Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Giấc mơ hoa hậu

TRUYỆN NGẮN dự thi

 

 

E

m là đứa sống hôm nào biết hôm nấy, bỏ qua quá khứ, mặc kệ tương lai. Còn em gái em thì ấp ủ rất nhiều giấc mơ: giấc mơ doanh nhân, giấc mơ ca sĩ, giấc mơ đầu bếp, giấc mơ nhà văn… Nó lần lượt hiện thực hóa những giấc mơ ấy rất đỗi dễ dàng. Này thì giấc mơ doanh nhân, suốt ngày online Facebook, đăng mấy cái ảnh quảng cáo thuốc tăng cân, giảm béo copy trên mạng về, vậy là thành doanh nhân. Này thì giấc mơ ca sỹ, mấy lần đi hát karaoke, máy thấy nhiệt tình la ó, hò hét nên toàn chấm tối đa một trăm điểm, vậy là được bạn bè phong cho danh xưng ca sỹ. Này thì giấc mơ đầu bếp, ở gia đình em, cứ nấu được món gì không phải mì tôm thì nghiễm nhiên xứng đáng với ngôi vị vua đầu bếp. Này thì giấc mơ nhà văn, gom mươi lăm trang nhật ký thất tình sướt mướt, bỏ tiền túi in thành những cuốn sách rực rỡ, hoàng tráng, vậy là thành nhà văn.

Nhưng có một giấc mơ cồn cào, cháy bỏng mà em gái em không bao giờ thực hiện được, đó có lẽ cũng là giấc mơ của hàng nghìn cô gái khác - giấc mơ hoa hậu! Giấc mơ ấy của nó được di truyền từ mẹ em. Chỉ nhìn qua tấm ảnh đen trắng thời xửa, thời xưa cũng đủ thấy mẹ em rất đẹp, đẹp ngất ngây. Thời ấy, mẹ từng thi một cuộc thi hoa hậu ao làng. Kết thúc cuộc thi, mẹ chẳng đoạt giải thưởng gì ngoài một cục nợ trong bụng là em. Xóm giềng xôn xao, lạ chưa, đi thi hoa hậu toàn con gái với nhau mà sao bụng mẹ em lại chềnh ễnh thế kia? Mẹ nút bông vào hai lỗ tai để em được ra đời, lặng lẽ.

Chắc cuộc đời nghĩ cuốn từ điển còn mỏng quá, nên sinh ra thêm từ trớ trêu. Đúng thật vậy, em gái em có nhân cách cao đẹp và tài năng xuất sắc, nhưng vì nó chỉ cao 1m50, nên nó vừa hí hửng đến nhà xe, bác bảo vệ cuộc thi hoa hậu đã phán: “Về đi cháu. Sân chơi hoa hậu không có chỗ cho những người lùn”. Câu nói nửa thật nửa đùa mà sắc lẹm như mũi dao gọt hoa quả làm tim nó đau nhói. Đau tim, nhưng nó bưng mặt khóc nức, khóc nở. Về đến nhà, em phải an ủi nó mãi. Nó khóc nhiều đến mức mắt nó sưng húp lên như hai quả bàng chín. Em dỗ dành:

- Chờ lúc nào chị giàu, chị đầu tư tiền tổ chức một cuộc thi mang tên Hoa hậu Lùn dành cho những cô gái dưới 1m65. Em chắc chắn đăng quang.

Nó càng khóc to hơn:

- Đợi lúc đó thì chị phải đổi tên cuộc thi thành Hoa hậu Bà già chân ngắn, em mới thi được.

Bị loại từ vòng gửi xe là điều đã đoán trước, thế mà nó vẫn cứ cố gắng đâm xe vào. Khi tâm đã bình, lòng đã tĩnh, nó hỏi tôi:

- Các cuộc thi hoa hậu thường lấy ba tiêu chí nhân cách, trí tuệ và nhan sắc để làm barem chấm điểm một cô gái. Vậy, có chắc cô gái nào đội vương miện cũng đáp ứng tất cả các tiêu chí ấy không hở chị?

Câu hỏi xoáy như xoay váy! Phải trả lời em gái em thế nào đây? Xét về nhân cách, em đọc báo thấy vẫn có hoa hậu nhiếc cha, mắng mẹ. Xét về trí tuệ, vẫn có hoa hậu không tốt nghiệp cấp ba. Xét về nhan sắc, vẫn có hoa hậu bị so sánh với các loài động vật nọ kia. Xét cả ba, em không muốn nghĩ nữa. Khi chấm điểm, ban giám khảo có bị đau đầu như em lúc này không? Sau một lát vò đầu bứt tai suy nghĩ, em khẳng định:

- Chị không chắc các cô gái đăng quang đều có nhân cách tốt và nhiều tài năng hay không. Nhưng chị dám chắc, nếu không đủ tiêu chuẩn về chiều cao cơ bản, cô gái đó đừng mơ tưởng đến chiếc vương miện.

Sở dĩ, em nhấn mạnh yếu tố chiều cao bởi chiều cao là một phạm trù quan trọng bậc nhất của nhan sắc. Nhan sắc còn là số đo ba vòng, gương mặt, làn da, mái tóc, vân vân và vân vân. Chả phải các cụ ta ngày xưa đã xếp thứ tự: nhất dáng, nhì da, thứ ba gương mặt đó sao? Thứ phép màu nhiệm mang tên công nghệ làm đẹp có thể hút - bơm ba vòng; có thể gọt - nâng gương mặt; có thể nhuộm nâu - tắm trắng làn da, có thể cắt ngắn - nối dài mái tóc. Tùy ý. Còn để độn mười lăm phân chiều cao vào đôi chân một cô gái đã ở độ tuổi ngừng tăng trưởng là một việc làm chắc chỉ có đôi giày cao gót dám nghĩ đến.

Suýt chút nữa thì em quên mất, hoa hậu phải có nét đẹp tự nhiên. Vậy nên, dù có bọc sứ vào một cái răng sâu thôi cũng đừng mơ được bung lụa trên sân khấu những cuộc thi nhan sắc. Ấy vậy mà sau mỗi cuộc thi, báo chí truyền thông thường hay dùng từ “nghi vấn” để đặt title: Nghi vấn hoa hậu A. bơm môi, Nghi vấn hoa hậu B. nhấn mí, Nghi vấn hoa hậu C. nâng ngực, Nghi vấn hoa hậu D. vót cằm. Đố mọi người biết việc đầu tiên những hoa hậu A., B., C., D. vừa nêu tên thực hiện sau khi đăng quang là gì? Em nghĩ chắc 99% trả lời là đi làm từ thiện. Nhưng sai bét rồi, họ sẽ trích ra mấy chục nghìn đồng trong khối tiền thưởng kếch xù kia để đi mua rổ hứng đá.

Mà chắc em lan man quá rồi. Ngay bây giờ, em sẽ quay lại trọng tâm chuyện cô em gái của em. Em gái em mặc dù chẳng phải hoa hậu nhưng rất hay đi làm từ thiện bằng tiền in sách, tiền kinh doanh và tiền xin tài trợ nhờ các mối quan hệ. Nó muốn trở thành hoa hậu không phải vì khát khao vươn ra biển lớn, cũng chẳng phải vì sự lấp lánh của mấy viên đá quý, ngọc trai đính trên vương miện. Nó muốn làm hoa hậu để giúp đỡ được nhiều người hơn. Nó bảo, nếu nó đăng quang, nó sẽ dùng hết số tiền thưởng, kể cả bán luôn chiếc vương miện làm quỹ học bổng cho học sinh nghèo hiếu học. Còn em, em giả sử thôi, em mà đăng quang, em sẽ dùng tất thảy số tiền đó trùng tu nhan sắc, mua váy áo, xiêm y lộng lẫy để đi dự event cho bằng chị, bằng em.

Em được thừa hưởng gương mặt khả ái của mẹ và chiều cao một mét bảy mươi nhăm không biết thừa hưởng từ ai, tính riêng đôi chân đã hơn mét mốt. Mỗi lần hai chị em nằm cạnh nhau chém gió, em gái em thường thích ngắm nghía, vuốt ve đôi chân nà nuột của em như một thứ báu vật. Nó ao ước được như em. Em thì em lại ước được như nó, thông minh, tốt bụng. Chân dài lắm làm gì cho tốn vải, tốn chăn, đêm đông phải co lại như con mèo, mỏi lắm. Nhiều lần, em gái em trách đùa mẹ, sao sinh ra em đẹp thế mà sinh ra nó lùn tịt một mẩu. Mẹ bảo, vì bố em khác bố em gái em. Dù thế, chị em em vẫn rất yêu thương nhau. Một hôm, em gái em bảo:

- Hay chị đi thi hoa hậu đi.

Mẹ em thêm vào:

- Con có triển vọng thành hoa hậu đấy.

Em ngần ngừ:

-  Con chỉ đáp ứng được nhan sắc thôi. Còn trí tuệ và nhân cách của con kém lắm. Tóm lại, não con tỉ lệ nghịch với đôi chân. Con không thành hoa hậu được đâu.

Với kinh nghiệm của một thí sinh từng lọt tới bán kết cuộc thi hoa hậu cấp ao làng từ thời xưa lơ xưa lắc, mẹ em truyền đạt:

- Có nhan sắc là có tất cả. Nhân cách, trí tuệ ở bên trong, ai thấy được mà lo. Nếu cần, con cứ diễn cho khéo vào. Lúc nào cũng tỏ ra thật bao dung, nhân hậu. Thậm chí hãy cố rơi nước mắt khi cần.

- Nhưng…

Thực lòng mà nói, em chưa từng có ý nghĩ sẽ thi hoa hậu vì ba lý do. Thứ nhất, em ngại mặc bikini trong phần thi áo tắm. Thứ hai, chân em đi giày cao gót hay bị sưng. Và thứ ba, em sợ bốc thăm trúng câu hỏi ứng xử bằng tiếng Anh khi em thì hoàn toàn mù tịt khoản ngoại ngữ. Vả lại, làm hoa hậu mệt lắm. Lúc nào cũng phải ăn mặc chỉn chu, nói năng trau chuốt. Em thì em hay mặc quần áo thiếu vải cho mát mẻ, lại còn thường xuyên tùy tiện văng tục, chửi thề. Vậy mà đòi làm hoa hậu ư? Đấy là chưa kể có chị hoa hậu ăn bún đậu mắm tôm ngoài đường phúng mồm cũng bị săm soi, đưa lên mạng. Ống kính cứ chờ mình sơ hở là chụp. Công chúng thì luôn đặt ra quy chuẩn hoa hậu phải thế lọ, thế chai. Thế có gò bó không chứ lị. Em đem những suy nghĩ ấy giãi bày với mẹ, mẹ em cười ha ha:

- Đăng quang rồi, con tha hồ sống thật với bản chất của mình, thèm ăn thì ăn, thèm thuốc lá thì hút thuốc lá, ngủ ngáy thì cứ ngáy, cần đanh đá thì cứ đanh đá, sợ đếch gì. Mẹ chưa thấy hoa hậu nào bị tước vương miện vì nhân cách không tốt sau cuộc thi cả.

Nhưng có một sự kiện đau lòng đã khiến em phải thay đổi. Em gái em bị tai nạn trong một buổi sáng chở quần áo đi phát cho trẻ em mồ côi sống dưới các gầm cầu. Trước khi về với thiên đường, nó nắm tay em, tha thiết:

- Xin chị hãy hứa với em một điều.

Em quệt nước mắt, gật đầu:

- Em nói đi, điều gì chị cũng hứa.

- Hãy thay em thực hiện giấc mơ hoa hậu.

Mắt em nhắm lại sau câu nói đó. Trong khoảnh khắc đó, em thấy chân em gái em dài ra và nó được một thiên thần trao lên đầu chiếc vương miện tỏa ra muôn vạn ánh hào quang lấp lánh. Ngày đám tang nó, lá vàng và mưa rụng nhiều như những giọt lệ cảm thương. Một đám trẻ lạ ăn mặc rách rưới, mặt mày lem nhem mang đến một chiếc vương miện kết từ lá dừa, đặt lên nắm mộ nó rồi đồng loạt quỳ xuống, khóc tầm tã. Em gái em chưa đăng quang cuộc thi nào, nhưng em biết, từ lâu, nó đã là hoa hậu trong lòng những đứa trẻ ấy.

Bờ vai em từ đó phải gánh gồng giấc mơ hoa hậu, đó vừa là giấc mơ của em gái em, vừa là giấc mơ của mẹ. Em phải nỗ lực, phải nỗ lực hết mình. Em tập gym cho dáng săn chắc, tập đến mức thở khẽ cũng đau thắt bụng. Em luyện catwalk cho chân mềm mại, luyện đến mức chân nổi những cục u. Em học đàn, học múa cho thêm tài năng, học đến mức đôi tay tê buốt. Em tập khóc để bật ra nhân cách, tập đến mức mắt đỏ như than. Em xác định thi hoa hậu là một mục tiêu lâu bền chứ không phải một ý nghĩ ngông cuồng, bừa bãi. Trong những giấc ngủ chập chờn, em mơ thấy chiếc vương miện lủng lẳng, đu đưa trước mắt mình. Nhưng khi em với tay, chiếc vương miện biến mất sau làn sương khói mờ đục. Và em gái em hiện ra, bao giờ cũng chỉ nói một câu: “Chị nhất định sẽ trở thành hoa hậu”.

Nói theo phong cách của giới teen thì em đã dành cả thanh xuân để thi hoa hậu. Em thi đâu rớt đấy. Lần thi cuộc thi Hoa hậu Miền núi, em rớt vì bị trượt chân ngã. Lần thi Hoa hậu Miền xuôi, em rớt vì bị tăng cân. Lần thi Hoa hậu Sông, em rớt vì bị thư nặc danh tố cáo. Lần thi Hoa hậu Suối, em rớt vì bị bạn xấu nhốt trong nhà vệ sinh. Lần thi Hoa hậu Toàn diện, em rớt vì bị kẻ gian xé rách váy. Lần thi Hoa hậu Mỹ mãn, em rớt vì nói xấu ban giám khảo xơi xơi. Lần thi Hoa hậu Ăn chay, em rớt vì trót ăn vụng đồ mặn. Thành tích cao nhất em đạt được là lọt top 20. Con đường từ top 20 đến với giấc mơ hoa hậu thật dài và thật lắm truân chuyên. Em không nhớ mình đã rớt bao nhiêu nước mắt nuối tiếc. Chỉ nhớ mình chưa có giải gì. Mẹ bảo, số em nhọ hơn số mẹ.

Năm nay là năm cuối cùng em được thi hoa hậu. Năm sau em quá tuổi mất rồi. Sau nhiều ngày hai mẹ con hội ý, cân đo đong đếm giữa các cuộc thi đang ùn ùn mọc lên như nấm, em quyết tâm sẽ “phục thù” tại cuộc thi Hoa hậu Hoàn hảo. Cái tên cuộc thi đã nói lên tất cả. Cô gái đăng quang sẽ phải đẹp hoàn hảo để xứng đáng với chiếc vương miện trị giá những bốn tỷ đồng. Báo chí đưa tin, đây là chiếc vương miện đắt nhất trong lịch sử các cuộc thi hoa hậu đã diễn ra. Như vậy chắc cạnh tranh khủng khiếp, khốc liệt lắm? Thôi thì liều ăn nhiều. Đằng nào em cũng đâu còn gì để mất. Em tin em gái em trên thiên đường sẽ phù hộ cho em.

Ngay từ phút ban đầu, em đã chuẩn bị mọi thứ thật kỹ lưỡng. Mẹ em bán một mảnh vườn bốn trăm triệu đầu tư cho em đi thi. Bốn trăm triệu mới chỉ bằng một phần mười chiếc vương miện bốn tỷ, tính rộng, trông xa thì còn lãi chán. Em dùng số tiền ấy thuê ekip làm truyền thông. Mẹ em bảo, thi hoa hậu mà không có truyền thông tung hứng PR thì dù có là nắng cũng chả chói chang nổi. Em thấy mẹ em nói đúng quá, bao lần em đi thi, cứ toàn phải dồn sức chen lấn, xô đẩy để đứng lên hàng đầu thì cái mặt mới thò ra được một tí trong biển người đẹp gần trăm thí sinh mắt xanh, môi đỏ. Sau mỗi lần như thế, em mệt bở hơi tai. Thi hoa hậu mệt hơn đi đánh trận. Đôi khi em nghĩ, nghị lực của em thật phi thường. Thấm thoắt, em đã thi hoa hậu được mười lần có lẻ.

Cuộc thi Hoa hậu Hoàn hảo bắt đầu diễn ra cũng là lúc số đo ba vòng của em nét từng centimet: 90 - 60 - 90. Truyền thông nổ phát súng đầu tiên bằng dòng title rất kêu: Đây là thí sinh còn nóng bỏng hơn những thiên thần của Victoria Scret. Chẳng mấy khó khăn, em vượt qua vòng casting nhẹ nhàng như con cá xuôi sông. Ngay chặng đầu, tên em đã nằm trong nhóm ứng cử viên tiềm năng. Em vui quá. Đó là động lực cho em bứt phá. Em sẽ chiến thắng. Em nhất định sẽ chiến thắng.

Để chạm tới chiếc vương miện bốn tỷ đồng, em và các thí sinh khác phải thi thố với lịch trình dày đặc từ sáng sớm tinh mơ đến khuya lơ, khuya lắc. Hết chụp hình bikini ngoài bãi biển rồi lại đến catwalk quanh bể bơi. Hết tạo dáng với váy dạ hội rồi thì học cách nói, cười, mời rượu sao cho thanh lịch. Có hôm cười nhiều quá, mồm em mỏi kinh khủng khiếp, mỏi đến mức chỉ muốn ăn cháo thay cơm. Lại có hôm thời tiết khắc nghiệt, em bị cảm, mũi cứ rụt rà rụt rịt mà không dám hỉ ra vì sợ bị đánh giá vô duyên, mất điểm.

Cuộc chiến cho ngôi vị hoa hậu càng lúc càng cam go. Cả trăm bông hoa, bông nào cũng rực rỡ, mĩ miều. Đến em là con gái còn mê mẩn huống gì bọn đàn ông. Để làm cho mình nổi bật, ngày nào em cũng phải tính toán hôm nay mặc gì để “chặt chém” những thí sinh còn lại. Trung bình mỗi ngày em thay mười bộ váy. Em đổi màu còn nhanh hơn con tắc kè hoa. Bạn em cùng phòng e dè hỏi:

- Bạn lấy đâu ra tiền mà mua nhiều váy đẹp thế?

Em chau mày:

- Ơ hay, đi thi thì phải có đầu tư chứ.

Bạn ấy than nghèo, kể khổ:

- Mình mồ côi mẹ. Bố làm nghề thả ống lươn. Mình đi thi chỉ mượn được hai bộ váy thôi, bạn ạ.

Em nghĩ thầm trong đầu nhưng không nói ra: Đã nghèo còn đòi đú đởn thi hoa hậu làm gì. Ấy thế mà bù lại, bạn ý thông minh tuyệt đỉnh. Hôm tham gia phần thi phụ mang tên Ứng phó với phóng viên, khi được hỏi, bạn thi hoa hậu vì mục đích gì, chả cần mất một giây suy nghĩ, bạn ý đáp trơn tru, liền mạch: “Mục đích duy nhất của em khi đến với cuộc thi này là mang hơi ấm trái tim truyền thông điệp yêu thương đến cộng đồng, để cuộc sống luôn ngập tràn hạnh phúc”. Cũng câu hỏi đó lọt vào tai em, não mất nửa phút xử lý thì cái mồm em chem chẻm phát biểu thế này: “Em thi cuộc thi này vì cái vương miện 4 tỷ đồng. Em muốn xem đội vương miện bốn tỉ có nặng lắm không”. Em không quen nói những lời bồng bềnh, giả dối. Em muốn sống thật với bản thân mình. Em nghĩ đơn giản rằng, muốn cứu thế giới thì thiếu gì cách, đâu nhất thiết phải thi hoa hậu. Thử hỏi, nếu cuộc thi chẳng có giải thưởng liệu mấy ai chen vào đăng ký?

Cuộc thi Hoa hậu Hoàn hảo ngoài ba giải chính là Hoa hậu, Á hậu 1, Á hậu 2 còn có các giải thưởng phụ do khán giả bình chọn. Cổng bình chọn online diễn ra nổi sôi, rầm rộ. Ở nhà, mẹ em thuê người lập Facebook ảo, vote cho em ngày đêm không ngừng nghỉ. Nhờ vậy, em thắng hai giải phụ: Người đẹp có nụ cười thánh thiện nhất và Người đẹp có đôi mắt biết nói nhất. Tên em liên tục khuynh đảo các bảng dự đoán xếp hạng. Ekip truyền thông của em tung ra những bài viết quảng bá hình ảnh của em để dẫn dắt dư luận. Mấy cái ảnh của em qua photoshop lung linh, lồng lộng. Cộng đồng mạng dành những cơn mưa lời khen: Cô ấy thật ngọt ngào. Một vẻ đẹp quyến rũ. Cô ấy không là hoa hậu thì còn ai xứng đáng bằng. Tôi chưa thấy ai đẹp như cô ấy. Vẻ đẹp của một nữ thần. Nửa đêm, em thức đọc qua những comment, bất giác cười hô hố làm bạn cùng phòng giật mình tỉnh giấc. Khán giả cũng đâu cần biết trí tuệ và nhân cách thí sinh thế nào, họ chỉ cần chấm điểm dựa theo nhan sắc.

Đêm ấy, nằm ngủ, em mơ một giấc mơ kỳ lạ. Ngoại trừ em, một trăm mười tám thí sinh còn lại, ai cũng đăng quang ngôi vị hoa hậu: Hoa hậu buồn nhất, Hoa hậu vui nhất, Hoa hậu nói nhiều nhất, Hoa hậu hay cười nhất, Hoa hậu trẻ nhất, Hoa hậu già nhất, Hoa hậu dịu hiền nhất, Hoa hậu nhiều răng khểnh nhất, Hoa hậu ba vòng săn chắc nhất, Hoa hậu có đôi chân nuột nhất… và còn có cả Hoa hậu… giống đàn ông nhất. Ôi, sao ban giám khảo nhẫn tâm thế? Còn mỗi em sao không vớt vát nốt một giải thưởng nào đi? Em rụt rè bước ra ngoài ngõ, thấy những xe rác chở các dải băng danh hiệu đỏ lòm mang ra ngoại ô thành phố tiêu hủy. Trên đường, người đi xe máy không đội mũ bảo hiểm mà đội vương miện lấp la lấp lánh. Tủi phận, em òa lên khóc tức tưởi. Như ông Bụt trong cổ tích Tấm Cám, một chị nhà báo đi qua, cũng đội vương miện, the thé hỏi, tại sao em khóc? Em nói trong nước mắt nhòa nhện: Vì ai cũng là hoa hậu. Mỗi em là người bình thường. Thế là chị kia hô lên: “Mọi người ơi, ra mà xem một cô gái không phải hoa hậu này. Cô ấy là người bình thường duy nhất còn sót lại trên đời”. Trong chớp nhoáng, chẳng khác gì lũ sói phát hiện thấy con thỏ non, cánh phóng viên rầm rầm sấn đến, bu quanh em, lách tách bấm máy ảnh liên hồi và nhao nhao phỏng vấn khiến lưỡng quyền em bành ra vì mỏi. Ngày hôm sau, tên em xuất hiện đầy rẫy trên các mặt báo.

Đó chỉ là giấc mơ, còn hiện tại, em vẫn đang nai lưng ra mà thi hoa hậu đây này. Vương miện là vàng, là ngọc chứ có phải là đất, là sỏi đâu mà ban phát tràn lan như trong giấc mơ được. Trước ngày chung kết, vị Trưởng ban giám khảo gọi điện nhờ chút việc. Ông bảo, ông bị đau đầu, cần người massage một chút. Em đáp, em không quen làm việc này. Ông nói, có mỗi việc massage còn không biết làm mà đòi làm hoa hậu để giải cứu cả thế giới. Cúp máy, em ngồi bần thần nghĩ ngợi, phân vân rất lâu, rất lâu. Em sợ ông kia sẽ dìm em trong đêm chung kết. Vậy là em rón rén bước sang phòng ông. Trước khi vào phòng, em phải cẩn thận ngó trước, ngoảnh sau xem có ai nhìn thấy không. Chỉ là đi massage thôi mà, sao phải luống cuống, sợ sệt thế nhỉ?

Cuối cùng, em đã được hiện thực hóa giấc mơ hoa hậu. Khoảnh khắc đăng quang, em như đang bay mặc dù chiếc vương miện trên đầu rất nặng, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Tên em bỗng chốc vụt sáng. Từ một cô gái chả ai biết mặt, nhớ tên, em thành ngôi sao thu hút mọi ánh nhìn. Trên Facebook, người ta xôn xao bàn luận về nhan sắc của em, khen có, chê có. Tóm đi tóm lại, những lời bình luận phong phú như một nồi lẩu thập cẩm. Và nữa, những bức ảnh quá khứ của em cũng bị đào mộ. Chao ôi, những bức ảnh ngày xưa chỉ có mấy chục like mà bây giờ đã chạm mốc nghìn like. Messenger ngập tràn tin nhắn. Em là hoa hậu. Em đã là hoa hậu. Đăng quang hoa hậu mà em không khóc được. Em thoải mái cười hềnh hệch như trúng xổ số mà quên hết bài học cười thanh lịch hôm nào. Vương miện thì cũng đoạt được rồi, việc gì phải diễn nữa. Cười thanh lịch mỏi mồm chết đi được.

Em đội vương miện về nhà trong vòng tay mừng đón của mẹ em và những người dân trong khu phố. Tự dưng, gia đình em có nhiều người thân và người quen thế chứ lị. Mọi người rôm rả chúc mừng em như thể em là người đầu tiên mang vinh quang về cho khu phố này. Nhưng em biết có những kẻ mồm thì chúc thế thôi chứ bụng đang tức anh ách. Ừ thì cũng đúng thôi. Có ai ngờ rằng cái con bé mồm xoe xóe đi chửi nhau từ đầu hẻm đến cuối ngõ, cái con bé mùa hè hay mùa đông cũng mặc đồ thiếu vải này lại có ngày đội lên đầu chiếc vương miện danh giá thế. Từ nay thì đố ai khinh thường mẹ con em nha. Ôi, việc đầu tiên em làm sau khi đăng quang không phải là đi mua rổ hứng gạch mà ra mộ em gái em. Nơi xa ấy, chắc nó đang vui lắm. Em ơi, thôi thì em thiệt phận, chị đã thay em hoàn thành ước mơ rồi đây. Chị đã là hoa hậu rồi, em ạ.

Mẹ em cầm chiếc vương miện lên ngắm ngắm, nghía nghía rồi cứ xuýt xoa mãi. Những bốn tỷ đồng, thảo nào tinh xảo thế. Mẹ bảo, em đã đánh đổi nhiều mồ hôi, công sức mới có được chiếc vương miện độc nhất vô nhị này. Em bảo, ngoài mồ hôi ra, em còn đánh đổi cả một giọt máu. Mẹ em vỗ vai động viên em, một giọt máu có đáng là bao, mẹ ở nhà vừa xem em trình diễn, vừa gọt hoa quả ăn bị đứt tay rơi hẳn năm giọt máu. Năm giọt máu của mẹ rơi xuống thật lãng phí. Một giọt máu của em đã thu về được chiếc vương miện bốn tỉ rồi. Nhà, xe, váy áo… Em khấp khởi bấm đốt ngón tay tính xem những thứ em cần mua sắp tới.

Tưởng đội lên đầu chiếc vương miện là vương miện đã thuộc về mình. Nào ngờ đâu, sau một giấc ngủ sâu, chiếc vương miện đã không cánh mà bay mất. Em ngồi ngẩn ngơ như ma bắt mất hồn, mẹ em khóc bù lu bu loa rồi gọi điện báo cảnh sát. Đúng một ngày sau, cũng sau một giấc ngủ, chiếc vương miện bỗng chốc nằm lại ngay ngắn trên bàn với bức thư gấp vuông vắn của tên trộm: “Cái vương miện làm bằng inox và nhựa mà làm bố mày phí công đột nhập. Đúng là hoa hậu rởm”. Ơ, sao lại là inox và nhựa? Chiếc vương miện bốn tỷ đồng của em? Mẹ con em mang chiếc vương miện ra tiệm kim hoàn, bác bán hàng nheo nheo mắt sau cặp kính dày cộm:

- Mang ra quán sắt vụn mà bán nha hai mẹ con.

- Con ơi, sao lại thế này?

- Lẽ nào con bị lừa. Trời ơi, một giọt máu của con.

Mẹ con em dắt díu nhau đến nhà ông trưởng ban giám khảo cuộc thi làm cho rõ ngô ra ngô, khoai ra khoai. Đến nơi, ông ấy đang thư thả vươn tay tưới những khóm hồng dây đơm nụ. Mẹ bỗng khựng lại rồi hoảng hốt kéo tay em bỏ chạy. Theo quán tính, em cũng lọc cọc chạy theo mẹ mà chưa hiểu chuyện gì. Vừa chạy, mẹ vừa hổn hển:

- Con ơi, không cần hỏi đâu. Dù vương miện nó có làm từ gì… thì con cũng đã là… là… hoa hậu.

Mẹ quệt nước mắt, cho những dòng ký ức chảy đi…

P.Đ.L

 

 

 

 

 

PHAN ĐỨC LỘC
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 295 tháng 04/2019

Mới nhất

Bộ từ điển bỏ lại giữa rừng sâu

5 Giờ trước

Sau hiệp định Pari, 27/1/1973, chiến tranh tạm dừng, đại đội tôi đóng quân giữa bãi cát Lệ Xuyên, huyện

Đi tìm cỏ

5 Giờ trước

Nhiều lúc ngồi thẫn thờ nhìn đàn trâu bò gặm cỏ dọc triền đê chợt giật mình: Cỏ quê

Chị ấy…

5 Giờ trước

Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Huế tổ chức một chuyến đi thực tế dài ngày tại Tổng Công

Pa Ling mùa mưa

5 Giờ trước

Tháng 11, dưới cơn mưa rừng tầm tã, chúng tôi tìm về thôn Pa Ling, xã A Vao, huyện Đakrông,

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/03

25° - 27°

Mưa

31/03

24° - 26°

Mưa

01/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground