Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 26/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Cuộc thi đã bắt nhịp hiện thực đời sống và dòng chảy nghệ thuật

Tổng Biên tập – Trưởng Ban tổ chức cuộc thi


   Giữa thời đại công nghệ giải trí phát triển phong phú đa dạng, văn chương nghệ thuật đang dần bị lấn át. Gìn giữ hệ giá trị văn hóa thông qua tác phẩm văn chương đang trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Đó là đòi hỏi, cũng là trách nhiệm của những người yêu nghệ thuật, từ phía người viết và các tòa soạn báo.

Hướng đến Kỷ niệm 30 năm lập lại tỉnh Quảng Trị và chào mừng Cửa Việt tròn 300 số ấn hành, tạp chí Cửa Việt tổ chức cuộc thi Truyện ngắn và Bút ký năm 2018 - 2019. Cuộc thi nhằm thu hút những tác phẩm tốt để nâng cao chất lượng tạp chí củng cố, khẳng định uy tín và giá trị của một ấn phẩm văn hóa - văn học nghệ thuật có mặt gần 30 năm; phát hiện và bồi dưỡng các tài năng trẻ, bổ sung thêm những tác giả mới cho đội ngũ văn nghệ sĩ tỉnh nhà.

1. Chủ đề của cuộc thi là “Văn hóa, con người Việt Nam trong thời kỳ phát triển và hội nhập”. Theo đánh giá của bạn đọc, đây là một đề tài mở, biên độ khai thác rộng và có giá trị tư tưởng cao, bao phủ nhiều lĩnh vực đời sống, xã hội. Chính vì thế ngay từ khi phát động, ban tổ chức đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của người viết khắp mọi miền đất nước. Ban sơ khảo cuộc thi được thành lập để tiếp nhận tác phẩm dự thi, đánh giá và lựa chọn những tác phẩm chất lượng đăng tải.

Cuộc thi nhận bài ở hai thể loại văn học là Truyện ngắn và Bút ký. Đây là hai thể loại văn xuôi gần gũi và giao thoa nhau bởi nó đòi hỏi cả ba yếu tố: chất liệu hiện thực, sự hư cấu, tính tự sự. Một số tác giả tham gia dự thi ở cả hai thể loại và có những tác phẩm được đăng tải. Với tinh thần của cuộc thi là phát hiện và bồi dưỡng những nhân tố nghệ thuật mới, ban biên tập tòa soạn vui mừng khi nhận được sự tham gia của những cây bút mới vào nghề nhưng đã có những góc nhìn đời sống sâu sắc. Một số tác phẩm còn đôi chỗ non yếu được ban biên tập liên lạc với tác giả để hoàn thiện hơn.

Trong thời gian chưa đầy một năm, từ ngày phát động cuộc thi 01/8/2018 đến ngày kết thúc nhận bài 10/7/2019, ban tổ chức đã nhận được 156 tác phẩm của 108 tác giả. Ban biên tập đã chọn 70 tác phẩm đăng tải trên báo in và trang thông tin điện tử tổng hợp.

2. Những tác phẩm công bố được bạn đọc đón nhận và phản hồi tích cực. Nhiều lá thư của bạn đọc gửi về chia sẻ cảm xúc khi đọc tác phẩm dự thi, nhất là những tác phẩm về đề tài chiến tranh cách mạng. Đó cũng chính là mảng đề tài được nhiều tác giả khai thác và phản ánh bằng bút pháp mới.

Mảnh đất Quảng Trị đã đi qua những cuộc chiến khói lửa kiên cường, và những câu chuyện hậu chiến vẫn còn được kể bởi chính những người trong cuộc như cựu chiến binh Lê Bá Dương với bút ký Gio An - Linh địa diệu kỳ. Nghĩa tình của những người lính được kết nối bằng những sợi dây vô hình, trong không gian tâm linh và không gian mạng internet. Nhờ đó việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ được thuận lợi. Câu chuyện mang đến sự thấu cảm về mảnh đất chiến trường xưa và trân trọng nghĩa cử của những người được hưởng hòa bình. Tác giả viết bút ký tự nhiên, không cầu kỳ làm văn nhưng đầy cảm xúc. Mà cảm xúc cũng chính là văn đấy thôi, một bút ký văn học, suy cho cùng phải khiến người ta rung lên cảm xúc.

Mạch cảm hứng về lịch sử vẫn được những người trẻ kể tiếp, trên nền tư liệu và sử dụng bút pháp xuyên không, bút ký Dặm trường một đóa hồng phai Lê Vũ Trường Giang chiêm cảm về cuộc ra đi đổi lấy đất đai xứ sở Thuận Hóa của Huyền Trân Công Chúa. Bút ký của Lê Vũ Trường Giang thể hiện sự am hiểu sâu sắc về lịch sử, nối tiếp nghệ thuật viết ký của các nhà văn lớn đi trước và tiếp biến kỹ thuật viết đương đại, ngôn ngữ linh hoạt, đậm chất văn học.

Văn phong bút ký rất quan trọng, bởi nó sẽ kéo bạn đọc đi hết câu chuyện một cách tự nhiên. Những cây bút trẻ chứng tỏ có nghề trong cách sử dụng bút pháp thể ký. Trần Thanh Hải với bút ký Lênh đênh trên dòng Bến Hải như một du ký về hai chiều không - thời gian: xuôi dòng sông và ngược chiều lịch sử. Kể từ Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, vĩ tuyến 17 chia cắt hai miền đất nước, cũng chia cắt tỉnh Quảng Trị, từ đó Vĩnh Linh nhận lãnh sứ mệnh là tiền đồn miền Bắc, hậu phương trực tiếp của tiền tuyến miền Nam. Đằng đẵng 21 năm đau thương, quân và dân Vĩnh Linh đã làm nên bao huyền thoại trên tuyến lửa anh hùng. Lênh đênh trên dòng Bến Hải, ở quãng sông nào cũng gợi lại ký ức về những cuộc đối đầu quyết liệt hai bờ sông. Để rồi từ đó cầu Hiền Lương sông Bến Hải trở thành một biểu tượng của ý chí hợp nhất - khác bến chung dòng.

Văn chương nghệ thuật luôn bám sát đời sống. Cuộc thi lần này không nằm ngoài mục đích tìm kiếm những tác phẩm phản ánh các vấn đề mới trên lĩnh vực KT-XH địa phương, quảng bá hình ảnh tỉnh nhà, giới thiệu những tiềm năng triển vọng, đưa ra ý kiến đóng góp xây dựng quê hương. Có thể nhận thấy nỗi trăn trở về phát triển du lịch miền Tây Quảng Trị trong bút ký Gió vẫn thổi qua đại ngàn của Yên Mã Sơn. Hay nỗ lực đáng ghi nhận của những người trẻ yêu quê nhà, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương trong các bút ký Tản mạn về bát cơm ngon, bát cơm đầy của Đào Tâm Thanh, Đi lên từ đất của Tống Phước Trị.

Thể loại bút ký dự thi lần này đa số các tác phẩm chất lượng đến từ những cây bút Quảng Trị, hoặc những người gắn bó duyên nợ với Quảng Trị. Đó cũng là điều dễ hiểu, bởi với bút ký, đất sống chính là đất viết.

3. Ngược lại, với truyện ngắn, đa số các tác giả đến từ ngoài tỉnh. Ban tổ chức vui mừng nhận được sự hồ hởi tham gia của đông đảo người viết khắp mọi nơi. Sự phong phú của tác giả kéo theo sự đa dạng về phong cách, đề tài. Hiện thực đời sống được phản ánh khá đa diện: Từ đề tài lịch sử, chiến tranh, hậu chiến, đến mảng đề tài về đời sống đô thị hiện nay, những số phận và muôn mặt cuộc sống của con người đều được khắc họa rõ nét.

Điều đáng ghi nhận trong thể loại truyện ngắn ở cuộc thi này là có nhiều cách viết mới lạ, giàu suy tưởng và ẩn ý. Tác giả lấy hình tượng cụ thể để làm cái neo kể chuyện, thông qua biểu tượng để thể hiện tư tưởng. Cách tân không phải là mục đích duy nhất của văn chương, nhưng đó là một nhu cầu tự thân quan trọng của nghệ thuật.

Năm tôi bốn mươi chín tuổi của Bùi Việt Phương dùng hình ảnh con chó làm biểu tượng. Một con vật gần gũi với đời sống con người, nhưng ở đây, con chó trong truyện lại được sinh ra từ trong nhân vật chính, con chó dẫn đường cho thân tâm. Tác giả sắp đặt biểu tượng này vào truyện rất tự nhiên, cùng với thủ pháp dòng ý thức làm toát lên những ẩn ý triết học mà đằng sau đó là sự tha hóa của con người trong đời sống hiện đại. Tha hóa khiến con người bỏ quên các giá trị cốt lõi trong bản thể sự sống, bỏ quên chính người thân và bỏ quên luôn mình. Nói theo nguyên lý tảng băng trôi của Hemingway, thì truyện ngắn này có phần nổi, phần chìm, gợi những tò mò và nhiều cách hiểu khác nhau, đặt người đọc vào vai trò đồng sáng tạo.

Lại Văn Long lại sử dụng một biểu tượng có tính khoa học là Kính thiên văn. Thiết bị vật lý này cho phép nhìn thấy hình ảnh xa xăm nhưng lại bị đảo ngược. Bám vào nguyên lý đảo ảnh đó, tác giả đưa hiện thực vào truyện nhằm biểu đạt những trớ trêu nghịch lý của đời sống. Thật đúng như nhà khoa học người Ý Galileo Galilei từng nói “kính thiên văn là thứ tốt nhất hé lộ những thứ vô hình”, cái thứ vô hình về những suy thoái trong bản thức con người hôm nay.

Biểu tượng trong Về theo dấu nắng của Phát Dương là bông vạn thọ, loài hoa ẩn sâu những thứ thiêng liêng về tình người. Xoay quanh ba nhân vật trong một gia đình, Phát Dương đã gợi lên những trắc ẩn, sự vị tha. Tác giả chỉ mới hai mươi tuổi song bút pháp kể chuyện chững chạc, giọng văn Nam bộ, làm phong phú thêm cho cuộc thi lần này.

Trần Hoài trong Tận cùng mộng tưởng dùng viên đá màu đen làm biểu tượng. Viên đá xuất hiện lặp đi lặp lại trong truyện tạo ra không gian huyền ảo. Như thật lại như đùa về một cuộc vượt biên, truyện tái hiện một quãng thời gian đầy biến động trong lịch sử ít được nhắc đến. Qua đó, cho thấy thân phận con người mong manh trước sắp đặt của tạo hóa.

Lợi thế của truyện ngắn chính là… ngắn, phù hợp với quỹ thời gian ít ỏi và nhịp điệu gấp gáp của người đọc hiện đại. Ở cuộc thi lần này, việc giới hạn dung lượng 5.000 từ buộc các tác giả phải chọn chi tiết, chọn cách biểu đạt súc tích, nói những điều cần chuyển tải, viết những điều cần thể hiện, không dài dòng văn vẻ. Đa phần truyện dự thi đều có nhịp kể chuyện nhanh, dung lượng ngắn, nhưng ý tưởng vẫn đảm bảo và cốt truyện chặt chẽ.

Nhìn chung, hầu hết tác giả dự thi bút ký và truyện ngắn đã bắt nhịp cuộc sống, nghệ thuật viết tương thích với các kỹ thuật tự sự đương đại. Tác phẩm cuộc thi mang tính hiện thực cao và hòa nhập được với trào lưu nghệ thuật mới.

4. Thành công của mỗi cuộc thi đến từ phía tác giả tham dự. Bên cạnh những tác giả có thâm niên nghề viết, cuộc thi lần này đã quy tụ được đông đảo những người viết trẻ ở khắp mọi miền Tổ quốc. Đó là những cây bút tuổi đời chưa đầy ba mươi nhưng đã có được văn phong riêng như Lê Quang Trạng ở An Giang, Vũ Thị Huyền Trang ở Phú Thọ, Phan Đức Lộc ở Điện Biên, Phát Dương ở Bạc Liêu… Lớp tác giả trẻ trong tỉnh cũng đóng góp vào cuộc thi những tác phẩm nổi bật, mang nhiều hứa hẹn một thế hệ viết mới cho tỉnh nhà Quảng Trị như Yên Mã Sơn, Ngô Diệu Hằng, Lê Phong, Lê Thị Kim Nhạn… Trong đó tác giả Lê Phong có thể xem là một sự phát hiện mới, anh đang công tác tại Công an Quảng Trị. Là người trong nghề đảm bảo an ninh xã hội nên truyện của anh đi sâu vào những góc tối đời sống, phản ánh các vấn nạn nhức nhối hiện nay.

Quan điểm xuyên suốt cuộc thi của Ban biên tập và Hội đồng chấm giải rằng đây là cuộc chơi bình đẳng với tất cả, không phân biệt tác giả trong hay ngoài tỉnh; không gò buộc đề tài; chấp nhận mọi kỹ thuật viết, nhất là những trào lưu nghệ thuật mới. Chọn sự tinh túy, không chọn phong trào. Chấm trên tác phẩm, chứ không chấm tác giả. Vì thế nên có tác giả gửi nhiều vẫn không được vào chung khảo. Có tác giả chỉ gửi một tác phẩm lại được giải, thậm chí giải cao.

Ở vòng sơ khảo, các thành viên chấm phân loại 5 mức và lựa chọn các tác phẩm vào chung khảo. Hội đồng chung khảo phân tích đánh giá cụ thể từng tác phẩm và chấm điểm độc lập. Tuy chấm độc lập nhưng kết quả tổng hợp thể hiện tính đồng thuận cao của các thành viên. Những tác phẩm vào chung khảo không được giải đều khiến hội đồng chấm thi áy náy, tiếc nuối. Ban tổ chức quyết định trao đủ 22 giải thưởng (như thể lệ), trong đó có 2 giải A, 4 giải B, 6 giải C và 10 giải Khuyến khích.

Cũng cần nói thêm để có sự chia sẻ, việc tổ chức cuộc thi với một tạp chí văn nghệ địa phương như Cửa Việt là cả sự nỗ lực của tòa soạn. Từ chủ trương của UBND tỉnh, tạp chí đã thực hiện vận động nguồn kinh phí xã hội hóa để trao giải thưởng. Thay mặt Ban tổ chức, xin trân trọng cám ơn lãnh đạo tỉnh Quảng Trị đã tạo điều kiện cho cuộc thi được diễn ra; cám ơn các tác giả đã dành tình yêu cho Cửa Việt và gửi bài tham dự; cám ơn các thành viên hội đồng chấm thi đã làm việc công tâm; cám ơn các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đã hỗ trợ giải thưởng.

Cuộc thi Truyện ngắn và Bút ký năm 2018 - 2019 trên tạp chí Cửa Việt đã khép lại thành công. Qua cuộc thi, tạp chí Cửa Việt đã thu được những tác phẩm chất lượng cao để đăng tải. Những tác phẩm chưa kịp in sẽ được ban biên tập chọn lựa để in trong các số báo sắp tới. Cuộc thi cũng đã kịp thời khích lệ các tác giả, đặc biệt là những người viết trẻ. Với sứ mệnh của mình, tạp chí Cửa Việt đã, đang và mãi đồng hành với niềm đam mê văn chương, nuôi dưỡng tình yêu nghệ thuật và chắp cánh cho những khát vọng sáng tạo.

T.L

 

THUỲ LIÊN
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 300 tháng 09/2019

Mới nhất

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

27/04

25° - 27°

Mưa

28/04

24° - 26°

Mưa

29/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground