Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Nữ quản giáo

TCCV Online - “…Đây là Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh…, mời quý vị và các bạn chuẩn bị tập thể dục buổi sáng…”. Tiếng loa truyền thanh vang lên lồng lộng trên các chòi gác cao nghều nghệu của trại giam nằm sâu trong những cánh đồng lúa chín vàng xen lẫn những rẫy khóm rộng mênh mông.

Trên khoảng sân rộng, ánh sáng từ những ngọn đèn cao áp bật sáng trưng. Hàng trăm nữ phạm nhân đang tập thể dục một cách nhịp nhàng, thuần thục theo sự bắt nhịp của nữ trung tá quản giáo. Tiếng nhạc tươi vui phát đi liên tục theo nhịp tập. Tiếng cười nói râm ran. Một ngày mới an lành đang bắt đầu như xua tan đi bao lầm lỡ của hàng trăm con người để mang đến cho họ một cuộc đời mới như bao con người khác đang sống trên trái đất nầy.

Buổi tập kết thúc, phạm nhân xếp hàng rất trật tự để trở về buồng giam của mình. Tiếng bàn tán xôn xao với bao câu chuyện buồn vui lẫn lộn đan xen. Từ chuyện chị Ba buôn lậu hàng quốc cấm sắp được đặc xá chuyện con Thơ mặt búng ra sữa nhưng cầm đầu băng cướp chuyên nghiệp giờ hiền như cục bột; chuyện bà Sáu môi giới mại dâm sắp có con dâu nhưng phải vắng mặt trong ngày cưới… Tất cả hòa lẫn nhau tạo bầu không khí rôm rả đầu ngày thật vui vẻ.

- Cán bộ ơi! Bữa nay sắp tới ngày Phụ nữ Việt Nam, trại của mình có tổ chức văn nghệ, văn gừng gì hôn? – Tiếng phạm nhân Thoa hỏi vui.

- Có chứ. Năm nào mà hổng làm. Mấy chị em chuẩn bị sẵn mấy tiết mục để biểu diễn nghe. Tân nhạc, vọng cổ gì cũng được. Biết gì thì làm nấy, cây nhà lá vườn mà. Hát hay không bằng hay hát – Tiếng nữ trung tá Sen trả lời gọn ghẽ.

- Hoan hô. Vậy mới vui. Vụ gì hổng biết chớ ca tân nhạc, vọng cổ, đờn ca tài tử, múa “tư lê” tụi tui làm hết ráo – Tiếng phạm nhân Thu xen vào rồi cười khanh khách.

- Thôi đi bà nội ơi! Người ta múa “ba lê” còn bà múa “tư lê”, múa đó ở đâu có vậy? Nói xàm xàm người ta cười thúi đầu đó nghe – Tiếng chị Tám Ánh trêu chọc.

- Thì ba lê, tư lê gì cũng vậy thôi, anh em tụi nó với nhau chớ gì. Mấy chị sao khó khăn bẻ chĩa tui hoài vậy – Thu lại cười.

Nhìn hàng trăm nữ phạm nhân lục tục kéo nhau về buồng giam để chuẩn bị lao động, học nghề, học văn hóa, trung tá Sen nghe ấm áp vô cùng. Dù mới hôm qua đây họ là những người phạm tội, gây băng hoại đạo đức, tạo nguy hiểm cho xã hội với nhiều hình thức khác nhau như: cờ bạc, buôn lậu, buôn người, mua bán ma túy, cướp giật, lừa đảo, xâm hại tài sản và tính mạng của người khác, kể cả tội giết người… nhưng hôm nay họ là những phạm nhân thụ án đang được cải huấn, giáo dục để đánh thức lại phần lương thiện còn ẩn chứa trong tâm hồn họ. Hơn 30 năm gắn bó với trại giam này, chị nhớ như in tánh nết từng nữ phạm nhân như chính người thân của mình trong gia đình. Từ con Oanh “sát thủ” ở Vĩnh Long ai thuê đâu chém đó, không có máu không lấy tiền; cô giáo Hiền ở Rạch Giá do hoàn cảnh khó khăn đã biển thủ công quỹ mấy trăm triệu đồng, bà Sáu “má mì” nổi tiếng đất Long Xuyên chăn dắt hàng chục gái chân dài cao cấp; con Nhung “đá” chuyên gia mua bán ma túy xuyên Việt… Nhiều. Nhiều lắm. Mỗi người một cảnh, mức độ, hành vi, thủ đoạn phạm tội khác nhau nhưng vào đây thì sự gian manh, lì lượm, hung hãn, tàn độc hầu như đã biến mất để thay vào đó những con người hướng thiện thật dễ thương. Nhớ nhất cái ngày tiễn con Thúy mắc căn bệnh “Si-đa” trước khi nhắm mắt xin được gọi chị hai tiếng “Mẹ Sen” rồi xuôi tay trong sự thanh thản, nhẹ nhàng. Chị đã vuốt mắt nó trong hai hàng nước mắt. Biết làm gì hơn trong giây phút sinh ly tử biệt này!

Chị nhớ có lần mấy phạm nhân nữ hỏi thăm về chuyện chồng con của chị với thái độ dè chừng nhưng thật chân tình:

- Cán bộ làm ở đây, rồi chồng con của cán bộ ở đâu? Cán bộ có mấy con? Trai hay gái? Lớn chưa? Đang làm gì?

- Tui sống một mình chớ có chồng con gì đâu.

- Trời đất. Tụi tui hỏi bậy quá. Cán bộ thông cảm.

- Có gì đâu. Tại tui mê công tác quá nên quên luôn cái việc có chồng. Giờ đã thành “bà già” rồi, ai mà thèm lấy tui – Chị cười trừ.

Nói cho đỡ buồn, đỡ tủi thân chớ là phụ nữ ai lại không buồn, không mong muốn có được một mái ấm gia đình như bao người phụ nữ bình thường khác. Chị cũng ham làm mẹ, làm vợ lắm chứ. Ai đời cứ mỗi lúc đêm về trong căn phòng nhỏ tập thể bên cạnh trại tạm giam, chị lại đau đáu nhớ quê miệt Bạc Liêu, nhớ bến nước, cây cầu, nhớ tuổi thơ chăn trâu, thả vịt cực lắm nhưng vui. Nhưng nhớ hoài mối tình đầu tiên chợt đến chợt đi luôn là nỗi trống vắng thăm thẳm không nguôi trong tâm hồn người nữ công an trẻ.

Đêm nay, cái quá khứ vừa êm đềm, vừa đau xót ầm ập kéo về trong cơn mưa tầm tã trắng xóa đất trời. Ngày ấy, cả xóm biển Bạc Liêu cứ trầm trồ về mối tình đẹp nết, đẹp người của Sơn, chàng kỹ sư trẻ mới ra trường và thiếu úy Sen, nữ sĩ quan công an vừa tốt nghiệp. Họ hạnh phúc bên nhau để thêu dệt cuộc sống tương lai với niềm hạnh phúc tràn ngập. Nhiều lần Sơn nói:

- Có được cô dâu xinh đẹp, giỏi giang như em chắc gia đình anh mừng lắm vì anh là con trai một trong nhà.

- Em mong như vậy. Em sẽ cố gắng làm vui lòng mẹ – Sen đáp từ tốn.

Vậy mà mọi chuyện không như mong đợi. Nghe tin Sen tình nguyện về nhận công tác tại trại tạm giam của Bộ Công an, gia đình Sơn nhất quyết không tiến đến hôn nhân bất chấp sự can ngăn của nhiều người. Rất nhiều lần Sơn năn nỉ mẹ:

- Mẹ thông cảm. Tụi con yêu thương nhau thiệt tình mà. Vả lại công tác ở đâu cũng là công tác. Miễn sao tụi con có hạnh phúc và mau có cháu nội để mẹ ẵm bồng.

- Mầy im đi! Mầy bị nó bỏ bùa mê thuốc lú nên quên đầu quên đuôi rồi phải hôn? Nhà này chỉ có mầy là con trai để nối dõi tông đường. Nhà này không có con dâu làm nghề “chúa ngục” như nó. Bộ hết chỗ làm rồi hả con? Nếu hết biểu nó về đây nghỉ việc rồi tao nuôi. Hứ! – Tiếng mẹ Son quát lớn rồi bỏ đi một nước.

Năn nỉ mãi không xong, nhiều phen Sơn định nhờ cơ quan hai bên đứng ra tổ chức hôn lễ nhưng đều bị Sen can ngăn.

- Anh không nên làm vậy mẹ anh buồn. Nhà chỉ có mình anh là trai nên chuyện kén dâu là chuyện bình thường. Thôi từ từ hẵng tính. Nếu mình có duyên có nợ với nhau thì trước sau cũng thành chồng vợ mà.

Thấy thái độ kiên quyết của Sen, Sơn im lặng rất lâu kèm theo những tiếng thở dài ngao ngán. Chuyện tưởng giản đơn nhưng hồi kết thật buồn cho cả hai người. Sen đơn phương chia tay Sơn trong nỗi đau bất tận. Biết sao bây giờ. Chỉ có vậy mới làm cho gia đình Sơn yên tâm, Sơn cũng có cơ hội có vợ để vui lòng mẹ. Mỗi khi thấy số điện thoại của Sơn nhấp nháy trên điện thoại của mình, Sen cố kiềm lòng không bắt máy và bật khóc thật nhiều. Đau chứ. Buồn chứ. Tiếc nuối chứ. Mối tình đầu mà. Nhiều lần Sơn tìm đến cơ quan nhưng Sen đều tránh mặt với nhiều lý do khác nhau. Chuyện tình rồi cũng đến ngày kết thúc. Không còn đủ nghị lực đợi chờ và tìm kiếm, Sơn cưới vợ dưới quê, nghe đâu là con gái một của một gia đình giàu có. Nghe tin, Sen bệnh mấy ngày liền không ăn, không uống vì nỗi mất mát quá lớn. Biết chuyện, chị em cùng cơ quan đến thăm hỏi, động viên, chia sẻ nỗi buồn. Rồi mọi chuyện cũng đi qua theo dòng thời gian. Sau lần đó có nhiều người kể cả người cùng cơ quan ngỏ ý cầu hôn nhưng Sen chối từ. Đến giờ chị cũng không tự lý giải được vì sao mình lại từ chối thẳng thừng đến như vậy. Có lẽ chị đã chai sạn, ngán ngại chuyện yêu đương hay vẫn chưa nguôi ngoai mối tình đầu tiên của đời mình.

Mới năm trước đây, chị đứng ra làm “mai mối” cho con Thúy buồng giam số 3 với thằng Hoàng buồng giam A 14 khi tụi nó được ân xá. Nghĩ thiệt ngộ. Ai có ngờ đâu tụi nó gặp nhau rồi thương nhau trong trại giam này mới là chuyện lạ. Số phận mà. Trong dịp tổ chức văn nghệ mừng xuân của trại, con nhỏ Thúy được mệnh danh là “con chim sơn ca” lọt vào mắt xanh của thằng Hoàng xưa vốn nổi danh là trùm cướp giật chợ Mỹ Tho nhưng đờn ghi-ta thì nghe “ghiền” luôn.

- Tụi con cảm ơn cán bộ Sen rất nhiều. Không có cán bộ chúng con không được nên vợ nên chồng như hôm nay. Từ nay cho phép tụi con gọi cán bộ là mẹ Sen, mẹ có đồng ý không? – Tiếng con Thúy nói rất ngập ngừng rồi bật khóc.

- Được chớ sao không? Nhưng tụi con nhớ làm ăn lương thiện, đừng để tái phạm nữa. Đời còn dài và hạnh phúc đang chờ phía trước – Chị dặn dò.

Mà đâu chỉ có con Thúy, thằng Hoàng gọi chị là mẹ. Ở trại giam này đã có rất nhiều người khi ra tù đã quay lại gọi chị là mẹ, là chị, là em với sự trân trọng, yêu thương chân thành. Chị nhớ lắm những lần đi truy nã phạm nhân trốn trại thật gian nan. Có lần tìm được con Thanh trốn trại mấy mươi ngày trời nhưng đến nơi thấy mẹ con nó ôm nhau ngủ trong căn nhà tối tăm lụp xụp, chị để cho mẹ con nó hạnh phúc suốt đêm rồi mới bắt nó quay về với sự thông cảm sẻ chia. Lần khác phải gần gũi gia đình con Loan cả mấy ngày với thái độ chân tình họ mới vận động nó an tâm ra đầu thú. Những lần xuống buồng giam để vui chơi trò chuyện cùng phạm nhân để biết họ cần gì, mong muốn gì, đang băn khoăn và lo lắng điều gì. Cao hứng chị và phạm nhân còn xúm xít ca hát thật rôm rả. Lúc rảnh rỗi chị lại xuống trại dạy nghề hay các lớp học bổ túc để động viên phạm nhân học tập tốt, có được cái nghề sau này mưu sinh vững chắc. Mấy mươi năm trại giam này không xảy ra nạn đầu gấu, đại bàng, thay vào đó là bầu không khí hòa đồng, yêu thương giúp đỡ lẫn nhau.

Đêm nay trại giam tổ chức đêm văn nghệ mừng xuân mới và cũng để chia tay 30 nữ phạm nhân được đặc xá. Sân trại được trang hoàng to đẹp. Dàn nhạc khởi động xập xình. Những tiết mục văn nghệ nối nhau biểu diễn.

Trong một góc khuất cuối sân, hàng chục con người đang vây quanh người nữ quản giáo thân thương của mình. Những đôi mắt đỏ hoe hoe. Những vòng tay rung rung choàng qua cổ chị Sen như không muốn rời xa nửa bước. Những tiếng nấc cất lên như chưa từng bao giờ được khóc. Đôi mắt chị Sen cũng đỏ hoe. Hạnh phúc lớn lao nhất của chị là đây, là những con người hướng thiện đang làm lại cuộc đời. Chị không làm sao nhớ hết mình đã nhận được bao nhiêu lá thư cảm ơn chân tình từ các phạm nhân đã trở về cuộc sống hôm nay.

Dù đã quen với cảnh nhận phạm nhân mới, chia tay với người về với cộng đồng đã mấy mươi năm qua nhưng lần nào chị cũng cảm thấy nao nao một niềm vui khó tả trước giây phút xúc động này. Trong đêm, chị nhìn thấy ai ai cũng đẹp, cũng rạng ngời, cũng thánh thiện. Ngày mai cái thiện sẽ xua tan cái ác. Trại giam sẽ vắng dần những người phạm tội. Hạnh phúc và lẽ công bằng sẽ đến với tất cả mọi người.

Chị tin như vậy.

T.T.L

http://tuanbaovannghetphcm.vn/nu-quan-giao-so-476/

Nguồn: Tuần báo Văn Nghệ TP Hồ Chí Minh

Trương Thanh Liêm

Mới nhất

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Hội VHNT tỉnh trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm “Trường Sa - Quảng Trị: Sắc màu biên cương”

23/03/2024 lúc 16:22

TCCVO - Chiều 22/3, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị tổ chức trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm

Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực

18/03/2024 lúc 00:07

TCCVO - Chiều 15/3, tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, UBND tỉnh Quảng Trị và Ủy ban chính quyền tỉnh Savannakhet (Lào) phối hợp tổ chức Hội thảo “Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực”.

Liên hoan dân vũ chủ đề: "Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng"

16/03/2024 lúc 06:02

Chào mừng kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế phụ nữ (08/3/1910 - 08/3/2024), 1984 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng; Hướng đến kỷ niệm những sự kiện lớn của quê hương đất nước; kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7-2024), Sáng ngày 07/3/2024, Công đoàn viên chức tỉnh tổ chức Liên hoan dân vũ trong nữ Công chức, viên chức, người lao động (CCVCLĐ) năm 2024 với chủ đề “Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng”.

Phát huy vai trò “báo chí kiến tạo, báo chí giải pháp”

15/03/2024 lúc 07:05

TCCVO - Sáng ngày 13/3/2024, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hội nghị giao ban công tác báo chí tháng 1 và 2 năm 2024 và định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm tuyên truyền trong thời gian tới. Đồng chí Hồ Đại Nam, UVBTVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/03

25° - 27°

Mưa

31/03

24° - 26°

Mưa

01/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground