Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Tiếng sáo của người hát rong

TCCV Online - Mọi việc bắt đầu từ hôm Mai vào chợ, tình cờ gặp cha con Điền trước cổng. Từ ngày ra trường, chuyện xin việc vốn đã khó, cộng thêm đôi chân đi tập tễnh, Mai xoay sở kiếm sống bằng nghề kinh doanh thời trang trên mạng. Ở cái thành phố mới này, nhu cầu ăn mặc của phụ nữ rất đa dạng, và Mai giới thiệu mẫu mã, giá cả, đưa hàng đến tận nhà...

Điền cất giọng, cái micro phát ra âm thanh rè rè, khê đặc và héo úa. Ca khúc bolero cũng theo đó mà lạc lõng, đứt quãng. Phía sau Điền lỉnh kỉnh dụng cụ loa đài phục vụ cho việc hát dạo, và hai hình hài ẻo lả, nằm trên một chiếc sạp tre có bánh lăn. Hai đứa trẻ thỉnh thoảng cựa quậy, nhe răng, cười mà không phải cười, ngây dại. Đó là những biểu cảm rối loạn của trẻ bị bại não.

Năm ba người vây quanh thoáng chốc. “Tội nghiệp! Gà trống nuôi hai con bị bệnh thế nớ, còn chi khổ bằng!”. Tiếng một bà già chép miệng. Mai cám cảnh bỏ vào chiếc mũ phớt cáu bẩn tờ năm mươi ngàn...

Lại một lần khác, Mai cũng không cầm được lòng, khi chiếc xe Điền đi qua. Lần này không phải nhạc bolero, mà là tiếng sáo trúc véo von trầm bổng, dặt dìu. Điền đang thổi sáo bài hát Mai rất thích. Tiếng sáo buồn buồn, nghe day dứt, cô bỏ vào chiếc mũ để ngửa tờ bạc mười ngàn đồng, thầm nghĩ giá mình có được nhiều hơn. Nhưng Mai vừa quay đi, đã nghe thấy những tiếng xầm xì. “Không biết mượn con ai, đi ăn mày khắp thiên hạ. Nghe nói mua được nhà đến mấy trăm triệu, lại có tiền gửi ngân hàng nữa đó!”. “Ôi trời! Rứa mà vẫn tiếp tục ăn xin. Có thừa đi bố thí cho loại người nớ...”.

Những thanh âm vây bủa, Mai bần thần cả người. Không hiểu ra sao nữa, cô đem chuyện kể cho nhỏ Giang, người bạn gái rất thân. Giang cười ngặt nghẽo: “Bà già ơi, đã gần ba mươi cái xuân xanh rồi đó. Không lo cho bản thân, lại lo việc bao đồng. Ốc chưa lo nổi mình ốc, lại muốn làm cọc cho rêu! Hơ hơ... Hay là... lại cảm cái tiếng sáo của anh chàng Điền rách rưới nớ mất rồi?”. Mai nghe thấy bực, sao chuyện đến như vậy mà nó còn trêu cười được. Dù có xì xầm về Điền nhưng Mai không tin. Đàn ông thân dài vai rộng, lại nhẫn nhục kiếm sống bằng cách ấy, hẳn có chuyện ẩn khuất...

Cười một lúc, Giang chợt nghiêm mặt, nói: “Vợ anh ta đâu? Mẹ bọn trẻ ấy?”. Ừ nhỉ, sao Mai không nghĩ tới? Câu hỏi của Giang làm cho Mai cứng họng...

Lần thứ ba, Mai gặp lại cha con Điền trước cửa chợ. Vẫn bản bolero héo úa và khê đặc phát ra từ chiếc micro cũ kĩ, thỉnh thoảng Điền lại thổi cây sáo trúc, thanh âm buồn đến nao lòng. Vẫn cái sạp tre có bánh lăn, hai đứa trẻ nằm co quắp, miệng méo xệch không biết cười hay khóc. Nhưng người đi chợ bước nhanh qua chỗ cha con Điền. Cái mũ phớt nhàu nát rỗng không. Rồi như hiểu ra sự tình, Điền ngửa mặt lên trời, cứ thế mà khóc nấc, không thành tiếng. “Ông trời ơi! Con tôi đó, nó như thế nào, mọi người không nhìn thấy sao?”. Mai thắt lòng, cô đặt vào lòng mũ tờ năm mươi nghìn đồng. Đầu óc cô lại cuộn lên với câu hỏi về cuộc đời Điền và người mẹ của hai đứa trẻ...

Mai đã tìm được ngôi nhà của cha con Điền. Tiếng sáo da diết, sầu muộn của người đàn ông đầy thân phận đã len lỏi vào giấc ngủ của Mai bao đêm khiến cô ngấm ngầm tìm kiếm. Một đám đông ồn ã đang vây lấy ngôi nhà.

Đám đông chừng mười người, phần đông là phụ nữ, đứng trước cửa ngôi nhà cấp bốn lọt thỏm giữa những nhà cao tầng sang trọng. Một bà già chép miệng ngậm ngùi: “Răng lại có chuyện đồn đại ác mồm ác miệng thế nớ không biết. Muốn triệt đường sống của mấy cha con họ a răng?”. Một chị trung niên thầm thì: “Có một cô trông rất đài các, thường ghé mua mỹ phẩm chỗ tui. Cô ấy rỉ vào tai tui, rằng hai đứa trẻ bại não là anh ta thuê của nhà ai đó...”. Cô gái trẻ làm nghề cắt tóc ở góc đường nơi Mai thỉnh thoảng ghé làm đầu, nhanh nhẩu lên tiếng: “À... Là cô Ánh Tuyết rồi.” Tuồng như đã thỏa mãn điều cần biết, họ lặng lẽ rút lui. Mai hiểu rằng, đám đông đến đây là để đòi lại số tiền họ đã ủng hộ cha con Điền.

Chỉ còn Mai trước ngôi nhà ống đơn sơ, tường gạch, mái lợp fibro xi măng. Và Điền, nhẫn nhục trước đám người vừa rút đi, trở lại bón cháo cho hai đứa trẻ nằm co quắp. Một tay đút cháo, tay kia không ngừng nắn bóp chân tay hai đứa. Bước chân tự nhiên đưa Mai vào ngôi nhà. Người đàn ông nhận ra Mai. Anh buông bát, lật đật đứng dậy. Sống mũi Mai cay cay. Trước mặt cô là người đàn ông khó đoán tuổi, người tầm thước, gương mặt sạm nắng, dáng vẻ từ tốn, cam phận. Mai khẽ ngồi xuống bên mép phản, cầm lấy bát cháo lóng ngóng bón từng thìa cho hai đứa trẻ. Cơ mặt, cơ hàm của bọn trẻ bị co rút khiến việc ăn uống khó khăn. Bát cháo trắng nấu nhừ, không có chút cá thịt. Có lẽ mấy hôm nay không ai cho cha con Điền đồng nào...

Không hiểu sao Mai chợt hỏi: “Sao anh lại có đám đất giữa khu đô thị sầm uất này?”. “Đất hương hỏa nhà tui đó cô! Ngày xưa đất này thuộc ngoại vi thị xã, vườn khá rộng. Từ ngày lên thành phố, rồi quy hoạch mở rộng, nhà tui thuộc nội ô… Con ốm đau tật nguyền, phải cắt bán dần, còn có mỗi chỗ này…”

Trên chiếc phản, hai đứa trẻ liên tục những cơn co giật, miệng méo xệch. Vật vã rất lâu Điền mới đút xong khẩu phần cho chúng. Xong bữa, chiếc phản chẳng khác gì bãi chiến trường. Thuận đà, Mai nói: “Hai cháu luôn phải có nguời túc trực, vậy chị nhà đâu mà không đỡ đần anh một tay?”. Điền cúi mặt, không trả lời. Mai chợt bối rối, đưa mắt nhìn sâu vào ngôi nhà đơn sơ, nghèo nàn của cha con Điền. Chợt Điền lí nhí, như có lỗi: “Chúng tôi ly hôn rồi...”.

Không hiểu sao, Mai chợt thấy đắng trong cổ họng. Cô lặng đi, không biết an ủi thế nào. Bóng râm từ ngôi biệt thự ba tầng sát nách bên đổ ra, ôm trùm ngôi nhà. Bất giác, Mai hỏi: “Ngôi biệt thự ni... cũng mua đất nhà anh?”. Điền không nói, khẽ gật đầu với sắc mặt u ám.

Lúc lâu, Điền nói, rất nhỏ, như chỉ vừa đủ cho chính mình nghe: “Chính ngôi biệt thự ấy, đã khiến vợ chồng tui ra thế ni đây...”. “Là răng, anh?”. Mai hỏi gấp, vì thấy hồi hộp. Bởi hình như đằng sau câu mở đầu của Điền, là lời giải cho câu hỏi về mẹ bọn trẻ. Nhưng Điền vẫn cúi đầu, thay vì trả lời, anh hướng mặt sang phía khác. Có thể anh ta thấy không nên vạch áo cho người xem lưng. Lát sau, dường như thấy như có lỗi với vị khách ân tình này, Điền quay mặt lại, vẫn cúi đầu, vẻ đau khổ: “Ngày trước, vợ chồng tui cũng có một tình yêu đẹp. Cô ấy yêu tôi, bất chấp tất cả để lấy tôi. Vậy mà… Tại số phận cay cực của tui. Và tại tui không giữ được bình tĩnh…”

 

Điền bỗng bật khóc. Nước mắt lăn trên hai gò má sạm đen, hốc hác. Mai thực sự bối rối. Lần đầu tiên cô thấy đàn ông khóc. Không bù lu bù loa, những đợt sóng cuộn lên từ sâu thẳm, khiến cho đôi vai rung giật từng đợt, khuôn mặt rúm ró. Mai đứng bật dậy, bước đến dây phơi rút chiếc khăn mặt trao cho Điền. Lúc sau, Điền lấy lại bình tĩnh, nói khẽ: “Xin lỗi cô...”. Rồi nối lại mạch chuyện bị bỏ dở.

Điền đi làm, vợ ở nhà chăm hai đứa con tật nguyền. Không hiểu sao hai vợ chồng đẹp đôi, trẻ trung, lành lặn, khỏe mạnh, lại sinh đôi một lúc hai đứa con bại não. Đôi lần, thấy Ánh Tuyết bần thần nhìn hai đứa con nằm co giật trên phản, lòng Điền như thắt lại. Anh thương Ánh Tuyết vô cùng. Vì yêu Điền mà Ánh Tuyết rơi vào nỗi bi đát này. Quả thật, anh không biết trong lòng vợ mình nghĩ gì. Bề ngoài, Ánh Tuyết vẫn đẹp và quyến rũ. Hình như sau sinh nở, Ánh Tuyết như được thay máu. Da trắng nõn. Người đầy đặn, săn chắc. Ánh Tuyết như biến thành người khác, rực rỡ hơn khi mảnh đất sát nhà khởi công xây biệt thự. Gã thầu khoán mỗi lần bước ra khỏi chiếc xe con bóng lộn, không thể không đưa mắt nhìn vào ngôi nhà cấp bốn có cô tiên nữ. Điền thấy thinh thích và tự hào vì có vợ đẹp lắm kẻ mê. Nhưng anh không biết rằng Ánh Tuyết đã ân hận khi gắn đời mình với người đàn ông nghèo khó. Ánh Tuyết mệt mỏi với việc suốt ngày chăm bẵm hai đứa con không ra hình người, mà lỗi đâu phải do cô, bác sĩ bảo do Điền bị nhiễm chất độc, hẳn là từ cái đận nhận làm thuê phun thuốc trừ sâu dạo trước. Từ bao giờ, trong đầu Ánh Tuyết vẩn vơ về một cuộc sống khác với hiện tại. Được thảnh thơi, được trưng diện, được e ấp dưới bóng người đàn ông lịch lãm nhiều tiền…

Khi ngôi biệt thự đổ xong tầng một, người cai thầu mà đám thợ xây quen gọi là giám đốc ấy dọn cho mình một phòng riêng trong đó, nói ở lại theo dõi công trình. Điền không biết giữa ông ta và Ánh Tuyết đã đi lại với nhau bao lâu. Chỉ biết một hôm anh về nhà, hai đứa trẻ vẫn nằm co giật trên phản nhưng không thấy bóng Ánh Tuyết đâu. Một lúc thì có cậu công nhân lẻn vào, rỉ tai Điền: “Anh sang phòng giám đốc, có người gặp”. Nói chưa xong, cậu ta đã biến mất. Điền vuốt vội áo quần, đĩnh đạc bước qua. Phòng giám đốc có hai ngăn, cách nhau bằng tấm cót ép cao qua đầu người. Ngăn ngoài là bàn làm việc. Ngăn trong là phòng ngủ.

Điền nghe tiếng rên rỉ mơn trớn buồng trong, nhưng cánh cửa thông bị khóa chặt. Anh định quay về, thì nghe thấy tiếng đàn bà trong cơn hoan lạc tột đỉnh. Đầu óc của người đàn ông có vợ đẹp vắng nhà, xui Điền làm cái việc vô cùng ngu ngốc là đứng lên ghế đẩu nhoi đầu nhìn sang. Điền choáng váng như vừa bị một cái tát trời giáng. Trên giường, hai người đàn ông đàn bà không mảnh vải đang trằn mình lên nhau. Cơ thể trắng nõn của Ánh Tuyết anh không lạ gì. Nhưng cô ấy bị mái tóc sổ tung che một bên mặt, lại bị tảng ngực người đàn ông che khuất, không kịp nhìn thấy chồng. Trong khi gã giám đốc chợt ngẩng đầu lên nhìn Điền, và hình như nhếch mép cười. Điền vội thụp người xuống, như thể mình là người bất lịch sự, và lủi nhanh...

Điền đã tát vào mặt Ánh Tuyết khi cô vừa bước chân về nhà. Cái tát thẳng tay, dồn nén ghen tuông của người đàn ông bị vợ cắm sừng. Đêm đó Ánh Tuyết viết đơn li hôn. Và Điền chưa nguôi cơn điên giận, đã ký phăng không ngần ngại. Cảm giác chữ ký của mình là một nhát dao chí mạng dành cho kẻ bội tình.

Một ngày, khi tỉnh rượu, Điền thấy nhà vắng hoe, chỉ mình nằm trơ với đứa con tật nguyền bên cạnh. Căn biệt thự bên cạnh cũng vắng. Nước mắt anh tự nhiên chảy ra. Những giọt nước mắt của cuộc đời tủi cực, bất hạnh và tuyệt vọng. Và Điền hiểu rằng, ngay cả không nhận cái tát của anh, Ánh Tuyết cũng ra đi. Nghĩa là, anh mất Ánh Tuyết mãi mãi...

Nhưng một hôm, Ánh Tuyết quay trở lại. Điền mừng run, tay chân luýnh quýnh. “May quá, em đã trở về. Cho anh xin lỗi, chúng mình...”. Điền nói và vồ vập đỡ đứa bé thứ hai trong tay Ánh Tuyết. Ánh Tuyết giờ đã trở nên sang trọng, đài các. Ngày tòa giải quyết ly hôn, mỗi người nuôi một đứa con. Ánh Tuyết ôm một đứa ra đi…

Nhưng Ánh Tuyết vẫn ngồi im. Ánh mắt cô chạm vào đứa bé kia đang nằm vạ vật trên chiếc giường ọp ẹp, nặng mùi. Có thể còn chút tình mẫu tử sót lại, cô bước đến bên thằng bé. Không hiểu sao, thằng bé đột nhiên chụp lấy cánh tay nõn nà của Tuyết, rồi cứ thế mà cấu, mà cắn như một cơn cuồng nộ, kèm theo những thanh âm không như khóc, không như van xin, chẳng thể cắt nghĩa gọi tên. Im lặng nãy giờ, Ánh Tuyết lạnh lùng, gỡ tay khỏi thằng bé, mắt nhìn ra sân: “Tui không về đâu! Dạo này gặp khó, tui gửi thằng bé nhờ anh chăm sóc, tiền nuôi dưỡng và quần áo gói trong bọc này. Khi thuận, tui về đón nó đi!”.

Điền chưng hửng, ngơ ngác, không tin ở tai mình. Ánh Tuyết đã đứng dậy, tất tả bước ra sân. Ngoài kia, chiếc xe của vị giám đốc xây dựng đang chờ.

Người đàn ông trung niên, béo tốt bảnh bao, nãy giờ ngồi trong xe, nhưng xem ra cũng nóng lòng chờ tin. Vừa thấy Ánh Tuyết mở cửa, ông ta đã vồn vã: “Thế nào? Anh ta có ý kiến gì không?” “Không, anh ta rất thương con, gì mà chả chấp nhận!”. Trước khi Tuyết ly hôn chồng, vị giám đốc xây dựng nói như đinh đóng cột: “Em ly dị được anh ta, anh dang tay đón ngay, cả đứa con kia nữa!”. Ly hôn xong, ông ta hồ hởi mở cánh cổng sắt căn biệt thự riêng cho mẹ con Ánh Tuyết vào thật. Lại thuê hẳn vú nuôi chăm sóc thằng nhỏ, Ánh Tuyết son rỗi như gái chưa chồng. Tất nhiên họ không thể kết hôn vì ông ta còn vợ con ở quê. Nhưng không sao, với Ánh Tuyết, sống thế này ngay cả trong mơ cũng không thể có. Cô như bà hoàng, cơm bưng nước rót, của ngon vật lạ, vàng bạc đầy người. Ông đi làm ăn, ký kết hợp đồng, gặp gỡ đối tác, lúc nào cũng có mặt cô. Ông ta phởn phơ khuôn mặt rượu thịt, tự đắc hả hê giới thiệu: “Thư kí mới của tôi đây, chúa không?”. Bạn bè, đối tác, nhìn cô lác mắt. Ánh Tuyết nở từng khúc ruột, khấp khởi ơn trời. Cô không hay biết trong giới làm ăn, truyền đi lời sấm, rằng trong nhà có một đứa con tật nguyền, gia chủ tiền vào như nước. Thần tài mà! Không ngày nào, tay giám đốc không vào buồng thằng bé, thơm thít chiều nựng “thần tài” như con đẻ. Đôi khi cao hứng, ông ta ư ử rồi cất giọng ngâm nga...

Nhưng ông ta dần thất vọng. Thời gian có nó, việc làm ăn dần lừng khừng, có chiều đi xuống. Ông ta không cười nhăn nhở cưng nựng, thậm chí không ghé nhìn thằng bé như mọi ngày, đôi khi còn nóng nảy đá thúng đụng nia, khi nhìn của nợ đó trong nhà. Cuối cùng, ông ta dứt khoát tống khứ vị “thần tài” ấy ra khỏi cửa. “Em chọn đi. Hoặc ở lại, thì không có thằng bé. Hoặc có thằng bé, thì ra khỏi nơi này!”. Tất nhiên Ánh Tuyết không muốn ra khỏi ngôi biệt thự mà người tình hứa sẽ cho cô đứng tên...

***

Mai vẫn ghé nhà cha con Điền dù lòng cô lúc bất an. Nhưng cứ nghĩ đến hai đứa trẻ sinh đôi oặt oẹo không ra hình người và người đàn ông khắc khổ, Mai lại thấy sống mũi cay cay. Kiếm được ngày hai bữa ăn cho con đã khó, anh còn phải xoa bóp, phục hồi cơ bắp cho bọn trẻ. Việc này rất cần có bàn tay thường xuyên của phụ nữ. Thế mà Điền chỉ có một mình, cần mẫn, vừa làm cha, vừa làm mẹ, vú nuôi...

Thấy Mai bước vào, hai đứa trẻ cố lết dậy, cào cào vào mặt Điền. Mai lo lắng hỏi: “Hai đứa hôm nay sao vậy?”. “Không sao đâu cô. Chúng muốn tui đi rót nước mời cô uống, và để cô xoa bóp cho chúng như mọi lần...”.

Từ ngày quen biết cha con Điền, Mai chăm chỉ tìm hiểu những thông tin về bệnh của bọn trẻ. Cô hiểu rằng, bại não là bệnh thần kinh trung ương, làm rối loạn về vận động. Tỉ lệ chữa thành công rất ít. Cách hỗ trợ điều trị an toàn và hiệu quả nhất hiện nay là vật lí trị liệu phục hồi chức năng. Giúp khắc phục những hoạt động ức chế khác thường, tránh được các biến dạng co rút cơ và khớp, giúp trẻ có kĩ năng phát triển vận động, các dây thần kinh được rung lên và nhận thức xuất hiện.

***

Một bộ váy thời thượng ba trong một xuất hiện thu hút nhiều sự chú ý. “Em ơi, chị ở số nhà... đường... Em đưa đến cho chị, bộ màu đen và bộ màu tím than...”. Mai mừng húm, nhanh chóng lấy hai bộ váy như khách yêu cầu, lên xe phóng đi.

Ngôi biệt thự làm Mai choáng ngợp bởi sự sang trọng, thâm nghiêm của nó. Cửa nách hé mở, và một người đàn bà trong bộ đồ lụa màu trắng ngà vẫy cô vào.

Người đàn bà ra hiệu cho Mai ngồi chờ ở phòng khách, đoạn cầm hai cái váy Mai đưa cho, đi vào lối bên. Lát sau bước ra, Mai ngỡ ngàng, chị ta đã thành một con người khác trong bộ váy ba trong một.

Nhưng Mai chợt giật thột! Người đàn bà này Mai đã nhìn thấy ở đâu rồi nhỉ? Phải rồi, trong bức ảnh cưới treo chỗ ngủ của cha con Điền. Chị ta tên Ánh Tuyết? Đúng rồi! Mai đã gặp được mẹ đẻ của hai đứa trẻ nhà Điền. Bất giác, Mai bật hỏi: “Chị từng là vợ... của anh Điền phải không?”. Tuyết đang cao hứng chợt chùng xuống, đăm chiêu. Chị ta đến ngồi chiếc ghế bên cạnh Mai: “Răng em biết chị?”. “Em thỉnh thoảng có ghé qua thăm hai đứa trẻ. Và trông thấy chị trong bức ảnh cưới...”. Đôi mắt người đàn bà chợt tối sầm lại, nước mắt ứa ra. “Chị cũng khổ tâm lắm em ạ... Chị không hiểu mình ra răng nữa! Chị không thể chôn vùi nhan sắc trời cho suốt đời trong cái mớ bèo nhèo ấy”. “Chị sung sướng đã đành! Nhưng sao lại tung tin đồn thất thiệt?”. Người đàn bà mở to mắt nhìn Mai, đổi cách xưng hô: “Cô lấy tư cách gì mà mắng tôi? Tôi hận anh ta đấy! Anh ta khinh tôi không thèm lấy những đồng tiền nhơ bẩn. Để xem, không có tiền anh ta sống được không?”. “Chị tàn nhẫn quá!”. “Á!.. Xin chào Bồ Tát! Bồ Tát muốn thì cứ lao vào đi. Tôi cho không cô đấy!”. Như sực nhớ ra điều gì, Ánh Tuyết bật cười khanh khách: “Hay là... lại phải lòng cái anh chàng Điền cuộc đời rách như tổ đỉa kia rồi? Khơ khơ khơ... Tôi cũng cho không nốt. Ngày xưa, mười bảy tuổi, tôi đã mê anh ta mất cả hồn vía, vì anh ta hiền, anh ta thổi sáo hay. Cha mẹ, bạn bè, khuyên bảo thế nào tôi cũng không nghe, tôi quyết lấy cho bằng được. Và ông trời đã trừng phạt sự bướng bỉnh của tôi. Nhưng cô là Bồ Tát, cô có niềm tin, có nghị lực, có lòng nhân từ... Khơ khơ khơ!..”. Người đàn bà nhả một tràng cười giễu mỉa, rồi quay ngoắt bỏ vào trong, sau khi đặt trước mặt Mai số tiền hai bộ váy...


* **

Mai trằn trọc nghĩ về tiếng cười khả ố và những câu nói nửa mỉa mai khinh thường, nửa thách thức của Ánh Tuyết. Cơn cớ gì chuốc bực vào thân? Nhiều lúc cô cố dằn lòng, mặc kệ người đàn ông và hai đứa trẻ ấy. Nhưng chỉ được dăm ba hôm, lòng Mai như có lửa đốt. Cô không cầm lòng được, cô lại đến nhà Điền.

Mai đưa lên facebook những hình ảnh của hai đứa trẻ. Kiên trì, hết ngày này sang ngày khác. May mắn thay, một trong số hàng ngàn tài khoản theo dõi trang cá nhân của Mai, có một tổ chức từ thiện ở Mỹ. Có lẽ họ động lòng trước vẻ thiết tha và sự kiên trì của Mai, đã đề nghị cô gửi sang những bức chụp cắt lớp bộ não hai đứa. Ít tháng sau cô nhận được văn bản, họ chính thức đứng ra bảo lãnh chữa trị hai đứa con nhà Điền.

Mai mừng bao nhiêu thì Điền buồn lo bấy nhiêu. Trong thư bảo lãnh, họ cho phép hai vợ chồng Điền đưa hai con cùng sang. Họ sẽ bố trí việc làm cho hai người ngay tại trung tâm y tế trong quá trình bọn trẻ điều trị. Mai cũng đã nghĩ đến điều này, ngay cả họ chỉ bảo lãnh một người, thì cũng cần một người nữa tháp tùng. Chỉ một người lớn, không thể đưa hai trẻ này đi. Nhưng đây là cơ hội, gần như cuối cùng. Mai định nói: “Em sẽ đóng vai người mẹ. Căn bản là chúng được chữa trị để thành người.”


Giang khi nghe ý định của Mai mở to mắt: “Răng không làm đám cưới thiệt đi, mà phải giả? Bà giỏi thiệt! Tui bái phục nghị lực của bà đó...”.

***

Lại một người đăng kí mua bộ váy ba trong một. Mai ngớ ra khi địa chỉ là ngôi biệt thự sang trọng nọ. Nhưng đón Mai không phải Ánh Tuyết, mà là một cô gái trẻ măng. Cô nàng hỏi: “Chị tìm ai?”. “Tôi tìm cô Ánh Tuyết”. “Ánh Tuyết nào nhể?”. “Ánh Tuyết, vợ của giám đốc xây dựng, chủ ngôi biệt thự này?”. “Ôi trời!  Chẳng có ai là vợ ông chủ đâu chị ơi, kể cả bà đứng tuổi có đăng ký kết hôn ở quê. Chỉ nhan sắc là vợ ông thôi. Nên giờ, em mới là vợ ông ấy. Còn cô Ánh Tuyết, đã được sang tên cho một đại gia U70, họ dắt nhau vào Nam rồi...”


***

Một giờ trước khi máy bay cất cánh, Mai và cha con Điền đã có mặt trong phòng đợi. Hai đứa trẻ ngồi trên hai xe lăn. Chúng khá lên rất nhiều, những hành động không như ý muốn đã được kiềm chế. Đôi mắt, khuôn mặt đã có biểu cảm tốt hơn. Miệng nói đã tròn âm một số từ. Điền cũng trở lại người đàn ông chững chạc. Nhưng hình như anh bị choáng ngợp trước một chuyến đi xa chưa hình dung ra thế nào và trước một sân bay hiện đại lần đầu đặt chân đến. Vẻ bồn chồn, một chốc anh nói nhỏ vào tai Mai, nhờ cô trông hai đứa trẻ, anh đi rửa mặt chút xíu. Mai khẽ cười gật đầu, cô hiểu tâm trạng anh.

Điền vừa đi khuất, từ phía cầu thang, tiếng một người tiếp viên vọng lại: “Bác tìm ai để cháu giúp ạ?”. “Tôi tìm con gái tôi!”. Nghe giọng nói, Mai ngoái lại. “Mạ!”. Người đàn bà tóc điểm bạc, gương mặt phúc hậu, gần như ào tới bên Mai, rồi khựng lại. Bà đăm chiêu nhìn vào hai chiếc xe lăn nơi hai đứa trẻ đang ngồi, nghẹn ngào nói không thành tiếng: “Tình yêu của con là đây hả Mai? Tương lai của con thế này đây hả Mai?”. Nói rồi nước mắt bà cứ lăn dài. Mai cũng giàn giụa. “Mạ, con xin lỗi mạ!”. “Mạ nuôi con lớn ngần này, mà sao không có khôn hả Mai?”. “Nhưng bọn trẻ đáng thương lắm! Anh ấy cũng hiền và thương con, mạ đừng lo…”. “Ờ, mạ già rồi, có muốn cũng không lo được chi… Bây lớn rồi, tự quyết mọi việc được rồi, cần chi bà già này nữa!”. Mai ôm lấy mẹ từ phía sau: “Mạ, con thương anh ấy, thương bọn trẻ, con đi rồi về sớm thôi!”. Một chốc, bà mẹ thôi khóc, Mai thấy lòng nhẹ nhõm như vừa cất được gánh nặng. Tiếng loa thông báo đến giờ hành khách qua cửa an ninh. Mai đến bên hai đứa trẻ, đưa mắt ngóng tìm Điền. Bà mẹ già như sực nhớ ra điều gì, vội vàng đưa tay lần túi áo lấy ra một gói nhỏ dúi vào tay Mai: “Mạ có ngần này, con cầm lấy sang bên đó phòng khi cần …”. Mai nhìn mạ, nước mắt cô lại giàn giụa. Nhưng không phải vì buồn tủi… 

 N.T.L.N

Nguồn: Văn nghệ Quân đội

Nguyễn Thị Lê Na
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 288 tháng 09/2018

Mới nhất

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Hội VHNT tỉnh trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm “Trường Sa - Quảng Trị: Sắc màu biên cương”

23/03/2024 lúc 16:22

TCCVO - Chiều 22/3, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị tổ chức trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm

Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực

18/03/2024 lúc 00:07

TCCVO - Chiều 15/3, tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, UBND tỉnh Quảng Trị và Ủy ban chính quyền tỉnh Savannakhet (Lào) phối hợp tổ chức Hội thảo “Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực”.

Liên hoan dân vũ chủ đề: "Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng"

16/03/2024 lúc 06:02

Chào mừng kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế phụ nữ (08/3/1910 - 08/3/2024), 1984 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng; Hướng đến kỷ niệm những sự kiện lớn của quê hương đất nước; kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7-2024), Sáng ngày 07/3/2024, Công đoàn viên chức tỉnh tổ chức Liên hoan dân vũ trong nữ Công chức, viên chức, người lao động (CCVCLĐ) năm 2024 với chủ đề “Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng”.

Phát huy vai trò “báo chí kiến tạo, báo chí giải pháp”

15/03/2024 lúc 07:05

TCCVO - Sáng ngày 13/3/2024, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hội nghị giao ban công tác báo chí tháng 1 và 2 năm 2024 và định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm tuyên truyền trong thời gian tới. Đồng chí Hồ Đại Nam, UVBTVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/03

25° - 27°

Mưa

31/03

24° - 26°

Mưa

01/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground