Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 20/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Thằng cu Bần

Tiếng chuông đồng hồ báo thức kêu leng reng trên bàn đã dựng kỹ sư Trương Đức Quang ngồi dậy. Ông chưa kịp thõng chân xuống đất thì chị Lái từ buồng trong đã đi ra, cúi nhặt đôi dép lê nằm sâu dưới gầm giường đặt lại chỗ cũ để ông khỏi lỡ chớn.

- Thằng cu đâu? - Ông Quang hỏi.

- Thưa, nó ra ngoài sông. - Chị Lái đáp.

- Vẫn bắt nó đi hái quả bần chín với bắt cua nước mặn để cô đem ra chợ bán như mọi hôm, hả?

- Ồ không không! Hôm nay nó muốn thết đãi ông một bữa canh chua do tự tay nó làm ra đó thôi ạ.

- Tôi đã nhiều lần nhắc nhở cô không bắt nó làm việc đó nữa cơ mà. Hừm đúng là ngu lâu khó đào tạo!

Ông Quang cười khinh bạc, rồi đùng đùng đi ra sân, vòng ra sau vườn.

Qua cung cách xử sự của hai người như vừa rồi, hẳn nhiều người nhầm tưởng họ có quan hệ chủ tớ. Kỳ thực họ từng là vợ chồng của nhau, nhưng chuyện đó xảy ra cách đây đã mười tám năm rồi.

Mười tám năm trước, Trần Thị Lái vừa tròn hai mươi tuổi. Tuy sinh ra và lớn lên trong một gia đình làm nghề chài lưới quanh năm đầu tắt mặt tối, nhưng Lái là một cô gái có phẩm hạnh, nhan sắc, và đặc biệt nết đi dáng đứng thùy mị đoan trang, giọng nói trong trẻo dịu dàng đã làm xiêu lòng bao nhiêu chàng trai si tình làng trên xóm dưới. Vào thời kỳ ấy, cũng ở làng này, có một nhân vật nổi tiếng khác là kỹ sư thủy lợi Trương Đức Quang. Vì mải mê trên đường công danh sự nghiệp nên đã “quá niên trạc ngoại tứ tuần”, ông này vẫn chưa vợ. Thế rồi, do một sự tình cờ mà “trai anh hùng gặp gái thuyền quyên”. Trong một lần về quê, sau mười mấy năm giang hồ lưu lạc, ông kỹ sư đã gặp và có một tình yêu sét đánh với cô gái làng chài. Rồi hai người tổ chức lễ thành hôn. Họ hưởng một tuần trăng mật tuyệt vời trên con thuyền năm mui bồng bềnh giữa dòng sông thơ mộng.

Ngày vui ngắn chẳng tày gang, thời gian nghỉ phép trôi vèo trong nháy mắt, kỹ sư Quang phải quay về nơi công tác, để lại cho người vợ trẻ trung xinh đẹp của mình một cái thai mới hình thành trong bụng cùng bao nhiêu lời thề thốt thủy chung son sắt.

Trở lại cơ quan mới chân ướt chân ráo, ông Quang đã nghe tin mình được cử ra nước ngoài thụ nghiệp, làm luận văn tiến sĩ thủy lợi. Cùng đi với ông là Châu Thị Hoàng Yến chỉ kém Quang vài ba tuổi, dáng to béo đẫy đà và bặm trợn như một đô vật. Bố Hoàng Yến là một “yếu nhân” ở bộ, quen biết Quang từ lâu, ông rắp tâm gán ghép Quang với cô con gái quá lứa lỡ thì của mình, nhưng chưa có thời cơ. Nhân ở bộ có chỉ tiêu chọn một số kỹ sư lâu năm ra nước ngoài tu nghiệp, ông mừng rơn, cử đích danh Đức Quang và Hoàng Yến cùng qua Úc. Lần đầu tiên qua nước ngoài còn lạ nước lạ cái, lại ở cạnh một cô gái đồng hương rất có năng khiếu mồi chài, Trương Đức Quang đã nuốt trôi bao nhiêu lời thề thốt thủy chung với người vợ chân chỉ hạt bột ở quê nhà, cũng là điều dễ hiểu. Suốt bốn năm thụ nghiệp, Đức Quang và Hoàng Yến sống với nhau già nhân ngãi non vợ chồng. Sau khi về nước, vì cần bịt miệng thế gian, họ tổ chức một đám cưới cực kỳ linh đình.

Trong khi đó ở nhà, chị Lái cứ lặng lẽ mang thai, sinh con, lặng lẽ chờ chồng, nuôi con suốt bốn năm trời đằng đẵng. Mặc dầu không hề nhận được một dòng thư nào của ông Quang gửi về, vẫn chưa một lần chị nghĩ đến chuyện mình đã bị chồng phụ bạc. Mãi đến khi chính người anh ruột của chị vào Nam công tác, tình cờ nghe được khối chuyện không hay của Đức Quang, về nói với em gái, chị vẫn nửa tin nửa ngờ. Trăm nghe không bằng một thấy, chị vào Nam và thực tế nhãn tiền đã làm cho lòng tin chị sụp đổ. Trong hoàn cảnh đó mà vào tay kẻ khác chắc họ nổi tam bành lục tặc quyết cho người “chưa thăm ván đã bán thuyền” kia một trận nhớ đời. Khốn nỗi, vốn quá thật thà nhút nhát, lại thấy ông Quang bây giờ to béo bệ vệ, oai phong lẫm liệt, nhà cao cửa rộng choáng ngợp, lại người ra kẻ vào “báo cáo thủ trưởng”, làm chị thêm chờn. Thế rồi, chỉ sau vài cuộc tiếp xúc nhẹ giữa hai người ở phòng thường trực cơ quan, bị ông Quang vừa nhỏ nhẹ dụ dỗ vừa gầm gào dọa dẫm, từ vai trò một “bà chánh thất” đi thanh tra chuyện chim chuột của đức ông chồng, chị Lái đã chuyển qua vai cô em gái vào thăm ông anh trai là tiến sĩ Trương Đức Quang. Lừa gạt được Trần Thị Lái, đẩy được chị về quê một cách êm thấm nhẹ nhàng, Trương Đức Quang tự xem mình là người có cơ mưu, quyền biến. Sau đó, thỉnh thoảng nhớ về ngày cũ, ông cũng có lúc thấy thương hại chị Lái chút xíu, nhưng tức khắc ông tặc lưỡi: “Ở đời giàu đổi bạn, sang đổi vợ là chuyện thường, can cớ chi mình phải bận tâm”.

Nhưng rồi cũng có lúc ông phải bận tâm về cái chuyện “sang đổi vợ” ấy. Nguyên do, hai đứa con sinh đôi của ông với bà Hoàng Yến vì quá được nuông chiều lại cậy thế lực cha mẹ mà sớm thành hư hỏng. Mới mười ba mười bốn tuổi đầu, chúng đã gái trai đú đởn, thuốc xái tiêm chích, tiêu tiền như nước, thậm chí, đã biết gạ gẫm người dưới quyền của bố để nhận tiền hối lộ. Bước qua đầu năm nay, trong lúc bản thân ông vẫn gặp may trên đường công danh sự nghiệp, thì hai ngón đòn sấm sét của định mệnh đã giáng xuống đầu ông gần như cùng một lúc. Đó là, thằng Đức Huy, con trai ông, đã bị chết ngay tại chỗ trong một cuộc đua xe máy trái phép trên đường quốc lộ. Hoàng Oanh, con gái ông, trong thời gian tập trung cai nghiện ma túy, qua khám nghiệm, đã phát hiện máu có nhiễm bệnh HIV. Vậy là sắp đến tuổi sáu mươi, Trương Đức Quang hoảng hồn thấy mình có nguy cơ thành người tuyệt tự. Ông bắt đầu dò xem, trong vài ba chục bồ bịch lăng nhăng với ông lúc này, lúc nọ, có ai con cái gì không. Cuối cùng ông biết có thì vẫn có, nhưng bọn họ đâu chỉ quan hệ xác thịt với một mình ông thôi đâu. Nên con cái họ đẻ ra toàn loại cái đầu ông xã, cái tai ông trùm, chứ làm sao biết chắc đứa nào là con ông.

Đến nước này, ông bắt buộc phải nghĩ về thằng cu Bần - đứa con trai đầu lòng mà ông đã bỏ rơi nó từ khi còn nằm trong bụng mẹ. Ông vạch ra cả một chương trình hành động dài hạn nhằm thuyết phục bà Hoàng Yến rồi chị Lái cho phép ông đưa thằng cu Bần vào Nam nuôi dạy. Khác với dự kiến ban đầu của Trương Đức Quang, chị Lái đã chấp nhận lời đề nghị của ông khá dễ dàng. Chị nghĩ, được đi với cha nó, thằng cu Bần sau này nếu không thành ông nọ bà kia chăng nữa, thì cũng được học hành đến nơi đến chốn. Ra đời, ít ra nó cũng có cái nhà tử tế để ở, có bát cơm no, manh áo lành, khỏi phải còng lưng bắt con cua, hái quả bần ngoài sông suốt đời mà vắt mũi không đủ bỏ miệng. Duy với bà Hoàng Yến thì có chút rắc rối. Mặc dù vẫn “phê duyệt” lời đề nghị chính đáng đó của ông, nhưng Hoàng Yến đặt điều kiện kiên quyết: “Nếu ông muốn gây dựng cơ nghiệp cho cu Bần, thì tôi phải được xem là mẹ đẻ của nó, chứ không phải ai khác”. “Được, cái đó sẽ tính sau”, ông Quang tự nhủ và bắt tay ngay vào việc chuẩn bị cho chuyến hồi hương hào hứng chẳng kém gì một tân khoa tiến sĩ sắp vinh quy bái tổ.

- Cô Lái này! - Sau một hồi đi dạo quanh vườn, ông Quang lại vào nhà tiếp tục câu chuyện bỏ dở với người vợ cũ. - Các thứ giấy tờ liên quan đến việc di chuyển chỗ ở cho thằng cu Bần, cô chuẩn bị xong xuôi cả rồi chứ?

Chị Lái khúm núm như người đầy tớ trước mặt ông chủ quyền thế:

- Thưa ông, xong cả rồi ạ.

- Tốt, còn cái việc tôi nhắc chữa bằng được cái tên “Bần” của thằng cu sang “Bân” trong các thứ giấy tờ, thế nào rồi?

- Dạ, cái đó... người ta không làm cho đâu. Ai cũng bảo muốn vứt bỏ một cái dấu huyền để chuyển “Bần” qua “Bân” là phải qua chỗ này chỗ nọ. Nghĩa là khó lắm, ông ạ.

- Khó, khó cái... con tườu! Nén bạc đâm toạc tờ giấy, chúng nó đòi tiền đó. Chỉ cần tốn kém chút đỉnh để biến con mình từ “Bần” là nghèo hèn đốn mạt, sang “Bân” là hoàn thiện hoàn mỹ, mà cô tiếc ư?

Chị Lái cúi đầu vẻ biết lỗi. Ông Quang cười ngao ngán.

- Trời hả? Đẻ con ra, tên gì không đặt, lại đặt tên là “Bần”!

- Tại vì... quanh làng mọc toàn bần là bần.

- Ngộ nhỡ trong làng mọc toàn cây chó đẻ, cô cũng đặt cho nó cái tên là thằng chó đẻ sao. Ngu, ngu, thậm ngu!

Bị người chồng cũ mắng té tát một cách hết sức vô lý, nhưng chị Lái vẫn đứng lặng yên như người biết lỗi.

* * *

Có một đứa bé mới bị rơi từ trên cây cao xuống, còn may là không va vào đám gốc rễ xù xì kia mà gần như lọt thỏm vào một vũng bùn sền sệt. Mặc dầu vậy, nó vẫn chết giấc đi mất vài phút. Tỉnh dậy, nó nghểnh cổ nhìn quanh, tìm xem cái quả bần chín là nguyên nhân nó bị ngã, rơi xuống chỗ nào. Hóa ra quả bần ấy nằm ngay sau chân nó. Nó bèn chộp lấy, mang ra ngoài sông rửa ráy kỳ cọ sạch sẽ rồi bỏ vào giỏ. Tiện thể nó tắm táp, giặt giũ tí chút. Đến bây giờ nó mới thấy đau ở đầu gối, ở cùi tay, bàn chân do lúc ngã xuống đã bị những cây bần con mới nhú nhọn như những chiếc chõng tre đâm phải. Nó xé ống tay áo tự băng bó lấy các vết thương. Nó tỉ mẩn kiểm lại những quả bần trong giỏ, và rất hài lòng vì thấy đã kiếm đủ để có thể nấu một bữa canh chua cho bố ăn.

Đến đây, không nói chắc ai cũng đoán biết đứa bé ấy là thằng cu Bần. Năm nay cu Bần đã mười bảy tuổi, thấp bé như một đứa trẻ mới mười một mười hai, nhưng nó đã có đến ba năm làm nghề hái bần và bắt cua cho mẹ đem ra chợ bán lấy tiền đong gạo nuôi nó ăn học. Cu Bần lớn lên chỉ biết mẹ, chứ không biết cha. Nhiều lần cu Bần hỏi mẹ “bố con đâu?”, mẹ nó đều một mực “bố con chết rồi”. Bên cạnh đó thì rất nhiều người bàn tán: Cha cu Bần còn sống, và cu Bần chỉ là con rơi con vãi của “con dê cụ ấy”.

Nhưng đó là nói về trước đây, còn bây giờ sự thể đã quay ngoắt một trăm tám mươi độ. Qua đầu năm nay, bất thình lình cu Bần nhận được thư, tiền, được hàng va-li quần áo, giày dép đẹp hết ý của bố gửi về cho nó. Đến lúc đó, cu Bần mới ngã ngửa ra rằng bố nó là một người giàu sang tột bậc ở một tỉnh trong Nam. Bố nó chẳng những không bỏ rơi nó, mà còn khẩn khoản cầu xin mẹ nó cho ông đưa nó vào Nam để nuôi dạy thành người “vừa hồng vừa chuyên”. “Vừa hồng vừa chuyên” là thế nào nhỉ? Chắc cũng là một thứ yếu nhân nào đó thôi. Chao ôi, mới từ thân phận một đứa trẻ cha vơ chú váo, cu Bần chợt thành con đẻ một yếu nhân, và tương lai sẽ là một người “vừa hồng vừa chuyên”, thì đúng là một bước lên tiên rồi còn gì? Cảm kích trước cái công ơn trời biển đó của bố, cu Bần lòng tự nhủ lòng: “Mình sẽ cố gắng để xứng đáng là đứa con trai duy nhất của bố”. Vì quá nóng lòng muốn tỏ cho bố biết mình sẽ là một đứa con hiếu thảo, cu Bần nghĩ ngay đến việc, bao giờ bố về nhà, mình phải tìm hái bằng được những quả bần chín béo mập nhất, thơm nhất, bắt cho được những con cua to chắc nhất, nhiều gạch nhất, và tự tay nấu một nồi canh “đạt tiêu chuẩn quốc gia” để chiêu đãi bố. Đó là lý do khiến cu Bần phải xách cào, xách giỏ ra bãi sông từ sáng sớm hôm nay...

Và bây giờ cu Bần đã về đến ngõ.

Không muốn để bố nhìn thấy mấy chỗ toác da chảy máu trên trán, trên chân tay mình, cu Bần không đi qua lối trước sân, mà vòng sang lối sau hồi để định vào nhà bếp.

“Gì thế nhỉ?” Cu Bần giật thót khi nghe trong nhà bố mẹ to tiếng với nhau, thậm chí, còn có cả tiếng mẹ khóc thút thít.

- Tôi thành thật khuyên cô, muốn tốt, cô hãy từ bỏ ý định rồ dại là dăm bảy tháng lại làm một chuyến vào Nam để thăm con đi nhé. - Ông bố nói tiếp với cái giọng dở kim dở thổ. - Thằng cu Bần muốn được vợ chồng tôi nuôi dạy tử tế, thì điều kiện tiên quyết là nó phải được Hoàng Yến của tôi xem như con đẻ. Trong tình thế đó mà thỉnh thoảng cô lại lù lù xuất hiện giữa nhà tôi, rồi mẹ mẹ con con với thằng cu, thì Hoàng Yến của tôi chịu sao thấu!

- Thế chẳng lẽ từ rày về sau mẹ con em không được nhìn thấy nhau nữa à?

- Chà, đúng là đàn gảy tai trâu. Căng tai ra mà nghe tôi nhắc lại lần nữa đây này. Bao giờ thằng bé học hành tấn tới, công thành danh toại, tôi sẽ cho nó về quê đón cô vào nuôi, nhưng phải với danh nghĩa là cháu nuôi cô, chứ không phải con nuôi mẹ đâu, rõ chưa? Thôi, câm mồm đi.

Nhưng chị Lái vẫn không chịu câm mồm. Chị vẫn nói. Vẫn khóc. Ông Quang tức khí định cho chị một bạt tai, nhưng đã kìm lại được. Để tránh một cuộc cãi vã tay đôi dễ làm mất uy tín của mình, ông Quang xô cửa bước ra sân, vòng qua đầu hồi, và bắt gặp cái thân hình đen đúa có mái tóc vàng hoe của thằng cu Bần đứng lấp ló sau khung cửa sổ.

- Ô kìa! Con trai của bố đấy à? Sao lấm lem cả thế kia? Chà, chỉ xế chiều là cha con ta đã lên xe vào Nam rồi, mà con còn bắt cua với hái quả bần về làm gì nữa không biết.

- Dạ. - Cu Bần khó nhọc lắm mới mở được miệng. - Vì nghe mẹ nói, bố rất thích món canh cua nấu với quả bần chín ạ.

- Hơ hơ... trước đây thì thế thật, còn bây giờ chắc bố ăn thứ ấy không thấy ngon nữa đâu. Với lại, hồi sáng, bố đã sai thằng cần vụ qua thị trấn mua các thứ. Lát nữa, nó sẽ chở về bao nhiêu thịt quay cá rán, nem nọ chả kia, thì bụng dạ nào nữa mà chứa món canh ấy? - Ông Quang cười xòa, rồi xoa xoa lên đôi vai gầy rộc của đứa con trai, hạ thấp giọng. - Bố sẵn sàng ghi nhận việc làm đầy tính hiếu thảo này của con, nhưng cũng xin con đừng vẽ chuyện ra nữa cho mất công. Trước mắt, con có mấy việc cần làm ngay. Như là, tắm rửa sạch sẽ và thay quần áo mới. Như là, đi chào từ biệt bà con chòm xóm để chuẩn bị lên đường. Còn mấy quả bần chín với chỗ cua kia con cứ bỏ đó, để chập tối, cô Lái nấu cho heo ăn!

Mấy tiếng “nấu cho heo ăn” ấy tự dưng làm sống mũi thằng cu Bần cay xè. Được, mình quyết nấu một nồi canh chua thật đạt yêu cầu, để xem bố có dám đổ cho heo ăn hay không?

Cu Bần ra giếng rửa lại mấy thứ mới kiếm được cho thật sạch. Đoạn, cu Bần bóc mai mấy con cua chắc, và tỉ mẩn khêu gạch cua ra bát. Cu Bần đem toàn bộ số càng que cho vào cối để giã, rồi đem lọc lấy một thứ nước sền sệt mà em đặt tên là “nước thang”. Em trộn phần thịt đám cua chắc lẫn với đám cua lột, đem chặt mỗi con ra làm bốn, và lần lượt đem rán trong mỡ lợn. Mặt mũi chân tay cu Bần đã nhòe nhoẹt mồ hôi, nhưng không vì thế mà kém hào hứng với công việc. Em hì hục bắc nồi nước thang lên bếp. Chờ nước thang sôi, em đổ toàn bộ số thịt cua cùng với số quả bần chín đã được thái ra từng miếng vào nồi. Đến lúc nước trong nồi sôi lại lần thứ hai, cu Bần nêm muối mắm, nêm mì chính, bỏ gạch cua, rau thơm rau mùi, rắc hạt tiêu vào và đậy kín vung.

Đến đây cu Bần có thể kiêu hãnh mà tuyên bố: Mình đã nấu được một nồi canh đạt “tiêu chuẩn quốc gia”. Đem đặt ra giữa bao nhiêu thứ sơn hào hải vị mà ông Quang mới sai cần vụ qua thị trấn mua về, thì mấy bát canh chua mới múc ra thơm điếc mũi kia, vẫn có sức hấp dẫn riêng. Khốn thay, với ông Quang thì sự hiện diện của món canh quê mùa ấy trong những mâm cỗ thịnh soạn mà ông Quang cố tình sắm sửa để khoe mẽ sự giàu sang của mình, là điều báng bổ.

- Hóa ra thằng Cu dám chống lệnh bố đấy nhỉ? - Ông cố lấy giọng nhỏ nhẹ để che giấu sự bực bội trong lòng. - Lúc nãy bố đã dặn con chừa mấy quả bần, mấy con cua ấy lại cho cô Lái nấu cho heo cơ mà.

Thằng cu Bần cảm thấy như bao nhiêu máu trong người dâng cả lên mặt:

- Ở làng này không ai đem những thứ ấy cho heo ăn đâu, bố ạ!

- Thôi, đừng lý sự nữa, mà dẹp ngay mấy bát canh thổ tả kia đi!

Chờ một lát vẫn thấy thằng cu Bần đứng như bụt mọc, ông Quang sượng sùng lần lượt bê từng bát canh đi xuống nhà bếp, để vào chậu nước thải...

Hôm đó, vì quá say sưa chạm cốc hết người này đến người khác, lại luôn phải dỏng tai lên để nghe họ tán tụng mình nào thông minh tài trí, nào phong nhã hào hoa, nên suốt cả bữa tiệc kéo dài ba tiếng đồng hồ liền, ông Quang chẳng hề để ý đến thằng cu Bần lúc nào cả. Mãi tới khi đám khách khứa say bét nhè được người nhà của họ dìu về hết, ông mới nhớ đến cậu quý tử. Ông oang oang gọi con. Gọi mãi chẳng nghe thằng cu Bần thưa gửi gì, ông quay ra sừng sộ với chị Lái:

- Cô liệu hồn mà lôi thằng mất dạy ấy về ngay đây cho tôi!

- “Thằng mất dạy ấy” sẽ không đi vào Nam với ông nữa đâu!

Không chỉ nội dung câu nói, mà cả cái giọng nói bình thản, cả ánh mắt nhìn bạo dạn khác thường của chị Lái lúc chị nói câu đó, đã khiến ông Quang sửng sốt đến bàng hoàng.

- Cái gì? Cô vừa nói cái gì, nhắc lại xem nào?

- Tôi vừa nói: Thằng cu Bần sẽ không vào Nam với ông nữa!

- A! Hóa ra mày là con quỷ cái hả? - Ông quay quắt như một con lật đật - Bà con ơi! Con quỷ cái này bày trò lừa tôi. Nó đã cướp trắng của tôi bao nhiêu tiền bạc.

- Không đâu ông Quang ạ. Tất cả bạc tiền của cải ông gửi ra cho mẹ con tôi bấy lâu, nay vẫn nguyên đai nguyên kiện cả đó. Này đây, trong cái gói giấy này là năm mươi triệu bạc. Này nữa, đây là hai chiếc va-li đựng áo quần giày dép, vải vóc, xin ông mở ra mà kiểm tra để bà con chứng kiến hộ tôi. Đó là tất cả những gì ông định dùng để bắt thằng cu Bần phải thay tên đổi tuổi, để bắt tôi mãi mãi không được gọi thằng cu Bần bằng con! - Chị Lái gần như dí vào mũi ông Quang tất cả những thứ chị lần lượt mang ra, rồi bất giác gào lên. - Ông kiểm tra lại đi! Kiểm tra lại đi...i...i...! Rồi mang về trả lại cho mụ vợ thông thái của ông trong ấy, và để cho mẹ con tôi được yên! Để cho mẹ con tôi được yên, ông rõ chưa?

- Không được! Thằng cu muốn sống với ai là quyền của nó, và nó bao giờ cũng thích ở với tôi. Bấy lâu nay, gửi thư cho tôi nó thường nói vậy. Ngay tối hôm qua, trước lúc đi ngủ, nó còn thỏ thẻ vào tai tôi rằng con chỉ muốn ở với bố thôi.

- Nhưng đến lúc này thì thằng cu Bần đã nghĩ khác rồi. Chỉ cần đứng sau hồi nghe lỏm cuộc trao đổi giữa tôi và ông trong nhà lúc xế trưa, và chỉ cần thấy cung cách ông bưng mấy bát canh chua đổ vào thùng nước rác lúc ấy, thì thằng cu Bần đủ để hiểu. Giữa nó và ông xa cách đến đâu rồi. Sao? Nếu ông còn chưa tin lời tôi nói, thì tôi gọi nó ra đây để chúng ta cùng đối chất nhé?

Chẳng cần chị Lái phải gọi, thằng cu Bần đã đột ngột xuất hiện trước mặt ông Quang như trên trời rơi xuống:

- Mẹ con nói đúng đó. Con giờ không muốn đi ở với bố nữa đâu.

- Sao? Chẳng lẽ con... không muốn... trở thành người chữ nghĩa thông thái nữa à? - Ông Quang như bị hụt hơi.

- Dạ, con muốn... con muốn lắm, nhưng chắc chi ở với bố con đã thành người chữ nghĩa thông thái, mà dễ thành... dễ thành...

- Dễ thành cái gì?

Ấp úng một lúc lâu, thằng cu Bần liếc sang chị Lái. Được cái nhìn bạo dạn của mẹ cổ vũ, nó thấy nóng bừng cả người:

- Dạ thưa bố... dễ thành một đứa trẻ hư hỏng ạ. Xem ti-vi con thấy, với những người chức trọng quyền cao mà không biết ăn ở như bố, thì con cái của họ toàn hư hỏng kiểu lưu manh mất dạy tất cả ạ.

- Trời! Vậy là con...

- Vậy là con đã nói thực lòng với bố rồi đó. Bố chuẩn bị mà lên đường đi kẻo muộn. Còn con thì có phần việc của con. Giờ này ngoài sông nước đã rặc trắng bãi, con phải ra bắt cua để mai có hàng cho mẹ đi chợ.

Nói rồi, cu Bần xăm xăm đi ra giếng với tay lấy cái cào cái giỏ trên giàn bầu, rồi vừa đi ra ngõ nó vừa kéo vạt áo lau nước mắt.

H.B.T

Hoàng Bình Trọng
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 277 tháng 10/2017

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19 Giờ trước

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

20 Giờ trước

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

21/04

25° - 27°

Mưa

22/04

24° - 26°

Mưa

23/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground