Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Ngày về

Lúc ngửa mặt lên trần để súc nước muối, thím nhẩm đếm có năm con nhện đang giăng tơ chằng chịt trên trần nhà. Ý nghĩ ngôi nhà này vắng bàn tay đàn bà đã lâu khiến thím chạnh lòng ghê gớm. Thím tặc lưỡi, có khi phải mất mấy ngày để dọn nhà cửa cho tươm tất. Dù chi đi nữa, Tết nhất cũng sắp đến nơi rồi.

Có tiếng đằng hắng ngoài cửa, kèm theo đó là tiếng dép lẹp xẹp. Nghĩ buồn cười con người này, cứ sợ thím ngại nên mỗi lần xuất hiện lại ôm cổ đánh hắng, ho khan này nọ. Mắt ông ấy mờ căm, có vô tình bắt gặp thím đang trong tình trạng nào đi nữa thì cũng thấy chi đâu. Người ta thấy ông chứ ông đâu thấy được ai. Biết vậy nhưng thím cứ tưởng tượng mỗi cái nhíu mắt nhướng mày kia luôn hướng về mình. Nên chi lại chờn chợn mà e ngại, nỗi e ngại không đáng có giữa vợ và chồng.

Đã mấy tháng trôi qua, sự trở về của thím vẫn chưa thôi xao động ngôi nhà nhỏ. Vợ chồng chung đụng với nhau hơn bảy năm nhưng biền biệt xa nhau tận hai mươi năm nay. Chừ gặp lại cứ lấn cấn ngại ngùng bởi quãng cạnh nhau thì ngắn, đoạn xa nhau lại quá dài. Tôi từng hình dung mình xa người thương trong chừng ấy năm và mường tượng tới hồi gặp lại chắc cả hai cũng lóng ngóng vụng về như vậy. Đau thêm một nỗi là thím chẳng nhớ chuyện chi đã xảy ra, không nhớ tất cả kỷ niệm đã có trong ngôi nhà này và dĩ nhiên chẳng nhớ chút chi đến ông già phải gọi là chồng đang quơ gậy trước mặt đó.

Mạ tôi nói đó là duyên số, là số phận rồi nên phải chấp nhận thôi. Phải mà thím đi biệt, không về luôn thì khác. Hoặc là có trở về nhưng cả chú và thím đều đã yên bề bên người mới, khéo như vậy có khi dễ sống hơn chừ. Âm thầm, không nói năng và nhắc nhở chi nhưng ẩn trong linh tính của chừng đó ngày chồng vợ, chú tôi đã luôn đinh ninh thím sẽ về. Nhiều bữa rít điếu thuốc trong đêm khuya, chú nói khi nào thằng Ninh khôn lớn, mong nó biết đường đi tìm mạ. Giá mà mắt mũi sáng rõ, chú đã tự đi tìm. Suy tính cũng nhiều, chỉ là không đoán được ngày về thím lại xem chú thành ra xa lạ. Cô vợ hay cười hay nói với chú, điếc đác và có phần chậm chạp ấy, hình như chẳng bao giờ trở lại. Nghe bảo con nuôi đã đem thím đi chữa bệnh, giờ thím đeo máy trợ thính nên nghe rõ hơn hồi xưa rất nhiều. Một người thì mắt đã mờ đục hơn, một người thì nghe rõ hơn, không chừng khập khiễng cũng phải, chú cười méo xẹo rồi nhấp ngụm trà chát đắng.

Thím gọi điện cho anh Hải mỗi ngày chỉ để hỏi han vài ba chuyện không đầu không cuối. Anh hiểu cảm giác của thím, biết đó là nhà mình, chồng con mình nhưng thấy lạ lẫm và khó thích nghi. Chẳng qua vì thím không nhớ chứ đã là nhà thì sao lạ được. Anh bảo, nếu mẹ muốn, con ra đón mẹ vào ở với con như trước thì thím giãy nảy làm thế đâu được. Độ trước, khi anh con nuôi tìm quê cho mẹ, anh không hề nghĩ sẽ đưa mẹ vô hoàn cảnh khó xử như bây chừ. Phải mà anh ngó lơ để mẹ sống bên mình từ đây tới cuối đời cho khỏe. Suy nghĩ đó đến một chút rồi thôi vì anh biết ít ra mình đã làm đúng, người ta cần thăm cội nguồn tổ tông, cần về với gia đình khi họ vẫn còn hiện diện.

Ngày thím về nhà cũ, gặp đúng chồng con năm xưa, tôi nhớ thím đã khóc rất nhiều. Dù rằng lúc ấy, thím không nhận ra chồng hay con. Bà con làng xóm tới thăm, họ nắm tay thím và trách sao đi biệt mà không tin tức chi, không nhắn gửi một câu về nhà. Hải phân trần, giải thích rằng mẹ mình gặp chấn động tâm lý nên không nhớ chuyện trước kia. Thím chậm chạp, quên quên nhớ nhớ và điếc đác thì cả làng này đều biết, có điều họ vẫn trách cho thỏa mãn vậy thôi. Anh con nuôi của thím bảo ái ngại khi ngó qua thằng Ninh - đứa con trai vắng mẹ trong chừng ấy năm. Lẽ ra, thím đã ở trong ngôi nhà này với thằng con trai đang điềm tĩnh đó, vậy mà lưu lạc rồi gặp anh, nuôi anh thay vì nuôi con đẻ.

Thảo khều tôi, bảo anh xem mạ chồng em lạ lắm. Hồi mô cũng lén ngó chồng em, nhìn chằm chằm không chớp mắt. Tôi nghĩ thím nhìn để quen. Tại trong hình dung của người mẹ ấy, lúc mình đi, đứa con chỉ vừa năm tuổi. Nay thím trở về, nó đã là một người đàn ông, còn sắp làm cha, không lạ lẫm sao được. Thím kể hồi Ninh còn nhỏ, cổ áo nào cũng mốc thâm đen sì vì hay nhễu nước miếng. Đêm nằm ngủ, thằng con năm tuổi vẫn thò tay trong áo thím rồi còn đái ướt cả giường. Hồi đó, thằng Ninh hay hát hay cười chứ không lặng lặng như chừ. Tôi tính nói nó thay đổi từ lúc thím đi nhưng may mà ngăn lại kịp, nói ra điều đó cũng chẳng để làm chi. Có vài điều trong cuộc đời này tự nhiên đến làm ta thay đổi. Thím chắc chắn cũng đã thay đổi sau vài ba biến cố. Dù sao cũng thật may vì phần ký ức của thím còn có đứa con trai chứ người đàn ông còn lại trong ngôi nhà này mảy may không tồn tại trong phần trí nhớ nhỏ nhoi của thím.

Lúc thím trở về, chú vừa sáu mươi. Thím cũng hơn năm mươi, tần tảo bán buôn nhưng trông thím vẫn trắng trẻo, mập mạp. Những chuyện đàn ông đàn bà lúc ấy chắc cũng vừa tắt. Mà nếu còn, dễ chi chú dám tự mình thắp lại, khi muốn nắm cái tay, sờ mái tóc thím cũng thụt lùi. Mạ tôi dò hỏi, lâu chừ chú thím vẫn ngủ riêng hay sao. Thím ừ hữ với vẻ ngần ngại. Đàn bà với nhau đó nhưng cũng khó nói bởi thím bây bảo không quen. Vợ chồng mà không quen thì tính răng chừ. Ngó chú bây nằm chèo queo trên cái giường nhỏ gần bếp mà chảy nước mắt. Hồi thím mới về nhà, thím giành ngủ đó nhưng chú không chịu, chú bắt thím lên trên nhà ngủ để chú ngủ dưới này lấy cớ đêm hôm đi vệ sinh cho tiện.

Mạ tôi nói, vợ chồng có tuổi nên ngủ chung không phải vì ham hố chi cả, chẳng qua lỡ nửa đêm có chuyện chi bất ngờ còn hay biết. Những năm sau tuổi sáu mươi của cuộc đời chính là những năm khuyến mãi, ông trời kêu hồi mô ai biết. Đêm hôm lạnh tay lạnh chân thì người ngủ cạnh bên còn hay.

Chuyện vợ chồng bao giờ cũng khó nói, chỉ người trong cuộc mới tự mình giải quyết với nhau. Người ngoài nói cho cùng, tác động đến đâu cũng không thấu hiểu bằng. Nên chi chuyện chú thím, mạ tôi bảo để chú thím tự điều chỉnh. Tôi thích mạ dùng từ “điều chỉnh”, vì tình cảm ngày xưa vốn sẵn có với nhau, chỉ là qua hai chục năm quên lãng và mất biệt, người thì đau đáu nhớ, người thì hờ hững quên. Có lần, mạ tôi qua ngồi một buổi bên nhà chú thím, than trời đất bởi cảm giác sắp chết ngạt tới nơi. Là ngột ngạt bởi bầu không khí đó, mạ nói chú thím bây oán trách nhau nhưng không bằng lời. Tôi biết, thím đang cố gắng rất nhiều dù cho chú đã bắt đầu muốn bỏ cuộc. Những chuyện trò chú dành cho thím dần dà ít đi và chẳng thấy chút nào tình cảm ngoài những chỉ dẫn để lấy đồ đạc trong nhà.

“Lấy giùm tui gói trà ở dưới bếp. Mở chạn bếp ra, tầng trên cùng, trong góc phải, gói trà nằm đó.”

“Giấy khen, sách vở, áo quần hồi nhỏ của thằng Ninh cất trong cái rương dưới góc giường, phía bên trái.”

“Ở góc tủ thờ, phía tay phải, từ trên xuống dưới xếp thứ ba, có cuốn album lấy ra mà coi”.

Thím dạ nhỏ nhẹ rồi ngoan ngoãn làm theo từng lời chú bảo. Xong việc nào đó, cả hai lại im lặng. Không biết những người mờ mắt có sống kỷ luật kiểu như chú không. Thứ gì bỏ ở đâu phải đúng vị trí để lúc cần có thể mò mẫm lấy. Nên khi con Thảo về làm dâu, cả nhà hay hục hặc bởi chuyện này. Nó vụng về qua loa mà cha con chú thì ngược lại. Ở điểm này, thím làm chú vừa lòng vì luôn cất giữ đúng nơi đúng chỗ từ ống tăm đến đôi dép mà chú quy định.

Chú bảo thím giữ tập ảnh hôm trước mà coi. Từ hồi thím đi, Tết năm nào chú cũng kêu người xuống chụp ảnh. Sẽ là vài tấm ảnh cha con chú đứng cạnh gốc mai trước sân nhà, thằng Ninh xúng xính trong áo mới và chú đôi mắt cứ dại đi mỗi ngày. Trong những tấm ảnh sau này, dễ thấy mắt chú đã mờ đục đi, không hướng thẳng vào máy ảnh mà nhìn lạc sang đâu đó. Và thằng Ninh cứ lớn dần lên trong từng tấm ảnh như vậy, cao lớn cùng gốc mai ngày xưa. Thím thấy xúc động vì ít ra cũng nhìn ngó được chút chi sự lớn lên của thằng con mình. Lần mò mấy bộ áo quần hồi nhỏ của thằng Ninh, ngó giấy khen, sách vở của con, thím chảy nước mắt.

Chú tôi cứ khấp khởi mỗi ngày bởi ý nghĩ chắc hết hôm nay, sáng mai ngủ dậy thím sẽ nhớ ra mình. Sẽ chạy tới ôm lấy chú mà khóc lóc um sùm rồi lại nói cười rề rà cạnh chú. Nhưng kiên nhẫn và hy vọng có dài lắm cũng chỉ như một sợi dây gàu, kéo ba hồi cũng hết. Tôi hình dung, sự kiên nhẫn trong chú đã dần cạn kiệt. Lạ lùng, lúc chờ đợi hai mươi năm không đả động tới thì còn thương nhớ tin tưởng đó, tới hồi gặp nhau, lòng tin đã vơi đi. Lắm bữa chú thở dài khi trót nghe đôi ba lời xì xào của làng xóm, họ bảo chú mờ mắt nên dại. Biết vợ lưu lạc mấy chục năm vì nỗi chi rõ ràng, chắc chi đã bị lạc, chắc chi đã mất trí. Thiệt tình, họ hồ nghi có khi thím đi theo người đàn ông nào đó, đến khi cùng đường mới tìm về và thằng con nuôi kia biết mô là con đẻ. Những hoài nghi như một vết mực loang rộng dần ra trong tâm can chú, bứt rứt khó chịu, chú đâm hục hặc và khó tính. Đỉnh điểm là hôm rồi khi tìm không thấy cái ấm trà trong tủ, chú lớn tiếng la con Thảo một hồi. Sẵn bầu bì mệt mỏi nên sinh hờn giận, Thảo khóc ấm ức rồi bắt xe về nhà ngoại. Thằng Ninh lo vợ bụng mang dạ chửa phải chạy theo. Nhà còn mỗi chú thím.

Thím lẳng lặng tìm ấm trà, súc rửa sạch sẽ rồi đem bỏ chỗ cũ. Chẳng ai nói với nhau lời nào nhưng ngôi nhà lại ồn ào bởi những hoài nghi trách móc nhau ở đâu đó. Chú trách thím đi sao không đi luôn đi, về làm chi. Thím thì khổ sở vì không phải bản thân muốn vậy, vô tình quên dù đã cố ý nhớ. Những lúc đó mạ kêu tôi chịu khó qua ngồi uống trà với chú, để ngăn một cuộc bỏ đi nào đó.

Từ hồi thím về nhà tới chừ, thằng Ninh chẳng tỏ vẻ chi hồ hởi, nói năng hay mừng rỡ, không thể hiện là buồn hay vui. Tôi đoán nó hờn giận mạ hoặc cảm thấy tủi thân khi mình giọt máu đẻ ra nhưng không được mạ gần gũi chăm bẵm bằng anh Hải. Lúc con Thảo bỏ về nhà ngoại, thằng Ninh đi theo không mấy chần chừ, mạ tôi nói không khéo tụi nó tính ra riêng.

Cả nhà nháo nhào vì con Thảo bị ngã nên phải sinh non. Bác sĩ thông báo phải mổ gấp, nguy cơ mất mẹ hoặc mất con. Thảo bầu song sinh nên ai nấy đều lo tái mặt. Ninh khóc tức tưởi trong điện thoại đến thương. Tôi lấy xe chở thím vào bệnh viện, chú ở nhà đi tới đi lui thắp hương khấn vái. May ông bà phù hộ, ca mổ thành công, ba mẹ con Thảo không hề hấn chi. Hai thằng bé mới sinh nằm trong lồng kín hơn một tháng thì được cho về nhà. Bữa làm đầy tháng, nhà ngoại nó đông đủ, ai cũng khen con Thảo tốt phước, có bà mẹ chồng chu đáo tận tình. Thời gian con dâu nằm viện đến khi về nhà, mình thím lo vệ sinh tắm rửa cho con Thảo. Mạ Thảo mất sớm, hồi cưới Ninh, thím chưa về nên nó đinh ninh những ngày nằm cữ chắc tủi thân lắm. Bây chừ có mạ chồng chăm lo như mạ đẻ, nó bảo số nó còn may. Thảo kể xúc động nhất là bữa mạ chồng nhìn hai thằng nhỏ âu yếm rồi quay qua níu tay nó, bảo đừng giận ông nội, tức ba chồng nó mà tội. Thảo cười khì, tính nó dễ giận mà mau quên, chẳng bao giờ để bụng nên mệ cứ yên tâm.

Anh Hải cũng ra dự đầy tháng hai đứa nhỏ. Duyên nợ của anh với vùng đất này ắt còn dài khi anh bảo ra năm sẽ làm đám cưới với một cô gái ở trên thị xã. Lần đầu gặp, anh đã cảm tình vì cô gái nói giọng y hệt thím. Hải nắm tay chú tôi, nhờ chú mai mốt đứng ra đại diện họ nhà trai lo đám cưới cho anh. Hẳn từ hôm ấy, tâm trạng chú có chút đổi khác. Chú cười nói nhiều hơn, không còn đăm chiêu và thở dài. Vài ba phần nghi ngại chắc đã vơi đi bớt.

Ảnh Tết của gia đình chú thím năm nay khác lắm. Không chỉ có hai cha con lẻ loi đứng yên như tượng trước sân nhà, bên gốc mai nở bung vàng rực. Sự hiện diện của thím và vợ chồng Ninh cùng hai đứa cháu làm bức ảnh gia đình thêm đông đúc. Anh Hải dẫn cả bạn gái về, họ cũng có mặt trong tấm ảnh sum vầy Tết nhất đó. Chú tôi khoác vai thím, mắt hướng về máy ảnh cười tươi rạng rỡ. Tôi để ý một bàn tay của thím đang níu lấy cành mai, không nhớ gốc mai này là gốc thứ mấy chú trồng để thay thế vào gốc mai cũ đã chết khô từ mấy đợt lụt trước. Chú luôn muốn giữ hình ảnh ngôi nhà không thay đổi như từ lúc thím đi nên từng bóng cây, từng viên gạch có thay mới cũng na ná cái cũ. Hệt bao người xa nhau vẫn luôn muốn lưu giữ những gì từng chung đụng. Không biết sau này thím có nhận ra chú tôi, có nhớ lại từng ấy tháng năm sống cùng chú trong ngôi nhà này và bao buồn vui đã trải. Ngó bàn tay còn lại của thím vòng qua lưng chú, tôi nghĩ cũng chẳng cần mang vác ký ức hay kỷ niệm chi nhiều nữa, bởi ngày về của họ đã bắt đầu vui.

D.A

Diệu Ái
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 281 tháng 02/2018

Mới nhất

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Hội VHNT tỉnh trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm “Trường Sa - Quảng Trị: Sắc màu biên cương”

23/03/2024 lúc 16:22

TCCVO - Chiều 22/3, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị tổ chức trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm

Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực

18/03/2024 lúc 00:07

TCCVO - Chiều 15/3, tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, UBND tỉnh Quảng Trị và Ủy ban chính quyền tỉnh Savannakhet (Lào) phối hợp tổ chức Hội thảo “Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực”.

Liên hoan dân vũ chủ đề: "Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng"

16/03/2024 lúc 06:02

Chào mừng kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế phụ nữ (08/3/1910 - 08/3/2024), 1984 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng; Hướng đến kỷ niệm những sự kiện lớn của quê hương đất nước; kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7-2024), Sáng ngày 07/3/2024, Công đoàn viên chức tỉnh tổ chức Liên hoan dân vũ trong nữ Công chức, viên chức, người lao động (CCVCLĐ) năm 2024 với chủ đề “Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng”.

Phát huy vai trò “báo chí kiến tạo, báo chí giải pháp”

15/03/2024 lúc 07:05

TCCVO - Sáng ngày 13/3/2024, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hội nghị giao ban công tác báo chí tháng 1 và 2 năm 2024 và định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm tuyên truyền trong thời gian tới. Đồng chí Hồ Đại Nam, UVBTVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/03

25° - 27°

Mưa

31/03

24° - 26°

Mưa

01/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground