Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 30/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Cảm tử mở đường máu ra đảo

 

C

ó một Đại đội cảm tử mà chiến công thầm lặng của họ gắn với sự tồn tại của một hòn đảo cách đất liền từ 13 đến 17 hải lý về phía Đông bị bao vây bốn bề bởi tàu chiến, không quân, hạm đội của địch suốt những năm chống Mỹ ác liệt. Mỗi lần trước khi lên đường tiếp tế cho đảo là chấp nhận hy sinh, đơn vị ngậm ngùi làm lễ truy điệu sống cho đồng đội thân yêu của mình. Những người lính cảm tử ôm nhau rất chặt, nhìn sâu vào mắt nhau không nói, có thể từ sau giây phút thiêng liêng ấy họ không còn gặp lại nhau nữa! Nhiều chiến sỹ ra đi không trở về. Những người con trung hiếu sẵn sàng quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Chiến tranh đã lùi xa nhưng chiến công của họ mãi mãi ngân vang trong lòng đất nước về những người lính Cụ Hồ vì chủ quyền biển đảo thiêng liêng, nhiều người đã nằm lại trong lòng biển cả khi tuổi đời mới mười tám, đôi mươi…Đó là Đại đội 22, Trung đoàn 270, thuộc Bộ chỉ huy quân sự Khu vực Vĩnh Linh (nay là huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị), là đơn vị làm nhiệm vụ mở đường máu tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ, được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân ngày 2 tháng 4 năm 2013.

Lùi lại thời gian để hiểu đôi nét về quá khứ oanh liệt mà Đại đội 22 Anh hùng đã trải qua trên mảnh đất Vĩnh Linh lũy thép năm xưa…

Đảo Cồn Cỏ thuộc Khu vực Vĩnh Linh, là con mắt thần canh giữ đất liền và vọng gác tiền tiêu một vùng lãnh hải Việt Nam. Sau hiệp định Giơ-ne-vơ (20 - 7 - 1954), Đảo Cồn Cỏ nằm trong khu phi quân sự nên không có lực lượng vũ trang đồn trú. Mỹ - ngụy có âm mưu chiếm đảo Cồn Cỏ. Biết được ý đồ của chúng, ngày 8 tháng 8 năm 1959, ta đã cử một trung đội do thiếu úy Dương Đức Thiện ra giữ đảo. Lập tức 2 ngày sau, chính quyền Ngô Đình Diệm đưa tàu chiến đến vây bủa, buộc quân ta nổ súng cảnh cáo, chúng phải bỏ chạy. Việc giữ đảo, bảo vệ chủ quyền của đất nước đã trở thành vấn đề cấp bách, thiêng liêng.

Sau sự kiện “Vịnh Bắc Bộ” ngày 5 - 8 - 1964, đế quốc Mỹ bắt đầu lấy cớ để mở màn leo thang đánh phá miền Bắc bằng không quân và hải quân. Bộ Tư lệnh Hải quân được giao nhiệm vụ tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ. Nhưng địch ráo riết bao vây, phong tỏa, chặn đánh mọi sự tiếp tế, chi viện của đất liền. Trước thực tế căng thẳng diễn ra hàng ngày, phải có lực lượng tại chỗ mới đáp ứng sự chi viện cho Cồn Cỏ, Bộ Tổng Tư lệnh trực tiếp giao nhiệm vụ cho Khu vực Vĩnh Linh “mở đường máu” ra Cồn Cỏ. Đến cuối tháng 2 - 1965, sau khi không quân Mỹ ném bom hủy diệt Vĩnh Linh, mở màn đánh phá miền Bắc lâu dài, tình hình về đảo Cồn Cỏ hết sức nguy cấp, Đảng ủy Khu vực Vĩnh Linh ra Nghị quyết, hạ quyết tâm: “Tất cả vì Cồn Cỏ thân yêu”, “Đất liền còn, Cồn Cỏ còn”. Ngày 13 - 3 - 1965, Tư lệnh Trung đoàn 270 (Khu vực Vĩnh Linh) Hoàng Đưởm đã Quyết định thành lập Đại đội 22 làm nhiệm vụ tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ, bổ nhiệm trung úy Trương Văn Bút quê ở Diễn An, Diễn Châu, Nghệ An giữ cương vị Đại đội trưởng, Trung úy Trần Ngọc Diệp làm Chính trị viên, Trung úy Võ Phủ làm chính trị viên phó… Biên chế lúc đầu của đơn vị có 40 cán bộ, chiến sỹ. Lực lượng bổ sung cho đại đội là 80 thanh niên dân quân trực chiến thuộc 4 xã vùng biển: Vĩnh Thái, Vĩnh Thạch, Vĩnh Quang, Vĩnh Kim. Số lượng thuyền gồm 3 chiếc. Đồng chí Nguyễn Như Mễ làm A trưởng, thuyền trưởng. Thuyền được điều động thêm từ 4 xã là 12 chiếc. Trọng tải bình quân mỗi thuyền từ 1,5 đến 2 tấn. Đại đội đóng thêm thuyền mới và huy động nhiều thuyền của các xã ven biển Vĩnh Linh làm nhiệm vụ tiếp viện cho đảo. Địa điểm đóng quân của Đại đội tại thôn Hương Bắc thuộc xã Vĩnh Kim. Kho tập kết hàng trước khi vận chuyển xuống thuyền ra đảo được bố trí nhiều chỗ để đề phòng sự phá hoại của bom đạn địch: Một kho tại xóm Xuân (xã Vĩnh Kim), một kho tại thôn Vịnh Mốc (xã Vĩnh Thạch), các kho khác tại thôn Tân Hòa (Vĩnh Thái), Cửa Tùng, Mũi Si (Vĩnh Quang). Đại đội 22 có hai nhiệm vụ: Thứ nhất, tiếp nhận, phân tán, chuyển hàng hóa, vũ khí, khí tài, đạn, lương thực, thực phẩm, thuốc men do cấp trên cấp; Thứ hai, tổ chức phân tán, cất giấu vào các kho trạm để vận chuyển ra Cồn Cỏ. Từ tháng 3 - 1965 đến tháng 10 - 1968 là giai đoạn chiến tranh ác liệt nhất ở Vĩnh Linh. Đảm nhận sứ mệnh cao cả Tổ quốc giao phó, Đại đội 22 đã hoàn thành nhiệm vụ đặc biệt xuất sắc, tiếp tế kịp thời vũ khí, lương thực, thuốc men… cho Cồn Cỏ thân yêu. Những chuyến ra đảo thời ấy đầy nguy hiểm khó khăn nếu được ghi lại cũng không thể đầy đủ. Chỉ xin kể lại những chuyến tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ qua lời kể của những người lính trong cuộc đã được đưa vào lịch sử của Đại đội:

Một ngày của tháng Tư năm 1965, Đại đội xuất phát 22 thuyền vận chuyển hàng ra đảo Cồn Cỏ mà chỉ có 3 thuyền cập được đảo, 19 thuyền bị địch vây hãm, đánh chìm hoặc trôi dạt mất tích. Hàng không đến đảo là đất liền thao thức, ăn không ngon, ngủ không yên. Những chuyến thuyền tiếp theo, đêm đêm lặng lẽ xé sóng ra với đảo. Nhiều người ra đi nhưng rất ít người trở về. Trên đường ra đảo gặp địch, trên đường từ đảo trở về đất liền cũng gặp địch mai phục, lại diễn ra những trận đọ súng khốc liệt. Quân số hy sinh nhiều, lực lượng thiếu hụt lớn. Ngày 2 - 5 - 1965, 20 thanh niên xã Vĩnh Giang, Vĩnh Quang trong đội quân dự bị đã được gọi nhập ngũ bổ sung cho Đại đội 22. Vào 4 giờ sáng ngày 16 - 5 - 1965, các thuyền của ta chất đầy vũ khí, súng đạn, lương thực, thực phẩm, nước ngọt… mới xuất phát khỏi đất liền khoảng 10 cây số thì gặp 2 tàu địch, chúng bắn pháo sáng và bao vây 4 thuyền của ta. Trước hoàn cảnh cực kỳ nguy hiểm đó, chiến sỹ của ta đã lấy mạn thuyền làm công sự, đánh trả quyết liệt với lũ giặc biển. Sau nửa giờ chiến đấu, mặc dù ta hy sinh 9 chiến sỹ nhưng đã phá được vòng vây của địch, đưa thuyền cập đảo an toàn. Ngày 22 - 5 - 1965, Cồn Cỏ điện vào yêu cầu tiếp tế đạn, gạo khẩn cấp. Đại đội huy động 60 dân công của 2 thôn ở xã Vĩnh Quang bốc xếp gạo và vũ khí kịp cho 12 thuyền chia làm hai tốp xuất bến lúc 18 giờ 30 phút. Chuyến ra đảo lần này không gặp địch, lại vận chuyển một lượng vũ khí, hàng hóa lớn đáp ứng kịp thời yêu cầu của đảo Cồn Cỏ. Ngày 29 - 5, đoàn thuyền rời đảo trở lại đất liền, mới đi được khoảng 15 cây số thì bị 7 tàu địch phát hiện, bao vây đánh phá. Chiến sỹ ta bình tĩnh, anh dũng đánh trả quyết liệt. Một tàu địch trúng đạn B40 của ta, bốc cháy, các chiếc khác hoảng loạn dạt ra xa rồi gọi tàu đồng bọn ở Cửa Việt bắn pháo ra chi viện. Tất cả cán bộ, chiến sỹ của đoàn đã anh dũng hy sinh. Nỗi đau đớn hằn lên trên gương mặt mọi người ở các làng quê biển Vĩnh Linh. Ông Phan Văn Váng là một dân quân xã Vĩnh Quang (nay là thị trấn Cửa Tùng) trong đội quân tiếp tế cho Cồn Cỏ hồi đó rưng rưng nhớ lại: “Thời khắc ấy, tất cả bà con các xã ven biển đau xót vô cùng. Đêm đêm, bất chấp bom, pháo, bà con ra bãi cát để mong đón được xác chiến sỹ do sóng dạt vào. Nhưng bao nhiêu đêm vẫn không thấy gì… Hầu như những chiến sỹ hy sinh trên biển đều không tìm được xác…”.

Ngày 29 - 6 - 1965, Đại đội trưởng Trương Văn Bút và Chính trị viên Trần Ngọc Diệp thông báo cho các chiến sỹ của Đại đội: “Hôm nay có chuyến hàng đặc biệt, đó là món quà quý Bác Hồ gửi tặng cho bộ đội Cồn Cỏ. Bất luận trong hoàn cảnh nào cũng phải mang cho được món quà Bác tặng trao tận tay đồng chí chỉ huy đảo”. Món quà của Bác là chiếc đài Sony bán dẫn. Thời chiến tranh, đài bán dẫn thuộc hàng quý hiếm. Thầm hứa với Bác dù phải hy sinh đến người cuối cùng cũng phải hoàn thành nhiệm vụ. Mong muốn của Bác là Cồn Cỏ tuy xa đất liền nhưng vẫn gần gũi, thân thương qua làn sóng Tiếng nói Việt Nam, đất liền là hậu phương lớn, luôn luôn bên cạnh đảo xa. Mong muốn của Bác mang một ý nghĩa vô cùng sâu sắc, là sự động viên khích lệ đối với chiến sỹ kiên cường giữ đảo. Và món quà của Bác đã được chuyển đến tận tay Đảo trưởng Trần Văn Thà trong sự cảm động của những người lính đang ngày đêm mong nhớ đất liền, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh.

Địch đánh phá, bao vây Cồn Cỏ ngày càng chặt hơn. Ta đã mở đường máu ra đảo bằng nhiều mũi, bất chấp thời gian, nếu gặp địch thì có những đội thuyền chiến đấu kìm chân địch để các mũi khác nhanh chóng thoát vòng vây tiến đến đảo. Các cụ già ngoài 60 tuổi cũng vào trận với chiến sỹ như các cụ: Hồ Bớt, Phạm Chung (Vĩnh Quang), Nguyễn Văn Trí (Vĩnh Thái), Hồ Mò (Vịnh Mốc)... Vào tháng 5 năm 1966, 3 thuyền của ta vừa rời bến được 7 hải lý thì gặp tàu địch. Thuyền của dân quân Võ Thị Lý bị địch bắn thủng nhiều lỗ, chị động viên thủy thủ vừa tát nước, vừa dùng súng AK chiến đấu quyết liệt với địch, đến khi thuyền chìm hẳn mới cùng đồng đội nhảy xuống biển bơi vào bờ, không để chúng bắt sống. Có nhiều người con Vĩnh Linh đã vĩnh viễn nằm lại với biển. Trước mất mát, đau thương, Khu ủy Vĩnh Linh đã động viên thăm hỏi những gia đình có người thân ngã xuống, đồng thời ra nghị quyết, nêu rõ: “Người này ngã xuống, người khác xông lên, lấy biển làm hầm, lấy mạn thuyền làm công sự chiến đấu. Còn đất liền còn đảo, không tránh được thì đánh địch mà đi, vượt lên bom đạn địch mà đưa hàng đến đảo…”

Từ ngày 10 - 9 - 1965 đến ngày 5 - 1 - 1966, tàu địch liên tục ngày đêm vây chặt đảo Cồn Cỏ, buộc Đại đội 22 nảy ra phương án táo bạo: “Vượt biển giữa ban ngày” để đánh lừa địch. Nhờ phương án táo bạo đó mà nhiều đoàn thuyền tiếp tế đến kịp thời với chiến sỹ trên đảo trong niềm vui khôn xiết. Ngày 11 - 6 - 1967, Chỉ huy đơn vị cử 2 tốp ra đảo, gồm các đồng chí: Tống, Thức, Thìn, Phùng, Dân, Niệm, Sóa, Mặc, Trì, Triêm, Đại. Bị địch chặn đánh, chiến sỹ ta đã phân công thuyền chiến đấu với địch, còn lại khẩn trương tiến về đảo. Vận chuyển vũ khí và hàng ra đảo, chiến đấu với địch trên biển đã trở thành khí phách hiên ngang của chiến sỹ Đại đội 22 cũng như dân quân miền biển Vĩnh Linh. Đại đội 22 còn nhắc mãi những cái tên gắn liền với chiến công, lòng quả cảm của những chiến sỹ: Đương, Ngô, Minh, Lân, Hiệp, Trí, Trần Can, Phan Toàn, Phan Văn Váng, Phạm Quang, Phan Kha, Lê Đẩu, Lê Song, Nguyễn Văn Long, Nguyễn Đắc và nhiều chiến sỹ khác…

Trong những năm đóng quân trên đất Vĩnh Linh làm nhiệm vụ tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ, Đại đội 22 đã tiếp nhận hơn 7.000 tấn hàng hóa cất giấu vào kho trạm, vận chuyển ra đảo gần 5.000 tấn gồm: vũ khí, khí tài, đạn, lương thực, thực phẩm, thuốc men, vật liệu xây dựng công sự trận địa, chuyển nhiều thương binh từ Cồn Cỏ vào đất liền.

Đại đội 22 đã hoàn thành sứ mệnh cao cả của một giai đoạn lịch sử chống Mỹ cứu nước của dân tộc trên vùng biển để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Những người lính cảm tử ấy mãi mãi ngời sáng trong lòng các thế hệ trên quê hương Cồn Cỏ - Vĩnh Linh lũy thép Anh hùng.

L.N.H

 

 

 

 

LÊ NGUYÊN HỒNG
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 299 tháng 08/2019

Mới nhất

Bộ từ điển bỏ lại giữa rừng sâu

10 Giờ trước

Sau hiệp định Pari, 27/1/1973, chiến tranh tạm dừng, đại đội tôi đóng quân giữa bãi cát Lệ Xuyên, huyện

Đi tìm cỏ

10 Giờ trước

Nhiều lúc ngồi thẫn thờ nhìn đàn trâu bò gặm cỏ dọc triền đê chợt giật mình: Cỏ quê

Chị ấy…

10 Giờ trước

Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Huế tổ chức một chuyến đi thực tế dài ngày tại Tổng Công

Pa Ling mùa mưa

10 Giờ trước

Tháng 11, dưới cơn mưa rừng tầm tã, chúng tôi tìm về thôn Pa Ling, xã A Vao, huyện Đakrông,

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

31/03

25° - 27°

Mưa

01/04

24° - 26°

Mưa

02/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground