Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 20/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Thung lũng sắc sương

Bốn giờ sáng, sương mờ đục không thấy người chỉ nghe tiếng nói và tiếng bước chân lao xao men theo vách núi. Con đường nhỏ dẫn ra thị trấn là nơi Lùa thường hay gùi hàng ra bán. Hôm nay vắng người, đường rộng hơn, vừa đi vừa nhìn sang hai bên vách núi, Lùa như đang chạy. Một bàn tay đặt lên miệng không cho Lùa nói, Lùa cố gắng gỡ bàn tay ra, nó càng xiết chặt hơn. Bàn tay còn lại đặt lên ngực Lùa bóp nhẹ, toàn thân Lùa căng lên và bất chợt mọi thứ hừng hực, quấn quýt, đê mê, Lùa nghe có cái gì đó tuồn vào người mình.

Bé Lơn tròn ba tuổi đã lẽo đẽo theo Lùa ra chợ, gió thôi u u khi hai mẹ con qua đỉnh dốc. Mấy quả cam trên gùi rớt xuống đường lăn cong cóc, Lơn nhặt lên, Lùa ngồi xuống, quả cam được bỏ lại gùi. Tới quãng đường dốc khác nó lại lăn long lóc.

Thầy Hưng hay mua cam cho Lùa, mua nửa gùi, có khi mua hết cả gùi. Mua mang về cho gia đình dưới đồng bằng. Thầy bảo thế khi Lùa hỏi sao mua nhiều. Dường như mua cho có lệ, chứ thường hàng hóa phải mặc cả, thầy Hưng thì không, tiền thừa thối lại, thầy không lấy.

Bé Lơn mắt sáng giống thầy Hưng, miệng cười giống thầy Hưng, cả hoa trên ngón tay cũng giống thầy Hưng. Lùa nhận ra điều đó và nhiều lần Lùa nghi ngờ người sáng hôm ấy là thầy Hưng. Lùa đã nói như thế khi thầy Hưng cầm quả cam xem. Bàn tay phải của thầy có ba cái hoa tay, con Lơn của Lùa nó cũng có hoa tay trên các ngón ấy. Nghe thế, thầy Hưng cười nhưng rụt bàn tay lại. Từ đó thầy vẫn mua cam nhưng hai tay đặt vào túi quần, Lùa tìm mọi cách để xem bàn tay còn lại, và nó có hai cái hoa tay, đúng như tay Lơn.

Đến cả mùi mồ hôi cũng giống, Lùa nói bâng quơ. Lơn nhíu mày hỏi mẹ, con giống ai? Lùa lảng sang chuyện khác, nhưng không quên mùi mồ hôi của người đó. Chỉ cần thoảng qua, cả con tim yêu trỗi dậy, rạo rực. Đến bây giờ nhớ lại, Lùa vẫn cứ tưởng cái sáng hôm đó còn đây, tay đặt lên ngực vân vê, tay đặt lên miệng há hốc. Và Lùa thét lên âm thanh lạ, Lơn nhìn mẹ không hiểu, Lùa đã rụt hai tay lại thu vào váy áo.

Rất nhiều lần Lùa muốn gặp thầy Hưng để hỏi, người hôm ấy có phải là thầy không. Nhưng Lùa không thể hỏi chuyện sỗ sàng như thế, mà thầy Hưng cũng không dễ chấp nhận câu hỏi như thế.

Gái bản ra chợ huyện nhiều, xuống chợ thì ai cũng đẹp nhưng Lùa là đứa đẹp nhất. Môi son, mắt đen, tóc mượt, hai gò má ửng hồng. Dù trong sương núi mênh mang hay ánh bình minh thì nhan sắc của Lùa cũng dễ dàng nhận thấy. Thị trấn nhiều đứa con trai giàu có ưng Lùa, không biết chúng có muốn lấy Lùa làm vợ không nhưng đứa nào cũng bảo yêu. Nhiều đứa rủ Lùa đi chơi với chúng, đi xe ô tô hẳn hoi, có nhà hàng để ăn, khách sạn để ngủ. Lùa từ chối, chấp nhận một cuộc tình với bàn tay đặt lên miệng và cánh tay kia dịch chuyển Lùa về đám cỏ, thịt da bị trầy xước hết bởi cỏ lau và gai góc nhưng Lùa không hề oán, đó cũng là cái mình tự nguyện.

Chợ lao xao và đông dần lên vào lúc năm giờ sáng. Đoạn này sương vấn vít người qua, thầy Hưng mua hết gùi cam rồi đưa cho Lùa nắm tiền. Bảo Lùa cầm đi, tôi về nghỉ hè. Lùa đứng ngẩn ngơ, chưa kịp nói gì thì thầy đã đặt nguyên gùi cam lên chiếc xe và rồ ga chạy về phía huyện. Bé Lơn đứng cạnh mẹ trách chú Hưng không trả cái gùi, mẹ mất cái gùi rồi. Lùa xoa đầu Lơn, có khi đấy là bố con.

Hôm sau Lùa ngồi đan chiếc gùi, vừa đan vừa khóc. Thấy lòng buồn tênh. Lơn hỏi mẹ: Bố, sao gọi là có thể? Lùa không trả lời, lặng im nhìn con. Suốt mấy buổi chợ hôm sau Lơn ngồi suy nghĩ. Mặc người qua lại xôn xao, mặc những đứa trẻ trai đứng lại bảo con bé này xinh quá. Mấy hôm đó Lơn chẳng ăn quà, cái suy nghĩ “có thể là bố” cứ ám người rất khó chịu. Thầy Hưng có thể là bố Lơn. Lùa thấy hơi lỡ miệng khi nói với con gái chuyện đó. Nhưng nói thì cũng đã nói rồi, thầy Hưng có thì cũng đã có rồi, và mọi việc không thể sắp lại như ngày trước khi có bàn tay đó đặt lên miệng. Lùa coi Lơn như món quà mình nhận được, tình yêu chứ không phải là gì khác.

Mùa hè đến được mấy hôm nhưng nó dài như dãy núi, hết mùa cam Lùa chuyển sang bán rau cải. Chỉ vùng Lùa ở có cây cải xanh tốt về mùa hè nên bán cũng được giá. Sáng sớm người bản chỉ cần gùi cải ra đến Khe Sanh là thương lái thu mua đem về xuôi. Lùa đi chợ đều đặn, hôm không có cải thì bán măng, hôm không có măng thì một ít rau rừng, hôm không có gì hết thì Lùa vẫn xuống chợ chỉ cốt mong sao thấy bóng thầy Hưng thoáng qua. Nhưng suốt một tuần như thế, Lùa mỏi mắt không thấy bóng người mình cần.

Thầy Hưng chỉ ở đây mùa cam ngọt, mùa cải đắng thầy về nhà rồi Lùa ạ, nhìn gì, trông gì cho mỏi mắt. Thằng Xuân nói với Lùa như thế, nó là dân chơi ở thị trấn. Nó còn bảo với Lùa rằng nghỉ hè thầy Hưng lên cửa khẩu buôn hàng, mày có muốn đi không? Vừa nghe nhắc tên thầy Hưng, Lùa đã bước lên xe, hai mươi cây số đường nhựa láng bóng mà xe thằng Xuân liên hồi đảo, nó còn bảo với Lùa rằng thích chuyện làm tình trong ô tô, cứ đỗ ngay bên đường đâm cần câu cá vào núi mà chẳng động tới cái cây rừng nào, cảm giác đó thật thích. Lùa nhìn nó trừng mắt, thằng Xuân cười, cái thứ con gái chửa hoang còn đám mạ gì. Lùa không cãi, cứ ngồi lặng im canh chừng cái tay thằng Xuân, nó đặt lên đùi Lùa, Lùa hất xuống, nó đặt lên vai Lùa, Lùa né đi. Xuân dừng xe khi đến cửa khẩu, nó đến để làm giấy sang biên giới thì Lùa lẻn xuống và đi về phía đội hải quan.

- Cán bộ có thấy thầy Hưng ở đây không? Lùa hỏi một người gác cổng.

- Thầy Hưng nào?

- Thầy Hưng dạy ở trường huyện...

- Nói thế không ai biết được đâu.

- Có ảnh đây này, đây, thầy Hưng.

Lùa đưa chiếc điện thoại có ảnh thầy Hưng, người gác cổng im lặng một lúc rồi bảo rằng, thầy này dạy ở thị trấn, không thấy lên đây...

Lùa đón chuyến xe sớm trở về huyện và lấy gùi cải xanh trở về nhà. Đường không mấy xa vẫn thấy mỏi. Lùa rùng mình, suýt bị thằng Xuân lừa, đó sẽ là kỉ niệm đáng nhớ. Từ nay Lùa sẽ tỉnh táo hơn.

Mùa nắng bắt đầu gay gắt, cải xanh trên đồi được lấy nhanh cho khỏi cháy để lại những thửa đất lỗ chỗ. Lùa đi hái măng, chui vào tận hốc núi măng mới to và ngọt. Vừa đi vừa nghĩ đến thầy Hưng. Đôi lúc, Lùa muốn bỏ đi hình ảnh này, Lùa sợ rằng có lúc mình sẽ nói ra với thầy Hưng như cách Lùa nói với con gái mình. Lùa sợ sự lặng im khó chịu, hoặc phản ứng chối từ, tuyệt nhiên Lùa nghĩ sẽ không có cái gật đầu. Thầy Hưng không thể chấp nhận chuyện hôm ấy, và giờ đây không thể khi Lùa đã có con. Chỉ có Lùa ngớ ngẩn, phản ứng với bàn tay và bị mê dụ bởi môi hôn rạo rực, cho đến giờ, đặt tay lên môi, đặt tay lên ngực Lùa vẫn muốn thét, đó là âm thanh tình yêu, đầy xúc cảm chứ không phải sự cưỡng bức. Lùa thấy nó thật lạ lùng, hiển nhiên như búp măng chui lên từ đất, nhẹ nhàng, êm ái, càng to càng đầy, càng hạnh phúc.

Lơn nhìn mẹ trong bữa cơm chiều, mắt lúng liếng và môi tươi rạng rỡ. Sáng nay vào rừng hái măng mẹ đã gặp ai? Thế nên mẹ mới vui, còn bé nhưng Lơn rất nhạy. Cứ nhìn mẹ buồn, mẹ vui gì Lơn biết hết. Lơn chưa ăn cơm vội mà đến nhìn gùi măng, được chỉ một vài búp thôi, thêm mấy trái dâu da chưa chín tới.

Thầy Hưng không biết làm gì mà vào trường bản, trường vắng thầy cứ bồn chồn đi từ đầu này đến đầu kia. Thầy nhìn bàn tay mình, chỉ cần nhìn bàn tay thì mọi thứ trở nên rừng rực. Sao lại có thể như thế, sao lại đút tay vào túi quần khi Lùa nói thầy có hoa tay giống con gái Lùa.

Lùa đứng chênh vênh ở hàng tre ở cạnh trường, váy áo nhàu nhò sau một hồi lục lọi từ bụi tre này đến bụi tre khác để tìm măng. Lùa nhìn thầy Hưng không chớp mắt, mọi thứ được bỏ quên, cả những búp măng là thứ mà ngày mai Lùa đem ra chợ bán để đổi lấy thức ăn cũng không được nhớ nữa. Trước mắt Lùa, giờ đây là cả một quả núi, thầy Hưng đứng cao đến mức Lùa nhìn mỏi cổ.

Hết mùa nắng, Lùa đưa con tới trường. Từ nhà đến trường chừng ba cây số, và mỗi lần qua trường mầm non phải đi ngang trường tiểu học. Giờ thầy Hưng làm hiệu trưởng ở đấy. Mỗi lần đi ngang trường, Lùa bắt gặp ánh mắt thầy Hưng là Lùa như bị bàn tay đè lên ngực. Cái lần đầu tiên lúc tuổi trăng tròn Lùa vẫn nhớ. Như bông hoa trẩu chúm chím thì con ong tách cánh hoa, hút mật, mọi thứ đều rất khẽ khàng, thơm tho.

Thằng Xuân vào bản, nó tìm Lùa, mặt nó đỏ như gấc nhưng nó vẫn lái xe chạy khắp bản, trẻ con dớn dác chạy trốn, người già suýt bị thằng Xuân đâm xe, rồi nơi cuối cùng xe thằng Xuân dừng lại đó là nhà Lùa, nó đâm thẳng vào ngôi nhà lợp lá. Đám thanh niên trong làng định xử thằng Xuân nhưng Lùa ngăn. Đừng đụng vô nó, mang họa, để nó đền nhà cho tôi, Lùa nói. Thằng Xuân đền cho Lùa căn nhà sàn đẹp đến mức mọi người bản đều mơ ước, Lùa viết giấy trả nhà cho thằng Xuân rồi đem con gái bỏ đi khỏi bản Sa.

Thầy Hưng đi tìm Lùa, tìm khắp vùng. Mọi người hỏi thầy Hưng không tìm ai lại đi tìm Lùa. Điều này ngớ ngẩn. Ngoài Lùa ra không có ai bỏ đi.

Thằng Xuân nhếch mép nói với thầy Hưng: “Thầy có một con đàn bà đẹp và biết lặng im mà thầy chẳng biết điều, tôi muốn nó một đời cũng khó. Tôi xây nhà cho nó nó vẫn không nhận, nó đi đâu tôi biết chắc nhưng thầy thì không được biết. Tôi sẽ làm cho Lùa yêu tôi, con thầy sẽ được tôi thương.” Thầy Hưng thở dài bỏ về, mấy ngày sau thầy vẫn đi tìm.

Bản Sa có thung lũng Salan trồng cây gì cũng tốt, Lùa đến đó làm lại mái nhà nhỏ, gửi con gái vào trường mầm non trong thung lũng. Mùa xuân trồng cây, Lùa dùng tất cả số tiền tiết kiệm để mua cây giống về trồng, cây giống được đặt xuống, lớp tro phủ đầy, trời mát mẻ thỉnh thoảng lại có mưa, chẳng mấy chốc cây cam lớn nhanh và cho trái. Vùng đất này khí hậu ôn hòa, hợp với giống cam. Mấy mùa trôi qua cây cam lủng lẳng quả, Xuân lái xe đến mang ra chợ bán cho Lùa. Xuân bảo với Lùa rằng Xuân đã khác, để Xuân mang cam đi bán cho Lùa khỏi gặp thầy Hưng ở chợ huyện, thầy Hưng vẫn ra đó tìm người bán cam. Lùa sợ, chưa bao giờ Lùa sợ ánh mắt thầy Hưng như những ngày Lùa bỏ vào thung lũng Salan, nên Lùa để Xuân mang cam ra chợ bán.

Cuối mùa cam, Xuân chất đầy thùng xe, lứa cam cuối cùng ngọt lắm. Đó là nhựa sống cây dồn vào từng quả cam. Xuân nhấc bổng Lùa lên xe đặt vào ghế. Ngồi ở đấy, khẩu trang vào, không thể sống cả đời trong thung lũng Salan này được, Lùa phải đi bán cam với tôi, mấy lần tôi bán chỉ được nửa giá Lùa đưa ra nên phải tự bù tiền. Đàn ông không hợp với việc bán cam, nhất là ở chợ. Xuân nói như thế và cho xe lăn bánh. Con đường từ thung lũng ra đến chợ huyện khá xa, sương trắng đùng đục. Lùa ngồi sát vào Xuân hơn. Xuân nhìn sang Lùa rồi mỉm cười, tôi khác xưa rồi Lùa có thể ngồi sát tôi hơn, tôi thương Lùa và bé Lơn. Lùa cười nhưng nước mắt chảy, xe đến chợ huyện thì gà bắt đầu gáy sáng. Chợ chưa có khách, Xuân dắt Lùa ra quán ăn. Hơi nóng hừng hực từ bát phở mỏng manh không đủ xua đi màn sương lạnh giá, nhưng Lùa thấy ấm trong lòng.

H.H.L

Hoàng Hải Lâm
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 287

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

17 Giờ trước

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

18 Giờ trước

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

21/04

25° - 27°

Mưa

22/04

24° - 26°

Mưa

23/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground