Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 30/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Chuyến hải trình của cát


TRUYỆN NGẮN dự thi

 

 

T

rên tàu, anh Ba nằm duỗi thẳng chân, chiếc ba lô con để kề bên, một tay vòng qua khư khư như ôm báu vật. Tàu chạy xình xịch, tiếng người bàn tán về những cuộc hồi hương lao xao. Giọng anh thì nhỏ xíu, chập chờn trong hỗn âm líu ríu. Mình cố gắng lắng tai nghe, tiếng được tiếng không. Chắc chắn không ai trong toa và cả trên đoàn tàu (ngoài mình) biết được rằng trong chiếc ba lô màu xanh da trời, là tro. Tro trắng ngần, tro lặng im và tro mang một nỗi niềm khôn nguôi, khó tả.

Tiếng thở của tàu vẫn dập dềnh, buông dài như rải lại dọc đường thứ âm thanh của bước chân thời gian. Nhiều lần đi tàu, nhưng chưa lần nào mình cảm thấy tiếng tàu chở mang nỗi gì đó nặng nề đến như vậy. Có thể rất gần, từng có một chuyến tàu nào đó đã đưa anh Cả đi, vào một buổi chiều không gió cũng không mây. Đứng trước bảng niêm yết hệ thống tàu, mình hỏi nhỏ, “chuyến tàu nào đã đưa anh Cả ra đi”. Anh Ba nhìn mình nói, như hỏi ai đó chứ không phải hỏi mình, “chuyến tàu nào sẽ đưa anh trở về?”. Mình không biết phải trả lời anh Ba ra sao, nhìn chiếc ba lô xanh. Như những ngày thơ ấu trở về thăm nội, nghe ai đó nói giọng quê, mình lại nhìn nội, mắt tròn thắc mắc. Thế nào nội cũng giải thích cho mình nghe. Nhưng lần này không một tiếng người, dù là một tiếng vọng nào. Lặng im. Chỉ có tiếng tàu rải dài như gieo lại suốt chặng đường của hai anh em, nối những nỗi niềm của quê hương bố với quê hương má.

Tàu đến ga Đà Nẵng, anh Ba hỏi, em nhớ anh Cả đi ngày mấy không? Mình nghe vô thức trả lời rằng hôm ấy là ngày hai mươi hai tháng Chạp. Có lẽ nhớ vì hôm sau là ngày đưa ông Táo về trời báo cáo mọi chuyện ở trần gian. Anh em mình năm đó, đứa tăng ca, đứa dọn dẹp nhà và rửa mồ mả bố má nên không về quê được. Anh Cả nhận nhiệm vụ về quê, dọn dẹp từ đường và ra mộ thắp nhang cho nội.

Năm đó sớm lập đông, trời bỗng nổi nhiều cơn giông, đài báo biển động mạnh. Anh Cả một mình mang theo mấy ký đường thốt nốt gói lại bằng lá, cùng toàn bộ giấy tờ của nhà, kể cả giấy chứng minh của mình, vừa được cấp lần đầu tiên, ba hôm trước đó.

Mình muốn nhớ, mà không sao moi ký ức ra được, quay sang hỏi anh Ba, anh nhớ anh Cả nhắn cho mình tin nhắn cuối cùng nói gì không? Anh Ba làm sao quên được, tin nhắn không dấu, không cảm xúc, lạnh lùng như biển cả: “Anh da ban nha cua noi”. Anh Ba nắm chặt cái điện thoại, nếu thêm chút ít lực nữa, mình nghĩ có thể sẽ làm mọi thứ nát ra, bốc khói.

Anh Cả nghĩ ra cách bán nhà nội cũng thật kỳ công. Nhưng so với việc lén đi chui qua cửa khẩu vượt biên giới, đánh mấy lá bài thua sạch, rồi nghĩ ra cách cầm ba ngón tay, thì có ăn thua gì.

Chuyến đó, sau khi má đã mãn tang, bố đang lâm vào bệnh lao tâm thời kỳ cuối. Mình nghĩ chắc trời đùa chơi với nhà mình thôi. Đám tang má không lâu thì đám tang bố. Người ta đi phúng điếu, gom góp trừ cấn đám cũng dư được hơn ba chục triệu đồng. Anh Ba nói, phần này để anh Cả giữ, nhang khói cho bố và má để anh em mình yên tâm lên Bình Dương làm mướn.

Chuyến đi Bình Dương chưa được thực hiện vì bố vẫn chưa quá trăm ngày. Anh Cả ngơ ngơ ngẩn ngẩn, “chắc do sốc mất cả má và bố quá nhanh!” – nhưng mọi thứ không như anh Ba nghĩ. Mấy hôm sau, anh Cả biến mất không một dấu vết cùng mớ tiền nhang đèn. Tuần sau, anh trở về với bộ dạng thất tha thất thểu, tay mất hết một lóng, băng trắng mà máu vẫn rịn… Đỏ bầm. Nhức nhối.

Lúc đó, mình mới thấy, đúng là ông trời đày nhà mình rồi. Nhưng anh Ba nói, “trời có mắt, không bao giờ diệt tận gốc mình đâu, ổng cũng phải chừa cho anh em mình một con đường sống”. Đúng là còn có một con đường. Nhà nội ở ngoại thành Đông Hà, vẫn còn mấy sào cau và ngôi từ đường ở đó. Anh Ba nói, vườn cau cho thuê cũng đủ nhang khói cho nội và ba má. Lần này ông trời hé ra một chân trời. Mình không thể chết trong nghịch cảnh như vậy được.

Đến lúc anh Cả nhắn tin về thì mình mới tức tối, tại sao anh em mình lại tin anh Cả đến như vậy. Tất nhiên trước đó thì vẫn còn tin, vẫn còn khư khư rằng, anh bổn phận con trưởng, phải về coi nhà cửa nội ra sao, thắp cho nội nén hương. Dòng họ mình ngoài ấy chắc không còn ai nữa, ngoài những ngôi mộ bạc màu vôi, rêu phong nằm nép mình bên dưới chân ngọn núi. Anh Cả nhận nhiệm vụ ngay, cũng như những lần anh theo bố về quê hồi trước vậy. Anh lên đường (có thể là bằng tàu hỏa), để về quê bố trước ngày hai mươi ba, để trở về Nam kịp trước giao thừa. Dự là như vậy, nhưng làm sao ngờ được anh Ba lại nhận được tin nhắn của anh Cả, chỉ bốn ngày sau khi anh vắng nhà.

Anh Cả đã bán hết đất đai, nhà cửa của nội. Ắt anh vẫn còn đâu đó ở quê nội chứ chưa đi xa được. Giấy tờ chuyển nhượng giáp Tết thì đâu có dễ dàng. Hai anh em lại vay nóng thêm một mối tiền, tức tốc bay ra Phú Bài để đi về nhà nội.

Nhưng anh Cả đã đi trước lúc mình đến, ngôi nhà của nội chính thức sang tên và quyền của người khác cách lúc mình đặt chân lên Phú Bài vài giờ. Anh Ba đứng chết trân trước cổng nhà. Vườn cau của nội vẫn còn đó kề bên giếng nước. Ngôi từ đường khép cửa, lạnh lẽo và tù mù. Anh Ba bước vào, vắng lặng không thể nào tả nổi. Bàn thờ nội không còn ở đó, ngay cả tấm hình cũng biến mất theo người. Chỗ treo hình nội cũng bị nhổ cây đinh đi, để lại những lỗ tròn nhỏ nhoi mà sao thăm thẳm, tù mù nhức nhối. Chủ nhà nói, “thấy chưa, tôi có nói sai đâu. Anh ấy đã dọn dẹp sạch, trước khi bán cho tôi”. “Vậy bàn thờ nội tôi đâu?”. Người chủ mới của ngôi từ đường lắc đầu, rút vai, “làm sao tôi biết được”.

Mình bỗng suy đoán rằng, rất có thể anh Cả đã nướng số tiền trên vào một canh bạc nào đó rồi. Người chủ mới nói, “chắc là không đâu, anh ấy nói nhà khổ lắm, cần có nhiều tiền để nuôi hai đứa em. Nói xong anh ấy đi về phía biển, nơi bến cảng”. Manh mối duy nhất như một sợi chỉ mỏng và sáng lấp lánh, hai anh em níu lấy, lần theo ra cảng. Cũng phải rất lâu, mới có người nhận dạng, rằng “cậu ta theo một con tàu lớn, có vẻ quyết chí lắm. Mà có khi nào mua con tàu đó để đánh cá hay không? Chờ vài hôm nữa, qua cơn biển động là biết à”. Hôm sau, trời tung ra cơn bão. Biển động. Tàu về đầy ở cảng, chỉ riêng sáu chiếc là không về. Người ta nói, sáu chiếc đó mất liên lạc từ hôm qua. Và có thể lắm: “có thể cậu ta đã lên một trong sáu chiếc tàu còn ở khơi xa”. Lọt giữa những lời ra có một tiếng nói vào: “trong sáu chiếc, có một chiếc vượt biên!”.

 

 


Minh họa: 
THANH THÁI

Và khi biển đã tan cơn thịnh nộ, sóng còn chút lăn tăn thì vẫn không cách nào tìm được một con tàu. Năm con tàu còn lại trở về an toàn. Một chiếc của ngư dân lạ, mất tích từ hôm đó. Người ta bàn tán với nhau về một chuyến hải trình. Anh Ba nói, “chắc hẳn là anh Cả”. Một cụ già nhiều năm cưỡi biển nói rằng, “biên giới trên biển vừa mỏng lại vừa mênh mông, như gió. Bước chân qua là đã sang biên mà có khi bước hoài cũng chẳng sang được. Nói chung chuyến hải trình ấy rất mơ hồ!”.

Cuộc tìm anh Cả dừng lại cho chuyến đi thắp nhang cho nội. Nhưng khốn nạn thay, anh Cả cũng đã bán luôn cả phần đất bố mua để chôn nội trong hoa viên, thời hạn bốn mươi năm. Anh đổi lấy năm trăm ngàn đồng, bốc nội lên. Anh Ba ngước mặt lên trời cao hét bằng tất cả hơi thở của mình: “Anh đã đem nội của tôi đi đâu anh Cả… ả… ả…”. Nhưng mình nghĩ, anh Cả không bất hiếu đến mức quăng nắm xương cốt nội ở một xó đường nào đó sau khi bán đất và bốc cốt nội lên. Cũng không tàn nhẫn đến mức để di ảnh nội dưới một gốc cây nào đó lạnh lẽo. Không một người bà con thân thuộc nào đáng tin, thì còn đâu để dựa vào nữa, ngoài những ngôi chùa. Gần trăm ngôi chùa được tìm trong suốt ba hôm. Và ngôi chùa Từ Quang, nằm sâu trong con hẻm nhỏ là ngôi chùa cuối cùng trong hành trình tìm nội. Nội ngồi ở trên cao, bên cạnh hàng trăm hũ sành buồn tủi trong tháp Vãng Sanh. Anh Ba là người phát hiện ra khi đọc được tên tuổi nội, viết bằng một cây bút lông, nét chữ cong cong của anh Cả, trên nền của hũ sành mang một màu xanh của biển.

Anh Ba ôm nội vào lòng, lâu lắm nỗi thẫn thờ của anh mới tạnh. Anh nói, “em về nhà nội, xin người ta cho mình nắm đất. Rồi ra ga, gặp anh ở đó”. Mình gói nắm đất để vào ba lô, chờ anh ở ga hơn hai giờ, chuông điện thoại càng reo, nỗi lo âu càng đầy lên như triều cường đang mùa trăng gắt nhất. Cuối cùng anh cũng đến. Anh đựng những nắm cát ở cảng vào trong một chiếc lọ thủy tinh trong suốt. Đặt vào cùng chiếc ba lô con, ôm khư khư trước ngực.

Tiếng còi tàu ở ga Đông Hà lần này như rít dài hơn, tê tái. Những con bồ câu phía xa giật mình tung cánh bay. Mình trườn ra phía cửa sổ tàu, cố gắng nhìn Quảng Trị thêm một lần nữa, như đứa bé no nê rồi vẫn còn muốn ăn thêm thật nhiều bánh kẹo. Lúc đó, mình không còn nội, không còn bố, không còn má và rất có thể không còn anh Cả. Ngôi từ đường và sào đất đã thành của người ta. Nó không chỉ là một cuộc bán mua đơn thuần mà đã trở thành một vết thương, chỉ cần ngó thôi cũng đủ thấy lòng mình tan nát cỡ nào. Anh Ba nói, chắc mình không về quê nữa. Nội sẽ vào Nam ở mãi với anh em mình. “Còn anh Cả, anh Ba?”. Anh không nói, mình biết anh Ba đang giận. Mình cũng sẽ giận anh Cả ghê lắm, nếu không biết anh đã ra đi và biến mất từ cảng khi cơn bão chớm vào bờ. Tự dưng lòng mình vang lên câu hỏi, chắc là vô thức thôi: “Anh Cả ra biển để làm gì, anh Ba?”. Anh lặng im, mình ước gì tiếng tàu cứ nổ mãi, nổ hoài đến vô tận. Để những khoảng trống được lấp đầy, khi những tiếng vọng thân thương đã gần như tắt lụi tự khi nào. Từ biển!

“Đó là chuyến đi cuối cùng của mình về quê nội, mình sẽ không còn bất cứ lần nào về và sẽ không về nơi đó nữa!” - Lời đó mình đã nói với chính mình cách nay gần 365 ngày…

*

Mưa phùn. Miền Nam mưa phùn rất lạ. Như sương, như mây, như dùng dằng và cũng như gờn gợi một niềm nhớ thương nào đó, xa thẳm. Anh Ba ngồi ở hiên nhà, nói vọng vào cho mình nghe, chắc anh biết nếu anh nói như tiếng anh hàng ngày, mưa sẽ nuốt trôi đi mất: “Út này, em có muốn đi Đông Hà không?”. Mình trả lời nhanh và dứt khoát: “Không, về làm chi để buồn!”. Lặng lâu, gió mới đưa nổi tiếng người: “Anh muốn đưa nội về ăn Tết”. Mình là đứa lặng im. Chỉ mình anh Ba cất tiếng: “Và tìm anh Cả!”.

Mình nhớ bố thường dạy rằng, niềm tin trong lòng nếu trồng ắt sẽ nở hoa ngoài đời thực. Lúc nằm trên tàu, đi ven bờ cát trắng tưởng chừng bị biển xóa nhòa. Lạnh nhiều, mình kéo chiếc áo bông màu biển của anh Cả để lại, khoác lên người. Ngó anh Ba, gương mặt đang mang một nỗi niềm khát khao, chờ đợi y hệt mười năm trước; bố, má dắt díu bầy con cùng mớ đường thốt nốt quê ngoại, lên tàu về quê thăm nội. Tiếng tàu lao xao như tiếng cát của đại dương. Nghĩ đến nơi tàu sẽ đến, lòng chợt thấy bồi hồi. Có một điều gì đó rất thân quen, cũng như quê hương, cũng như anh Cả vậy.

L.Q.T

 

 

 

LÊ QUANG TRẠNG
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 296 tháng 05/2019

Mới nhất

Bộ từ điển bỏ lại giữa rừng sâu

12 Giờ trước

Sau hiệp định Pari, 27/1/1973, chiến tranh tạm dừng, đại đội tôi đóng quân giữa bãi cát Lệ Xuyên, huyện

Đi tìm cỏ

12 Giờ trước

Nhiều lúc ngồi thẫn thờ nhìn đàn trâu bò gặm cỏ dọc triền đê chợt giật mình: Cỏ quê

Chị ấy…

12 Giờ trước

Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Huế tổ chức một chuyến đi thực tế dài ngày tại Tổng Công

Pa Ling mùa mưa

12 Giờ trước

Tháng 11, dưới cơn mưa rừng tầm tã, chúng tôi tìm về thôn Pa Ling, xã A Vao, huyện Đakrông,

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

31/03

25° - 27°

Mưa

01/04

24° - 26°

Mưa

02/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground