Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 20/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Người đi qua cuộc chiến

TRUYỆN NGẮN dự thi

 Heo may bất chợt thổi vào lòng phố. Chiều thanh tịnh, mẹ lấy cây chổi ra trước nhà quét mớ lá cơm nguội gom lại thành đống. Những ngày tháng chín, cây cơm nguội đầu ngõ tán lá vàng rực đổ xuống cung đường, lá theo gió bay lã chã trên những ngôi nhà mái ngói cổ kính phủ rêu giữa 36 phố phường có bề dày gần 1000 năm lịch sử.

   Tôi đứng pha nước ở đầu bàn, mẹ quét xong dựng cây chổi dưới gốc cây rồi thủng thẳng đi vào trong nhà ngồi xuống ghế thở dốc. Không hiểu vì sao nhưng mỗi lần Hà Nội vào thu, không khí trong nhà ngoài ngõ đều trầm lặng đến nỗi có thể nghe được thanh âm hơi thở. Cái lạnh của thời tiết làm da bố tái nhợt mặc dù bố đã mặc chiếc áo len mẹ đan bên trong tròng thêm cái áo dạ bên ngoài, cổ choàng khăn mỏng. Từ ngày về hưu bố trầm tính hẳn đi. Rất ít khi bố ra ngoài dạo chơi, trừ những lần tụ họp bạn bè năm cũ – toàn những cụ ông cụ bà già nua tóc bạc, ngực đeo đầy huân chương, nói chuyện kháng chiến bằng niềm tự hào, kiêu hãnh. Đồng đội năm xưa của bố ở lại thủ đô cũng không nhiều, năm bảy người từng kề vai sát cánh vẫn thường hẹn nhau ra nghĩa trang thắp nén hương thơm hồi tưởng về những ngày gian khổ mà hào hùng, đầy hy sinh nhưng cũng nặng tình nặng nghĩa. Sống giữa thủ đô, căn nhà cổ kính tường rêu có tầng gác mái là nơi bố đặt những chậu hoa rồi mỗi sáng mỗi chiều xách nước ra tắm táp đợi ngày hoa nở. Đêm xuống, bố thường ra ban công ngồi nghe nhạc tiền chiến, mắt bố thoáng buồn, bố đang hồi tưởng về những năm tháng huy hoàng của cuộc đời mình. Những ngày khói lửa, bố mặc áo lính tay bồng súng canh giữ biên cương. Đất nước thanh bình, bố sống lặng thầm bằng hồi ức. Bố thường kể cho tôi nghe về những người đồng đội, đôi lúc mắt bố ngấn nước, giọng bố nghèn nghẹn, ngập ngừng rồi lặng đi…

   Tôi biết có những chuyện bố giữ riêng cho mình, chưa bao giờ bố kể cho mẹ con tôi nghe. Ai cũng có riêng cho mình một bí mật, mà bí mật thì đến giai đoạn nào đó thích hợp người ta mới nói ra, hoặc giữ riêng trong lòng đến suốt cuộc đời.

   Bố đứng tần ngần trước ngăn tủ một lúc rồi cẩn thận lấy ra chiếc áo lính cũ kĩ được bố xếp gọn ghẽ - chiếc áo bố mặc ngày kháng chiến, chiếc áo theo bố từ Hà Nội vào chiến trường Tây Nam xa xôi, là chứng nhân của biết bao ký ức vui, buồn, mất mát và hạnh phúc. Bố ngắm nghía một lúc rồi lấy ra từ trong lớp áo bức ảnh trắng đen cũ kĩ, thời gian làm bức ảnh nhòe đi. Tôi bước đến cạnh bố nhìn vào trong ảnh: một người phụ nữ tóc buông dài tay cầm bông hoa che khuất một nửa khuôn mặt, nửa còn lại hiện ra trông thật phúc hậu, diễm kiều. Đó là những gì tôi nhìn thấy được từ trong bức ảnh đang bị tháng năm khắc nghiệt gột rửa. Mẹ bảo bố nặng tình, không biết lúc bố đi vào Nam chiến đấu, người phụ nữ nào đã trót trao lòng dạ cho bố mà bố cứ ôm ấp mãi một bóng hình. Bố cười, có ai đâu. Mẹ tôi không ghen, cũng không chạnh lòng khi bố giữ gìn bức ảnh có hình người phụ nữ xa lạ mà bố mang theo suốt mấy mươi năm biền biệt. Những người đàn bà sống sót qua những cuộc chiến tranh đều bao dung, nhân hậu.

   Tôi trở lại biên giới Tây Nam. Trời nắng giòn giã, gió thổi cát bay mịt mù. Nắng biên giới tháng chín không dịu dàng như nắng mùa thu Hà thành xinh đẹp, không mộng mơ mà gay gắt như ngọn lửa làm héo rũ cỏ cây. Tôi nhìn xung quanh chỉ thấy cây thốt nốt tươi tốt vươn thẳng lên bầu trời, thốt nốt mạnh mẽ bám chiếc rễ sâu xuống lòng đất hút nước nuôi thân sừng sững giữa miền đất nóng vùng biên, nơi máu đổ để giữ gìn bờ cõi, nơi mà anh lính đồng bào, chiến sĩ ngã xuống trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc và làm tròn nhiệm vụ quốc tế. Biên giới Tây Nam chỉ còn man mác vài hình ảnh giống như lời kể của bố tôi. Bờ cõi quê hương giờ đây thanh bình, yên ổn hơn chứ không ngột ngạt khói súng và giết chóc hy sinh như những ngày Khmer đỏ tràn sang áp bức đồng bào, giẫm đạp lên người Việt Nam da vàng máu đỏ. Cũng phải, bố tôi đã rời khỏi chiến trường Tây Nam từ lâu, bố trở về Hà Nội trong không khí thủ thô náo nức đón chờ, khép lại một chặng đường gian nan. Bố là lính bộ binh đánh đổ chính phủ diệt chủng Khmer đỏ, bốn năm đầy hy sinh, mất mát, biết bao người đồng chí đồng đội đã không trở về thủ đô… Ngày bố về nửa vui nửa buồn, đau đớn nhất là khi bố kể lại câu chuyện tây nam cho những người đàn bà có con đi chiến đấu vĩnh viễn không đặt chân về lại đất Hà thành. Mấy mươi năm bố không trở lại chiến trường xưa, “Buồn lắm con ạ!”, bố nói vậy, “Trở về đấy bố sợ mình không kìm lòng được. Tây Nam đọng lại những kỷ niệm có đi suốt cuộc đời bố cũng không thể nào quên”…

   - Về Tây Nam… - Bố nói với tôi bằng giọng buồn bã, xúc động.

   - Để làm gì thế, bố?

   - Tìm giúp bố người đàn bà trong tấm ảnh này - Bố vừa nói vừa lấy tấm ảnh cũ từ trong ngăn tủ gỗ ra đưa cho tôi, mắt bố ngấn nước - Nếu con gặp thì nói với người ta bố vẫn còn sống, vẫn không quên những ngày sát cánh kề vai, còn nếu không gặp… - Bố tôi ngừng lại, nghẹn ngào - … thì thôi, bố chết cũng an lòng.

   Tôi không biết mối quan hệ giữa bố tôi và người đàn bà trong tấm ảnh là gì. Bố tôi dặn: “Đừng nói cho mẹ biết, mẹ buồn, tội mẹ”. Tôi gật đầu. Tôi biết mẹ không buồn, dẫu cho người đàn bà kia là đồng đội, là bạn thân hay là nhân tình của bố tôi năm xưa đi chăng nữa mẹ cũng không buồn. Tôi hiểu mẹ mình hơn ai hết. Cuối tháng, tôi thu xếp công việc ở Hà Nội mua vé tàu xuôi về phương Nam. Khoảnh khắc đặt chân lên chiến trường nơi ba tôi từng chiến đấu, lòng tôi bồi hồi. Tôi đang đi trên đất Xa Mát, Lò Gò theo lời ba dặn. Nắng ngả về chiều gay gắt hơn. Mặt trời trên đỉnh núi xa xa rọi qua hàng cây thốt nốt. Tôi men theo con đường đất nứt nẻ dưới chân thốt nốt đi vào trong thôn, thấp thoáng dưới bóng cây thốt nốt những mái đền mái chùa sơn màu vàng màu đỏ rực rỡ, toàn những gam màu nóng. Tôi đang ở cạnh biên giới, khoảng cách giữa đất nước tôi với xứ sở Angkor không còn xa xôi bao nhiêu. Trên đồng cỏ nắng cháy, vài đứa trẻ Khmer làn da đen nhẻm ở trần đứng trông bò, chúng im phăng phắc như pho tượng. Tôi bước qua cổng chào cũ kĩ, rêu phong, tên thôn đã rớt đâu mất bởi sự mài mòn của thời gian. Người đàn ông đẩy xe cỏ bò ăn đi ngang qua chỉ tôi ngôi nhà phía trước dựng hàng rào gỗ có giàn hoa giấy giăng ngang là nhà của bà trưởng thôn. Tôi thoáng ngạc nhiên. Phải rồi, sau giải phóng, nhà nước tin tưởng giao nhiệm vụ quan trọng cho phụ nữ. Phụ nữ giỏi việc nước đảm việc nhà. Phụ nữ cần cù lao động, đảm đang, nhạy bén, thông minh… và vô vàn lời ca ngợi mà họ xứng đáng được nhận.

   Tôi đứng trước cổng gọi mấy tiếng, người đàn bà đội nón lá xập xệ, tàn tàn từ trong nhà bước ra.

   - Chú tìm ai?

   - Tôi tìm… - Trời ơi, bố tôi đã quên nói với tôi tên của người phụ nữ trong tấm ảnh kia, tìm người vô danh mịt mù biết đâu mà tìm, tôi hỏi lại - Có phải bà là trưởng thôn này không?

   Người đàn bà khẽ gật đầu, buột miệng:

   - Thôi tìm ai thì tìm, vào trong ngồi nghỉ một lúc đã, nắng quá!

   Người đàn bà đi trước. Tôi đi sau. Con đường vòng qua những chậu kiểng uống lượn hình muông thú. Thôn được che mát bằng bóng cây thốt nốt. Tôi nhìn người đàn bà, chiếc nón lá che một bên mặt khiến đầu tôi lửng lơ những dấu hỏi. Bà trưởng thôn bảo tôi ngồi trên ghế, bà đon đả ra sau bưng nước ra mời tôi. Lúc bấy giờ người đàn bà mới tháo nón lá ra. Khuôn mặt bà khiến tôi ngạc nhiên quá đỗi. Một bên mặt sần sùi, sẫm màu, da mặt nứt nẻ những rãnh sâu như mảnh đất khô cằn nắng hạn. Ngay lập tức người phụ nữ trong tấm ảnh sượt ngang qua trí óc tôi. Dường như người đàn bà hiểu được sự tò mò của tôi, bà đưa bàn tay sờ một bên mặt.

   - Chiến tranh đó chú. Chiến tranh thật tàn độc. Mảnh đất này điêu tàn. Vết sẹo trên khuôn mặt tôi không thể nào xóa được…

   Nói đến đây, đôi mắt người đàn bà rơm rớm. Người đàn bà bước qua chiến tranh, gạt bỏ sự mềm mỏng của mình dũng cảm chống chọi với bom đạn. Chiến tranh gieo tang tóc đau thương, chiến tranh tôi luyện cho họ sự ngoan cường, dạy cho họ phải gạt bỏ những điều đẹp đẽ nhất của tuổi thanh xuân để dấn thân vào cuộc chiến và chấp nhận mất mát hy sinh như một điều tất yếu. Đi qua chiến chinh, người đàn bà âm thầm nhận ra nỗi đau hiện hình dai dẳng trên thân xác, họ trở về với bản tính vốn có của một người đàn bà, nhưng không hối tiếc vì những hiến dâng năm ấy.

   Bố tôi nhắc hoài về đêm giáng sinh mấy mươi năm về trước. Trời phương Bắc rét ngọt, đơn vị bố được lệnh vào chiến trường Tây Nam để chiến đấu. Cả đơn vị xôn xao. Bố tôi hẫng nhẹ. Lại chiến tranh? Miền Nam vừa được giải phóng, nỗi đau vẫn còn đó mà chiến tranh lại nổ ra. Ngày lên đường, bố cứ ngờ ngợ không biết là mình đi đâu. Tây Nam, nơi bố chỉ được nhìn qua tấm bản đồ thuở còn ngồi trên giảng đường. Bố lên xe cùng những người đồng đội khác, người thủ đô tin lính Hà Nội vào Tây Nam hoàn thành nhiệm vụ quốc tế xong nhất định sẽ trở về đầy đủ không vắng bóng một ai. Cuộc chia ly nào cũng đong đầy nước mắt. Tôi chưa từng chứng kiến những cuộc chia tay nào trong không khí thiêng liêng như những cuộc chia ly bố tôi kể bằng giọng trầm buồn, ngậm ngùi chua xót. Đoàn xe chở những người lính mười tám đôi mươi đất Hà thành lăn bánh, gia đình, người yêu của những chàng trai trẻ tuổi đứng bên đường vẫy tay, vẫy khăn, nước mắt tuôn tràn. Họ cố chen ra khỏi đám đông để nhìn cho thật rõ khuôn mặt của người thân, họ sợ… Bố vào Tây Nam để lại Hà Nội một mối tình đẹp đẽ. Lúc ấy, bố mẹ tôi chưa cưới nhau – người phụ nữ có tên Thanh Xuân đẹp như tuổi xuân của mẹ nói vống theo: “Anh đi bình an, chiến thắng anh về, em đợi”. Bố tôi thường nhắc lại lời của mẹ như một niềm tri ân sâu sắc. Có những mối tình chớm nở từ thuở mười tám, hai mươi, sống mãnh liệt qua cuộc chiến tranh và đi cùng nhau cho đến khi mái đầu đã bạc.

   - Bố tôi cũng là lính Hà Nội.

   Người đàn bà ngạc nhiên, một chút mừng rỡ hiện lên trong đôi mắt của bà:

   - Chú nói sao?... Bố… bố… của chú cũng là lính Hà…

   - Vâng. Bố tôi từng gắn bó với mảnh đất Xa Mát này những năm tháng chiến tranh.

   Người đàn bà bật khóc. Tôi không hỏi vì sao bà khóc, có những chuyện mãi mãi thuộc về ký ức mà người ta không tiện nói ra, hoặc chưa đến lúc nói ra. Bố tôi cũng có những câu chuyện - thuộc - về - ký - ức. Lúc vào tây nam chiến đấu, bố tôi ở đơn vị C11 toàn lính Hà Nội, đồng hương, cùng chia ngọt sẻ bùi, đồng cam cộng khổ. Bố cứ đinh ninh câu nói của người đã ngã xuống chiều hôm trước trên biên cương lạnh lẽo: “Đoàn kết vượt qua gian lao khổ ải, vì nhiệm vụ quốc tế”. Việt Nam – Campuchia, hai dân tộc đã từng gắn bó keo sơn, cùng uống nước trên dòng sông Mekong chảy xuôi về đồng bằng ra biển bằng chín cửa, cùng những cánh đồng bát ngát, những ngọn thốt nốt vươn lên bầu trời khảng khái như chí khí anh hùng. Gian khổ bố và đồng đội cũng vượt qua, đồng đội hy sinh bố ngậm ngùi tưởng niệm anh linh bằng vài giây nhắm mắt ngắn ngủi. Đợi bao giờ đất nước Campuchia hồi sinh, bao giờ xứ sở Angkor tươi đẹp, khi đó nhiệm vụ mới hoàn thành…

   - Người tôi yêu cũng là lính Hà thành, năm xưa vào Xa Mát chiến đấu – Người đàn bà chậm rãi kể lại – Chú biết không? – Người đàn bà đưa tay sờ lên bên má đầy sẹo, nói tiếp – Hồi chiến tranh tôi cũng có chút nhan sắc như những người con gái khác, chứ đâu xấu xí như thế này. Một buổi sáng đang dạy chữ cho đám học trò lớp 1 trường tiểu học Xa Mát, bọn Pol Pot bất ngờ quăng lựu đạn vào ngôi trường tàn sát rất nhiều em nhỏ, khuôn mặt tôi cũng bị hủy hoại từ đó… - Người đàn bà nghẹn ngào, giọng ngập ngừng ngắt quãng – Vậy mà người ta vẫn thương tôi, thương hết lòng hết dạ, mặc cho gương mặt tôi có xấu xí, dị hình…

   Gió nổi lên trên cánh đồng. Người đàn bà buồn rầu nhìn thấu cả cuộc đời mình, một cuộc đời vắt dài từ thuở chiến tranh cho đến ngày biên giới thanh bình, đất nước trở mình thay đổi.

   Chiến tranh đi qua, đầu đạn miểng bom ngủ say dưới ba tấc đất. Cánh đồng lại xanh. Thốt nốt quật cường qua cuộc chiến tranh mạnh mẽ vươn lên bầu trời, dọc bên bờ biên giới.

   Người đàn bà sực nhớ ra điều gì, vội vã hỏi:

   - Còn bố chú, ông ấy tên gì? Lính Hà tôi quen nhiều lắm! Biết đâu tôi có quen.

   - Bố tôi… - Tôi định nói với người đàn bà cái tên: Nguyễn Tường Quân mà bố tôi mang theo qua những ngày chinh chiến, mang theo suốt đời. Cái tên được in trang trọng trên bằng khen mà bố tôi vinh dự được nhận. Nhưng rồi tôi im lặng, không biết có cái gì nghèn nghẹn ở cổ khiến tôi không nói được nên lời.

   Tôi lần giở tấm hình từ trong túi áo đưa cho người đàn bà xa lạ. Không dám chắc người đàn bà kia chính là người phụ nữ trong tấm ảnh này, bởi thời gian quá lâu, người phụ nữ trong ảnh giờ cũng đã già nua, bố tôi cũng già nua, ký ức chỉ còn là vệt nhỏ thoáng ngang qua miền nhớ thương đầy máu và nước mắt, tình yêu và những dang dở, hy sinh. Nhưng hình như khi đứng cạnh người đàn bà, tôi thấy lòng mình có chút gì xốn xang kì lạ. Người đàn bà trố mắt nhìn tôi rồi đón lấy tấm ảnh. Tim bà ở òa. Tôi thấy hai hàng nước mắt chảy xuống khuôn mặt chi chít những nếp nhăn của bà, nửa bên kia, nước mắt chảy vào vết thương đã lành nhưng dấu tích vẫn còn dai dẳng đeo bám theo người đàn bà đến khi người nằm xuống đất…

   - Quân, đúng là ông ấy rồi!... Thảo nào khi gặp chú tôi thấy chú có nét gì quen thân lắm. Tôi cứ tưởng Quân đã quên tôi rồi…

   - Mọi thứ đều có duyên, có số cả. Bà biết không, bố tôi đã thương nhớ bà suốt chừng ấy năm. Bố tôi sống lặng thầm, lòng bố cứ lởn vởn đâu đó nơi chiến trường Tây Nam, lòng bố chạy dọc dải đất hình chữ S tìm bà, người mà bố không bao giờ quên được…

  Người đàn bà cầm tấm ảnh áp lên ngực. Tấm ảnh người con gái tay cầm đóa sim rừng che khuất nửa khuôn mặt bị chiến tranh tàn phá, ngày chia tay, người con gái năm xưa trao tấm ảnh tận tay bố với lời chào tạm biệt. Giống như những cuộc chia ly khác, nước mắt đong đầy, nỗi buồn xâm chiếm. Người đàn bà bùi ngùi nhớ về những kỉ niệm chiều biên giới, màu tím hoa sim, bóng chiều ngan ngát, lời hẹn hò bao giờ chiến tranh kết thúc sẽ nên duyên vợ chồng. Có những lời hẹn thề mãi mãi thuộc về ký ức.

   - Ông ấy hứa sẽ trở lại đây tìm tôi. Chắc ông ấy quên.

   - Không, bố tôi không quên – Tôi thanh minh để người đàn bà không nghĩ rằng bố tôi là người vong tình bội bạc – Bố tôi vẫn ôm ấp bóng hình bà suốt mấy mươi năm biền biệt.

   - Cũng phải, biên giới buồn quá. Biên giới đọng lại những ký ức hạnh phúc lẫn thương đau...

   Người đàn bà kéo vạt áo lau nước mắt. Giọt nước vô tình hay hữu ý rớt lên tấm ảnh cũ kĩ khiến nó nhòe đi.

   Chúng tôi lặng im. Chiều biên giới lạnh lùng, sương giăng mờ mịt. Con chim bay trên nền trời, gió thổi xạc xào trong tán rừng thốt nốt. Tôi nhìn về phía núi, nơi đó rực lên một màu tím biếc của hoa sim, màu xanh của lá cây rừng in hình trên nền trời lam biếc. Nắng tàn, bóng ai thướt tha tóc buông dài, lặng lẽ ở bên kia biên giới…

   - Bà ra Hà Nội thăm bố tôi, có được không? Ông ấy yếu lắm rồi. Vết thương năm xưa cứ hành hạ ông ấy mãi…

   Tôi nói, gần như van xin.

   - Còn mẹ chú?

   - Mẹ tôi sẽ hiểu. Tóc bạc cả rồi, gần đi trọn một cuộc đời cả rồi. Điều còn lại là những gì mình dành cho nhau trong phần đời còn lại…

   Người bà gật đầu. Chiều yên bình đến lạ.

 H.K.D

Hoàng Khánh Duy
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 290 tháng 11/2018

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

21/04

25° - 27°

Mưa

22/04

24° - 26°

Mưa

23/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground