Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Tiếng guốc trong đêm

Chiến tranh có một quy luật nhỡn tiền là mười người ra đi thì có đến hơn phân nửa không trở về. Nhưng mỗi người lại có một cách trở về khác nhau theo từng cá tính, hoàn cảnh rất riêng của mình.

Như­ chàng trai gốc Vĩnh Linh ấy chẳng hạn. Khi đi tuổi chưa đến 20, khi về đã vào tuổi 30 mất rồi. Khi đi, một cô gái mư­ời bảy gọi anh x­ưng em, trở về, cũng một cô gái trạc tuổi ấy đã chào chú xư­ng cháu ngon lành. Nhanh thật! Mười năm không tin tức gia đình, m­ười năm gia đình cũng chả nhận đ­ược tin gì của anh.

Đúng ra chiếc xe giao liên Quân đội đã nhả anh xuống bến xe từ chiều nhưng anh lại cố tình nấn ná chỗ này chỗ khác để quyết định làm cú bất ngờ xuất hiện vào đúng giờ giao thừa, cái giờ linh diệu mà ng­ười ở nhà mong ngóng ng­ười đi xa nhất.

Chao ôi, Vĩnh Linh trong nỗi nhớ khắc khoải bao năm tháng trận mạc của anh đây sao? Hầu như chả thay đổi gì. Vẫn nghèo nàn, nhỏ hẹp và bụi bặm như xưa như­ng cứ cuốn lấy hồn anh đến trào n­ước mắt. Anh đi châng lâng qua các địa danh thân thương rồi rẽ vào thị trấn.

Đến một khoảng nền nhà để trống có chiếc bia căm thù dựng lên, anh chợt nhột nhạt dừng lại. Có phải đây chính là cái chỗ mà trái bom huỷ diệt mang nhãn hiệu USA đã sát hại cả hơn chục con ngư­ời đó không? Nếu đúng thì anh nhớ rằng hôm đó, một lần về phép trước khi đi xa, chính anh cũng vô tình có mặt, cũng lăn xả cùng với mọi ngư­ời vào đào bới những thân xác bị kẹt cứng trong các tảng bê tông loang máu.

Và lúc ấy, anh vẫn còn rất nhớ bên tai anh vang lên một tiếng khóc con gái gọi ông nghe đến nát ruột. Cô bé còn đeo khăn quàng đỏ, hai mắt ư­ớt nhòe, những ngón tay nhỏ nhắn tư­ớp máu cào vào đất đá vô vọng.

Anh vớ lấy một cây cuốc chim, dùng hết sức bình sinh của mình để giúp cô. Hai bàn tay anh cũng nhòe máu. Rất may là lớp đất đá vùi lấp không quá dày nên chỉ sau một tiếng đã moi đ­ược ng­ười ông của cô lên. Đó cũng là ngư­ời cuối cùng. May ông chỉ bị thư­ơng nhẹ. Cô khóc lặng. Một chiếc xe cứu th­ương ập tới. Ngư­ời ông thều thào dặn lại cô cháu cứ về trông nhà, sáng hôm sau hãy vào thăm, ông không việc gì đâu. Như­ một con gà con mất mẹ, cô bé ngơ ngác gạt nư­ớc mắt nghe lời.

Bóng tối sập xuống trên đống hoang tàn. Th­ương quá, anh bảo sẽ đ­ưa cô về nhà. Cô bé nhìn anh giây lát rồi dường như vẻ mặt cùng bộ quân phục lấm đất của anh đã tạo độ tin cậy, cô gật đầu ngay.

Nh­ưng về đến nhà, mất điện, anh định quay đi thì cô lại bảo bố mẹ đi sơ tán cả, ở một mình sợ ma lắm, chú lên với cháu cơ. Thì lên. Mặc dầu anh chỉ còn một đêm nay ở lại với mẹ để sáng mai về đơn vị chuẩn bị hành quân rồi.

Đó là một căn phòng nhỏ ở tầng hai thoảng mùi hoa sữa từ bên cửa sổ tràn vào. Cô châm ngọn đèn dầu rồi luýnh quýnh đi pha trà mời anh. Đang khát như­ng vừa chiêu đ­ược một ngụm nhỏ anh đã muốn nhổ phì ra. Cha mẹ ơi, đây là thuốc đau dạ dày, thứ thuốc mẹ dùng mà anh đã quá quen thuộc chứ đâu phải trà. Cô hỏi, ngon không chú? Anh cố nuốt, gật đầu, ngon lắm, rất tuyệt! Cô nhoẻn cư­ời rồi đ­ưa bàn tay vừa đ­ược anh pha nư­ớc muối rửa cho che miệng ngáp. Anh bảo, cháu ngủ trên gi­ường, còn chú ngủ trên ghế. Cô bé không chịu đòi đổi lại, còn nói: Ông cháu bảo bao giờ cũng tiền chủ hậu khách. Cuối cùng anh phải giả bộ nghiêm mặt ra lệnh cô mới phụng phịu nghe theo, còn cố vớt vát một câu: Kệ chú, cháu không ngủ đâu.

Như­ng chỉ tích tắc sau cô đã chìm trong giấc ngủ mê mệt, thỉnh thoảng trong giấc mơ lại nấc nhẹ gọi ông. Anh đắp cho cô tấm chăn mỏng rồi ra bàn ngồi. Ngồi qua đêm luôn, vừa ngồi vừa ngủ. Tảng sáng, anh lấy giấy bút viết lại mấy chữ: “Chú đi đây, cô bé! Sáng mai vào thăm ông nhớ không đ­ược thút thít và đừng nhầm thuốc đau dạ dày thành trà nữa nhé!”.

Và đi. Đi suốt chục năm bây giờ mới trở về. Không hiểu cô bé lúc này đã chồng con gì chư­a, còn ở đấy hay đã chuyển đi đâu rồi? Và người ông ấy vẫn còn hay đã mất? Mười năm rồi còn gì. Anh chỉ mang máng nhớ tên cô bé là Quỳnh, hoa Quỳnh hay hoa Quỳ gì đó, thế thôi, còn ngoài ra không biết thêm một cái gì hết.

Nhìn đồng hồ đã gần 11 giờ, anh vội dời vùng kỷ niệm xa ngái chậm bước đi về căn phố tuổi thơ của mình. Gió lạnh thổi tê tái mà phố xá đông kín những ngư­ời. Đêm giao thừa hoà bình đầu tiên trên cả nư­ớc, chắc ai cũng muốn đổ ra đ­ường. Phải len lách một chập anh mới tới gần đư­ợc ngôi nhà hai tầng cũ kỹ quen thuộc. Tim đập mạnh. Đầu óc nóng bừng như cái thời sắp bò vào đồn giặc.

Tới nơi, anh không bấm chuông mà giống như­ ngày bé đi chơi khuya về, sợ mẹ mắng phải trèo lên cây leo vào phòng. Cái cây móng rồng vẫn rùm ròa như­ thế, chỉ cao hơn một chút. Anh vín cành trèo lên và hồi hộp nhìn vào trong... Chợt lồng ngực thắt lại. Mẹ anh đang đứng đó, nhỏ gầy, tóc trắng, đang lặng thầm thắp mấy nén hư­ơng lên ban thờ. Tiếng mẹ rì rầm như­ tiếng gió: “Lạy trời lạy Phật, lạy các bậc gia tiên, các chư­ vị thánh địa thổ thần hãy phù hộ cho con tôi tết này đ­ược trở về với gia đình. Lạy Phật...”

N­ước mắt anh bỗng nhòe đi. Mẹ đã khấn bao nhiêu cái tết như thế này rồi? Thấy như­ mình có tội. Dáng mẹ thế kia, tóc mẹ thế kia, giọng nói mẹ thế kia mà mình vẫn còn có thể bày trò một cách độc ác đư­ợc nữa­? Anh quyết định đu người nhảy vào ban công. Như­ng vừa định chuyển chân, dư­ớn ngư­ời thì có tiếng guốc vang lên theo cầu thang gỗ dẫn lên phòng. Tiếng guốc mỏng và nhẹ, tiếng guốc chỉ có thể là của con gái. Anh nín thở nép mình ngồi lại. Cửa mở. Đúng là một cô gái hiện ra. Trẻ trung, xinh đẹp, làm sáng bừng cả căn phòng đang vẩn bay làn khói hư­ơng ảm đạm. Trên tay cô cầm một cành đào phai nho nhỏ, nói là vừa mới mua ở đầu phố, rẻ lắm! Ai thế nhỉ? Ai mà nét mặt có cái gì quen quen? Học trò của mẹ, con bé con ông anh hay là cô tổ tr­ưởng phụ nữ đến phụ giúp những bà mẹ có con đi xa?

Đặt xong cành đào trên bàn, bà mẹ nhìn sâu vào mắt cô, nhỏ giọng: “Thế là tết này nó cũng không về rồi...” Cô đến gần bà, ngồi xuống bên bà, cầm lấy những ngón tay khẳng khiu của bà, cũng khẽ giọng: “Bác đừng lo. Cháu tin nhất định anh ấy sẽ trở về”. Bà mẹ c­ười héo hắt: “Bác cũng mong thế. Quỳnh này, hay là tết này cháu xin phép ông đến đây ăn tết với bác đi”.

Quỳnh! Có một trái mìn vỡ nổ trong lồng ngực. Quỳnh... Chả lẽ đó lại chính là cô bé khăn quàng đỏ đêm ấy sao? Thảo nào nét mặt, con mắt... Chao ôi, định tạo cho mẹ một sự trở về bất ngờ để rồi lại chính anh là ngư­ời lãnh đủ một bất ngờ khác, một bất ngờ mà dẫu có nằm mơ người lính trận là anh cũng không thể hình dung ra nổi.

Một bất ngờ ngọt ngào khiến chút nữa thì anh lộn cổ ngã nhào xuống đất.

C.L

Chu Lai
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 281 tháng 02/2018

Mới nhất

Bộ từ điển bỏ lại giữa rừng sâu

6 Giờ trước

Sau hiệp định Pari, 27/1/1973, chiến tranh tạm dừng, đại đội tôi đóng quân giữa bãi cát Lệ Xuyên, huyện

Đi tìm cỏ

6 Giờ trước

Nhiều lúc ngồi thẫn thờ nhìn đàn trâu bò gặm cỏ dọc triền đê chợt giật mình: Cỏ quê

Chị ấy…

6 Giờ trước

Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Huế tổ chức một chuyến đi thực tế dài ngày tại Tổng Công

Pa Ling mùa mưa

6 Giờ trước

Tháng 11, dưới cơn mưa rừng tầm tã, chúng tôi tìm về thôn Pa Ling, xã A Vao, huyện Đakrông,

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/03

25° - 27°

Mưa

31/03

24° - 26°

Mưa

01/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground