Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Bùa yêu

“ Em thả bùa vào ngọn gió? Để lá vàng anh bay rối trời chiều

TCCV Online - Từ non chiều, những đám mây vần vũ cuồn cuộn lao từ phía sau dãy núi Kim San như muốn sà thấp xuống chụp lên bản Khụ. Lá ngô héo quắt trên nương như những con dao, cố khua khua như muốn chọc lên đám mây nặng trĩu kia những lỗ thủng cho nước ào ào tuôn xuống. Chó lười biếng không muốn đi săn, mèo không buồn bắt sẻ. Người già ngóng nhìn trời lặng thinh, hồi hộp lẫn âu lo…

Cuối cùng, mưa đã tới.

Đầu tiên là những hạt mưa thưa thớt và nặng. Không phải? Là những cục đá tròn như quả bồ quân xiên xéo và vỡ tan trên mặt sân đất, quất lốp bốp vào vách nứa và cao hứng chui tọt qua mái tranh vào sàn bương rồi tan biến. Tiếp theo là nước. Nước bắt đầu trút xuống từ cái vung khổng lồ, tối sì úp chụp trên đầu bản liền tù tì không dứt. Cơn mưa như bù lại mùa hạn kéo dài.

Bà nội Dương Sinh ngồi bên cửa sàn, thong thả cởi cái khăn đưa bàn tay gân guốc vuốt vuốt mái tóc cắt ngắn sát da đầu, mắt nhìn xa xăm nói bâng quơ:

- Mưa có chút đá là điềm lành. Chắc chắn mùa sẽ chín vàng, cỏ cây sinh sôi, người tươi của tốt.

- Mưa đá mà lại lành ư bà? Ừ, mát mẻ quá!- Sinh hỏi mà như không hỏi, chỉ có tiếng mưa hối hả tan mình vào cỏ cây.

Ngồi thừ bên cột nhà, nhìn nước chảy xuống từ mái tranh Sinh thấy lòng nhẹ nhõm như vừa vứt được tảng đá đè trên ngực. Mưa xua tan cái bức bối, oi nồng, lưng lửng như người ốm của thời tiết đỏng đảnh. Gió thốc vào hiên nhà, chuông nứa treo ngoài sàn va vào nhau reo lóc cóc, lanh canh.

Mùa mưa năm ngoái Sinh đi xuống huyện, về đến ngã ba gặp Lí Lan ở đường rẽ lên bản. Dương Sinh phanh kít xe máy làm Lan giật cả mình, bụi từ bánh xe cuốn cả vào đôi mắt đen lay láy. Sinh vừa cười vừa hỏi:

- Về hay đi đấy?

- Mình về bản mà- Lan bẽn lẽn trả lời, mắt nhìn xuống bàn tay đang vân vê tua rua của cái túi thêu đeo bên sườn. Dây túi bắt chéo qua người hằn khuôn ngực hằn khuôn ngực vồng lên trong ánh nắng chiều phập phồng hơi thở.

Sinh nhìn Lan thấy là lạ. Quần áo tinh tươm theo kiểu người xuôi rất đẹp, hai má Lan trắng hồng trong ánh nắng chiều chợt làm mặt Sinh thấy nóng như đang gần bếp than. Sinh vội giục:

- Lên đây, tôi chở về kẻo tối.

Lan xách cái túi, trèo lên xe. Cái xe rồ ga gấp làm người Lan ập về phía trước va vào người Sinh, Lan ngượng nghịu ngồi xích ra phía sau nhưng Sinh không chịu.

- Ngồi lủng lẳng thế khó đi lắm, ngồi sát tay lái mới vững- Biết Lan ngại Sinh hỏi lảng:

- Đi đâu về mà diện thế?

- Mình đi học làm cô giáo đấy! Học trên tỉnh, tháng mới về nhà một lần lấy gạo lấy trứng thôi.

Thì ra lần đầu tiên có người ở bản được đi học làm cô giáo dạy chữ đấy. Lâu không gặp thấy Lan khác thế. Tự nhiên cứ muốn nhìn mãi, chuyện mãi. Cái xe bánh quấn xích hôm nay cần đi chậm mà nhoằng một cái đã đưa Lan về tới nhà. Từ hôm ấy cứ cuối tháng là Sinh lại kiếm cớ đi chợ huyện, may ra được đón Lí Lan đi học về. Có bận đứng chờ, thấy cái xe máy ngược dốc đến gần, nhận ra Bí thư Đoàn xã đèo Lan ngược về bản. Sinh biết đứa trai ấy vì thấy thỉnh thoảng thấy nó theo cán bộ xã, hoặc đưa thanh niên tình nguyện lên giúp bà con và sinh hoạt văn nghệ. Thấy Sinh đứng đó, Lí Lan hai má ửng hồng trong nắng chiều hỏi: “ Dương Sinh đi đâu đấy?” Tự dưng Sinh thấy miệng buột ra: “Đi huyện có việc”. Bí thư vui vẻ chào Sinh:

- Mình đưa Lan về bản, nếu anh bận thì cứ đi đi nhé!

Sau cái bắt tay thân mật, xe máy chở Lí Lan chậm rãi ngược lên bản Khụ. Bóng áo đã khuất sau đường mà tiếng nói cười như còn vương trên lá. Sinh thấy trong ruột như có củ gừng đập giập. Biết thế nói tuột ra là đi đón Lan. Chả hiểu sao mình lại nói vậy. Bực mình thật. Tức lây cả đứa trai kia nữa.

Mùa hè. Lí Lan được nghỉ. Sinh chăm đến nhà chơi, giúp bố Lan làm việc lặt vặt. Sinh chăm chỉ, khỏe mạnh lại là con trưởng bản nên bố Lan vừa quý vừa nể. Có tối lí do muộn, Sinh ở lại ăn cơm, uống rượu với bố. Hai người đàn ông lặng lẽ không nói gì nhiều. Chén rượu ngô cứ như cháy nóng ran gan ruột. Lan không tỏ ra vui hay buồn, cứ lẳng lặng tránh ánh mắt như có lửa của Sinh. Bố biết ý, lấy cớ đau lưng nằm sớm. Lí Lan nấu cám, vừa ngồi thêu bên bếp không nói gì. Sinh thấy Lan thêu cái khăn dài, đường hoa văn kỉ hà tỉ mỉ, công phu lắm. Ai mà được quàng cái khăn thêu ấy nhỉ?... Sinh ngồi lặng yên bên cạnh. Cành củi cháy rạo rực. Lòng dạ cồn cào nhưng lời như tảng đá đè nặng không thốt ra được. Cứ như thế nhiều hôm.

Mấy đứa trai cùng lứa với nhau đứa nào cũng đã có người thương người đợi. Sau buổi đi nương cho nhà Sinh, ngồi bên vò rượu ngô đem chuyện Lí Lan ra bàn. Thằng Triệu Nam thắc mắc:

- Bố cái Lan hay là nó không ưng mày thế? Nhà có hai bố con chỉ cần một người thích là được.

- Là cái Lan. Kể ra chỉ cần bố nó ưng là được, nhưng tao không thích thế. Lấy nó về nó không ưa mình, nó héo buồn như cây ngô mùa hạn ấy- Sinh nén tiếng thở dài.

- Mày muốn nó thích, sao không dùng bùa yêu- Thằng Cường góp chuyện.

- A! Đúng thế, bà nội mày chuyên làm ngải mà.

- Đúng rồi, mày cứ mượn bà cái ngải, còn mọi chuyện khác bọn tao sẽ có cách giúp.

Cả bọn nhao nhao tán thưởng. Những chén rượu ngô nồng nàn được dốc cạn hồ hởi, Sinh chợt nhớ ra nhà mình có bà nội chuyên bốc thuốc cứu người và bà có một linh vật đặc biệt để làm ngải. Đã mang ngải trong người, muốn ai thì được người ấy. Đàn ông con trai mượn được bỏ túi quần, đàn bà con gái giắt nó vào cạp váy đến nhà người mình thương ắt chỉ ngày một ngày hai là nên duyên. Nhà nào hiếm con thì mượn về bỏ vào nồi nước tắm, chồng thớ như lim như nghiến vợ căng như gối bông lau, chẳng mấy mà con cái chật nhà. Không mượn được thì ngủ cùng ngải một đêm cũng có tác dụng. Ừ nhỉ! Sinh quên khuấy đi mất. Nhưng xưa nay có ai làm ngải cho người nhà đâu ? Giống như con chó con sao tự cắn đuôi mình được. Mặc kệ. Cứ thử xem đã.

Đợt này đúng lượt nhà Sinh làm tết Nhảy. Tết to lắm, những ba ngày hai đêm. Cứ mười bốn năm mới làm tết một bận, tính từ ngày chủ nhà tách bàn thờ ra riêng theo nhà mới. Lợn nuôi từ đầu năm, rượu men lá sóng sánh đầy vò. Các cụ trong họ tộc, thanh niên trai tráng đến chật nhà, uống rượu ăn cỗ và nhảy múa. Thầy mo sang sảng những áng văn cúng với ngôn ngữ cổ xưa. Các cụ già lặng lẽ ngồi bên nhau tai hau háu dõi theo những câu chuyện dựng làng dựng bản, Tây Trúc thỉnh kinh, chém ma diệt quỷ... qua lời ngân nga trầm bổng. Những người mo phụ trang phục sặc sỡ với nhảy xoay tròn quanh cây tre treo bùa phép lủng lẳng với những kiếm gỗ và bài vị, diễn tả cảnh cho bài mo không mệt mỏi. Nhảy múa cầu cho quốc thái dân an, nhảy cầu cho chủ nhà mùa ngô mẩy bắp, mùa bông trắng sợi…

Bọn thanh niên chả để tâm, nghe câu được câu mất, tranh thủ được mấy ngày ngắm nhau. Con gái má hây hây bếp lửa, chụm đầu đấm lưng nhau cười rúc rích. Đám trai có hơi men rạo rực, cơ bắp cuồn cuộn trong những điệu múa Rùa xoay tròn quanh đống lửa với những tiếng chuông, tiếng kèn, tiếng phách réo rắt nhộn nhịp. Dương Sinh nhẩy vài vòng, khẽ lánh ra ngồi hút thuốc, mắt tìm tiếng cười của Lí Lan. Ngày tết Nhảy, đám con gái ưng ai thì được đặc quyền đưa người ấy đi ngủ chơi mà không bị ai phản đối. Lan đâu nhỉ, hay là nó đã dắt đứa trai ấy lên núi hoặc về nhà?... Kia rồi, Lan cùng đám con gái đang cười nói chỗ Bí thư với đám thanh niên tình nguyện ở các bản khác. Cái cách nhìn của Lí Lan tới đứa trai ấy làm Sinh thấy mũi cay xè như nhai phải nắm hạt cải nương. Tức thật! Cái ngải ở trong túi thơm lủng lẳng bỗng cọ vào người Sinh ran rát. Chợt nhớ đã mang nó theo được một tháng rồi, cả cái vòng bạc của Lí Lan đây nữa. Bùa yêu đã đủ âm - dương, mà sao ánh mắt Lí Lan nhìn hắn vẫn như hòn than nguội. Sinh lảo đảo bước sang phía tiếng cười. Mâm rượu vẫn còn nguyên khi người ta ăn no uống say lời nói và ánh mắt của nhau. Sinh rót tràn chén rượu uống với đứa trai, tiếng chạm chén nghe như tiếng đá va vào nhau khô lạnh. Sinh úp chén, nhìn gã trai với đôi mắt vằn ánh lửa. Nỗi lo lắng như sương mù chợt hiện lên trong mắt Lí Lan. 

Sinh nấp vào bên hốc đá chờ đợi. Cái dốc cao và dựng đứng toàn đá tai mèo nhọn ấy vắt qua khe núi là lối đi tắt gần nhất nối liền bản Khụ với các bản khác. Bản Khụ một mình nằm trên cao tách biệt hẳn với thế giới bên ngoài bởi dãy núi Kim San cao vợi dựng đứng chìm trong mây. Cũng có một con đường khác không dốc lắm nhưng rất xa, vòng quanh dãy núi với chín khúc suối vắt qua vắt lại. Mùa mưa thì chịu, mùa khô thì đi xe đạp hoặc xe máy với xích quấn bánh vẫn đi được nhưng còn ô tô thì chưa có đường vào tới bản. Sinh biết hôm nay đứa trai ấy về, nó đi tắt đường dốc. Sinh đã có kế hoạch của mình.

Từ chỗ nấp nhìn lên đỉnh dốc, cái bóng áo xanh tình nguyện đang nhấp nhô trên vách đá. Mà cái dốc này cao thật! Người già kể ngày xưa có cô con gái nhà trưởng tộc xinh đẹp như hoa, trai khắp bản xa bản gần đều ao ước được về làm rể. Ông trưởng tộc muốn gả con cho một người Lang già, giàu có ở bản khác lại không muốn mang tiếng cấm đoán liền để nàng ngồi trên đỉnh dốc, các trai tráng sẽ chạy thi từ dưới dốc lên, ai lên tới đích trước khi tàn cây hương thì được cầu hôn. Nhiều đứa trai bỏ cuộc, nhiều người kiệt sức ngang đường, cuối cùng còn mỗi một chàng trai bản Ngọc, người mà nàng yêu dấu cũng lên tới nơi kịp khi cây hương tắt. Chàng chỉ kêu lên một tiếng "yêu nàng" rồi lịm đi mãi mãi. Từ đó dốc có tên là Ái Nàng. Người bản Ngọc thề không bao giờ cho con cháu họ kết duyên với người bản Khụ nữa. Đấy là lâu rồi, bây giờ cái đứa trai mà Sinh đang thù ghét kia nó lại ở bản Ngọc, mà sao người già người trẻ lại quý nó thế nhất là đám con gái, trong đó có Lí Lan. Hay tại nó cũng có bùa yêu?...

Tiếng tắc kè thong thả gõ từng nhịp. Sinh thấy tim đập thình thịch khi bóng áo xanh đã men xuống gần cái mèn đá. Nơi ấy có mấy hòn đá đã bị cậy lên, gá hờ vào chỉ cần đạp hơi mạnh là long ra, mất chỗ bám chân mà ngã. Mồ hôi tay Sinh rịn ra, cái khăn bịt mặt trở nên bức bối đến khó thở. Xưa nay người bản mình sống quý khách, đoàn kết, chẳng hại ai bao giờ. Bất lắm đám thanh niên tức nhau cũng chỉ thụi nhau một quả rồi mai lại rót rượu mời nhau, hỉ hả chia buồn sẻ khổ. Liệu mình làm thế này là đi ngược lại với họ tộc, tổ tiên?... Nhưng hình ảnh Lí Lan lại hiện ra chấp chới làm Sinh tối óc chả nghĩ được nữa... Sinh nắm chặt bàn tay, chờ đợi.

Chợt đứa trai la lên khe khẽ rồi khựng lại, hình như gặp phải điều gì bất ổn. Không thấy leo lên cũng chẳng tụt xuống mà loay hoay bám níu vào bờ đá một lúc khá lâu rồi bất động. Có thể đứa trai phát hiện ra bẫy đá nên không đi nữa? Nếu không đi nữa thì phải trèo ngược lên chứ nhỉ?...

Bản tính tò mò đưa Sinh men tới gần. Núp sau lùm cây, Sinh nghe thấy tiếng thở dốc khò khè. Thấy đứa trai hai tay ôm bắp đùi, hai chân đạp vào hai phiến đá tựa lưng mà thở. A! Cái cổ chân sưng lên tím vết răng của rắn. Một ý nghĩ thoáng nhanh trong óc Sinh, phen này nó chết chắc nếu không ai cứu. Chỉ hết đêm nay thôi là cái đứa trai kia sẽ không còn cơ hội cướp mất Lí Lan. Nó sẽ theo người xưa bỏ xác ở dốc Ái này mà không có được người đẹp. Thế còn Lí Lan thì sao nhỉ? Có như con gái Tộc trưởng ngày ấy bị ép gả chồng, buồn thương người yêu đến mất hồn mất vía, không nói không cười cứ ngày ngày lang thang ra đỉnh dốc mà ngồi trông xuống bản Ngọc như hóa đá. Nghĩ đến đấy Sinh chợt rùng mình. Sinh cũng không muốn Lí Lan hóa đá.

- Mà sao rắn lại cắn nó đúng hôm nay, đúng vào lúc này?- Sinh hỏi lá cây, lá rì rào không đáp.

- Trời giúp Sinh hay trời trêu ngươi Sinh? Nếu trời có mắt thì người bị hại phải là Sinh vì đứa trai kia đâu có phải người xấu bụng. Sinh lại là người được bà nội truyền cho cách chữa rắn cắn để cứu người.

- Cứu hay không cứu?- Sinh hỏi vách đá, vách đá, đá lặng yên không lời.

Về lí, đứa trai ấy mà chết đâu có phải do mình hại. Nhưng nó chết là do mình thấy mà không cứu. Cứu hay không? Sinh bối rối quá... Tiếng rên của đứa trai như cơn lũ mạnh ập đến đánh thức bản năng của người làm thuốc. Sinh như tỉnh cơn mơ. Tiếng kêu rên đã trả lời Sinh: Cứu người làm trọng.

Dương Sinh men đến vách đá. Đứa trai ngước đôi mắt mệt mỏi nhìn Sinh thoáng chút mừng rỡ rồi lại dại đi vì sợ hãi, ngờ vực, lắp bắp chỉ xuống chân. Sinh biết loài rắn lá màu xanh rất độc. Ra hiệu ngồi im, Sinh kéo vội cái khăn thêu của mình buộc chặt ngang bắp chân. Rút con dao khỏi bao, thoáng chút do dự rồi rạch hai đường nhỏ chéo nhau vào vết răng nơi bắp chân cái thằng người mà vừa lúc trước Sinh chỉ muốn nó biến mất trên đời. Nó chỉ dám rên lên khe khẽ. Thằng người ấy bây giờ trông thật yếu đuối, đang phụ thuộc, trông chờ vào Sinh cứu mạng.

Sinh bóp nặn máu độc ra khỏi chân nó, độc đã ngấm khá sâu, phải dùng miệng hút thôi, không còn cách nào khác. Nhai vụn nhúm lá mang theo phòng thân ở túi thơm, đắp vào vết thương rồi Sinh mới ngồi thở. Từ đây xuôi xuống bản Ngọc thì còn quá xa dễ qua nửa đêm mới tới, ngược đỉnh dốc Ái đến nhà Lí Lan thì ngắn nhưng dốc ngược. Đứa trai đã yếu sức, môi đã tái đi phải cõng nó thôi, thời gian không đợi kẻ nguy kịch.

Chả biết Sinh đã trèo ngược dốc trong bao lâu, chỉ nhớ khi đến của nhà Lí Lan thì ngã vật xuống. mắt hoa lên, miệng rát như phải bỏng. Hai tai ù đặc đi mơ mơ màng màng trong tiếng chạy rầm rập, tiếng người í ới.

Tỉnh dậy, thấy mình nằm trên giường, hỏi thăm đứa trai, Lan bảo may mà được Sinh cứu kịp nên còn giữ được chân, không bị hoại tử, đang nằm ở trạm y tế. Còn Sinh thì bị chất độc ngấm vào miệng nhưng không sao rồi! Lan cầm bàn tay xây xước những vết đá cào của Sinh, mắt rơm rớm cảm động một niềm biết ơn vô hạn. Sinh thấy trong người nhẹ nhõm đan xen một niềm ân hận. “Cầm lấy, tôi xin lỗi nhé! Người ấy mới xứng đáng được có nó ”. Sinh đưa chiếc vòng bạc lại cho Lan. Cái vòng mà bọn trai bịt mặt giằng co lấy giúp Sinh để làm bùa yêu hôm nào. Lan đón chiếc vòng, nước mắt Lan rỏ ấm lòng bàn tay Sinh…

***

Giờ này nước từ chín khúc suối đã cắt vụn con đường vào bản Kim San. Không biết Bí thư đưa Lí Lan đã kịp về nhà hay chưa? Căn nhà nhỏ xinh bên vạt nương bằng phẳng xanh mướt mát ngô lúa của thung lũng màu mỡ bên này đỉnh dốc Ái. Con dốc hiểm trở nối liền hai nền văn hóa ngay cả những ngày mưa to nhất cũng không bị suối làm tắc đường. Mưa to như thế này ngô nhà Sinh đang xanh lại, rồi đây sẽ phải nhờ đông người đến thu hoạch, Sinh vốn giỏi làm kinh tế mà. Con đường đứa Bí thư đoàn đang cùng dân bản Khụ mở mang rộng rãi cho ô tô đi được cũng sắp xong rồi, khi ấy ô tô vào tận nơi ăn hàng thì thuận lợi biết mấy. Thế mà mình suýt nữa thì gây ra tội ác.

Vào hũ gạo bới cái ngải ra, Sinh cầm trên tay ngắm nghía. Cái bùa ngải được nuôi trong gạo thơm mà sao nó vẫn xỉn màu. Bà nội nheo mắt cười nói khẽ khẽ.

- Người ta có người thương rồi thì bùa không có linh nghiệm đâu. Nó chỉ xe duyên cho nhưng lứa đôi chưa tìm được nhau cháu ạ.

Sinh xòe tay, nước mưa từ giọt tranh thấm qua cái ngải mát lạnh lòng bàn tay Sinh, Sinh thấy lòng mình thư thái, nhẹ nhõm như có dòng suối mát lành vừa trào tuôn trong trái tim khô hạn. Cái bùa yêu được mưa mát sáng bóng lên đầy sinh khí. Phải rồi, bùa yêu đâu phải dành cho những người nhỏ nhen, ích kỉ. Nó chỉ dành cho những người có tình yêu cao thượng, luôn chỉ mong cho người mình yêu được vui, được hạnh phúc. Mà Lí Lan cũng chưa bao giờ là của Sinh, Sinh cũng đâu có mất Lí Lan, nó vẫn như những đứa em gái nhà Sinh. Bản Khụ có thêm rể mới Sinh lại thêm anh thêm em, vậy thôi!

Chợt thoáng thấy bên bếp bóng áo thân quen nghiêng nghiêng thổi lửa. Thì ra mấy hôm rồi đau miệng, có đứa con gái vẫn sang nấu cháo thuốc cho Sinh. Chợt nhớ ra mọi lần thấy đứa gái ấy hay lui tới nhà Sinh rúc rích thêu đan cùng đứa em út. Dương Sinh bước vào gian bếp, cô bé bẽn lẽn ngước nhìn lên với đôi mắt như dòng suối mát lành, má hồng rực trong ánh lửa. Hương củ mài, nếp thơm ấm ngọt từ hơi cháo cuộn lên, lan tỏa ấm khắp mấy gian nhà sàn...

Ngoài trời, mưa đang hôn lên cây lá.

H.T

Nguồn: Báo điện tử Tổ Quốc

http://vanhocquenha.vn/van-xuoi/bua-yeu-241116.html

Hạnh Trần
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 280 tháng 01/2018

Mới nhất

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Hội VHNT tỉnh trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm “Trường Sa - Quảng Trị: Sắc màu biên cương”

23/03/2024 lúc 16:22

TCCVO - Chiều 22/3, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị tổ chức trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm

Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực

18/03/2024 lúc 00:07

TCCVO - Chiều 15/3, tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, UBND tỉnh Quảng Trị và Ủy ban chính quyền tỉnh Savannakhet (Lào) phối hợp tổ chức Hội thảo “Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực”.

Liên hoan dân vũ chủ đề: "Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng"

16/03/2024 lúc 06:02

Chào mừng kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế phụ nữ (08/3/1910 - 08/3/2024), 1984 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng; Hướng đến kỷ niệm những sự kiện lớn của quê hương đất nước; kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7-2024), Sáng ngày 07/3/2024, Công đoàn viên chức tỉnh tổ chức Liên hoan dân vũ trong nữ Công chức, viên chức, người lao động (CCVCLĐ) năm 2024 với chủ đề “Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng”.

Phát huy vai trò “báo chí kiến tạo, báo chí giải pháp”

15/03/2024 lúc 07:05

TCCVO - Sáng ngày 13/3/2024, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hội nghị giao ban công tác báo chí tháng 1 và 2 năm 2024 và định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm tuyên truyền trong thời gian tới. Đồng chí Hồ Đại Nam, UVBTVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/03

25° - 27°

Mưa

31/03

24° - 26°

Mưa

01/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground