc về nhà chồng thì phải cúng một con gà để đưa bát linh hồn của cô dâu lên bàn thờ mới.

Đến lúc chết, trước lúc đưa tang, bát linh hồn và vật giữ hồn là Aruông, hoặc Năm nớt sẽ được đem ra mồ vứt bỏ; riêng bát linh hồn được đặt trong vật giữ hồn là Tam ba/Hình sẽ tiếp tục được con cháu thờ cúng trên bàn thờ từ đời này sang đời khác.

Ngày nay, về cơ bản những quan niệm về hồn và thần bản mệnh cũng như những lễ nghi liên quan đã có nhiều thay đổi, tuy nhiên một số gia đình người Bru - Vân Kiều vẫn đang duy trì tập tục này.

T.T.N

 

 

 

 

TRẦN THỊ NHÀN
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 297 tháng 06/2019

Mới nhất

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Hội VHNT tỉnh trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm “Trường Sa - Quảng Trị: Sắc màu biên cương”

23/03/2024 lúc 16:22

TCCVO - Chiều 22/3, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị tổ chức trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm

Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực

18/03/2024 lúc 00:07

TCCVO - Chiều 15/3, tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, UBND tỉnh Quảng Trị và Ủy ban chính quyền tỉnh Savannakhet (Lào) phối hợp tổ chức Hội thảo “Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực”.

Liên hoan dân vũ chủ đề: "Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng"

16/03/2024 lúc 06:02

Chào mừng kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế phụ nữ (08/3/1910 - 08/3/2024), 1984 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng; Hướng đến kỷ niệm những sự kiện lớn của quê hương đất nước; kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7-2024), Sáng ngày 07/3/2024, Công đoàn viên chức tỉnh tổ chức Liên hoan dân vũ trong nữ Công chức, viên chức, người lao động (CCVCLĐ) năm 2024 với chủ đề “Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng”.

Phát huy vai trò “báo chí kiến tạo, báo chí giải pháp”

15/03/2024 lúc 07:05

TCCVO - Sáng ngày 13/3/2024, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hội nghị giao ban công tác báo chí tháng 1 và 2 năm 2024 và định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm tuyên truyền trong thời gian tới. Đồng chí Hồ Đại Nam, UVBTVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

29/03

25° - 27°

Mưa

30/03

24° - 26°

Mưa

31/03

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground