Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 25/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Mây đã qua cầu

1.

Không hiểu sao, bài hát “Em lễ chùa này” của Phạm Duy lại đúng như thế với trường hợp của tôi.

Quê tôi ở Quảng Trị, vùng giới tuyến quân sự, bên ni bên nớ Bắc Nam ngăn cách bởi một dòng sông chiến tranh. Khi tôi lớn lên thì chiến tranh vừa hồi kết thúc. Hôm đó, tôi mới bốn tuổi, đang chơi nghịch bắt dế mèn cùng “đồng bọn” dưới lòng một hố bom B52, thì nghe trên mặt đất, người ta hét oang oang:

- Thắng rồi, ta thắng rồi. Hòa bình rồi. Bà con ơi hòa bình rồi! Việt Nam muôn năm, Bác Hồ muôn năm…

Cả một vùng quê tôi rợp trời cờ hoa. Đoàn người rồng rắn dài hàng cây số, hành tiến sang bờ Nam, qua cầu phao Hiền Lương, đi mít-tinh, tuần hành biểu dương lực lượng. Bọn trẻ con bọn tôi chạy theo, thì bị người lớn ngăn lại, bảo ở nhà chơi, không được đi, xa lắm, con nít biết chi!

Rứa là bọn con nít quay trở lại các hố bom B52, tiếp tục bắt dế mèn. Chiến tranh tàn phá quê tôi khủng khiếp, đến một bãi cỏ nguyên lành cũng không còn, bọn cào cào châu chấu, dế mèn cũng đành phải ẩn nấp vào lòng đất đỏ ba-zan mới có thể sống sót. Mà nơi ẩn nấp, có nơi nào tốt hơn là các hố bom?

Chiến tranh đã san bằng tất cả. Cả một vùng Vĩnh Linh trở thành bình địa. Đỏ rực màu đất đỏ tươi như máu. Nhà thờ Di Loan, Trường dòng An Ninh đã bị bom Mỹ đánh sập ngay từ những ngày đầu chiến tranh phá hoại 1964, đến viên gạch cũng khó tìm được nguyên lành. Hệ thống đền, chùa, miếu mạo cũng vậy, biến thành cát bụi hết cả… Hòa bình rồi, ngôi nhà đầu tiên được xây dựng là ngôi trường mà sau đó tôi đã đến học, rồi tiếp theo nhiều ngôi nhà khác: trạm xá, trụ sở, cửa hàng, công ty. Cuộc sống hậu chiến khốn khó chẳng khác gì thời chiến sau đó hay là một điều bí ẩn gì đó nữa, đã khiến cho những ngôi chùa, đền thờ miếu mạo cổ xưa vĩnh viễn bị chiến tranh hủy diệt. Chẳng ai còn nhắc tới.

Mười năm tiếp theo, tôi thành thanh niên. Một hôm, chị Phụng đến nhà tôi trả cuốn sách, thì bảo tôi:

- Chủ nhật này Hoàng có đi chùa với chị không?

Tôi ngạc nhiên lắm:

- Chùa mô hả chị? Ở đây làm gì có chùa mô mà đi?

Chị Phụng hơn tôi ba tuổi. Chả hiểu tại sao mạ chị sinh chị từ trong chiến tranh khốc liệt, bom đạn như thế mà chị đẹp thế.

Chị Phụng đẹp nức tiếng cả vùng quê tôi. Đêm đêm trai làng trên thôn dưới tập trung về đứng ngoài bờ rào nhà chị, ngóng cổ nhìn vào nhà kiếm tìm hình bóng chị da diết.

Có anh lái xe tải đánh xe về đầu ngõ, vác vào nhà chị Phụng mấy bao tải gạo, nói với mạ chị Phụng:

- Mạ! Mạ mà không gả em Phụng cho con, con ở đây đến khi em Phụng đi lấy chồng thì thôi.

Mạ chị Phụng cười:

- Mi hỏi con Phụng đó nó ưng thì tau gả!

Chị Phụng cũng cười:

- Anh à, em còn đi học đại học sư phạm đã. Anh có chờ em được không? Em vào trường đại học khổ lắm đó, anh nuôi em được không?

Lại có anh thương binh mất một tay ở Campuchia đến nhà, nói với mạ chị Phụng:

- Mạ ơi. Con đi chiến đấu bị thương, mất một phần thân thể rồi. Mạ gả em Phụng cho con, bù đắp cho con phần thiệt thòi cuộc đời con mạ nghe! Ở ngoài mặt trận, thằng Phương trước khi nhắm mắt cũng có hứa với con là gả em Phụng cho con rồi đó, mạ nờ.

Hôm đó tôi tình cờ đến nhà chị Phụng, nghe được câu chuyện này. Anh Phương là anh trai ruột của chị Phụng, nhập ngũ cùng ngày, cùng đơn vị với anh thương binh tội nghiệp đó. Có lẽ hai người chí thiết với nhau lắm, nên ở nơi mặt trận xa lắc Campuchia mới hứa với nhau điều thiêng liêng nớ.

Mạ chị Phụng rơm rớm nước mắt:

- Mạ thương con lắm. Các con đi chiến đấu, hi sinh cuộc đời, mạ thương như thằng Phương con trai của mạ đẻ ra rứa đó. Mạ ước chi con Phụng cũng thương con như mạ thương con, thì mạ gả ngay không hề lăn tăn chi cả.

Chị Phụng, hình như vừa tắm xong, mùi bồ kết, hương sả trên tóc chị thơm quá. Chị đến ngồi bên cạnh anh thương binh, cầm lấy cái tay cụt của anh. Lưng áo quân phục cũ bạc màu của anh thấm đẫm mồ hôi. Hình như anh xúc động lắm, cứ rung lên bần bật.

Chị Phụng nói dịu dàng:

- Mạ nói sai rồi. Em cũng thương anh lắm. Ba mạ anh đã mất trong chiến tranh. Anh đi bộ đội lại bị thương, chừ về không còn họ hàng anh em chi cả, em hiểu lắm chứ. Hay là, anh làm anh trai của em nhé. Em sẽ làm em gái của anh, sẽ chăm sóc anh như là anh Phương của em. Anh biết rồi đó, anh trai của em cũng hi sinh ở biên giới Tây Nam, em chẳng còn anh trai nữa.

- Rứa là em không thương anh rồi… Anh thương binh gục đầu trên cái bàn gỗ mộc nhà chị Phụng, rưng rức.

Đó, chị Phụng đẹp như rứa đó, bao nhiêu trai làng thầm yêu trộm nhớ và rồi ôm lấy một khối tình si, thất tình đến cùng cực.

Tôi thường cho chị Phụng mượn sách đọc. Toàn tiểu thuyết lãng mạn của ta, của Tây, của Tàu.

Hôm nào chị Phụng đến trả sách, thì tôi lại chơi đàn guitar, hát cho chị nghe, nào là Dư âm, Thu ca, Ngậm ngùi… Ví dụ như: “Nắng chia nửa bãi chiều rồi, em ơi hãy ngủ anh hầu quạt đây”.

Một hôm như thế, thì chị Phụng ngồi bên ngả đầu lên vai tôi, nói thầm thì như hơi thở:

- Hoàng, em khoan vội yêu ai đã nhé. Chờ chị học xong sư phạm về rồi em yêu ai thì yêu nhé.

Đó là mùa hè cuối cùng của thời vị thành niên. Khi đó, tôi nào có biết gì về tình yêu.

- Chị Phụng ơi chị Phụng à. Tình yêu là gì hả chị?

- Là, khi... mình nhớ thương ai đó, không ngủ được. Đi vô đi ra, khi nào cũng mường tượng hình ảnh người đó.

- Rứa chị đang mường tượng hình ảnh của ai rồi.

- Chị à. Chưa... À mà có rồi đó, nhưng chị không nói đâu.

Rồi chị Phụng cầm cuốn sách Bình minh mưa của tôi chạy về nhà. Ra khỏi ngõ còn ngoái lại:

- Hoàng, em nhớ nhé, đừng yêu ai nhé...

Chủ nhật đó, tôi được chị Phụng đưa đi lễ chùa. Lần đầu tiên trong đời, tôi được đi lễ chùa, hân hoan lắm.

Và không thể ngờ rằng, vẫn còn một ngôi chùa sót lại sau cuộc chiến khốc liệt ở vùng giới tuyến quê tôi.

Chùa nằm giữa cánh rừng nguyên sinh Rú Lịnh, cách nhà bảy cây số. Thực ra chỉ là một cái nền gạch đá, dấu tích của một ngôi chùa cổ, nhỏ bé e dè nằm dưới những tán cây cổ thụ. Chẳng hiểu tại sao, cánh rừng nhỏ như cái ốc đảo vẫn còn tồn tại được sau những trận pháo kích, những trận bom kinh hoàng như thế.

Hai chị em theo đường đất đỏ Cáp Lài, đến Rú Lịnh vào giữa một buổi chiều thu. Chị Phụng mặc áo màu xanh biếc, quần lụa đen, đội nón trắng. Tôi đi sau lưng chị, nhìn thấy một chút eo trắng ngần của chị bồi hồi đến không tưởng. Đường đi ven biển, hoa cỏ dập dờn, đường đi xa mãi. Đến cửa rừng, chị Phụng bối lại mái tóc thề, lộ ra cái gáy lấm tấm mồ hôi, những sợi tóc nhẹ nhàng vương vấn. Hai chị em rẽ lối đi vào. Hình như chị Phụng đã đến đây nhiều lần. Bên nền gạch điêu tàn dấu tích của một ngôi chùa cổ năm xưa, vẫn là những hố bom sâu hoắm. Những hố đạn pháo và những hầm hào của bộ đội ta còn lại từ chiến tranh. Tiếng chim bắt cô trói cột tao tác giữa rừng chiều.

Chị Phụng đứng chắp tay khấn niệm. Một tia nắng xuyên qua tán lá chiếu bên má chị lung linh. Cho đến khi đó, tôi mới nhận ra rằng chị Phụng đẹp quá. Chị Phụng đứng chắp tay khấn niệm rất lâu, khiến tôi không biết làm gì, cũng chắp tay, đứng bên cạnh chị.

Hai chị em cứ chắp tay như vậy đứng trước một cái nền gạch đá điêu tàn dấu tích của một ngôi chùa cổ, trong một cánh rừng nhỏ bé như cái ốc đảo sót lại từ chiến tranh, giữa một chiều thu hòa bình. Chả còn nhớ lúc đó tôi đã khấn niệm điều gì nữa, hay là không, hoàn toàn trống rỗng như nhiều khoảng thời gian cuộc đời sau đó của tôi, có lúc rơi vào một trạng thái trống rỗng không trọng lượng. Cũng là những buổi chiều nào đó lòng không buồn không vui thường chợt đến, gặm nhấm trái tim tôi trong một nỗi cô độc tuyệt diệu.

Nhưng chắc chắn, cái buổi chiều ở trong rừng Rú Lịnh đứng chắp tay khấn niệm cùng chị Phụng, là một buổi chiều nhẹ nhàng nhất, giống như một giấc mơ êm đềm đã trải qua trong cuộc đời, làm cho ta bắt buộc phải nhớ, bởi vì nếu quên đi, thì có còn gì để luyến tiếc?

Tôi nghe tiếng chị Phụng bên tai:

- Về thôi em.

Tôi lại lẽo đẽo theo sau chị Phụng. Đường rừng quanh co qua những hố bom và những gốc đại thụ. Bỗng chị Phụng dừng lại, nhìn thẳng vào mắt tôi:

- Hoàng!

Tôi ngoan ngoãn:

- Dạ.

- Còn nhớ lời chị dặn không?

- Dạ, chị dặn em chi em quên rồi...

- Khoan yêu ai nghe chưa?

- Dạ.

- Em có biết vì sao chị dặn em rứa không, Hoàng!

- Dạ, em không biết chị à.

- Em có muốn biết không?

- Dạ có, chị nói em nghe đi.

- Là tại vì... chị... chị...

Chị Phụng, bỗng dưng tựa vào một thân gỗ mục, bật khóc tức tưởi. Tôi chả hiểu gì cả:

- Chị Phụng ơi, chị Phụng à, sao chị lại khóc. Chị buồn à. Vì sao, ai làm chị buồn...

Bài hát Em lễ chùa này của Phạm Duy, mãi thật lâu sau buổi chiều trang trọng đó, tôi mới được nghe. Hôm đó, trong một con hẻm nhỏ ở Sài Gòn, tôi được bạn dẫn đi cà phê, quán mở nhạc bài này. Thái Thanh hát rằng:

“Rồi mùa thu cùng em đi lễ

Có con chim đậu dưới gác chuông

Hòa lời ca vào làn sương sớm

Gió heo may rụng hết lá vàng”.

Giai điệu sang trọng, ấm áp và u hoài...

Ngay lúc đó, hình ảnh chị Phụng hiện về choán ngập tâm trí tôi. Tôi đã thực hiện đúng lời chị Phụng dặn, không hề yêu ai cho đến lúc đó nhưng chị Phụng đã không còn nữa.

Đấy là một ngày rất buồn tê tái. Người ta chở chị về nhà trong một cái áo quan, vào mùa đông năm thứ hai chị học Đại học Sư phạm Huế. Chị đã trẫm mình trên dòng sông Hương.

Tôi trốn vào một góc tối trong cái bể cạn chứa nước ở Viện điều dưỡng Cửa Tùng, khóc âm thầm rồi nấc lên từng cơn:

- Chị Phụng ơi, chị Phụng à. Tại sao chị lại chết vậy, em không hiểu được đâu, chị nói cho em nghe đi...

Ngày hôm sau, tôi trốn học, một mình trở lại cánh rừng Rú Lịnh. Tôi đứng trước cái nền gạch điêu tàn dấu tích một ngôi chùa cổ, khấn niệm rằng:

- Kính lạy Đức Phật linh thiêng hãy cho con kiếp sau được gặp lại chị Phụng. Đức Phật ơi, con đã thương chị ấy mất rồi!

Đấy là mùa đông cuối cùng của thời học trò:

“Tàn mùa đông vào chùa bỡ ngỡ

Tiễn đưa em trong áo quan này

Từng cội hoa trầm lặng thương nhớ

Tóc em xưa tơ óng như mây”.

Nhiều năm sau đó, tôi đi nhiều nơi, làm nhiều nghề kiếm sống, vẫn không biết vì sao chị Phụng lại trẫm mình tức tưởi như thế. Và lời khấn niệm của chị trong buổi chiều xưa xa đó, chị khấn gì thế, chị Phụng. Và rồi, vì sao chị khóc vậy... Ôi bao nhiêu câu hỏi cần giải đáp trong đời?

2.

Hơn ba mươi năm sau, mùa thu năm 2018, tôi trở lại Rú Lịnh cùng ông Trần Biên và nhà văn Xuân Đức. Hai ông ấy làm bạn với nhau từ thời chiến tranh, cùng đơn vị Tiểu đoàn 47 “ăn cơm Bắc đánh giặc Nam”, đánh trận khét tiếng, chiến công vang lừng. Họ từng đã sống, tham gia chiến trận rồi trở thành nhà văn. Ngày xưa, tôi và chị Phụng từng đọc sách của họ, nghe kịch của họ phát trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam: Cửa gió, Tổ quốc, Người không mang họ…

“Hoàng, răng đánh nhau nhiều thế?”. Một hôm chị Phụng nói với tôi.

“Hoàng, răng chuyện nào cũng có tình yêu?”.

“Hoàng, răng bài hát mô cũng buồn, rứa?”.

Bao nhiêu là câu nói “Hoàng”, “Hoàng”, “Hoàng”…

Dĩ nhiên, tôi cũng không bao giờ trả lời được. Thường ấp úng. Có khi tôi lấy một câu hay điều gì đó trong sách giáo khoa hoặc nghe được từ thầy Công dạy văn, để đáp lời chị. Dĩ nhiên, chị Phụng hỏi để mà hỏi thôi. Sau này, khi tôi lớn nhiều rồi, khi chị đã mất rồi nhiều năm, tôi mới nghiệm ra điều đó. Cho nên, tôi có gì, là gì, trong chị, lại là câu hỏi hoài đeo đẳng của tôi, mà chị Phụng vĩnh viễn không thể trả lời?

Ba người đàn ông chúng tôi thơ thẩn một ngày trong Rú Lịnh, sờ tay lên từng gốc cây, cành lá, cố đoán tên của chúng. Nắng trưa xuyên qua tán lá trầm tĩnh rọi trên nền đất ẩm ướt có nhiều trái cây tròn trặn chín rụng bời bời. Ở dưới khe Tre, cây lịnh mọc ken dày. Đấy là loài cây chứa nhiều nước trong thân. Loài cây nổi tiếng nên đã được đặt tên cho cánh rừng này. Không có gió nhưng tiếng cây dạt vào nhau nghe rõ tiếng lá, cành chạm vào xô xát, cứ như có đoàn quân đi qua. Nhiều đám hơi nước bốc lên lơ đãng lan tràn. Hoa chi vàng đượm và có đàn bướm màu xanh biếc chấp chới bay lên.

Đầu mùa xuân cùng em đi lễ

Lễ chùa này, vườn nắng tung bay

Và ngàn lau vàng màu khép nép

Bãi sông bay một con bướm đẹp”.

Mùa xuân đâu nữa. Đã giữa thu rồi. Sóc chuyền cành và chim hót líu lo như bản chất cuộc sống thiên nhiên là thế, quay về cân bằng, yên tĩnh. Đấy là nơi trú ngụ mọi thứ. Linh hồn và thời gian. Nữ nhà văn T.T.H bạn tôi cũng từng viết thế trong các truyện ngắn của chị, đấy là nơi người ra đi và rồi sẽ quay về. Yên tĩnh.

Ba người đàn ông chúng tôi vạch lối vô tình đi theo một con bướm màu xanh biếc có chấm vàng bên cánh trái bay chập chờn phía trước. Nó bay qua bay lại, dẫn dắt chúng tôi từ dưới lòng khe Tre đã cạn sạch nước, ngược lên sườn dốc, đến một nơi mà tán rừng xanh rầm Rú Lịnh giãn ra một khoảng trống. Chính là nơi này! Nơi tôi và chị Phụng chắp tay khấn nguyện thiêng liêng ngày đó trước ngôi chùa cổ. Nhưng, chả còn dấu tích. Tôi dùng chân hất tung từng đám lá mục để lộ ra mặt đất ẩm ướt. Không có cả một mẩu gạch vụn, đá vỡ nào. Tôi dùng cành cây đào bới, chọc sâu nhiều chỗ trên bãi đất trống, cũng không thấy gì.

- Hoàng, mi làm chi rứa? Tìm chi rứa? Nhà văn Xuân Đức băn khoăn hỏi.

Từ ngày ấy tôi đã tự giao hẹn với bản thân mình sẽ vĩnh viễn cất giữ câu chuyện này như một bí mật. Trừ khi tôi biết được nguyên nhân cái chết của chị Phụng. Con bướm màu xanh biếc có chấm vàng bên cánh trái đậu trên cành cây phía sau lưng nhà văn Xuân Đức lặng im bất động. Hai con mắt nó nhìn tôi. Rồi nó vẫy cánh bay lên, bay lên đúng vào giữa khoảng trống rừng Rú Lịnh yên tĩnh, một khoảng trời nho nhỏ…

- Cháu tìm dấu vết ngôi chùa. Ngay tại đây, cậu ạ. (Do mối quan hệ gia đình, tôi gọi nhà văn Xuân Đức là cậu)

Tôi, cuối cùng đành kể với hai ông nhà văn câu chuyện chị Phụng, cái lần cùng chị đi lễ chùa năm xưa. Đành chia sẻ bí mật của tôi.

- Không! Làm gì có ngôi chùa nào ở đây! Thời chiến tranh, đơn vị chúng tôi trú quân ở đây nhiều đợt. Chúng tôi đào công sự, hầm trú ẩn ở đây, nhưng làm gì có chùa? - Ông Trần Biên khẳng định.

- Thời ta còn bé, tầm 1955, 1956 có lần theo chị gái đi chợ kháng chiến họp trong rừng này. Cứ đứng nhìn ông thợ may đạp máy kêu xoành xoạch đến nỗi chị gái đi đâu không biết, bị lạc. Ta khóc một hồi như mưa… Nhưng mà chùa? Hoàn toàn không có! - Nhà văn Xuân Đức trầm tư.

Con bướm màu xanh biếc có chấm vàng bên cánh trái bay trở lại. Vẫn chấp chới. Ba chúng tôi lại vô tình đi theo nó. Đến bên một hố bom rộng. Dưới đáy hố bom lại có cái hố sâu hun hút. Tôi men xuống, nghiêng đầu nhìn vào hố đen tưởng chừng như nó cất giấu điều tôi cần biết… Hay chính là nó? Cái hố đen do bom lùi tạo nên hay một kẽ nứt địa chất đã hút vào lòng nó toàn bộ ký ức, dĩ vãng và cả cái nền cũ ngôi chùa? Tôi lầm rầm, chị Phụng ơi, chị Phụng à, chị hãy chỉ cho em cái nền cũ ngôi chùa ấy, để em chứng minh với hai ông nhà văn đấy là sự thật. Chị Phụng ơi, chị chỉ cho em!

Tôi âm thầm mong mỏi như vậy. Thì bất ngờ nhà văn Xuân Đức nhớ ra điều gì dồn dập đặt câu hỏi:

- Người con gái tên gì?

- Chị Phụng, cậu à!

- Phụng? Chết cha rồi!

- Răng rứa cậu?

- Trùng tên. Người con gái chủ dự án đầu tư khu du lịch sinh thái Rú Lịnh, cũng tên là Phụng. Bữa trước ta có gặp cha hắn, người địa phương đây. Ông già kể con Phụng đi làm ăn mô lâu rồi trong Nam, chừ về xuất tiền mấy trăm tỷ đầu tư dự án du lịch sinh thái, tỉnh đã cấp đất rồi, hơn một trăm héc-ta!

- Cô ấy bao nhiêu tuổi à cậu?

- Không biết. Để ta hỏi cha hắn!

Nhà văn Xuân Đức lấy điện thoại gọi đi.

- Dạ, năm 1985 à? Dạ, cảm ơn bác. Con Phụng lâu nay có về Rú Lịnh không?

Một chín tám lăm. Đó là năm chị Phụng của tôi trẫm mình trên dòng sông Hương. Tôi bổi hổi ngồi xuống dựa lưng vào một gốc lim cổ thụ. Tôi châm điếu thuốc, khói ngoằn ngoèo bay lên tán lá xanh rầm. Trên đó nữa cũng là bầu trời xanh mê mải, chị Phụng ơi ở trên đó thanh bình lắm chăng, chị có nhớ nền gạch cũ ngôi chùa cổ năm nào đó hai chị em ta đứng chắp tay thề nguyền cho một điều mơ màng quá thể… Có thật không hả chị Phụng, rằng ngày tháng đã qua, rằng cả chị và em, và cả cánh rừng này, cả ngôi chùa cổ nền gạch đá ấy, là có thật?

“Vườn chùa đây vào nằm trong đất

Nép bên hoa đây những hoa vàng

Mộ của em mộ vừa mới lấp

Có con chim nào hót trên cây

Rồi từ đây vườn chùa thanh vắng

Đến thăm em ngày tháng qua mau

Một nụ mai vừa nở trong nắng

Hỡi em ơi mây đã qua cầu”.

Vì đã không còn là bí mật, nên tôi xin kể thêm một chút nữa: Cuối thu 2018, tòa soạn báo phân công tôi về Đông Hà, gặp cô Phụng sinh năm 1985, chủ đầu tư dự án khu du lịch Rú Lịnh để phỏng vấn, viết bài. Tuy câu chuyện là thế nhưng tôi thất vọng quá khi vẻ ngoài cô Phụng không có gì chung, giống với chị Phụng của tôi. Lời nói, phong cách cũng khác hẳn chị Phụng. Vậy nên chúng tôi trò chuyện một cách bình thường. Khi cô Phụng đứng dậy lấy tài liệu ở cái tủ sau lưng ghế tôi ngồi, thì làm rơi xuống sàn nhà một cuốn sổ bìa nâu. Sổ rơi lật mở ra vài trang, tôi nhanh mắt liếc nhìn thì thấy đó là cuốn nhật ký. Rồi tôi, hoảng hồn, run lẩy bẩy khi nhận ra đấy là nét chữ của chị Phụng. Có những chỗ ghi tên tôi “Hoàng”, “Hoàng”… Gió từ máy điều hòa thổi, lật cuốn sổ thêm vài trang, thì hiện ra xác con bướm màu xanh biếc có chấm vàng bên cánh trái nằm ép trong trang sổ. Thật bất ngờ, con bướm xanh biếc từ từ sống lại, nhổm lên khỏi trang sổ, nó nhìn tôi một lúc rồi đập cánh, bay đi qua ô thông gió trên tường.

Tôi muốn đổ gục ngay xuống trong khi Phụng vẫn đang tìm tài liệu, không hay biết gì? Trên đời này, không có gì là ngẫu nhiên, phải vậy không? Tôi muốn rời phố thị Đông Hà theo con bướm màu xanh biếc bay về Rú Lịnh ngay tức khắc. Muốn bỏ hết máy ảnh máy ghi âm laptop và sổ sách, bỏ hết công việc viết lách nhạt nhòa. Tôi muốn về đứng trước ngôi chùa dù chỉ là nền gạch đá điêu tàn cũng được. Bởi chắc chắn đó phải từng là một ngôi chùa có thật thực sự, không thể là ảo giác như nhà văn Xuân Đức và ông Trần Biên đã phán đoán giùm tôi. Không có ngôi chùa ấy, làm sao có chị Phụng, và có tôi?

“Chị Phụng ơi chị Phụng à, vẫn còn bao nhiêu câu hỏi trong đời?”.

Hay là, chị Phụng? Thời gian và linh hồn, sự yên tĩnh, chị và em - Hoàng, và ngôi chùa, và con bướm màu xanh biếc… mới là thế giới có thực? Còn lại là ảo giác, mà thôi?

Nếu đúng rứa, thì Phụng ơi Phụng à, em ở đâu, khi mây đã qua cầu?

Vĩ thanh: Truyện này tôi viết từ 2015 đến 2018, tại thành phố Vinh và thị trấn Cửa Tùng. Truyện có mượn bài ca “Em lễ chùa này”, lời thơ Phạm Thiên Thư, âm nhạc Phạm Duy; mượn tên nhà văn Xuân Đức, ông Trần Biên hiện đang sinh sống tại Quảng Trị. Truyện cũng mượn vài câu chuyện có thật liên quan đến Rú Lịnh, đang diễn ra…

T.H

Trần Hoài
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 290 tháng 11/2018

Mới nhất

Giường sắt có tốt không? Địa chỉ mua giường sắt uy tín?

16 Giờ trước

Giường sắt là một trong những đồ dùng nội thất không thể thiếu trong mỗi căn nhà, để đảm bảo cho gia chủ có một nơi nghỉ ngơi sau ngày dài mệt mỏi. Ngày nay, giường sắt đang khá phổ biến trên thị trường. Nếu bạn đang tìm hiểu về loại giường này và muốn tìm cho mình một địa chỉ mua giường sắt uy tín và chất lượng hiện nay thì đừng bỏ qua bài viết dưới đây của Công Ty Cổ Phần Nội Thất Đại Thành.

Chùm thơ Trần Đức Tín

22 Giờ trước

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

26/04

25° - 27°

Mưa

27/04

24° - 26°

Mưa

28/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground