Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 17/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Niềm tin và sự kỳ vọng vào các đại biểu dân cử

LTS. Vào những ngày này, quê hương đất nước có thêm ngày hội lớn, ngày toàn dân náo nức bước vào cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021. Chọn người có tài, có đức vào các cơ quan dân cử là việc cực kỳ hệ trọng. Nhớ lại cuộc tổng tuyển cử đầu tiên năm 1946, Bác Hồ ân cần nhắc nhở toàn dân: “Lá phiếu của cử tri tuy khuôn khổ nó nhỏ bé nhưng giá trị của nó thì vô cùng to lớn...” Toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta ý thức rất đầy đủ về chế độ dân chủ, tự do của Nhà nước ta và vai trò làm chủ thực sự của người dân. Đi bỏ phiếu vừa là quyền lợi quý báu vừa là nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi cử tri. Họ đang kỳ vọng và gửi gắm niềm tin vào từng lá phiếu không ngoài mục đích lựa chọn những người đại biểu dân cử có tài, có đức, có tâm, có tầm nhằm xây dựng một xã hội dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh.

Nhân dịp này, Tạp chí Cửa Việt ra các số báo chuyên đề (tháng 5 - số 260 và tháng 6 - số 261) về sự kiện trọng đại nói trên. Chuyên mục SK&ĐT số báo này phỏng vấn một số Văn nghệ sĩ Hội VHNT Quảng Trị với các nội dung sau đây:

- Nhà thơ Trưởng Thành (Lê Văn Hoan, nguyên UVTV Tỉnh ủy, Chủ tịch MTTQVN tỉnh Quảng Trị, đại biểu Quốc hội khóa VII – VIII. Hội viên Phân hội Văn học).   

PV. Với tư cách là người từng tham gia hai khóa đại biểu Quốc hội, từng có nhiều đóng góp trong nghị trường. Theo ông, người đại biểu cho cơ quan quyền lực cao nhất, quyết định những vấn đề lớn của đất nước, ngoài những tiêu chuẩn chung theo quy định của pháp luật, người đại biểu Quốc hội cần có thêm những kiến thức, kỹ năng gì?

- Nhà thơ Trưởng Thành: Tôi rất vinh dự được tổ chức Đảng giới thiệu, được cử tri tín nhiệm bầu làm đại biểu Quốc hội khóa VII, khóa VIII.

Tuy bản thân có nhiều cố gắng trong việc thực thi nhiệm vụ, nhưng so với chức trách của một đại biểu cơ quan dân cử cao nhất Nhà nước CHXHCN Việt Nam thì còn rất hạn chế. Chủ quan do năng lực chưa đủ tầm làm một nghị sĩ. Khách quan có quá nhiều lý do: do làm đại biểu kiêm nhiệm, không có quỹ thời gian hoạt động, không có phương tiện và kinh phí đảm bảo cho đại biểu hoạt động tại địa bàn, do cơ chế thời quan liêu bao cấp, đại biểu Quốc hội hoạt động chủ yếu một năm 2 kỳ họp và 1-2 lần tổ chức tiếp xúc cử tri.

Tôi cho rằng, làm đại biểu Quốc hội luôn luôn phải đặt lợi ích của đất nước, lợi ích nhân dân lên trên hết; phải nhiệt tình, tâm huyết với nhiệm vụ mà Tổ quốc và Nhân dân giao phó. Phải thường xuyên sâu sát với nhân dân, tìm mọi cách, mọi nơi tiếp cận với mọi giai tầng xã hội, lắng nghe dân nói và phản ánh một cách trung thực ý kiến, nguyện vọng của dân, nhất là vấn đề quốc kế dân sinh, tham gia giải quyết đến cùng những vấn đề mà nhân dân yêu cầu, nhất là những vấn đề liên quan đến việc xâm phạm lợi ích hợp pháp của nhân dân. Nhất là việc tiếp cận đơn thư của người dân, không được bỏ cuộc giữa chừng, không vì một thế lực nào đó mà cản trở đại biểu Quốc hội không dám nói, không dám làm… Tôi đơn cử vài vụ việc:

Cuối nhiệm kỳ khóa VIII dư luận trong Đảng cũng như người dân xôn xao bàn tán về chủ trương sáp nhập các đơn vị hành chính trên phạm vi cả nước. Qua triển khai, thực tiễn đã bộc lộ nhiều bất cập, nhiều tỉnh thành sau khi sáp nhập có diện tích rộng gây khó khăn cho bộ máy hành chính cấp tỉnh trong quản lý điều hành, đặc biệt đối với cuộc sống người dân trong nhiều thủ tục hành chính phải thực hiện. Một số nơi mong muốn phân lại đơn vị hành chính tỉnh như cũ. Tại kỳ họp Quốc hội cuối nhiệm kỳ VIII râm ran bên ngoài nghị trường, nhưng không có đại biểu Quốc hội nào, đoàn đại biểu Quốc hội nào dám nêu vấn đề tách tỉnh ra giữa nghị trường để Quốc hội xem xét. Họ chọn cách im lặng, xem như không có vấn đề gì đáng bàn. Tại đoàn đại biểu tỉnh Bình Trị Thiên, tôi dự thảo văn bản đề nghị Quốc hội đưa vào chương trình họp bàn để kiến nghị tách tỉnh đối với các tỉnh có địa giới hành chính chưa phù hợp. Khi trao đổi với từng cá nhân thì đại biểu  nào cũng tán thành, nhưng đến khi gửi kiến nghị bằng văn bản thì chỉ có 3/19 đại biểu đồng ý ký tên. Những người còn lại không ký kể cả Trưởng đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Bình Trị Thiên lúc bấy giờ. Trước nghị trường tôi đã mạnh dạn nêu vấn đề và đã được Quốc hội bàn bạc phân tích cụ thể, từ đó đã đưa ra quyết sách về việc phân chia lại địa giới hành chính cấp tỉnh như hiện nay.

Một việc khác, trong quá trình tham gia giám sát tôi đã trực tiếp can thiệp và đã minh oan cho bà Hoàng Thị Hoan, kế toán Ban Kinh tế mới tỉnh Bình Trị Thiên bị tòa án cấp tỉnh tuyên án phạt tù giam và tịch thu tài sản. Bà đã có đơn kêu oan gửi từ tòa án cấp tỉnh lên đến Trung ương nhưng không cấp nào đứng ra giải quyết. Trong đơn kêu oan của bà, có một chi tiết đáng chú ý là “đề nghị giám định chữ ký” để xác định việc ký tên của bà là không đúng sự thật, làm căn cứ xác định bà không tham gia vào hành vi bị tuyên án, nhưng cho đến thời điểm đó, không một cơ quan đơn vị nào đứng ra thực hiện việc giám định chữ ký của bà Hoan trên chứng cứ của vụ án. Tôi nhận thấy đây là cốt lõi của vấn đề, cần làm sáng tỏ, minh oan cho người khiếu kiện đồng thời thể hiện tính minh bạch của pháp luật. Tôi trực tiếp gặp đồng chí Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề đạt nguyện vọng chính đáng của bà Hoan, đồng chí trả lời: “Anh Hoan thông cảm, vụ án này đã được xét xử từ lâu, hơn nữa lãnh đạo tỉnh cũng không đồng tình xét lại vụ án nên chúng tôi không làm tiếp nữa”. Tôi thuyết phục: “Anh là Bao Công cả nước, người dân bị oan kêu cứu đến anh, anh quyết định làm theo pháp luật, hay làm theo ý chí chủ quan của một vài vị lãnh đạo? Nếu anh nói thế, tôi sẽ mang vấn đề ra chất vấn trước diễn đàn Quốc hội”. Đồng chí Viện trưởng đành phải đồng ý. Sau khi giám định chữ ký, xác nhận đó là chữ ký giả mạo, bà Hoàng Thị Hoan là người vô tội. Đó cũng là kỷ niệm sâu sắc trong trọng trách làm đại biểu Quốc hội của tôi…

Những quy định về phẩm chất, đạo đức, trình độ của người ứng cử, đề cử làm đại biểu Quốc hội - cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước CHXHCN Việt Nam đều đã được nhắc tới rất nhiều trong văn bản của Quốc hội, trong văn kiện của Đảng, Nhà nước. Trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, tuân thủ Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh. Có phẩm chất cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật, có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền, và các hành vi vi phạm pháp luật. Có trình độ văn hóa, chuyên môn, có đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội. Liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, được nhân dân tín nhiệm. Có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội… Tuy nhiên, điều cốt lõi nhất theo tôi vẫn là chữ Tâm. Có chữ Tâm, có tấm lòng, hết lòng vì nhân dân, vì đất nước và dám nói, dám nghĩ, dám làm thì mới làm tốt được “nghề” đại biểu Quốc hội.

 

- TS. Nguyễn Bình ( Phó Giám đốc Sở Khoa học công nghệ, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Quảng Trị, Hội viên Phân hội Văn nghệ dân gian).

PV: Với tư cách là một nhà khoa học, là đại biểu HĐND tỉnh nhiều khóa. Trước thềm bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021, xin đồng chí cho biết Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 có điểm gì mới so với luật cũ trước đây?

- TS. Nguyễn Bình: Ngày 19-6-2015, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật tổ chức chính quyền địa phương số 77/2015/QH13 (Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015). Ngày 03-7-2015, Chủ tịch nước ký Lệnh số 05/2015/L-CTN công bố Luật. Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01-01-2016. Những điểm mới của Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015 so với Luật tổ chức chính quyền địa phương 2003, có những điểm mới cơ bản sau:

1. Về mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính:

- Theo quy định của Luật, tất cả các đơn vị hành chính đều tổ chức HĐND và UBND (cấp chính quyền địa phương), đồng thời chấm dứt việc thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường theo Nghị quyết số 26/2008/QH12 của Quốc hội, Nghị quyết số 724/2009/UBTVQH12 của Ủy ban thường vụ Quốc hội kể từ ngày Luật có hiệu lực pháp luật (01/01/2016). Nhiệm kỳ vừa qua tỉnh Quảng Trị là một trong số 5 tỉnh trong toàn quốc thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường; thì nay tiếp tục giữ nguyên cơ cấu tổ chức và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân mới ban hành.

2. Về nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương và của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân:

- Quy định nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính theo hướng chủ yếu tập trung ở cấp tỉnh, giảm dần xuống cấp huyện đến cấp xã để tránh tình trạng dồn việc về cấp cơ sở mà không tính đến khả năng đáp ứng của từng cấp chính quyền; nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở địa bàn nông thôn tập trung thực hiện quản lý theo lãnh thổ; ở địa bàn đô thị chú trọng thực hiện quản lý theo ngành, lĩnh vực.

- Quy định chung về nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương phải thực hiện như tổ chức và bảo đảm việc thi hành Hiến pháp và pháp luật trên địa bàn; quyết định những vấn đề của địa phương trong phạm vi được phân quyền, phân cấp; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn do cơ quan hành chính Nhà nước cấp trên ủy quyền...

- Quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND và UBND trên các lĩnh vực nhằm thể hiện rõ sự gắn kết chặt chẽ, thống nhất giữa hai thiết chế HĐND và UBND hợp thành chính quyền địa phương:

+ Với tính chất là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, HĐND quyết định các vấn đề của địa phương như quyết định ngân sách; bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm các chức danh trong cơ cấu của chính quyền địa phương; quyết định các biện pháp bảo đảm thi hành Hiến pháp và pháp luật, các biện pháp bảo đảm việc thực hiện các nhiệm vụ về kinh tế, tài nguyên, môi trường, giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ, văn hóa, thông tin, thể thao, y tế, lao động, chính sách xã hội, dân tộc, tôn giáo, quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; giám sát việc tuân theo Hiến pháp, pháp luật và việc thực hiện các nghị quyết của HĐND trên địa bàn.

+ Với tính chất là cơ quan chấp hành của HĐND, cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, UBND có nhiệm vụ xây dựng, trình HĐND quyết định những nội dung thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND và tổ chức thực hiện các nghị quyết này sau khi được HĐND thông qua. UBND còn có nhiệm vụ quản lý nhà nước về các lĩnh vực trên địa bàn trong phạm vi được phân quyền, phân cấp, ủy quyền.

+ Với tính chất là người đứng đầu UBND, Chủ tịch UBND có nhiệm vụ lãnh đạo và điều hành công việc của UBND, lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện các nhiệm vụ thi hành Hiến pháp, pháp luật, các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên, của HĐND và UBND, lãnh đạo và chịu trách nhiệm về hoạt động của hệ thống hành chính nhà nước trên địa bàn, bảo đảm tính thống nhất, thông suốt của nền hành chính ở địa phương.

- Quy định nhiệm vụ, quyền hạn đặc trưng của chính quyền đô thị nhằm thể hiện sự khác biệt với chính quyền nông thôn:

+ Nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở thành phố, thị xã ngoài việc quyết định các vấn đề của địa phương như đối với địa bàn nông thôn, còn tập trung quyết định các vấn đề quy hoạch phát triển đô thị, xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị, quản lý và tổ chức đời sống dân cư đô thị...

+ Nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương quận và phường đã được điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu quản lý thống nhất, liên thông trong khu vực nội thành, nội thị tại các đô thị. Ngoài việc thực hiện chức năng đại diện và giám sát theo quy định chung, tập trung thực hiện 02 nhóm nhiệm vụ liên quan đến việc quyết định các vấn đề ở địa phương, gồm: (1) Thông qua ngân sách quận, phường theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và (2) Bầu nhân sự của HĐND, UBND cùng cấp.

3. Về cơ cấu tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân: 

Kế thừa các nội dung hợp lý của Luật năm 2003, Luật bổ sung những điểm mới nhằm quy định chi tiết hơn về tổ chức và hoạt động của HĐND, kỳ họp HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND và đại biểu HĐND (về giám sát của HĐND do Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND quy định cụ thể). Theo đó, cơ cấu tổ chức và hoạt động của HĐND có những nội dung mới sau:

- Thứ nhất, quy định tiêu chuẩn, số lượng đại biểu HĐND các cấp (chuyển từ Luật Bầu cử đại biểu HĐND hiện nay sang quy định tại Luật này), trong đó có việc tăng thêm số lượng đại biểu HĐND ở thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh từ 95 lên 105 đại biểu.

- Thứ hai, tăng cường vai trò của Thường trực HĐND, bảo đảm hoạt động thường xuyên giữa 2 kỳ họp HĐND; quy định rõ Thường trực HĐND họp thường kỳ mỗi tháng 1 lần.

- Thứ ba, thay chức danh Ủy viên Thường trực HĐND cấp tỉnh, cấp huyện bằng chức danh Phó Chủ tịch HĐND; mở rộng thành viên Thường trực HĐND cấp tỉnh, cấp huyện gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các Ủy viên là Trưởng ban của HĐND; Thường trực HĐND cấp xã vẫn gồm Chủ tịch và Phó Chủ tịch HĐND.

- Thứ tư, ở HĐND thành phố trực thuộc Trung ương thành lập thêm Ban đô thị; ở HĐND cấp xã thành lập thêm 2 ban là Ban Pháp chế và Ban Kinh tế - Xã hội. Thành viên các Ban HĐND cấp xã hoạt động kiêm nhiệm.

- Thứ năm, quy định đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách. Theo đó, Chủ tịch HĐND, Trưởng ban của HĐND cấp tỉnh, cấp huyện có thể là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách; Phó Chủ tịch HĐND, Phó Trưởng ban của HĐND cấp tỉnh, cấp huyện là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách; ở cấp xã, quy định Phó Chủ tịch HĐND cấp xã là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách; Trưởng ban, Phó Trưởng ban và Ủy viên của các Ban của HĐND xã hoạt động kiêm nhiệm. 

- Thứ sáu, quy định khi có từ 10% trở lên trong tổng số cử tri trên địa bàn cấp xã yêu cầu, Thường trực HĐND cấp xã có trách nhiệm xem xét tổ chức kỳ họp HĐND để bàn về nội dung kiến nghị của cử tri.

- Thứ bảy, HĐND cấp tỉnh, cấp huyện thành lập Tổ đại biểu HĐND; HĐND cấp xã không thành lập Tổ đại biểu HĐND.

4. Về cơ cấu tổ chức và hoạt động của Ủy ban nhân dân:

Kế thừa các nội dung hợp lý của Luật năm 2003, Luật bổ sung những điểm mới nhằm quy định chi tiết hơn về số lượng, cơ cấu thành viên UBND, nguyên tắc hoạt động của UBND; phiên họp UBND; phạm vi, trách nhiệm giải quyết công việc của các thành viên UBND; mối quan hệ phối hợp công tác của UBND; các cơ quan chuyên môn thuộc UBND. Theo đó, cơ cấu tổ chức và hoạt động của UBND có những nội dung mới sau:

- Thứ nhất, quy định thành viên UBND cấp tỉnh, cấp huyện gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các Ủy viên là người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc UBND, Ủy viên phụ trách quân sự, Ủy viên phụ trách công an để bảo đảm nguyên tắc làm việc tập thể của UBND bao quát đầy đủ các lĩnh vực chuyên môn, tạo điều kiện thực hiện việc giám sát của HĐND và lấy phiếu tín nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc UBND và cơ quan quân sự, công an ở địa phương; quy định thành viên UBND cấp xã gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và Ủy viên phụ trách quân sự, Ủy viên phụ trách công an.

- Thứ hai, quy định số lượng Phó Chủ tịch UBND các cấp theo phân loại đơn vị hành chính, cụ thể như sau:

+ Đối với cấp tỉnh: Thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh có không quá 05 Phó Chủ tịch UBND; các thành phố trực thuộc trung ương còn lại và các tỉnh loại I có không quá 04 Phó Chủ tịch UBND; tỉnh loại II và loại III có không quá 03 Phó Chủ tịch UBND.

+ Đối với cấp huyện: Loại I có không quá 03 Phó Chủ tịch UBND; loại II và loại III có không quá 02 Phó Chủ tịch UBND.

+ Đối với cấp xã: Loại I có không quá 02 Phó Chủ tịch UBND; Loại II và loại III có 01 Phó Chủ tịch UBND.

- Thứ ba, quy định kết quả bầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND do người đứng đầu cơ quan hành chính cấp trên trực tiếp phê chuẩn, trường hợp không phê chuẩn thì phải trả lời bằng văn bản, nêu rõ lý do và yêu cầu HĐND tổ chức bầu lại chức danh không được phê chuẩn. Riêng đối với chức danh ủy viên UBND không thực hiện việc phê chuẩn kết quả bầu cử như Luật năm 2003. Chủ tịch, Phó Chủ tịch và Ủy viên UBND thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình ngay sau khi được HĐND bầu.

- Thứ tư, phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của tập thể UBND và Chủ tịch UBND theo hướng đề cao trách nhiệm của Chủ tịch UBND trong việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của mình và trong việc điều động, cách chức, đình chỉ chức vụ đối với Chủ tịch UBND cấp dưới trực tiếp, chỉ định quyền Chủ tịch UBND cấp dưới trực tiếp trong trường hợp khuyết Chủ tịch UBND giữa hai kỳ họp HĐND.

- Thứ năm, quy định UBND cấp xã mỗi năm có trách nhiệm tổ chức ít nhất một lần hội nghị trao đổi, đối thoại với Nhân dân về tình hình hoạt động của UBND và những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của công dân ở địa phương.

Ngoài ra còn có các điểm mới khác như: Các điều kiện bảo đảm cho hoạt động của chính quyền địa phương; hay việc thành lập, giải thể, nhập chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính... đều là những nội dung mới của Luật năm 2015. Tuy nhiên những nội dung này nhằm thực hiện Điều 110 Hiến pháp năm 2013, cũng được đề cập nhiều nên không nêu lại ở đây.

 

- NSND Kim Quý (Nguyên Phó tổng thư ký Hội VHNT Quảng Trị. Hội viên Phân hội Sân khấu, Văn học, Văn nghệ dân gian):

PV. Với tư cách là NSND, Chị có những kỳ vọng và đề xuất gì trong việc lựa chọn, bầu ra những người tiêu biểu có đức, có tài, có năng lực thực sự trong việc thực hiện nhiệm vụ đại biểu đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp?

- NSND Kim Quý: Cách đây hơn 20 năm, bấy giờ nền kinh tế tỉnh nhà còn khó khăn. Tôi được UBMTTQ tỉnh giới thiệu ra ứng cử HĐND tỉnh. Có anh bạn nhà báo hỏi tôi: - Chị sẽ nói gì trước cử tri? Tôi nói: - Tôi chỉ muốn những người dân trên quê hương tôi có bữa cơm nóng và manh áo lành. Ước mong giản dị là vậy, nhỏ nhoi là vậy, nhưng muốn có được điều đó Đảng và chính quyền cùng nhân dân đã vượt qua biết bao gian khổ để có được manh áo lành và bát cơm nóng. Hôm nay đời sống được nâng cao và ước mong của tôi ngày ấy đã là cổ tích.

Với tấm lòng biết ơn, tôi xin thay mặt Văn nghệ sỹ (VNS) tỉnh nhà mong muốn những đại biểu dân cử trong nhiệm kỳ 2016 - 2021 hãy quan tâm hơn nữa đến đời sống người dân, nhất là vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là người dân ở các vùng thiên tai, địch họa (hạn hán mất mùa - người dân lẫn gia súc gia cầm nhiều nơi không có nước uống; tình trạng biến đổi khí hậu, nước xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long, cá chết hàng loạt ở bờ biển miền Trung; ô nhiễm môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm; biển Đông dậy sóng…). Trọn đời Bác Hồ nêu một tấm gương: “Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì có hại đến dân, ta phải hết sức tránh”. Tư tưởng trọng dân, lấy dân làm gốc, vì nhân dân quên mình… phải là phẩm chất, thước đo của người đại biểu dân cử. Một khi đã tự nguyện nhận trọng trách, đại diện cho nguyện vọng của 90 triệu người dân với Đảng, Nhà nước, thiết nghĩ “dám nghĩ, dám làm” thôi chưa đủ mà phải chịu trách nhiệm trước dân, lời nói phải đi đôi với việc làm may ra mới giải quyết tốt các vấn đề bức xúc của cuộc sống đang đặt ra hàng ngày hàng giờ.

Với đời sống và sáng tạo của VNS Quảng Trị, tôi có mấy đề nghị thiết thực hơn:

- Có chế độ cụ thể với những nghệ sĩ cao tuổi có đóng góp quan trọng cho Đảng, Nhà nước và nhân dân. Giúp đỡ VNS khi họ ốm đau, tai nạn.

- Hội VHNT Quảng Trị hiện nay có trên 60% hội viên cao tuổi, do đó việc đào tạo các tài năng trẻ càng trở nên cấp bách. HĐND các cấp cần có chính sách ưu đãi giúp VNS có những tác phẩm đỉnh cao, tạo điều kiện để họ đóng góp phần mình trong sự nghiệp giữ nước và xây dựng đất nước, đồng thời nó cũng là cốt cách của văn hóa Quảng Trị.

Tôi mong ước trong nhiệm kỳ mới các đại biểu quan tâm một cách cụ thể để đời sống sáng tạo của VNS và VHNT Quảng Trị sẽ có nhiều khởi sắc.

PV. Trân trọng cảm ơn quý hội viên đã tham gia trả lời phỏng vấn.

 

                                                                                    PV thực hiện                                                                                                                         

 

 

 

P.V
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 261

Mới nhất

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Viếng Nghĩa Trủng Đàn đầu năm Giáp Thìn

08/04/2024 lúc 22:34

Mười năm rồi lại trăm nămĐàn Nghĩa Trủng mãi ơn Hoàng Bích KhêTử sĩ Tây Sơn

Giêng hai gieo những ngọt ngào; Ký gửi

08/04/2024 lúc 22:33

Giêng hai gieo những ngọt ngàoGiêng hai lúa đã xanh đồngGiêng hai cải đã trổ

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

18/04

25° - 27°

Mưa

19/04

24° - 26°

Mưa

20/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground