Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 18/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Bạn một thời

 

1.

C

ó một dải đất nằm dưới chân dãy Đá Bia, phía trên là những cụm núi đá nhấp nhô và cao hơn cả là ngọn Thạch Bi Sơn sừng sững kéo dài ra tận mũi Đại Lãnh có vòng cung biển quanh năm sóng vỗ. Cả vùng đất rộng ấy hầu như bạc màu chỉ tồn tại được những loài cây dại mọc lô nhô, lúp xúp cùng cái nắng đổ lửa, cái gió hun hút quật bời bời. Những đợt mưa tưới xuống dải đất chưa kịp đọng vũng liền bị hút sâu không chút bọt sủi. Dưới chân núi ấy cây lúa không kịp bén rễ đã khô, cây mì mọc khẳng khiu chơ vơ như gã bù nhìn bện rơm lay lắt cùng gió cát. Đất hoang hóa hơn trăm năm nay…

Vậy mà Hoàng từng bảo: “Có dịp mày về lại, khác xưa rồi, đã có đường dọc theo vòng cung biển, dân bám về đông vui lắm”. Khác thì Thạch chưa biết, nhưng cái thời biên giới phía Bắc rậm rịch, cả bọn học sinh trung học như Thạch được tập trung về vùng này cả tuần. Cả nước nén căng từng giờ qua tin thời sự, còn lũ bạn Thạch đứng chống cán cuốc, đưa tay lau mồ hôi trán rồi nhìn thành quả của mình là hầm hố chi chít, từng đoàn người khiêng vác vật liệu vượt qua từng trảng cát dài dưới ánh nắng xiên khoai rực nóng.

Thằng Hoàng khi ấy nhỏ nhất nhóm, người đen trùi trũi, tóc rễ tre che tay lên trán dõi mắt ra xa, buột miệng: “Cả ngàn hecta đất trống, muốn uýnh thì vào mà uýnh tại đây, chơi liền, ngán gì”. Dũng giơ chiếc mũ vải lên, xoay tròn, gào lớn: “Ê bọn mày, giặc đến xung phong xuống biển”. Cả bọn vác cuốc xẻng đồng loạt chạy theo nó rồi nhào xuống mặt nước đang có từng con sóng ập vào. Khi về, Hoàng đi bên Thạch nói nhỏ: “Sao cứ chọn miền biển làm nông nghiệp, rõ chán, nếu có con đường đi qua sẽ hay biết bao, tao sẽ về nơi này…”. Khi Thạch vào đại học thì Hoàng đã vào bộ đội. Bặt tin. Khi nó về thi vào đại học, thì Thạch đã làm việc ở thành phố và nghe Hoàng ra trường về vùng đất hoang hóa ấy. Mấy chục năm chứ ít gì, có lúc về nhà thì Thạch vội tìm Hoàng, vẫn nước da đen ngòm ấy nhưng ánh mắt thì ngời ngợi sáng: “Đang tồn tại, mà quả thực nơi ấy khó khăn thiệt”. Lúc Hoàng có vợ, anh nghĩ, sẽ là cô gái vùng biển có thân hình chắc lẳn, gánh cá băng băng vượt từng doi cát ra chợ vì nơi Hoàng ở vẫn chưa có con đường với hàng ngàn hecta đất hoang hóa.

2.

Gã xe thồ có nước da đen cháy, mái tóc bù rối trông như bờm ngựa lại chụp lên chiếc mũ bảo hiểm đỏ chói đến nhức mắt dưới cơn gió nồm nam quăng quật, đang nhả hết tay ga về thôn Tân Vinh, tiếng gã vang vang át hẳn tiếng gió rít:

- Ông anh yên tâm, vài phút nữa là đến, cứ chạy theo đường mới rồi rẽ khu đìa tôm là gặp Hoàng đại úy. Ở đây ai cũng biết thầy ấy!

Đúng như qua điện thoại Hoàng bảo, con đường nằm dưới chân Đá Bia đã mở, tráng nhựa phẳng lì đang hầm hập nóng, hai bên vẫn còn những trảng cát, lô nhô dứa dại, từng cụm dủ dẻ đang nhờ nhờ trước mắt bởi cát nóng tỏa hơi. Thỉnh thoảng xuất hiện một vài cụm nhà lợp ngói đỏ còn mới trông xa như một ốc đảo. Tiếng gã xe thồ vẫn liến thoắng:

- Khu này đang được qui hoạch, dân cư ở bên trong, bên ngoài là các nhà máy; còn phía dãy núi gần biển kia là vùng du lịch sinh thái, ngon lành hẳn không như trước đây bỏ hoang chỉ có lũ chồn, thỏ rừng, dông biển tụ tập.

Hèn gì Hoàng còn nói thêm có dịp Thạch về lại, khác xưa rồi, có đường phủ nhựa dọc theo vòng cung biển đông vui lắm. Nó nói đúng thật, không như trước kia, thời học sinh được tập trung về vùng này để lao động trồng cây điều, cây bạch đàn. Một thời gian, nắng quá, cây chết sạch lại nhường cho gai mắt mèo, dủ dẻ cùng những trảng cát lô nhô.

Căn nhà Hoàng đối diện các đìa tôm bên hàng dừa cao chưa quá đầu kề bên rạch nước, Hoàng nheo mắt nhìn Thạch cười, lần gặp này trông nó hồng hào hơn đợt gặp trước dù tóc đã bạc. Thạch cất tiếng chào đại úy, nó cười khành khạch chỉ tay lên tấm bảng hiệu: “Tôi làm đại lý thức ăn tôm, mấy cha gọi khác đi để phân biệt với thằng Hoàng xóm dưới chứ đâu có thiếu úy, đại úy gì…”. Hoàng đưa Thạch ra sau, nơi này cũng mặt đầm rộng chạy dài liền kề cánh đồng lúa, có các đìa tôm tung tóe nước vì máy đang sục khí. “Làm ăn trông vẻ ngon lành quá Hoàng?”. Nó nheo mắt: “Cũng tạm được, trầy trật nghiên cứu mãi giờ thì vợ con yên tâm rồi”. Hoàng đưa Thạch vào nhà, lách qua đống bao bì, dãy tủ đựng thuốc ngừa bệnh cho tôm, qua phòng khách có bộ salon bám bụi vẫn còn nghe tiếng động cơ sục khí dồi dội rào rào vẳng đến.

- Ông ném túi xách lên phản gỗ rồi tắm cho hết bụi đường, chiều nay nhóm sáu Hải tát đìa, chắc chắn bọn nó mang vài ký tôm tha hồ ông thưởng thức, ngắm trời mây non nước để nhớ nơi này có thời bọn mình chống cuốc nhìn cát bay, cát nhảy mà lắc đầu ngán ngẩm.

Thạch mở nắp phên đậy hồ nước vừa hỏi Hoàng:

- Mà này, bà xã và tụi nhóc đâu chả thấy?

- Hai mẹ con về ngoại, đang vụ cá làm mắm. Yên chí, chiều có mặt trình diện ông liền, bả làm sao dám bỏ tôi một mình, đẹp trai nhất xóm mới nghe ông!

Thạch phì cười đến sặc nước, nước mát lạnh cứ xách nguyên thùng dội ào ào thật đã đến tỉnh hẳn người.

Có tiếng Hoàng từ nhà trên vọng xuống:

- Chừng nào ông đi?

- Mai, sáng mai đi liền qua đường mũi Điện, thăm thằng Quốc làm cảng Vũng Rô rồi vào Nha Trang họp.

Thạch ngồi xếp bằng giữa các bạn Hoàng đang ở vùng đất này, chúng chưa quá bốn mươi với vóc người chắc đậm và cười đùa luôn miệng. Hoàng cho tắt điện để đặt cây đèn bão bên cạnh lò than rực hồng. Ngân, vợ Hoàng đang cắm cúi chọn tôm, mực đưa lên vỉ nướng lúc nó cùng đứa con gái lăng xăng ra vô bưng bê các món khác. Chiều nay, lúc anh còn ngủ trên cánh võng bên chái hiên thì Hoàng chở vợ về. Khác với ý nghĩ trước đây, Ngân không có thân hình chắc nịch, dáng đi tất tả của phụ nữ làng chài mà nhẹ nhàng thon thả cùng làn da nâu đen của phụ nữ vùng biển. Thấy anh chào, Ngân cười lộ lúm đồng tiền bẽn lẽn vén tóc rồi lẳng lặng ra sau bếp. Thạch khèo tay Hoàng, nói nhỏ: “Ông trụ luôn ở đất này là phải đạo, tôi phục ông sát đất”. Nó ha hả cười: “Thì đã bảo, tôi không để cái gì hoang hóa kia mà. Nói vậy thôi chứ khó lắm, cỡ ông có ba bằng đại học cũng vái, phải tại chức nơi đây thì được!”

3.

Trăng lên từ phía biển, lúc đầu đỏ đậm rồi bừng sáng soi bóng xuống mặt đầm trong gió hiu hiu thổi lướt qua nhè nhẹ không còn rú rít, ào ạt như ban ngày. Thạch đưa mắt nhìn phía các đìa tôm đang sáng rực ánh điện cùng tiếng máy sục khí theo gió vọng đến. Hoàng nhìn Thạch và mọi người:

- Đây là người bạn học từ nhỏ, các chú cứ tự nhiên đừng khách sáo làm gì. Uống ly đầu làm bạn, ly sau thì cứ hồn nhiên không ép. À, làm con tôm nướng nuôi đất này nghe Thạch.

Hoàng chuyền rượu qua Thạch, mùi rượu nồng nồng lúc anh nâng ly có mùi trái điều mà gã xe thồ chở anh vượt qua những vườn điều ấy, loại cây chịu được vùng gió cát. Lúc Ngân đi khuất, anh nhìn nhóm bạn Hoàng người nào cũng có làn da rám nắng, vòm ngực căng đầy có tiếng nói nằng nặng của dân xứ biển. Anh cười cùng mọi người rồi nói:

- Nói thiệt với các bạn, lúc đầu tôi không tin ông bạn tôi ngồi đây sẽ trụ được ở đất này, cứ nghĩ nó anh hùng rơm một thời gian ngắn rồi tháo về phố, nhưng giờ thì quá ngon lành, giỏi thiệt.

Hoàng bật cười đưa mắt nhìn mọi người rồi chọn con mực hấp bỏ vào chén Thạch, nói thêm:

- Thú thiệt là ban đầu mình cũng ngán, khổ thì chẳng sợ; có những đêm lang thang trên đồi cát nhìn đìa tôm lẻ loi của mình mà muốn dẹp quách, bỏ về! Nhưng nhờ có lò mắm nhà Ngân (nó lại cười rõ to) vừa đặc quánh, vừa đậm đà lại thơm lựng bởi lượng đạm cao. Mình nấn ná ở lại định học lóm thì tình yêu cột chặt đất này. Lúc ấy, làm gì có đường sá, mỗi lần giao cho bạn hàng phải thuê người gánh gồng vượt cát. Sau này, có đường thông qua, mới rủ anh em đây nuôi tôm nước lợ cùng mình, lúc đầu lỗ trắng mắt ấy chứ.

Sáu Hải, người mang tôm đến lúc chiều gãi đầu nhìn Thạch:

- Cả làng nầy đều gọi anh Hoàng bằng thầy, anh em bọn tôi nhờ ổng dạy lũ nhỏ chứ lúc ấy đến trường xa lắm, mà xứ biển khi được kêu thầy là nhất, có cô con gái của ông chủ vựa mắm đẹp nhất vùng cũng ưu tiên cho thầy. Khi thầy rủ lên đây đứa nào chẳng ngán vì khi ấy hoang vu chỉ độc đạo con đường lỗ chỗ đá sỏi, nhưng thầy ở được thì mình cũng ở được! Theo liền…

Người tên Câu có nước da đen sậm, tóc rễ tre dựng đứng, đôi tay to bè xòe ra khoát khoát:

- Ba đời nhà mình từng ăn cùng cát, ngủ cùng cát rồi chết cũng vùi trên cát. Tôi mở mắt chào đời thấy mênh mông cát và biển. Đi khơi thì được, về bó gối nhìn mưa buồn rũ rượi. Theo thầy Hoàng làm công, rồi mày mò ra riêng nuôi tôm, có thầy cho con giống, hướng dẫn nuôi, dần dà xây được căn nhà ngói. À, mời anh Thạch ly rượu xứ nầy….

Hoàng im lặng ngóng mắt ra phía đìa tôm sáng đèn, giọng chợt trầm hẳn khi quay lại nhìn mọi người:

- Vùng đất nầy cũng lắm biến thiên, thời Pháp có ngọn hải đăng sừng sững phía mũi Điện, thời Mỹ thì đoàn tàu không số ở bãi Môn, lịch sử oai hùng nhưng khắc nghiệt vô cùng. Khi điện đường trường trạm có thì sáng hẳn để người dân trụ lại, đâu phải đất khó mà con người không chịu được khổ.

Sáu Hải chen vào câu nói của Hoàng:

- Mà hay thiệt nghe, nhớ lúc đoàn khảo sát đến phát hiện bên dưới vùng đất hoang này có con sông ngầm chảy ra biển, tỉnh lập kế hoạch nạo vét thành mặt đầm rộng. Thầy Hoàng liền rủ mọi người lập đìa tôm, tiền bỏ ra san ủi nóng cả mặt, lỡ công cốc thì cả bọn đi biệt xứ. Giờ khu này thành hình sau bao thành công lẫn thất bại cũng nhờ công thầy Hoàng. Thằng Thanh kia! Mày uống đi chứ, sao cứ để nước đứng hoài vậy mày, thủy lợi chỗ tao khô hạn đây này!

Trăng đã lên cao dần chếch về hướng tây có dãy núi mờ mờ, gió vẫn nhẹ hòa trong tiếng máy sục khí đều đều. Sáu Hải đứng lên bảo mọi người:

- Thôi bọn mình về chòi canh tôm để nghỉ mai còn làm vệ sinh cho sạch đìa và để hai thầy ngồi tâm sự.

Hôm sau, Thạch chia tay gia đình Hoàng, nó đưa anh ra ngã ba đường có gã xe thồ đợi sẵn và cẩn thận cột chặt thùng tôm chua do Ngân làm; dặn nhỏ: “Khi nào có dịp về chỗ tôi chơi vài ngày, tôi gọi thêm vài người bạn cũ của mình rồi về làng biển, nhiều cái hay mà ông chưa biết”. Thạch gật đầu siết chặt tay người bạn một thời khi bên tai vẫn nghe văng vẳng tiếng vọng từ phía các đìa tôm, tiếng cười vang vọng của người đìa tôm đầy sảng khoái với nắng gió ở một vùng đất từng một thời hoang hóa.

H.T.T

 

 

 

 

 

 

 

HUỲNH THẠCH THẢO
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 297 tháng 06/2019

Mới nhất

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Viếng Nghĩa Trủng Đàn đầu năm Giáp Thìn

08/04/2024 lúc 22:34

Mười năm rồi lại trăm nămĐàn Nghĩa Trủng mãi ơn Hoàng Bích KhêTử sĩ Tây Sơn

Giêng hai gieo những ngọt ngào; Ký gửi

08/04/2024 lúc 22:33

Giêng hai gieo những ngọt ngàoGiêng hai lúa đã xanh đồngGiêng hai cải đã trổ

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

19/04

25° - 27°

Mưa

20/04

24° - 26°

Mưa

21/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground