Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Đèn khuya hắt sáng

Chi hội cựu chiến binh khối phố sinh hoạt cuối năm chẳng có gì để nói nhiều. Điểm thành tích năm qua, phương hướng năm tới, kiểm lại quỹ, cấp trên phát biểu. Sau gần hai tiếng đồng hồ chủ tọa tuyên bố giải tán.

Còn lâu mới tới bữa liên hoan, số lên xe vọt, còn lại trong nhà văn hóa độ hơn ba chục người, đàn ông ra hiên hút thuốc, mấy bà cụm lại rồi chuyện con cháu, chuyện nhà cửa râm ran. Tầm phào ngoài thềm một lúc rồi các ông vào. Và cái giống nó thế, hễ khác giới ngồi với nhau là y như rằng chuyện đó rôm rả, cho dù đã lên ông lên bà. Hết chuyện “mát xa mát gần” rồi đến đề tài “trên bảo dưới không nghe”. Nói để mà cười cho vui, để xả bớt sự bức xúc hàng ngày gặp phải thôi chứ chẳng ám chỉ ai, chẳng hại đến ai. Từ đầu, ông Dân vẫn ngồi im ở cuối phòng lúc này mới lên tiếng:

- Nãy giờ các ông các bà nói nhiều chuyện vui rồi giờ cho tôi kể một chuyện nghiêm chỉnh được không? Đây là chuyện về thời của chúng ta, thời trên bảo dưới nghe răm rắp ấy.

- Hay, hay, bác kể đi. Tất cả xoay người hướng về ông Dân, hồi hộp.

- Tôi sẽ kể chuyện về một đồng đội, mọi người cứ nghe, khoan hãy bình luận. Nhận thức thế nào là tùy từng người.

Ông Dân bắt đầu.

Người tôi sẽ kể có tên là Dỹ, anh Trịnh Văn Dỹ, y sĩ tiểu đoàn tôi. Hồi đó là cuối năm 1974, tiểu đoàn tôi vừa từ Lào về, ăn Tết xong thì cả trung đoàn kéo nhau vào Quảng Trị. Quảng Trị lúc đó chỉ mới giải phóng được một phần và đang là thời kỳ hai bên thi hành hiệp định Paris. Tuy là vùng giải phóng nhưng chúng tôi vẫn phải gác xách nghiêm ngặt vì quanh khu vực đóng quân đang rất hỗn độn. Trong tranh tối tranh sáng có nhiều gia đình từ vùng bên kia trở về, trong số đó có cả những gia đình có chồng con anh em đi lính quốc gia hoặc tham gia chính quyền Sài Gòn và không loại trừ sẽ có gián điệp, biệt kích trà trộn sang nên phải đề cao cảnh giác. Chúng tôi được quán triệt như thế.

Tối đó chi bộ cơ quan tiểu đoàn bộ có buổi họp nên chỉ có mấy anh em ngoài Đảng thay nhau gác. Được phân gác phiên 1 giờ đến 2 giờ rưỡi nên tôi đi ngủ sớm.

- Kể vào nội dung chính đi bác.

- Từ từ để bác ấy kể, chuyện bắt đầu hấp dẫn rồi...

- Vâng! - Dừng uống ngụm nước một bà vừa bưng đến, đặt bát xuống rồi ông Dân nói tiếp. - Cuộc họp chi bộ kéo dài lắm, họp từ đầu hôm mãi đến khi tôi dậy thay gác đã quá nửa đêm vẫn chưa tan. Đêm cuối tháng tối mò, cả vùng đồi Cam Lộ chỉ còn le lói ánh đèn từ nhà Ban chỉ huy hắt ra một quầng nhỏ phía cửa. Trao cho tôi khẩu AK, cậu Sửu ghé tai tôi thì thầm, họ “cạo” anh Dỹ ghê lắm. “Cạo” về chuyện gì? Tôi ngạc nhiên. Còn chuyện gì ngoài chuyện quan hệ với chị Vui. Thôi, tao đi ngủ đây. Nói xong, hắn ta để lại một tiếng ngáp dài trước khi quay bước trở về lán khiến tôi chưng hửng một lúc.

Cậu Sửu đi rồi, tôi khẽ kiểm tra khẩu AK rồi xách súng bước đi thập thững, trong đầu ong ong những điều Sửu vừa nói.

Về việc quan hệ quân dân thì chúng ta ai cũng biết rồi, ở đâu, lúc nào cũng được chỉ huy lưu ý, quán triệt. Hơn nữa đây lại là vùng mới giải phóng còn phức tạp. Vậy nếu anh Dỹ có gì đó với chị Vui thì gay thật. Chúng ta ai cũng đã biết kỷ luật quân đội, chuyện yêu đương không cấm kỵ nhưng phải trong sáng, phải được tổ chức đồng ý. Đàng này lại là… Nhưng quan hệ giữa anh Dỹ và chị ta đến đâu? Chi bộ đã nắm được những gì? Tôi cứ phân vân như thế. Nhẹ chân quành ra một quãng xa sau lán ban chỉ huy tôi nghe giọng rất gay gắt của ông Hân quân nhu. Ông ta đang nhắc đến chị Vui. Vậy là đúng rồi, người ta đang kiểm điểm anh Dỹ về chuyện trai gái rồi.

- Bà Vui là bà nào, bác chưa nói tới. Một bà nhắc.

Vâng, chị Vui là người mà mấy đứa lính trẻ chúng tôi quen đã được vài tháng trước đó. Chị có một tiệm may nhỏ ở rìa thị xã Đông Hà. Nói là “tiệm” nhưng cũng chỉ là hai gian ghép ván thùng, mái lợp những tấm tôn gỉ sét loang lổ như hầu hết những ngôi nhà mới dựng rải rác quanh vùng. Tiệm may sát ngay mặt đường, phía trước treo tấm biển “May Vui” kiểu chữ rất bay bướm và rất đẹp được viết bằng sơn nhiều màu trên một tấm gỗ dán nhỏ. Chị Vui trạc hai lăm hai sáu, da trắng, dong dỏng cao, tóc cắt ngắn rất hợp với khuôn mặt trái xoan có chiếc mũi gọn và thẳng. Có điều khuôn mặt chị ta rất buồn, một vẻ buồn thăm thẳm, sâu kín đầy bí ẩn. Chị có đứa con trai hơn hai tuổi mắt đen lay láy, da trắng môi đỏ chót rất kháu khỉnh và đáng yêu. Hồi đó Đông Hà chỉ mới có mấy dãy nhà cấp bốn mới xây bên những con dốc thoai thoải lấm bụi và chung quanh còn ngổn ngang dây thép gai cùng xe cộ hư, cháy, và từng đống vỏ đạn. Tuy thế, cái chợ bên hữu ngạn sông Hiếu và giáp đường số 1 với mấy kiốt đầy ắp hàng xa xỉ như vải vóc quần áo, đồng hồ, mỹ phẩm cùng vài tiệm chụp hình và rất nhiều quán chè, quán hủ tiếu suốt ngày tấp nập kẻ mua người bán với những cô gái ăn vận lạ mắt. Mới được giải phóng nhưng Đông Hà khá nhộn nhịp, và người dân, tuy mới về lại nhưng cũng đã gây dựng được cuộc sống khác hẳn ngoài mình. Là vùng giáp ranh, ở đây vẫn có đủ loại hàng hóa được dân buôn bán bằng cách nào đó đưa từ Huế, cả từ Đà Nẵng ra. Vải vóc chất đống, đồng hồ, đài… bán từng rổ. Mà phải công nhận dân miền Nam lúc đó ăn mặc khác xa ngoài mình. Ăn mặc của ngoài mình lúc đó nhớ là chỉ mấy màu, quanh đi quẩn lại chỉ nâu, đen và xanh trắng, kiểu áo quần cũng đơn điệu. Đằng này, con gái thì quần phăng, quần hoa, áo hở vai hở ngực, con trai quần loe áo sơ mi chẽn, mà toàn vải tốt. Hàng hóa thứ gì cũng nhiều, cũng đẹp. Hồi đó bộ đội mình như những thằng ngố, cứ lơ ngơ nhìn ngó trầm trồ. Anh em đâu có tiền, trong túi chỉ đủ ăn cốc chè, oai ra thì uống chai Coca-cola thôi. Vậy mà chúng tôi vẫn ham đi, cứ vào những ngày nghỉ hoặc khi xong việc, xin phép được rồi cứ như chim sổ lồng, thằng nào thằng nấy nhanh chân nhót.

Lần đi đó nhìn thấy có tiệm may mấy đứa liền ghé vào hỏi xem có vá và sửa quần áo không thì được trả lời rằng có. Thế là chúng tôi mang quần áo mới lĩnh rộng thùng thình xuống tiệm. Chủ tiệm trẻ đẹp nhìn ra nói, mời mấy anh vô nhà. Thế là chúng tôi vào. Trong nhà, gian bên phải được che một tấm vải, phía trong thấp thoáng chiếc giường và chiếc tủ nhỏ. Cạnh đó là lối xuống một chái nhỏ làm nơi nấu ăn. Gian bên trái cũng có chiếc giường đơn bằng sắt trải tấm chiếu bằng nilon. Bàn may đặt sát cửa sổ nhìn ra đường. Vách cạnh chị ta ngồi chăng một sợi dây thép vắt mươi lăm tấm vải đủ màu, đủ loại, nào tecgan, nào tuýtxi, rồi xoa, kate… Bước vô căn nhà tuy đơn sơ mà sạch sẽ gọn gàng ấy, đập vào mắt chúng tôi là tấm hình cỡ như cuốn vở chụp một anh thanh niên mặc thường phục trẻ đẹp như diễn viên điện ảnh đặt trên bàn thờ nhỏ có nải chuối nhựa treo lưng chừng vách gian bên trái. Thấy tôi chăm chú nhìn bức ảnh, chị ta nói chồng tui đó chú. Anh mất lâu chưa? Tôi hỏi. Trước sau chi rồi các chú cũng biết. Chị trả lời tiếp. Không giấu chi chú, chồng tui là lính quốc gia, trung úy dù, tử trận trong trận tái chiếm Thành Cổ đó chú. Mấy đứa chúng tôi lặng người mất một lúc. Hồi lâu, không biết nói gì thêm chúng tôi đưa mấy bộ đồ ra nhờ chị sửa rồi chào ra về.

Mấy ngày sau xuống lấy đồ chị đã bắt chuyện cởi mở hơn. Chuyến đó chị ta kể cho chúng tôi nghe về hoàn cảnh của chị. Chị cũng người Quảng Trị, ở huyện Triệu Phong. Bố đi tập kết, chị được năm tuổi thì mẹ lấy chồng khác, bà ngoại nuôi cho ăn học và lớn lên. Vô Huế học đại học, song được cuối năm hai, vì mê anh thiếu úy đẹp trai mà chị bỏ ngang lấy chồng, vậy mà...

Nói đến đó giọng chị ta trầm xuống. Nghe nói trận đó cả hai phía tử trận cả ngàn phải không chú? Tôi ậm ừ rồi hỏi anh ấy không còn sao chị không ở Huế mà lại mang cháu ra đây chi cho khổ? Chồng tui người Đà Nẵng mà chú, về đây dù răng cũng là quê. Vì mang cháu ra ngoại mà tui bị kẹt lại, mà cũng vì... tui nghĩ làm răng ba tui cũng về.

Tôi hỏi rứa chị có nghe được gì về ba không. Chị ta lắc đầu.

Thấy đã muộn, chúng tôi bảo chị tính tiền công và xin phép ra về. Chị ta định không lấy tiền nhưng thấy chúng tôi cương quyết cuối cùng cũng cầm, một chút tượng trưng thôi. Chị ta nói có đáng mấy mô, rỗi rỗi các chú xuống chơi nghe. Cu Bim lúc mô cũng nhắc các chú đó.

Có lẽ thấy chúng tôi vui tính, đứng đắn, lại được thằng bé quyến luyến nên chị đã coi chúng tôi như em út, thế là cứ hễ có dịp là chúng tôi ghé vào đó. Phải nói thêm về thằng bé này, nó có cái tên cũng rất ngộ nghĩnh là Bim. Cu Bim như con búp bê hồng hào mắt biết nhắm mở. Thằng bé rất tuyệt, nó vừa thông minh lại vừa mau miệng. Chỉ chơi với nó vài bữa nó đã thuộc hết tên chúng tôi. Thế là mỗi lần ghé vào tiệm May Vui chúng tôi lại bẹo má, sờ “chim” nó.

Tôi thường xuống đó với cậu Sửu cùng tiểu đội trinh sát và cậu Yên y tá. Mến thằng bé quá nên chúng tôi thường có quà cho nó, hôm thì bánh lương khô, bữa vài lạng đường tiêu chuẩn. Vào đó, mặc cho chị Vui như gò mình bên chiếc máy may Singer, chúng tôi xông tới tranh nhau bế thằng bé rồi túm “chim” nó hỏi cái gì đây, cái gì đây? Cu Bim cười sằng sặc, nói “chim, chim”. Bất ngờ hôm đó, tôi vừa cầm “chim” nó hỏi cái gì đây thì nó nói là “cái út”. Cái gì? Tôi chưa hiểu. “Cái nút” chứ Bim. Cậu Sửu cười phá lên, nói lại đi Bim, cái “nút” chứ. Dạ, dạ, cái “nút”. Đang cặm cụi đạp máy, chị Vui ngoảnh lại hỏi. Cái nút là cái chi rứa con? Nói xong biết mình bị hớ, mặt chị đỏ bừng lên, đỏ cả tai cả cổ. Rồi chị cười rung cả hai vai, nói mấy chú quỷ sứ thiệt.

- Sao lại là cái nút? Một bà cựu chiến binh cũng ngớ ra một lúc mới cười, sao mãi mà chưa nói đến anh Dỹ thế?

Thì đây. Anh Dỹ đi công tác đâu một tuần, hôm đó về bảo cậu Yên cùng đi Quân y Trung đoàn lĩnh thuốc. Trên đường về hai người ghé tiệm May Vui. Lần đầu tiên cậu Yên được theo anh Dỹ vào đó. Thả chiếc áo nữ đang may dở, chị từ từ đứng dậy, vẻ mặt rất vui. Chị nói bữa ni anh với chú ở lại đây ăn cơm nghe.

Cu Bim sà ngay vào lòng anh Dỹ rồi đưa hai tay ấp lên mặt anh, miệng không ngớt “bác Dy, bác Dy”. Anh Dỹ đặt cu Bim xuống đất đứng dậy tháo xắc cốt treo lên chiếc đinh đầu cột rồi bế xốc thằng bé lên nằm ình ra giường. Hóa ra cu Bim quen và mến anh Dỹ từ trước. Nghĩ thế rồi theo thói quen, Yên định túm “chim” cu Bim để hỏi cái gì đây thì gặp ánh mắt chị Vui liếc nhanh cùng cái lắc đầu, đành dừng lại. Cái gì thế, hai chị em có điều chi bí mật à? Anh Dỹ hỏi. Có chi mô anh, chị Vui cười khúc khích. Thật may, suýt nữa cậu Yên làm chị ấy xấu hổ. Thôi, anh và chú Yên chơi với cháu để em ra chợ nghe.

Đồng ý. Anh em mình ở đây ăn cơm rồi về cũng được Yên à. Anh Dỹ nói rồi lại quay ra với chị Vui. Cho bọn mình ăn canh chua nha, à kiếm cái chi để anh và chú Yên uống rượu nữa. Chị Vui bảo em biết mà. Rồi chị lẩn vào sau tấm màn gió một lúc, lát sau bước ra với bộ đồ hoa. Lúc đó trông chị như một nữ sinh, hồn nhiên nhí nhảnh. Chụp chiếc mũ vải lên đầu, chị quay lại cười. Anh và chú chơi với cháu nghe, em ù ra chợ tí về liền.

Sau đó mấy bữa cậu Yên khoe với tôi như thế và cứ tấm tắc khen chị Vui vừa đẹp người vừa khéo nấu ăn, lâu lắm mới được bữa cơm ngon. Cơm dọn trên giường có tô canh chua cá tràu, đĩa lòng lợn nóng hổi, đĩa rau sống xanh rờn và đĩa cá rán vàng giòn cùng chai rượu trắng. Cu Bim sà vào lòng anh Dỹ, tay cầm thìa xúc xúc làm cơm đổ tung tóe. Anh Dỹ cứ vừa ăn vừa nựng thằng bé cứ như cha với con. Chị Vui bắc ghế ngồi dưới, chốc chốc với tay gắp thức ăn cho Yên và anh Dỹ, y như cảnh vợ chồng.

Tôi phải nói rõ hơn về anh Dỹ cho mọi người hiểu. Anh Dỹ người Hương Sơn, tuổi đời và tuổi quân hơn chúng tôi cả chục và đã có vợ. Trước khi đi Lào anh được về thăm nhà nhưng không gặp vợ. Chú em trai cho anh biết vợ anh đi lại ăn nằm với tay phó chủ nhiệm hợp tác xã, bị người làng bắt tại trận, do xấu hổ đã bỏ đi. Vì vậy mà gần một năm ở chiến trường Lào hầu như anh không nói, không cười, lúc nào cũng chỉ lo đến thương bệnh binh. Anh rất tốt tính, thương anh em, ai được anh cứu chữa chăm sóc đều hài lòng về sự tận tâm chu đáo của anh. Ở với anh Dỹ hơn một năm Yên được anh Dỹ kềm cặp giảng giải nên tiến bộ nhanh. Yên có thể thay thế anh Dỹ được một số việc. Ngoài chuyên môn nghề y rất vững anh Dỹ còn có tay mổ rất giỏi. Chiến dịch ở Lào, một mình anh cáng đáng mấy chục ca. Trạm phẫu dã chiến chỉ lều bạt, bàn mổ cũng chỉ bằng tre nứa, dụng cụ thiếu thốn, vậy mà chỉ với mấy chiếc panh, mấy chiếc dao, lọ cồn… anh Dỹ đã cứu sống bao nhiêu người, nào mổ phổi lấy mảnh bom, nào mổ đùi nắn lại xương rồi mổ nối ruột… Yên là người phụ cho anh và bị anh quay như chong chóng.

Anh Dỹ tốt thế mà sao người ta vẫn lên án anh ấy nhỉ? Nhớ lại chuyện cũ và nghe mọi người gay gắt với anh lúc đó tôi cứ tự hỏi thế. Mải nghe xem ai sẽ phát biểu tiếp suýt nữa tôi đâm sầm xuống cái hố bom bên cạnh lối đi. Tôi vòng ra mấy bụi mua, chỗ có con đường mòn sang đồi bên kia, nơi có trận địa của các đơn vị hỏa lực. Lúc này sương xuống dày, lối mòn và cảnh vật mờ mịt khiến tôi phải căng mắt. Bao quát một vòng chung quanh khu đồi một lát rồi tôi vòng lại.

Thường để hết thời gian phiên gác thì phải đi sáu bảy vòng. Đàng này, mới sang vòng thứ hai, đến chỗ sáng đèn là lúc cuộc họp có vẻ như đang vào hồi căng.

Thế rồi sự tò mò níu bước chân tôi. Giọng của ông Miên quân lực nghe rất chát chúa. “Tôi cho rằng quan hệ của đồng chí Dỹ với người đàn bà kia là không thể chấp nhận. Đồng chí đã làm xấu Đảng, làm xấu lây cả chúng tôi”.

“Tôi xin có ý kiến lần nữa.” Lại là giọng của ông Hân quân nhu. “Thử hỏi đồng chí Dỹ, khi quan hệ với vợ một sĩ quan Ngụy cho dù đã chết trận thì đồng chí có còn nhớ mình là ai không, có nhớ rằng mình đã có vợ không? Hay là lúc đó sướng quá nên lú. Đồng chí tự xếp mình vào hạng người mô rứa?”

“Tui làm chi mà đồng chí nói rứa?” Anh Dỹ bật nói.

“Răng không làm chi, đi lại, ăn uống rượu chè, lợi dụng của người ta cả tình cả tiền lại nói không làm chi. Mà đồng chí có làm chi ai mà biết…”

“Đồng chí Dỹ chưa được nói”. Chủ tọa cuộc họp nghiêm giọng. “Không được cãi ngang.”

Tôi ghé mắt nhìn vào. Chiếc đèn bão tỏa một vầng sáng khá rộng trong lều bạt. Tôi nhận ra những người ngồi phía ngoài gồm ông Vệ xăng xe, ông Hân quân nhu, ông Miên quân lực và thấp thoáng hàng sau là của mấy người nữa không rõ là ai. Ông nào ông nấy lặng phắc như tượng với những tia mắt đầy vẻ nghiêm trọng, trong lúc ông Thu tài vụ chăm chú ghi biên bản, chốc chốc lại liếc sang anh Dỹ bằng ánh mắt giễu cợt rất khó chịu. Đứng trước dãy phản có người ngồi, bí thư Lê Bá dùng tay phải chém chém vào khoảng không trước mặt nhưng giọng lại nhẹ nhàng. “Ý kiến của các đồng chí là rất tập trung và xác đáng, chúng ta cần phát huy và cần quan niệm thế này, đấu tranh là để đoàn kết, đấu tranh góp ý cho đồng chí mình là giúp đồng chí mình tiến bộ.”

Khuôn mặt Lê Bá chìm đâu đó vào bóng tối, chỉ có cánh tay, cánh tay phải không ngớt chém không khí khiến mỗi lần vung lên lại kéo theo một vệt sáng lấp loáng mà tôi nhớ đó là cái sẹo do mảnh bom sượt ngoài da. Vết thương này, chẳng biết hôm đó cậu Yên bận gì mà anh Dỹ phải nhờ tôi pha nước muối để rửa ráy và băng bó. Bây giờ tôi vẫn nhớ, vẫn hình dung ra khuôn mặt ông này, dù đã mấy chục năm. Khuôn mặt ông ta khá đẹp, vẻ đàn ông, miệng lúc nào cũng cười cười, lúc vui vẻ cũng như lúc có việc bực mình. Lúc đó ông ta nói tiếp. Các đồng chí, ai chưa phát biểu thì tiếp, cứ nói thoải mái, khuya thì đã khuya rồi. Nói cho hết để rồi chúng ta biểu quyết kỷ luật.

Thật tội cho anh Dỹ. Anh Dỹ ngồi một mình đầu tấm phản. Vốn có vóc người khá kềnh càng, lúc đó anh như cố thu mình mà vẫn chềnh ềnh ra trước đèn, tay run run cầm điếu thuốc lào hết nâng lên rồi đặt xuống. Cái đóm trong tay mấy lần thắp rồi lại tắt mà điếu thuốc vẫn còn nguyên trong nõ. Rồi cuối cùng điếu thuốc cũng được châm. Bập bập mấy hơi rồi anh ho sặc sụa. Nét mặt dại hẳn, tay ôm ngực ánh mắt anh đờ đẫn chẳng dám ngẩng lên nhìn ai. Hết ho anh lại nấc cụt, nấc mà không dám ngẩng mặt. Mỗi lần nấc hai vai anh lại giật một giật trông rất tội. Mà anh ấy có hút thuốc bao giờ đâu. Được gói thuốc tiêu chuẩn nào là anh cho hết, khi cho cậu Yên y tá, khi cho ông Miên quân lực. Cái điếu cày lúc đó chỉ như một thứ để anh khỏa lấp sự sượng sùng và bức bối thôi.

Những lời sau đây của ông Bá mới đáng sợ này. “Khuyết điểm của đồng chí Dỹ là rất nghiêm trọng. Đồng chí đã xóa nhòa ranh giới địch ta, mơ hồ trong quan điểm giai cấp. Ngoài rủ rê đồng chí mình xuống đó ăn uống nhậu nhẹt còn lợi dụng cả đứa trẻ để kích thích bậy bạ. Mới tiếp xúc với văn hóa tư bản mà đồng đã bị nhuốm đen”. Nghe đến đó tôi thấy anh Dỹ bật dậy. Thấy thế ông Bá chỉ tay, anh ngồi xuống, chưa được nói. Anh Dỹ ngồi ngay xuống, còn tôi thì giật mình. Những việc như vậy mà người ta cũng biết. Ăn bữa cơm, trêu đứa trẻ lấy chuyện mà cười, mà việc trêu cu Bim là do mấy đứa chúng tôi chứ liên quan gì tới anh Dỹ đâu. Đáng sợ thế đấy. Lúc đó tôi không còn để ý đến những gì ông ta nói nữa khi thấy anh Dỹ cứ run lên bần bật. Không ai nói đỡ cho anh được điều gì. Không hề! Lạ thật, ngay cả anh Thụ quân khí, hàng ngày hai người thân thiết thế, có gì cũng san sẻ trao đổi, vậy mà lúc đó vẫn im thin thít… Cả lán họp hơn chục người ngồi im phăng phắc, không khí đông quánh đến ngột ngạt.

Rồi giật mình nhìn đồng hồ, thấy đã hết giờ tôi nhẹ chân lảng xa lán chỉ huy để đi gọi người thay gác. Lúc đó đã quá khuya rồi. Trăng cuối tháng mọc từ lúc nào mà đã lơ lửng góc trời. Trao súng cho người gác thay tôi trở về lán.

Sáng hôm sau dậy, nhìn sang “lán cơ quan” thấy anh Dỹ lầm lũi cầm bàn chải và khăn mặt đi xuống giếng mà lòng tôi xúc động. Nghe cậu Yên kêu rằng nước em xách về đây rồi anh mới thẫn thờ quay lại với vẻ mặt thất thần hốc hác.

Thế rồi hai ba ngày sau các nhân viên người đi công tác hoặc đi đâu hết, chỉ huy sở chỉ còn mấy anh trinh sát, thông tin trực chiến cùng tiểu đoàn trưởng. Chưa đến phiên trực nên tôi sang lán cơ quan tìm Yên thì gặp anh Dỹ ngồi một mình. Lúc đó vẻ mặt anh đã đỡ phờ phạc. Tôi nói sao hôm đó anh không nói gì cả. Mi biết à? Em đi gác tình cờ nghe được. Biết nói chi được mi? Thì phải nói cho người ta hiểu. Nhưng họ nói đúng mà, tau yêu Vui thật mà. Thương mẹ con Vui thật mà. Mình gây ra mình phải chịu thôi. Nói xong anh đi lại đầu chỗ nằm, vừa lục ba lô vừa nói, nhờ Dân một việc được không? Xuống đó đưa cái ni cho Vui. Rồi anh đưa cho tôi một lọ nhỏ, nói chỉ mấy viên thuốc đau đầu thôi. Vui hay đau đầu lắm.

Độ hơn tiếng đồng hồ sau tôi xuống đó. Cầm gói giấy tôi đưa, chị Vui run run nói tội nghiệp anh Dỹ quá chú ơi. Tôi ngạc nhiên hỏi, chị cũng biết chuyện anh Dỹ bị kiểm điểm à? Chị nói, tui biết, tui biết chớ. Tui biết trước sau chi anh cũng bị rầy la mà. Hoàn cảnh tui như thế ni... Rồi chị khóc. Nhìn chị ấy khóc không sao chịu được các ông ạ. Tôi nhận ra có rất nhiều sự buồn tủi và khổ đau trên gương mặt ấy. Tôi nghĩ thế là chị ta thương anh Dỹ lắm. Không thương nhau người đàn bà không thể khóc như thế được. Nói tóm lại kỷ luật Đảng hồi đó nghiêm như thế đấy. Ông Dân chốt một câu rồi quay ra nhìn đám cựu chiến binh.

- Sau đó thế nào, ông ấy có bị gì không? - Bà ngồi cách ông Dân một hàng ghế phía sau, hỏi.

Chỉ bị cảnh cáo thôi. Bị cảnh cáo toàn Đảng bộ mà anh ấy còn bảo là may. Sau đó chừng nửa tháng trung đoàn tôi lên đường. Chả là lúc đó thế thắng như nước vỡ bờ, quân ta cứ ào đi. Quanh Đông Hà, những con đường dẫn xuống quốc lộ 1 bụi bốc mù trời, suốt ngày ầm ầm tiếng xe pháo của các đơn vị chuyển quân lên đường. Giữa trưa, đơn vị tôi đi qua tiệm May Vui, xe anh Dỹ chạy trước, trên xe sau tôi nhìn xuống thấy chị Vui ghìm thằng Bim bên chân ôm cửa nhìn theo. Trên xe trước anh Dỹ nhoài người vẫy vẫy lại. Thoáng chốc bóng hai mẹ con chị chìm trong bụi đỏ mất hút phía sau.

- Thế anh Dỹ và cô Vui sau đó…?

Anh Dỹ hy sinh ở cửa ngõ Sài Gòn, một quả pháo rơi trúng xe anh ấy ngồi. Khi lục ba lô anh ấy để kê di vật gửi về nhà, người ta tìm thấy một bức thư anh ấy viết bảo chị Vui chờ nhưng chưa kịp gửi.

- Tôi biết bà này. Người ngồi ngay cạnh ông Dân từ đầu chăm chú nghe lúc này mới bất ngờ lên tiếng. Đám người vây quanh ông Dân xoay lại nhìn người vừa nói rồi hỏi. Sao anh biết?

- Hồi đó chú đã nhập ngũ đâu nhỉ? - Ông Dân cũng nhìn sang người vừa nói hỏi.

- Vâng. Em vô lính cuối bảy lăm. Năm bảy bảy vô xây dựng doanh trại ở đó. Nãy giờ nghe anh kể em cứ ngờ ngợ và nhớ ra cái tiệm may đối diện doanh trại em. Lúc đó nó vẫn mang cái biển May Vui, bọn em vẫn thi thoảng sang chơi. Bà Vui ít nói và trầm lắm. Hồi đó em cứ thấy lạ là bàn thờ của bà ta lại có hai tấm hình đàn ông, một chụp một vẽ. Vậy theo như anh kể thì người mặc thường phục là chồng trước của bà ấy, còn người mặc quân phục bộ đội trong bức vẽ là anh Dỹ rồi.

Ông Dân sững người hỏi, thế à, thật à? Ai báo cho chị ấy nhỉ? Thế chú có gặp thằng bé không?

- Có, thi thoảng, vì nó đã đi mẫu giáo lớn. Anh Dân này, hình như bà Vui theo đạo Phật thì phải?

- Không biết, hồi ở đó tôi có biết gì đâu.

- Vâng, khuya nào cũng vậy, thức dậy nhìn sang là em thấy đèn trên bàn thờ nhà đó vẫn đỏ và kèm theo là tiếng tụng kinh gõ mõ để rồi cứ nằm xuống là em phải trằn trọc. Có một điều gì đó cứ bám riết, cứ ám ảnh em, nhất là mỗi lần nhớ lại quầng sáng hiu hắt ấy.

Đám cựu chiến binh ngồi quanh lặng phắc, ánh mắt mỗi người như chìm trong niềm xa vắng, mãi đến lúc có tiếng gọi đi ăn thì họ mới như bừng tỉnh.

N.N.L

Nguyễn Ngọc Lợi
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 278 tháng 11/2017

Mới nhất

Bộ từ điển bỏ lại giữa rừng sâu

6 Giờ trước

Sau hiệp định Pari, 27/1/1973, chiến tranh tạm dừng, đại đội tôi đóng quân giữa bãi cát Lệ Xuyên, huyện

Đi tìm cỏ

6 Giờ trước

Nhiều lúc ngồi thẫn thờ nhìn đàn trâu bò gặm cỏ dọc triền đê chợt giật mình: Cỏ quê

Chị ấy…

6 Giờ trước

Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Huế tổ chức một chuyến đi thực tế dài ngày tại Tổng Công

Pa Ling mùa mưa

7 Giờ trước

Tháng 11, dưới cơn mưa rừng tầm tã, chúng tôi tìm về thôn Pa Ling, xã A Vao, huyện Đakrông,

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/03

25° - 27°

Mưa

31/03

24° - 26°

Mưa

01/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground