Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 25/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Về nhà

TCCV Online - Trâm bảo, giọng bình thản “qua ôm cổ thơm bà ngoại đi con, mai bà về rồi”. Thằng bé hớn hở chạy lại, ghì lấy cổ chị, áp cái miệng xinh xinh vào má chị. Mùi sữa, mùi phấn thơm và cả cái mùi trẻ con làm chị thấy lòng mình thật dễ chịu. Ừ, mai chị về rồi.

Anh đã gọi điện từ mấy hôm trước, hỏi khi nào chị về. Chị ừ hử, chẳng biết nói sao. Chị chỉ muốn mình được ở mãi trên này, bên mấy đứa con đang đi học đi làm, bên đứa cháu ngoại lên 4 đáng yêu mà thôi. Chị muốn được chăm sóc con và cháu, được hưởng cái không khí sum họp đầm ấm và đông đúc, được bận rộn thật sự với chợ búa, cơm nước chờ con về, được qua chơi với cháu mỗi tối, và đi chung với con dọc ngang ngoài đường… Những thứ tưởng đâu bình thường, tưởng đâu làm người khác phát ngán đó chị khao khát được có mãi, và làm chị phải nhói lòng khi dứt bỏ. Chị ước ao gì mình đừng phải rời xa.

Nhưng, mai chị phải về rồi.

Về nhà. Căn nhà nằm lọt thỏm trong một khu vườn rộng, cách xa bầy con gần ba trăm cây số. Nơi xa hàng xóm đến độ gọi không nghe tiếng, nhìn không thấy mặt. Chỉ nghe vẳng tiếng xe từ tít ngoài lộ vọng vào, mơ hồ và xa xăm. Nơi những đứa con chị chào đời, lớn lên, rồi lần lượt từng đứa rời xa chị, bay đi. Như một đàn chim nhỏ, chúng tập vỗ cánh, tìm cho mình một phương trời riêng. Cũng may, rồi chúng cũng tụ họp lại bên nhau, trong một căn phòng thuê nhỏ xíu, thằng anh đi làm, hai đứa nhỏ cũng sắp ra trường. Riêng Trâm thì ở nhà chồng, gần đó. Chị cũng tạm yên tâm, bởi bốn đứa con đều ăn học đến nơi đến chốn, chưa làm gì để chị phải hổ thẹn với đời. Hay nghĩ thật lòng, chị cũng ít nhiều tự hào về bản thân mình, về thành quả mà những năm tháng thanh xuân mình ươm trồng.

Nhà chị khá rộng, lát gạch màu đỏ. Chị bước chân trần lên cứ thấy lành lạnh, gai gai. Gác gỗ, thêm hai phòng nhỏ của con. Chị mỗi ngày mỗi quét bụi, dọn dẹp. Ừ, biết đâu có đứa nào về bất ngờ, nó sẽ thấy cái ổ ngày bé thơ của mình được mẹ giữ gìn, cũng y chang như lúc còn ở nhà vậy. Chị thơ thẩn ra vào, như thấy lại hình ảnh thằng Út hay ngồi gác chân lên bàn, thường bị chị nhắc nhở. Thấy đứa con gái nhỏ chăm chỉ, tính tình hơi trầm lặng, có lúc chị bắt gặp con ngẫm ngợi bên bàn học. Thấy Trâm hay ngồi trước sân mơ màng. Thấy dịp mấy đứa nhỏ cùng về xúm xít bên mâm cơm, với những món ăn ngon lành chị nấu, sì sụp chan húp. Thấy lũ con vừa ăn vừa chọc giỡn lẫn nhau, vừa bàn về việc chút nên đi tát đìa bắt cá hay nên ra vườn tìm xoài chín đầu mùa. Rồi tối nay cả nhà mình sẽ coi phim hay “chơi bài ăn quỳ” nhỉ… Chị ngồi lặng thinh, nghe lũ con lao xao cấu véo lẫn nhau mà nghe hạnh phúc rưng rưng đi ngang qua lòng, nghe niềm vui tràn ngập căn nhà lộng gió.

Giờ thì nhà chỉ còn chị và anh. Mà anh thì đi suốt. Công việc, họp hành, tiếp khách, bạn bè… Mỗi sáng, anh thức dậy, ra vườn. Rồi tắm, thay đồ đi làm. Hoạ hoằn lắm thì có buổi trưa anh tạt ngang nhà, ăn chung bữa cơm với chị. Rồi lại đi. Và giờ về thì vô định. Anh thường trở về trong cơn say. Về là lăn ra ngủ. Có khi anh về, cũng không biết là chị vẫn đang còn thao thức. Ở độ tuổi này, hình như người ta ngày càng ngủ ít đi. Khó ngủ. Không muốn ngủ. Mà chị thì biết làm gì để ngày tháng đi qua nhanh hơn bây giờ?

Đôi lúc, muốn nói chuyện với anh, muốn kể với anh việc gì, muốn than thở hay giận hờn anh, chị cũng chẳng có cơ hội. Chị vò võ trong chính căn nhà mình. Một căn nhà vắng lạnh, thiu thỉu một nỗi chờ mong. Một người đàn bà nhà quê, suốt ngày tơ tưởng đến con, đến cháu. Chị tưởng mình như một cái bóng, âm thầm ra vào những đêm chỉ có tiếng tắc kè làm bạn. Chị thèm được trò chuyện với ai đó, thèm được chăm sóc lo toan, thèm được có ai chia sẻ vô cùng. Chị chỉ còn biết mong ngóng những dịp lễ tết, những ngày nghỉ hè, những lúc có thể thu xếp lên thăm con, thăm cháu như lúc này.

Từ khi còn trẻ, chị đã dành trọn thời gian quẩn quanh với việc nội trợ, vui với những tấm bằng khen mà bốn đứa con mang về. Vui với đám cưới của đứa con gái lớn. Vui với những tin tức Trâm “cập nhật” cho chị mỗi ngày về mỗi bước lớn khôn của đứa cháu đầu tiên. Vui với việc làm ổn định của thằng con trai kế. Vui với bảng điểm của cô con gái giữa, ở một trường đại học có tiếng. Vui với việc chăm chút cho thằng Út, dù năm nay cu cậu đã cao hơn chị cả một cái đầu, vững vàng và chững chạc. Mỗi khi ra ngoài với con, chị ngồi phía sau, cảm giác bình yên và yêu thương ngập tràn. Cảm giác mãn nguyện và hài lòng với chính mình. Chị biết, vậy là mình đã chẳng uổng cả một đời dành cho con, cho gia đình rồi.

Chị thường khép hờ cửa khi đi ngủ, không khoá. Để nhiều đêm anh về, chị cũng chẳng cần ra mở cửa. Chỉ có con Su thức coi nhà, vẫy đuôi mừng rối rít. Tiếng xe quen thuộc của anh cứa vào đêm miền quê yên ả. Tiếng xe đủ để chị biết anh đã trở về, đủ để chị biết là các con mình vẫn còn một người đàn ông để kêu bằng cha. Một tiếng kêu cho trọn vẹn với đời. Một mẫu gia đình đầy đủ mẹ cha và con cái thì học hành đỗ đạt, đủ để anh ra ngoài tự tin và mạnh dạn giao tiếp. Giữa thời buổi mà người ta bỏ nhau còn dễ hơn khi người ta đến với nhau này, chị muốn con mình vẫn có được niềm tự hào khi có đủ mẹ đủ cha. Niềm tự hào mà chị mang cả cuộc sống cô đơn của mình ra đánh đổi.

Chị nhổ cỏ trong vườn. Chị cho cá ăn. Chị tưới rau sân sau. Chị may áo cho cháu ngoại bằng những miếng vải nhỏ ráp lại. Chị gọi điện thoại cho con, từng đứa. Tiền điện thoại hàng tháng trở thành một khoản chi đáng kể. Chị đi chợ, phân vân trước những hàng thức ăn quen thân. Biết mua gì, nhà chỉ hai người, ăn có bao nhiêu. Mà thật ra thì hình như cũng chỉ còn mỗi mình chị. Hôm nay, có loại cá mà thằng con trai thứ hai ưa lắm đây, phải chi có nó ở nhà. Sầu riêng đang mùa, rẻ và ngon quá, Trâm ưa nhất thứ trái cây này. Có mấy con tôm đất tươi rói, đang nhảy tanh tách làm chị nhớ cháu ngoại da diết. Thằng bé vốn ưa cầm con tôm luộc đỏ rực trên tay, cắn ăn như mèo. Qua mấy vòng rồi mà cái giỏ vẫn còn nhẹ tênh trên tay. Chị bỗng thấy mình đi chợ mà cứ thở dài.

Chị vừa giặt đồ, vừa nhớ đến hai đứa lớn cứ khăng khăng đòi mua máy giặt. Chị cản hoài, bảo mình có làm gì đâu, giặt tay cho nó sạch, vả lại cũng để khuây khoả. Dù đôi lúc áo anh nghe thoảng mùi nước hoa hay một loại mỹ phẩm gì đó. Chị cũng không buồn, không ghen. Nghe lòng mình lạnh tanh trống trải. Như đã quen vậy, như đã hiểu hiển nhiên là vậy. Gần ba mươi năm chung sống, anh đi làm, lo kinh tế cho cả nhà. Chị dù muốn dù không cũng chẳng thể bỏ mặc nhà cửa và những đứa con cần bàn tay chăm chút của người mẹ. Với lại, ở miền quê này, những người phụ nữ sống cuộc sống như chị cũng là bình thường. Và những người đàn ông như anh cũng là bình thường. Nhưng chị không khỏi đôi lúc cảm thấy chạnh lòng. Nhất là những lúc cơm canh không vừa miệng, anh bực dọc lầm bầm, chỉ ở nhà chơi không mà cơm nước cũng chưa xong. Chị nghe và chỉ muốn bỏ hết những việc nhà không tên tất bật để đi làm, tự quyết định cuộc sống của mình, tự mình làm chủ cuộc đời mình. Nhưng giờ thì… Năm tháng qua dần làm lòng chị bình yên và nhẹ nhõm hơn, biết chấp nhận hơn thì phải. Chị quen với việc anh như khách trọ trong nhà. Quen cả với việc anh đưa tiền như ban phát. Quen với việc anh quên chị cũng là một người phụ nữ, cũng có niềm vui nỗi buồn, cũng biết cô đơn và cần có người bầu bạn biết chừng nào…

Chiều muộn rồi. Trâm đón con xong thì chở chị đi mua ít bánh trái làm quà. Thằng nhóc đứng ở đằng trước, chị níu chặt hông con từ phía sau. Trâm bươn bả giữa dòng người giờ tan sở, ngột ngạt với cái “nồi cơm điện” trên đầu. Nghe con than khát nước, Trâm bỗng quay lại hỏi chị có mệt không. Hình như khi làm mẹ rồi, Trâm luôn nhớ rằng mình cũng còn có một người mẹ. Chị nhìn Trâm dành tình yêu thương vô bờ cho con và hiểu, tâm hồn nó cũng bao la như tấm lòng mọi người mẹ trên đời. Chị cũng hiểu rằng, rồi hai đứa con gái chị sẽ đi con đường rất khác đời chị. Chúng được chị cho đi học, rồi đi làm, mạnh mẽ và độc lập, hiện đại và tràn đầy tin yêu vào cuộc sống. Chúng sống cho những mơ ước và niềm vui mà chị chưa kịp biết đến.

Mai chị về. Chị hình dung Trâm sẽ thức sớm, khèo khèo con, rủ: dậy qua chào ngoại không con? Đứa con trai nhỏ sẽ cười rúc rích, hỏi: hôm nay là chủ nhật, không phải đi học đúng không mẹ? Chút mẹ cho con đi công viên, trưa mẹ ngủ với con, mẹ nhé. Chị cũng đoán ra Trâm sẽ lừng khừng giữa việc qua tiễn mẹ hay không. Trâm sợ cảnh chị ngồi lên xe thằng em, khuất dần. Nó sợ mình khóc. Rồi thì cháu ngoại chị lại ngạc nhiên và bối rối níu tay hỏi, mẹ sao vậy mẹ, sao vậy mẹ? Mẹ khóc vì bà ngoại đi về, không chơi ô tô với con nữa à? Thôi, mẹ nín đi, có con đây mà…

Chẳng lẽ lúc đó Trâm lại bảo, mẹ buồn vì phải xa mẹ của mẹ, thì… kỳ quá, phải không con?

H.M

Nguồn: Báo Thừa Thiên Huế

Hoàng My
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 289 tháng 10/2018

Mới nhất

Giường sắt có tốt không? Địa chỉ mua giường sắt uy tín?

23 Giờ trước

Giường sắt là một trong những đồ dùng nội thất không thể thiếu trong mỗi căn nhà, để đảm bảo cho gia chủ có một nơi nghỉ ngơi sau ngày dài mệt mỏi. Ngày nay, giường sắt đang khá phổ biến trên thị trường. Nếu bạn đang tìm hiểu về loại giường này và muốn tìm cho mình một địa chỉ mua giường sắt uy tín và chất lượng hiện nay thì đừng bỏ qua bài viết dưới đây của Công Ty Cổ Phần Nội Thất Đại Thành.

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

26/04

25° - 27°

Mưa

27/04

24° - 26°

Mưa

28/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground